Trang chủ    Quốc tế    Cấu trúc quyền lực kinh tế đang định hình ở châu Á - Thái Bình Dương và vai trò trung tâm của ASEAN
Thứ tư, 19 Tháng 9 2018 14:43
6178 Lượt xem

Cấu trúc quyền lực kinh tế đang định hình ở châu Á - Thái Bình Dương và vai trò trung tâm của ASEAN

(LLCT) Thế kỷ XXI, thế giới đang chứng kiến tâm điểm của sự dịch chuyển vai trò khu vực đang "nghiêng" về châu Á - Thái Bình Dương. Tại khu vực này, xu hướng hình thành cấu trúc quyền lực khu vực ngày càng thể hiện rõ trên hai góc độ: an ninh - chính trị và kinh tế. Ở góc độ kinh tế là sự thể hiện vai trò của các cơ chế hợp tác thương mại, tài chính song phương và đa phương. Trong đó, ASEAN là đối tác quan trọng của các nước lớn và tổ chức khu vực; được đánh giá là đóng vai trò trung tâm của cấu trúc quyền lực kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bước sang thế kỷ XXI, khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CA - TBD) có những chuyển động mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm của thế giới.CA -TBDđang thể hiện một cấu trúc phức hợp, nhiều tầng nấc. Tại đây, các cơ chế thương mại, tài chính song phương và đa phương đang được coi là cơ sở làm nên cấu trúc quyền lực kinh tế khu vực. Trong đó, ASEAN được đánh giá là vị trí trung tâm của khu vực. Có thể nhận diện vấn đề này ở một số điểm sau:

Thứ nhất, phạm vi không gian châu Á - Thái Bình Dương

Quan niệm về CA -TBD gắn liền với những biến động về chính trị có phạm vi rộng, hẹp khác nhau, tùy thuộc vào sự xem xét trên lĩnh vực địa lý, kinh tế, địa -chính trị, địa -chiến lược hay tùy theo lợi ích quốc gia khi đưa ra quan niệm về CA -TBD. Nhìn chung, cách tiếp cận kháiniệm này được hiểu theo hai nghĩa sau(1):

Nghĩa rộng: CA-TBD gồm: các quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc châu Á và ven bờ Thái Bình Dương (khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ).

Nghĩa hẹp: gồm các quốc gia nằm trên và ven hai bờ Thái Bình Dương (khoảng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ).

Nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam về tầm quan trọng của khu vực CA- TBD được thể hiện rõ trong Báo cáo của Bộ Chính trị trình Hội nghị Trung ương 3 khóa VII về phát triển kinh tế đối ngoại trong tình hình mới: “khu vực này chiếm vị trí hàng đầu về quy mô buôn bán, về đầu tư trực tiếp, viện trợ phát triển và hợp tác trên nhiều mặt, đồng thời là khu vực mang tính cạnh tranh nhất trong thương mại thu hút vốn đầu tư”(2). Về cơ bản, Việt Nam tiếp cận theo nghĩa hẹp và có thêm khu vực Nam Á, liên quan tới quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam - Ấn Độ và vị trí đang lên của Ấn Độ trong khu vực châu Á hiện nay.

Thứ hai, các cơ chế hợp tác thương mại, tài chính ở châu Á - Thái Bình Dương là bộ khung định hình cấu trúc quyền lực kinh tế khu vực

Cấu trúc quyền lực khu vực được hiểu là hình thái quan hệ quốc tế trong một khu vực nhất định, bao gồm các quốc gia, các tổ chức khu vực hợp tác và đấu tranh với nhau trên các lĩnh vực an ninh - chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ…., trong đó nổi lên vai trò dẫn dắt của những nước lớn, những tổ chức khu vực có tiếng nói quyết định đối với sự vận động của khu vực.

Hiện nay, cấu trúc quyền lực đang định hình ở CA -TBDthường tập trung vào hai lĩnh vực chính là an ninh - chính trị và kinh tế. Ở lĩnh vực kinh tế, cấu trúc quyền lực được thể hiện qua cơ chế song phương như: hợp tác, cạnh tranh giữa các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ… và cơ chế đa phương - các tổ chức, cơ chế hợp tác thương mại, đầu tư, tài chính: Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ngoài ra, ở châu Á - Thái Bình Dương hiện có khoảng 100 cơ chế thương mại khu vực bao gồm một số cơ chế đối thoại và các diễn đàn, phần lớn được thành lập trong bối cảnh khu vực hóa kinh tế. Chẳng hạn: Diễn đàn đối thoại châu Á (ACD); Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA); Hiệp hội Nam Á vì sự hợp tác khu vực (SAARC), ASEAN+3...

Thứ ba, vai trò trung tâm của ASEAN  trong cấu trúc quyền lực kinh tế châu Á - Thái Bình Dương

Xét dưới góc độ cấu trúc quyền lực kinh tế, ASEAN là đối tác quan trọng của các nước lớn và tổ chức khu vực. Từ một cơ cấu hợp tác có tính tiểu khu vực của Đông Nam Á, ASEAN đã quy tụ được sự can dự của tất cả các nước lớn, các nước trong khu vực và trên thế giới trong các cơ chế hợp tác thương mại, tài chính.

Với Mỹ, đối tác lớn của khu vực đã coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc Đông Á và CA -TBD. Mỹ cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng; khẳng định ASEAN là đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ; ủng hộ việc tiếp tục triển khai Sáng kiến Kết nối ASEAN - Mỹ. Hiện nay, Mỹ là bạn hàng lớn thứ 4 của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 200 tỷ USD (2017)(3). Mỹ cũng là một trong những nước đứng đầu về đầu tư trực tiếp vào ASEANvới số vốn FDI đạt 306,5 tỷ USD (năm 2017)(4).Các nỗ lực xây dựng năng lực như “Sáng kiến gắn kết kinh tế mở rộng” và các chương trình hỗ trợ kỹ thuật như “Kết nối ASEAN thông qua thương mại và đầu tư” đang được Mỹ và các nước ASEAN tích cực hành động.

Với Trung Quốc, ASEAN được coi làkhu vực quan trọng để Trung Quốc thực hiện chiến lược cân bằng với Mỹ. Trung Quốc đã có những nỗ lực nhất định đối với ASEAN trong việc khắc phục khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997; tăng cường buôn bán đầu tư vào ASEAN, tạo điều kiện cho ASEAN đầu tư vào Trung Quốc nhằm tạo ràng buộc hơn nữa các nền kinh tế ASEAN vào nước này; cùng ASEAN xây dựng Hiệp định mậu dịch tự do; giảm hoặc xóa nợ cho một số nước Đông Nam Á, nhất là các thành viên ASEAN mới; cung cấp hàng trăm triệu USD tín dụng ưu đãi và viện trợ phát triển cho nhiều nước khác, trong đó có các dự án phát triển Tiểu vùng Mekong mở rộng... Hiện nay, Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư tiếp tục là nền tảng quan hệ; cam kết thúc đẩy hợp tác hai bên thông qua việc triển khai hiệu quả “Kế hoạch hành động 2016 - 2020”, và sớm hoàn tất các thủ tục nâng cấp Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) nhằm thực hiện cam kết của lãnh đạo cấp cao về mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1 nghìn tỷ USD và tổng mức đầu tư đạt 150 tỷ USD vào năm 2020(5).

Với Nhật Bản, chính sách “Đàn chim nhạn bay và chủ trương hướng về châu Á”đã giúp Nhật Bản đã thành công trong việc thiết lập quan hệ kinh tế với các nước ASEAN trong thế kỷ XX và đang thúc đẩy hơn nữa trong thế kỷ XXI. Nhật Bản đã trở thành một đối tác quan trọng của ASEAN trên tất cả các lĩnh vực, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình và tiếp tục coi ASEAN là ưu tiên lớn trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Nhật Bản hoan nghênh chủ đề của “Năm ASEAN - 2017” là “Chung tay sáng tạo đổi thay, kết nối với toàn cầu” và 6 ưu tiên của năm 2017, khẳng định sẵn sàng tham gia, hỗ trợ thực hiện các ưu tiên này.

Với Ấn Độ, “Chính sách Hướng Đông” và “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ cho thấy quốc gia này hướng tới tái cấu trúc quan hệ với các nước trong khu vực, đặc biệt là với ASEAN, coi đây là trung tâm trong chính sách đối ngoại của mình. Theo đó, Ấn Độ sẽ tiếp tục hợp tác với ASEAN một cách toàn diện, trên mọi lĩnh vực, kể cả trong hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và trong quan hệ về kinh tế, văn hóa - xã hội.

VớiAustralia,chính sách“Quan tâm đến châu Á nhiều hơn” của quốc gia này cho thấy tầm quan trọng của khu vực CA - TBD. Năm 2017, lần đầu tiên Australia công bố “Sách trắng Đối ngoại”, trong đó đánh giá ASEAN nằm ở vị trí trung tâm cạnh tranh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là khu vực có tác động sâu sắc đến tương lai của Australia. Tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Australia (3-2018), với chủ đề: “Tăng cường An ninh và Thịnh vượng ở khu vực”, Australia khẳng định cam kết của nước này trong việc đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN trong giai đoạn mới.

Với Liên bang Nga, khu vực CA - TBD được chính quyền Nga khẳng định: “Nga coi việc tăng cường vị thế của mình ở khu vực CA - TBD và đẩy mạnh quan hệ với các quốc gia ở đó, như một hướng chiến lược quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình, vì Nga là một bộ phận của khu vực địa chính trị phát triển năng động này…”; “Nga mong muốn tăng cường quan hệ đối tác đối thoại toàn diện, dài hạn với ASEAN và đưa quan hệ lên tầm đối tác chiến lược…”(6). Chính sách của Nga tại khu vực tập trung vào việc nâng cao chất lượng hợp tác Nga - Trung, trước hết trong lĩnh vực kinh tế, khoa học - kỹ thuật và nhân đạo; đa dạng hóa tối đa quan hệ kinh tế và chính trị của Nga ở châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả tiểu khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á; vượt qua những phức tạp trong quan hệ với Ấn Độ và không để xảy ra đối đầu Trung Quốc - Ấn Độ ở châu Á và Ấn Độ Dương; không để xảy ra xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời duy trì được mục tiêu dài hạn biến bán đảo này thành khu vực không vũ khí hạt nhân; đẩy mạnh tham gia vào các cơ chế đa phương và chế độ đảm bảo an ninh và phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cơ chế Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP). Đây là cơ chế  hợp tác liên khu vực,cả Đông Bắc Á và ASEAN đềunhận thấy đây là các khu vực có giao thương nội khối phát triển mạnh mẽ nhất. Mặt khác, do trọng tâm của nền kinh tế thế giới đang dịch chuyển dần vềCA - TBD, nên vai trò, ý nghĩa của một Cộng đồng Đông Á sẽ ngày càng tăng. Vì vậy, cơ chế RCEP đã được thành lập do Trung Quốc khởi xướng năm 2012 và được 10 nước ASEAN tham giacùng các nước khác như Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Cách tiếp cận “Con đường ASEAN” trong RCEP đã chứng tỏ nó là cơ chế xây dựng sự đồng thuận tốt nhất ở Đông Á. Bởi lẽ, RCEP ít mang tính chính trị và vai trò trung tâm ASEAN đang được hoan nghênh. RCEP được xem như mở rộng mô hình Khu vực mậu dịch tự do (FTA) ASEAN + 1 trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư. Tất cả các cường quốc khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đều nhất trí với vai trò trung tâm của ASEAN, ít nhất là trong hội nhập kinh tế khu vực.

Ở quy mô khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một số quốc gia ASEAN cũng là thành viên sáng lập nên APEC như Thái Lan, Singapore, Philppines, Indonesia, Malaysia, Brunei. Đây là Diễn đàn của 21 nền kinh tế ở hai bờ Thái Bình Dương, ra đời từ năm 1989. Từ 12 nền kinh tế sáng lập, tới nay, APEC đã quy tụ 21 nền kinh tế thành viên, quy mô hợp tác kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương. APEC hiện chiếm khoảng 54% tổng GDP thế giới và 44% giá trị thương mại toàn cầu(7), có sự tham gia của một số nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Australia… Tại Hội nghị APEC (Bogor - 1994), APEC đã thông qua một chương trình tự do hóa thương mại đầy tham vọng với mục tiêu giảm thuế quan xuống mức 0% -5% đối với các nền kinh tế thành viên thuộc nhóm các nước phát triển vào năm 2010 và đến năm 2020 đối với các thành viên thuộc nhóm các nước đang phát triển. APEC là diễn đàn kinh tế mở, nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. ASEAN được coi là hạt nhân để xây dựng Cộng đồng APEC - 2020, một cơ chế quan trọng của cấu trúc kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.

Trong cơ chế Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)có sự tham gia của một số nước ASEAN. CPTPP được xây dựng từ Thỏa thuận Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPSEPA - 2006). Sau nhiều năm đàm phán,với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực CA- TBD, năm 2010 tại New Zealand, 12 nước tham gia Ký kết Hiệp định đã đổi tên thành Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).  Mỹ tham gia TPPtừnăm 2007 với tham vọng dẫn dắt TPP nhằm đối trọng lại với RCEP. Tuy nhiên,năm 2016,Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP làmảnh hưởng tới tiến trình hội nhập của các quốc gia thành viên. Song, không vì thế mà TPP bị phá sản, 11 nước còn lại vẫn nỗ lực xây dựng TPP và năm 2017, TPP được đổi tên thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên TBD (CPTPP).

 Hiện nay, CPTPP bao gồm 11 quốc gia thành viên đang hướng tới xây dựng thỏa thuận thương mại tự do chất lượng cao, cắt giảm thuế quan, tiến tới mức thuế quan chung, thiết lập khuôn khổ chung về sở hữu trí tuệ, áp dụng tiêu chuẩn chung về môi trường đầu tư và nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và quốc gia thành viên. Mức độ thể chế hóa hợp tác của CPTPP rất cao, tính ràng buộc của nó có thể thúc đẩy CPTPP phát triển nhanh chóng; mức độ tự do hóa thương mại và đầu tư mà CPTPP thực hiện cũng cao hơn hẳn so với khuôn khổ khu vực mậu dịch tự do mà Đông Á hiện có. Hiện nay, có 4 nướcASEAN tham giaCPTPP, Thái Lan và Philippines đang xem xét việc gia nhập CPTPP.

Thứ tư, triển vọng của ASEAN trong cấu trúc quyền lực kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương

Trong những năm tới, vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc quyền lực kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương có thể được diễn ra ở hai kịch bản sau:

Kịch bản thứ nhất, vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực vẫn được duy trì ở mức độ vừa phải và có thể có thay đổi nhưng không đáng kể. Với kịch bản này,các cam kết hợp tác thương mại, tài chínhnội khối và ngoại khối của ASEAN sẽ không bị cắt đứt mà cơ bản vẫn được duy trì như hiện nay. Về nội khối, ASEAN vẫn tiếp tục quá trình hội nhập của mình, songtốc độ hội nhập không cao. Đối với ngoại khối, ASEAN vẫn duy trì các liên kết với các quốc gia đối tác đối thoại trong các cơ chế do ASEAN hình thànhvà tiếp tục nâng cao đối thoại, xây dựng các hiệp định thương mại, tài chính liên khu vực.

Kịch bản thứ hai, vai trò trung tâm của ASEAN trong các hợp tác thương mại, tài chính trong khu vực CA - TBD tăng lên. ASEAN và các cơ chế hợp tác của mình vẫn tiếp tục duy trì được vai trò trung tâm trong các hợp tácthương mại, tài chính khu vực. Kịch bản này xảy ra khi ASEAN có kết nối bên trong và bên ngoài ngày một chắc chắn. Điều này đồng nghĩa với việc quá trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN đạt được kết quả tốt đẹp. Kết nối bên trong ASEAN có nhiều khả năng phát triển hơn.

 Như vậy, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xu hướng liên kết đa tầng nấc, đa lĩnh vực tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó vai trò của các nước lớn và các tổ chức khu vực ngày càng rõ. Nằm ở trung tâm của khu vực trải rộng từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương và là cầu nối giữa các cường quốc, các nước vừa và nhỏ, ASEAN được đánh giá đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình ở CA - TBD. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng nỗ lực nhiều hơn nữa để phát huy vai trò trung tâm của mình tại khu vực CA - TBD.

______________________

(1) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Quan hệ quốc tế: Tổng quan đề tài khoa học cấp Bộ “An ninh chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương từ sau Chiến tranh lạnh đến nay và tác động của nó đối với Việt Nam”, Hà Nội, 2006, tr.7-8.

(2) Văn kiện Đảng: Toàn tập, t.52, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.141 - 144.

(3) www.daibieunhandan.vn (Theo TTXVN), ngày 8-8-2017

(4) http://www.baobinhdinh.com.vn (Theo Straits Time), ngày 6-2-2018

(5) https://baomoi.com/ ngày 19-5-2017.

(6) Bộ Ngoại giao Liên Bang Nga, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam: Khái niệm về chính sách đối ngoại của Liên bang Nga (Phê duyệt theo Sắc lệnh của Tống thống Liên bang Nga ngày 30-11-2016, No 640), tr.25.

(7) https://vov.vn/kinh-te/du-bao-gdp-cua-apec-tang-cao-hon-toc-do-tang-truong-toan-cau-625387.vov, ngày 17-5-2017.

 

TS Trịnh Thị Hoa

Viện Quan hệ quốc tế

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguyễn Thị Hằng

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền