Trang chủ    Quốc tế    Nỗ lực của Đảng nhân dân Campuchia trong cuộc bầu cử cấp địa phương năm 2017 và hướng tới Tổng tuyển cử nhiệm kỳ VI (2018 - 2023)
Thứ năm, 26 Tháng 7 2018 17:17
1964 Lượt xem

Nỗ lực của Đảng nhân dân Campuchia trong cuộc bầu cử cấp địa phương năm 2017 và hướng tới Tổng tuyển cử nhiệm kỳ VI (2018 - 2023)

(LLCT) - Năm 2017, Campuchia tiến hành bầu cử cấp địa phương trước khi Tổng tuyển cử nhiệm kỳ VI (2018-2023). Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đã có nhiều nỗ lực trong cuộc bầu cử cấp địa phương, như: có chiến lược tranh cử tích cực; củng cố uy tín ở vùng nông thôn; quan tâm đối tượng cử tri trẻ; chú trọng tính hiệu quả của chiến dịch tranh cử; cam kết vấn đề an ninh trật tự; kiên quyết giả thể đảng đối lập bằng cơ sở pháp lý... Dù chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử 2017, song CPP nhận thức rõ cần tiếp tục thực hiện những mục tiêu mà đảng này cam kết trong cương lĩnh tranh cử, chủ động bước vào cuộc Tổng tuyển cử toàn quốc (7-2018) với niềm tin thắng lợi.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, ngày 23-10-1991, tại Paris, Hiệp định khung về hòa bình cho Campuchia của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã được ký. Theo Hiệp định hòa bình Paris (1991), tháng 5-1993, Campuchia tiến hành tổng tuyển cử do Liên Hợp quốc bảo trợ. Năm 1998, Campuchia bắt đầu áp dụng chế độ bầu cử theo tỷ lệ đại diện. Tổng tuyển cử toàn quốc ở Campuchia được tổ chức 5 năm một lần. Từ năm 1993 đến2017, Campuchia đã tổ chức thành công 5 lần tổng tuyển cử toàn quốc (1993, 1998, 2003, 2008 và 2013). Năm 2017, Campuchia tiến hành bầu cử cấp địa phương trước khi bước vào tổng tuyển cử 5 năm một lần (2018).Cuộc bầu cử toàn quốc của Campuchia sẽ được tổ chức vào ngày 29-7-2018.

Cuộc bầu cử cấp địa phương năm 2017 đã mang lại thắng lợi vang dội cho CPP, tạo động lực để CPP tiếp tục củng cố vai trò, vị thế của mình trong chính trường Campuchia, chủ động bước vào cuộc bầu cử cấp Trung ương 2018 với niềm tin thắng lợi. Có thể nhận diện những nỗ lực của CPP ở một số điểm sau đây:

Thứ nhất, CPP có chiến lược tranh cử tích cực

Đối thủ đang cạnh cạnh tranh quyền lực với CPP năm 2017 là Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP). Sự gia tăng ảnh hưởng chính trị của CNRP buộc CPP phải đánh giá lại chính sách và chiến lược của mình, tập trung quyền lực nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử 2017 và 2018.

Cuộc bầu cử xã, phường (2017) diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị ở Campuchia đang có nhiều biến chuyển, đặc biệt tương quan lực lượng trên chính trường Campuchia đã có sự thay đổi đáng kể sau cuộc bầu cử Quốc hội năm 2013 khi CPP chỉ dành được 68 ghế trên tổng số 123 ghế Quốc hội, và CNRP nắm giữ 55 ghế còn lại. Sau Đại hội bất thường năm 2015, với chủ đề “Cải cách là sự sống còn của dân tộc và của CPP”, Đảng CPP cầm quyền đã kịp thời có những điều chỉnh về các vấn đề chiến lược và nhân sự, hướng đến cải cách sâu rộng, bao gồm cả nâng số ủy viên Ban Chấp hành Trung ương từ 306 người lên 545 người, với hầu hết là những người mới, ở độ tuổi dưới 50 chiếm 88%,... Tại cuộc bầu cử xã, phường lần này, CPP đã đưa ra cương lĩnh tranh cử 7 điểm, tập trung vào vấn đề nâng cao quyền lợi và đời sống của người dân, đặc biệt là những đối tượng như phụ nữ, trẻ em, người già, người dân tộc thiểu số; chống tham nhũng và lạm quyền; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Mặt khác, CPP đã mở rộng hơn nữa chính sách phân phối của mình trong năm 2017. Chẳng hạn, tại các vùng nông thôn, mỗi gia đình cần sự hỗ trợ trong trường hợp sinh con, cưới xin hoặc có tang sẽ được nhận quà từ Đảng CPP cho dù họ ủng hộ cho đảng nào. Các lĩnh vực công, như y tế, giáo dục đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư từ ngân sách quốc gia. Theo đánh giá của GS Kheang Un (Đại học Illinois - Mỹ ), Đảng CPP cũng tiếp thu các vấn đề tranh cử của CNRP, quan trọng nhất là việc ủng hộ tăng lương cho các nhân viên chính phủ và các thành viên của lực lượng an ninh(1). Kêu gọi người dân đi bầu cử, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh: “đây là sự lựa chọn giữa hòa bình và an ninh để phát triển hoặc sự tàn phá do hỗn loạn”.

Với tư cách là một đảng cầm quyền, đóng vai trò chủ chốt trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, mang lại hòa bình cho Campuchia, nhiều năm qua, CPP đã đồng hành cùng người dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Những thành tựu đáng ghi nhận mà đất nước Campuchia đạt được trong 38 năm qua kể từ chiến thắng ngày 7-1-1979 lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, như thúc đẩy hòa hợp dân tộc, bảo đảm an ninh xã hội, giảm đói nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đưa kinh tế phát triển với mức tăng trưởng bình quân 7% nhiều năm liên tiếp, tiến hành thành công hội nhập ở cả khu vực và quốc tế… đều mang dấu ấn lãnh đạo của CPP.

Thứ hai, củng cố uy tín của CPP ở vùng nông thôn

Thủ tướng Hun Sen đã cầm quyền trong 32 năm và nhận được sự ủng hộ to lớn từ người dân Campuchia. Dưới sự điều hành của chính quyền Thủ tướng Hun Sen, Campuchia đã có những bước phát triển quan trọng về kinh tế và cơ sở hạ tầng. Với khoảng 80% dân số người Khmer sống ở vùng nông thôn, và 20% trong số đó sống dưới mức nghèo hoặc có nguy cơ cao rơi vào đói nghèo nên vùng nông thôn Campuchia là yếu tố cần chú ý trong cuộc bầu cử do sự mất cân bằng giữa đô thị và nông thôn trong vấn đề phân bổ số ghế Quốc hội. Thủ đô Phnom Penh ngày càng có nhiều người nông thôn đổ về sinh sống nhưng vẫn có số ghế như các tỉnh có dân số thấp hơn. Nhà phân tích Ou Virak, tại trung tâm nghiên cứu chính sách Diễn dàn Tương lai tại Campuchia, giải thích: “Điều này có nghĩa là mỗi phiếu bầu ở Phnom Penh chỉ có một nửa giá trị so với cử tri tại tỉnh Prey Veng. Vì vậy, tiếng nói của cử tri ở Prey Veng có trọng lượng hơn so với Phnom Penhtrong Quốc hội. Cả CPP và CNRP đều nhận thức được tầm quan trọng của lá phiếu tại các khu vực nông thôn. CPP đã dành nhiều nỗ lực lớn để thu hút phiếu bầu tại các khu vực phi đô thị.Trong cuộc tổng tuyển cử gần đây nhất, CNRP giành được chiến thắng ở Phnom Penh và các tỉnh lân cận, trong khi phiếu bầu của CPP đạt được từ tất cả các tỉnh khác.

Thứ ba, CPP  quan tâm tới cử tri trẻ

Cuộc bầu cử Hội đồng xã, phường Campuchia (2017) được coi là “phép thử” về sự ủng hộ của cử tri dành cho các đảng trước cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI năm 2018. Trong tổng số khoảng 9,6 triệu cử tri đủ điều kiện bầu cử ở Campuchia, chỉ có hơn 7,8 triệu cử tri đã đăng ký đi bỏ phiếu, trong đó cử tri trong độ tuổi từ 18 - 35 chiếm khoảng 33% dân số cả nước, và có khoảng 10.000 cử tri là các nhà sư.

Campuchia có dân số trẻ: 31% dưới 14 tuổi, độ tuổi trung vị là 24 (độ tuổi chia dân số thành hai nhóm với số lượng bằng nhau, một nửa những người trẻ hơn và một nửa già hơn). Cử tri trẻ có xu hướng cập nhật thông tinnhanh và họ có nhận thức về những vấn đề nhạy cảm mà đất nước đang phải đối mặt như tham nhũng, mất đất, mất rừng, bất công xã hội và phân cực xã hội. Tuy nhiên, họ chưa thực sự sẵn sàng thể hiện tiếng nói của mình về vấn đề chính trị. Điều này đặt ra cho tất cả các đảng phái chính trị ở Campuchia cần phải xem xét và nghiên cứu về ý thức chính trị trong thang bậc tuổi của cử tri. Mặc dù CPP nhận thức rằng, không phải tuổi càng trẻ thì càng dễdẫn đến thay đổi chính trị. Song, CPP xác định cử tri trẻ là một kênh cần đặc biệt quan tâm để thu hút phiếu bầu trong bối cảnh nền dân chủ đang được mở rộng ở Campuchia. Kết quả cuộc bầu cử 2017 số cử tri trong độ tuổi từ 18-35 chiếm khoảng 33%(2).

Thứ tư, CPP chú trọng tính hiệu quả của chiến dịch tranh cử

Tham gia tranh cử Hội đồng xã, phường nhiệm kỳ IV lần này có 12 chính đảng với hơn 94.500 ứng cử viên tranh 11.572 ghế hội đồng xã, phường. Nổi bật chỉ có hai đảng CPP và CNRP có ứng cử viên tham gia tranh cử tất cả các ghế tại 1.646 xã, phường trên toàn quốc. Các đảng còn lại chỉ tham gia tranh cử từ 50% số xã, phường trở xuống. Do vậy, chiến dịch vận động tranh cử của CPP và CNRP thu hút đặc biệt sự chú ý của nhân dân. CPP và CNRP đã cử các thành viên lãnh đạo cấp cao trực tiếp xuống cơ sở chỉ đạo, vận động tuyên truyền bầu cử.

Trước khi diễn ra cuộc bầu cử chính thức, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa của Campuchia đều có chiến dịch tranh cử của các đảng. Loa phóng thanh di động  là phương tiện chủ yếu truyền đi những thông điệp, khẩu hiệu tranh cử của mỗi đảng, cùng với tiếng hô vang của những đoàn người ủng hộ đã tạo nên không khí khác biệt. Phát biểu trước hàng chục nghìn người ủng hộ tập trung ở đại lộ Hun Sen, phía Nam Thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Samdech Hun Sen - Chủ tịch CPP kêu gọi người dân tham gia bầu cử đầy đủ, tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật liên quan đến tuyên truyền bầu cử, trong đó có hoạt động tuần hành.

Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền là đảng có ưu thế nhất trong tuyên truyền tranh cử, vì mỗi người dân Campuchia đều thấy rõ những thành tựu mà CPPđạt được trong suốt gần 40 năm qua đã đưa đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, xây dựng đất nước phát triển.

Ngày 25-5-2017, phát biểu trước hơn 4.000 người theo đạo Thiên Chúa ở thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nhấn mạnh CPP phải giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới để đảm bảo ổn định đất nước: “Để đảm bảo hòa bình và đất nước tiếp tục phát triển, lựa chọn duy nhất là CPP phải giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới ở mọi cấp. Để bảo đảm mạng sống của hàng triệu người dân, chúng ta sẵn sàng loại bỏ 100 hay 200 người bởi chúng ta đã được học bài học quá khứ đủ cay đắng rồi”(3).

Trong cuộc bầu cử 2017, CPP đã huy động hàng nghìn người ủng hộ tập trung tổ chức lễ mít tinh tại Trung tâm Tổ chức triển lãm - sự kiện đảo Koh Pich, do Phó Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Thượng viện Say Chhum làm chủ tọa. Trong quá trình vận động tranh cử, CPP truyền tải thông tin về vai trò của CPP đánh đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, mang lại hòa bình, hòa hợp dân tộc cho “đất nước Chùa Tháp”. CPP cũng nêu bật những thành tựu của đảng này trong 38 năm nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước gắn với những đổi thay ở xã, phường, đi lên gần như từ “con số 0” sau thời kỳ diệt chủng bạo tàn. Trong số những khẩu hiệu tranh cử của CPP, đáng chú ý là khẩu hiệu có “bỏ phiếu cho CPP là có đường giao thông, điện, nước sạch ở mọi xã, phường”, “có CPP là có hòa bình, ổn định, an ninh và trật tự xã hội”.

Lần đầu tiên trong 24 năm qua, Thủ tướng Hun Sen trực tiếp tham gia chiến dịch bầu cử. Thủ tướng đã dẫn đầu đoàn xe đi qua các con phố ở Thủ đô, với sự tham gia của khoảng 200 nghìn người ủng hộ. Phát biểu trước cử tri, ông Hun Sen tin tưởng CPP sẽ tiếp tục giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử tới. Tại cuộc diễu hành tranh cử sáng 2-6-2017, Hun Sen cam kết rằng nếu được nhân dân ủng hộ sẽ tiếp tục đưa đất nước Campuchia trở thành quốc gia giàu mạnh.

Thứ năm, CPP cam kết vấn đề an ninh trật tự

Theo quy định của Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC), trong thời gian vận động tranh cử, các đảng chỉ được phép tuần hành 2 lần tại xã, phường đăng ký tranh cử. Riêng tại Thủ đô Phnom Penh, nghiêm cấm việc tuần hành trên các trục đường chính nhằm tránh việc tắc nghẽn giao thông.

Trước ngày bầu cử, người phát ngôn của đảng cầm quyền CPP Sok Eysan cho biết, quân đội sẽ vào cuộc nếu xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự trong thời gian vận động tranh cử và ngày bầu cử. Thủ tướng Hun Sen đã lệnh cho lực lượng vũ trang sẵn sàng trấn áp nếu xảy ra các vụ gây rối. Đồng thời cảnh báo, nếu đảng đối lập có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, sẽ bị kiện ra tòa và có nguy cơ bị giải thể theo Luật Chính đảng mới được thông qua. Để bảo đảm an ninh tại các địa phương cho chiến dịch vận động tranh cử, đã có hơn 19.300 cảnh sát, gần 2.000 quân cảnh và hơn 1.900 binh sĩ được huy động.

Theo đánh giá của NEC, cuộc vận động bầu cử lần này sẽ diễn ra suôn sẻ, an ninh, trật tự xã hội được bảo đảm, không có bạo lực lớn xảy ra.

Thứ sáu, hiệu ứng tích cực từ phía xã hội đối với Đảng CPP

Cuộc bầu cử 2017 cho thấy, cử tri Campuchia đã lựa chọn sự ổn định và thịnh vượng mà đất nước có được từ năm 1979, sau khi CPP đứng ra lãnh đạo nhân dân lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ và trở thành đảng cầm quyền trong công cuộc xây dựng xã hội mới ở Campuchia. Trong thời gian CPP nắm quyền, Campuchia từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá đã trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Người dân không những ghi nhận đóng góp to lớn của CPP trong việc duy trì hòa hợp dân tộc, tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo trong suốt 38 năm qua, mà còn ủng hộ chủ trương của CPPcủng cố quan hệ hợp tác cùng có lợi với cộng đồng quốc tế, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng...

Kết quả cuộc bầu cử xã, phường năm 2017 một lần nữa khẳng định vai trò chính trị hàng đầu của CPP tại đất nước Chùa Tháp, đã củng cố uy tín và vị thế của đảng cầm quyền, tạo tiền đề thuận lợi cho CPP trong cuộc bầu cử cơ quan lập pháp ở Campuchia vào năm 2018.

Tuy nhiên, “cuộc sát hạch” lòng tin lần này mới chỉ là bước đầu tiên trong tiến trình dài vượt qua những thử thách để CPP có thể tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của người dân. Trong thông điệp gửi tới các đảng viên CPP và những người ủng hộ ngay sau cuộc bầu cử, Chủ tịch đảng CPP, Thủ tướng Hun Sen kêu gọi cán bộ, đảng viên các cấp của CPP không “ngủ quên” trong chiến thắng mà phải đoàn kết, nhất trí, tiếp tục phục vụ nhân dân, xứng đáng với tư cách của một đảng cầm quyền. Theo ông Hun Sen, chỉ có như vậy CPP mới thu phục được sự tín nhiệm của nhân dân, tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc bầu cử quan trọng năm 2018 để có thể theo đuổi sứ mệnh lịch sử vì dân tộc và nhân dân Campuchia.

Dù tự hào với chiến thắng trong cuộc bầu cử 2017, Thủ tướng Hun Sen vẫn lưu ý tới việc CPP từng không đạt được kết quả áp đảo với tỷ lệ phiếu ủng hộ cao như trong cuộc bầu cử xã, phường năm 2012, và cũng không giành thắng lợi tại một số địa bàn trọng yếu, trong đó có Thủ đô Phnom Penh. Từ đó, CPP  nhận thức cần thiết phải rút kinh nghiệm, tiếp tục khôi phục lòng tin của cử tri thông qua việc thúc đẩy cải cách triệt để và sâu rộng hơn nữa, trên tinh thần các cương lĩnh đã được đưa ra sau đại hội bất thường năm 2015 với chủ đề “Cải cách là sự sống còn của dân tộc và của CPP”. Nhiệm vụ cấp bách của CPP hiện nay là nhanh chóng triển khai các biện pháp thiết thực và cụ thể, thực hiện những mục tiêu mà đảng này cam kết trong cương lĩnh tranh cử, như nâng cao quyền lợi và đời sống của người dân, đặc biệt là những đối tượng như phụ nữ, trẻ em, người già, người dân tộc thiểu số; chống tham nhũng và lạm quyền; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội...

Thách thức lớn nhất lúc này là trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội đất nước Chùa Tháp vẫn tồn tại “những mặt trái” của nạn tham nhũng, bất bình đẳng thu nhập, môi trường bị tàn phá..., vốn đang bị các phe phái đối lập và một số thế lực thù địch lợi dụng để chỉ trích vai trò lãnh đạo của CPP. Đây thực sự là những thử thách đo bản lĩnh chính trị của một đảng cầm quyền như CPP.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2018

(1) Kheang Un, “Cambodia gets an autoric upgrade in 2016”, East Asia Forum, 20-12-2016.

(2) “Chiến dịch tranh cử ở Campuchia quyết liệt và suôn sẻ”, http://www.nhandan.com.vn.

(3) “Người Việt trước cuộc bầu cử Campuchia”, http://tuoitre.vn.

 

TS Nguyễn Văn Du

TS Trịnh Thị Hoa

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền