Trang chủ    Quốc tế    Công cuộc đổi mới của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào: Thành tựu, khó khăn, thách thức và xu hướng phát triển
Thứ hai, 26 Tháng 2 2018 15:48
10531 Lượt xem

Công cuộc đổi mới của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào: Thành tựu, khó khăn, thách thức và xu hướng phát triển

(LLCT) - Đại hội IV của Đảng Nhân dân cách mạng Lào (1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trong đó, khâu then chốt là thực hiện mở cửa, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế, phát triển kinh tế theo hướng XHCN, từng bước đưa Cộng hòa Dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào hội nhập với dòng chảy chung của khu vực và thế giới. Đến nay, sau hơn 30 năm đổi mới, CHDCND Lào đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về kinh tế, chính trị, đối ngoại, văn hóa, xã hội.

(Ảnh: internet)

1. Những thành tựu đổi mới

Thứ nhất, kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho đổi mới trên các lĩnh vực khác.

Trong 20 năm đầu đổi mới (1986-2006), tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Lào đạt 6,2%/năm, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo đầu người tăng hơn 2 lần(1), đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt. Tính chung giai đoạn 2001 - 2010, GDP tăng bình quân hằng năm 7,1%, trong đó nông nghiệp tăng 2,8%, công nghiệp 10,5%, dịch vụ 9,2%. Cơ cấu ngành kinh tế cũng dần chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH. Tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp giảm từ 46,2% xuống còn 28,9%; công nghiệp tăng từ 17,9% lên 25,6%; dịch vụ tăng từ 30,4% lên 39,2%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng từ 325 USD năm 2000 lên 1.069 USD năm 2010(2). Năm 2016, tăng trưởng GDP của Lào đạt 6,9%, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 1.800 USD.

Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước giảm mạnh, tới nay chỉ còn khoảng 7%. Vị thế của Lào ngày càng được nâng cao, nhất là sau khi gia nhập ASEAN (1997) và WTO năm 2013(3). Ông Yasushi Negishi, Giám đốc Cơ quan thường trú của ADB tại Lào, đánh giá: “Dù có những hạn chế về tài chính và nhu cầu về khoáng sản trên toàn cầu yếu hơn trong những năm gần đây nhưng nền kinh tế Lào vẫn là một trong số những nền kinh tế tăng trưởng mạnh trong khu vực, với mức tăng trưởng trung bình 7% trong vòng 10 năm qua”(4).

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện là một trong những động lực chính của nền kinh tế Lào. Kể từ khi thông qua Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1988) đến nay, Lào đã thu hút được trên 22 tỷ USD với hơn 4.500 dự án của các nhà đầu tư từ 54 nước và vùng lãnh thổ. Trong đó, khoáng sản vẫn là lĩnh vực thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhất với giá trị lên đến 5,7 tỷ USD, tiếp theo là điện lực (5,1 tỷ USD), nông nghiệp (2,7 tỷ USD) và dịch vụ (2,3 tỷ USD)(5). Việc chính thức trở thành thành viên của WTO sau 15 năm đàm phán (năm 2013) đã đem đến cho Lào nhiều cơ hội thu hút đầu tư quốc tế và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Lào đang nỗ lực phấn đấu để tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng không dưới 7%, tương đương 129.683 tỷ Kíp, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.341 USD/người/năm(6).

Thứ hai, chính trị ổn định; an ninh, quốc phòng được tăng cường; vị thế của Lào được nâng cao trên trường quốc tế.

Trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội X, Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Choummaly Sayasone khẳng định: “ Trong 5 năm qua, dù tình hình quốc tế và khu vực biến đổi nhanh chóng, phức tạp và khó lường, việc xây dựng hòa bình, hữu nghị và hợp tác để phát triển cũng như hội nhập giữa các nước trong khu vực, trong đó kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh gặp nhiều thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân các bộ tộc Lào đã thu được những thành tựu như giữ vững độc lập, dân chủ, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, hệ thống dân chủ nhân dân ổn định, trật tự an toàn xã hội; kinh tế phát triển không ngừng,...; hệ thống chính trị, chế độ dân chủ nhân dân không ngừng được củng cố vững mạnh...”(7) Đảng, Nhà nước Lào kiên định đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị và hợp tác trước sau như một, nhất là hội nhập với khu vực và quốc tế, góp phần tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Theo Bộ Ngoại giao Lào, hiện nay CHDCND Lào đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 138 nước; có 36 cơ quan đại diện ngoại giao tại các nước trên thế giới. Trong những năm qua, Lào đã hoàn thành việc phân định biên giới với Trung Quốc, Myanmar và Việt Nam; hiện đang tiếp tục làm việc với Thái Lan và Campuchia để phân định biên giới chung. Chính phủ Lào đã ký các hiệp định miễn thị thực với 14 nước; ký hiệp định miễn thị thực song phương cho cán bộ mang hộ chiếu công vụ và ngoại giao với 34 nước; hiệp định miễn thị thực đơn phương cho cán bộ mang hộ chiếu công vụ và ngoại giao với 5 nước; thực hiện chính sách miễn phí visa nhập cảnh cho người Lào định cư ở nước ngoài. Lào đã tăng cường quan hệ với 124 đảng cộng sản, đảng lao động và các đảng cầm quyền trên thế giới. Lào đã đăng cai nhiều hội nghị quốc tế và hội nghị Thượng đỉnh.

Các thành tựu trên đã tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bảo đảm an ninh, quốc phòng, hội nhập khu vực và quốc tế. Hình ảnh, vai trò của Đảng NDCM Lào, vị thế và uy tín của đất nước trên các diễn đàn khu vực, quốc tế được nâng cao.

Thứ ba, các hoạt động văn hóa - xã hội được triển khai hiệu quả, tạo sự hài hòa trong phát triển.

Trong hơn 30 năm đổi mới, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, CHDCND Lào luôn quan tâm đến tính hài hòa trong phát triển, chú trọng giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Với chủ trương coi giáo dục là điểm mấu chốt trong xây dựng xã hội Lào văn minh hiện đại, ngành giáo dục Lào đã có những bước tiến đáng kể. Hằng năm, hệ thống giáo dục của Lào đã đào tạo ra một số lượng lớn cán bộ có chuyên môn. Đặc biệt, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH, ngoài việc tự đào tạo, Lào còn gửi hàng nghìn học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập. Riêng với Việt Nam, hợp tác giáo dục - đào tạo phát triển nguồn nhân lực được ưu tiên, mở rộng dưới nhiều hình thức, triển khai thực hiện từ Trung ương tới các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp. Năm 1995, số cán bộ có trình độ sau đại học của CHDCND Lào chỉ đạt 0,45%, trình độ cao cấp và đại học đạt 15,16%, không có tiến sĩ và phó tiến sĩ. Tính đến 2006, CHDCND Lào đã có 275 tiến sĩ, 207 phó tiến sĩ, 13.833 thạc sĩ, cử nhân, 14.905 cán bộ có trình độ lý luận chính trị cao cấp(8). Việc hợp tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý lĩnh vực Chính trị - Hành chính và các tổ chức đoàn thể giữa Việt Nam và CHDCND Lào giai đoạn 2001-2017 đạt được những kết quả quan trọng, với 3592 lượt cán bộ, sinh viên được đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có 1013 cử nhân, 370 thạc sĩ, 114 tiến sĩ và 2105 bồi dưỡng ngắn hạn(9).

Đảng và Nhà nước Lào luôn chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm sự phát triển hài hòa và bền vững, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe toàn dân, xây dựng môi trường, không gian văn hóa mang đậm tính dân tộc trên cơ sở tiếp nhận tinh hoa văn hóa thế giới. Hằng năm, Lào tập trung xây dựng, nâng cấp các bệnh viện từ Trung ương đến địa phương, tiến hành cải tạo các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới... Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa - xã hội, thể dục, thể thao được đẩy mạnh, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan được xóa bỏ, góp phần xây dựng môi trường sống hài hòa, lành mạnh cho nhân dân. Người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, từ đó nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng một nước Lào phồn vinh, giàu mạnh.

2. Những khó khăn, thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong tiến trình đổi mới, hội nhập quốc tế, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, khó khăn lớn nhất là xuất phát điểm của Lào khi bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH là rất thấp. Cơ sở hạ tầng yếu kém, tỷ lệ đói nghèo cao, trình độ học vấn của đại bộ phận dân cư, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn thấp. Người dân quen với cuộc sống an phận, tư tưởng này đè nặng lên suy nghĩ, hành động của người sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp. Đây cũng là khó khăn lớn trong công cuộc đổi mới theo hướng XHCN ở Lào hiện nay.

Quy mô sản xuất của Lào còn nhỏ; thu nhập và tiêu dùng của người dân chưa đủ tạo sức bật đối với sản xuất và phát triển thị trường; hệ thống tài chính, tiền tệ còn nhiều yếu kém, bất cập; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Trình độ khoa học - công nghệ nhìn chung còn lạc hậu so với các nước trong khu vực. Việc ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, sự chuyển hướng từ kinh tế tự nhiên sang kinh tế hàng hóa chậm chạp, năng suất lao động thấp, sản lượng chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Khả năng hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực của các doanh nghiệp Lào còn thấp so với yêu cầu. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn mới. Năng lực tổ chức triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Lào đến nhân dân, nhất là ở cấp “bản” còn yếu. Khả năng phân tích tình hình, dự báo diễn biến thị trường của các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách còn hạn chế, khả năng thích ứng của các doanh nghiệp Lào trước bối cảnh mới của thị trường chưa cao. Ngoài ra, hạ tầng giao thông, sân bay, kho hàng... phục vụ cho phát triển còn thiếu thốn dẫn đến giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu.

Trong bối cảnh thế giới hiện nay, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang có những biểu hiện chậm lại từ năm 2016. Nhiều nước lớn đang dựng nên những rào cản bảo hộ mậu dịch một cách tinh vi làm tác động đến tình hình chung thế giới. Điều này khiến cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Lào gặp nhiều khó khăn hơn so với những năm trước đây. Nguyên nhân là do cầu thế giới đối với một số mặt hàng giảm, làm cho giá cả sản phẩm, đặc biệt là khoáng sản và cao su – những mặt hàng chủ chốt của Lào giảm giá mạnh. Xuất khẩu hàng hóa trước đây là động lực chính đối với tăng trưởng của Lào, nay đã giảm mạnh cả về số lượng và giá trị. Thí dụ, Lào chủ yếu xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc, song chỉ bán được với giá 3.000-4.000 Kíp/kg, giảm mạnh so với mức 9.000kg/kg năm 2012 và 17.000 Kíp/kg năm 2008(10). Trong khi đó, việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ các dự án lớn cũng giảm do thiếu vốn. Theo dự báo của ADB, do hoạt động kinh tế trong nước của Lào gia tăng mạnh hơn sau Đại hội X của Đảng, cùng với giá dầu tăng có thể dẫn đến lạm phát cao hơn, qua đó gây áp lực lên cán cân thương mại. Tỷ lệ lạm phát có khả năng sẽ tăng dần qua các năm, từ 1.6% năm 2016 lên 2.5% trong năm nay và 3% vào năm 2018(11).

Trả lời báo chí ngày 7-7-2016, Người Phát ngôn của Chính phủ Lào cho biết: tăng trưởng kinh tế của Lào còn phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài và khai thác tài nguyên, nên được xem là thiếu bền vững. Vì vậy, Chính phủ Lào có kế hoạch phát triển nền kinh tế “xanh”, bền vững hơn. Nhưng Lào đang phải đối mặt với thực tế là có rất ít các dự án đầu tư lớn được phê duyệt hoặc thực hiện trong năm 2016(12). Thêm vào đó, sản xuất phục vụ mục tiêu thương mại tiến triển chậm hơn nhiều so với kỳ vọng. Trong 3 năm qua, thu ngân sách liên tục sụt giảm đã ảnh hưởng lớn đến triển kinh tế đất nước.

Một thách thức nữa đối với quá trình phát triển của Lào đó là song song với đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, cần bảo đảm tăng trưởng toàn diện gắn với xóa đói, giảm nghèo. Đề cập đến vấn đề này, ông Negishi, Giám đốc Cơ quan thường trú của ADB tại Lào cho rằng: “Dù tăng trưởng GDP của Lào rất mạnh nhưng tỷ lệ giảm nghèo đói không cân xứng với xu hướng mạnh mẽ của tăng trưởng kinh tế. Đa dạng hóa các nguồn tăng trưởng theo hướng sản xuất và dịch vụ cần nhiều nhân lực hơn chính là yếu tố quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng toàn diện hơn”(13).

3. Xu hướng phát triển

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, thời cơ và những khó khăn, thách thức đan xen, CHDCND Lào đang triển khai thực hiện Nghị quyết X của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2016-2025, với quyết tâm chính trị cao. Đảng, Nhà nước sẽ tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, bảo đảm sự ổn định về chính trị; giữ vững trật tự và ổn định xã hội, để thực hiện thành công hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế, theo hướng XHCN. Đảng Nhân dân cách mạng Lào cần ưu tiên cao nhất việc xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi để giải phóng sức sản xuất, đẩy lùi lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, từ đó đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo nền tảng vật chất, khoa học, công nghệ, để nâng cao nội lực, phục vụ công cuộc đổi mới. Đây cũng là những giải pháp để khắc phục kịp thời những khó khăn, hạn chế, vướng mắc về cơ chế, chính sách, nhất là trong bối cảnh những tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế toàn cầu; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy cải cách kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo báo cáo Cập nhật viễn cảnh kinh tế toàn cầu quý I- 2017 của IMF, nền kinh tế thế giới được dự đoán sẽ tăng mạnh trong năm nay và năm tới, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Xu hướng tăng trưởng mạnh hơn kỳ vọng diễn ra tại các quốc gia tiên tiến, phần lớn nhờ vào việc giảm thiểu lượng hàng tồn và sự khôi phục về sản lượng sản xuất, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu toàn cầu, qua đó sẽ hỗ trợ cho lĩnh vực xuất khẩu của Lào, đặc biệt là xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và khoáng sản. Tiến sĩ Leeber Leeboupao (Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia Lào) tỏ ra lạc quan về mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 7,5%/ năm trong giai đoạn 5 năm tới có thể đạt được nhờ thực hiện các dự án siêu lớn như dự án thủy điện Xayaboury và nhà máy điện Hongsa tại tỉnh Xayaboury(14).

Tình hình mới đòi hỏi Chính phủ Lào cần tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tham gia vào các tổ chức khu vực và thế giới nhằm tạo sức mạnh giữ vững độc lập tự chủ, nhưng không xa rời mục tiêu xây dựng XHCN. Hội nhập quốc tế không những làm gia tăng tiềm lực, vị thế đất nước mà còn tạo ra mối quan hệ ràng buộc, đan xen lợi ích.

Những thành tựu và kinh nghiệm quý báu trong hơn 30 năm đổi mới, 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X chính là nguồn nội lực to lớn giúp Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào vượt qua được những khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ VIII, xây dựng thành công nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất, thịnh vượng theo định hướng XHCN.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính tri số 8-2017

(1) Thanh Thúy: “Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào: 40 năm xây dựng và phát triển”, Tạp chí Cộng sản điện tử,2015.

(2) Vanalat Chayyavong: “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trong giai đoạn 2011-2020”,Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, 2013.

(3) Thụy Vũ: “CHDCND Lào nâng cao vị thế trong ASEAN”, sggp.org.vn

(4), (11), (13), (14) “Tăng trưởng toàn cầu sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế Lào”, vietstock.vn

(5) Hạnh Vũ: “Kinh tế Lào tăng trưởng ổn định”, Báo Nhân Dânđiện tử, 2015.

(6) Dẫn theo báo LaoPhatthana (Lào Phát triển) ngày 27-10-2016.

(7) “Đảng Nhân dân Cách mạng Lào kiên định mục tiêu xã hội chủ nghĩa”, Thông tấn xã Việt Nam, 2016.

(8) Dẫn theo “38 năm xây dựng và trưởng thành của nước CHDCND Lào anh em”. Báo Quân đội nhân dân,ngày 2-12-2014.

(9), (12) Tập hợp từ phụ lục kèm theo Biên bản Hội nghị liên Chính phủ giữa Chính phủ nước CHDCND Lào và Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam giai đoạn (2001-2017).

(10) “Thông tin về kinh tế Lào”, baohoptacphattrien.vn, 2016.

 

PGS, TS Thái Văn Long

TS Trịnh Thị Hoa

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền