Trang chủ    Quốc tế    Cách mạng tháng Mười Nga và Sắc lệnh hòa bình mở ra quan hệ quốc tế mới
Thứ năm, 26 Tháng 10 2017 12:10
7114 Lượt xem

Cách mạng tháng Mười Nga và Sắc lệnh hòa bình mở ra quan hệ quốc tế mới

(LLCT) - Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại, giai cấp công nhân và nông dân lần đầu tiên làm chủ vận mệnh đất nước bằng chính sức mạnh của mình. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, Đại hội Xôviết toàn Nga đã thông qua Sắc lệnh hòa bình, mở ra quan hệ quốc tế mới - quan hệ hòa bình, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.

1. Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng giải phóng giai cấp

Trước Cách mạng Tháng Mười, nước Nga Sa hoàng là “một đế quốc phong kiến quân phiệt”(1). Chủ nghĩa tư bản ở Nga vì phát triển muộn nên lạc hậu và phụ thuộc vào các nước tư bản phương Tây. Chính quyền Nga hoàng câu kết chặt chẽ với giai cấp tư sản, bóc lột quần chúng thậm tệ, trở thành nhà tù của các dân tộc Nga. Trong lòng nước Nga hội tụ hàng loạt những mâu thuẫn, đó là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và vô sản, giữa địa chủ và nông dân, giữa đế quốc Nga và các dân tộc bị áp bức, giữa đế quốc Nga và các nước đế quốc Tây Âu. Yêu cầu đặt ra là phải lật đổ chế độ quân chủ và bọn địa chủ phong kiến bằng cuộc cách mạng của giai cấp vô sản. Cuộc cách mạng dân chủ tư sản Tháng Hai năm 1917 thắng lợi, chế độ Nga hoàng sụp đổ nhưng hệ quả của nó là một tình hình chính trị vô cùng phức tạp với sự tồn tại song song hai chính quyền đối lập: Xô viết Đại biểu công nhân và binh lính Pêtrôgrat của giai cấp vô sản và Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản. Trước nguy cơ thành quả cách mạng của nhân dân rơi vào tay giai cấp tư sản phản động, Lênin và Đảng Bônsêvích đã thông qua Luận cương Tháng Tư (1917), quyết định chuyển từ cách mạng dân tộc dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm lật đổ Chính phủ lâm thời bằng con đường khởi nghĩa vũ trang với khẩu hiệu “Tất cả chính quyền về tay Xô viết”. Điều này quy định tính chất, nhiệm vụ của Cách mạng Tháng Mười là một cuộc cách mạng giải phóng giai cấp, nhằm giải phóng vô sản khỏi ách áp bức của giai cấp tư sản.

Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng có tính chất nhân dân sâu sắc, là sự nổi dậy của đông đảo quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của chính đảng cách mạng. Đạo quân chính trị của Cách mạng Tháng Mười là công, nông, binh với khẩu hiệu “công, nông, binh liên hiệp”. Về phương pháp cách mạng, Cách mạng Tháng Mười sử dụng bạo lực cách mạng dựa vào lực lượng vũ trang là chủ yếu. Về địa bàn của cách mạng, khởi nghĩa vũ trang trong Cách mạng Tháng Mười diễn ra từ thành thị tỏa về nông thôn, lấy thắng lợi ở trung tâm lớn làm động lực để thúc đẩy khởi nghĩa đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Cách mạng Tháng Mười để lại những bài học vô giá về lý luận quân sự, đặc biệt là vấn đề tập hợp lực lượng và nghệ thuật tiến hành khởi nghĩa vũ trang. Ngay sau khi cách mạng thành công, tối 26-10, Đại hội Xô viết toàn Nga trong buổi họp thứ hai đã thông qua hai văn kiện đầu tiên của chính quyền Xô viết - Sắc lệnh hòa bìnhSắc lệnh ruộng đất.

2. Sắc lệnh hòa bình mở ra quan hệ quốc tế mới cho nhân loại

Sắc lệnh về hòa bình đặt nền móng cho chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Nhà nước Xô viết, “đã mở ra thời đại của chính sách ngoại giao mới, chính sách hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc”(2). Theo đó, “Liên Xô trước sau như một, luôn luôn chủ trương chung sống hòa bình giữa các quốc gia, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội”(3). Sắc lệnh về hòa bình chỉ rõ: Vấn đề hòa bình hiện là vấn đề hết sức khẩn cấp và rất bức thiết; vạch ra cho toàn thể nhân loại con đường thoát khỏi chiến tranh đế quốc: “Căn cứ theo ý thức về pháp lý của nền dân chủ nói chung và của các giai cấp cần lao nói riêng, Chính phủ công-nông… đề nghị với nhân dân tất cả các nước tham chiến và với chính phủ của họ tiến hành ngay những cuộc đàm phán về một hòa ước dân chủ và công bằng… Đó là một hòa ước phải được ký kết ngay lập tức mà không có thôn tính (nghĩa là không chiếm đất đai của nước ngoài, không có cưỡng ép sáp nhập các dân tộc khác) và không có bồi thường”(4). Lên án việc tiến hành các cuộc chiến tranh để giải quyết việc các nước đế quốc phân chia thuộc địa - những dân tộc nhược tiểu mà chúng đã xâm chiếm được là một tội ác lớn nhất đối với nhân loại, Nhà nước Xôviết “trịnh trọng tuyên bố quyết tâm ký kết ngay lập tức những điều kiện hòa ước để chấm dứt cuộc chiến tranh này”(5) với những điều kiện bình đẳng, công bằng đối với tất cả các dân tộc.

Thực hiện Sắc lệnh, chính quyền Xô viết kiên trì phấn đấu trong thực tiễn để đạt tới mục tiêu hòa bình, kể cả phải ký hòa ước mà nước Nga chấp nhận thiệt thòi về đất đai, kinh tế như Hòa ước Bretlitốp (3-3-1918). Nước Nga Xôviết mong muốn sống hòa bình với nhân dân tất cả các nước, vì vậy, Chính phủ công nông nhiều lần đề nghị giảng hòa với các cường quốc trong phe liên minh, liên tục gửi công hàm cho các nước để đàm phán hòa bình.

Vượt qua sự bao vây, phong tỏa của các nước đế quốc, với sự vững vàng của Nhà nước công nông, tháng 4-1922, nước Nga được mời dự Hội nghị kinh tế tài chính các nước châu Âu ở Giênôvơ (Italia). Trong Hội nghị này, đoàn đại biểu Chính phủ Xôviết đã nêu vấn đề cùng tồn tại hòa bình và giải trừ quân bị. Tiếp đó, Chính phủ Xôviết lại được mời dự Hội nghị các nước Liên minh trong những năm chiến tranh 1914-1918, tổ chức tại Lahay. Tuy kiến nghị của đoàn đại biểu Nga không được chấp nhận, nhưng tiếng vang của những nguyên tắc chung sống hòa bình đã lan rộng ra thế giới, có tác động lớn đối với tình hình quốc tế.      

Lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản và địa chủ Nga, Cách mạng Tháng Mười không chỉ giải phóng cho các dân tộc trước kia là thuộc địa của Nga hoàng, bị Nga hoàng áp bức, mà còn xóa bỏ mọi bất bình đẳng dân tộc trước đó của Nga hoàng đối với các nước phương Đông và thực hiện quyền dân tộc tự quyết. Không chỉ đề ra đường lối dân tộc đúng đắn, Cách mạng Tháng Mười còn nêu một tấm gương sáng trong việc giải quyết vấn đề dân tộc.Ngày 15-11-1917, Chính phủ Xôviết thông qua Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc Nga. Đây là văn kiện mang tính chất hiến pháp, công bố những nguyên tắc chỉ đạo các hoạt động của Nhà nước Xôviết trong các vấn đề dân tộc; có ý nghĩa to lớn đối với các nước thuộc địa. Các dân tộc Nga được bình đẳng, tự chủ, tự do định đoạt vận mệnh của mình, kể cả quyền tự tách ra để thành lập quốc gia độc lập hoặc sáp nhập vào bất cứ một quốc gia nào khác. Tất cả mọi đặc quyền dân tộc và mọi hạn chế về quyền lợi dân tộc và tôn giáo bị bãi bỏ. Các dân tộc ít người sống trên lãnh thổ Nga được quyền tự do phát triển.

Ngày 3-12-1917, Chính phủ Xôviết ra Lời kêu gọi gửi toàn thể những người lao động Hồi giáo Nga và phương Đông, tuyên bố hủy bỏ ngay lập tức và không điều kiện tất cả các điều ước bí mật của Chính phủ Nga hoàng và Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản sau Cách mạng Tháng Hai ký kết về vấn đề chiếm cứ Cônxtantinôpôn, chia cắt Tuyếcmêni, Iran, cướp bóc Thổ Nhĩ Kỳ, Áo…

Tháng 10-1917, V.I.Lênin viết tác phẩmNhững nhiệm vụ của cách mạng, trong đó nêu rõ nhiệm vụ đấu tranh vì hòa bình cho các dân tộc:“tất cả các dân tộc, không trừ một dân tộc nào, ở châu Âu cũng như ở các nước thuộc địa, đều được tự do và có khả năng tự mình quyết định xem nên thành lập quốc gia độc lập hoặc sáp nhập vào bất cứ một quốc gia nào khác”(6).

Trong Sắc lệnh về hòa bình, V.I.Lênin khẳng định: “Chính phủ coi mọi cuộc sáp nhập một dân tộc nhỏ hay yếu vào một nước lớn hay mạnh là thôn tính hay xâm chiếm đất đai của nước ngoài, nếu không được dân tộc ấy biểu thị sự tự nguyện đồng ý và mong muốn một cách hết sức rõ ràng”(7). V.I.Lênin chỉ rõ, việc đế quốc thực dân duy trì nền thống trị của chúng ở các nước thuộc địa đang đấu tranh giành độc lập dân tộc được coi như những hành động xâm lược: “Nếu một dân tộc bị cưỡng ép sáp nhập vào địa giới của một nước nào đó, nếu mặc dầu dân tộc ấy đã biểu thị nguyện vọng của nó,… mà người ta vẫn không để cho dân tộc ấy có quyền định đoạt bằng đầu phiếu tự do, không hề bị cưỡng bức chút nào, vấn đề các hình thức chính trị của sự sinh tồn quốc gia của họ, sau khi quân đội của dân tộc xâm lăng, hay nói chung, của một dân tộc hùng mạnh hơn, đã hoàn toàn rút lui, thì việc sáp nhập dân tộc ấy vào nước nói đó là một cuộc thôn tính, nghĩa là một cuộc xâm chiếm và là một hành vi bạo lực”(8). Đây là một nhận định hoàn toàn mới về quan hệ giữa các nước, hoàn toàn phù hợp với quyền lợi căn bản của các dân tộc trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nhà nước đã xác nhận về mặt pháp lý, tính chất hợp pháp và chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức và kiên quyết lên án chủ nghĩa thực dân. Do đó, Sắc lệnh về hòa bình được coi là sự viện trợ to lớn về tinh thần và về đường lối phát triển cho phong trào giải phóng của các dân tộc bị áp bức ở phương Đông.

Không chỉ đàm phán hòa bình để kiến thiết xây dựng đất nước, nước Nga sẵn sàng hợp tác kinh tế với các nước có chế độ xã hội khác nhau: “Trước Đại hội IX của Đảng, mọi sự quan tâm và mọi sự cố gắng của chúng ta đều hướng vào mục đích chuyển từ những quan hệ chiến tranh với các nước tư bản chủ nghĩa sang những quan hệ hòa bình và thương mại…Chúng ta cần những quan hệ buôn bán thật sự với các nước Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật…”(9). Trong thời gian các nước đế quốc bao vây chống nước Nga, trong thư Gửi công dân Mỹ, khi trả lời câu hỏi: Những người Mỹ, chủ yếu là những nhà tư sản không tán thành chiến tranh với nước Nga, họ hy vọng là trong trường hợp ký được hòa ước, nước Nga không những sẽ đặt quan hệ buôn bán, mà còn có thể nhượng cho họ một số tô nhượng nào đó ở nước Nga, vậy những người Mỹ đó suy nghĩ có đúng không? V.I.Lênin trả lời: “Những người Mỹ đó nghĩ đúng”. Người khẳng định: “Đối với Mỹ, nước Nga không những sẽ đặt quan hệ buôn bán, mà còn có thể nhường cho họ một số tô nhượng nào đó ở nước Nga”, bởi “Với những điều kiện hợp lý, thì việc tô nhượng cũng là điều chúng tôi mong muốn; đó là một trong những biện pháp để nước Nga tranh thủ sự viện trợ kỹ thuật của các nước tiên tiến hơn về mặt này, trong suốt thời kỳ các nước xã hội chủ nghĩa và các nước tư bản chủ nghĩa tồn tại bên cạnh nhau”(10). Ngày 5-10-1919, trả lời phóng viên tờ báo The Chicago daily news (Mỹ) về lập trường của Chính phủ Xôviết trong vấn đề ký hiệp nghị kinh tế với nước Mỹ, V.I.Lênin khẳng định: “Chúng tôi hòan toàn tán thành ký hiệp nghị kinh tế với nước Mỹ, với tất cả các nước, nhưng đặc biệt là với nước Mỹ”(11).

Hợp tác kinh tế với các nước tư bản, nước Nga đã sử dụng những thành tựu khoa học và kỹ thuật tư bản, các chuyên gia tư sản cũng như kinh nghiệm của các nhà tư bản, mời các chuyên gia và công nhân nước ngoài hợp tác, đến nước Nga làm việc, tham gia vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga và “cam kết tìm mọi cách giúp đỡ họ, để kiến tạo những quan hệ hữu nghị”(12).

Ngày 4-3-1919, V.I.Lênin sáng lập và lãnh đạo Quốc tế III - Quốc tế Cộng sản. Khác với Quốc tế I và Quốc tế II trước đó, tham gia Quốc tế III không chỉ giai cấp vô sản ở các nước tư bản tiên tiến, mà còn có nhân dân ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Khẩu hiệu của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và cũng là của Quốc tế I: “Vô sản tất cả các nước, liên hiệp lại!” được bổ sung thành: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”. Nước Nga đã thực hiện triệt để đường lối về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Quốc tế Cộng sản, thực hiện thống nhất phương Tây vô sản với phương Đông bị áp bức, thi hành một chính sách thực hiện sự liên minh chặt chẽ nhất của tất cả các phong trào giải phóng dân tộc và thuộc địa với nước Nga Xôviết với những hình thức phù hợp với trình độ phát triển của phong trào cộng sản trong nội bộ giai cấp vô sản mỗi nước, hay của phong trào dân chủ tư sản của công nhân và nông dân ở các nước chậm tiến hay các dân tộc chậm tiến.

 Tháng 7-1919, Chính phủ Xôviết ra Lời kêu gọi gửi nhân dân Trung Quốc và các chính phủ Hoa Bắc và Hoa Nam, tuyên bố từ chối mọi đặc quyền, đặc lợi ở Trung Quốc của Chính phủ Nga Hoàng trước đó, xóa bỏ tất cả mọi điều ước bất bình đẳng cũ, ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Trung Quốc. Tháng 8-1919, Chính phủ Xôviết ra Lời kêu gọi công nhân và nông dân Iran; tháng 9-1919, Lời kêu gọi công nhân và nông dân TuyếcmêniLời kêu gọi gửi nhân dân và Chính phủ nước Mông Cổ tự trị, Lời gửi các tổ chức cách mạng Triều Tiên; ngày 20-5-1920,Lời gửi Hiệp hội cách mạng Ấn Độ… Những lời kêu gọi có tác dụng to lớn, làm cho tư tưởng của Cách mạng Tháng Mười thâm nhập vào quần chúng nhân dân các nước phương Đông.

Một thế kỷ đã trôi qua, nhưng ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn còn nguyên giá trị đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên toàn thế giới, đặc biệt là với cách mạng Việt Nam. Quan hệ quốc tế mới - Quan hệ quốc tế hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc mà Cách mạng Tháng Mười Nga đem lại mở ra một kỷ nguyên mới cho quan hệ quốc tế của nhân loại. Thực tiễn cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chứng minh sự đúng đắn và sức sống bất diệt của chủ nghĩa Mác-Lênin mà Cách mạng Tháng Mười Nga là ngọn cờ khởi đầu vĩ đại.

______________

(1) Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, Nha Thông tin Việt Nam xuất bản năm 1950.

(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 162, 162.

(4), (5), (7), (8) V.I.Lênin: Toàn tập, t.35, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr. 13-14, 15, 14, 14-15.

(6) V.I.Lênin: Toàn tập, t.34, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr. 308.

(9) V.I.Lênin: Toàn tập, t.43, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr. 22-23.

(10), (11) V.I.Lênin: Toàn tập, t.39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr. 226, 238-239.

(12) V.I.Lênin: Toàn tập, t.44, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr. 156.

 

ThS Bùi Kiến Thường

Trường Chính trị tỉnh Hà Nam

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền