Trang chủ    Quốc tế    Bài học từ Cách mạng Tháng Mười Nga - Cách mạng muốn thắng lợi phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo
Thứ tư, 08 Tháng 11 2017 14:35
3899 Lượt xem

Bài học từ Cách mạng Tháng Mười Nga - Cách mạng muốn thắng lợi phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo

(LLCT) - Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Nhà nước Xôviết ra đời, đã làm cho học thuyết cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành hiện thực sinh động, cổ vũ giai cấp vô sản các nước trên thế giới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội. Cách mạng Tháng Mười đã để lại cho cách mạng thế giới những bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Một trong những bài học đó là vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản - đội tiền phong của giai cấp vô sản.

1. Đảng Bônsêvích Nga - chính đảng cách mạng của giai cấp vô sản do V.I.Lênin sáng lập và lãnh đạo là nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga.

Chủ nghĩa Mác được truyền bá vào phong trào công nhân Nga dẫn tới sự ra đời Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga năm 1898. Năm 1903, Đại hội II của Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Nga đã thông qua bản Cương lĩnh mác xít đầu tiên và Đảng Bônsêvích - chính đảng kiểu mới của giai cấp vô sản Nga được thành lập, trở thành một bước ngoặt trong lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Trên cơ sở phân tích sâu sắc và khoa học những điều kiện lịch sử mới, phát triển một cách sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác về cách mạng xã hội chủ nghĩa, Lênin đã chỉ rõ, chủ nghĩa đế quốc là “đêm trước của cách mạng vô sản”, cách mạng vô sản có thể thắng trước hết trong một số ít nước tư bản, thậm chí trong một nước riêng lẻ; Không có sự ngăn cách nào giữa cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới và cách mạng xã hội chủ nghĩa, giai cấp vô sản không những phải hết sức tích cực tham gia cách mạng dân chủ tư sản mà còn phải giữ vai trò trong cuộc cách mạng đó; Liên minh công nông là điều kiện căn bản bảo đảm quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản, bảo đảm thắng lợi của cách mạng dân chủ tư sản và cách mạng xã hội chủ nghĩa; Cách mạng dân tộc và thuộc địa là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới, độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Sau khi giành chính quyền giai cấp vô sản phải xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản với những hình thức thích hợp với điều kiện cụ thể của từng nước; Sự lãnh đạo của chính đảng kiểu mới của giai cấp vô sản là điều kiện tiên quyết bảo đảm thắng lợi của cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản.

Những  năm 1905-1907 ở nước Nga đã bùng nổ cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới, cuộc cách mạng đó chưa lật đổ được chế độ Nga hoàng, nhưng đã giáng một đòn nặng nề vào nền thống trị của nó. Đến năm 1912, một cao trào đấu tranh cách mạng của công nhân, nông dân, binh lính lại bùng lên mạnh mẽ. Từ năm 1914, Chính phủ Nga hoàng tham gia cuộc chiến tranh đế quốc (1914-1918) với hy vọng bành trướng lãnh thổ, đồng thời âm mưu lợi dụng chiến tranh để đàn áp phong trào cách mạng trong nước, nhưng cả hai mưu đồ đều thất bại. Ngoài mặt trận, quân Nga liên tục thua trận, hậu phương rối loạn, kinh tế suy sụp, nhân dân lâm vào cảnh cơ cực đến tột cùng. Để cứu vãn ngai vàng cho nhà vua và ruộng đất cho địa chủ, thế lực phong kiến ký hòa ước riêng với nước Đức.

Giai cấp tư sản Nga được giai cấp tư sản Anh, Pháp ủng hộ lại chủ trương tiếp tục chiến tranh, nhưng muốn tiếp tục chiến tranh thì phải thay đổi triều đình. Vì vậy, giai cấp tư sản Nga chủ trương làm cuộc đảo chính truất ngôi vua Nicôlai II và đưa Mikhain Rômanốp lên ngôi.

Trong khi đó, bọn Mensêvích và bọn xã hội cách mạng lại chủ trương “hòa bình trong nước”, kêu gọi công nhân và nông dân ủng hộ chiến tranh đế quốc và “bảo vệ Tổ quốc”.

Chỉ có những người Bônsêvích trung thành với lợi ích chân chính của nhân dân lao động, kiên quyết chống chiến tranh đế quốc. Đảng Bônsêvích đã tuyên bố lên án chiến tranh và kêu gọi quần chúng “biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng”. Đảng giải thích cho quần chúng hiểu rằng khẩu hiệu “bảo vệ Tổ quốc” mà Chính phủ Nga hoàng đưa ra là nhằm bảo vệ Tổ quốc của bọn tư sản, địa chủ và chỉ có lật đổ chế độ Nga hoàng, nhân dân mới có Tổ quốc thực sự của họ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Bônsêvích, phong trào đấu tranh của quần chúng đã phát triển mạnh mẽ, công nhân đấu tranh chống sa thải, chống sự tăng cường bóc lột của tư sản. Nông dân đấu tranh đòi ruộng đất, các dân tộc bị áp bức đấu tranh chống ách nô dịch của chế độ Nga hoàng. Binh lính đấu tranh phản chiến, các tầng lớp nhân dân đấu tranh đòi hòa bình.

Đến năm 1917, mâu thuẫn trong xã hội Nga đã phát triển đến đỉnh điểm, các cuộc đấu tranh của quần chúng lên cao. Một tình thế cách mạng trực tiếp đã hình thành. Ngày 27-2-1917, cuộc khởi nghĩa của công nhân, binh lính ở Pêtrôgrát đã lật đổ nền quân chủ chuyên chế Nga hoàng, các xô viết đại biểu công nhân và binh lính ra đời như một cơ quan chính quyền cách mạng.

 Cuộc cách mạng dân chủ tư sản Nga tháng 2-1917 đã dẫn đến tình trạng hai chính quyền song song tồn tại: Xô viết đại biểu công nhân, binh lính và Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản. Những người Bônsêvích đã tiến hành công tác tuyên truyền, tổ chức, tập hợp quần chúng xung quanh các xô viết; thành lập các đội cận vệ đỏ và đội cảnh sát công nhân nhằm chống lại bọn phản cách mạng, tiếp tục đấu tranh đòi tước ruộng đất của địa chủ chia cho nông dân, thỏa mãn những đòi hỏi về tự do, dân chủ của quần chúng.

Từ tháng 4 đến tháng 7-1917, đã diễn ra các cuộc đấu tranh của quần chúng cách mạng Nga được Đảng Bônsêvích giác ngộ, tổ chức và lãnh đạo chống lại những chính sách và hành động phản nước hại dân của chính phủ lâm thời. Ngày 25-10-1917 (tức ngày 7-11-1917 theo công lịch) đã đi vào lịch sử là ngày thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Cách mạng Tháng Mười thắng lợi đã giải phóng giai cấp vô sản Nga khỏi sự bóc lột của giai cấp tư sản, giải phóng nông dân Nga khỏi sự bóc lột giai cấp địa chủ phong kiến, giải phóng các dân tộc bị áp bức trong đế quốc Nga khỏi “nhà tù” của chế độ Nga hoàng. Cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu sắc và mở đầu một giai đoạn mới trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, một loạt các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc bùng nổ, làm cho chủ nghĩa đế quốc suy yếu nghiêm trọng, còn Liên Xô thì trở thành người bạn đồng minh tin cậy và chỗ dựa vững chắc của nhân dân các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và thực tiễn cuộc Cách mạng Tháng Mười đã chỉ rõ vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân là người sáng tạo nên lịch sử-động lực của các cuộc cách mạng. Song,sức mạnh của quần chúng chỉ có thể phát huy đầy đủ, đúng đắn khi có sự lãnh đạo của một Đảng cách mạng chân chính. Đảng là tổ chức của những người tiên tiến nhất trong giai cấp công nhân, nhân dân lao động, có cùng chung một mục tiêu, một lý tưởng đó là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, đưa đất nước phát triển phù hợp với quy luật phát triển của thời đại. Đảng là đội tiên phong tổ chức, lãnh đạo giai cấp và dân tộc trong cuộc đấu tranh hướng tới mục tiêu giải phóng. Cách mạng có Đảng tiên phong lãnh đạo, vớiđường lối, chủ trương, chính sách, chiến lược và sách lược đúng đắn, lực lượng dân tộc sẽ được tổ chức, thống nhất ý chí và hành động tạo thành sức mạnh vô địch để chiến thắng. Do đó, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.

Để lý luận cách mạng được vận dụng vào thực tiễntrong điều kiện mới, Đảng phải luôn tự đổi mới, có nhận thức mớiđúng đắn, sáng tạo, chống trì trệ, bảo thủ như V.I.Lênin đã chỉ dẫn: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(1). Hơn nữa, những người cộng sản cũng cần tự tu dưỡng, rèn luyện hoàn thiện mình, chống nguy cơ thoái hóa biến chất của Đảng cầm quyền như V.I.Lênin đã sớm cảnh báo rằng, không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta.

2. Vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác -Lênin, Hồ Chí Minh xác định: muốn làm cách mạng thì "Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy"(2). Luận điểm nêu trên đã chỉ rõ: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhưng đó không phải là tổng số quần chúng gộp lại một cách cơ học mà là khối đại đoàn kết toàn dân được giáo dục,giác ngộ, có tổ chức được dẫn dắt bởi đường lối đúng đắn của một chính đảng vô sản. Đảng Cộng sản có trách nhiệm như "người cầm lái", dẫn đường, hoạch định đường lối đúng đắn và đưa đường lối đó vào quần chúng để giác ngộ, tập hợp, tổ chức nhân dân đứng lên đấu tranh thực hiện giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Bởi “trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, và khi mà “dân khí mạnh thì quân lính nào súng ống nào cũng không chống lại nổi”. Cách mạng chỉ có thể giành được thắng lợi khi biết đoàn kết nhân dân, biết phát huy sức mạnh của toàn dân tộcdưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã truyền bá lý luận Mác - Lênin vào công nhân, các tầng lớp yêu nước. Cuối những năm 20 thế kỷ XX, ở Việt Nam các tổ chức cộng sản lần lượt được thành lập. Tuy nhiên, sự tồn tại của 3 tổ chức cộng sản là nguy cơ dẫn đến chia rẽ trong phong trào công nhân, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Yêu cầu cấp thiết đặt ralà thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản duy nhất để lãnh đạo phong trào cách mạng. Bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, Người đãtổ chứcthành công Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam,thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân 1930, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối lãnh đạocách mạng.

Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi ra đời đã xác địnhđường lối đúng đắn, phương pháp cách mạng thích hợp là nhân tố quyết định sự thắng lợi của cách mạng. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Muốn thắng lợi, thì cách mạng phải có một đảng lãnh đạo”,“Cách mạng là cuộc đấu tranh rất phức tạp. Muốn khỏiđilạc phương hướng, quần chúng phải có Đảng lãnh đạo để nhận rõ tình hình, đường lối và định phương châm cho đúng”(3).

Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịchHồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã giành được những thắng lợi to lớn mang tính lịch sử. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Támnăm 1945thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp đó, là lãnh đạo cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

 Một quan điểm có ý nghĩa phương pháp luận mang tính chỉ đạo lâu dài đối với Đảng và nhân dân ta đã đượcHồ Chí Minh chỉ rõ “Đi theo con đường do Lênin vĩ đại vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được những thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lênin vĩ đạilà vô cùng sâu sắc”(4).

Hiện nay,cục diện thế giới đang có những biến động sâu sắc, khó lường, tác động mạnh mẽ tới sự nghiệp cách mạngở nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta kiên trì sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra, phấn đấuxây dựng một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để đạt tới mục tiêu đó, cầntiếp tục phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy nhân tố con người, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; kiên quyết khắc phục sựsuy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống;mỗi tổ chức, cán bộ, đảng viên cần tích cực tu dưỡng, rèn luyệnđểtrở thành những đảng viên, cán bộ gương mẫu, thực sự là “công bộc” của nhân dân; thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(5).

________________

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, t. 4, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva, 1974, tr.232.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 267 – 268.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 228.

(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 309, 510.

 

ThS Hoàng Thị Hương

Học viện Chính trị khu vực II

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền