Trang chủ    Quốc tế    Kinh nghiệm về củng cố và bảo vệ độc lập dân tộc trong bối cảnh mới từ Cộng hòa Ấn Độ
Thứ tư, 05 Tháng 7 2017 14:52
1785 Lượt xem

Kinh nghiệm về củng cố và bảo vệ độc lập dân tộc trong bối cảnh mới từ Cộng hòa Ấn Độ

(LLCT) - Độc lập - tự do là khát vọng mãnh liệt của con người và độc lập dân tộc là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của một quốc gia, bảo vệ độc lập là nhiệm vụ cao nhất của mọi quốc gia, nhất là đối với các nước mới giành lại được độc lập, điểm xuất phát thấp. Quá trình củng cố và bảo vệ độc lập dân tộc của Ấn Độ từ 1991 đến nay đã đạt được những thành tựu to lớn, tạo tiền đề vững chắc cho phát triển đất nước.

Từ năm 1991, Ấn Độ bắt đầu công cuộc cải cách toàn diện chuyển đổi nền kinh tế tập trung, kế hoạch sang nền kinh tế thị trường, mở cửa và tự do hóa nền kinh tế, chú trọng khu vực tư nhân, tự do hóa thị trường tài chính, thu hút FDI, phát triển dịch vụ và các ngành công nghệ cao, phát triển hạ tầng... Ấn Độ đã đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực.

Kinh tế có những bước phát triển vượt bậc. Từ một nền kinh tế trì trệ khủng hoảng, GDP Ấn Độ tăng trưởng mạnh mẽ: năm 1991 GDP tăng 5,68%; bình quân giai đoạn 2000 – 2010 tăng 6,9%/năm. Năm 2010 GDP đạt 1.530 tỷ USD, đứng thứ 10 thế giới; năm 2011 đạt 2.965 tỷ USD, đứng thứ 4 thế giới sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản. Tăng trưởng GDP các năm 2015 -2016 khoảng 7,4% và dự báo là nền kinh tế có tốc độc tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2017. Thế mạnh nổi trội của Ấn Độ là dịch vụ chiếm 60,7%GDP, đặc biệt dịch vụ phần mềm và tài chính rất phát triển.

Khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, đóng góp 50% GDP và 60% sức tăng trưởng; có hơn 100 công ty vốn thị trường từ 1 tỷ USD trở lên. Trong nông nghiệp, Ấn Độ tiếp tục phát huy thành tựu của các cuộc cách mạng xanh, cách mạng trắng. Trở thành nước đứng đầu thế giới về sản lượng sữa, đậu đen, đay, chè, mía, rau; đứng thứ 2 về sản lượng lương thực.

Chính trị duy trì tương đối ổn định. Mặc dù còn nhiều vụ khủng bố, mâu thuẫn tôn giáo và đấu tranh gay gắt giữa các đảng. Với chính sách đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt mà trọng điểm là “Chính sách hướng đông” sau chuyển thành “Hành động phía Đông”, chính sách văn hóa mềm... đã giúp Ấn Độ có một vị thế và tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới và đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ấn Độ có tiềm lực quốc phòng mạnh thứ tư (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga); Ngân sách quốc phòng năm 2010 là 32,75 tỷ USD.

Việc sở hữu vũ khí hạt nhân giúp Ấn Độ có vai trò răn đe chiến lược ở Nam Á và toàn cầu. Năm 2015, Ấn Độ đã thông qua các dự án quân sự trị giá hơn 40 tỷ USD. Ấn Độ là thành viên của một loạt các cơ chế an ninh khu vực như: ARF (1995), ReCAAP (2006), ADMM + (2010).

Về văn hóa - xã hội và khoa học công nghệ: Ấn Độ luôn sử dụng yếu tố văn hóa để củng cố cho sức mạnh tổng hợp quốc gia. Với chính sách văn hóa mềm và ngoại giao Phật giáo, Ấn Độ đã thành công trong việc quảng bá hình ảnh của một đất nước đa sắc tộc, đa văn hóa với thế giới và trở thành một điểm du lịch hành hương với hệ thống dày đặc các viện bảo tàng, các danh lam thắng cảnh mang đậm nét văn hóa của Ấn Độ đối với các tín đồ Phật giáo trên toàn cầu. Ấn Độ còn đẩy mạnh phát triển ngành điện ảnh Bollyhood và môn thể thao tâm linh Yoga. Ấn Độ đã đề xuất thành công Liên Hợp quốc công nhận ngày Quốc tế Yoga. Xuất khẩu ngành điện ảnh Bollyhood và Yoga cũng góp phần lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia mới nổi này.

Ấn Độ được đánh giá là trung tâm nguồn nhân lực chất lượng trên toàn thế giới đặc biệt trung lĩnh vực IT, khoa học kỹ thuật và y học. Với nguồn nhân lực 567 triệu người, trẻ (bình quân 24 tuổi), có kỹ năng, 100 triệu người sử dụng tiếng Anh thành thạo, 4 triệu nhà khoa học (nhiều người có trình độ hàng đầu thế giới).

Tuy vậy, do ảnh hưởng từ hoàn cảnh địa lý, văn hoá, lịch sử, xã hội Ấn Độ, quá trình củng cố độc lập dân tộc của Cộng hòa Ấn Độ vẫn còn một số hạn chế: Cải cách kinh tế đã góp phần cải biến xã hội, tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn, việc làm và ổn định nền kinh tế xã hội, song hiện Ấn Độ đang phải đối mặt với vấn đề năng lượng ngày càng trầm trọng. Tính chung, khoảng 56% người dân không thể tiếp cận được nguồn điện. Riêng tại khu vực nông thôn, nơi có 2/3 dân số 1,1 tỷ người, chỉ có 44% hộ gia đình được sử dụng điện từ hệ thống cung cấp điện. Ấn Độ vẫn luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề an ninh chính trị cả bên trong và bên ngoài. Đó là những mâu thuẫn vốn tồn tại từ bên trong Ấn Độ, nhất là giữa cộng đồng người Ấn Độ giáo và người Hồi giáo. Tham nhũng cũng đang là vấn đề thách thức lớn đối với cải cách ở Ấn Độ, nó làm cho mâu thuẫn xã hội càng trở nên sâu sắc hơn. Những thách thức từ bên ngoài ảnh hưởng nhiều đến tiến trình cải cách. Bên cạnh vấn đề Kashmir và những mâu thuẫn với Pakishtan, là những vấn đề lịch sử và một số những vấn đề mới nổi lên trong quan hệ với Trung Quốc đang là một thách thức lớn đối với Ấn Độ.

Vấn đề phân hóa giàu nghèo và cùng với nó là quan niệm về đẳng cấp dù đã có những tiến bộ nhất định nhưng về dài hạn thì sự tồn tại của đẳng cấp Dalit cũng là vấn đề khó khăn. Vấn đề dân số của Ấn Độ cũng vừa là nhân tố thuận lợi vừa là thách thức.

Từ quá trình cải cách, phát triển kinh tế, từng bước cải biến xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội và tăng cường an ninh quốc phòng, củng cố độc lập dân tộc của Ấn Độ bước đầu đúc rút một số kinh nghiệm đối với các nước đang phát triển:

Một là, phải cải cách để phát triển, trước hết là phát triển kinh tế, hướng mạnh vào những lĩnh vực giàu tiềm năng thế mạnh

Cuộccải cách năm 1991 ở Ấn Độ là tất yếu, là sự chuyển đổi từ mô hình kinh tế cũ sang một mô hình mới đang trở thành xu thế của toàn cầu. Dù mỗi quốc gia có những đặc điểm khác nhau, nhưng cải cách để tìm ra hướng đi mới phù hợp với thời đại là một bài học thiết thực để các nước đang phát triển.

Xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, trong đó ưu tiên phát triển các ngành mũi nhọn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngay khi thực hiện cải cách Ấn Độ đã lựa chọn phát triển ngành mũi nhọn đó là công nghệ thông tin, viễn thông và công nghiệp vũ trụ. Một trong những ngành công nghiệp giành được nhiều thành tựu nhất nhờ cải cách kinh tế ở Ấn Độ là ngành công nghệ thông tin. Sau hai thập kỷ từ chưa hề xuất hiện, ngành này đã trở thành nguồn lực quốc gia. Đó là ngành công nghiệp Ấn Độ mang tính toàn cầu cao nhất và tạo ra những dấu ấn quốc tế về chất lượng, chứng tỏ cho thế giới rằng các công ty Ấn Độ có thể cạnh tranh trên phạm vi thế giới và chiến thắng nhờ chất lượng. Nó cũng chỉ ra việc có thể đạt được bằng cách tận dụng sức mạnh của tầng lớp trung lưu, thế hệ chủ doanh nghiệp đầu tiên tại Ấn Độ. Tuyệt đại đa số các công ty trong lĩnh vực này được mở ra bởi các chủ doanh nghiệp có nền tảng xã hội ở mức trung bình và có rất ít khả năng về vốn. Theo nhiều cách, ngành này đã giúp tạo ra thương hiệu “Ấn Độ mới” và trở thành niềm cảm hứng cho tất cả các ngành khác. Ngay từ những năm 1990, cùng với chủ trương tự do hoá và mở cửa kinh tế, Chính phủ Ấn Độ đã có những đầu tư chiến lược để đạt được mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành một siêu cường về IT trên thế giới. Đưa công nghệ thông tin lên là ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung nhanh, mạnh vào lĩnh vực phần mềm, Ấn Độ đã nhanh chóng có được thành công vượt trội. Với khẩu hiệu “công nghiệp phần mềm Ấn Độ là kiểu mẫu của sức mạnh và sự thành công”, Chính phủ Ấn Độ đã thực thi kế hoạch phát triển toàn diện phần mềm - ngành có thể tận dụng và khai thác triệt để tài năng của đội ngũ khoa học và kỹ sư Ấn Độ.

Về công nghệ vũ trụ, Ấn Độ cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng, một mặt khẳng định khả năng to lớn của nước này trong nghiên cứu vũ trụ, mặt khác cho thấy quyết tâm và khả năng phát triển tiềm lực quân sự. Ngoài khả năng chế tạo tên lửa đẩy, tàu phóng vệ tinh, Ấn Độ cũng cho thấy tiềm lực mạnh trong chế tạo vệ tinh. Với những bước tiến lớn trong ngành công nghệ vũ trụ, Ấn Độ đang dần hiện thực hóa giấc mơ chinh phục vũ trụ.

Như vậy, Ấn Độ đã có những thành tựu lớn trong phát triển kinh tế dựa vào các ngành công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin… Sự phát triển nhanh chóng trong các ngành công nghiệp đã góp phần làm cho kinh tế Ấn Độ có những bước chuyển biến lớn, một quốc gia đang trỗi dậy ở châu Á và thế giới. Từ bài học kinh nghiệm này của Ấn Độ, các quốc gia đang phát triển cần tìm ra bước đi đột phá trong cải cách đó là phát triển các ngành kinh tế là thế mạnh của quốc gia mình.

Hai là, mở cửa nhưng độc lập, hướng vào phát triển kinh tế dịch vụ nội địa

Thực hiện cải cách, Ấn Độ thực hiện xóa bỏ các rào cản về thuế quan, tạo mọi điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài. Ấn Độ mở cửa với một môi trường đầu tư thông thoáng nhưng trong các chính sách cải cách vẫn thể hiện tính hướng nội nhất định thể hiện tính độc lập trong định hướng phát triển đất nước. Nền kinh tế Ấn Độ được mở cửa từng bước, từ từ, không vội vàng du nhập tất cả những mô hình mở cửa và phát triển thành công của các nước châu Á khác. Trong giai đoạn đầu, những cải cách của Ấn Độ chỉ tập trung vào giải quyết khủng hoảng kinh tế, tiếp đó là từng bước xoá bỏ những kiểm soát quan liêu kìm hãm các ngành công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu, bước đầu giảm bớt rào cản đối với đầu tư nước ngoài. Tất cả những biện pháp này vừa là sự giải thoát nền kinh tế khỏi một mô hình quản lý không còn phù hợp, vừa để tranh thủ nguồn lực phát triển từ bên ngoài.

Ấn Độ không lựa chọn mô hình tận dụng nguồn lực bên ngoài thông qua hàng loạt công xưởng sử dụng nhiều lực lượng lao động để sản xuất các sản phẩm nông-công nghiệp hướng vào xuất khẩu. Chính sách quy định các sản phẩm cho ngành công nghiệp quy mô nhỏ (SSI) đến nay vẫn tồn tại dù đã được cắt giảm còn 605 mục. Những cứng nhắc trong Luật lao động bị chỉ trích là hạn chế cơ hội việc làm đối với một đất nước có tỷ lệ thất nghiệp lớn vẫn chưa được cải cách. Nguyên nhân của điều này nằm ở những lo lắng sâu xa rằng nền kinh tế Ấn Độ sẽ bị mất tính độc lập nhất định và sẽ trở nên bị phụ thuộc vào các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia. Các công ty Ấn Độ không muốn việc làm của họ, thị trường của họ, lợi nhuận của họ bị chảy ra nước ngoài. Mở cửa để tranh thủ nguồn vốn tư bản, nguồn vốn về quản lý và khoa học kỹ thuật để nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế độc lập là mục đích của Ấn Độ. Trên cơ sở đó, Ấn Độ lựa chọn cho mình một mô hình phát triển riêng, độc đáo. Ấn Độ đã dựa vào thị trường trong nước nhiều hơn là xuất khẩu, tiêu dùng nhiều hơn đầu tư, dịch vụ nhiều hơn công nghiệp và công nghệ cao nhiều hơn sản xuất công nghiệp kỹ năng thấp.

Quá trình thực hiện các biện pháp cải cách đã khiến Ấn Độ có một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào dịch vụ và tiêu dùng trong nước. Tiêu dùng chiếm 64% GDP của Ấn Độ, trong khi châu Âu là 58%, Nhật Bản 55% và Trung Quốc là 42%. Dịch vụ chiếm hơn 50% GDP của Ấn Độ, nông nghiệp chỉ ở mức 22% và công nghiệp là 27%. Sự phát triển hướng vào bên trong này đã làm cho nền kinh tế Ấn Độ phần lớn được cách ly khỏi những sự suy thoái của kinh tế toàn cầu, cho thấy mức độ ổn định và mức độ phát triển của nó.

Bà là, quan tâm giải quyết vấn đề dân tộc trong một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, đa ngôn ngữ.

Trong quá trình phát triển quốc gia này luôn coi vấn đề dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để đảm bảo sự ổn định và phát triển đất nước. Ngay từ khi giành độc lập, Ấn Độ đã pháp lý hóa vấn đề ngôn ngữ và tôn giáo để đảm bảo tính dân chủ phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của các cộng đồng dân cư. Thời kỳ sau Chiến tranh lạnh với tác động sâu sắc của toàn cầu hóa, Ấn Độ đã có chính sách phát triển tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng trong toàn quốc nhưng vẫn duy trì tiếng Hindu song song trong tất cả các hoạt động hành chính của đất nước. Mặc dù đầu tư vào chính sách ngoại giao Phật giáo nhưng không làm ảnh hưởng đến các tôn giáo khác cũng như không coi tôn giáo nào là chính thức hay ngoại lại tại quốc gia này. Trên thực tế, tại Ấn Độ vẫn xảy ra những mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo nhưng Chính phủ luôn tìm cách giải quyết mọi vấn đề một cách linh hoạt mềm dẻo tạo ổn định về chính trị nội bộ và khẳng định Ấn Độ là một nước dân chủ bậc nhất thế giới.

Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc, thời cơ quốc tế, chính sách đối ngoại linh hoạt mềm dẻo và phát huy vai trò cá nhân của các lãnh tụ.

Chiến tranh lạnh kết thúc, bối cảnh quốc tế, khu vực cũng như tình hình trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến quá trình củng cố và bảo vệ độc lập dân tộc của Cộng hòa Ấn Độ. Để đáp ứng được tình hình mới, một mặt Ấn Độ thực hiện cải cách kinh tế, ổn định chính trị nội bộ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc thù của Ấn Độ, mặt khác các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra những sách lược mới, thực hiện chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại nhằm phục vụ cho công cuộc cải cách kinh tế toàn diện, phát huy tối đa vai trò của Ấn Độ trong khu vực và trên thế giới.

Mục tiêu cụ thể của chính sách đối ngoại thời kỳ này là: Bảo vệ độc lập chủ quyền, an ninh quốc gia; tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế; tăng cường và mở rộng quan hệ với các nước lớn, các trung tâm kinh tế thế giới  nhằm tranh thủ vốn đầu tư và kỹ thuật cao; đẩy nhanh quá trình hội nhập khu vực và hội nhập toàn cầu; nâng cao vai trò và vị thế của Ấn Độ trong khu vực và thế giới, đưa Ấn Độ trở thành cường quốc ở châu Á và thế giới vào những thập niên đầu của thế kỷ XXI, giành vị trí xứng đáng trong trật tự thế giới mới. Để đạt được mục tiêu này, Ấn Độ đã triển khai một số nội dung lớn trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao: Thứ nhất là, điều chỉnh chính sách đối ngoại với các nước lớn. Trong bối cảnh “nhất siêu đa cường”, việc cải thiện quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ là nhân tố quan trọng để một quốc gia đẩy nhanh hội nhập quốc tế và cất cánh. Nhờ cải thiện được mối quan hệ với Hoa Kỳ và các nước lớn khác mà Ấn Độ đã có được bước phát triển nhanh chóng. Thứ hai là, chính sách với các nước láng giềng: Mặc dù do lịch sử để lại, Ấn Độ và các nước Nam Á, đặc biệt là Pakistan luôn có quan hệ và nghi ngờ lẫn nhau, nhưng Ấn Độ đã có những hướng thay đổi linh hoạt, muốn đi vào lòng các nước Nam Á bằng một hình ảnh thân thiện và xây dựng. Thứ ba là, Chính sách hướng Đông. Nắm bắt thế kỷ XXI là thế kỷ của châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ đã triển khai Chính sách hướng Đông và Đông Nam Á là khu vực trọng tâm của chính sách này. Ấn Độ đã gặt hái được những thành công trong những năm gần đây. Chính sách Hướng Đông chuyển thành chính sách Hành động phía Đông, chính sách Các nước láng giềng là ưu tiên số một, Chính sách ngoại giao Phật giáo... là sự linh hoạt trong chính sách ngoại giao đã giúp Ấn Độ có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt trong những năm qua.

Trong những bước phát triển ấy không thể không kể đến vai trò cá nhân của các Thủ tướng Ấn Độ. Từ đầu cuộc cải cách ở Ấn Độ đã có sự gắn bó chặt chẽ với vai trò của của Manmohan Singh. Ông là tác giả của công cuộc cải cách ở Ấn Độ từ khi là Bộ trưởng Tài chính trong Chính phủ của Thủ tướng N. Rao. Với tư cách người đứng đầu Bộ Tài chính Ấn Độ, Manmohan Singh từ từ khởi động quá trình tổ chức, cơ cấu lại nền kinh tế Ấn Độ. Trên thực tế, Thủ tướng Rao đã hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Manmohan Singh.

Tháng 7 - 1991 được coi là mốc đánh dấu việc triển khai cải cách kinh tế Ấn Độ. Đây là cuộc cải cách toàn diện với 4 hướng chính: Lấy lại cân bằng vĩ mô, giảm mức thâm hụt ngân sách Chính phủ, kiểm soát lạm phát. Tăng hiệu quả của khu vực kinh tế quốc doanh bằng cách cấu trúc lại khu vực này. Giảm bớt hạn chế đối với các xí nghiệp tư nhân, đặc biệt khuyến khích đầu tư nước ngoài. Nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Ấn Độ, từng bước tự do hoá thị trường tài chính – tiền tệ – ngân hàng, giảm thuế quan, thúc đẩy xuất nhập khẩu.

Ngay cả khi Chính phủ của Thủ tướng Vajpay cầm quyền trong những năm 1998 - 2004, những cải cách của Ấn Độ vẫn hướng theo nội dung mà Chính phủ tiền nhiệm N. Rao đã vạch ra.

Chính phủ của Thủ tướng Vajpay đã đề ra chương trình "cải cách vòng 2", hay "cải cách giai đoạn 2", mà thực chất là cải cách trong các lĩnh vực nhà nước như: tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải... Như vậy, đây là sự tiếp nối của cải cách giai đoạn 1 mà tổng công trình sư của nó chính là M. Singh.

Manmohan Singh đã làm xoay chuyển tình hình Ấn Độ qua việc thay đổi hệ thống quản lý kinh tế độc quyền nhà nước. Ông cũng phá giá đồng rupee nhằm kích thích xuất khẩu, nới lỏng luật đầu tư nước ngoài, mở cửa lĩnh vực viễn thông, tinh luyện dầu và thị trường chứng khoán, giảm thuế và bài trừ quan liêu, xây dựng lại dự trữ ngoại tệ của Ấn Độ. Ông chính là người làm cho Ấn Độ hồi sinh mạnh mẽ thời gian qua và đang ngày càng có vị thế cao trên trường quốc tế. Từ năm 2004 – 2014 cuộc cải cách ở Ấn Độ càng phát triển mạnh mẽ khi tác giả của nó trực tiếp đứng ra chỉ đạo với cương vị Thủ tướng. Vai trò của Manmohan Singh đối với cải cách ở Ấn Độ là điều không thể phủ nhận.

Tiếp tục sự nghiệp cải cách của M. Singh, ngay sau khi lên làm Thủ tướng N. Modi lại có những dấu ấn đặc biệt trong chính sách đối ngoại. Mở đầu là “chính sách ưu tiên các nước láng giềng là số một” .Quyết định mời tất cả nguyên thủ quốc gia của các nước Nam Á đến dự lễ nhậm chức của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là tín hiệu cho thấy rằng quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng sẽ là trung tâm trong chính sách đối ngoại của chính phủ Ấn Độ. Khi ông Modi được bầu làm thủ tướng, các cử tri kỳ vọng rằng ông sẽ ban hành nhiều chính sách thúc đẩy các chỉ số tăng trưởng đang bị suy giảm của Ấn Độ. Thủ tướng Modi cần cho thấy chính phủ của mình đã đạt được những thành tựu nhất định, bắt đầu bằng việc nâng cao tỷ lệ thương mại nội vùng trong Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á (SAARC) vốn đang ở mức khiêm tốn (5%). Đây là một mức thấp khi so sánh với mức hơn 60% của Liên minh châu Âu (EU) và 25% của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tỷ lệ thương mại nội vùng thấp như vậy chủ yếu do cơ sở hạ tầng yếu kém và các tranh chấp địa chính trị đã tồn tại từ lâu trong khu vực này.

Chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Modi trên cương vị thủ tướng Ấn Độ là tới nước láng giềng Bhutan. Tại đây, ông hứa sẽ hỗ trợ cho việc phát triển các dự án thủy điện của nước này. Sau đó, ông là Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên đến thăm Nepal trong gần hai thập kỷ. Ông cũng ký một thỏa thuận về trao đổi đất đai với Bangladesh nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ kéo dài suốt 70 năm với nước láng giềng này. Chuyến công du tiếp theo đến Sri Lanka được thực hiện nhằm thắt chặt trở lại mối quan hệ đã lạnh nhạt đi nhiều dưới thời cựu Tổng thống Mahinda Rajapakse, vốn giành ưu tiên cho quan hệ với Trung Quốc. Cùng thời điểm đó, Thủ tướng N.Modi chuyển “Chính sách hướng Đông” thành “chính sách Hành động phía Đông” và chính sách “ngoại giao văn hóa".

Sự nghiệp củng cố độc lập dân tộc có được những thành tựu như hiện nay là có dấu ấn sâu đậm của những người đứng đầu Chính phủ đặc biệt là M. Singh và N. Modi.

Một kinh nghiệm của Ấn Độ cho thấy, muốn nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của khu vực, của quốc tế, một chủ trương, chính sách lớn phải có tầm nhìn bao quát, phải mang tính thời đại. Đây cũng là điểm quan trọng lý giải tại sao cũng là những nước đang phát triển lớn như Brazil, Indonesia lại kém thành công hơn Ấn Độ

Năm là, phát triển kinh tế ngay từ đầu phải kết hợp với chính sách xã hội và bảo vệ môi trường

Ngay từ đầu Ấn Độ đã kết hợp tăng trưởng kinh tế vấn đề môi trường, xã hội. Ấn Độ tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài nhưng Ấn Độ kiên quyết không chấp nhận những FDI ảnh hưởng đến môi trường hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. Đây chính là bài học kinh nghiệm cho sự phát triển bền vững đối với các nước phát triển.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách xã hội song song với các chính sách kinh tế cũng chưa được triển khai mạnh mẽ như những cam kết của các Thủ tướng trong quá trình tranh cử. Chính vì thế xã hội Ấn Độ vẫn tồn tại những vấn đề hết sức phức tạp như sự phân hóa giàu nghèo, dịch bệnh HIV/AIDS, tình trạng tham nhũng, tệ nạn, tiêu cực... Đây chính là bài học mà các nước đang phát triển cần rút kinh nghiệm những vấn đề còn bất cập trong quá trình phát triển đất nước: Mục đích của bất kỳ quốc gia nào khi muốn phát triển đều muốn mang lại công bằng, bình đẳng cho người dân. Quốc gia chỉ phát triển thực sư khi chất lượng cuộc sống của dân được nâng cao và sự phát triển ấy muốn bền vững thì các vấn đề xã hội phải được giải quyết triệt để.

Con đường phát triển đất nước gắn với quá trình củng cố và bảo vệ độc lập dân tộc của Ấn Độ để lại những bài học kinh nghiệm quý báu đối với các nước đang phát triển, đó là tập trung trước hết vào cải cách, phát triển kinh tế gắn với đổi mới các chính sách xã hội, đối ngoại. Cụ thể là trên các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, an ninh – quốc phòng, văn hóa – xã hội…; các nước đang phát triển cần làm thế nào để phát triển kinh tế vừa mạnh mẽ vừa bền vững; quốc gia đang phát triển vừa tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài vừa tránh được sự phụ thuộc, chi phối của các nước hoặc các nhóm nước phát triển, các nước lớn. Các nước đang phát triển cần phải tự giải phóng mình và vươn lên mạnh mẽ để tự bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Ấn Độ có vai trò quan trọng trong Phong trào không liên kết, những kinh nghiệm của Ấn Độ là vô cùng ý nghĩa đối với các nước đang phát triển về chính sách không liên kết nhằm duy trì hòa bình, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ để phát triển, góp phần củng cố và bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc mỗi nước.

___________________

Tài liệu tham khảo:

1. Edward Luce (2013), Nghịch lý Ấn Độ: Bất chấp thần thánh Ấn Độ trỗi dậy” (In spite of the Gods: The rise of Modern India),NXB Tri thức, Hà Nội.

2. Nguyễn Hoàng Giáp, Mai Hoài Anh, Ngô Phương Anh (2013) Cạnh tranh chiến lược giữa một số nước lớn hiện nay, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Tarun Das (Cb), Colette Mathur, Frank  - Jurggen Richter (2013), Ấn Độ sự trỗi dậy của một cường quốc, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

4. Trần Nam Tiến (cb), Nguyễn Tuấn Khanh và Võ Minh Tập (2016), Ấn Độ với Đông Nam Á trong bối cảnh quốc tế mới, Nxb Văn hóa Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh.

5. Võ Xuân Vinh (2013), ASEAN trong Chính sách hướng Đông của Ấn Độ, Nxb, Khoa học xã hội, Hà Nội.

 

Nguyễn Văn Dương

                                               Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền