Trang chủ    Quốc tế    Về chính sách đối ngoại của Mỹ sau một năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump
Thứ hai, 28 Tháng 5 2018 11:36
2731 Lượt xem

Về chính sách đối ngoại của Mỹ sau một năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump

(LLCT) - Sau 1 năm cầm quyền (20-1-2017 – 20-1-2018) của Tổng thống Mỹ Donald Trump - người có khẩu hiệu tranh cử nổi tiếng “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, “nước Mỹ trên hết”, điều mà cộng đồng quốc tế rút ra từ chính sách đối ngoại của Mỹ có lẽ là những “bất ngờ” và “khác biệt” như chính bản thân Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Bài viết đưa ra một cái nhìn tổng quan về những động thái đối ngoại vừa bất ngờ và khác biệt, vừa mang đậm tính thực dụng của Tổng thống D.Trump trong năm đầu.

1. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên và chính sách với Trung Đông

Các đời tổng thống Mỹ trước đây thường thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong vòng 50 ngày kể từ khi nhậm chức. Tổng thống B.Obama, ngày 19-2-2009 đã thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Canađa. Còn Tổng thống D.Trump phải sau 4 tháng mới thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên (từ 20-5 đến 27-5-2017). Đó là do nội bộ nước Mỹ nói chung, nội các Chính phủ Mỹ nói riêng ngay từ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống D.Trump đã có quá nhiều lục đục, chia rẽ sâu sắc làm Tổng thống mới chưa có kinh nghiệm chính trường trở nên bối rối trong việc dàn xếp. Các đời tổng thống tiền nhiệm thường chọn các nước láng giềng Mêhicô hay Canađa để thực hiện chuyến thăm nước ngoài đầu tiên, coi đây là lần “tập dượt” trước khi tới những “mặt trận” xa hơn.

Tổng thống D.Trump thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới 3 nước Trung Đông là Arập Xêút, Ixraen và Palextin, sau đó tới Tòa thánh Vaticăng và cuối cùng là tham dự 2 sự kiện ở châu Âu: Hội nghị cấp cao NATO ở Brúcxen (Bỉ) và Hội nghị cấp cao G7 ở Xixily (Ý), chứ không thăm chính thức quốc gia nào ở châu Âu. Tổng thống D.Trump chọn đến Trung Đông đầu tiên để vừa thể hiện sự khác biệt với tổng thống tiền nhiệm, vừa làm dịu những căng thẳng trong quan hệ với Arập Xêút (liên quan đến việc Quốc hội Mỹ ngày 10-6-2016 thông qua dự luật “Công lý chống bảo trợ hành động khủng bố JASTA”  cho phép gia đình các nạn nhân trong “vụ 11-9” kiện Arập Xêút); với Ixraen (liên quan đến việc ngày 23-12-2016, Mỹ ủng hộ Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc thông qua Nghị quyết yêu cầu Ixraen ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái trên lãnh thổ Palextin bị chiếm đóng); với Palextin (liên quan đến những thiên vị rõ rệt của Mỹ đối với Ixraen). Do ngay từ đầu nhiệm kỳ đã tỏ ra cứng rắn khi ký Sắc lệnh hành pháp cản trở hoặc cấm công dân 6 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, Tổng thống D.Trump muốn qua chuyến đi này cải thiện hình ảnh của mình trong thế giới Hồi giáo, hơn nữa là nhằm đạt được các mục tiêu đầy tham vọng: (1). Tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia vùng Vịnh trong các mục tiêu tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và chủ nghĩa khủng bố; (2). Cô lập Iran; (3). Giải quyết xung đột giữa Ixraen và Palextin; (4). Cụ thể hóa phương châm “nước Mỹ trên hết” tại Trung Đông.

Ngày 21-5-2017, Tại thủ đô Riát (Arập Xêút),  phát biểu trước lãnh đạo 55 nước Hồi giáo tham dự, ông D.Trump nói: “Tôi đại diện cho người dân Mỹ gửi tới các bạn một thông điệp bằng hữu và hy vọng và yêu thương. Tầm nhìn của chúng tôi hướng tới hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên toàn thế giới. Mục tiêu của chúng tôi là liên minh các quốc gia có chung mục đích đẩy lùi chủ nghĩa cực đoan”(1). Kết quả là, Tổng thống D.Trump  và lãnh đạo các nước Hồi giáo thông qua “Tuyên bố Riát”, kêu gọi thành lập “Liên minh Trung Đông”, còn được gọi là “NATO Arập” chống khủng bố.

Thành công của Mỹ ở Trung Đông trong năm 2017 là: Thứ nhất, cải thiện quan hệ với Arập Xêút để thực hiện những hợp đồng khổng lồ trị giá 350 tỷ USD cả về quân sự lẫn kinh tế - những hợp đồng có thể tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho người dân Mỹ; cải thiện quan hệ với Aicập - một trụ cột và đối tác tin cậy trong chính sách Trung Đông của Mỹ. Thứ hai, Mỹ cùng với Nga vào cuối năm 2017 đã đánh bật IS khỏi lãnh thổ 2 nước Xiri, Irắc. Song, chính sách Trung Đông năm 2017 của Tổng thống D.Trump đang tạo ra nhiều hệ lụy hơn trong quan hệ quốc tế và bất lợi cho Mỹ. Cụ thể là:

Đối với Iran, ngay trước chuyến thăm Trung Đông, Tổng thống D.Trump đã kêu gọi hủy bỏ Kế hoạch toàn diện hành động chung JCPOA (gọi tắt là Thỏa thuận hạt nhân Iran, được Iran và các nước P5+1 ký năm 2015), coi đây là “một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất từng được ký”. Quan điểm này hầu như không thay đổi trong năm cầm quyền đầu tiên của Tổng thống D.Trump, cho dù các chuyên gia của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và đại diện của 6 nước ký JCPOA thường xuyên giám sát chặt chẽ quá trình thực thi JCPOA của Iran, từ đó luôn đánh giá rằng Iran thực thi nghiêm chỉnh các điều khoản trong Thỏa thuận hạt nhân. Sự cứng rắn của Mỹ bắt nguồn từ việc Mỹ luôn cho rằng Iran là nước bảo trợ khủng bố số 1 thế giới, tác nhân chính gây ra tình trạng bạo lực đẫm máu và hỗn loạn, đe dọa an ninh các nước đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Vì vậy, Mỹ muốn dùng thỏa thuận hạt nhân làm công cụ gia tăng áp lực đối với Iran để có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt Iran, buộc Iran phải đàm phán lại. Hệ quả không tránh khỏi từ những động thái này của Mỹ là chẳng những làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran mà còn cộng thêm những bất đồng trong quan hệ giữa Mỹ với EU, Trung Quốc và Nga.

Đối với Ixraen, sự thiên vị được thể hiện rõ rệt trong rất nhiều động thái của Tổng thống D.Trump trong cả chuyến thăm lẫn hành động trên thực tế về sau, nhất là trong vấn đề Giêruxalem. Ngược dòng lịch sử, năm 1995, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật “Mỹ cần phải công nhận Giêruxalem là Thủ đô của Ixraen” và phải chuyển Đại sứ quán Mỹ về đó. Luật này là bắt buộc phải thi hành, nhưng cho phép tổng thống có thể trì hoãn thực hiện trong thời gian 6 tháng. Từ đó, các Tổng thống B.Clintơn, G.Bush, B.Obama đều mỗi năm 2  lần ký sắc lệnh trì hoãn. Bản thân Tổng thống D.Trump vào tháng 6-2017 cũng ký sắc lệnh tương tự, nhưng ngày 6-12-2017 đã chính thức công nhận Giêruxalem là Thủ đô Ixraen và sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Ten Avip về Giêruxalem. Hành động bất ngờ của Tổng thống D.Trump có vẻ như chỉ nhằm chứng tỏ ông đã giữ lời hứa khi tranh cử. Dư luận quốc tế coi đây là một bước lùi trong chính sách Trung Đông của Mỹ, bởi đã đổ thêm dầu vào lò lửa Trung Đông, gây ra những phản ứng quyết liệt chẳng những của Palextin và thế giới Arập, mà cả đa số các nước thành viên Liên Hợp quốc, trong đó có các đồng minh lâu đời của Mỹ. Không chỉ mục tiêu giải quyết xung đột Ixraen - Palextin càng trở nên xa vời, một Trung Đông ngập chìm trong bạo lực là điều không tránh khỏi, mà vai trò “trung gian hòa giải” và lợi ích nhiều mặt của Mỹ tại Trung Đông cũng sẽ bị suy giảm.

2. Chính sách với châu Âu - Đại Tây Dương

Khác với các chính quyền tiền nhiệm rất coi trọng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với NATO, vốn là đồng minh truyền thống, ông D.Trump trong chiến dịch tranh cử đã tỏ ra xem nhẹ NATO, khi coi đây là một tổ chức “lạc hậu”, “già cỗi”, “đã lỗi thời”, vì “không có khả năng bảo vệ các nước thành viên trước các cuộc tấn công khủng bố”. Trong gần 70 năm tồn tại của NATO, chưa có tổng thống Mỹ nào “chê bai” NATO như vậy, thậm chí họ luôn đề cao tầm quan trọng thiết yếu của tổ chức này trong bảo đảm các lợi ích quốc gia của Mỹ. Tuy từ sau khi thắng cử, Tổng thống D.Trump đã thay đổi cách nhìn nhận này về NATO, khẳng định mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và NATO là bất biến, nhưng tới nay vẫn giữ nguyên quan điểm rằng “không thể dùng tiền thuế của người dân Mỹ để bảo vệ an ninh cho các nước châu Âu”, đòi các nước đồng minh châu Âu phải “chia sẻ gánh nặng tài chính một cách công bằng hơn”.

Với EU, vì Tổng thống D.Trump đề cao thương mại song phương, bảo vệ sản xuất trong nước với phương châm “nước Mỹ trên hết” theo đường hướng chủ nghĩa bảo hộ, nên Mỹ và nhiều nước EU không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề tự do thương mại và chống chủ nghĩa bảo hộ. Nguyên do của những bất đồng là vấn đề thâm hụt thương mại rất lớn và kéo dài của Mỹ với EU. Vì vậy, Tổng thống Mỹ muốn xóa đi sự mất cân bằng đó và có một mối quan hệ thương mại “công bằng hơn với người lao động Mỹ”. Bất đồng tiếp theo giữa Mỹ và EU là việc Tổng thống D.Trump quyết định rút khỏi Hiệp ước Pari về chống biến đổi khí hậu (được ký kết năm 2015, vốn được các nước châu Âu rất coi trọng) ngay sau khi kết thúc chuyến thăm tham dự 2 hội nghị NATO và G7 hồi tháng 5-2017 khiến quan hệ giữa Mỹ và nhiều thành viên EU, nhất là Đức gia tăng căng thẳng. Thủ tướng Đức A.Mécken cho rằng, Tổng thống D.Trump đã “đặt dấu chấm hết” cho liên minh truyền thống giữa châu Âu và Mỹ. Ngoài ra, những phát ngôn của Tổng thống D.Trump về vấn đề nhập cư, người tỵ nạn, về Anh và Brexit cũng tạo ra những phản ứng tiêu cực của EU. Như vậy, chủ yếu do Tổng thống D.Trump thực thi quan điểm “nước Mỹ trên hết” ở châu Âu mà quan hệ đồng minh của Mỹ với các nước như Đức, Pháp và EU, NATO nói chung có dấu hiệu rạn nứt, chia rẽ.

Đối với Nga, điều bất ngờ là so với những tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của ông D.Trump, quan hệ với Nga chẳng những không được cải thiện mà còn gia tăng căng thẳng ở mức cao, đưa quan hệ Mỹ - Nga đến mức tồi tệ nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Tình trạng này lại không phải do Tổng thống gây ra, mà chủ yếu do Quốc hội và truyền thông Mỹ. Đỉnh điểm căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Nga là vào cuối tháng 7 - đầu tháng 8- 2017, Quốc hội và Tổng thống Mỹ D.Trump ban hành Đạo luật H.R 3364 chống Nga. Thủ tướng Nga Đ.Métvêđép cho rằng, Mỹ đã “tuyên bố chiến tranh thương mại toàn diện với Nga”. Quan hệ Mỹ - Nga tiếp tục gia tăng căng thẳng khi trong bản Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) mới, được công bố vào ngày 18-12-2017, Mỹ coi Nga là một trong những nguy cơ đe dọa lợi ích quốc gia của Mỹ, khi cho rằng Nga (cùng với Trung Quốc) là “những quốc gia đang mong muốn xây dựng một thế giới đối nghịch với các giá trị và lợi ích của Mỹ”. Tổng thống D.Trump thừa nhận: “Quan hệ Mỹ - Nga đang ở mức tệ nhất mọi thời đại và rất nguy hiểm”(2).

3. Ấn Độ - Thái Bình Dương thay cho châu Á - Thái Bình Dương

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên tại Nhà Trắng, Tổng thống D.Trump đã thực hiện lời hứa khi tranh cử, đó là ký Sắc lệnh Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây vốn là Hiệp định được Tổng thống Obama rất coi trọng và đã cùng 11 nước khác ký kết. Thực ra việc rút khỏi TPP chưa hẳn là sự thay đổi chính sách châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD), mà nằm trong chủ trương chung của Tổng thống D.Trump là xóa bỏ hầu hết chính sách đối nội và đối ngoại của Tổng thống tiền nhiệm Obama. Đối với chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Obama và chiến lược “tái cân bằng”, TPP là một dự án địa - chiến lược hơn là dự án địa - kinh tế, mà mục tiêu kiềm chế Trung Quốc thể hiện khá rõ. Còn Tổng thống D.Trump, xuất thân là một doanh nhân tỷ phú, chú trọng hơn các lợi ích kinh tế - thương mại mà các thỏa thuận song phương mang lại cho nước Mỹ. Vì vậy, theo quan điểm của Tổng thống D.Trump, việc rút khỏi TPP không phải là xem nhẹ khu vực CA-TBD hay không quan tâm đến phương sách kiềm chế Trung Quốc, mà trước hết cần tập trung vào các thỏa thuận song phương với các nước trong khu vực để phục vụ tốt hơn, thiết thực hơn cho mục tiêu “nước Mỹ trên hết”. Có thể nói, việc rút khỏi TPP là động thái đối ngoại mang đậm tính thực dụng (hay thực tế) của Tổng thống D.Trump.

Nhưng có vẻ như so với Trung Đông và châu Âu - Đại Tây Dương, chính sách CA - TBD của Tổng thống D.Trump trong năm đầu tiên cầm quyền không có nhiều thay đổi như người ta từng lo ngại bởi những gì được ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Trong chuyến công du kéo dài 12 ngày đầu tháng 11-2017 tới 5 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, Philíppin, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN,  Tổng thống D.Trump tỏ ra vẫn coi trọng các tổ chức đa phương như APEC, ASEAN, ASEAN+..., cũng không đảo lộn các mối quan hệ song phương với các đồng minh và đối tác trong khu vực. Quan hệ đồng minh giữa Mỹ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ốtxtrâylia dù ban đầu có đôi chút trục trặc do Mỹ yêu cầu phải “chia sẻ trách nhiệm”, song nhìn chung không đi chệch đường ray cũ. Với Trung Quốc, có khá nhiều sự thay đổi, đảo chiều trong những phát ngôn của Tổng thống Mỹ từ khi tranh cử đến những thời điểm khác nhau trong năm 2017, để rồi trong NSS mới đã coi Trung Quốc cùng với Nga là những “cường quốc xét lại”, là nguy cơ đe dọa lợi ích quốc gia Mỹ. Nghĩa là chính sách với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống D.Trump không có nhiều thay đổi về chất so với chính quyền tiền nhiệm.

Bài toán nan giải nhất của chính quyền Tổng thống D.Trump ở khu vực CA - TBD là xử lý vấn đề hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên. Trong năm 2017, Triều Tiên đã 16 lần thử tên lửa và 1 lần thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có tầm bắn xa trên 13.000 km. Ông Kim Jong Un trong Thông điệp mừng năm mới ngày 1-1-2018 tuyên bố: “Toàn bộ lãnh thổ Mỹ đang nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên và nút bấm hạt nhân luôn ở trên bàn làm việc của tôi. Đây là sự thật, không phải lời đe dọa”(3). Chính quyền Tổng thống D.Trump đã có nhiều động thái cứng rắn, gây sức ép mạnh mẽ với Triều Tiên cả ở Liên Hợp quốc lẫn trong quan hệ song phương với các nước như Trung Quốc, Nga, v.v.. Song có lẽ không chỉ năm 2017, mà trong nhiều năm tiếp theo, Mỹ cũng khó lòng giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên bởi quan điểm của hai bên về vấn đề này quá khác nhau và bởi sự cứng rắn của cả hai phía.

Sự khác biệt trong chính sách CA - TBD của chính quyền Tổng thống D.Trump so với chính quyền tiền nhiệm thể hiện rõ nhất ở sự thay đổi tên gọi khu vực này, cụ thể là đã thay thuật ngữ “Châu Á - Thái Bình Dương” bằng  “Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Đáng chú ý là trước đấy khá lâu Thủ tướng Nhật Bản S.Abê đã đưa ra chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Nhiều quan chức cấp cao của Mỹ cũng đã nhiều lần đề cập đến khái niệm này. Có thể nói, đây không đơn giản là thay đổi cách gọi, mà hàm chứa những thay đổi hay điểm nhấn trong chính sách đối với khu vực quan trọng này của chính quyền Tổng thống D.Trump. Đó là đề cao hơn vai trò của Ấn Độ như là trung tâm của khu vực được xác định rộng lớn hơn; liên minh “bộ tứ kim cương” Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản - Ốtxtrâylia sẽ là trụ cột trong cấu trúc chính trị - an ninh mới của khu vực; kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, nhất là tạo thành một đối trọng với chiến lược “Vành đai, Con đường”, “Giấc mộng Trung Hoa” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Một học giả Nhật Bản nhận định: “Hiện nay chưa có một chính sách hay thể chế vững chắc nào được lập ra theo khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nhưng nhiều khả năng khái niệm này sẽ nhanh chóng phát triển cùng nhiều yếu tố chiến lược hơn bằng cách tăng cường hợp tác quân sự - quốc phòng giữa bốn nước”(4[1]). Đặc biệt, lần đầu tiên thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” được đưa vào NSS mới (đã nói ở trên), hơn nữa còn được đề cập trước cả châu Âu và Trung Đông, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của chính quyền Tổng thống D.Trump tới khu vực này.

4. Một vài nhận xét

Nhận xét đầu tiên là, cùng với những động thái gây bất ngờ của Tổng thống D.Trump với Liên Hợp quốc như tuyên bố Mỹ rút khỏi UNESCO và đòi cắt giảm phần đóng góp của Mỹ cho Liên Hợp quốc , chính sách đối với các khu vực và các nước khác nhau trong một năm cầm quyền của Tổng thống D.Trump là “khó đoán định”, “tiền hậu bất nhất” và rất khác biệt so với các đời tổng thống trước đây. Chính vì vậy, chính sách này chưa thể ổn định và chưa mang tính lâu dài. Cùng với đó, việc Tổng thống D.Trump ngày 18-12-2017 công bố NSS mới - văn bản có vai trò định hướng cho hoạt động đối ngoại những năm tới, và căn cứ vào những chuyển động của các mối quan hệ quốc tế, Mỹ sẽ còn những thay đổi, điều chỉnh trong chính sách với các nước, các khu vực khác nhau.

Thứ hai, từ góc độ lý thuyết quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại Mỹ từ sau Chiến tranh lạnh không lựa chọn duy nhất một lý thuyết quan hệ quốc tế, mà luôn đan cài nhiều lý thuyết khác nhau. Qua những động thái đối ngoại của chính quyền Mỹ trong năm 2017, có thể thấy dường như chính quyền Mỹ đang lựa chọn lý thuyết chủ nghĩa hiện thực mới (Neo Realism) làm cơ sở quan trọng hàng đầu cho việc hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại, cho dù cũng chịu ảnh hưởng của lý thuyết chủ nghĩa tự do mới (Neo Liberalism). Chủ nghĩa hiện thực vốn lấy quyền lực (sức mạnh quốc gia tổng hợp) làm cơ sở và lợi ích quốc gia làm trung tâm để thực thi chính sách quốc gia, và điều này được thể hiện trước hết ở tư tưởng “nước Mỹ trên hết”, “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống D.Trump. Cho dù bị đánh giá là “tiền hậu bất nhất”, hay thay đổi, nhưng đây là điều mà Tổng thống D.Trump sẽ không thay đổi và kiên trì theo đuổi. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp (CEO Summit) trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng, Việt Nam ngày 10-11-2017, Tổng thống D.Trump lý giải tư tưởng này như sau: “Tôi sẽ luôn đặt nước Mỹ lên trên hết giống như cách mà tôi mong tất cả quý vị trong khán phòng này đặt quốc gia của mình lên trên hết”; “Mỹ sẵn sàng hợp tác với bất cứ quốc gia nào trong khu vực trên cơ sở song phương, tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi”(5[1]). Như vậy, tư tưởng “nước Mỹ trên hết” không có nghĩa Mỹ thực hiện “chủ nghĩa biệt lập”, mà là đề cao việc bảo vệ lợi ích quốc gia trước các thách thức và sự “mất cân bằng” trong quan hệ quốc tế, nghĩa là mang đậm tư tưởng chủ nghĩa dân tộc nước lớn. Có thể nhận thấy, cùng với tư tưởng “Hòa bình thông qua sức mạnh”, tư tưởng “nước Mỹ trên hết” đã và vẫn sẽ là “kim chỉ nam” cho các hoạt động đối ngoại của chính quyền Tổng thống D.Trump. Cùng với đó, nhân tố lợi ích kinh tế và tính thực dụng đang là nhân tố xuyên suốt và nổi bật nhất trong đường hướng đối ngoại của Tổng thống D.Trump. Có thể khẳng định, những tư tưởng nói trên đã và sẽ luôn thường trực trong mọi hoạt động đối ngoại đối với cả đồng minh, đối tác lẫn đối thủ, cũng như được thể hiện trên các lĩnh vực khác nhau, địa bàn khác nhau trong quan hệ quốc tế của Mỹ.

Thứ ba, với việc Ấn Độ - Thái Bình Dương được chính thức đưa vào NSS, chính sách của Mỹ tại khu vực này sẽ có những thay đổi đáng kể trong các ưu tiên, các trọng tâm, trọng điểm. Điều này sẽ tạo ra những cơ hội và thách thức mới cho Việt Nam nói riêng, các nước ASEAN nói chung. Về cơ hội, việc Mỹ chủ trương thực hiện “Hòa bình thông qua sức mạnh”, hợp tác nhiều hơn với Ấn Độ, cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông sẽ tạo ra những thuận lợi nhất định từ bên ngoài cho Việt Nam và các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trong đấu tranh với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của mình, sức ép của Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế - an ninh cũng có thể suy giảm. Về thách thức, cạnh tranh Mỹ - Trung đã và sẽ còn gây ra những “khó xử” cho Việt Nam trong xử lý quan hệ với Trung Quốc. Ngoài ra, nếu liên minh “bộ tứ kim cương” Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản - Ốtxtrâylia trở thành sự thật, có thể ASEAN sẽ không còn được Mỹ coi là một “trung tâm” đóng vai trò “cầu nối” gắn kết các mối quan hệ quốc tế ở khu vực. Điều này sẽ làm hạn chế những cơ hội “mặc cả” và nâng cao vai trò của Việt Nam nói riêng, ASEAN nói chung - vốn là tập hợp của các quốc gia vừa và nhỏ - trong quan hệ với các nước lớn. Vì vậy, các nước rất cần quan tâm sát sao đường hướng và chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm tới để có những đối sách kịp thời, phù hợp.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2 -2018

(1) http://vietnamnet.vn.

(2) http://vietnamnet.vn.

(3) http://dantri.com.vn.

(4) http://vnexpress.

(5) http://dantri.com.vn.

PGS, TS  Hà Mỹ Hương

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền