Trang chủ    Quốc tế    Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN: Cơ hội, thách thức và triển vọng
Thứ ba, 27 Tháng 3 2018 18:16
12009 Lượt xem

Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN: Cơ hội, thách thức và triển vọng

(LLCT) - Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC) hình  thành đưa lại những cơ hội cho ASEAN, nhưng APSC cũng đối diện trước nhiều thách thức như: sự đa dạng chế độ chính trị, tôn giáo và chênh lệch trình độ phát triển; mâu thuẫn, xung đột trong nội khối; cơ chế và cách thức hoạt động còn bất cập và đặc biệt sự gia tăng ảnh hưởng của các nước lớn với khu vực. Thực tế đó đặt ra yêu cầu mỗi quốc gia thành viên ASEAN ý thức hơn nữa trong vấn đề thống nhất cộng đồng và trách nhiệm cùng chung tay xây dựng APSC; hướng đến xây dựng môi trường hòa bình ổn định; ngăn ngừa xung đột và xây dựng lòng tin; xử lý những thách thức an ninh phi truyền thống, hợp tác chính trị, quốc phòng hiệu quả hơn.

Sau 50 năm ra đời và phát triển, ASEAN từ một Hiệp hội đã trở thành Cộng đồng với ba trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế,văn hóa -xã hội. Trụ cột chính trị - an ninh được xây dựng từ nền tảng các cơ chế an ninh -chính trị khu vực. TừDiễn đàn khu vực ASEAN ARF (1994), đến ý tưởng xây dựng Cộng đồng An ninh ASEAN (ASC - 2003), và Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC - 2007), là bước tiến quan trọng của ASEAN. Theo kế hoạch tổng thể, APSC khi hình thành sẽ gồm 3 đặc điểm chính: (1) Một cộng đồng hoạt động theo luật lệ trên cơ sở các giá trị và chuẩn mực chung; (2) Một khu vực gắn kết, hòa bình, ổn định và tự cường, chia sẻ trách nhiệm vì một nền an ninh toàn diện; (3) Một khu vực năng động, rộng mở với bên ngoài trong một khu vực ngày càng liên kết chặt chẽ và tùy thuộc lẫn nhau.

Cộng đồng APSC đưa lại những cơ hội, thách thức và triển vọng sau:

1. Về cơ hội

Giải quyết những vấn đề mang tính chất quốc tế của khu vực mà một quốc gia đơn lẻ không thể làm được

Giải quyết những vấn đề mang tính khu vực, như: tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, an ninh, an toàn hàng hải, chủ nghĩa khủng bố, kiểm soát vũ khí, buôn bán người và vũ khí trái phép, ma túy, bệnh dịch, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, di cư và tị nạn, tình trạng mất cân đối tài chính và thương mại quốc tế,... phải thông qua các cơ chế mang tầm khu vực do ASEAN sáng lập. Chính bởi khả năng hấp dẫn của mình đối với thế giới bên ngoài, cho nên hầu hết các nước đều muốn thiết lập quan hệ hợp tác với ASEANtạo cơ hội cho ASEAN có thể thực hiện ngoại giao cân bằng giữa các nước, góp phần ngăn chặn nguy cơ xung đột có thể xảy ra trong tương lai.

Nâng cao vai trò của ASEAN trong liên kết khu vực

Trong tiến trình hoạt động hơn 20 năm qua, ASEAN đã lần lượt tạo ra các cơ chế hợp tác đa phương, được các nước trong và ngoài khu vực chấp nhận, như: ARF, ASEAN +3, EAS, ADMM+, Shangri-la... Trong đó, ASEAN đóng vai trò trung tâm do có cách vận hành phù hợp với mong muốn của các bên và đặc điểm của bối cảnh Đông Á. Thông qua các cơ chế trên, ASEAN đã thúc đẩy hợp tác tích cực dựa trên “Phương cách ASEAN” (ASEAN way), chú trọng đến đối thoại, hội thảo, thương lượng, ngoại giao phòng ngừa mà ít tính đến sự ràng buộc về mặt thể chế cũng như can thiệp từ bên ngoài dưới mọi hình thức. Chính vì vậy, ASEAN đã tạo ra được một cơ chế “mềm” và “mở” để các thành viên thông qua những cuộc đối thoại hiểu nhau hơn, chia sẻ quan điểm, thiết lập lòng tin.

Gia tăng vị thế của APSC trong hoạt động đối ngoại

APSC có khả năng đoàn kết nội khối, nhờ đó việc đưa ra các quyết định dựa trên nguyên tắc đồng thuận sẽ được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả. Đối với ngoại khối, APSC với ARF là hai cơ chế chính trong việc nâng cao các hợp tác an ninh - chính trị trong khu vực cùng một loạt các vấn đề hợp tác khác trong lĩnh vực này, hình thành một mạng lưới các cơ chế liên kết lôi kéo, ràng buộc các nước ngoài khu vực và tránh nguy cơ trở thành người ngoài cuộc(1). Các cơ chế này đã cho ASEAN cơ hội xây dựng lòng tin và tranh thủ được sự ủng hộ trong và ngoài khu vực. Nhờ đó, ASEAN được Liên Hợp quốc ghi nhận và tuyên bố sẵn sàng tham gia vào cuộc thảo luận chính thức và không chính thức của ARF do ASEAN đóng vai trò trung tâm. Hiệp ước thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) của ASEAN có 22 nước tham gia trong đó có 2 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc là Mỹ và Trung Quốc, 3 thành viên còn lại cam kết tôn trọng Hiệp ước. Bản Hiến chương ASEAN là một sự kiện đánh dấu bước trưởng thành của ASEAN; chứng tỏ tính nghiêm túc của ASEAN trong việc hiện thực hóa các kế hoạch đã cam kết hướng tới cộng đồng ASEAN và khẳng định cho quốc tế thấy rằng ASEAN đã thực sự trở thành một tổ chức có tư cách pháp nhân, đại diện quyền lợi hợp pháp cho các nước thành viên trong quan hệ quốc tế.

Sự ủng hộ ngày càng lớn của các cường quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Ngay khi APSC xúc tiến các cơ chế hợp tác đa phương ở khu vực, các quốc gia ở Đông Á đã chào đón tích cực. Các quốc gia và tổ chức khu vực ở Đông Á đã và đang nỗ lực tìm kiếm và thúc đẩy các cơ chế hợp tác về an ninh để củng cố thêm sự vững chắc cho môi trường khu vực hiện tại và tương lai. Những cơ chế của APSC ra đời đã phần nào đáp ứng được yêu cầu đối với Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương. APSC là sự lựa chọn tốt nhất cho các nước lớn với tham vọng kiềm chế các đối thủ của mình. Bởi lẽ, xét về tương quan lực lượng, APSC không phải là mối lo ngại của các cường quốc, ngược lại, việc bao gồm các nước vừa và nhỏ trong ASEAN sẽ tạo dựng được sự tin tưởng đối với các đối tác bên ngoài. Trong sự đối đầu và cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn ở khu vực thì lựa chọn của nước lớn là để ASEAN giữ vai trò trung tâm hơn là một nước lớn khác. Mặt khác, nước lớn này tham gia trong cơ chế của ASPC thì nước lớn khác sẽ tự động gia nhập vào các cơ chế của ASEAN. Khi APSCnhận được sự ủng hộ của các nước lớn thì vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực sẽ được bảo đảm.

2. Về thách thức

Sự đa dạng chế độ chính trị, tôn giáo và chênh lệch trình độ phát triển

 Đông Nam Á hiện nay tồn tại nhiều mô hình nhà nước và thể chế chính trị khác nhau.Sau khi hai cực Yalta tan rã, mâu thuẫn ý thức hệ đã phần nào bị xóa mờ nhưng còn nhiều vấn đề cần giải quyết: tình hình chính trị ở một số nước còn khá phức tạp, quan hệ giữa một số nước thành viên chưa được suôn sẻ.  Trong khi đó, Đông Nam Á cũng là nơi giao thoa của các vùng văn hóa và tôn giáo khác nhau, như: Đạo Phật, Nho giáo, Cơ đốc giáo, Ấn Độ giáo, Islam,... nên các cuộc xung đột tôn giáo, mâu thuẫn về dân chủ, nhân quyền... đã tạo ra khoảng cách nhất địnhgiữa các nước thành viên.

Bên cạnh đó, sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước thành viên trong APSC tạo ra khoảng cách về nhận thức chung, nhất là trong hợp tác chính trị - an ninh khu vực. Sự chênh lệch tập trung ở 4 lĩnh vực chủ yếu, gồm: cơ sở hạ tầng (Infrastructure), thu nhập (Income), liên kết (Integration) và thể chế (Institution). Điều này làm cho ASEAN khó khăn hơn trong các nỗ lực tập thể, hạn chế tính khả thi của các chính sách chung.

Lợi thế so sánh, cạnh tranh của các nước ASEAN cũng có sự khác biệt rất lớn. Theo Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2014 - 2015, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Singapore dẫn đầu khu vực, xếp thứ 2/144, trong khi Việt Nam xếp vị trí 68; Malaysia: 20; Thái Lan: 31; Indonesia: 34 và Philippines 52. Xếp hạng cạnh tranh của các nước ASEAN với nhau cũng có sự chênh lệch: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar(2).

Mâu thuẫn, xung đột vẫn tồn tại trong nội khối

Trong lịch sử phát triển, các nước thành viên ASEAN vẫn luôn tồn tại tình trạng mâu thuẫn, xung đột. Thí dụ: xung đột biên giới Thái Lan - Campuchia xung quanh đền thờ Preah Vihear; tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam - Philippines - Malaysia và một số nước khác ở quần đảo Trường Sa; tranh chấp ở Vịnh Thái Lan; vấn đề nguồn nước ở sông Mê Công; vấn đề di cư xuyên biên giới...Trong nội bộ một số nước ASEAN cũng gặp nhiều bất ổn: Ở Philippines, Chính phủ và Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro đã ký được một hiệp định hòa bình khung năm 2012 nhưng thực tế triển khai không mấy hiệu quả. Tại Thái Lan, mâu thuẫn tôn giáo giữa Phật giáo và Hồi giáo, giữa phe đối lập với chính phủ vẫn còn rất gay gắt. Ở Myanmar, “cuộc chiến giữa quân đội chính phủ với lực lượng sắc tộc thiểu số Kachin ở miền Bắc và những cuộc ngừng bắn tạm thời với các nhóm sắc tộc khác như Karen và Shan vẫn khiến cho đất nước này tồn tại trong một trạng thái an ninh mong manh”(3). Các nước:
Indonesia, Malaysia, Myanmar đang đối mặt với nguy cơ  trở thành địa bàn mới của chủ nghĩa khủng bố, là nơi phát động lực lượng thánh chiến do ảnh hưởng từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên truyền, chiêu mộ và huấn luyện.Những xung đột, mâu thuẫn này tác động không nhỏ tới sự phát triển bền vững củaASEAN.

Cơ chế và cách thức hoạt động của ASEAN còn vướng mắc, hiệu quảchưa cao.

ASEAN có nhiều cơ chế hợp tác đa phương nhưng hầu hết được xây dựng dựa trên các nguyên tắc truyền thống của “Phương cách ASEAN” (chủ yếu là nguyên tắc “đồng thuận” và “không can thiệp”).Cácnguyên tắc này phù hợp với đặc điểm đa dạng của khu vực Đông Nam Á, giúp ASEAN thực hiện hiệu quả việc thống nhất các thành viên. Tuy nhiên,việc áp dụng một cách tuyệt đối hai nguyên tắc này có thể cản trở tính linh hoạt cũng như hiệu quả của ASEAN trong các chương trình và hoạt động cụ thể, nhất là việc giám sát các thành viên thực hiện cam kết. Bên cạnh đó, các nguyên tắc này cũng chi phối nội dung hợp tác trong các cơ chế của APSC. Hiện tại, mục đích của các cuộc họp hội nghị thượng đỉnh bị giới hạn ở việc trao đổi thay vì có những ràng buộc đặc biệt để đưa ra quyết định về lập trường chung trong các vấn đề chính.Thí dụ,vấn đề Biển Đông đã được đề cập nhiều hơn trong các Hội nghị cấp cao Đông Á nhưng chỉ dừng lại ở việc thảo luậnvà bày tỏ quan điểm,chưacó bước tiếnđáng kể; ADMM+ chưa thực sựhiệu quả trong các vấn đề an ninh truyền thống.

Bên cạnh đó, hiện nay các xu hướng hợp tác song phương vẫn còn chiếm ưu tiên trong hợp tác an ninh của các nước. Việc tham gia vào các diễn đàn đa phương thực chất nằm trong toan tính chiến lược của mỗi nước. Do vậy, việc làm thế nào để cộng đồng ASEANcó vai trò tích cực trong vấn đề an ninh khu vực là một thách thức lớn đối với các cơ chế của APSC.

Bên cạnh đó, cách thức hoạt động của Cộng đồng ASEAN từ 2015 đến nay chưa hiệu quả. Hiện có 165/290 dòng hành động đã được triển khai trên cả bốn cụm vấn đề chính của “Kế hoạch tổng thể chính trị - an ninh ASEAN - 2025”, đó là xây dựng cộng đồng dựa trên luật lệ và hướng tới người dân; bảo đảm hòa bình, an ninh khu vực; tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN và nâng cao hiệu quả thể chế ASEAN.Tuy nhiên sự phối hợp giữa các nước thành viên trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch xây dựng Cộng đồng chưa được đồng bộ, chặt chẽ và thông suốt, nhất là trong những lĩnh vực, nội dung mang tính đa ngành...

Vị trí trung tâm của ASEAN đang bị ảnh hưởng bởi các cường quốc

ASEAN đã và đang cố gắng tranh thủ quan hệ và duy trì sự cân bằng với các nước lớn nhưng vẫn chịu tác động của chính sách và quan hệ giữa các nước lớn đó. Sự cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc, đặc biệt là cặp quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã làm phân hóa nội bộ các nước Đông Á. Mỹ và Trung Quốc trong chiến lược của mình đều muốn lôi kéo và tranh thủ sự ủng hộ của càng nhiều đối tác càng tốt thông qua việc dùng ưu thế nổi trội của mình để can dự vào một số quyết định chung của các cơ chế ASEAN, nhằm đạt được lợi ích và cạnh tranh quyền lực. Điều này ảnh hưởng tớiASEAN trong việc lựa chọn và cân nhắc chính sách đối ngoại, xu hướng “ly tâm” trong một số vấn đề an ninh chính trị gia tăng. Nếu ASEAN không khắc phục được tình trạng này thì vị trí chủ đạo ở Đông Á sẽ rơi vào tay các cường quốc trong khu vực.

3. Triển vọng

ASPC tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực

Các nước ASEAN sẽ chủ động xây dựng và chia sẻ với các đối tác bên ngoài thông qua việc thực thi Hiến chương ASEAN, cùng các chế định có tính chuẩn mực trong ứng xử khu vực của ASEAN, như: Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC),... Những văn bản này đã trở thành công cụ pháp lý quan trọng góp phần kiến tạo, giữ vững hòa bình, an ninh ở khu vực. ASEAN đãvà đangnỗ lực tiến hành các biện pháp xây dựng lòng tin ở khu vực, thúc đẩy thực hiện DOC và hướng tới sớm thông qua Bộ quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).

Ngăn ngừa xung đột và xây dựng lòng tin

APSC cam kết tăng cường hợp tác nội khối và với đối tác bên ngoài trong các lĩnh vực: xây dựng lòng tin; nâng cao tính minh bạch và chia sẻ thông tin về chính sách an ninh - quốc phòng; đẩy mạnh tiến trình diễn đàn khu vực ASEAN (ARF); giữ vững cam kết tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của các nước thành viên và tạo khuôn khổ cho hợp tác giữa các lực lượng quốc phòng, an ninh của các nước ASEAN.

Xử lý những thách thức an ninh phi truyền thống, tạo sự đồng thuận

Các quốc gia thành viên tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin nghiệp vụ; giáo dục - đào tạo, nâng cao năng lực, hợp tác về tư pháp, dẫn độ tội phạm; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan; triển khai hiệu quả các tuyên bố, kế hoạch hành động trong từng lĩnh vực cụ thể; xây dựng các khuôn khổ pháp lý cho hợp tác. Thí dụ: Công ước ASEAN về Chống khủng bố, các Tuyên bố ASEAN về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, HIV, ma túy; xây dựng Hiệp định đa phương ASEAN về phòng chống thiên tai và cứu trợ nhân đạo...

Thúc đẩy hợp tác chính trị - an ninh quốc phòng hiệu quả

Thông qua APSC, việc chia sẻ thông tin về cơ chế chính sách, lịch sử và văn hóa; tăng cường hệ thống luật pháp và tư pháp; quản trị tốt, bảo đảm dân chủ, nhân quyền và phòng chống tham nhũng trong các nước thành viên cộng đồng ASEAN hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, đối thoại quốc phòng - an ninh trong khuôn khổ diễn đàn khu vực ASEAN, các hội nghị quốc phòng và quân sự ASEAN đã từng bước được thiết lập, tạo thành mạng lưới các khuôn khổ hợp tác rộng rãi với các hình thức, mức độ hợp tác đa dạng ở nhiều cấp độ, trở thành kênh hợp tác quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN. Hợp tác quốc phòng - quân sự ASEAN đã trở thành lĩnh vực đột phá trên con đường xây dựng Cộng đồng ASEAN nói chung, Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN nói riêng.

Như vậy, với những thành tựu đạt được, Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN hình thành là dấu mốc quan trọng, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi để ASEAN tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị - an ninh, liên kết nội khối, duy trì được vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình; đồng thời, hỗ trợ ASEAN chủ động đi đầu, cùng các bên đối tác xử lý những thách thức an ninh chung vì hòa bình, ổn định trong khu vực và quốc tế. Việt Nam đã chuyển mạnh từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp” xây dựng, định hình luật chơi chung, góp phần quan trọng vào việc duy trì, bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Hướng ưu tiên trong cơ chế hợp tác đa phương của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021 là Liên Hợp quốc và ASEAN.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2017

(1) Lê Lêna:“Ảnh hưởng của việc thành lập Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN tới vai trò trung tâm của Hiệp hội trong cấu trúc an ninh khu vực Đông Á”, Kỷ yếu hội thảo quốc tế Việt Nam - ASEAN, tháng 5-2015.

(2)http://tapchitaichinh.vn, ngày 22-9-2016.

(3) Chu Đức Dũng, Nguyến Mạnh Hùng: Kinh tế và chính trị thế giới năm 2013 - triển vọng năm 2014, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014, tr.61.

 

TS Trịnh Thị Hoa

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Bùi Hải Yến

Đại học Khoa học xã hội và nhân văn

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền