Trang chủ    Quốc tế    Đại diện chính trị và kinh nghiệm giám sát đại biểu quốc hội của các tổ chức xã hội ở Hàn Quốc
Thứ sáu, 27 Tháng 4 2018 08:33
1401 Lượt xem

Đại diện chính trị và kinh nghiệm giám sát đại biểu quốc hội của các tổ chức xã hội ở Hàn Quốc

(LLCT) - Tại Hàn Quốc, các tổ chức xã hội có cơ chế kiểm soát các đại biểu Quốc hội, như: đòi hỏi trách nhiệm giải trình; đặt ra yêu cầu chọn lựa các đại biểu thực sự tinh hoa để đại diện người dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; bãi miễn các đại biểu không đủ năng lực, đạo đức ra khỏi Quốc hội... Từ kinh nghiệm Hàn Quốc và qua việc phân tích những ưu điểm, hạn chế của các lý thuyết về dân chủ đại diện, bài viết cho rằng, để thực hiện tốt dân chủ đại diện ở Việt Nam hiện nay, cần: hoàn thiện thể chế bầu cử; trao quyền cho nhân dân, các tổ chức xã hội kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan dân cử; có chế tài đối với các đại biểu không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân…

1. Đại diện chính trị và các nan giải của dân chủ đại diện

Dân chủ đại diện là một hình thức thực hiện dân chủ trong các tổ chức, cộng đồng, xã hội, thông qua các đại diện được bầu chọn hoặc chỉ định trong số các thành viên.

Dân chủ đại diện ra đời làm nảy sinh nhiều vấn đề nan giải về trách nhiệm của người đại diện. Một câu hỏi quan trọng được đặt ra là: “Một người đại diện có nên (phải) làm theo những gì mà các cử tri của anh ta mong muốn và bị ràng buộc bởi sự ủy nhiệm hay hướng dẫn từ họ; hay anh ta nên (phải) được tự do hành động theo cách mà anh ta coi là tốt nhất cho các cử tri?”(1).

Liên quan đến vấn đề này, có những cách hiểu khác nhau về đại diện chính trị.

Đại diện ủy nhiệm

Theo lý thuyết đại diện ủy nhiệm, trong nền dân chủ đại diện, thông qua các cuộc bầu cử công bằng và tự do, các công dân sẽ đánh giá một ứng cử viên có khả năng đại diện tốt cho họ hay không, để rồi quyết định sẽ bầu cho ai(2). Nghĩa là người đại diện xuất hiện được là nhờ lá phiếu (và phía sau lá phiếu là ý chí) của cử tri. Vì vậy, một người đại diện “tốt” phải là người phản ánh được những mối quan tâm của cử tri, hoặc là người có khả năng cân đối hài hòa được những nhu cầu phức tạp và xung đột của các cử tri.

Hanna Pitkin (1967) định nghĩa đại diện là “trình bày lại”, nghĩa là đại diện chính trị là hoạt động làm cho tiếng nói, quan điểm của công dân “hiện diện” trong quá trình hoạch định chính sách công. Đại diện chính trị xảy ra khi các chủ thể chính trị nói, vận động và hành động nhân danh những người khác trên trường chính trị. Đại diện chính trị là một loại trợ giúp chính trị. Theo Pitkin, quan điểm này đòi hỏi người đại diện buộc phải làm theo mọi đòi hỏi và ước muốn của cử tri. Nếu người đại diện tự do hành động theo chủ kiến cá nhân, tức là anh ta đã đi chệch ra khỏi vai trò của mình. Đôi khi người đại diện có thể tự do hành động, nhưng phải tham khảo ý kiến của cử tri trước khi làm một điều gì mới mẻ hoặc gây tranh cãi.

- Đại diện độc lập

Đối lập với quan điểm “đại diện ủy nhiệm” là quan điểm về “đại diện độc lập”. Khi Edmund Burke được bầu vào Nghị viện với vai trò là một thành viên Bristol, ông đã bày tỏ quan điểm “đại diện độc lập” rằng: “Nghị viện không phải là một nghị trường gồm những vị đại sứ đại diện cho những nhóm lợi ích khác nhau và đối địch nhau, nơi mỗi nhóm phải bảo vệ cho lợi ích của mình, như kiểu một biện lý hay một luật sư bảo vệ chống lại các biện lý hay các luật sư khác; Nghị viện thực chất phải là một tập hợp tiếng nói của một quốc gia, với cùng một lợi ích - đó là lợi ích của toàn thể được dẫn dắt bởi chính thịnh vượng chung, chứ không phải là thiên kiến cục bộ, dựa trên lý lẽ chung của toàn thể. Quả thực là quý vị có bầu chọn một thành viên; nhưng một khi quý vị đã chọn ra ông ta, thì ông ta không còn là thành viên Bristol, mà là một thành viên của Nghị viện”(3).

Theo Burke, người đại diện phải làm những gì mà anh ta coi là tốt nhất. Như vậy anh ta phải được tự do hành động theo ý kiến của mình. Đồng thời, các cử tri không có quyền ràng buộc hay đòi hỏi gì ở người đại diện. Khi lý giải quan điểm của Burke, Pitkin viết rằng “đại diện không phải là tuân theo những ước muốn của dân chúng, mà phải là thực thi lợi ích quốc gia bằng cách tạo ra một giới tinh hoa chọn lọc”. Như vậy người đại diện không liên quan gì tới các cử tri và các cuộc bầu cử là cơ chế để xác định “tư cách tinh hoa” cho người đại diện(4).

Lý thuyết “đại diện độc lập” dựa trên giả định những người đại diện có kiến thức và tầm nhìn tốt hơn các cử tri. Nếu người đại diện không bị ràng buộc bởi ý chí của cử tri, thay vào đó anh ta được tự do quyết định chính sách, thì anh ta sẽ đưa ra được những chính sách tốt hơn.

Hai quan niệm khác nhau về đại diện chính trị đều có những điểm mạnh và hạn chế.

Đối với đại diện ủy nhiệm, khi người đại diện phục tùng ý kiến của cử tri thì quyền lợi trực tiếp của người dân sẽ được đảm bảo. Khi người đại diện phản ánh được tiếng nói của cử tri, thì người dân sẽ cảm thấy chính quyền thực sự là của họ, họ sẽ cảm thấy gắn bó và sẽ ủng hộ chính quyền. Khi người dân có quyền ràng buộc, đề đạt ý kiến, họ sẽ quan tâm hơn đến các vấn đề chính trị. Điều này giúp tạo ra tinh thần công dân tích cực.

Tuy nhiên, Pitkin và nhiều nhà nghiên cứu chính trị cho rằng, đại diện ủy nhiệm có thể không hiệu quả vì nhận thức và tầm nhìn của người dân thường là hạn hẹp, các nhu cầu và ý chí của người dân không phải lúc nào cũng chính đáng và hợp lý. Người dân thường bị chi phối bởi tính tư lợi, mang tâm lý đám đông và dễ dàng bị thao túng bởi những kẻ mị dân(5). Người đại diện, nếu muốn có sự ủng hộ của cử tri, lúc nào cũng phải phục tùng ý chí của cử tri, sẽ phải theo đuổi các chính sách ngắn hạn và đôi khi có nhiều xung đột với lợi ích quốc gia. Điều này sẽ khiến cho chất lượng của nền dân chủ bị giảm sút.

Đối với thuyết đại diện độc lập, khi người đại diện xa rời ý muốn của cử tri, cử tri sẽ cảm thấy chính quyền không còn thuộc về họ, từ đó sẽ thờ ơ với các vấn đề chính trị, khiến cho nền dân chủ dễ bị suy đồi. Khi được tự do hành động, người đại diện sẽ có khuynh hướng theo đuổi các lợi ích cá nhân thay vì phúc lợi của cử tri, từ đó có thể dẫn tới việc giảm đi tính chính đáng của một chính quyền.

Có thể thấy, đại diện ủy nhiệm có thể gia tăng tính chính danh của nền dân chủ, song có thể làm giảm chất lượng của sự đại diện; còn đại diện độc lập làm gia tăng chất lượng đại diện, song có thể khiến cho nền dân chủ trở nên suy đồi khi không còn chịu sự kiểm soát của người dân. Cho dù tồn tại ở hình thức nào thì đại diện chính trị được xem là một cách để xác lập tính hợp pháp của các thể chế dân chủ và tạo ra những động cơ thể chế cho các chính phủ để đáp ứng với công dân.

2. Kinh nghiệm kiểm soát các đại biểu Quốc hội của các tổ chức xã hội ở Hàn Quốc

Hàn Quốc đã trải qua 6 nền cộng hòa và ba bước ngoặt dân chủ lớn. Ba bước ngoặt dân chủ của Hàn Quốc đã ghi nhận những đóng góp đặc biệt quan trọng của các tổ chức xã hội ở quốc gia này.Người dân Hàn Quốc nói chung và các tổ chức xã hội ở Hàn Quốc chịu ảnh hưởng lớn từ các lý thuyết dân chủ của các nước phương Tây, trong đó đặc biệt là cơ chế kiểm soát các đại diện chính trị trong Quốc hội.

Các tổ chức xã hội ở Hàn Quốc đã vận dụng những điểm tích cực từ nhiều lý thuyết dân chủ nhằm bảo đảm trách nhiệm giải trình, khuyến cáo công dân bảo vệ quyền tự chủ của cả người đại diện và người được đại diện. Quyền tự chủ của người đại diện được duy trì bằng cách cho phép họ đưa ra các quyết định dựa trên sự hiểu biết của họ về lợi ích của cử tri (đại diện ủy nhiệm). Quyền tự chủ của những người được đại diện cũng được bảo đảm bằng cách ưu tiên đánh giá của người đại diện (đại diện độc lập). Các đại diện phải hành động theo cách vừa giữ các đại diện có trách nhiệm vừa bảo vệ và duy trì năng lực người đại diện hành động độc lập.

Dưới chính quyền Kim Dae Jung, Hàn Quốcđã tiến hành ba phong trào cải cách chính trị: Chiến dịch giám sáthoạt động của các Ủy banquốc gia, phong trào Nakch’on và Naksonngăn chặn các ứng cử viên không thích hợp trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2000và chiến dịch cải cách tư pháp.

- Chiến dịch giám sát hoạt động hành pháp của Quốc hội

Ngày 8-9-1999,40 tổ chức xã hội Hàn Quốc lậpra Công dân Đoàn kết Giám sát Thanh tra Quốc hội của Văn phòng Chính phủ (CSMNAIGO)đểtheo dõisự tham dựcủa cá nhân,các nhà lập pháp trong các ủy ban và đánh giá hiệu suất hoạt động của họ, qua đótăng cường sự công bằng và khách quantrong việc đánh giá và xếp hạng nhân sự Quốc hội. CSMNAIGO đưa radanh sách 166 nhiệm vụ cải cách quan trọng và giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ đó, trong đó có việc tìm ra các chính sách để chấm dứt nạn tham nhũng trong các trường tư và đối phó với hậu quả của hệ thống lương hưu quốc gia. Cácgiám sát viên là các nhà hoạt động xã hội, luật sư, giáo sư, kế toán có kinh nghiệm và uy tín. Chiến dịch đã không mang lại nhiều thành côngdosự phong tỏa của ủyban thường trựcvà sự thiếu hợp tác. Đó chính là động lực cho phong trào Nakch’on(6).

-Phong trào Nakch’on và Nakson

Ngày 13-1-2000, khoảng ba tháng trước cuộc bầu cử Quốc hội, 412 tổ chức xã hội đã thành lập Công dân Đoàn kết vì các cuộc bầu cử phổ thông (CSGE)đưara  danh sáchcác chính trị gia không nên được đề cử vàoQuốc hội(phong trào Nakch’on), và sau đó là chiến dịch chống lại họnếu họ được đề cử(phong tràoNakson). Các chính trị gia không nênđề cử được CSGE xác định dựa trên cáctiêu chí như: sự tham gia trong vụ bê bối hối lộ và tham nhũng trước đó, vi phạmluật bầu cử, thiếu hoạt động lập pháp, phá hủy trật tự hiến pháp. Các tổ chức tôn giáo cũng công khaibày tỏ sự ủng hộdanh sáchNakch’on và chiến dịch Naksonvàcácthành viêncủa Hội Luậtsư vìDân chủ tuyên bố mục tiêu của phong trào là bảo vệ và nâng caoquyền hiến pháp của người dânvà họ sẵn sàng hỗ trợ pháp lýcho CSGE(7).

Tổng thống Kim Dae Jungủng hộ phong tràobằng việc ra lệnhbãi bỏ Điều 87 của Luật Bầu cửquy định cấm các tổ chức xã hội can thiệpvào các cuộc bầu cử. Trong khi đó Ủy ban bầu cử quốc gia lại cho rằng việc công bố danh sách các ứng cử viên không thích hợp là bất hợp pháp. CSGE đãthảo luận nội bộ để xem xét việc hoặc thực hiện theoluật bầu cử mới hoặctiếp tục phong trào chống đối. Cuối cùng, CSGE quyết địnhtheo đuổi phong trào Nakch’on và phong trào Nakson.

Trong cuộc bầu cử ngày 13-4-2000, 59trong số 86 ứng cử viên được liệt kê bởi CSGE không được bầu. Tronglễ giải thể sau khi kết thúc bầu cử,CSGE đã đánh giá rằng phong trào Nakch’on và Nakson với sự tham gia của 975 tổ chức xã hội và 1.000 nhà hoạt động cóđóng góp đáng kể vào sự gia tăng ý thức chính trị của cử tri,đưa đến sự xuất hiện của một thế hệ chính trị gia mới vàgóp phầnsửa đổi một phần của Luật Bầu cử.

Việc chấm điểm và gây áp lực cho các chính trị gia nói chung và các đại biểu Quốc hội nói riêng vẫn đang được thực hiện ở Hàn Quốc. Các phong trào cải cách chính trị ở Hàn Quốc đầu thế kỷ XXI, đặc biệt là phong trào Nakch’on vàphong tràoNakson đã chứng tỏ các tổ chức xã hội hoàn toàn có thểthúc đẩy nhữngthay đổi trong xã hội chính trị, xây dựng một chính phủ dân chủ và nâng cao chất lượng của một nền dân chủ bằng cách trục xuất các chính trị gia không đủ năng lực và đạo đức ra khỏi chính trường.Các phong trào này một mặt đã đòi hỏi trách nhiệm giải trình của các đại biểu Quốc hội trước các cử tri, mặt khác đặt ra yêu cầu chọn lựa ra các đại diện chính trị thực sự tinh hoa để thay mặt người dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Việc người dân tham gia giám sát các đại biểu Quốc hội giúp họ ý thức rõ hơn về những kỳ vọng chính trị của mình và những yêu cầu họ đặt ra đối với người đại diện. Do những hạn chế từ bản chất của con người chính trị (tính tư lợi và sự hữu hạn lý tính), các đại diện chính trị cũng luôn cần được giám sát và đặt trước yêu cầu phải không ngừng tự hoàn thiện và nâng cao chất lượng đại diện chính trị trong các nền dân chủ.

Ở Việt Nam hiện nay, dân chủ đại diện đã và đang góp phần quan trọng trong tổ chức, điều hành, quản lý các mặt, các lĩnh vực hoạt động của đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng; trong việc củng cố, xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Dân chủ đại diện ở Việt Nam cũng đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn: i) Đảm bảo hoạt động của cơ quan đại diện luôn thể hiện lợi ích của nhân dân;  ii) lựa chọn được những đại diện chính trị có chất lượng, thực sự tinh hoa, có đủ năng lực, trình độ và sự công tâm để phục vụ đất nước. Để giải quyết những vấn đề lớn đó, một mặt cần hoàn thiện thể chế bầu cử để lựa chọn được các đại biểu đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, Hiến pháp cần trao cho nhân dân, các tổ chức xã hội quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử; quy định biện pháp chế tài đối với đại biểu không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân để củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với chính quyền nói chung và người đại diện chính trị nói riêng.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 11-2017

(1), (4), (5) Hannah Fenichel Pitkin: “The concept of representation”University of California Press, 1967; page.145, 9, 219.

(2) Suzanne Dovi: ; “The good representative”WileyBlackwell, 2007; page.9.

(3) Ross JS Hoffman và Paul Levack (biên tập): “Burke’s politics: selected writings and speeches of Edmund Burke on reform, revolution and war”;
Alfred A. Knopf; 1949, page. 116.

(6) Xem Charles K. Armstrong (edt): Korean Society: Civil society, democracy and the state, 2002, Routledge và Samuel S. Kim: Korea’s Democratization, 2003, Cambridge University Press.

(7) Ronald Inglehart: Globalization and Postmodern Values, The Washington Quarterly, 2000, page.90-93.

 

TS Bùi Việt Hương

Viện Chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền