Trang chủ    Quốc tế    Truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế trong đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới
Thứ ba, 06 Tháng 2 2018 11:49
4336 Lượt xem

Truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế trong đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới

(LLCT) - Sự kết hợp truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế là bài học lớn; là nguồn lực, sức mạnh trong đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới của Đảng ta. Đây là một trong các nhân tố góp phần làm nên thành tựu nổi bật của ngoại giao Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới.

Trong những năm đầu của thế kỷ XXI, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, thuận lợi và thách thức đan xen, tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Không một quốc gia nào có thể phát triển nếu tách biệt với thế giới. Mỗi quốc gia, dân tộc đều cần mở cửa và hội nhập, chủ động gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa. Đây là điều kiện thuận lợi để kết hợp và phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong phát triển. Nhận thức sâu sắc tính tất yếu và cơ hội đó, Đảng ta luôn coi việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp là một trong những yêu cầu, bài học kinh nghiệm lớn trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, trong đó có ngoại giao. Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “...thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế…”(1). Quan điểm này thể hiện sự kết hợp tính truyền thống và tính hiện đại, tính dân tộc và quốc tế trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta thời kỳ đổi mới. 

1. Sự kết hợp truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế là bài học lớn, nguồn lực, sức mạnh trong đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới của Đảng ta.

Trong thời kỳ đổi mới, ngoại giao Việt Nam đã kế thừa tinh hoa ngoại giao của cha ông ta được đúc kết qua hàng nghìn năm lịch sử, tạo nên những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Điều đó được thể hiện cụ thể:

Một là, ngoại giao Việt Nam về bản chất là ngoại giao giữ nước và cứu nước, giữ độc lập, chủ quyền, chống xâm lược, kiên trì đấu tranh cho các mục tiêu cơ bản của dân tộc. Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước và hòa bình. Chính sách ngoại giao mềm dẻo, uyển chuyển, nhất là với các nước lớn, đã góp phần bảo vệ lợi ích căn bản của quốc gia: độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng khi nền hòa bình bị đe dọa, chiến tranh xâm lược xảy ra, toàn thể dân tộc Việt Nam một lòng một dạ đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống ngoại giao Việt Nam với ngoại giao hiện đại. Tư tưởng ngoại giao của Người là một trong những nền tảng trong việc hoạch định đường lối đối ngoại đổi mới của Đảng ta hiện nay, đó là: "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Cái bất biến là lợi ích quốc gia dân tộc, mà độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, sức mạnh và vị thế quốc gia là những nội hàm quan trọng nhất. Cái vạn biến là cách ứng phó, sự khéo léo, linh hoạt trước mọi tình huống. Công tác đối ngoại hơn 30 năm qua là quá trình đổi mới không ngừng, bổ sung liên tục giữa lý luận và thực tiễn; là sự tham chiếu chặt chẽ giữa tính bất biến của mục tiêu chiến lược và sự linh hoạt trong thực thi sách lược.

Hai là, chính sách ngoại giao hòa hiếu, thân thiện, hữu nghị. Hòa bình, hòa hiếu, nhân văn là cốt lõi của ngoại giao Việt Nam. Dù luôn phải chiến đấu chống lại các cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc, nhưng người Việt Nam vẫn giàu lòng nhân ái, trọng đạo lý, nghĩa tình, không nuôi hận thù; sau chiến tranh vẫn muốn: “Sửa hòa hiếu cho hai nước tắt muôn đời chiến tranh”(2). Sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc tạo quan hệ hữu nghị, hòa bình với các nước, nhất là các nước láng giềng, Hồ Chí Minh cho rằng: "sự biệt lập","thiếu sự tin cậy lẫn nhau" làm suy yếu các dân tộc phương Đông(3). Với Trung Quốc, ngay từ khi cách mạng Việt Nam còn trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, Hồ Chí Minh đã quan tâm xây dựng quan hệ đoàn kết với các lực lượng tiến bộ và cách mạng Trung Quốc. Người lập quan hệ với chính quyền Quốc dân Đảng để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ cho cuộc đấu tranh giành độc lập. Với ba nước Đông Dương, Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện chính sách dân tộc tự quyết, hợp tác đấu tranh chống kẻ thù chung. Người nêu cao tư tưởng "giúp nhân dân nước bạn là mình tự giúp mình"(4); coi trọng việc giáo dục tinh thần quốc tế vô sản cho nhân dân và coi đó là một nội dung quan trọng của ngoại giao Việt Nam.

Coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng. Điều này cũng được Đảng và Nhà nước ta quán triệt sâu sắc và thể hiện rõ nét trong hoạch định đường lối cũng như tổ chức triển khai hoạt động đối ngoại hơn 30 năm qua.

Ba là, nêu cao chính nghĩa, ngoại giao tâm công. Việt Nam có truyền thống ngoại giao tâm công, dùng chân lý và lẽ phải để thu phục lòng người, "đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo"(5). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng, phát triển truyền thống này lên tầm cao mới, trong điều kiện mới. Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước, Người luôn tranh thủ mọi cơ hội đem lại hòa bình cho đất nước. Người đã "không bỏ lỡ một thời cơ nào có thể hòa giải với nước Pháp"; sẵn sàng "trải thảm đỏ để quân Mỹ về nước" và "hoan tống một cách lịch sự". Trong thời kỳ đổi mới, coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là một trong những quan điểm cơ bản của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Bốn là, độc lập tự chủ, tự lực tự cường, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp từ ngoài vào"(6). Và trong bất kỳ tình huống nào, hiệu quả của ngoại giao cũng phụ thuộc vào sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Người nhiều lần chỉ rõ: “tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính”, “muốn người ta giúp cho, thì trước hết phải tự giúp mình đã”, “một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được hưởng độc lập”(7). Phải kết hợp chặt chẽ mục tiêu đấu tranh cho độc lập dân tộc mình với các mục tiêu của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH.

Hồ Chí Minh cho rằng: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Cái chiêng có to tiếng mới lớn”(8); “muốn người ta giúp cho, thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình đã”(9). Theo đó, điều kiện để bảo đảm độc lập, tự chủ về đối ngoại hiện nay là:giữ vững ổn định chính trị, xã hội; kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững; quốc phòng - an ninh vững mạnh; nguồn nhânlực đối ngoại chuyên nghiệp;đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế; thiết lập và duy trì được trạng thái quan hệ quốc tế cân bằng với các nước lớn, các trung tâm tài chính, kinh tế lớn, các nhóm, khối nước khu vực có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Trong mối quan hệ giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, Hồ Chí Minh nhấn mạnh sức mạnh dân tộc là nguồn lực nội sinh giữ vai trò quyết định. Sức mạnh thời đại là nguồn lực bên ngoài, sẽ góp phần làm cho sức mạnh dân tộc được tăng lên và cũng chỉ phát huy tác dụng thông qua nhân tố bên trong, đó là sức mạnh dân tộc. Đây cũngchính là những nội dungvề sự kết hợpgiữa tính truyền thống và tính hiện đại, tính dân tộc và quốc tế trong đường lối đối ngoại của Đảng ta hiện nay.

Dùcó vai trò quyết định, nhưngsức mạnh dân tộc hay nội lựcsẽkhông được phát huy, không là đòn bẩy nếu không kết hợp với sức mạnh của thời đại.Đó là: nguồn lực vật chất như:vốn, máy móc, thiết bị, vật tư, công nghệ; kiến thức, kinh nghiệm quản lývà giá trị văn hóa tinh thần... Để tận dụng được sức mạnh này trong hội nhập, cần“cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh các nguồn vốn quốc tế” và “khai thác hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế, các nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ, trình độ quản lýtiên tiến”. Sức mạnh của thời đại ngày nay còn là xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học - công nghệ, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại chính là chủ động, tích cực tham gia vào các xu thế ấy.Nói cách khác, độc lập, tự chủ phải dựa trên nội lực, đồng thời cũng dựa vào hợp tác và hội nhập quốc tế, trên cơ sở đó củng cố độc lập của dân tộc. Đây cũng chính là mối quan hệ biện chứng giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.

Năm là, nhà ngoại giao giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các đường lối, chính sách ngoại giao của Đảng và nhà nước.

Lịch sử dân tộc Việt Nam ghi danh nhiều nhà ngoại giao tài năng: Lê Văn Thịnh, Đỗ Khắc Chung, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Giang Văn Minh, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm…Kế thừa và phát huy truyền thống ngoại giao của dân tộc, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, ngoại giao luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Các thế hệ cán bộ đã hòan thành nhiệm vụ trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. Những nỗ lực trên mặt trận đối ngoại đã tạo ra các thế hệ cán bộ đối ngoại ngày càng vừa hồng vừa chuyên, thể hiện được bản lĩnh, đạo đức, cốt cách của dân tộc.

2. Việc kết hợp tính truyền thống và tính hiện đại, tính dân tộc và quốc tế trong đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới của Đảng ta đã góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Triển khai đường lối đối ngoại đổi mới sáng tạo và đúng đắn, Đảng và Nhà nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng; giữ vững môi trường hòa bình, quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng; vị thế đất nước ngày càng được nâng cao; đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nước ta ngày càng chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy, củng cố xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.   

Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 185 nước và quan hệ kinh tế - thương mại với trên 220 nước, vùng lãnh thổ(10), là thành viên chính thức của tất cả các tổ chức quốc tế lớn, các tổ chức và định chế thương mại, tài chính chủ chốt ở khu vực cũng như trên thế giới. Việt Nam năng động mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện với các nước láng giềng; chủ động thúc đẩy quan hệ với các nước lớn và các nước công nghiệp phát triển, tạo bước tiến tích cực trong quá trình củng cố và xây dựng các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác toàn diện và đối tác phát triển; coi trọng củng cố và phát triển quan hệ với các đối tác bạn bè truyền thống, với các nước đang phát triển Á - Phi - Mỹ Latinh.  

Những thành tựu của Việt Nam cũng đóng góp to lớn vào tiến trình phát triển của nhân loại tiến bộ. Hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam trở là một trong ít quốc gia thành mẫu hình thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo, là minh chứng sinh động cho sức sống mãnh liệt, sức sáng tạo của chủ nghĩa Mác - Lênin trong bối cảnh mới. Như vậy, có thể khẳng định, Việt Nam sử dụng nguồn lực của thời đại để phát triển mình nhưng cũng đóng góp phần quan trọng bảo vệ, phát triển giá trị chung, thành quả chung của nhân loại.

Công tác đối ngoại đạt được những thành tựu kể trên là nhờ đường lối đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Những thành tựu quan trọng này còn là kết quả của kết hợp tính truyền thống và tính hiện đại, tính dân tộc và quốc tế; làsức mạnh đoàn kết dân tộc, nỗ lực phấn đấu, sáng tạo của các cán bộ làm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và đối ngoại nhân dân; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành và địa phương; sự vận dụng sáng tạo, hiệu quả các bài học lớn còn nguyên giá trị thời đại của ngoại giao Việt Nam hiện đại, đó là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là tiếp tục duy trì và củng cố vững chắc môi trường an ninh và kinh tế đối ngoại, đưa hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu và củng cố vững chắc vị thế Việt Nam trong cộng đồng khu vực và quốc tế. Đây là những nhiệm vụ quan trọng đối với toàn Đảng và toàn dân ta. Việc hòan thành các nhiệm vụ trên có thể gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn khi bối cảnh khu vực và thế giới vẫn tiếp tục phức tạp và chuyển biến rất nhanh. Với thế và lực của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới và kiên định phục vụ lợi ích quốc gia dân tộc, dựa vào nền tảng tư tưởng hòa hiếu của dân tộc xây dựng sự đồng lòng nhất trí trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, và luôn chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại, công tác đối ngoại Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh và thích ứng nhanh trước những biến chuyển của tình hình, tiếp tục đóng vai trò là mặt trận hàng đầu trong việc giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.

_________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.34-35

(2) Trích bài thơ: “Chí linh thiên phú” Nguyễn Trãi. http://www.thivien.net/Nguyễn-Trãi/Chí-linh-thiên-phú/poem.

(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.64, 64

(5) Trích theo Nguyễn Tuấn Liêu: Lược thảo về quan hệ Việt - Trung thời phong kiến, Học viện Quan hệ quốc tế, Hà Nội, 1995, tr.113.

(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.136.

(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t.6, tr.522

(8), (9) Hồ Chí Minh: Sđd, t.4,tr.126, 126.

(10) TS Nguyễn Minh Phong : “Năm động lực tích cực từ APEC” http://www.nhandan.com.vncuoituan/item/34604402-nam-dong-luc-tich-cuc-tu-apec.html

 

                                                                           PGS, TS Thái Văn Long

 Viện Quan hệ quốc tế

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Lê Hữu Đạt

Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền