Trang chủ    Quốc tế    Cách mạng Tháng Mười Nga với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới
Thứ sáu, 08 Tháng 12 2017 11:36
1626 Lượt xem

Cách mạng Tháng Mười Nga với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới

(LLCT) - Ngày 7 - 11 - 1917, cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới do V.I. Lênin và Ðảng Bônsêvích Nga lãnh đạo đã giành được thắng lợi, lập nên Nhà nước công nông, do giai cấp công nhân nắm chính quyền, xây dựng một xã hội mới, xóa bỏ chế độ người bóc lột người. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công là một sự kiện vĩ đại của thế kỷ XX, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến tiến trình phát triển của nhân loại.

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết được thành lập, lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân lao động Nga đã có Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, một Tổ quốc thực sự của mình, nhưng ngay sau khi cách mạng thành công, các thế lực thù địch trong nước và các nước đế quốc điên cuồng tìm mọi cách để bóp chết ChínhquyềnXô viết non trẻ, xóa bỏ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Ngavừa giành được.Lúc này, tình hình trong nước và quốc tế hết sức phức tạp dẫn đến những khó khăn chồng chất đối với chính quyền Xô viết;nếuphải đối mặt ngay với chiến tranh thì nguy cơ thất bại sẽ “sờ sờ hiện ra trước mắt”.

Trướctình hình đó, V.I.Lênin vàNhà nước Xô viết đã chủ trươngđề ra chính sách đối ngoại mềm dẻo, khôn khéo,triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ chủ nghĩa đế quốc, phá tan âm mưu của chúng muốn thành lập một mặt trận thống nhất chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới; tận dụng mọi điều kiện kéo dài thời gian hòa hoãn để dốc sức vào công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước, tăng cường sức mạnh quốc gia. V.I.Lênin nhấn mạnh, trong lúc này cần phải học làm ngoại giao, phải dốc toàn lực ra để làm cho nền kinh tế phát triển nhanh chóng nhất, để tăng cường khả năng phòng thủ đất nước, nhất là tăng cường khả năng quốc phòng, xây dựng Hồng quân công nông vững mạnh.

V.I.Lênin đã đề cập một cách khá toàn diện về vấn đề phòng thủ đất nước, xây dựng, củng cố và tăng cường quốc phòng,như: tính tất yếu phải xây dựng và củng cố quốc phòng; về tính chất của nền quốc phòng; về mục tiêu, nội dung, phương thức xây dựng nền quốc phòng; về sức mạnh của nền quốc phòng; về mối quan hệ giữa quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng; đặc biệt là mối quan hệ giữa kinh tế với chiến tranh…

Xây dựng và củng cố quốc phòng là vấn đề có tính quy luật trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong bài “Một bài học gian khổ nhưng cần thiết” đăng trên Báo Sự thật số 35, ngày 25 - 2-1918, V.I.Lênin đã viết: “Người công nhân giác ngộ biết suy nghĩ sẽ rút ra từ bài học lịch sử đó ba kết luận về thái độ của chúng ta đối với vấn đề: bảo vệ Tổ quốc, khả năng quốc phòng, chiến tranh cách mạng, xã hội chủ nghĩa”(1).

Trong quá trình xây dựng xã hội mới, V.I.Lênin thường xuyên nhắc nhở Đảng và Nhà nước Xô viết đề cao cảnh giác, không ngừng chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng Hồng quân vững mạnh. Theo Người, xây dựng và củng cố quốc phòng là sự phản ánh yêu cầu khách quan của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện có sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản bên cạnh chủ nghĩa xã hội.

Mục tiêu xây dựng và củng cố quốc phòng là để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hòa bình, bảo vệ cuộc sống của hàng trăm triệu quần chúng nhân dân lao động trong điều kiện hòa bình và sẵn sàng chuyển tiềm lực quốc phòng được xây dựng, củng cố trong thời bình thành những nhân tố đảm bảo giành thắng lợi trong tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa nếu kẻ thù liều lĩnh phát động cuộc chiến tranh vũ trang xâm lược.

Trong công cuộc xây dựng và củng cố quốc phòng,V.I.Lênin đặc biệt coi trọng việc xây dựng và phát huy mạnh mẽ ưu thế chính trị - tinh thần của chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa và những con người mới - sản phẩm của chế độ xã hội mới, coi đó là cơ sở trực tiếp quyết định sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.Người đặc biệt coi trọng việcxây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc nhằm khơi dậy và phát huy mạnh mẽ sức mạnh chính trị - tinh thần của nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. V.I.Lênin chỉ rõ:trong cuộc nội chiến của chúng ta, chống giai cấp tư sản, chúng ta sẽ tập hợp và đem nhân dân hợp nhất lại, không phải bằng sức mạnh của đồng rúp, không phải bằng sức mạnh của dùi cui, không phải bằng bạo lực mà bằng sự thỏa thuận tự nguyện, bằng sự đoàn kết các người lao động chống bóc lột.

Khẳng định tính tất yếu phải xây dựng và củng cố quốc phòng để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, V.I.Lênin đã nhấn mạnh đến vấn đề cần phải xác định rõ thái độ của giai cấp vô sản và quần chúng lao động đối với công cuộc xây dựng và củng cố khả năng quốc phòng.  Bởi vậy, nghĩa vụ tuyệt đối của toàn thể quần chúng lao động là đem hết sức mình ra để khôi phục và tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước chúng ta.Người khẳng định: “Chính vì chúng ta chủ trương bảo vệ Tổ quốc, nên chúng ta đòi hỏi phải có một thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà”(2). Theo V.I.Lênin, xây dựng và củng cố quốc phòng là sứ mạng của nhà nước chuyên chính vô sản; đồng thời, là nghĩa vụ của toàn dân: “Nghĩa vụ tuyệt đối của toàn thể quần chúng lao động là đem hết sức mình ra để khôi phục và tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước”(3), “Mọi người phải có thái độ nghiêm túc đối với việc quốc phòng”(4).

V. I. Lênin cho rằng, không nghiêm túc chuẩn bị cho quốc phòng, có thái độ khinh suất đối với cuộc chiến tranh thực sự kiên cường và đẫm máu sắp tới thì sẽ quá ngây thơ và có tội. Phải tiến hành chiến tranh một cách thực sự hay là hoàn toàn không tiến hành chiến tranh, tăng cường chuẩn bị về quốc phòng để sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, điều đó đòi hỏi không phải là một đà phấn khởi, cũng không phải là những lời kêu gào, những khẩu hiệu suông, mà đòi hỏi một công tác lâu dài, khẩn trương, nghiêm túc, hết sức ngoan cường và có kỷ luật trên một quy mô lớn.

Trong giai đoạn mới, trước sự tác động của tình hình thế giới, khu vực với  sự vận động, biến đổi phức tạp, nhanh chóng, khó dự lường; trước sự tỏc động của tỡnh hỡnh trong nước cùng với những thời cơ, thuận lợi là những khó khăn, nguy cơ, thách thức đan xen; trước những âm mưu, thủ đoạn và hành động chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch; trước yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, chắc chắn còn phải trải qua những khó khăn, thách thức mới. Trong những điều kiện đó, để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới, chúng ta cầnquan tâm đến một số vấn đề chủ yếu sau đây:

Thứ nhấtcần nhận thức đầy đủ hơn về mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới được thể hiện trong “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và được tiếp tục nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng, trên cơ sở đó quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố lực lượng, tiềm lực và thế trận quốc phòng trên các mặt kinh tế, chính trị, tinh thần, khoa học - công nghệ và quân sự, nhất là trên các địa bàn chiến lược.

Thứ hai, tiếp tục triển khai việc giáo dục quốc phòng toàn dân theo quan điểm mới về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức, trách nhiệm công dân trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là ở cơ sở. Làm cho cán bộ, đảng viên, mọi tầng lớp nhân dân, các cấp, các ngành nhận thức và quán triệt đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quan điểm của Đảng về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và các quan điểm trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Thứ ba, chú trọng xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc. Bản chất nền quốc phòng của dân, do dân và vì dân đòi hỏi phải tạo dựng được một “thế trận lòng dân” thực sự vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Trong điều kiện mới của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, các thế lực thù địch đã, đang và sẽ ráo riết thực hiện những biện pháp “đánh vào lòng người”, lợi dụng những vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” nhằm làm suy yếu cơ sở chính trị - xã hội của nền quốc phòng toàn dân, gây mất ổn định chính trị - xã hội, làm cho dân xa Đảng, đối lập dân với Đảng, thì vấn đề xây dựng “thế trận lòng dân” vừa là đòi hỏi bức thiết trong tình hình mới, vừa đặt ra yêu cầu phải có nội dung và phương thức xây dựng mới phù hợp hơn.

Thứ tư, mở rộng quan hệ đối ngoại quân sự, quốc phòng và nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại quân sự, quốc phòng, nhất là trong điều kiện nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần có nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn và có chiến lược, kế hoạch hoạt động cụ thể, phù hợp nhằm đem lại hiệu quả thiết thực. Tăng cường đấu tranh quốc phòng trong điều kiện mới.

Thứ năm, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, đối ngoạitrong điều kiện Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, đối ngoại là yêu cầu khách quan, đòi hỏi phải được giải quyết hợp lý, cụ thể trong từng bước đi, trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước. Cần thống nhất nhận thức và giải quyết tốt mối quan hệ quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, những phát triển mới của tình hình và yêu cầu mới của mối quan hệ đó khi Việt Nam đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và tham gia ngày càng nhiều vào các tổ chức diễn đàn quốc tế, khu vực.

Thực tiễn tồn tại và phát triển của phong trào xã hội chủ nghĩa trong những thập kỷ vừa qua cũng như sự tồn tại của chủ nghĩa xã hội trong điều kiện hiện nay cho thấy, những giá trị cơ bản của Cách mạng Tháng Mười Nga về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, về xây dựng nền quốc phòng đã, đang và sẽ là cơ sở cho mọi học thuyết, đường lối quân sự của các nước xã hội chủ nghĩa trong cuộc đấu tranh cho thắng lợi của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, cũng như ở Việt Nam.

Một thế kỷ đã trôi qua kể từ khi cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga thắng lợi, nhân loại đã chứng kiến biết bao sự biến cố thăng trầm, nhưng những giá trị cơ bản của Cách mạng Tháng Mười Nga về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, về xây dựng nền quốc phòng vẫn tiếp tục tỏa sáng, soi rọi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới; soi rọi sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, ngày càng hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

________________

(1) V. I. Lênin: Toàn tập, t. 35, Nhà xuất bản Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr. 480 

(2) V.I Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t.35, tr. 480 - 481.

(3), (4) V.I Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, t. 36, tr. 153, 358.

 

                                          Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Vĩnh Thắng

                         Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền