Trang chủ    Quốc tế    Hiện đại hóa quản trị quốc gia ở Trung Quốc hiện nay: Nội hàm và phương hướng thực hiện
Thứ hai, 23 Tháng 10 2017 15:34
2448 Lượt xem

Hiện đại hóa quản trị quốc gia ở Trung Quốc hiện nay: Nội hàm và phương hướng thực hiện

(LLCT) - Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chỉ rõ: “Mục tiêu tổng thể của công cuộc cải cách toàn diện theo chiều sâu chính là hoàn thiện và phát triển chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa quản trị quốc gia”. Nhiều nhà khoa học Trung Quốc khẳng định, chủ trương thúc đẩy “hiện đại hóa quản trị quốc gia” đánh dấu một giai đoạn mới trong sự nghiệp xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc: từ tìm kiếm con đường - tổng kết lý luận đến định hình thể chế.

1. Tính tất yếu của việc thúc đẩy hiện đại hóa quản trị quốc gia ở Trung Quốc

Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, hiện đại hóa CNXH vừa bao gồm hiện đại hóa về phương diện vật chất và phát triển con người, vừa bao gồm hiện đại hóa về phương diện thể chế và quản trị. Chủ trương hiện đại hóa quản trị quốc gia (HĐHQTQG) của ĐCSTQ xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn sau:

Thứ nhất, chủ trương thúc đẩy HĐHQTQG là sự kế thừa và phát triển tư tưởng chiến lược về hiện đại hóa của Trung Quốc - từ “bốn hiện đại hóa” đến hiện đại hóa quản trị. Mao Trạch Đông đã sớm đưa ra tư tưởng về “bốn hiện đại hóa” ở Trung Quốc: “Trong thời gian 20 năm phải thiết lập được hệ thống kinh tế quốc dân và hệ thống công nghiệp độc lập, đến cuối thế kỷ XX thực hiện thành công “bốn hiện đại hóa”, tức hiện đại hóa công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, hiện đại hóa quốc phòng, hiện đại hóa khoa học kỹ thuật”(1).Năm 1992, trong chuyến thăm và làm việc ở miền Nam Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình chỉ rõ: “Có lẽ cần khoảng thời gian 30 năm, Trung Quốc mới có thể hình thành nên hệ thống thể chế thành thục hơn, định hình hơn trên các phương diện khác nhau”(2). Tại Đại hội XV (năm 1997), ĐCSTQ đã đề ra mục tiêu: “Đến khi ĐCSTQ kỷ niệm 100 năm thành lập thì kinh tế quốc dân càng phát triển hơn, hệ thống thể chế trở nên hoàn thiện hơn. Đến giữa thế kỷ XXI, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hòa, thì về cơ bản thực hiện xong hiện đại hóa, xây dựng thành công Nhà nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh”(3). Như vậy, HĐHQTQG ở Trung Quốc hiện nay là sự kế thừa và phát triển tư tưởng về hiện đại hóa đã được nêu từ trước đó.

Thứ hai, bắt nguồn từ yêu cầu, đòi hỏi khách quan cần giải quyết những vấn đề và mâu thuẫn chủ yếu của Trung Quốc hiện nay.Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được trong tiến trình cải cách, mở cửa, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế - xã hội, văn hóa và môi trường, đòi hỏi cần đổi mới và nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Những vấn đề lớn mà Trung Quốc phải giải quyết hiện nay bao gồm:

1) Vấn đề khoảng cách giàu nghèo và chênh lệnh về thu nhập.Dù đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh tế, nhưng đến nay, Trung Quốc vẫn còn gần 60 triệu người nghèo; khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, giữa khu vực nông thôn và thành thị ngày càng “giãn ra”;

2) Vấn đề “bốn nông” và đô thị hóa.Hiện nay, Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề “bốn nông”: tức nông dân, nông nghiệp, nông thôn và lao động nhập cư là nông dân. Cụ thể, đời sống của người nông dân tuy đã được cải thiện song vẫn gặp nhiều khó khăn. Cảnh quan môi trường, trình độ quản lý và kết cấu hạ tầng ở vùng nông thôn còn yếu kém. Thành tựu ấn tượng trong cải cách, mở cửa ở Trung Quốc được thể hiện rõ nét ở khu vực thành thị, song giữa khu vực nông thôn Trung Quốc so với các nước phát triển còn tồn tại khoảng cách rất xa. Bên cạnh vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn, tình trạng người lao động nông dân nhập cư về các đô thị lớn cũng ngày càng gia tăng. Theo Thời báo Kinh hoa,năm 2014, “Toàn Trung Quốc có gần 274 triệu lao động nhập cư là nông dân”(4). Với số lượng lớn lao động nhập cư là nông dân như vậy, việc bảo đảm quyền lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân là một thách thức đối với Trung Quốc hiện nay;

3) Vấn đề tham nhũng và tiêu cực.Là một nước đang trong quá trình chuyển đổi, ngoài những bất cập về thể chế và cơ chế giám sát quyền lực, vấn đề tham nhũng và tiêu cực ở Trung Quốc diễn biến tương đối phức tạp. Những kết quả bước đầu trong chiến dịch “đả hổ, đập ruồi” của Trung Quốc thời gian qua cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng tham nhũng. Để phòng chống tham nhũng có hiệu quả, đòi hỏi phải hoàn thiện và hiện đại hóa thể chế, nâng cao năng lực quản trị quốc gia;

4) Vấn đề giải quyết việc làm và ô nhiễm môi trường. Việc làm là vấn đề cơ bản của dân sinh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc hiện nay khá cao, nhiều sinh viên tốt nghiệp khó tìm được việc làm. Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường (nhất là ở các thành phố) diễn ra nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển bền vững của quốc gia này.

2. Hiện đại hóa quản trị quốc gia ở Trung Quốc: nội hàm và đặc điểm

Theo GS Du Khả Bình, tiếp cận theo quan điểm hiện đại, nền quản trị quốc gia ở Trung Quốc hiện nay được cấu thành bởi ba thành tố chủ yếu: Một là, hệ thống nhà nước lấy đội ngũ cán bộ, công chức làm đại diện và lấy tổ chức Đảng và Nhà nước làm cơ sở; Hai là, hệ thống thị trường (doanh nghiệp) lấy đội ngũ doanh nhân làm đại diện và lấy tổ chức doanh nghiệp làm cơ sở; Ba là,hệ thống xã hội (các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội) lấy công dân làm đại diện và lấy các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp làm cơ sở.

Để đánh giá hệ thống quản trị của một quốc gia có hiện đại hay không cần dựa trên 5 tiêu chí: 1) Sự thể chế hóa và quy phạm hóa của việc vận hành quyền lực công. Tiêu chí này yêu cầu, quản trị chính phủ, quản trị doanh nghiệp, quản trị xã hội được điều chỉnh bởi hệ thống thể chế đồng bộ và hoàn thiện; 2) Dân chủ hóa, tức quyền lực công và hệ thống thể chế đều phải bảo đảm chủ quyền thuộc về nhân dân hay quyền làm chủ nhà nước của nhân dân; tất cả chính sách công đều thể hiện ý chí và địa vị chủ thể của nhân dân; 3) Pháp quyền, tức hiến pháp và pháp luật giữ quyền uy cao nhất trong quản trị công, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không cho phép bất cứ tổ chức và cá nhân nào có đặc quyền đứng ngoài sự điều chỉnh của pháp luật; 4) Hiệu quả, tức hệ thống quản trị quốc gia duy trì một cách có hiệu quả sự ổn định và trật tự xã hội, có lợi cho việc nâng cao hiệu quả hành chính và hiệu quả kinh tế; 5) Hài hòa, đồng bộ, tức là bảo đảm sự hài hòa, đồng bộ giữa Trung ương và các cấp chính quyền địa phương, giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội, giữa quản trị chính phủ với quản trị xã hội. Trong đó, dân chủ là bản chất đặc trưng của hệ thống quản trị quốc gia hiện đại, là một điểm cốt lõi phân biệt nó với hệ thống quản trị quốc gia truyền thống. Vì thế, giới chính trị học gọi quản trị quốc gia hiện đại là quản trị dân chủ(5).

Tiếp cận từ lý luận quản trị công, có thể quan niệm, nội dung cơ bản và cốt lõi của HĐHQTQG ở Trung Quốc hiện nay chính là đổi mới, điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường và xã hội nhằm phát huy sức mạnh và nguồn lực tổng hợp của Nhà nước, thị trường và xã hội để giải quyết có hiệu quả các vấn đề công, cung ứng dịch vụ công và thực hiện tốt lợi ích công. Đó chính là quá trình thông qua cải cách và hoàn thiện thể chế để phát huy tốt hơn sức mạnh pháp quyền của Nhà nước trong phân bổ nguồn lực và năng lực tự quản của xã hội cũng như sự tham gia của công dân để thúc đẩy sự phát triển toàn diện và hài hòa cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và sinh thái. Có thể nói, dân chủ hóa, pháp quyền hóa là những nội dung cốt lõi của HĐHQTQG ở Trung Quốc hiện nay, còn mục tiêu của quản trị quốc gia ở Trung Quốc chính là kiên trì định hướng XHCN, thực hiện và mưu cầu lợi ích cho người dân.

HĐHQTQG ở Trung Quốc hiện nay có hai đặc điểm chủ yếu: Một là,bảo đảm tính hài hòa và đồng bộ trong sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường sinh thái; Hai là, từ xây dựng một xã hội khá giả sang xã hội khá giả toàn diện, xây dựng một xã hội giàu có, công bằng. Nghĩa là mọi tầng lớp, mọi người dân đều khá giả, đều được hưởng thụ thành quả của phát triển; từ cải cách theo chiều sâu sang cải cách theo chiều sâu một cách toàn diện; từ quản trị nhà nước theo pháp luật sang quản trị nhà nước theo pháp luật một cách toàn diện; từ quản trị đảng nghiêm ngặt sang quản trị đảng nghiêm ngặt một cách toàn diện.

3. Phương hướng thúc đẩy hiện đại hóa quản trị quốc gia ở Trung Quốc hiện nay

Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII của ĐCSTQ chỉ rõ: “Mục tiêu tổng thể của công cuộc cải cách toàn diện và theo chiều sâu chính là hoàn thiện và phát triển chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc, thúc đẩy hiện đại hóa quản trị quốc gia”(6). Để thúc đẩy HĐHQTQG, ĐCSTQ đã đề ra phương hướng chiến lược cụ thể, trong đó nổi bật là chiến lược “bốn toàn diện”, tức “xây dựng xã hội khá giả toàn diện, cải cách chiều sâu một cách toàn diện, quản trị nhà nước theo pháp luật một cách toàn diện và quản trị đảng nghiêm ngặt toàn diện”.

Một, để xây dựng xã hội khá giả toàn diện, vấn đề then chốt chính là thực hiện “dân giàu”. Hội nghị Trung ương 5 khóa XVIII của ĐCSTQ khẳng định: “Năm năm tới, khái quát lại, các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước chính là giành được những thắng lợi mang tính quyết định của công cuộc xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện, thực hiện mục tiêu phấn đấu 100 năm”(7). Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của Trung Quốc cũng đề ra mục tiêu đến năm 2020 xây dựng thành công xã hội khá giả toàn diện, trong đó trọng điểm là “phát triển”, then chốt là “dân giàu”, cốt lõi là “toàn diện”. Từ yêu cầu xây dựng xã hội khá giả sang xây dựng xã hội khá giả toàn diện, đòi hỏi phải bảo đảm tính toàn diện của sự phát triển, chủ yếu được thể hiện ở hai phương diện: 1) Về mặt nhân khẩu, cần bảo đảm tất cả người dân Trung Quốc (không phân biệt thành phần giai cấp, tầng lớp, vùng miền, dân tộc...) đều có cuộc sống sung túc, tốt đẹp. Nói cách khác, phải bảo đảm để mọi người dân đều hưởng thụ thành quả của cải cách và phát triển. Hiện nay, Trung Quốc vẫn còn 55.750.000 người nghèo; mục tiêu đến năm 2020 không còn huyện nghèo, thực hiện thoát nghèo cho các hộ gia đình ở nông thôn theo tiêu chí hiện tại. 2) Về các lĩnh vực của đời sống xã hội, tính toàn diện có nghĩa là, bảo đảm sự phát triển đồng bộ, hài hòa của sáu lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường sinh thái.

Hai, điểm then chốt của cải cách toàn diện theo chiều sâu là phát huy vai trò mang tính quyết định của thị trường.Trong tiến trình cải cách, mở cửa, một vấn đề lớn đặt ra cho Trung Quốc là phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường. Trên thực tế, do quyền lực hành chính can thiệp sâu và trực tiếp vào hoạt động của thị trường, nên dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực như tham nhũng, trục lợi, sản xuất thừa một cách nghiêm trọng ở một số ngành nghề. Vì vậy, Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII của ĐCSTQ đã chỉ rõ: “Phát huy vai trò mang tính quyết định của thị trường trong việc huy động và bố trí một cách có hiệu quả các nguồn lực”; thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi chức năng của chính phủ cho phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường XHCN. Theo đó, chức năng của Chính phủ trong nền kinh tế thị trường bao gồm: xây dựng và thiết lập khung khổ thể chế bảo đảm cho sự vận hành của nền kinh tế thị trường và bảo vệ quyền tài sản; duy trì sự ổn định của kinh tế vĩ mô và bảo đảm môi trường chính sách phù hợp; đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và cung ứng dịch vụ công cơ bản cho người dân; thúc đẩy công bằng trong phân phối thu nhập; thúc đẩy sự phát triển hài hòa giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị; bảo vệ môi trường sinh thái.

Ba, vấn đề then chốt để thực hiện quản trị nhà nước theo pháp luật một cách toàn diện chính là quán triệt tinh thần pháp quyền hiện đại, thực thi có hiệu quả hiến pháp.Đại hội XV của ĐCSTQ (năm 1997) lần đầu tiên đề ra mục tiêu thiết lập Nhà nước pháp trị (pháp quyền) XHCN, sau đó, vấn đề trên đã được đưa vào Hiến pháp Trung Quốc. Từ năm 1997 đến nay, việc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên, vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế nhất định. Hội nghị Trung ương 4 khóa XVIII của ĐCSTQ nhận định: “Một số văn bản pháp luật chưa phản ánh đầy đủ quy luật khách quan và ý nguyện của nhân dân, tính khả thi chưa cao; hiện tượng cục bộ, “tranh lợi, thoái thác trách nhiệm” trong công tác lập pháp còn tồn tại; hiện tượng có luật nhưng không theo, chấp pháp không nghiêm, vi phạm pháp luật không bị truy cứu còn tương đối nghiêm trọng; hiện tượng tách rời giữa quyền và trách nhiệm trong thực thi pháp luật vẫn còn tồn tại; tồn tại hiện tượng chấp pháp và tư pháp không quy phạm, không nghiêm khắc, không minh bạch, không văn minh; ý thức thực thi công vụ theo pháp luật của một số cán bộ nhân viên nhà nước, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo còn chưa cao; hiện tượng hiểu biết pháp luật nhưng phạm pháp, dùng lời nói thay cho pháp luật, dùng quyền lực áp chế pháp luật vẫn còn tồn tại. Những vấn đề này đi ngược lại với nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa, làm tổn hại lợi ích của quần chúng nhân dân, cản trở sự nghiệp của Đảng và Nhà nước”(8).

Hội nghị đã thông qua “Quyết định một số vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy quản trị nhà nước theo pháp luật một cách toàn diện”và đề ra nhiều nội dung quan trọng để thực hiện quản trị nhà nước theo pháp luật một cách toàn diện, trong đó chủ yếu bao gồm: hoàn thiện hệ thống pháp luật XHCN đặc sắc Trung Quốc lấy Hiến pháp làm hạt nhân, tăng cường thực thi Hiến pháp; đẩy mạnh thực hiện quản lý hành chính nhà nước theo pháp luật, tăng cường xây dựng nền hành chính pháp quyền; đẩy mạnh cải cách tư pháp để hệ thống tư pháp thực hiện tốt vai trò bảo vệ công lý và quyền con người; tăng cường tư duy pháp quyền trong toàn dân, thúc đẩy xây dựng xã hội pháp quyền; coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và thực thi pháp luật; tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình thực hiện quản trị nhà nước theo pháp luật một cách toàn diện”. Với vai trò là phương hướng chiến lược thúc đẩy HĐHQTQG, vấn đề then chốt của việc đẩy mạnh quản trị nhà nước theo pháp luật chính là đội ngũ cán bộ, công chức phải thành tâm, thành ý, bảo đảm đầy đủ các quyền của công dân. Tư tưởng và tôn chỉ cơ bản đó là: “cầm quyền vì dân, trước sau như một đều đại diện, bảo vệ và thực hiện lợi ích của nhân dân”; bảo đảm việc thực thi Hiến pháp, dùng Hiến pháp và pháp luật để chế ước đối với quyền lực công, từ đó bảo đảm tốt hơn các quyền của công dân.

Bốn, vấn đề then chốt để thực hiện quản trị đảng nghiêm ngặt toàn diện là đẩy mạnh cải cách và hoàn thiện thể chế. Việc thực hiện quản trị đảng nghiêm ngặt toàn diện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do là đảng cầm quyền, là hạt nhân của hệ thống chính trị và hạt nhân của hệ thống quản trị quốc gia, vấn đề đặc biệt quan trọng đối với Đảng là “kiên trì Đảng cần quản Đảng, quản trị Đảng phải nghiêm ngặt, Đảng phải coi trọng việc giải quyết những vấn đề tồn tại của bản thân Đảng, làm cho Đảng luôn là hạt nhân lãnh đạo kiên cường của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”(9). Nói cách khác, chỉ khi quản trị Đảng nghiêm ngặt toàn diện thì mới bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng, bởi quyền lãnh đạo mà Đảng có được bắt nguồn từ tính tiên tiến và sức chiến đấu của Đảng; uy tín lãnh đạo của Đảng bắt nguồn từ tính tiền phong, gương mẫu của đông đảo đảng viên. Hội nghị Trung ương 6 khóa XVIII của ĐCSTQ đã chỉ rõ: “Làm tốt việc của Trung Quốc, then chốt là ở Đảng, then chốt là ở chỗ Đảng phải tự quản lấy Đảng, quản trị Đảng nghiêm ngặt”(10). Mặt khác, nhấn mạnh quản trị đảng phải nghiêm ngặt toàn diện còn bắt nguồn từ những thách thức mà ĐCSTQ đang phải đối mặt hiện nay. Để vượt qua khó khăn, thách thức, Đảng phải “làm cho bản thân mình cứng” (vững mạnh). Cụ thể, đối mặt với hiện trạng “thả lỏng, xả hơi” về tinh thần, đòi hỏi phải cứng ở tinh thần; đối mặt với hiện trạng “năng lực không đủ”, đòi hỏi phải cứng ở năng lực; đối mặt với tình trạng “xa rời quần chúng”, đòi hỏi phải cứng ở tác phong; đối mặt với hiện trạng “tiêu cực tham nhũng”, đòi hỏi phải cứng ở liêm khiết.

Quản trị Đảng nghiêm ngặt toàn diện đòi hỏi giải quyết nhiều vấn đề khác nhau, nhưng trong tình hình hiện nay, quan trọng nhất, bức thiết nhất là cải cách và hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế về cán bộ, cụ thể là hình thành thể chế đánh giá cán bộ, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ thật sự hiệu quả. Cùng với xây dựng, đổi mới thể chế về cán bộ, phải hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực trong Đảng, coi thể chế như “lồng sắt” để kiểm soát và chế ước sự vận hành quyền lực, hình thành cơ chế răn đe, kỷ luật để không dám tham nhũng, cơ chế phòng chống để không thể tham nhũng, cơ chế bảo đảm để không dễ tham nhũng”(11).

Về phương diện xây dựng và hoàn thiện thể chế, từ sau Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII đến nay, ĐCSTQ đã sửa đổi, ban hành và thực thi một loạt quy định, trong đó đáng chú ý là: Quy định về “Chuẩn tắc tự giác liêm khiết của Đảng Cộng sản Trung Quốc”; “Điều lệ xử lý kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc”; “Điều lệ chế độ trách nhiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc”; “Một số chuẩn tắc về sinh hoạt chính trị trong Đảng trong tình hình mới”, “Điều lệ giám sát trong Đảng”. Đáng chú ý, trong“Điều lệ giám sát trong Đảng”thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XVIII (10-2016), đã có những quy định cụ thể nhằm tăng cường việc giám sát trong Đảng. Điều lệ khẳng định, “giám sát trong Đảng không có vùng cấm”, “sự tin tưởng và tín nhiệm không thể thay thế cho giám sát”; “đối tượng trọng điểm của giám sát trong Đảng là cơ quan lãnh đạo của đảng, cán bộ lãnh đạo của đảng nhất là người đứng đầu”(12). Điều lệ đã có những quy định cụ thể về hoạt động giám sát của Trung ương Đảng, của cấp ủy đảng, của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật, của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Đồng thời nhấn mạnh sự kết hợp giữa giám sát trong Đảng với giám sát từ bên ngoài Đảng...

Ngoài bốn phương hướng chiến lược trên, việc thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các tổ chức xã hội để thực thể này giữ vai trò lớn hơn trong quản trị quốc gia, phát triển đạo đức và trách nhiệm công dân, tăng cường sự tham gia của công dân vào quá trình quản lý nhà nước và xã hội cũng là những nội dung quan trọng trong quá trình chuyển đổi mô hình quản trị ở Trung Quốc hiện nay.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2017

(1) Mao Trạch Đông tuyển tập, t.4, Nxb Nhân dân, Bắc Kinh, năm 1991, tr.300.

(2) Văn tuyển Đặng Tiểu Bình, t.1, Nxb Nhân dân, Bắc Kinh, năm 1995, tr.50.

(3) ĐCSTQ: Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XV,http://cpc.people.com.cn,

(4) Thời báo Kinh hoa, ngày 30-4-2015, http://epaper.jinghua.cn.

(5) Du Khả Bình: Nội hàm bản chất của hệ thống quản trị quốc gia, Tạp chí Nghiên cứu lý luận, số 4-2014.

(6) ĐCSTQ: Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa XVIII, http://news.xinhuanet.com.

(7)  ĐCSTQ: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XVIII, http://cpc.people.com.cn.

(8)  ĐCSTQ: Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa XVIII về một số vấn đề quan trọng thúc đẩy quản trị nhà nước theo pháp luật một cách toàn diện,

http://cpc.people.com.cn.

(9) Tuyển tập các bài phát biểu của Tập Cận Bình, http://theory.people.com.cn.

(10) ĐCSTQ: Văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần sáu khóa XVIII, http://theory.people.com.cn.

(11) Phát biểu của Tập Cận Bình tại Hội nghị lần thứ hai của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII, ngày 22-1-2013, http://news.xinhuanet.com.

(12) ĐCSTQ:Điều lệ giám sát trong Đảng, http://cpc.people.com.cn.

TS Nguyễn Trọng Bình

Học viện Chính trị Khu vực IV

ThS Nguyễn Trọng Hòa

Ban Tổ chức Trung ương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền