Trang chủ    Quốc tế    Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh mới
Thứ ba, 21 Tháng 11 2017 11:14
7703 Lượt xem

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh mới

(LLCT) - Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là quan hệ đặc biệt, là láng giềng, gần gũi về địa lý tự nhiên; gần gũi về lịch sử hơn 2 nghìn năm đã được ghi vào lịch sử thành văn; gần gũi, tương đồng về văn hóa, và đặc biệt là trong thời hiện đại, rất gần gũi, tương đồng về ý thức hệ, về chế độ chính trị... “Hiếm có đối tác nào của Việt Nam có nhiều cơ chế giao lưu, hợp tác sâu rộng giữa hai Đảng, Chính phủ, Quốc hội và giữa các tổ chức chính trị xã hội, địa phương như Trung Quốc”

(Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc từ 12-15/1/2017) 

1. Bối cảnh mới của thế giới hiện nay

Bối cảnh thế giới hiện nay đang có những biến đổi to lớn, sâu sắc, nhanh chóng, phức tạp và khó lường, thể hiện rõ nét trên các bình diện sau:

Sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, tiếp tục có những bước nhảy vọt. Khoa học công nghệ ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thúc đẩy sự phát triển kinh tế, làm chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế và biến đổi sâu sắc các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tri thức và sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội. Chủ nghĩa tư bản đã bước qua thời kỳ khủng hoảng chu kỳ và đang bước vào khủng hoảng cơ cấu(1).

Kinh tế thế giới tiếp tục nỗ lực phục hồi nhưng chưa thoát khỏi tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu và sẽ còn diễn biến phức tạp trong những năm tới khi các cuộc trưng cầu dân ý, các cuộc bầu cử ở các nước châu Âu, châu Mỹ có xu hướng kết quả đảo ngược với truyền thống, tạo nên khủng hoảng chính trị ở nhiều nước. Tăng trưởng GDP toàn cầu chỉ đạt khoảng 3,1%. Hai nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc cũng tăng trưởng thấp. Ba năm liền kinh tế Mỹ đạt tăng trưởng GDP 2,4%, đạt 18 nghìn tỷ USD. Kinh tế Trung Quốc luôn tăng trưởng từ hai con số, nhưng năm 2016 chỉ đạt 6,9% (14 nghìn tỷ USD). Kinh tế Nhật Bản tăng 0,5%, tăng trưởng kinh tế các nước EU chưa đạt 2%(2).

Quá trình tái cấu trúc nền kinh tế và điều chỉnh các thể chế tài chính toàn cầu diễn ra mạnh mẽ, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy trở thành rào cản lớn cho thương mại thế giới. Toàn cầu hóa kinh tế ngày càng tăng, quá trình quốc tế hóa sản xuất và phân công lao động diễn ra ngày càng sâu rộng, vai trò của các công ty xuyên quốc gia ngày càng lớn. Việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu đã thành yêu cầu tất yếu của các nước phát triển và đang phát triển.

Các vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống đang là thách thức với toàn thế giới. Nhiều biến động phức tạp, đan xen nhiều xu hướng khác nhau, vừa cạnh tranh, vừa ảnh hưởng, vừa gia tăng phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia; sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn, những vấn đề tôn giáo, sắc tộc, an ninh, phát triển, tranh giành tài nguyên chiến lược; những vùng lãnh thổ nhạy cảm, tranh chấp trên biển, đặc biệt hiện nay là vấn đề lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông; thảm họa thiên nhiên, biến đổi khí hậu, khủng hoảng di cư, dịch bệnh, tội phạm, bùng nổ dân số, đói nghèo... đang đặt ra những thách thức với các tổ chức toàn cầu.

Quan hệ quốc tế đang diễn ra phức tạp, khó lường. Chính sách đối ngoại của các nước đang dần sang hướng thực hiện lợi ích của chính mình. Ví như: Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga xấu đi khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga nhưng nay lại đã tốt lên, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, Philippines và Trung Quốc hay quan hệ giữa các nước lớn Trung - Nga - Mỹ luôn được điều chỉnh cho phù hợp với lợi ích của từng nước.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có nhiều biến đổi sâu sắc do quá trình quốc tế hóa và khu vực hóa. Khái niệm “Thế kỷ châu Á” và “Thế kỷ Thái Bình Dương” phản ánh sự năng động và phức tạp, có sức hút về địa chính trị, địa kinh tế và địa văn hóa ở khu vực này. Trên thực tế, bước vào thế kỷ XXI, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực năng động và có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất trên thế giới. Về địa chính trị, các biển trong khu vực châu Á, Biển Hoa Đông và Biển Đông hiện nay đang bị khuấy động. Căn nguyên là ở chỗ, khác với các vùng biển khác, kể cả Ấn Độ Dương và Đông Bắc Thái Bình Dương, khi Biển Đông bị khuấy động sẽ ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí làm thay đổi quan điểm chiến lược của một số nước, trong đó  có Mỹ, Trung Quốc.

Mỹ, khi thực hiện chiến lược xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương cuối năm 2011, tuyên bố thế kỷ XXI sẽ là Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương. Châu Á - Thái Bình Dương được Mỹ xem là động lực chính cho sự phát triển kinh tế và chính trị của thế giới trong thế kỷ XXI. Tinh thần Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương được Mỹ liên tục đề cập trong các diễn đàn chính trị quốc tế và đang không ngừng hiện thực hóa. Mỹ đang nâng cấp quan hệ quân sự, điều quân đội đến Biển Đông, phối hợp với
các nước Nhật Bản, Philippines, Singapore,
Australia, Ấn Độ... tiến hành tập trận chung trên Biển Đông.

Trung Quốc coi thế kỷ XXI là kỷ nguyên của đại dương, đưa vấn đề biển và đại dương thành ưu tiên trong chiến lược phát triển nhằm hiện thực hóa Giấc mộng Trung Hoa. Cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế, không ngừng nỗ lực hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc ngày càng gia tăng yêu sách chủ quyền trên biển, trong đó có Biển Hoa Đông và Biển Đông. Đáng chú ý là những hoạt động trên biển như đưa Giàn khoan Hải Dương 981 đến khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, tập trận trên biển, cải tạo các đảo nhân tạo, đưa tàu, các loại vũ khí ra các đảo đã và đang cải tạo, dân sự hóa các đảo trên Biển Đông.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự đối đầu và thỏa hiệp giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn luôn xảy ra và sẽ tiếp tục trong tương lai. Dù thế nào đi nữa, hai nước Mỹ và Trung Quốc vẫn cần nhau vì sự phụ thuộc lẫn nhau về các mặt là rất lớn. Yếu tố này sẽ tác động rất mạnh đến quan hệ giữa các nước với Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa các nước với nhau. Theo giáo sư Mohan Malik, đây là thời kỳ của những sự chuyển giao quyền lực ở châu Á, trong đó Trung Quốc đóng vai trò quan trọng quyết định cục diện khu vực. Trong bài viết “Trung Quốc và tương lai địa chính trị châu Á”, giáo sư Mohan Malik cho rằng, sẽ có 7 sự dịch chuyển chiến lược lớn quyết định hành vi, chiến lược của Trung Quốc cũng như bối cảnh chính trị châu Á trong nhiều năm cũng như nhiều thập kỷ tới: 1) Xung đột giữa cường quốc mới nổi và cường quốc hiện thời; 2) Mối quan ngại về địa chính trị; 3) Cuộc cạnh tranh mới và cũ; 4) Thống trị thế giới là câu chuyện của quá khứ; 5) Luận điểm của Mackinder hay Mahan đều giá trị như nhau; 6) Công nghệ: một đòn bẩy thực sự; 7) Tương lai địa chính trị châu Á(3).

Như vậy, bối cảnh mới vô cùng phức tạp, khó lường, luôn hàm chứa những tiềm ẩn bất ngờ. Điều này khiến cho việc dự đoán tương lai chính trị thế giới trở nên hết sức khó khăn.

2. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc và sự tác động đến sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước

Do điều kiện địa lý tự nhiên, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông, lịch sử của hai nước thường liên quan với nhau. Trong thời hiện đại, tình cảm hữu nghị giữa hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng nhiều thế hệ lãnh đạo tiền bối và đương thời dày công xây dựng, củng cố đã trở thành tài sản quý báu của hai dân tộc.

Trong bối cảnh mới, quan hệ giữa hai nước tuy gặp những tác động đa chiều, nhưng hợp tác hữu nghị với phương châm “Cầu đồng tồn dị”; “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, nhất trí cùng nhau trở thành “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” luôn là dòng chảy chính. Trên tinh thần đó, năm 2008, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Hai nước đã thiết lập nhiều cơ chế giao lưu hợp tác giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Quốc hội và giữa các Ban, Bộ ngành, tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương đến một số địa phương và triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực quan trọng.

Về quan hệ chính trị:

Hai bên thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao, trong đó có cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng... Các chuyến thăm đều ký Thông cáo chung, hiệp định và văn kiện hợp tác, đặt cơ sở pháp lý cho quan hệ lâu dài giữa hai nước; tạo động lực cho việc triển khai các thỏa thuận hợp tác và thắt chặt thêm độ tin cậy chính trị giữa hai nước.

Việt Nam - Trung Quốc đã tổ chức thành công phiên họp thứ 9 Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung (tháng 6-2016) với nhiều kết quả khả quan. Hai nước đã tổ chức thành công cuộc gặp biên giới cấp Bộ trưởng Quốc phòng lần thứ 3 (28 đến 31-3-2016) và Đối thoại an ninh cấp Thứ trưởng lần thứ nhất. Các cuộc gặp gỡ này đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định giữa hai nước. Quan hệ giữa các Ban, ngành, tổ chức chính trị từ Trung ương đến một số địa phương được tăng cường bằng nhiều hình thức thiết thực(4).

- Về hợp tác tư tưởng lý luận:

Có thể nói, hợp tác trên lĩnh vực tư tưởng lý luận là nét đặc thù riêng có giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, vì hai nước đều có chung hệ tư tưởng cộng sản chủ nghĩa, cùng xác định mục tiêu xây dựng CNXH do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Quá trình hợp tác trao đổi lý luận, xác định đường lối cách mạng giữa các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam - Trung Quốc mà hạt nhân lãnh đạo là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đã diễn ra từ thập niên 30 thế kỷ XX. Đến thập niên 70 thế kỷ XX, khi Trung Quốc tiến hành công cuộc cải cách mở cửa, và thập niên 80, khi Việt Nam khởi xướng công cuộc đổi mới thì hợp tác trao đổi lý luận giữa hai Đảng, hai Nhà nước được tăng cường. Bước vào những năm đầu thế kỷ XXI đến nay, hợp tác Việt - Trung trên bình diện nghiên cứu lý luận đã có nhiều khởi sắc. Hai Đảng, hai Nhà nước đã thống nhất hoạch định Kế hoạch hợp tác nghiên cứu lý luận thường niên, hai bên đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo khoa học, bàn về những vấn đề chung, khái quát, cơ bản nhất về CNXH và các vấn đề hai nước cùng quan tâm...

Những hợp tác nghiên cứu tư tưởng lý luận giữa hai nước đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc tổng kết thực tiễn, sáng tạo lý luận giúp việc hoạch định đường lối lãnh đạo đúng đắn, phù hợp với bối cảnh lịch sử từng giai đoạn phát triển của khu vực và thế giới. Những hợp tác này không những có ý nghĩa với hai Đảng, hai Nhà nước và còn có đóng góp to lớn vào kho tàng lý luận và kinh nghiệm thực tiễn cho phong trào xây dựng CNXH trên toàn thế giới trong bối cảnh mới, điều kiện mới.

- Về quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, cũng như Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong khối ASEAN. Năm 2015, kim ngạch song phương, theo số liệu của Trung Quốc, đạt 95,8 tỷ USD, theo số liệu của Việt Nam, đạt 66,67 tỷ USD(5). Hai bên thống nhất phấn đấu thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD năm 2017.

Hợp tác đầu tư cũng không ngừng phát triển, tính đến tháng 2-2016, Trung Quốc có 1.346 dự án đầu tư tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký đạt 10,4 tỷ USD, đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

- Về quan hệ giao lưu văn hóa

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, trong lịch sử, có giai đoạn Việt Nam sử dụng chữ Hán trong các văn bản hành chính nhà nước cũng như sáng tạo văn học, ghi chép lịch sử. Chính vì vậy, quan hệ giao lưu văn hóa Việt Nam - Trung Quốc có bề dày lịch sử và bền chặt. Nhiều điểm tương đồng về văn hóa giữa hai nước luôn được bảo tồn và phát triển như việc tổ chức Tết Nguyên đán và các lễ hội trong năm. Các tư tưởng Nho, Đạo, Phật đều được hai nước coi trọng. Việt Nam là nước luôn đứng số một trên thế giới trong việc dịch nhiều tác phẩm triết học, văn học, sử học của Trung Quốc (Kinh thi, Luận ngữ, Mạnh Tử, Lão Tử, biệt Mặc danh gia, bách gia chư tử thời Tiên Tần, Đường thi, Tống từ, tiểu thuyết chương hồi Minh Thanh đến các tác phẩm của Lỗ Tấn, Quách Mạc Nhược đầu thế kỷ XX), các tác phẩm lý luận (tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng Ba đại biểu của Giang Trạch Dân) và hàng trăm tác phẩm văn học nghệ thuật khác.

Giao lưu hợp tác văn hóa Việt - Trung hiện nay luôn được hai nước chú trọng. Hai bên đang tích cực triển khai “Kế hoạch thực hiện Hiệp định văn hóa Việt - Trung giai đoạn 2016-2018”. Hàng năm, hai bên luôn trao đổi nhiều đoàn văn hóa nghệ thuật; tổ chức nhiều cuộc giao lưu văn hóa, thể thao nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Hai bên đã triển khai thực hiện hiệu quả “Thỏa thuận về hợp tác thể dục thể thao”, theo đó, Trung Quốc huấn luyện và đào tạo giúp Việt Nam vận động viên cho những đấu trường lớn ở khu vực và thế giới.

Giao lưu du lịch giữa nhân dân hai nước cũng ngày được tăng cường. Năm 2015 và năm 2016, mỗi năm có khoảng 1,7 triệu lượt khách Trung Quốc tới Việt Nam du lịch và 1,5 triệu lượt khách Việt Nam đi du lịch Trung Quốc(6).

- Về quan hệ giáo dục, đào tạo

Các nhà hoạch định chính sách đều cho rằng, do có nhiều nét tương đồng nên việc đẩy mạnh giao lưu sâu rộng giữa hai nước Việt - Trung về giáo dục đào tạo sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hai nước. Thực tiễn phát triển nền giáo dục, đào tạo ở Việt Nam cho thấy, dù bối cảnh khu vực và thế giới luôn thay đổi, mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt - Trung có lúc thăng trầm, nhưng trong sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông nói chung và chương trình giảng dạy văn học, văn hóa phương Đông, tư tưởng phương Đông cho các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn, thì nền văn hóa, văn học, triết học Trung Quốc cổ, cận, hiện đại luôn luôn được đề cập xứng đáng. Vì thế, đại đa số người Việt Nam đều biết những bậc triết gia thời Tiên Tần như Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, đều biết các nhà thơ nổi tiếng thời cổ đại như: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị đời Đường hay các tác phẩm văn học nổi tiếng: Tam Quốc diễn nghĩa, Tây du ký, Hồng lâu mộng cũng như các tác giả văn học thời hiện đại: Lỗ Tấn, Tào Ngu, Quách Mạc Nhược, Mạc Ngôn,...

Quan điểm của Việt Nam là tăng cường quan hệ hợp tác với Trung Quốc trên lĩnh vực giáo dục đào tạo, khuyến khích sinh viên Việt Nam du học Trung Quốc. Hiện nay, có khoảng 10 nghìn lưu học sinh Việt Nam đang học tại các trường đại học của Trung Quốc, và có khoảng 3 nghìn lưu học sinh Trung Quốc đang học tập tại Việt Nam.

- Về vấn đề biên giới lãnh thổ

Hai nước Việt – Trung đã giải quyết thành công hai trong ba vấn đề biên giới lãnh thổ. Năm 1993, hai bên đã ký thỏa thuận về xác nhận nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ. Trên cơ sở đó, hai bên đã hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền và phân định Vịnh Bắc Bộ. Hai bên đã ký Hiệp định về biên giới trên đất liền (1999), Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ (2000), Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (2000), Nghị định thư hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ (2004).

Ngày 31-12-2008, hai bên đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc đúng thời hạn Lãnh đạo cấp cao hai nước thỏa thuận. Hai bên đã ký công bố Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu có hiệu lực từ 14-7-2010. Các Hiệp định về tàu thuyền đi lại tự do trên sông Bắc Luân, cũng như Hiệp định về bảo vệ và khai thác thác Bản Giốc đã được hai bên ký kết tháng 11-2015.

- Về vấn đề Biển Đông

Sự khác biệt lớn nhất trong quan hệ song phương vẫn là vấn đề Biển Đông. Đây là vấn đề đòi hỏi hai bên cần kiên trì, nỗ lực, bình tĩnh tháo gỡ bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và
sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển
Đông (COC).

Trên thực tế, hai nước đã ký kết “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc (2011)”, làm cơ sở cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Hai bên đã thành lập cơ chế đàm phán cấp chuyên viên về khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và cơ chế đàm phán cấp chuyên viên về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Sau các vòng đàm phán, đến nay, hai bên đã đạt được một số kết quả gồm: nhất trí thành lập Tổ chuyên gia kỹ thuật khảo sát chung phục vụ công tác phân định và hợp tác cùng phát triển tại khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ; nhất trí chọn ra 3 dự án trong lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển để nghiên cứu và triển khai thí điểm, gồm: Dự án về hợp tác trao đổi, nghiên cứu về quản lý môi trường biển và hải đảo vùng Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc; Dự án nghiên cứu so sánh trầm tích thời kỳ Holocenne khu vực châu thổ sông Hồng và châu thổ sông Trường Giang; Dự án về phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hai bên đã thành lập Nhóm Công tác bàn bạc và hợp tác cùng phát triển trong khuôn khổ Đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc (2013) nhằm nghiên cứu và bàn bạc về các giải pháp mang tính quá độ, không ảnh hưởng lập trường và chủ trương của mỗi bên, bao gồm vấn đề hợp tác cùng phát triển(8).

Như vậy, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là quan hệ đặc biệt, là láng giềng, gần gũi về địa lý tự nhiên; gần gũi về lịch sử hơn 2 nghìn năm đã được ghi vào lịch sử thành văn; gần gũi, tương đồng về văn hóa, và đặc biệt là trong thời hiện đại, rất gần gũi, tương đồng về ý thức hệ, về chế độ chính trị... “Hiếm có đối tác nào của Việt Nam có nhiều cơ chế giao lưu, hợp tác sâu rộng giữa hai Đảng, Chính phủ, Quốc hội và giữa các tổ chức chính trị xã hội, địa phương như Trung Quốc”(8).

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là tất yếu khách quan. Hợp tác hữu nghị là sứ mệnh của lãnh đạo và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Hai Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước cần tiếp tục chung tay góp sức nhân lên những điểm tương đồng, khép lại những điều khác biệt, nhân lên tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước.

Bối cảnh trong khu vực và thế giới đã và sẽ tiếp tục biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường nhưng hòa bình, ổn định và phát triển luôn là nguyện vọng và lợi ích chung của cả hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc. Tương lai của mỗi nước cũng như hòa bình, ổn định, phồn vinh của khu vực rất cần sự phát triển bền vững của quan hệ hợp tác song phương giữa hai quốc gia, hai dân tộc Việt Nam - Trung Quốc. Việt Nam luôn mong muốn Trung Quốc phát triển mạnh mẽ, có vai trò tích cực trong việc bảo vệ hòa bình, ổn định, thúc đẩy sự phồn vinh ở khu vực châu Á và thế giới.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 5-2017

(1) Samir Amin: Monthly Review, 11-12-2016.                       

(2) Theo Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

(3) Mohan Malik là giáo sư chuyên về An ninh châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương ở Honolulu. Bài viết đăng trên trang “The Dip lomat”, tháng 7-2014.

(4) Website Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc: Tổng quan về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

(5) Website Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc: Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc .

(6) Bộ Ngoại giao, Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan, Http: infographics.vn, 2016.

(7) Website Bộ Ngoại giao Việt Nam: Tài liệu cơ bản về Trung Quốc và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

(8) Phạm Bình Minh: Phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, Báo Tuổi trẻ, ngày
18-1-2015.

 

PGS, TS Lê Văn Toan

Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền