Trang chủ    Quốc tế    Cộng đồng ASEAN sau một năm hình thành
Thứ hai, 24 Tháng 7 2017 18:07
2480 Lượt xem

Cộng đồng ASEAN sau một năm hình thành

(LLCT) - Ngày 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập, với mục tiêu tổng quát là “xây dựng Hiệp hội thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng và vững mạnh hơn, nhưng vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài, đồng thời hướng mạnh tới người dân, phục vụ và nâng cao cuộc sống của người dân”(1). Nhìn lại một năm kể từ khi Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập, ASEAN đã đạt được những kết quả gì?

 

Thứ nhất, mức độ liên kết nội khối cao và toàn diện hơn. Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN (APSC): Cộng đồng này hoạt động dựa trên nguyên tắc “tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc dân tộc” của tất cả các quốc gia thành viên, được duy trì trên nền tảng của hợp tác chính trị - an ninh. Nội dung của APSC đã thống nhất tại Hội nghị Cấp cao Viêng Chăn năm 2009, bao gồm: thúc đẩy khái niệm an ninh toàn diện với các khía cạnh về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, nhưng không nhằm hình thành một khối quân sự hoặc liên minh quân sự; tôn trọng các nguyên tắc chủ đạo của ASEAN như ra quyết định bằng đồng thuận, tôn trọng độc lập, chủ quyền, không đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp; tiếp tục đề cao và phát huy các cơ chế và công cụ sẵn có của ASEAN về hợp tác chính trị - an ninh, sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác với các nước bè bạn và các bên đối tác nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực. APSC hướng đến nâng hợp tác chính trị - an ninh ASEAN lên tầm cao mới, góp phần bảo đảm hòa bình lâu dài và vững chắc cho nhân dân các nước thành viên. Nhằm hiện thực hóa việc hình thành APSC, ASEAN đã lập ra các cơ chế hợp tác, trong đó hợp tác đa phương là khuôn khổ tốt nhất để giải quyết các thách thức an ninh phi truyền thống, như cứu hộ, cứu nạn hay khắc phục thảm họa, phối hợp với nhau để có một cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả.

 

Năm 2016, ASEAN tiếp tục hoàn thành các mục tiều đề ra trên cơ sở Kế hoạch tổng thể xây dựng APSC. Một số công việc được tập trung như triển khai các biện pháp thúc đẩy hợp tác nhạy cảm liên quan đến duy trì an ninh biển, tự do hàng hải, phòng chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Việc thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và các chuẩn mực ứng xử chung cũng được tiến hành.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC):Các chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu của AEC là hướng tới cả ba mô hình liên minh thuế quan, thị trường chung và liên minh kinh tế, nhưng hiện chưa thể đáp ứng được hoàn toàn tất cả các tiêu chuẩn của các mô hình này và chưa thể hiện xu hướng tiến đến mô hình cao nhất của hội nhập kinh tế là liên minh kinh tế. Do đó, ASEAN hướng đến xây dựng AEC với thị trường duy nhất, cơ sở sản xuất thống nhất của ASEAN, trong đó hàng hóa, dịch vụ, nhân lực và vốn lưu thông tự do.

Trong năm, ASEAN tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm tạo sự thuận lợi trong thương mại, đầu tư và dịch vụ, đồng thời triển khai mạnh các cam kết về giảm thuế nhập khẩu xuống mức 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Loại thuế này đa số thuộc danh mục cắt giảm thông thường. ASEAN cũng cố gắng hoàn thành cam kết về xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm thuộc ngành ưu tiên hội nhập, mở rộng hợp tác và liên kết kinh tế giữa Cộng đồng ASEAN với các đối tác; thực hiện sáng kiến kết nối trong ASEAN và ASEAN với bên ngoài; nỗ lực đàm phán tiếp Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ASEAN về một khu vực thương mại tự do...

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC): ASEAN đã đề ra Kế hoạch tổng thể về lĩnh vực văn hóa - xã hội hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy nhân dân làm trung tâm, đùm bọc, tương thân tương ái, vượt qua những khó khăn và thách thức của quá trình toàn cầu hóa, với mục tiêu quan trọng nhất của ASCC là thúc đẩy tiến bộ xã hội và xây dựng bản sắc chung.

Bám sát mục tiêu trên, năm 2016 ASEAN tập trung thực hiện các nội dung liên quan đến cuộc sống người dân, trong đó nổi bật là các kế hoạch, dự án, biện pháp về phát triển chủ thể doanh nghiệp trẻ và việc làm cho thanh niên, công tác an sinh xã hội, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, các vấn đề như hợp tác quản lý, phòng chống thiên tai, nâng cao đời sống người dân... cũng được quan tâm thực hiện.

Về vai trò của Lào trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2016,dù trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, nhưng Lào đã khá thành công trên cương vị Chủ tịch ASEAN. Chủ đề “Đưa Tầm nhìn thành hiện thực vì một Cộng đồng năng động” đã phần nào thể hiện được mong muốn Cộng đồng ASEAN phát triển mạnh mẽ. Đáng chú ý, nội dung chính của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 - 29 và các hội nghị liên quan bàn thảo xoay quanh chủ đề này, trong đó đề cập sâu đến việc xây dựng Cộng đồng ASEAN ngày một phát triển; duy trì vai trò trung tâm của ASEAN; thắt chặt quan hệ nội khối và ngoại khối. Cũng tại Hội nghị này, ASEAN khẳng định quyết tâm triển khai hiệu quả, toàn diện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Ngoài việc chủ trì tổ chức thành công các diễn đàn, hội nghị, Lào đã đề xuất Kế hoạch tổng thể triển khai Tầm nhìn trên 3 trụ cột với 8 lĩnh vực ưu tiên: Triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; thu hẹp khoảng cách phát triển; thuận lợi hóa thương mại; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; tập trung phát triển du lịch; tập trung kết nối giữa các nước ASEAN; thúc đẩy việc làm, dịch chuyển sang kinh tế chính thức trong ASEAN; bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa vật thể và phi vật thể, đồng thời cùng phối hợp với các thành viên ASEAN góp phần đẩy mạnh các nhiệm vụ chung, tăng cường quan hệ ASEAN với đối tác.

Thứ hai, tiếp tục tăng cường hợp tác với bên ngoài và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển, duy trì hòa bình khu vực

Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN tiếp tục có những bước tiến quan trọng trong việc mở rộng hợp tác với bên ngoài, trong đó có thêm 4 nước ngoài khu vực (Chilê, Iran, Ai Cập và Morocco) tham gia Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác (TAC); có thêm 2 đối tác tham gia vào quan hệ đối tác trong từng lĩnh vực (Đối tác theo Lĩnh vực với Thụy sĩ và Đối tác Phát triển với Đức). 

Vị thế và uy tín của ASEAN đối với các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Nga, Ấn Độ ngày càng được khẳng định. Các nước đều có chung quan điểm ủng hộ và có sự hỗ trợ nhất định trong tiến trình hình thành và phát triển Cộng đồng ASEAN. Giữa ASEAN với một số đối tác đối thoại lớn (Mỹ, Nga, Trung Quốc) đã liên tiếp tổ chức các hội nghị đặc biệt ngay sau khi Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập. Hiện đã có 86 đối tác cử Đại sứ tại ASEAN và 50 Ủy ban ASEAN tại các nước trên thế giới. Không dừng ở đó, ASEAN còn thể hiện tiếng nói mạnh mẽ và có trách nhiệm hơn trong nhiều vấn đề chung của quốc tế (phát triển bền vững, chống khủng bố, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh).

Những điều trên cho thấy vai trò quan trọng, vị thế được nâng lên của ASEAN trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự coi trọng của các cường quốc đối với ASEAN. Đây là cơ hội để Cộng đồng ASEAN đi vào thực chất, song cũng đặt ra thách thức trong việc thực hiện vai trò “trung tâm”, xử lý mối quan hệ với các đối tác lớn của mình. ASEAN đã xây dựng được nhiều cơ chế hợp tác quan trọng như Hội nghị Cấp cao, Hội đồng Điều phối và Hội đồng Cộng đồng và các cơ chế hợp tác cấp Bộ trưởng, quan chức cấp cao. Các cơ chế hợp tác trên đã có những đóng góp không nhỏ trong việc bảo đảm an ninh, hòa bình và ổn định khu vực. Năm 2016, ASEAN tiếp tục thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và các chuẩn mực ứng xử chung thông qua các diễn đàn, hội nghị của ASEAN như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Cấp cao, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM), Hội nghị sau các Hội nghị Bộ trưởng (PMC), ADMM+ nên đã góp phần không nhỏ vào việc duy trì hòa bình, ngăn ngừa xung đột trong bối cảnh tình hình Biển Đông thời gian qua diễn biến vô cùng phức tạp. Tiếp đà tăng FDI trong 3 năm (2013 - 2015), ASEAN tăng cường cơ chế đối thoại, khắc phục dần những hạn chế để tiếp tục trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài. Mức liên kết và hội nhập quốc tế cao hơn là tiền đề cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN, cũng như đóng góp chung vào sự thịnh vượng khu vực.

Thứ ba, triển vọng lạc quan, song còn không ít những thách thức

ASEAN sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt là liên kết kinh tế, song khó có bước đột phá. ASEAN sẽ trở thành tổ chức liên chính phủ, dựa trên phương thức đồng thuận, tham vấn. Có thể lạc quan vào tương lai phát triển của Cộng đồng ASEAN, đặc biệt khi các nước thành viên ngày càng ý thức rõ về việc xây dựng cộng đồng chung và có tiềm lực kinh tế, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực trẻ dồi dào. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần thành công trong tiến trình phát triển của ASEAN như cam kết tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 28 - 29 vừa qua đã thể hiện sự quyết tâm cao và nỗ lực triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các kế hoạch tổng thể hướng tới Cộng đồng ASEAN với mức liên kết ngày càng chặt chẽ hơn.

Bên cạnh những thuận lợi kể trên, việc xây dựng ASEAN sẽ gặp một số khó khăn nhất định, trong đó phải kể đến thể chế khá lỏng lẻo; việc duy trì vai trò trung tâm, chủ đạo ASEAN trong quá trình kiến tạo các cấu trúc khu vực đang nổi lên thông qua các diễn đàn khu vực để tạo ra sự tập hợp lực lượng đa dạng và rộng lớn hơn theo hướng có lợi cho ASEAN và tránh để một nước lớn nào thao túng các vấn đề khu vực. Ngoài ra, thách thức không nhỏ ảnh hưởng tới tiến trình giải quyết vấn đề Biển Đông là sự đoàn kết giữa các nước ASEAN có những lúc bị “lung lay” bởi sự lôi kéo mạnh mẽ (thông qua lợi ích kinh tế) từ phía Trung Quốc. Một số nước ASEAN không có tranh chấp trực tiếp tiếp tục có thái độ thận trọng, né tránh đề cập đến vấn đề Biển Đông, gián tiếp hoặc trực tiếp ủng hộ Trung Quốc. Do đó, vấn đề Biển Đông sẽ tác động không nhỏ tới tiến trình phát triển của Cộng đồng ASEAN.

Về kinh tế, để đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi ASEAN phải tập trung tăng cường hơn nữa trong thực hiện các cam kết về thương mại hàng hóa (xóa bỏ dần các rào cản về thuế, hội nhập sâu hơn, lưu chuyển thông thoáng về đầu tư, lao động có tay nghề cao, vốn và kỹ thuật tiên tiến), thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao năng lực sản xuất (chính sách khuyến khích, hỗ trợ tốt cho tri thức, doanh nghiệp về sáng tạo, phát triển công nghệ xanh, quản lý minh bạch, xây dựng quy định và cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại...).

Về văn hóa - xã hội, các vấn đề nhằm hiện thực hóa cộng đồng hướng tới người dân với sự tham gia của mọi tầng lớp; thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em, người già, khuyết tật hay lao động di cư được triển khai đồng bộ, triệt để trong xây dựng Cộng đồng ASEAN cũng không hề đơn giản bởi trong bối cảnh ASEAN còn có sự khác biệt về thể chế chính trị, trình độ phát triển, sự giao lưu văn hóa còn hạn chế. Ngoài ra, sự nghi kỵ và tính toán về lợi ích riêng cũng sẽ ảnh hưởng tới tiến trình phát triển Cộng đồng ASEAN.

Đối với Việt Nam, chúng ta luôn ý thức rõ trách nhiệm và tích cực tham gia vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Đặc biệt, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc đề xuất định hướng hợp tác và hoạt động của ASEAN, trong đó, tập trung vào: thúc đẩy đoàn kết và hợp tác ASEAN; đẩy mạnh liên kết khu vực nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN; hoàn tất việc đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống; tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện giữa ASEAN với các bên đối tác; củng cố và duy trì vai trò quan trọng của ASEAN tại các khuôn khổ hợp tác khu vực.

Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, nhất là có vai trò quan trọng đưa hai “nhóm” nước ASEAN xích lại gần nhau nhờ vị trí địa - chính trị và quá trình lịch sử của Việt Nam tạo ra; xây dựng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Cùng các nước ASEAN, Việt Nam nỗ lực tăng cường đoàn kết, hợp tác và củng cố vị thế quốc tế của ASEAN vượt qua những thời điểm khó khăn nhất để bước tiếp trên con đường phát triển. Năm 2016, Việt Nam luôn ủng hộ, chia sẻ kinh nghiệm với Lào (nước đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN), đồng thời chủ động, tích cực tham gia vào các công việc của ASEAN.

Hy vọng rằng, với sự quyết tâm cao của cả khối, sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế, nhất là các đối tác lớn, ASEAN sẽ từng bước khắc phục được những hạn chế để đưa Cộng đồng ASEAN có những bước tiến xa trong tương lai.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2017

Tài liệu tham khảo

1. Antik Panda, “US sanctions against China over the East and South China Sea: A serious proposal?”, The Diplomat, 8-12-2016 (www. Thediplomat.com.

2. Phạm Thị Thanh Bình: “Triển vọng hình thành Cộng đồng ASEAN và vai trò của Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, số 817/2010, tr. 87-91.

3. Carlyle A. Thayer, “Những diễn biến gần đây ở Biển Đông: Hệ lụy đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực”, Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực, Nxb Thế giới, 2010.

4. PGS, TS Nguyễn Duy Dũng: “Cộng đồng ASEAN: Thực trạng, thách thức & triển vọng”,
Tạp chí Sự kiện & Nhân vật, chuyên đề đặc biệt, số 3-2015, tr.2-13.

5. Phạm Gia Khiêm: “ASEAN bước vào giai đoạn phát triển mới và phương hướng tham gia của Việt Nam”,Tạp chíNghiên cứu Quốc tế, số 2 (73), tr.7-10.

6. Phan Văn Rân: “Những thuận lợi và khó khăn đối với quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 7(124), 2010, tr.46-51.

7. Lê Mai Thanh - Nguyễn Tiến Đức: “Tòa Trọng tài trong vụ Philíppin kiện Trung Quốc”, Tạp chí Cộng sản, số 889 (11-2016), tr.99-104.

8. Veeramalla Anjaiah, “ASEAN needs more unity following PCA ruling”, The Jakarta Post, 21-7-2016 (www.thejakartapost.com.

 

ThS Phạm Thanh Bằng

Bộ Ngoại giao

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền