Trang chủ    Quốc tế    Quan hệ Mỹ - ASEAN dưới thời Barack Obama và những chuyển động trong giai đoạn hiện nay
Thứ hai, 25 Tháng 6 2018 17:04
4350 Lượt xem

Quan hệ Mỹ - ASEAN dưới thời Barack Obama và những chuyển động trong giai đoạn hiện nay

(LLCT) - Dưới thời Tổng thống Obama, quan hệ Mỹ - ASEAN đã phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu quan trọng về chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng... Có được những thành tựu nổi bật nêu trên là do, chính quyền của Tổng thống Obama đã đặc biệt coi trọng vị trí, vai trò của khu vực Đông Nam Á và tổ chức ASEAN trong chiến lược “xoay trục”, “tái cân bằng” của Mỹ; các nước ASEAN đều nhận thức rõ những lợi ích thiết thực trong quan hệ với Mỹ... Bên cạnh đó, quan hệ Mỹ - ASEAN cũng còn nhiều hạn chế, thách thức cho chính quyền kế nhiệm của Tổng thống Donald Trump hiện nay. 

1. Một số thành tựu cơ bản của quan hệ Mỹ - ASEAN dưới thời Obama.

Năm 2009, Barack Obama lên nắm quyền trong bối cảnh nước Mỹ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính với quy mô và mức độ nghiêm trọng kể từ cuộc khủng hoảng 1929 - 1933. Ở bên ngoài, nước Mỹ đang phải cùng lúc can dự vào Iraq, Afghanistan và cuộc chiến chống khủng bố. Chính sách ngoại giao đơn phương trong suốt 8 năm của chính quyền Bush, đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên, sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự, xem nhẹ các nỗ lực ngoại giao và vai trò của Liên Hợp quốc đã làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh và lợi ích của Mỹ. Hệ quả là các nước Hồi giáo xa lánh, đồng minh nghi ngại, còn bạn bè lo lắng, trong khi danh sách các nước “thù địch”, “không hữu hảo” với Mỹ ngày một dài thêm. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm về đối ngoại ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Obama là khắc phục các sai lầm của chính quyền cũ, xây dựng hình ảnh một nước Mỹ mới. Chiến lược “tái cân bằng”, “quay trở lại” châu Á - Thái Bình Dương, trọng tâm là Đông Nam Á - khu vực được xác định là trung tâm phát triển của thế giới, nơi tranh chấp chiến lược trọng yếu nhất để định hình sức mạnh của Mỹ trong thế kỷ XXI, nơi chứng kiến sự “trỗi dậy” của Trung Quốc - có vai trò to lớn trong điều chỉnh chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Dưới thời Tổng thống Obama, quan hệ Mỹ -ASEAN giai đoạn 2009-2016 đạt được những thành tựu quan trọng, có thể khái quát là:

Một là, về quan hệ chính trị - ngoại giao. Mỹ - ASEAN đã duy trì thường xuyên các cuộc thăm viếng cấp cao. Tuyệt đại đa số các nước ASEAN và tổ chức ASEAN đều coi thúc đẩy quan hệ với Mỹ là trọng tâm chiến lược hàng đầu trong xây dựng và thực thi chính sách đối ngoại. Do đó, các chuyến thăm của lãnh đạo Ban Thư ký ASEAN và lãnh đạo các quốc gia thành viên đến Mỹ được duy trì thường xuyên. Trong đó, một số quốc gia đã thúc đẩy nâng cấp các quan hệ với Mỹ lên tầm mức mới, cao hơn trong giai đoạn 2009-2016. Tổng thống Barack Obama đã thăm 9/10 nước thành viên ASEAN trong suốt hai nhiệm kỳ của mình, trừ Brunei, ông Obama phải bất đắc dĩ hủy bỏ chuyến thăm vào năm 2013 để xử lý công việc nội bộ, khi Chính phủ Mỹ phải tuyên bố đóng cửa trong một thời gian ngắn. Tổng thống Barack Obama đã đưa khu vực Đông Nam Á, trong đó hạt nhân là tổ chức ASEAN vào chương trình ưu tiên cao trong nghị sự đối ngoại của Mỹ. Đó là chiến lược “xoay trục”, sau này đổi tên thành “tái cân bằng”, giúp tổ chức ASEAN, các đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực yên tâm hơn sau 8 năm “bỏ bê” của chính quyền Tổng thống tiền nhiệm W.Bush. Trong đó, thành công của chính quyền Obama tham gia sâu hơn vào khu vực ASEAN nhờ đối sách tập trung nhiều vào các vấn đề chiến lược thay vì xoáy vào các vấn đề nhạy cảm như dân chủ và nhân quyền. Điểm đáng chú ý là, trong 8 năm cầm quyền, Tổng thống Obama đã cải thiện và nâng cấp quan hệ với Malaysia, Việt Nam; xây dựng thành công quan hệ đối tác ở tầm mức mới với Myanmar, cố gắng duy trì và củng cố liên minh với các đồng minh truyền thống như Thái Lan và Philippines. Mỹ và ASEAN cũng củng cố và xây dựng các thiết chế đa phương như Mỹ đã tham gia Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện ở Đông Nam Á (TAC) của ASEAN năm 2009, thúc đẩy và kết thúc đàm phán TPP, tham gia tích cực Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), APEC, ARF mà cả hai bên đều có vai trò quan trọng;... Mỹ đã bổ nhiệm Đại sứ và một phái đoàn đại diện tại tổ chức ASEAN. Và ASEAN cũng bổ nhiệm Đại sứ và phái đoàn đại diện tại Mỹ. Ngoài ra, Mỹ có một cơ chế riêng biệt với ASEAN bằng việc thiết lập các cuộc đối thoại cấp cao thường niên với lãnh đạo các nước ASEAN, trong đó, cuộc gặp cấp cao đầu tiên diễn ra tại Singapore ngày 15-11-2009. Các Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ diễn ra hằng năm từ năm 2009 và thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Quan hệ ASEAN - Mỹ được nâng cấp lên thành đối tác chiến lược năm 2012 và phản ánh rõ nét nội hàm của quan hệ này suốt giai đoạn 2009-2016.

Hai là, quan hệ Mỹ - ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu trong thúc đẩy hợp tác kinh tế- thương mại. Dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ tiếp tục chính sách kinh tế của Tổng thống tiền nhiệm ở khu vực: khuyến khích các cải cách kinh tế theo hướng thị trường ở các nước thuộc bán đảo Đông Dương và Myanmar; triển khai thực hiện những hiệp định kinh tế đã được phê chuẩn; từng bước thúc đẩy thương mại tự do với ASEAN; cải thiện toàn diện môi trường đầu tư; cạnh tranh lợi ích kinh tế với Trung Quốc. Nhờ đó, Mỹ ngày càng trở thành đối tác quan trọng trong kim ngạch xuất nhập khẩu và đầu tư của ASEAN. ASEAN đã trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của mạng lưới sản xuất quốc tế của Mỹ. Giai đoạn 2009-2016, Mỹ và ASEAN đã trở thành đối tác thương mại chủ yếu của nhau với kim ngạch trao đổi thương mại tăng nhanh qua các năm. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ tư của ASEAN, xếp sau Trung Quốc, EU và Nhật Bản. ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư và đối tác thương mại lớn thứ năm của Mỹ. Khi Tổng thống Obama kết thúc nhiệm kỳ hai, Mỹ trở thành nhà đầu tư lớn nhất của ASEAN, xếp sau là Nhật Bản, Trung Quốc. Hai bên đã thúc đẩy hiệu quả đề xuất của Mỹ trong Sáng kiến vì sự năng động ASEAN (EAI) (về kinh tế - thương mại) và Kế hoạch hợp tác ASEAN (ACP) về hợp tác phát triển. Hai bên cũng đã tiến hành Chương trình hỗ trợ và đào tạo kỹ thuật ASEAN, tạo những điều kiện quan trọng để ASEAN xây dựng Cộng đồng vào năm 2015. Mỹ - ASEAN đã triển khai các hoạt động hợp tác trong Chương trình viễn cảnh phát triển ASEAN (ADVANCE) nhằm hỗ trợ các chương trình khu vực và song phương của ASEAN cũng như hỗ trợ nỗ lực liên kết kinh tế và xây dựng cộng đồng của ASEAN; xây dựng các thỏa thuận thương mại thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác Thương mại, Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), các hiệp định thương mại tự do song phương... để mở đường, tạo không gian mới thúc đẩy các cơ chế hợp tác kinh tế đa dạng, nhiều tầng nấc.

Ba là, nhiều thành tựu hợp tác trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng đã đạt được giữa Mỹ và ASEAN giai đoạn 2009-2016. Trong đó, Mỹ tích cực hơn với các hợp tác an ninh đa phương ở khu vực bằng việc tham dự đầy đủ các hội nghị của Diễn đàn ARF từ năm 2009 đến năm 2016 và có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực cho Diễn đàn. Song, các quan hệ song phương với các đồng minh ASEAN và sự có mặt quân sự của Mỹ ở một số điểm chủ chốt trong khu vực vẫn là những trụ cột cơ bản. Cho nên, quá trình triển khai chính sách trên thực tế cho thấy, một mặt Mỹ hợp tác với ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Mặt khác, Mỹ đã không ngừng thúc đẩy vấn đề hợp tác quân sự với từng thành viên ASEAN và coi mối quan hệ về quân sự là con đường đi tới hợp tác toàn diện và bền vững. Quan điểm về hợp tác quân sự với khu vực ASEAN của chính quyền Obama đã được cụ thể hóa qua nhiều hành động thiết thực như các chuyến viếng thăm quân sự cấp cao, viếng thăm của các tàu quân sự Mỹ tới khu vực và các hoạt động diễn tập song và đa phương với Đông Nam Á. Đặc biệt, các thành viên trong khu vực đã hướng được sự quan tâm của Mỹ tới vấn đề phức tạp của khu vực như hợp tác giải quyết vấn đề chống khủng bố, chống cướp biển, xử lý khủng hoảng chính trị hay vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với một số nước thành viên ASEAN. ASEAN và Mỹ còn thúc đẩy hợp tác trong các nỗ lực ngăn chặn nạn buôn lậu ma túy, cam kết chống phổ biến hạt nhân và nỗ lực tìm các giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân ở Iran và Triều Tiên. Các nước ASEAN có quan hệ quân sự với Mỹ cũng thu được nhiều lợi ích thiết thực như hợp tác, huấn luyện và nâng cao trình độ tác chiến cho quân đội, được Mỹ ủng hộ và trợ giúp về chống khủng bố, phòng chống thiên tai, cứu trợ nhân đạo, mua sắm vũ khí và nhiều lợi ích trong cân bằng chiến lược với các nước khác.

Bốn là, Mỹ - ASEAN nỗ lực xây dựng một “trật tự pháp lý mới” trên bình diện khu vực và toàn cầu nhằm ngăn chặn tối đa các nước mới trỗi dậy phá vỡ trật tự hiện hành, tạo ra các bất ổn mới. Trong đó, Mỹ nỗ lực bảo đảm tự do hàng hải tại Biển Đông và luôn nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế (nhất là UNCLOS). Mỹ đã tăng cường hiện diện hải quân tại Biển Đông, đồng thời, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế, kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài để thực thi luật pháp quốc tế. Mỹ thúc đẩy liên kết ASEAN theo hướng thể chế hóa, coi việc thực hiện Hiến chương ASEAN, xây dựng cơ chế nhân quyền và triển khai các cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN để hướng sự phát triển của ASEAN tới chuẩn mực chung, một tổ chức chặt chẽ, gắn kết.

2. Một số hạn chế trong quan hệ Mỹ - ASEAN dưới thời Obama

Bên cạnh nhiều thành tựu quan trọng, quan hệ Mỹ - ASEAN dưới thời Tổng thống Obama (2009-2016) còn không ít những hạn chế:

Một là, sự khác biệt trong quan điểm về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo giữa Mỹ và một số nước ASEAN, làm cản trở tiến trình hai bên tăng cường hợp tác. Ngoài ra, sự khác biệt về chế độ chính trị, chênh lệch về trình độ phát triển... vẫn tiếp tục tạo ra một số rào cản trong tiến trình tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Hai là, với việc trao đổi thương mại tăng trưởng nhanh, những cọ xát về kinh tế cũng có chiều hướng gia tăng. Trong đó, giải quyết sự khác biệt, tìm kiếm tiếng nói chung trong điều kiện trình độ kinh tế hai bên cơ bản khác biệt là rất khó khăn. Mỹ là nước chủ trương tự do hóa thương mại, vì thực chất, thương mại tự do rất có lợi cho những nền kinh tế lớn mạnh như Mỹ. Nhưng thực tế cho thấy, mức độ bảo hộ của Mỹ cao, lĩnh vực nào tự do thương mại có thể đem lại lợi ích cho Mỹ thì Mỹ thúc đẩy các nước khác phải thực hiện tự do hóa thương mại; còn những mặt hàng nào mà Mỹ khó cạnh tranh thì Mỹ thực hiện bảo hộ. Mỹ sử dụng nhiều công cụ để thực hiện chính sách quan hệ kinh tế quốc tế của mình như: luật về các hiệp định thương mại, cải cách thương mại, thuế quan, cạnh tranh, đàm phán thương mại quốc tế, các quy định về Đối xử quốc gia (NT), Tối huệ quốc (FMN) hay Quy chế quan hệ thương mại bình thường (NTR), Hệ thống Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GSP). Bên cạnh đó, Mỹ cũng thường áp dụng các biện pháp bảo vệ thương mại tạm thời, như các quy định về chống bán phá giá và thuế đối kháng, các biện pháp điều chỉnh cán cân thanh toán, các điều luật trợ giúp xuất khẩu và thi hành các hiệp định thương mại (có các điều khoản trừng phạt kinh tế), các quy định về nguồn gốc xuất xứ, các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, trả đũa thương mại và bảo vệ môi trường... đều là những quy định hết sức nghiêm ngặt.

Ba là, Mỹ thành công trong thúc đẩy hợp tác toàn diện với nhiều nước ASEAN như Việt Nam, Malaysia, Myanmar nhưng việc xử lý mối quan hệ với hai nước đồng minh truyền thống là Thái Lan và Philippines còn nhiều hạn chế. Cả hai đồng minh truyền thống của Mỹ đều nghiêng về Trung Quốc nhiều hơn, với những lợi ích về kinh tế gắn kết ngày càng chặt chẽ.

Bốn là, một trong những hạn chế lớn của quan hệ Mỹ- ASEAN thời Tổng thống Obama, đó là vấn đề đối phó với sự “trỗi dậy”và ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực ASEAN. Chính quyền của Tổng thống Obama đã không kiểm soát hiệu quả sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của Trung Quốc và có phần lép vế trước Trung Quốc trong cạnh tranh các lợi ích thương mại, đầu tư tại khu vực ASEAN. Mỹ cũng khó khăn trong kiềm chế tham vọng chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông khi chưa đưa ra được những giải pháp hiệu quả, hầu như mới chỉ dừng lại ở quan điểm, phát biểu, chưa có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt. Nếu như Mỹ ủng hộ một ASEAN đoàn kết, vai trò trung tâm, khả năng quản lý và kiểm soát tốt mọi vấn đề xảy ra trong khu vực thì Trung Quốc áp dụng chính sách “bẻ đũa từng chiếc” để chia rẽ ASEAN sâu sắc. Tuy hầu hết các nước ASEAN đều hoan nghênh chính sách “tái cân bằng” của Mỹ, nhưng điều đó không có nghĩa là các nước ASEAN hoàn toàn đứng về phía Mỹ. Mỹ mong muốn sử dụng ASEAN để kiềm chế sự “trỗi dậy” của Trung Quốc nhưng thực sự chưa hiệu quả trong 8 năm ông Obama cầm quyền.

3. Quan hệ Mỹ - ASEAN dưới thời D.Trump

Chính quyền mới của Mỹ trong hơn một năm cầm quyền đã có những động thái nhất định thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai bên.

Tháng 3-2017, Ngoại trưởng Rex Tillerson tổ chức gặp các đại sứ, đại biện các nước ASEAN tại Washington D.C., tái khẳng định Mỹ đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN và sẵn sàng hợp tác góp phần vào hòa bình, phát triển và an ninh khu vực. Tillerson cũng khẳng định Mỹ sẽ tham gia tích cực vào các thể chế đa phương khu vực như ASEAN và APEC. Tháng 4-2017, Phó Tổng thống Mỹ M.Pence thăm trụ sở ASEAN tại Jakarta. Tháng 5-2017, các ngoại trưởng ASEAN đã có cuộc gặp với ngoại trưởng Tillerson tại Washington D.C. Kết quả cuộc gặp làm hài lòng cả hai bên, đặc biệt là trấn an ASEAN về cam kết của Mỹ đối với khu vực, trong đó Mỹ khẳng định hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN cũng như các thể chế do ASEAN dẫn dắt trong cấu trúc khu vực đang định hình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đáng chú ý, tại cuộc gặp, ông Tillerson khẳng định Tông thống D.Trump sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tại Việt Nam và Cấp cao ASEAN tại Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng J.Mattis, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Shangri La tháng 6-2017 và tại cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng ADMM+ tại Philippines tháng 10-2017, đều khẳng định đánh giá cao vai trò của ASEAN đối với an ninh khu vực và cam kết tiếp tục hợp tác đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Mỹ cũng thúc đẩy tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, bao gồm cả các diễn tập quân sự và nâng cao năng lực cho các quốc gia ASEAN liên quan. Về song phương, các nước Đông Nam Á cũng rất nhanh chóng tiếp cận với chính quyền mới của Mỹ. Sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Mỹ (tháng 5-2017), lần lượt các vị lãnh đạo chính phủ các nước Malaysia, Singapore và Thái Lan thăm Mỹ. Một trong những điểm chung của các chuyến thăm song phương này là tiếp tục lôi kéo sự quan tâm chú ý của ông D.Trump đối với khu vực, đưa ra các lợi ích đôi bên cùng có lợi.

Đặc biệt, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Tổng thống D.Trump đã dự hội nghị cấp cao APEC và thăm chính thức Việt Nam (11-2017); tham gia các hội nghị ASEAN tại Philippines nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ Mỹ - ASEAN. Các hoạt động nói trên của ông D.Trump đã phần nào làm giảm bớt cảm giác bất an của các nước trong khu vực vì lo ngại sự sụt giảm mức độ quan tâm của Mỹ đối với Đông Nam Á.

Quá trình triển khai chính sách của Mỹ với khu vực và tổ chức ASEAN đã bước đầu đạt một số kết quả tích cực như: (i) Cơ bản khẳng định được vai trò lãnh đạo “không thể thiếu” của Mỹ ở khu vực; (ii) Đa số các nước trong khu vực chủ động tiếp cận với Chính quyền Trump và có động thái thích ứng, đáp ứng một số yêu cầu của Mỹ; (iii) Trung Quốc thận trọng hơn trong xử lý quan hệ với Mỹ và coi trọng các nước trong khu vực và tổ chức ASEAN hơn.

Bên cạnh những kết quả tích cực, chiều hướng chính sách của chính quyền Tổng thống D.Trump đối với ASEAN và các nước Đông Nam Á, cho đến nay vẫn còn ẩn chứa nhiều bất định. Mặc dù tham dự rất thành công ở Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng, đạt nhiều kết quả quan trọng trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam, song có thể nói các nước ASEAN không đạt được kỳ vọng về một chính sách rõ ràng hơn của Mỹ đối với khu vực. Trong bài phát biểu tại CEO Summit tại Đà Nẵng được coi là có tính chiến lược, là tuyên bố chính thức về chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, Tổng thống D.Trump chỉ nhắc tới một khái niệm rộng lớn hơn là Indo - Pacific (Ấn Độ- Thái Bình Dương) và các kêu gọi chung chung(1). Tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN - Mỹ, ông D.Trump tiếp tục nhắc đến Indo - Pacific, cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, song nhấn mạnh quan hệ kinh tế, thương mại phải trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi(2). Cũng trong chuyến công du châu Á, ông D.Trump nêu lại một khái niệm gây băn khoăn cho các nước khu vực về một “tứ giác kim cương “gồm Mỹ - Nhật - Ấn - Úc(3). Cùng với việc không tham dự Cấp cao Đông Á (ngoại trưởng Tillerson dự thay), có thể nói thông điệp mà ông D.Trump để lại cho ASEAN không rõ ràng hơn so với trước chuyến thăm, nếu không nói là tạo ra nhiều quan ngại hơn cho các nước trong khu vực.

Trước hết, việc Tổng thống D.Trump nhấn mạnh khái niệm Indo - Pacific thay vì châu Á - Thái Bình Dương khiến các nước vừa và nhỏ băn khoăn về một khu vực rộng lớn hơn, trong khi vai trò của ASEAN trong châu Á - Thái Bình Dương thời gian qua đang cần nhiều nỗ lực để duy trì.

Thứ hai, việc ông D.Trump đề cập đến Tứ giác Mỹ - Nhật - Ấn - Úc và có động thái gặp gỡ lãnh đạo 4 nước ngay tại Cấp cao ASEAN cũng làm dấy lên lo ngại về một cấu trúc chính trị - an ninh mới có khả năng làm xói mòn vai trò trung tâm của ASEAN, phức tạp hóa cấu trúc an ninh khu vực vốn đã nhiều chồng chéo, đa tầng nấc(4).

Thứ ba, cả hai vấn đề nêu trên gợi ra những tín hiệu về cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực. Đối với các nước vừa và nhỏ ở Đông Nam Á cũng như đối với ASEAN, việc bị giằng kéo giữa các cường quốc là một trạng thái rất phức tap, rất tế nhị và không dễ ứng xử. Hơn nữa, cạnh tranh Mỹ - Trung lại rất đặc biệt ở chỗ, Trung Quốc là cường quốc “đang lên” nhưng lại là cường quốc “láng giềng” ở ngay trong khu vực và có nhiều động thái khó lường. Mỹ là siêu cường đứng đầu thế giới nhưng ở xa và cũng rất bất định. Bối cảnh này khiến cho ASEAN ở vào tình thế dễ bị “kẹt” giữa các nước lớn.

Thứ tư, sự kiên định của ông D.Trump về nguyên tắc thương mại bình đẳng, có đi có lại, coi trọng song phương hơn đa phương khiến các nước ASEAN lúng túng bởi lẽ lâu nay các nước này vốn ủng hộ tự do thương mại đa phương, thường hay trông đợi các nền kinh tế lớn có ưu đãi nhất định khi thiết lập các liên kết kinh tế đa phương ở khu vực.

Có thể nói, nhìn lại hơn một năm cầm quyền của Tổng thống D.Trump, mặc dù có những bước tiến mới trong quan hệ với ASEAN và cam kết của Mỹ đối với khu vực, song chính sách ASEAN của Mỹ thực sự chưa rõ ràng và không làm an lòng các nước trong khu vực. Do vậy, các nước ASEAN cần tiếp tục củng cố đoàn kết, tiếp tục xây dựng Cộng đồng vững mạnh, khẳng định vai trò trung tâm trong cấu trúc chính trị - an ninh khu vực. Đồng thời, cần phải duy trì sự đồng thuận, có tiếng nói chung, khéo léo xử lý cạnh tranh nước lớn trong bối cảnh rất phức tạp hiện nay

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2018

(1) https://www.whitehouse.gov, 10-11-2017.

(2) https://www.whitehouse.gov, 13-11-2017.

(3) https://thediplomat.com, 11-2017.

(4) https://thediplomat.com, 11-2017.

 

ThS Nguyễn Thị Thanh Vân

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền