Trang chủ    Quốc tế    Sự trở lại Đông Nam Á của Liên bang Nga và tác động đối với Việt Nam
Chủ nhật, 16 Tháng 6 2013 01:00
3246 Lượt xem

Sự trở lại Đông Nam Á của Liên bang Nga và tác động đối với Việt Nam

(LLCT)-Bước vào thế kỷ XXI, Đông Nam Á trở thành một trong những khu vực địa - chính trị, địa - quân sự, địa - kinh tế quan trọng bậc nhất của thế giới. Với sự gia tăng ảnh hưởng chính trị, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, vượt xa mức trung bình toàn cầu, với vai trò hàng đầu trong sự liên kết lực lượng mới đang nổi lên, khiến Đông Nam Á trở thành “vùng đệm” vô cùng quan trọng trong chiến lược kiềm chế lẫn nhau của các nước lớn. Do vậy, sự trở lại Đông Nam Á của Liên bang Nga là một tất yếu chiến lược, có tác động đa chiều và trực tiếp tới cục diện khu vực. 

1. Khởi động lại chính sách đối với khu vực Đông Nam Á        

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, so với một số nước lớn khác, sự có mặt của Liên Xô ở Đông Nam Á tuy có muộn hơn, song ảnh hưởng của cường quốc này tại đây lại khá sâu đậm. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc (1989) và Liên Xô tan rã (1991), nước Nga kế thừa tư cách pháp lý của Liên Xô, cam kết tôn trọng và thực hiện các thỏa thuận quốc tế, các hiệp định song phương, đa phương mà Liên Xô đã tham gia hoặc ký kết. Song, do phải đối diện với những khó khăn kinh tế - xã hội to lớn và do trọng tâm đối ngoại được đặt vào phương Tây, nên nước Nga đã không mấy chú ý đến Đông Nam Á. Nga gần như đứng ngoài những hoạt động quan trọng của khu vực cả về chính trị - ngoại giao, an ninh và kinh tế - thương mại trong khi các nước Mỹ, Nhật, Trung Quốc lại đang có vai trò nhất định tại đây. Ảnh hưởng của nước Nga tại khu vực này suy giảm đáng kể.        

Cũng từ giữa những năm 90 thế kỷ trước, quan hệ giữa hai nhóm nước Đông Dương và ASEAN được cải thiện một bước cơ bản, bầu không khí khu vực ấm lên nhanh chóng, xu thế hợp tác - liên kết giữa các nước Đông Nam Á bước sang một giai đoạn phát triển mới. Một tương lai mới cho Đông Nam Á được mở ra và nước Nga đã nhìn nhận lại vị thế của mình và bắt đầu gây dựng lại hình ảnh vốn có trước đó. Tháng 7-1996, Nga trở thành một trong 10 bên đối thoại đầy đủ của ASEAN; trên cơ sở đó, Nhóm công tác Nga - ASEAN được thành lập (1997) với những ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, môi trường, phát triển nguồn nhân lực... Đây là những điều chỉnh chính sách quan trọng, đánh dấu bước trở lại đầu tiên của Nga ở khu vực địa - chính trị quan trọng này.  

Những năm đầu thế kỷ XXI, sự có mặt của Nga tại Đông Nam Á được đẩy lên một bước mới với những hoạt động ngoại giao diễn ra dồn dập, sôi động: chính thức tham gia Hiệp ước Hợp tác hữu nghị ASEAN (2004); ký Tuyên bố chung về Hợp tác chống khủng bố quốc tế (2004); tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN (2005); thành lập Trung tâm ASEAN tại Đại học Quan hệ Quốc tế Mátxcơva để thúc đẩy quan hệ Nga - ASEAN (2010); tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Nga - ASEAN lần thứ hai (2010)... Ở thời điểm hiện tại, Nga tham gia hầu như tất cả các hoạt động chính trị, đối thoại an ninh cũng như các hợp tác trong khuôn khổ ASEAN; trong đó, nước Nga đặc biệt chú trọng thảo luận những vấn đề về thiết lập trật tự thế giới đa cực với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc, về an ninh năng lượng, an ninh môi trường, về kiến trúc an ninh khu vực... và đã có những đóng góp tích cực, được cộng đồng ASEAN đánh giá cao.       

Trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, Nga - ASEAN đã thỏa thuận và thực thi chính sách khuyến khích các công ty của Nga, của các nước thành viên ASEAN cùng tham gia đầu tư vào các dự án lớn, các lĩnh vực sản xuất thiết bị công nghệ cao, chế tạo cơ khí, chế tạo thiết bị xe hơi, xây dựng đường giao thông, kỹ thuật nông nghiệp, các thiết bị điện tử... Những lĩnh vực hợp tác quan trọng, then chốt của Nga với ASEAN là năng lượng, kỹ thuật quân sự, vận tải hàng không và vũ trụ. Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN lần thứ nhất (Kuala Lumpur, 2005) và Hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN lần thứ hai (Hà Nội, 2010), vấn đề hợp tác năng lượng được coi là điểm sáng của toàn bộ tiến trình hợp tác Nga - ASEAN giai đoạn 2005-2015. Hai bên đưa ra các biện pháp đảm bảo hợp tác năng lượng bền vững thông qua cung cấp, khai thác dầu, khí đốt, than đá, năng lượng hạt nhân, năng lượng điện... Theo Chiến lược năng lượng của Cộng hòa Liên bang Nga đến năm 2030, năng lượng xuất khẩu sang ASEAN vào năm 2030 sẽ chiếm khoảng 26 - 27% tổng năng lượng xuất khẩu của nước Nga. Là nước vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu dầu mỏ (xuất siêu), với những phân tích kinh tế nhạy bén, Liên bang Nga đã “bắt đúng mạch”, nắm đúng nhu cầu thiết yếu để nền kinh tế các nước ASEAN duy trì tăng trưởng đó là năng lượng. Cùng với tính toán ràng buộc các nền kinh tế Đông Nam Á với “kho năng lượng” lớn nhất nhì thế giới của mình, Nga thúc đẩy các quá trình hợp tác kỹ thuật quân sự, mua bán vũ khí trên toàn bộ diện và điểm, củng cố quan hệ với đối tác truyền thống, mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng.

Trong tính toán cho bước đường trở lại Đông Nam Á, Liên bang Nga đặt trọng tâm chính sách vào lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng trên nền tảng hợp tác năng lượng và kỹ thuật quân sự. Đó là sự lựa chọn phù hợp với thời điểm, bối cảnh tình hình và với thế mạnh mà Nga đang có, có tác dụng tích cực cho quá trình Liên bang Nga ghi dấu ấn tại khu vực này.           

2. Sự bứt phá ngoạn mục trong quan hệ Nga - ASEAN 

Với hai thế mạnh căn bản là: có nguồn năng lượng lớn nhất thế giới và khoa học - kỹ thuật quân sự phát triển, trở lại Đông Nam Á, hợp tác Nga với các nước ASEAN khởi sắc trên chính hai lĩnh vực này.          

Ghi dấu sự hiện diện tại khu vực địa - chính trị hết sức “nhạy cảm” là Đông Nam Á, nước Nga tập trung chú ý đến các quan hệ hợp tác song phương về công nghệ quốc phòng trên nền tảng giá thành hợp lý và các điều kiện hợp đồng linh hoạt. Trong những năm 2001-2006, làn sóng vũ khí Nga lần thứ nhất tràn vào Đông Nam Á với những hợp đồng mua bán vũ khí vừa có giá trị lớn, vừa đặc biệt về chủng loại trang bị quân sự. Trong hai năm 2001-2002, Malaixia mua của Nga hệ thống tên lửa chống tăng Metis-M, ký kết hợp đồng mua vũ khí trị giá lên tới 48 tỷ USD; Mianma nhập của Nga 14 máy bay chiến đấu MiG-29. Năm 2003, Nga đã ký hợp đồng cung cấp vũ khí cùng lúc cho ba quốc gia ở Đông Nam Á là Việt Nam, Inđônêxia, Malaixia với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ USD, nhiều hơn tổng số tiền các hợp đồng vũ khí trong cùng kỳ với Ấn Độ và Trung Quốc - những quốc gia vốn được coi là những đối tác chiến lược hàng đầu của Nga trên thị trường vũ khí. Ngay cả một số nước như Brunây, Xingapo, Băngladet trước đây chỉ nhập khẩu vũ khí từ Anh, Pháp và Mỹ cũng đã chuyển sang lựa chọn vũ khí của Nga, còn Mianma, Tháilan đã và đang tích cực tìm kiếm và bắt đầu hợp tác kỹ thuật quân sự với Liên bang Nga.    

Làn sóng vũ khí Nga lần thứ hai ào vào Đông Nam Á một cách hết sức mạnh mẽ từ năm 2007 và kéo dài cho đến nay. Hàng loạt hợp đồng trong lĩnh vực hợp tác vũ khí - kỹ thuật quân sự đã được ký kết với nhóm nước đối tác truyền thống (Việt Nam, Malaixia, Inđônêxia) và nhóm nước đối tác giàu tiềm năng (Brunây, Mianma, Tháilan). Một trong những quốc gia có sự hợp tác kỹ thuật quân sự chặt chẽ với Liên bang Nga là Việt Nam. Năm 2008, Việt Nam trở thành đối tác nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga tại Đông Nam Á và là đối tác lớn thứ ba ở châu Á - Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ với các hợp đồng ký kết mua bán vũ khí lên đến trên 1 tỷ USD. Năm 2009, giá trị các hợp đồng mua vũ khí tăng vọt - đạt 3 tỷ USD; trong đó, đáng lưu ý là hợp đồng trị giá 2 tỷ USD để mua 6 tàu ngầm Project 636 lớp Kilo - “sát thủ vô hình” dưới biển.           

 Hợp tác kỹ thuật quân sự của Nga với các nước Đông Nam Á ở thời điểm này có sự khác biệt đáng kể so với trước đây, khi phạm vi không gian, nội dung hợp tác không ngừng được mở rộng; mua bán vũ khí đi đôi với tăng cường sự hiện diện thực tế. Sự kiện các chiến hạm chống tàu ngầm đồ sộ, trang bị kỹ thuật, vũ khí chiến đấu hiện đại như các tàu Đô đốc Vinogrado, Đô đốc Panteleev, Đô đốc Tributs... lần lượt tới thăm Việt Nam, Inđônêxia, Philíppin... thể hiện sức mạnh quân sự, về sự hiện đại của trang thiết bị, khí tài quân sự và là cam kết về quan hệ chính trị - an ninh chặt chẽ.           

 Hợp tác năng lượng, vận tải hàng không, chinh phục vũ trụ là những lĩnh vực hợp tác trọng điểm của Liên bang Nga với các nước ASEAN; trong đó, hợp tác năng lượng được ví như động cơ chuyển dịch quan hệ Nga - ASEAN từ “điểm chết đến quan hệ đối tác chiến lược”. Trong hợp tác năng lượng Nga - ASEAN, Việt Nam là quốc gia trọng điểm: Trong hơn 30 năm hoạt động, Vietsovpetro khai thác gần 200 triệu tấn dầu mỏ, chiếm gần 60% tổng sản lượng dầu mỏ, gần 100% tổng sản lượng khí đốt do Việt Nam khai thác, trở thành lá cờ đầu của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, lọt vào Top 10 công ty khai thác dầu khí hiệu quả cao nhất thế giới. Hằng năm, Vietsovpetro đóng góp ngân sách Liên bang Nga 8 tỷ USD. Với sự khởi đầu tốt đẹp và thực tiễn hoạt động thành công, Việt Nam và Liên bang Nga mở rộng hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam và Liên bang Nga, tiến tới các nước thứ ba.    

Hợp tác vận tải hàng không Nga - ASEAN là một lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng và triển vọng. Năm 2010 đánh dấu bước đột phá trong hợp tác hàng không Nga - ASEAN: Nga đã ký ba hợp đồng cung cấp máy bay cho Inđônêxia, Malaixia, Lào với tổng trị giá hơn 4 tỷ USD. Hợp tác chinh phục vũ trụ với các nước ASEAN tuy là lĩnh vực mới mẻ, song cũng không kém sôi động. Nga đã ký kết các hợp đồng phóng vệ tinh viễn thám, vệ tinh viễn thông vào vũ trụ với Việt Nam, Inđônêxia, Malaixia.     

Như vậy, hợp tác Nga - ASEAN ngày càng được mở rộng, đi vào thực chất, nhiều quốc gia ASEAN coi Liên bang Nga là đối tác hoặc đối tác chiến lược. Nước Nga đã trở lại Đông Nam Á một cách chắc chắn và bứt phá ngoạn mục.         

3. Tác động đối với Việt Nam      

Việt Nam là quốc gia vốn có quan hệ hữu nghị truyền thống với nước Nga, có vai trò ngày càng cao trong khối ASEAN. Trong từng bước trở lại Đông Nam Á, Liên bang Nga coi Việt Nam là một mắt xích quan trọng đáp ứng yêu cầu bảo đảm các quyền lợi an ninh, kinh tế, hàng hải có ý nghĩa chiến lược và tăng cường hợp tác với ASEAN, coi Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược chính như một trụ cột quan trọng để thúc đẩy mối quan hệ với các nước ASEAN. Về phía Việt Nam, trước những biến động của tình hình thế giới, khu vực, trước hàng loạt những vấn đề đang đặt ra trong phát triển đất nước... Việt Nam đặt nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện với Liên bang Nga là một trong những mũi nhọn đối ngoại quan trọng. Với những thúc ép phát triển và các lợi ích quốc gia, cả hai nước đều mong muốn và có biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Quan hệ hai nước mang tính thực tế cao dựa trên sự nhận thức về vị trí, vai trò của mỗi nước với tư cách là yếu tố tác động và bảo đảm hệ thống lợi ích của từng nước. Trên thực tế, hợp tác năng lượng và kỹ thuật quân sự giữa Việt Nam và Liên bang Nga như một đảm bảo quan trọng cho sự bền vững và tương lai phát triển của quan hệ song phương.

Hiện nay, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh, hòa bình, ổn định của Việt Nam. Trong các tranh chấp liên quan đến Biển Đông, trước đây Nga giữ thái độ thận trọng và trung lập, song trong điều kiện Nga - Mỹ - Trung đang cạnh tranh quyết liệt tại khu vực, gần đây nước Nga đã không đứng ngoài cuộc. Sự kiện tháng 4-2012, Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom và Vietsovpetro thỏa thuận về việc Gazprom sẽ tiến hành cùng khai thác khí đốt tại hai lô 5.2 và 5.3 ngoài khơi Việt Nam, (mà Bắc Kinh cho là “nằm bên trong hải giới truyền thống” của mình), thể hiện lập trường của Nga đối với vấn đề Biển Đông. Tháng 7-2012, tại cuộc gặp thượng đỉnh Việt - Nga, vấn đề Biển Đông được Nga đề cập đến với thái độ tương đối dứt khoát. Các tuyên bố của nước Nga rất rõ ràng, là cam kết có nguyên tắc của một cường quốc đang từng bước tái can dự trở lại châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á, có nội dung gần gũi với “Nguyên tắc 6 điểm về biển Đông” mà ASEAN đạt được vào tháng 7-2012. Do vậy, Việt Nam cần tập trung những ảnh hưởng có được từ vai trò của Nga tại khu vực để tạo thêm thế và lực trong giải quyết những vấn đề liên quan đến Biển Đông. Bên cạnh đó, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh quyết liệt, Liên bang Nga cũng có nhiều quyền lợi trong hợp tác với Trung Quốc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng. Những yếu tố trên đây chính là điểm thuận chiều và ngược chiều trong quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga trong vòng xoáy địa - chính trị khu vực. Thế đan xen thúc đẩy và kiềm chế, thuận lợi và thách thức, cơ hội và khả năng... trong quan hệ khu vực liên quan đến Việt Nam và quan hệ Việt - Nga đặt ra yêu cầu thiết lập các liên kết (không liên minh) an ninh kinh tế, an ninh chính trị gắn bó, bình đẳng cùng có lợi ràng buộc song phương với Liên bang Nga, đa phương với các nước và khối nước; trên cơ sở đó, hạn chế, loại trừ khó khăn, thách thức, tranh thủ cơ hội, từng bước phát triển năng động, giữ vững chủ quyền quốc gia dân tộc.

 

TS NGUYỄN THỊ MAI HOA

Đại học Quốc gia Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền