Trang chủ    Quốc tế    Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: Cơ hội hòa bình cho bán đảo Triều Tiên
Chủ nhật, 10 Tháng 6 2018 10:11
1624 Lượt xem

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: Cơ hội hòa bình cho bán đảo Triều Tiên

(LLCT) - Theo giới quan sát, cho đến nay, công tác chuẩn bị cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, ông Donald Trump và Kim Jong-un đã được coi là hoàn tất. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào 9 giờ ngày 12/6 tại Singaporechắc chắn sẽ diễn ra theo kế hoạch, khiến giới nghiên cứu và dư luận kỳ vọngvào một nền hòa bình trên bán đảoTriều Tiên.

 

1.Cánh cửa hòa bình đã hé mở                                            

Ngay từ những ngày đầu năm mới 2018, cánh cửa hòa bình cho bán đảo Triều Tiên đã được hé mở khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố “để ngỏ cánh cửa đối thoại” với Hàn Quốc và cửcác quan chức, vận động viên, đoàn nghệ thuật và cổ động viên tham dự Thế vận hội mùa ĐôngPyeongchang(Hàn Quốc). Các vận động viên và quan chức của hai nước đã diễu hành chung dưới một lá cờ thống nhất trong lễ khai mạc Thế vận hội. Mỹ cũng đã để ngỏ khả năng đàm phán với Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thay đổi lập trường cứng rắn bấy lâu nay và cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân, bỏ các điều kiện gây khó cho Mỹ, Hàn Quốc trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều. Tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 3, và ngày 7-8tháng 5, ông Kim Jong-un tuyên bố “cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân” tại bán đảo Triều Tiên nếu không còn mối đe dọa nào về an ninh. Ông nói: “Quan điểm nhất quán của chúng tôi là cam kết giải trừ vũ khí hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên, tuân thủ đúng di nguyện của hai cố lãnh đạo Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) và Kim Jong-il”(1).

Động thái ngoại giao của Triều Tiên và Hàn Quốc đều rất mềm mỏng và có những bước đithực tế để xúc tiến quá trình hợp nhất. Hai miền Triều Tiên đã mở văn phòng liên lạc của mỗi nước tại thủ đô Seoul và Bình Nhưỡng; tổ chức 2 cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều (27-4, 26-5), ra tuyên bố chung Bàn Môn Điếm. Hai nhà lãnh đạo đã thực hiện nghi lễ trồng cây chung với tấm bia ghi dòng chữ “Gieo trồng hòa bình và thịnh vượng”. Triều Tiên đã tháo dỡ loa phóng thanh tuyên truyền ở biên giớivàđẩy giờ Triều Tiên lên sớm 30 phút so với trước để thống nhất múi giờ Hàn Quốc.

Trước đây, Triều Tiên hay chỉ trích các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là màn thao diễn chuẩn bị cho chiến tranh xâm lược.Nhưng khi Mỹ và Hàn Quốc nối lạicuộc tập trận thường niên Đại bàng Non và Giải pháp Then chốt kéo dài trong suốt tháng 4,Triều Tiên chỉ giữ im lặng. Bình Nhưỡng từng nhiều lần yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông Kim Jong-un đã không đề cập đến vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Đồng thời, ngày 9-5, Triều Tiên còn thả tự do cho 3 công dân Mỹ đang bị giam giữ tại nước này. Ngày 24-5, Bình Nhưỡng đã cho phá hủy ba hầm hạt nhân ở bãi thử Punggye-ri trước sự chứng kiến của một số phóng viên quốc tế.

Ngày 24-5, trong bức thư gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un,Tổng thống D. Trump đã tuyên bố hủy cuộc gặp giữa hai bên vào ngày 12-6 tại Singapore. Nhưng chỉ sau đó 1 ngày, khi nhận được hồi đáp, Bình Nhưỡng vẫn rộng mở cánh cửa đối thoại “dù theo cách thức hay thời gian nào”, Tổng thống Mỹ D. Trump viết trên Twitter rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vẫn có thể diễn ra như dự kiến. “Chúng tôi đang đàm phán rất hiệu quả về việc khôi phục hội nghị thượng đỉnh, nếu có thể, hội nghị vẫn diễn ra tại Singapore vào ngày 12/6 như dự kiến hoặc dời sang ngày khác nếu cần”(2).

Khi tiếp Phó Chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol và nhận thư của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tổng thống Mỹ D. Trump xác nhận cuộc gặp thượng đỉnh sẽ vẫn diễn ra như kế hoạch ban đầu. Ông hứa không áp đặt thêm lệnh cấm vận khi các cuộc đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng đang diễn ra. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ đã cùng ông Kim Yong-chol thảo luận về việc chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiênvàdự báo dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh này có thể đến sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới, bày tỏ tin tưởng Triều Tiên có thể thay đổi dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un. 

Cùng với đó, các hoạt động ngoại giao đang được tiến hành dồn dập nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh, làm tăng khả năng sự kiện này diễn ra như dự kiến. Tại làng đình chiến Panmunjom, cuộc đàm phán đang diễn ra giữa cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Sung Kim và Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui. Tại Singapore, các cuộc đàm phán ở cấp chuyên viên giữa Bình Nhưỡng và Washington cũng đang diễn ra nhằm thảo luận về các vấn đề hành chính và nghi lễ cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Nga cho rằng, đề xuất xúc tiến hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều là bước đi đúng hướng và là bước đột phá trong các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.Trung Quốc cũng bày tỏ sự ủng hộ các bên thông qua đối thoại, hy vọng cuộc gặp sắp tới sẽ mở ra con đường hòa giải. Phát biểu tại cuộc họp báo được tổ chức tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đang có những bước đột phá chính xác, Trung Quốc ủng hộ các bên thông qua đối thoại, thương lượng giải quyết các vấn đề liên quan. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng địnhNhật Bản sẽ nỗ lực góp phần vào thành công của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới.

Hàn Quốc cho biết sẽ tập trung mọi nỗ lực để tạo nền tảng hướng tới thành công cho biện pháp ngoại giao với Triều Tiên. Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo sẽ tham vấn với nhau về các vấn đề Triều Tiên “mọi lúc, mọi nơi”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kyu-duk nêu rõ: “Trong khi các nỗ lực nhằm tinh chỉnh các vấn đề liên quan tới cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến mở ra những tiến triển tốt, chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ tình hình và đóng mọi vai trò cần thiết có thể”(3).

Ông Antonio Guterres, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã hoan nghênh Triều Tiên đóng cửa cơ sở thử hạt nhân Punggye-ri.Theo ông, việc đóng cửa cơ sở này là một bước đi quan trọng, có thể mở đường cho các bước tiến trong cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thống Mỹ D. Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông cũng cho rằng, đây là một biện pháp xây dựng lòng tin, đóng góp vào những nỗ lực hướng đến việc phi hạt nhân hóa có thể xác minh, cũng như hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

2. Vẫn còn những yếu tố phức tạp và có thể gây bất ngờ

Một trở ngại cho tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên trong Hội nghị thượng đỉnh là sự thiếu hụt lòng tin, nghi ngại và thách thức lẫn nhau trong các cuộc hội đàm. Ngay sau khi có những bước đi đầu tiên mang tính đột phá của cả MỹvàTriều Tiên, Washington và Bình Nhưỡng đã tính đến khả năng cuộc gặp cấp cao sẽ không diễn ra như dự định.

Trong quá trình chuẩn bị việc xúc tiến bàn thảo ở cấp chuyên viên, hai bên chưa có được sự đồng thuận quan điểm, nhận thức về phi hạt nhân hóa như thế nào và các bước đi cụ thể ra sao.Mỹ đã đe dọa Triều Tiên theo mô hình Libya trái với tuyên bố của Tổng thống D.Trump trước đó rằng, ông loại bỏ khả năng này. PhíaTriều Tiên cũng lo ngại cho số phận của thỏa thuận Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên (nếu có) sẽ giống như JCPOA.

Tại phiên họp toàn thể về “Giảm leo thang khủng hoảng Triều Tiên” trongdiễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Yong-moo kêu gọi ủng hộ đối thoại để giúp Triều Tiên gia nhập cộng đồng quốc tế,và theo ông, rất khó để có thể đối thoại với Triều Tiên và tạo lập hòa bình nếu vẫn còn hoài nghi về thiện chí của Bình Nhưỡng trong tương lai. Ông nói: “Cần đạt mục tiêu giải pháp hạt nhân một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, và tôi tin rằng ông Kim Jong-un sẽ cam kết điều này. Nếu các bạn tiếp tục nghi ngờ các động lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên, đó sẽ chỉ là một trở ngại đối với đối thoại và tiến bộ”(4)

Ngay trong nội bộ chính quyền Tổng thống D. Trump cũng còn những bất đồng chính kiến.Ngày 24-5, trong bức thư gửi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống D.Trumptuyên bố hủy hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra vào ngày 12-6 tại Singapore.Theo một chuyên gia của Viện nghiên cứu Khoa học xã hội Liêu Ninh (Trung Quốc), trên bề nổi thì nguyên nhân xuất phát từ phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui, nhưng nguyên nhân thực chất lại bắt nguồn từ phe bảo thủ có định kiến với Triều Tiên,như Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Điều này phản ánh mâu thuẫn nội bộ chính quyền D.Trump và giữa phe bảo thủ.

Ông Kim Xán Vinh, Học viện quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định, bản thân hội nghị Mỹ - Triều vốn đã xuất hiện những yếu tố bất ngờ, trước đó ông D.Trump chưa thảo luận với các cộng sự và đây cũng là quyết định tạm thời của cá nhân ông D.Trump; điều này đồng nghĩa với việc, ngay từ đầu, ông chủ Nhà Trắng đã đối mặt với sự cản trở rất lớn từ nội bộ.

Trở ngại lớn nhất cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triềulà sự bất đồng về tốc độ phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên giữa Washington và Bình Nhưỡng. Mỹ thì chú trọng vào “giải trừ hạt nhân toàn diện, có thể thẩm tra và không thể đảo ngược” (CVID), còn Triều Tiên lại chú trọng “đảm bảo an ninh một cách toàn diện, có thể thẩm tra và không thể đảo ngược” (CVIG).

Hãng thông tấn Kyodo dẫn lời một quan chức Mỹ (không tiết lộ tên) cho biết, chính quyền Washington đã yêu cầu Bình Nhưỡng rút toàn bộ đầu đạn hạt nhân khỏi bán đảo Triều Tiên trước thời điểm dự kiến diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Tổng thống Mỹ D.Trump cũng từng khẳng định mục tiêu hàng đầu của hội nghị thượng đỉnh là buộc Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ngày 1-6, khi gặp Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên tại Nhà Trắng, ông khẳng định sẽ không nhắc tới cụm từ “gây áp lực tối đa” đối với Bình Nhưỡng nữa.

Tại cuộc hội đàm 3 bên với người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản bên lề Đối thoại Shangri-la ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho rằng con đường đi đến các cuộc đàm phán rất “gập ghềnh”, và cần phải duy trì quan điểm phòng thủ, hợp tác, cứng rắn để các nhà ngoại giao có thể đàm phán ở vị thế mạnh trong thời điểm quan trọng này. Theo đó, các cường quốc khu vực cần tiếp tục thực thi tất cả các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên. Ông nhấn mạnh, chỉ giảm bớt các biện pháp trừng phạt “khi Triều Tiên thể hiện các động thái có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược hướng tới phi hạt nhân hóa”. 

Đối với Triều Tiên, chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo khiến nước này phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt đơn phương và đa phương từ cộng đồng quốc tế, nênBình Nhưỡng có thể sẽ đồng ý giải trừ vũ khí hạt nhân để tập trung phát triểnkinh tế. NhưngTriều Tiên muốn thực hiện tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân theo từng giai đoạn, chứ không thể “giải trừ hạt nhân toàn diện, có thể thẩm tra và không thể đảo ngược” như yêu cầu của Mỹ.

Theo nhận định của một số chuyên gia tại Trường Đại họcStanford(Mỹ),bất cứ thỏa thuận từ bỏ vũ khí hạt nhân nào từ phía Triều Tiên đều có thể mất hàng thập kỷ để thực hiện.Các nhà khoa học đã xác định có 22 chương trình hoặc hoạt động đặc biệt - như vũ khí hạt nhân, kho tên lửa hoặc các cơ sở tái xử lý hạt nhân của Triều Tiên.Việc tiêu hủy hoặc đặt ra giới hạn cho chúng sẽ mất khoảng 6-10 năm, trong khi đó, việc đình chỉ các hoạt động này nhiều khả năng sẽ không mất đến 1 năm(5).

Trong bối cảnh lãnh đạo hai nước đang tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán, cơ hội để hai bên có thể tìm được nền tảng chung đang rất cao. Những động thái ngừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân,cùng với việc phá bỏ bãi thử hạt nhân Pungyeri đã chứng tỏ cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, để đổi lấysự đảm bảo an ninhvà được dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Hy vọng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận lớn và thực thi những thỏa thuận có liên quan theo hướng toàn diện.

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, theo các chuyên gia, thời gianquá gấp gáp. Các cuộc gặp thượng đỉnh thường được tổ chức sau một loạt cuộc họp quy mô nhỏ kéo dài. Trong khi đó, ông D.Trump và ông Kim Jong-un đang đặt mọi thứ vào một cuộc họp. Ngay cả khi hai bên đạt được thỏa thuận, vẫn đối mặt với một câu hỏi khó là làm thế nào để thực hiện. Không có cách nào xác định được tất cả vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và Bình Nhưỡng có thể sẽ giữ bí mật một phần. Mức giải trừ vũ khí hạt nhân cao nhất được dự đoán là vào khoảng 80-90%.

Trường hợp đàm phán Mỹ - Triều thất bại trong cuộc gặp thượng đỉnh, theo các chuyên gia, một số nước vẫn có thể hợp tác với nhau tạo ra một khuôn khổ đaphương mới để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên như Nga,Trung Quốc, Nhật Bản… Ngoài việc phối hợp này,có thể thúc đẩy việc nối lại Đàm phán 6 bên khởi động từ năm 2003 (Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản), coi đó là cơ chế thích đáng nhất để đạt được một giải pháp toàn diện và lâu dài cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Như vậy, sau 65 đình chiến và gia tăng đối đầu trên bán đảo Triều Tiên, từ đầu năm 2018 các bên đã có bước đi mang tính “đột phá”, khiến vấn đề phi hạt nhân hóa và hòa bình trên bán đảo này trở nên hiện thực hơn bao giờ hết. Theo giới quan sát, cho dù còn những yếu tố phức tạpkhông dễ giải quyếtvà có thể có những thay đổi bất ngờ dotính cách khó đoán định của các nhà lãnh đạo, nhưng cuộc gặp thượng đỉnhMỹ - Triều vào 9 giờ ngày 12-6-2018 tại Singapore vẫnđược sự mong đợi của cộng đồng quốc tế.

______________________________

(1) Vì sao lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố giải trừ vũ khí hạt nhân?,thanhnien.vn, ngày 28-3-2018.

(2) Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể vẫn còn triển vọng, vnexpress.net, ngày 26-5-2018

(3) Hàn Quốc cam kết ủng hộ hoàn toàn cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều,baomoi.com, ngày29-5-2018

(4) Bế mạc Đối thoại Shangri-La 2018, tapchicongsan.org.vn, ngày 3-6-2018

(5) Phi hạt nhân hóa Triều Tiên phải mất hàng thập kỷ, vietbao.vn, ngày30-5-2018

 

Đại tá NGUYỄN NHÂM

Nguyên cán bộ Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền