Trang chủ    Quốc tế    Hệ thống chính trị Lào và vấn đề nhất thể hóa các vị trí chủ chốt giữa Đảng và Nhà nước
Thứ ba, 30 Tháng 10 2018 08:38
6226 Lượt xem

Hệ thống chính trị Lào và vấn đề nhất thể hóa các vị trí chủ chốt giữa Đảng và Nhà nước

(LLCT) - Mô hình hệ thống chính trị của Lào khá tương đồng với Việt Nam, song cũng có nét khác. Trong những năm qua, Đảng NDCM Lào đã tập trung đổi mới hệ thống chính trị. Từ Đại hội IX, Đảng NDCM Lào thực hiện nhất thể hóa các vị trí chủ chốt giữa Đảng và Nhà nước. Thực tiễn đã cho thấy, việc thực hiện mô hình trên là phù hợp với đặc điểm văn hóa, phong tục, truyền thống của nền hành chính Lào. Đảng NDCM Lào sẽ tiếp tục thực hiện mô hình này trên cơ sở đổi mới cho phù hợp với điều kiện cụ thể từng giai đoạn, từng địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng tuyển chọn người đứng đầu, có đạo đức, tài năng, uy tín để thực hiện tốt nhiệm vụ nặng nề này.

1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của mối quan hệ và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị Lào

Trong thực tế hiện nay, các nhà nước trên thế giới đều có hệ thống chính trị và hành chính đặc thù riêng. Vì thế, tổ chức bộ máy nhà nước cũng như các tổ chức trong hệ thống chính trị và hành chính của mỗi nước đều có sự khác biệt tùy thuộc vào điều kiện, đặc điểm và môi trường sống của mỗi nước, không thể bắt chước được. Mô hình tổ chức bộ máy nhà nước CHDCND Lào cũng như vậy. Trong thực tế ở Lào, hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước được tổ chức theo mô hình kiêm nhiệm của cán bộ lãnh đạo - quản lý chủ chốt, vừa là lãnh đạo cơ quan của Đảng đồng thời cũng là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước,  đây là mô hình có tính đặc thù. Việc phát huy vai trò của mô hình này trong thời gian qua đã giành được nhiều thắng lợi to lớn góp phần thúc đẩy sự phát triển đất nước. Mô hình kiêm nhiệm đã được hình thành và tồn tại khá lâu, nhưng ở mỗi nước lại có đặc thù riêng phụ thuộc vào chế độ chính trị của quốc gia đó. Xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng NDCM Lào trực tiếp lãnh đạo, qua thực tiễn lãnh đạo và chỉ đạo phong trào cách mạng đã xác định: xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, do nhân dân lao động các bộ tộc làm chủ, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Sau khi nắm được chính quyền đến nay, CHDCND Lào đã thiết lập cơ cấu tổ chức bộ máy phù hợp với thực tế của đất nước. “Trong hệ thống chính trị của đất nước Lào có Đảng Nhân dân cách mạng Lào, có các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Lào, Hội liên hiệp phụ nữ, Công đoàn và các tổ chức xã hội khác”. Các tổ chức trong hệ thống chính trị dân chủ nhân dân đều hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được quy định.

Hệ thống chính trị Lào có cơ chế vận hành chung trong tổ chức và quản lý xã hội, trong quá trình xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, từng bước tiến lên CNXH, các tổ chức trong hệ thống chính trị là động lực chung để phát huy quyền làm chủ của nhân dân và huy động sức mạnh của toàn Đảng, Nhà nước, toàn dân, toàn quân, hoạt động ăn khớp, phối hợp chặt chẽ nhằm thúc đẩy sự nghiệp đổi mới về kinh tế và xã hội.

Các cơ quan trong hệ thống chính trị phải thực hiện đúng chức năng của mình; đồng thời, toàn hệ thống có sự thống nhất về tư tưởng và hành động dưới sự lãnh đạo của Đảng và tuân thủ theo pháp luật. Việc quy định rõ chức năng của cơ quan Đảng và cơ quan Nhà nước là nhằm giải quyết tình trạng Đảng làm thay việc của Nhà nước chứ không phải thay đổi vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng. Việc quy định rõ chức năng, nhiệm vụ trên phải từng bước cụ thể hóa và xây dựng thành quy chế.

Kể từ Đại hội IV của Đảng đến nay, Đảng NDCM Lào đã tiến hành cải cách bộ máy lãnh đạo quản lý và từng bước cải cách tổ chức đoàn thể, phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng và toàn xã hội; xác định rõ chức năng lãnh đạo của Đảng, chức năng quản lý nhà nước; sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng gọn nhẹ và hiệu quả. Tuy nhiên, việc đổi mới hệ thống chính trị chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới toàn xã hội. Bộ máy vẫn cồng kềnh và kém hiệu quả, số biên chế làm việc trong cơ quan nhà nước quá nhiều, hệ thống tổ chức chưa trở thành hình tháp, thậm chí ngược lại, ở phần trên rộng lớn với nhiều ngành, cơ quan. Do vậy, có tình trạng nhiều nghị quyết, quyết định cử cán bộ xuống tiếp cận cơ sở, trong khi đó cơ sở chỉ là một đơn vị nhỏ, thiếu hụt cán bộ có trình độ, một số cán bộ cơ sở còn chưa đọc thông, viết thạo nên việc am hiểu, quán triệt và thực hiện triển khai là rất hạn chế.

Trong các giai đoạn cách mạng đều yêu cầu người cán bộ của hệ thống chính trị phải có đạo đức và khả năng đáp ứng với giai đoạn đó. Hiện nay, cán bộ phải có các tiêu chuẩn như sau:

Trung thành với sự nghiệp của Đảng, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, có tinh thần vượt qua khó khăn để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, có lập trường vững vàng, tự giác kỷ luật và có tinh thần trách nhiệm cao, có mối quan hệ chặt chẽ với quần chúng, có cuộc sống giản dị và trong sạch.

Có trình độ lý luận, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ được giao.

Có khả năng tổ chức và đề ra các biện pháp, tích cực thay đổi cách làm việc bảo thủ, biết kiểm soát, biết tập hợp, huy động lực lượng cán bộ thực hiện công việc có hiệu quả.

Trong điều kiện nước Lào hiện nay, có nhiều việc phải làm nhưng cán bộ chưa có nhiều kinh nghiệm. Do vậy, phải cố gắng giữ vững cán bộ chủ chốt, sắp xếp bố trí vào đúng chuyên môn, tạo cho họ nghiên cứu sâu, hiểu rõ, tiếp thu được nhiều kinh nghiệm và không ngừng nâng cao hiệu quả. Đồng thời phải quyết tâm thay thế cán bộ chủ chốt không có kiến thức hoặc không thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng và những người không có khả năng điều hành tổ chức.

Trong điều kiện đội ngũ cán bộ hạn chế, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt nên phải thực hiện chế độ kiêm chức, một người đảm nhiệm 2 vai trò: vừa là người đứng đầu Đảng, vừa đứng đầu chính quyền, nhưng cũng phải cân nhắc nếu thực hiện theo mô hình đó thì phải lưu ý đến khâu tuyển dụng cán bộ chủ chốt có đạo đức, có tài năng, uy tín thật sự để thực hiện nhiệm vụ nặng nề này.

2. Thực trạng và phương hướng kiêm nhiệm ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

Thực tế trong thời gian qua, việc chia tách chức danh bí thư đảng và người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước đều được triển khai thử nghiệm ở những nơi có điều kiện, là một mô hình tham khảo để rút kinh nghiệm. Tuy nhiên thực tế cho thấy, việc chia tách chức danh đảng và chính quyền ra riêng thì không phù hợp với đặc điểm văn hóa, phong tục, truyền thống của nền hành chính Lào. Từ Đại hội IX đến nay, Đảng Nhân dân cách mạng Lào thực hiện chế độ kiêm nhiệm hai chức vụ, trong hệ thống hành chính, đồng chí bí thư đồng thời là tỉnh trưởng, huyện trưởng hoặc trưởng bản, nghĩa là được tổ chức thực hiện ở tất cả các cơ quan từ Trung ương đến cơ sở. Đây là một vấn đề cấp thiết để thu gọn bộ máy, mọi công việc có thể triển khai và tiến hành tốt hơn và nhanh hơn.

Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện hai chức năng kiêm nhiệm của cán bộ chủ chốt trong thời gian qua đều thành công cả hai vai trò.

Trong thời gian tới, Lào sẽ tiếp tục thực hiện mô hình này với các phương hướng sau:

a) Xây dựng hệ thống tổ chức đảng trong sạch vững mạnh theo tinh thần: “tổ chức là sức mạnh, bộ máy là yếu tố tạo ra sức mạnh”.

b) Tiếp tục cải thiện phương thức lãnh đạo, phong cách làm việc của đảng ủy các cấp phù hợp với điều kiện thực tế, khoa học, dân chủ.

c) Nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo - quản lý.

Tóm lại, Đảng NDCM Lào khẳng định:

- Kiêm chức cả Đảng và Nhà nước là thể hiện tính đặc thù khách quan của nước Lào, tạo cho bộ máy gọn nhẹ, nhất là trong điều kiện đội ngũ cán bộ vẫn còn thiếu, làm cho triển khai công việc được thuận lợi và nhanh chóng hơn.

- Đảng NDCM Lào là đảng cầm quyền. Do vậy, ngoài chức vụ trong nội bộ Đảng do Đảng giao trách nhiệm thì Bộ Chính trị cũng như Ủy viên Trung ương Đảng vẫn còn có thêm chức vụ trong ngành quan trọng của cơ quan nhà nước nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

Vấn đề ở đây là làm thế nào để tạo cho mô hình kiêm chức phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn. Trong lịch sử chế độ XHCN cũng thực hiện theo mô hình kiêm chức, Lênin đã lý giải: đây là sự cần thiết của cách mạng. Do vậy, thực hiện mô hình kiêm nhiệm chức vụ Đảng và Nhà nước ở các cấp không phải là nguyên tắc máy móc, không thay đổi được mà còn phải biết vận dụng vào trong điều kiện cụ thể của từng địa phương phù hợp với thực tiễn của tổ chức và cá nhân cụ thể.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2018

 

PGS Sa Mut Thong Sổm Pa Nít

Phó Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền