Trang chủ    Quốc tế    Chiến lược Kết nối Á - Âu của EU
Thứ năm, 27 Tháng 12 2018 10:31
2076 Lượt xem

Chiến lược Kết nối Á - Âu của EU

(LLCT) Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM) lần thứ 12, ngày 19-10-2018 vừa qua tại thủ đô Brussels (Bỉ) là dịp để EU chứng minh với các nước châu Á rằng, EU đang triển khai chiến lược xoay trục về châu Á. Trước đó, ngày 19-9, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua Chiến lược Kết nối châu Âu với châu Á - một hướng tiếp cận khác đối với chiến lược Vành đai và Con đường của Trung Quốc. EU cũng đã nhận ra rằng, sức mạnh kinh tế, chia sẻ lợi ích, tăng cường kết nối đã và đang phát huy hiệu quả hơn rất nhiều so với chính sách cứng rắn trước đó.

1.Quan điểm chiến lược

Tại ASEM-12, EU đã chính thức đưa ra một tầm nhìn mới với tên gọi là Chiến lược Kết nối Á - Âu. Theo giới nghiên cứu, đây là lần đầu tiên EU có một chiến lược cụ thể, rõ ràng đối với châu Á và cũng có thể coi là câu trả lời của EU đối với những chiến lược đầy tham vọng của các đối tác khác, như: “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ; “Tứ giác kim cương” của Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Mỹ hay “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc(1).

Nội dung cốt lõi trong chiến lược “Kết nối” của EU là sự liên kết nhiều cái riêng lẻ với nhau thành mạng lưới để có thể vươn ra xa hơn, tận dụng mọi tiềm lực và khả năng ở đó. Theo đó, EU tập trung cho kết nối trên các lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng mới, ứng dụng công nghệ số hóa và kết nối con người với nhau. Mục tiêu của chiến lược là hình thành mạng lưới giao thông đường bộ, đường biển và hàng không để tận dụng cơ hội ở cả hai châu lục.

EU coi trọng việc đẩy mạnh xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ cần thiết cho giao thông và vận tải cũng như bảo vệ môi trường sinh thái trong giao thông vận tải. Mặt khác, EU cũng muốn xây dựng mạng lưới mới về năng lượng để bảo đảm an ninh năng lượng và tăng cường sử dụng những nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

EU cũng hướng tới việc tạo nên mạng lưới sử dụng và ứng dụng công nghệ số, coi công nghệ số là một trong những lĩnh vực quyết định tương lai của nhân loại. Theo nội hàm của chiến lược, tất cả những gì liên quan đến đời sống và xã hội loài người đều được EU nhìn nhận theo hướng “kết nối”, bao gồm cả giáo dục - đào tạo, du lịch và trao đổi văn hóa giữa hai châu lục(2).

Chiến lược “Kết nối” được xác định với các tiêu chí cơ bản là: (1) bền vững, (2) toàn diện, (3) dựa trên những nguyên tắc quốc tế. Vì thế, chiến lược này nhằm vừa cạnh tranh, vừa hợp tác và kết nối với các chiến lược liên châu lục khác. Theo đó, Chiến lược Kết nối Á - Âu của EU được triển khai nhằm tập hợp lực lượng trên thế giới, đặc biệt là tranh thủ và lôi kéo các nước châu Á cùng với châu Âuđề cao ngọn cờ “đa phương” và “tự do thương mại”, nhằm thúc đẩy hợp tác và liên kết liên châu lục để đối phó với xu hướng và chủ trương bảo hộ thương mại.

Thông qua diễn đàn ASEM-12, EU đã phát huy triệt để tác dụng về đa phương của các sự kiện song phương khác, đó là ký kết Hiệp định thương mại tự do EU- Singapore (EUSFTA) và Ủy ban châu Âu (EC) thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký kết và sau đó trình Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn. Cả hai sự kiện song phương này cũng nói lên chủ đích của EU là hướng về châu Á, tự do hóa mậu dịch, hợp tác và liên kết khu vực cũng như liên châu lục.

Theo giới quan sát, Chiến lược Kết nối Á - Âu cho thấy, một môi trường chính trị và kinh tế đối ngoại mới đang hình thành giữa EU và các quốc gia châu Á với những điều kiện thuận lợi hơn, giúp hai châu lục xích lại gần nhau hơn. Được biết, EU cũng đã có sự chuẩn bị tốt về tài chính để thực hiện những ý tưởng và dự án hợp tác liên châu lục theo chiến lược này. Cơ hội nêu trên cũng cần được các nước châu Á, trong đó có ASEAN tiếp nhận và khai thác hiệu quả. Đồng thời, các nước châu Á cũng muốn khích lệ EU kiên định những định hướng chiến lược mới và quyết tâm thực hiện thành công chiến lược này. Vì thế, việc Việt Nam, Singapore… tham gia vào Chiến lược Kết nối Á - Âu đồng thời với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với EU thông qua các FTA là cần thiết, kịp thời và có tính khả thi cao.

2. Cạnh tranh và hợp tác

Cho đến nay, EU vẫn chưa cấp quy chế nền kinh tế thị trường cho Trung Quốc do quan ngại nước này chưa giải quyết xong vấn đề doanh nghiệp nhà nước nắm giữ vị thế thống trị. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của EU là từ các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ trong khuôn khổ chiến lược “Vành đai và Con đường” (BRI) của Bắc Kinh. Mới đây, các đại sứ EU tại Trung Quốc đã có báo cáo đánh giá BRI tỏ ra thiếu bền vững về kinh tế, môi trường, xã hội, tài chính và đã có sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài, thiếu các quy trình đấu thầu minh bạch và hạn chế doanh nghiệp EU tiếp cận thị trường nội địa(3).

Sri Lanka đã bị mất khả năng thanh toán khoản nợ đáo hạn từ Trung Quốc đầu tư xây dựng cảng Hambantota có vị trí chiến lược ở gần Ấn Độ Dương, vịnh Bengal, biển Ả Rập… và giờ đây đã nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh 99 năm (đến 2116), do nước này không thể trả được 1,4 tỷ USD. Trung Quốc cũng đã mua lại toàn bộ hoặc một phần các cảng tại Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italia, đáng chú ý nhất là ở Hy Lạp khiến Trung Quốc đang dần thâu tóm cơ sở hạ tầng quan trọng ở châu Âu trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU vào Trung Quốc lại giảm đi đáng kể(4).

Thông qua đầu tư, Trung Quốc đã thu được những lợi ích lớn cả về kinh tế và chính trị bằng chứng là một số quốc gia thành viên EU đã do dự trong việc thông qua các nghị quyết chỉ trích những động thái vi phạm luật biển quốc tế ở Biển Đông. EU còn đang lo ngại về kế hoạch xây dựng 6 nhà máy điện chạy bằng than ở Pakistan không bảo đảm tính bền vững về môi trường.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, Chiến lược Kết nối Á - Âu sẽ đưa thêm sự lựa chọn nữa cho doanh nghiệp các nước châu Âu và châu Á trong phát triển hạ tầng và công nghiệp, hoặc tham gia các dự án do Trung Quốc và châu Âu cùng khởi xướng. Đại diện ngoại giao của EU, bà Federica Mogherini cho biết, EU đã đàm phán với một số quốc gia châu Á trong vài tháng qua. Bà Mogherini nói: “Sáng kiến của chúng tôi là nhằm tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như lợi ích cho các cộng đồng địa phương”(5).

Maaike Okano-Heijmans, chuyên gia về quan hệ Á - Âu tại Viện Clingendael (Hà Lan) cho rằng, đây là “bước đi rất quan trọng”, sau nhiều chỉ trích nhằm vào EU do khối này phản ứng chậm chạp trước chiến lược “quyền lực mềm” của Trung Quốc. Mặc dù chi tiết trong kế hoạch của EU vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng Dự thảo chiến lược nhấn mạnh đến tầm quan trọng của “các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội”, cũng như “sự ổn định về tài chính của các dự án hạ tầng”(6).

Giới phân tích cho rằng, đây có thể là một cuộc cạnh tranh địa - chính trị gay gắt hơn trên hai lục địa Á - Âu, đồng thời cũng là sự liên kết sâu rộng hơn  giữa các cường quốc thông qua các đại chiến lược của Trung Quốc - Nga - Mỹ - EU - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia… Vì thế, Chiến lược Kết nối Á - Âu của EU đã phát đi tín hiệu rằng, EU đang là một phần của “cuộc chiến” cạnh tranh và hợp tác này tại khu vực.

3. Sự đánh giá khác nhau của dư luận về Chiến lược Kết nối Á - Âu

Giới phân tích cho rằng, Chiến lược Kết nối Á - Âu mới là một hướng tiếp cận khác tuy hơi chậm, nhưng việc nhấn mạnh đến các yếu tố bền vững, bảo đảm rằng các khoản đầu tư sẽ tôn trọng quyền lao động, không tạo ra những phụ thuộc về chính trị hoặc tài chính và bảo đảm một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp là rất cần thiết.

Theo chuyên gia Philippe Le Corre thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, trong bối cảnh vấn đề an ninh mạng ngày càng trở nên quan trọng với nhiều nước, việc EU tập trung cho sự minh bạch có thể hấp dẫn hơn việc tham gia vào “Con đường Tơ lụa số” của Bắc Kinh.

Ông Le Corre nói: “Dấu ấn của Trung Quốc sẽ rất lâu dài và các nước không có lựa chọn khác”. Ông Corre cho rằng, một số nước đã bắt đầu nhận ra rằng không nên “đặt tất cả trứng vào một giỏ”(7) và việc phụ thuộc vào một quốc gia sẽ là một nguy cơ lớn, nhất là khi nước này nắm quyền kiểm soát về công nghệ và thông tin.

Ngay sau khi EU đề xuất Dự án Kết nối Á - Âu, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, Trung Quốc hoan nghênh EU tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” do Bắc Kinh đề xuất, đồng thời sẵn sàng thúc đẩy sự liên kết giữa BRI với Chiến lược “Kết nối” mới của EU.

Ông Vương Nghị cũng cho hay, Trung Quốc và EU đều ủng hộ cơ chế đa phương và giải quyết tranh chấp quốc tế thông qua hòa giải. Ông Vương nhấn mạnh việc duy trì và tăng cường mối quan hệ Trung Quốc - EU là trách nhiệm của hai bên cùng chia sẻ. Phát biểu nêu trên của Ngoại trưởng Vương Nghị được đưa ra trong cuộc gặp với Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini, bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc(8).

Về phía EU, bà Mogherini khẳng định kế hoạch của EC mới được đưa ra kêu gọi một sự kết nối toàn diện, bền vững và dựa trên các nguyên tắc sẽ cùng với BRI góp phần cho hợp tác song phương. Theo bà, điều quan trọng là hai bên cần trao đổi quan điểm về các vấn đề chiến lược đôi bên cùng quan tâm. Nếu EU chậm chân, rất có thể sẽ mất dần ảnh hưởng kinh tế ở châu Á, châu Phi, thậm chí cả ở ngay trong lãnh thổ châu Âu(9).

Như vậy, Chiến lược kết nối Á - Âu được công bố sau khi Ủy ban châu Âu (EC) kết luận phải có một chính sách kinh tế và ngoại thương phù hợp với việc Mỹ ngả theo hướng bảo hộ, còn Trung Quốc lại đang gia tăng đầu tư toàn cầu. Vì thế, Chiến lược Kết nối Á - Âu do EU đề xuất đã phản ánh xu thế vừa hợp tác, vừa cạnh tranh - đấu tranh chiến lược giữa các cường quốc trên thế giới tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi được dự báo là sẽ phát triển năng động nhất thế giới trong thế kỷ XXI.

__________________

(1) https://tuoitre.vn: EU muốn kết nối với châu Á, 19-10-2018

(2), (8), (9) http://baoquocte.vn: Trung Quốc, EU cam kết tăng cường hợp tác, kết nối Á - Âu, 28-9-2018

(3) https://nld.com.vn: EU và chiến lược kiềm chế Trung Quốc, 26-9-2018

(4) http://www.nghiencuubiendong.vn: Mỹ và phương Tây cần tham gia sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc, 10-8-2018.

(5), (6), (7) http://www.baobinhdinh.com.vn: Chiến lược châu Á mới của EU: Đối thủ của “Vành đai và Con đường”?, 26-9-2018.

 

Nguyễn Nhâm

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền