Trang chủ    Quốc tế    Những phát triển mới trong chế độ kiểm tra, giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Thứ năm, 24 Tháng 5 2018 16:48
1865 Lượt xem

Những phát triển mới trong chế độ kiểm tra, giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc

(LLCT) - Căn cứ theo Điều lệ công tác kiểm tra, giám sát năm 2009, 2015 và 2017, bài viết nêu các nội dung của chế độ kiểm tra, giám sát trong Đảng Cộng sản Trung Quốc bao gồm: tư tưởng và nguyên tắc chỉ đạo; cơ cấu tổ chức và nhân sự; phạm vi và nội dung kiểm tra, giám sát; phương thức làm việc và quyền hạn; quy trình làm việc; kỷ luật và trách nhiệm. Bài viết nêu những điểm mới trong các khía cạnh trên để thấy được sự phát triển của chế độ kiểm tra, giám sát trong Đảng từ sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc.

1. Chế độ kiểm tra, giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Chế độ kiểm tra, giám sát của Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc là việc các ban ngành như Ủy ban Kiểm tra kỷ luật, Ban Tổ chức Trung ương đảng và các tổ chức Đảng địa phương căn cứ vào các pháp quy trong Đảng có liên quan như Điều lệ Đảng, Điều lệ giám sát trong Đảng cùng các chỉ thị có liên quan và tinh thần của Trung ương từ Đại hội XVIII đến nay, cử các tổ kiểm tra, giám sát tuân theo một quy trình nhất định, dựa vào các quyền hạn được quy định, trong một thời gian nhất định, thông qua một loạt các phương pháp, biện pháp linh hoạt, tiến hành giám sát nhiều lần đối với tổ chức đảng của các đơn vị hoặc khu vực bị kiểm tra, giám sát, đặc biệt là đối với các lãnh đạo đứng đầu về Đảng và chính quyền.

Chế độ này nhằm thúc đẩy công tác tại các đơn vị, ban ngành, khu vực bị kiểm tra, giám sát được vận hành tốt hơn, tăng cường chế độ giám sát đối với việc xây dựng đảng bảo đảm tính liêm khiết của Đảng. Thực chất của chế độ này là cơ quan chuyên môn cấp trên phái người xuống tiến hành giám sát có hiệu quả đối với người nắm giữ quyền hành, theo các chu trình nhất định, thông qua “giám sát chủ thể khác”, nhằm giải quyết các tiêu cực trong việc “giám sát trong cùng chủ thể”([1]1). Do đó, chế độ kiểm tra, giám sát trong Đảng là sự giám sát quyền lực của tổ chức đảng cấp trên đối với tổ chức đảng cấp dưới và người đứng đầu tổ chức đảng, là sự đánh giá về các mặt như đạo đức, năng lực, sự cần cù, thành tích và sự trong sạch, liêm khiết...

Chế độ kiểm tra, giám sát trong Đảng nhằm khắc phục sự yếu kém thường thấy trong giám sát đối với cán bộ trung, cao cấp của Đảng, đặc biệt là đối với những người lãnh đạo cao nhất của tổ chức; hoặc tình trạng cực đoan khi các cơ quan giám sát chỉ tồn tại trên danh nghĩa. So sánh với các chế độ giám sát khác, chế độ kiểm tra, giám sát trong Đảng có khả năng nhắm trúng mục tiêu tốt, lớn, giúp công tác giám sát mang tính quyền uy và tính cưỡng chế cao, đồng thời thực hiện được giám sát toàn phương vị, đa chiều cạnh, đa tầng và mang tính định hướng đối với đối tượng bị giám sát. Chính bởi những ưu thế như vậy, nên ở một mức độ nhất định, chế độ kiểm tra, giám sát trong Đảng đã giải quyết được nhiều vấn đề về tác phong và kỷ luật Đảng, hạn chế được sự nảy sinh tham nhũng trong Đảng.

2. Thi hành chế độ kiểm tra, giám sát trong Đảng ở Trung Quốc sau Đại hội XVIII

Sau Đại hội XVIII ĐCS Trung Quốc, chế độ kiểm tra, giám sát trong Đảng đã có những đổi mới trong thiết kế thượng tầng.“Điều lệ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc” sửa đổi được chính thức ban hành tháng 8-2015,“Điều lệ giám sát trong Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc” được thông qua vào tháng 10-2016. Đến tháng 7-2017, “Điều lệ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc” lại được sửa đổi. Những Điều lệ nêu trênlà căn cứ cơ bản và quy phạm chỉ đạo cho công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, đồng thời cũng là sự trói buộc hiệu quả đối với các đơn vị kiểm tra, giám sát.

Một điểm mới trong Điều lệ công tác kiểm tra, giám sát năm 2015 là xác định rõ trách nhiệm chủ thể của tổ chức đảng trong công tác kiểm tra, giám sát, trong đó, đảng ủy các cấp cần đảm nhận trách nhiệm chủ thể, thực hiện các yêu cầu quản lý đảng nghiêm minh toàn diện, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát. Điều lệ năm 2015 đã bổ sung thêm chủ nghĩa Mác và tư tưởng Mao Trạch Đông vào nền tảng lý luận chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, đồng thời nhấn mạnh cần đi sâu quán triệt tinh thần trong các bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Tập Cận Bình.

Điều 3 Điều lệ Công tác kiểm tra, giám sát năm 2017 lần đầu tiên đưa công tác kiểm tra, giám sát chính trị (政治巡视) vào Điều lệ. Từ sau Đại hội XVIII, số lượng lớn các vụ án được công tác kiểm tra, giám sát phát hiện ra cho thấy, tác phong không đúng và tham nhũng chỉ là vấn đề bề mặt, còn quan điểm mờ nhạt, tổ chức phân tán, kỷ luật lỏng lẻo mới là vấn đề bên trong. Nguyên nhân là do niềm tin lý tưởng bị dao động, ý thức tôn chỉ phai mờ, sự lãnh đạo yếu kém, xây dựng đảng còn khiếm khuyết, quản lý đảng chưa chặt chẽ, nghiêm minh. Đây cũng chính là những vấn đề căn bản mà kiểm tra, giám sát chính trị quan tâm. Cần thông qua kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với kỷ luật chính trị, bảo đảm các đường lối, chính sách của trung ương được thông suốt, duy trì sự thống nhất tập trung của Đảng.

Trong Điều lệ năm 2017, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát bao phủ toàn diện trong một nhiệm kỳ được xác định rõ. Công tác kiểm tra, giám sát Trung ương khóa XVIII lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện được nhiệm vụ này. Trung ương Đảng Cộng sảnTrung Quốc khóa XVIII đã triển khai 12 đợt kiểm tra, giám sát, 160 lần cử tổ kiểm tra, giám sát tiến hành kiểm tra, giám sát đối với 277 tổ chức đảng ở các địa phương, đơn vị; đã thực hiện được mục tiêu kiểm tra, giám sát bao phủ toàn diện trong một nhiệm kỳ, thể hiện lập trường mới mẻ về việc giám sát trong Đảng không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Cũng trong Điều 2, Điều lệ 2017 đã xác định rõ các cơ quan trung ương và cơ quan nhà nước cần triển khai kiểm tra, giám sát: “Các ủy ban, ban ngành trung ương, tổ đảng (đảng ủy) các ban ngành cơ quan nhà nước có thể thi hành chế độ kiểm tra, giám sát, xây dựng cơ quan kiểm tra, giám sát, tiến hành kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng thuộc quyền quản lý”(2). Từ Đại hội XVIII đến nay, đã có 62 đơn vị trung ương triển khai công tác kiểm tra, giám sát. Hội nghị Trung ương 6 khóa XVIII đã thông qua Điều lệ giám sát trong ĐCS Trung Quốc, đưa ra quy định về nguyên tắc đối với việc triển khai công tác kiểm tra, giám sát của tổ đảng (đảng ủy) các cơ quan, bộ ngành Trung ương và Nhà nước.

Ngoài ra, chế độ kiểm tra, giám sát cấp huyện thị cũng được đưa vào Điều lệ năm 2017. Trên thực tế, từ sau Đại hội XVIII, các địa phương lần lượt triển khai chế độ kiểm tra, giám sát tại các thành phố và huyện. Tính đến hiện nay, tất cả 31 tỉnh, khu, thành phố, Binh đoàn Xây dựng sản xuất Tân Cương và 15 thành phố cấp phó tỉnh đã xây dựng chế độ kiểm tra, giám sát, 336 thành phố trực thuộc tỉnh, 2.483 huyện đã triển khai kiểm tra, giám sát(3).

a.Về cơ cấu tổ chức và nhân sự kiểm tra, giám sát

Điều lệ Công tác kiểm tra, giám sát năm 2015 quy định cụ thể: Tổ trưởng Tổ Lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát do Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Đảng đồng cấp đảm nhiệm, Phó Tổ trưởng thường do Trưởng ban Ban Tổ chức của Đảng ủy đồng cấp đảm nhiệm. Tổ trưởng Tổ Lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát là người chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát(4).

Điều khoản này cũng quy định: Văn phòng Tổ Lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát Trung ương được đặt trong Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, đồng thời chỉ rõ: Tổ trưởng Tổ Kiểm tra, giám sát được xác định và trao quyền căn cứ theo mỗi đợt kiểm tra, giám sát. Khoản 12 quy định rõ: việc tuyển chọn nhân sự cho công tác kiểm tra, giám sát cần đạt các điều kiện tiêu chuẩn nghiêm ngặt, đối với những người không phù hợp với công tác kiểm tra, giám sát, cần kịp thời điều chỉnh(5). Điểm mới trong công tác kiểm tra, giám sát từ sau Đại hội XVIII được đề cập trong Điều lệ năm 2015, là: nhân sự của công tác kiểm tra, giám sát cần căn cứ theo quy định và tiến hành luân phiên trao đổi vị trí. Bên cạnh đó, những người làm công tác kiểm tra, giám sát cần tránh việc có quan hệ công việc với những người thân trong gia đình; tránh làm việc tại những khu vực có quan hệ thân thuộc như quê hương hoặc nơi tạm trú; tránh thao tác đối với những công việc, lĩnh vực có quan hệ mật thiết với lợi ích cá nhân.           

Về cơ chế xây dựng, tuyển chọn chủ thể kiểm tra, giám sát, trước Đại hội XVIII, một nhiệm kỳ của Tổ trưởng Tổ Kiểm tra, giám sát thường kéo dài 5 năm. Sau Đại hội XVIII, chế độ bổ nhiệm, đề bạt Tổ trưởng Tổ Kiểm tra, giám sát được đổi mới, xây dựng danh sách Tổ trưởng Tổ Kiểm tra, giám sát, mỗi lần trao quyền một người và mỗi lần bổ nhiệm một người. Cơ chế đề bạt Tổ trưởng Tổ Kiểm tra, giám sát này có thể hình thành sự cạnh tranh lành mạnh trong nội bộ, góp phần nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát.

b.Về phạm vi kiểm tra, giám sát

Công tác kiểm tra, giám sát sau Đại hội XVIII thể hiện rõ đổi mới về đối tượng kiểm tra, giám sát, chủ yếu thể hiện ở việc không có vùng cấm cho đối tượng kiểm tra, giám sát, đồng thời bao phủ toàn diện được các đối tượng kiểm tra giám sát.

Đối tượng kiểm tra, giám sát không có vùng cấm. Thứ nhất, không có vùng cấm trong các bộ, ngành. Đối tượng kiểm tra, giám sát bao gồm các ban ngành trung ương, chính quyền, đảng ủy địa phương, đơn vị sự nghiệp, không chỉ thế, đến cuối năm 2013, các cơ quan quân sự cũng bị đưa vào đối tượng kiểm tra, giám sát, đây là một trong những điểm đột phá mới(6). Thứ hai, không có vùng cấm trong đối tượng bị kiểm tra, giám sát. Hiện nay, dù là lãnh đạo cấp bộ (cấp tỉnh) hay lãnh đạo cấp quốc gia, dù là cán bộ đang tại vị, hay cán bộ đã nghỉ hưu, đều bị đưa vào đối tượng kiểm tra, giám sát, đều bị điều tra. Điều này đã phá vỡ những thông lệ và luật bất thành văn từ trước đến nay.

Đối tượng kiểm tra, giám sát bao phủ toàn diện. Thứ nhất, đối tượng kiểm tra, giám sát bao phủ toàn bộ “nhất phủ lưỡng viện” (Chính phủ nhân dân; Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân) và “bốn nhóm lãnh đạo” các cơ quan bộ ngành thuộc thành phố cấp phó tỉnh (đảng ủy, hội đồng nhân dân, chính quyền, chính hiệp). Điều lệ kiểm tra, giám sát năm2015 lần đầu tiên đã đưa “người phụ trách chính trong Tổ Đảng Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp cao của tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương và người phụ trách chính trong tổ đảng của đảng ủy, hội đồng nhân dân, chính quyền, chính hiệp các thành phố cấp phó tỉnh” vào đối tượng kiểm tra, giám sát(7). Thứ hai, đối tượng kiểm tra, giám sát cũng bao phủ các doanh nghiệp nhà nước chủ chốt và các doanh nghiệp tài chính nhà nước do Trung ương quản lý. Theo thông tin từ các đợt kiểm tra, giám sát chuyên biệt của Trung ương, vấn đề tham nhũng tại các doanh nghiệp nhà nước rất nghiêm trọng và nổi cộm, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tại đây càng trở nên cấp bách hơn. Thứ ba, đối tượng kiểm tra, giám sát còn bao phủ các trụ sở do Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cử xuống hoạt động tại các cơ quan đảng chính Trung ương. Điều lệ năm 2015 cũng xác định rõ cần đưa “lãnh đạo và các thành viên của các bộ ngành Trung ương, của các ban ngành thuộc cơ quan trung ương, đảng ủy (tổ đảng) của các đoàn thể nhân dân” vào đối tượng kiểm tra, giám sát. Tháng 12-2014, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương lần đầu tiên cử các đơn vị kiểm tra kỷ luật đến hoạt động tại các Văn phòng Trung ương, Văn phòng Quốc vụ viện, cơ quan thuộc Hội đồng nhân dân toàn quốc, thuộc Chính hiệp toàn quốc, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Công tác Mặt trận thống nhất Trung ương... Từ đó thực hiện việc cử đơn vị kiểm tra kỷ luật đến hoạt động trong hệ thống 4 cơ quan quan trọng bao gồm Trung ương ĐCS Trung Quốc, Hội đồng nhân dân toàn quốc, Quốc vụ viện, Chính hiệp toàn quốc. Đây là một bước quan trọng trong việc thực hiện bao phủ toàn bộ các đơn vị đóng trú tại cơ quan đảng và nhà nước trung ương.

c. Về nội dung kiểm tra, giám sát

Điều 15 Điều lệ năm 2015 xác định rõ nội dung kiểm tra, giám sát bao gồm: Một là, các vấn đề vi phạm kỷ luật chính trị và quy tắc chính trị, có hành vi và lời nói đi ngược lại đường lối, phương châm, chính sách của Đảng, không thi hành mệnh lệnh, làm những điều bị nghiêm cấm, tỏ ra tuân thủ nhưng thực chất là chống lại, kết bè, kết phái...; Hai là, các vấn đề vi phạm kỷ luật liêm khiết, dùng quyền mưu tư lợi, tham ô hối lộ, tham nhũng...; Ba là, các vấn đề vi phạm kỷ luật của tổ chức, đề bạt sai quy định, vi phạm trong bầu cử, mua quan bán chức, lũng đoạn ngành nghề, không đoàn kết...; Bốn là, các vấn đề vi phạm kỷ luật quần chúng, kỷ luật công tác, kỷ luật trong cuộc sống, chạy theo chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa hưởng lạc và tác phong sa sỉ...; Năm là, các vấn đề khác do tổ chức đảng cử tổ kiểm tra, giám sát yêu cầu tìm hiểu.

Điều 15 Điều lệ năm 2017 đã có những sửa đổi về nội dung như sau: Một là, nếu như trước đây Điều 15 yêu cầu “thực hiện trách nhiệm chủ thể và trách nhiệm giám sát trong xây dựng chính trị liêm khiết và tác phong của Đảng”, thì nay sửa thành “tiến hành giám sát trong tình hình thực hiện trách nhiệm chủ thể của quản lý đảng nghiêm minh toàn diện và trách nhiệm giám sát”. Điều này đã mở rộng nội hàm và ngoại diên của “hai trách nhiệm”. Hai là, quy định rõ ràng công tác kiểm tra, giám sát cần “tập trung phát hiện các vấn đề như sự lãnh đạo của Đảng bị suy yếu, khiếm khuyết trong xây dựng đảng, quản lý đảng nghiêm minh toàn diện không hiệu quả, quan niệm của Đảng phai nhạt, tổ chức phân tán, kỷ luật lỏng lẻo, nới lỏng quản lý đảng trị đảng”. Ba là, các vấn đề nổi cộm được phát hiện trong việc kết hợp với thực tiễn kiểm tra, giám sát. Việc sửa đổi Điều lệ 2017 cho thấy việc làm nổi bật tác dụng của việc kiểm tra, giám sát chính trị, càng mang tính chỉ đạo, tương ứng và dễ thao tác hơn(8).

d. Về phương pháp kiểm tra, giám sát

Chuyển từ “3 cố định” sang “3 không cố định”.Sau Đại hội XVIII, Tổ Kiểm tra, giám sát Trung ương thực hiện “Tổ trưởng Tổ Kiểm tra, giám sát không cố định, đối tượng kiểm tra, giám sát không cố định, mối quan hệ giữa Tổ Kiểm tra, giám sát và đối tượng kiểm tra, giám sát không cố định”. Trước Đại hội XVIII, nhân viên kiểm tra, giám sát về cơ bản đều là cán bộ cấp tỉnh đã nghỉ quản lý dưới 70 tuổi, tổ trưởng tổ kiểm tra, giám sát thường cố định, các khu vực và đơn vị được kiểm tra, giám sát cũng thường cố định. Cách làm trên tuy giúp tổ trưởng tổ kiểm tra, giám sát có thể nắm rõ tình hình khu vực và đơn vị được kiểm tra, giám sát, nhưng cũng có thể dẫn đến quan hệ bất chính giữa nhân viên kiểm tra, giám sát và đối tượng kiểm tra, giám sát. Từ sau Đại hội XVIII, Trung ương ĐCS Trung Quốc yêu cầu tạo đột phá mới trong công tác kiểm tra, giám sát, lập một danh sách tổ trưởng tổ kiểm tra, giám sát, đồng thời tiến hành chế độ luân phiên làm tổ trưởng. Mỗi lần kiểm tra giám sát, chức danh tổ trưởng sẽ được đổi một lần. Đồng thời, địa điểm và đơn vị được kiểm tra, giám sát cũng được chọn một cách ngẫu nhiên chứ không cố định. Cách làm mới này góp phần phòng ngừa sự nảy sinh mối quan hệ bất chính giữa nhân viên kiểm tra, giám sát và đối tượng kiểm tra, giám sát.

Kết hợp kiểm tra, giám sát định kỳ với kiểm tra, giám sát chuyên đề, kiểm tra, giám sát lại và kiểm tra, giám sát theo hình thức cơ động. Kiểm tra, giám sát định kỳ là kiểm tra, giám sát theo các quy định có liên quan, không nhằm vào các vấn đề cụ thể và các mục tiêu cụ thể, có thể coi đó là “kiểm tra toàn diện” đối với đối tượng kiểm tra, giám sát. Kiểm tra, giám sát chuyên đề là chỉ việc kiểm tra, giám sát triển khai chủ yếu nhằm vào các việc hoặc vấn đề cụ thể, định hướng bằng vấn đề, hình thức linh hoạt, có thể xem như là “điều trị đúng mục tiêu” đối với đối tượng kiểm tra. Kiểm tra, giám sát chuyên đề có đặc điểm là “ổn định, chuẩn xác, nhanh chóng, quyết liệt”. Việt kết hợp giữa kiểm tra, giám sát định kỳ với kiểm tra, giám sát chuyên đề là sự đổi mới về phương pháp chế độ công tác kiểm tra, giám sát là biện pháp quan trọng bảo đảm  cho công tác kiểm tra, giám sát có sức răn đe lớn hơn. Kiểm tra, giám sát lại chính là lặp lại việc kiểm tra chính trị. Bắt đầu từ đợt kiểm tra, giám sát thứ 9, mỗi đợt kiểm tra, giám sát đều sắp xếp kiểm tra, giám sát lại đối với 4 tỉnh, khu vực, thành phố nhằm tăng cường hiệu quả răn đe, thể hiện rõ rằng kiểm tra, giám sát không phải mang tính phong trào, không chỉ được tiến hành một đợt.

Ngoài ra, Điều 16 Điều lệ Công tác kiểm tra, giám sát năm 2015 nhấn mạnh, tổ chức đảng cử tổ kiểm tra, giám sát có thể căn cứ vào yêu cầu công việc, căn cứ theo vấn đề trọng điểm, sự việc trọng điểm, nhân vật trọng điểm của các địa phương, bộ ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc quyền quản lý hoặc căn cứ vào tình hình sửa sai sau khi diễn ra công tác kiểm tra, giám sát, để triển khai kiểm tra, giám sát theo hình thức cơ động. Khi có thông tin sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát ngay lập tức, phát huy ưu thế linh hoạt của đội ngũ quy mô nhỏ, đầu tư ít nhưng hiệu quả nhanh, di chuyển nhanh, khiến công tác kiểm tra, giám sát trở nên chuyên nghiệp, linh hoạt và chuẩn xác hơn.

Kết hợp giữa giám sát công khai với điều tra ngầm. Trước Đại hội XVIII, phương thức làm việc của tổ kiểm tra, giám sát bao gồm: lắng nghe báo cáo, tham dự các buổi sinh hoạt dân chủ, các cuộc họp đánh giá, gọi điện điều tra, tổ chức các cuộc họp đánh giá dân chủ, nghiên cứu thực địa… Đây chủ yếu là giám sát công khai, trên thực tế vẫn thiếu phương thức điều tra ngầm. Phương thức công tác trong “Điều lệ công tác kiểm tra, giám sát”năm 2015đã mở rộng các cách phát hiện vấn đề. Cùng với các cách thức kiểm tra, giám sát đã có, đã đề xuất thêm 4 phương pháp, bao gồm: tiếp nhận tin báo, đơn thư phản ánh các vấn đề về người phụ trách chính trong ban lãnh đạo tổ chức đảng cấp dưới của đối tượng bị kiểm tra, giám sát; điều tra ngẫu nhiên các vấn đề có liên quan đến cá nhân cán bộ lãnh đạo; tìm hiểu tình hình của cấp dưới trực thuộc; đưa ra các hình thức phê chuẩn khác của tổ chức đảng khi cử tổ kiểm tra, giám sát. Tổ Kiểm tra, giám sát Trung ương phải đi trước trong việc kiểm tra, giám sát, tìm hiểu tình hình cán bộ cấp dưới, tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên đối với những việc liên quan đến cá nhân do cán bộ lãnh đạo báo cáo. Như vậy có thể tránh được việc báo cáo sai, đối phó của đối tượng bị kiểm tra, giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả và nhằm đúng mục tiêu của việc kiểm tra, giám sát.

Kết hợp giữa kiểm tra, giám sát theo lĩnh vực với theo ngành nghề. Năm 2015, Tổ Kiểm tra, giám sát Trung ương ngay từ đợt kiểm tra, giám sát đầu tiên đã chỉ định các nhóm kiểm tra, giám sát theo mô hình “1 giám sát 2”, một tổ kiểm tra chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát 2 doanh nghiệp trung ương thuộc cùng một lĩnh vực, cùng một ngành nghề, sắp xếp đồng bộ cùng loại, tập trung báo cáo hàng loạt. Như vậy có thể nâng cao hiệu quả, chất lượng kiểm tra, giám sát.

e. Về quy trình kiểm tra, giám sát

Ngoài những đặc điểm quy trình làm việc đã nêu ở các phần trên, điểm mới trong công tác kiểm tra, giám sát từ sau Đại hội XVIII ĐCS Trung Quốc còn thể hiện ở chỗ: thực hiện “hai lần phản hồi” tình hình kiểm tra, giám sát, “hai lần báo cáo” đối với tình hình sửa sai, công khai với hình thức phù hợp. Điều lệ xác định rõ: sau khi được sự đồng ý của tổ chức đảng nơi cử tổ kiểm tra, giám sát đi, tổ kiểm tra, giám sát cần kịp thời phản hồi với ban lãnh đạo tổ chức đảng và những người phụ trách chính của đơn vị bị kiểm tra, giám sát về tình hình kiểm tra, giám sát, chỉ ra vấn đề, đưa ra kiến nghị sửa đổi tương ứng, yêu cầu “Tổ chức đảng bị kiểm tra, giám sát sau khi nhận ý kiến phản hồi của tổ kiểm tra, giám sát, cần nghiêm túc thực hiện việc sửa sai, trong vòng 2 tháng phải báo cáo tình hình sửa sai và tình hình người đứng đầu tổ chức việc thực hiện, gửi đến văn phòng tổ lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát”. Điều lệ năm 2015 còn xác định trách nhiệm đốc thúc của cơ quan kiểm tra, giám sát, tăng cường giám sát đối với đảng viên, cán bộ và quần chúng, chỉ rõ: “Các tình hình về việc đóng trú, phản hồi, sửa sai trong công tác kiểm tra, giám sát cần được công khai với hình thức phù hợp, chịu sự giám sát của đảng viên, cán bộ và quần chúng nhân dân”.

Vấn đề kỷ luật và trách nhiệm trong công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng sau Đại hội XVIII cũng có những đổi mới nhất định. Điều lệ năm 2015 nhấn mạnh việc truy cứu trách nhiệm, quy định rõ tổ chức đảng triển khai công tác kiểm tra, giám sát sẽ đảm nhận trách nhiệm chủ thể trong công tác kiểm tra, giám sát. Nếu công tác kiểm tra, giám sát của lãnh đạo không hiệu quả, phát sinh những vấn đề nghiêm trọng, sẽ bị truy cứu trách nhiệm.

Đồng thời, Điều lệ quy định Tổ Kiểm tra, giám sát dựa vào tổ chức Đảng bị kiểm tra, giám sát để triển khai công tác, không can thiệp vào công việc thường nhật của địa phương, đơn vị bị kiểm tra, giám sát, không có trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, thực hiện chế độ báo cáo xin chỉ thị; khi gặp các tình huống hoặc vấn đề quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát, cần kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ thị của Tổ Lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời đưa việc vượt quyền hạn, tạo nên hậu quả xấu trong công việc vào tình hình truy cứu trách nhiệm đối với cán bộ kiểm tra, giám sát.

g. Về cơ chế kỷ luật chủ thể kiểm tra, giám sát

Báo cáo Hội nghị toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban kỷ luật Trung Quốc khóa XVIII đã chỉ rõ: “Thực hiện trách nhiệm giám sát, nếu Tổ Kiểm tra, giám sát không phát hiện được những vấn đề quan trọng đáng lý cần được phát hiện, sẽ bị cách chức; nếu phát hiện ra vấn đề nhưng không báo cáo là không làm tròn chức vụ”(9). Hội nghị lần thứ 5 của Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung Quốc khóa XVIII lần đầu nêu rõ, khi kiểm tra, giám sát phải kiên trì “một vụ án điều tra 2 lần”, vừa phải truy cứu trách nhiệm đương sự, vừa phải truy cứu trách nhiệm của người lãnh đạo có liên quan, kể cả trách nhiệm của đảng ủy và ủy ban kỷ luật. Chỉ khi nghiêm túc thực hiện cơ chế này, mới có thể nâng cao trách nhiệm chủ thể và trách nhiệm giám sát.

Có thể thấy, từ sau Đại hội XVIII, công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng ở Trung Quốc được thúc đẩy mạnh mẽ, mức độ quyết liệt hơn, thể hiện rõ tinh thần “giám sát trong Đảng không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; “thực hiện bao phủ toàn diện kiểm tra, giám sát, cả nước là một bàn cờ”. Những đổi mới mang tính toàn diện của chế độ kiểm tra, giám sát đã góp phần hình thành một không khí xã hội “không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không dễ tham nhũng và không muốn tham nhũng”, tiến tới xây dựng hoàn thiện một hệ thống chính trị liêm khiết đặc sắc Trung Quốc, đáp ứng được yêu cầu của việc quản lý đảng nghiêm minh toàn diện.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2017

(1) Ngụy Ngân Lập: Quan điểm về chế độ kiểm tra, giám sát trong Đảng, Nam phương Luận san, 2004, tr.12.

(2) Quyết định của Trung ương ĐCS Trung Quốc về việc sửa đổi“Điều lệ Công tác kiểm tra, giám sát của ĐCS Trung Quốc”, http://news.xinhuanet.com, ngày 14-7-2017.

(3) Khương Kiết: Điều lệ Công tác kiểm tra, giám sát lại được sửa đổi, 5 điểm quan trọng đáng chú ý, http://politics.people.com, ngày 14-7-2017.

(4), (5), (7) Trung ương ĐCS Trung Quốc ban  hành “Điều lệ Công tác kiểm tra, giám sát của ĐCS Trung Quốc”, http://news.xinhuanet.com, ngày 13-8-2015.

(6)“Chống tham nhũng trong quân đội chính thức xây dựng chế độ kiểm tra, giám sát”, http://news.xinhuanet.com.

(8) http://politics.people.com.cn.

(9) Báo cáo công tác tại Hội nghị toàn thể lần thứ 3 UB Kiểm tra kỷ luật TW khóa 18, http://www.ccdi.gov.cn, ngày 27-1-2014.

 

ThS Trần Thu Minh

Viện Nghiên cứu Trung Quốc,

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền