Trang chủ    Quốc tế    Nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI và xây dựng chế độ dân chủ nhân dân theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào
Thứ năm, 25 Tháng 4 2019 16:07
6825 Lượt xem

Nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI và xây dựng chế độ dân chủ nhân dân theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào

(LLCT) - Học thuyết về CNXH khoa học đã mở ra con đường cho những người lao động bị áp bức bóc lột nâng cao tính tự chủ, đứng lên đấu tranh với giai cấp thống trị, xóa bỏ giai cấp bóc lột và trở thành giai cấp nắm quyền. Việc xây dựng CNXH bắt đầu từ thế kỷ XX đã làm cho CNXH có vị trí, vai trò ngang tầm và cân bằng với các nước TBCN trong nhiều mặt, nhưng cũng do sai lầm trong nhiều mặt đã làm cho CNXH ở Xôviết, các nước Đông Âu sụp đổ, các nước XHCN đã tìm con đường mới để phát triển, nghiên cứu giá trị tốt đẹp của CNXH, tiến hành đổi mới một cách toàn diện trên cơ sở kiên định mục tiêu, lập trường XHCN một cách vững chắc trong thế kỷ XXI.

 

 

PGS, TS Phu Vông Oun Khăm SẺn

Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành Chính quốc gia Lào

 

 

1. Những nhận thức về xã hội chủ nghĩa thế kỷ XXI

Xây dựng CNXH trong hoàn cảnh quốc tế mới đòi hỏi các nước XHCN phải nghiên cứu, tìm tòi mô hình mới để xây dựng CNXH bằng cách nhận thức nhiều nội dung, phương pháp và hình thức mới, mà trước hết là:

- Nhận thức về chính trị

Hiện nay, vai trò của chính trị, của kiến trúc thượng tầng là quan trọng hơn bao giờ hết, đòi hỏi Đảng Cộng sản lãnh đạo phải phát triển, chỉnh đốn theo kịp sự biến đổi của thời đại. Các nước XHCN chúng ta phải củng cố cơ chế lãnh đạo của mình trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Đặc biệt phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho nhân dân được tham gia đóng góp trong hoạt động chính trị, quản lý nhà nước, quản lý xã hội một cách sâu sắc, rộng mở phù hợp với tư tưởng của V.I.Lênin: phải làm cho dân chủ XHCN phát triển cao hơn dân chủ tư bản chủ nghĩa triệu lần.

- Nhận thức về kinh tế

Việc xây dựng CNXH trong điều kiện mới phải công nhận nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu khác nhau, cạnh tranh nhau sản xuất kinh doanh đúng với pháp luật. Trong hoạt động của các thành phần kinh tế đều hoạt động theo cơ chế có sự dẫn dắt - lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng nước.

- Nhận thức về văn hóa - xã hội

Những đòi hỏi cấp bách trong lĩnh vực này là sự quan tâm tới việc phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, năng lực, có kỹ năng nghề nghiệp, có sức khỏe, có thể hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, xã hội, Tổ quốc giao phó. Những tiềm năng của nguồn nhân lực là nguồn vốn quý giá nhất làm cho đất nước phát triển bền vững. Xã hội, chế độ chính trị nào không quan tâm tới điều này sẽ không thể phát triển một cách vững chắc. Đặng Tiểu Bình đã nói: “Trong mọi ngành nghề, đều phải nắm chắc kỹ thuật và giáo dục, phát triển khoa học - kỹ thuật. Giáo dục là sự nghiệp quan trọng số một của từng dân tộc, giáo dục phải đi theo hướng hiện đại, đi theo hướng phát triển của thế giới trong tương lai”.

2. Xây dựng chế độ dân chủ nhân dân theo con đường xã hội chủ nghĩa ở Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào

CHDCND Lào có những đặc điểm khác với các nước XHCN khác là nền kinh tế phát triển thấp, dựa vào nền nông nghiệp làm nền tảng cho phát triển công nghiệp, nhưng công nghiệp lại có cơ cấu non trẻ. Chính vì vậy, việc trực tiếp xây dựng CNXH còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Lào vẫn kiên định vững chắc phát triển đất nước theo mục tiêu XHCN, đi theo tư tưởng lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Cay xỏn Phôm vi hản.

Định hướng XHCN ở Lào

Đại hội IV (1986) của Đảng đã đánh giá lại tình hình thực tiễn của đất nước và đề ra phương hướng nhiệm vụ nền tảng đối với việc tiến lên CNXH trong tình hình mới của thế giới. Tại Trung ương 7 khóa IV (1989), Chủ tịch Cay xỏn Phôm vi hản đã nhấn mạnh: “Việc xây dựng CNXH yêu cầu phải suy nghĩ một cách toàn diện, đầy đủ về tình hình thực tiễn về kinh tế - xã hội và chính trị xuất hiện ở các nước nhất định và trong từng giai đoạn phát triển nhất định của nó... việc xây dựng CNXH ở nước ta (nước Lào) là một quá trình lâu dài thông qua việc xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng các yếu tố để tiến lên CNXH”(1).

- Nghị quyết Trung ương 8 khóa IV (1990) đã đề ra 6 nguyên tắc đổi mới.

- Nghị quyết Trung ương 7 khóa V đã xác định 7 đặc trưng của chủ nghĩa xã hội và Nghị quyết Trung ương 9 khóa V (1994) đã đề ra 9 yếu tố để tiến lên CNXH.

Từ đó, các kỳ Đại hội của Đảng, đặc biệt là Đại hội X của Đảng năm 2016 đã đánh giá một cách toàn diện quá trình đổi mới trong 30 năm qua (1986-2016) và khẳng định sự quyết tâm tiếp tục đưa đất nước tiến lên mục tiêu CNXH với khẩu hiệu “nâng cao năng lực lãnh đạo và tính tiên phong của Đảng, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, kiên định đường lối đổi mới toàn diện, có nguyên tắc, giữ gìn và phát triển đất nước theo hướng bền vững tiến tới mục tiêu xã hội chủ nghĩa”(2).

Thành tựu của quá trình xây dựng chế độ dân chủ nhân dân định hướng xã hội chủ nghĩa ở CHDCND Lào trong thời gian qua

Trong sự nghiệp giữ gìn và xây dựng đất nước trong suốt 43 năm qua, Đảng Nhân dân cách mạng Lào lãnh đạo các bộ tộc Lào đạt được những thành tựu sau:

a) Về chính trị

Hệ thống chính trị của chế độ dân chủ nhân dân đã được củng cố vững chắc. Đảng không ngừng được chỉnh đốn, ngày càng vững mạnh, trong sạch. Hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương xuống cơ sở được củng cố (gần 6.2090 cơ sở Đảng, 281.013 đảng viên, trong đó có 63.748 nữ đảng viên, tăng 77.992 đồng chí so với năm 2011). Đảng viên đạt loại vững mạnh 73,49%, trung bình 26%, yếu 0,2%(3).

Nhà nước dân chủ không ngừng được củng cố, hoàn thiện, sắp xếp, bố trí lại gọn nhẹ, quản lý nhà nước, quản lý xã hội có hiệu quả. Chính phủ có 18 Bộ, 3 cơ quan ngang Bộ, có sự phân công trách nhiệm quản lý giữa Trung ương với địa phương. Cơ quan chính quyền địa phương được củng cố, đã thành lập HĐND ở cấp tỉnh và thủ đô. Hiện nay có 17 tỉnh và 1 thủ đô, 148 huyện, 8.507 bản.

b) Về kinh tế

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều hình thức tổ chức kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh nhau theo pháp luật. Tăng trưởng kinh tế có xu hướng tăng. GDP năm 2001-2005 là 6,3%, năm 2011-2015 là 7,9%, năm 2016-2017 là 6,8% và năm 2018 là 6,7%.

- Tổng sản phẩm quốc nội GDP đầu người năm 2001-2005 là 491 USD, năm 2014-2015 là 1.970 USD, năm 2016-2017 là 2.472 USD.

- Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa như:

+ Ngành nông - lâm nghiệp từ 51% vào năm 2000 giảm còn 23,7% vào năm 2014-2015 và 16,34% năm 2016-2017.

+ Ngành công nghiệp tăng từ 23,3% vào năm 2000 thành 23,7% vào năm 2014-2015 và 30,04% vào năm 2016-2017.

+ Ngành du lịch tăng từ 25,7% vào năm 2000 thành 47,2% vào năm 2014-2015 và 42,8% vào năm 2016-2017 (kế hoạch là 34,7%).

Tóm lại, việc phát triển kinh tế có nhiều kết quả tích cực, thu nhập thực tế của nhân dân được cải thiện, tình hình nghèo của người dân từng bước được giải quyết (giảm xuống), đời sống của người dân được nâng cao, có điều kiện phát triển các mặt khác.

c) Về văn hóa - xã hội

Đảng - Chính phủ lấy phát triển nguồn nhân lực là trọng tâm của sự phát triển, cải cách giáo dục quốc gia, làm cho chất lượng nền giáo dục có sự thay đổi tích cực, tỷ lệ vào học các cấp đều tăng lên như:

- Phổ cập cấp một từ 71% vào năm 2001, lên thành 98,7% vào năm 2016-2017.

- Phổ cập cấp hai từ 46,6% vào năm 2001, lên thành 82,9% vào năm 2016-2017.

- Phổ cập cấp ba từ 22,6% vào năm 2001, lên thành 51,4% vào năm 2016-2017.

Tỷ lệ biết chữ của dân trong độ tuổi tăng từ 81,7% (2009-2010) lên 92,4% (2016-2017).

d) Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế

CHDCND Lào kiên định đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị, hợp tác và hội nhập, trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi, phát huy mối quan hệ đa phương hóa, đa dạng hóa và nhiều cấp độ. Cho đến nay, Lào đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 140 nước và quan hệ với 130 Đảng chính trị trên thế giới. CHDCND Lào đã phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động đối ngoại về mặt Đảng, Nhà nước và các tổ chức quần chúng với quốc phòng - an ninh, làm cho vị thế của CHDCND Lào ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Lào là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực như: Tổ chức Liên Hợp quốc, ASEAN, Tổ chức không liên kết, Tổ chức các nước không có biên giới với biển, Nhóm các nước sử dụng tiếng Pháp, Tổ chức thương mại thế giới...

Bên cạnh những thành tựu trên cũng tồn tại không ít khó khăn, thách thức đối với sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào, thể hiện trên các mặt sau:

Một là, nhận thức và hiểu biết đối với đường lối đổi mới của Đảng chưa sâu sắc, nhất là khâu đột phá theo tinh thần Đại hội IX của Đảng đã đề ra 4 khâu đột phá, việc cụ thể hóa Nghị quyết thành kế hoạch, dự án phù hợp với năng lực và tiềm năng nhằm mang lợi ích cho nhân dân còn chậm.

Hai là, nền kinh tế có sự tăng trưởng, nhưng cơ sở chưa vững chắc, nền kinh tế vĩ mô chưa cân đối, còn dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và xuất khẩu thô là chủ yếu, không thể tạo giá trị tăng thêm từ sản phẩm, trong nhiều trường hợp còn chưa đi theo hướng bền vững và giữ gìn môi trường. Cơ cấu kinh tế tuy có sự biến đổi, nhưng việc vận dụng khoa học, kỹ thuật - công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, làm cho năng suất thấp; việc tạo nền tảng cho việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong lĩnh vực nông nghiệp còn chậm.

Ba là, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội bằng pháp luật chưa nghiêm, còn có tình trạng lợi dụng và vi phạm pháp luật cũng như tham nhũng với nhiều hình thức và nhiều cấp độ khác nhau. Bên cạnh đó việc phối hợp giữa các ngành cũng như địa phương để giải quyết vấn đề xảy ra, giải quyết những vụ án, các tranh chấp còn chưa hài hòa và chưa dứt khoát, nghiêm ngặt.

Bốn là, việc tuyên truyền giáo dục và tổ chức thực hiện đường lối quốc phòng, an ninh toàn diện của Đảng ở cơ sở chưa làm được tốt, làm cho công tác an ninh ở một số vùng chưa vững chắc; sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong việc quản lý người nước ngoài cũng như các tổ chức quốc tế chưa làm được tốt...

3. Phương hướng nhằm xây dựng chế độ dân chủ nhân dân định hướng xã hội chủ nghĩa ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

Chúng ta biết, việc xây dựng CNXH trên thế giới đã có nhiều mô hình khác nhau. Nhưng việc thực hiện mô hình nào đó là phụ thuộc đặc trưng và hoàn cảnh của mỗi nước; phụ thuộc sự sáng tạo của việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và bài học của các nước, Đảng CDCM Lào có trách nhiệm trực tiếp với sứ mệnh của dân tộc và nhân dân. Để tiếp tục và phát huy chế độ dân chủ theo định hướng XHCN ở CHDCND Lào, phải quan tâm một số phương hướng sau:

Một là, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Cay xỏn Phôm vi hản, truyền thống tốt đẹp của Đảng là nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, phát huy tính tiên phong, tính giáo dục và tính chiến đấu của giai cấp công nhân; xây dựng và chỉnh đốn Đảng làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh và vững chắc, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và nắm quyền của Đảng trong điều kiện mới. Kiên định theo lời dạy của Hồ Chí Minh: “Chỉ có sự lãnh đạo của một Đảng biết vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện thực tiễn của mình một cách sáng tạo mới có thể  lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc đi tới thắng lợi và cách mạng XHCN thành công”(4).

Hai là, tiếp tục xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu, nhiều hình thức phân phối và nhiều hình thức tổ chức sản xuất bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh minh bạch trước pháp luật. Phát triển kinh tế thị trường bền vững phải đảm bảo cho nền kinh tế thị trường đóng vai trò quan trọng trong việc huy động và phân phối nguồn lực nhằm phát triển sản xuất một cách mạnh mẽ và hiệu quả. Đồng thời, Nhà nước phải đóng vai trò định hướng, chính sách, cơ chế, thể chế với tinh thần đột phá một cách mạnh mẽ. Để trở thành công cụ điều tiết kinh tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để làm cho nền kinh tế hoạt động theo quy luật khách quan một cách đầy đủ, phù hợp với trình độ phát triển của đất nước trong từng giai đoạn, vừa hội nhập với khu vực và quốc tế, đảm bảo cho quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất.

Ba là, xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân, quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, phát huy dân chủ trong xã hội. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, sinh sống và hoạt động theo pháp luật một cách nghiêm ngặt; điều tiết lợi ích của thành viên trong xã hội một cách hài hòa, xây dựng nhà nước vững mạnh đảm bảo sự bình đẳng trong xã hội. Nhà nước và cán bộ của nhà nước phải phấn đấu thực hiện quyền và nghĩa vụ đúng đắn và đầy đủ đối với công dân và công dân cũng phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhà nước một cách đúng đắn và đầy đủ.

Bốn là, tăng cường đoàn kết hài hòa giữa các bộ tộc, giữa các tầng lớp và kiều bào sinh sống ở nước ngoài có tinh thần yêu nước, đồng thuận với chế độ dân chủ nhằm xây dựng cộng đồng dân tộc cho vững mạnh, có sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước. Tôn trọng quyền tự do tin hoặc không tin tôn giáo cũng như hoạt động xã hội khác theo pháp luật và các quy định, nhằm đảm bảo xây dựng xã hội đoàn kết hài hòa, dân chủ, bình đẳng và văn minh. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Năm là, kiên định xuyên suốt đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị và hợp tác; thúc đẩy hợp tác với nước ngoài với hình thức đa phương hóa, đa dạng hóa, nhiều cấp độ trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi. Chính vì vậy, Chủ tịch Cay xỏn Phôm vi hản nhấn mạnh “làm bạn với tất cả các nước, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, lập mối quan hệ toàn diện với các nước đó trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, đôi bên cùng có lợi”(5).

Tóm lại, việc xây dựng chế độ dân chủ, nhân dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở

CHDCND Lào có những thuận lợi và khó khăn. Trong đó thuận lợi là Lào có cơ sở về lý luận và thực tiễn làm cho việc xây dựng chế độ dân chủ nhân dân có thành tựu to lớn trong nhiều mặt như trên. Bên cạnh đó, Lào còn gặp nhiều khó khăn như: CNXH rơi vào khủng hoảng, các thế lực thù địch chưa hết ý đồ chống phá, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, để đưa đất nước đi tới mục đích đề ra phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Cay xỏn Phôm vi hản, truyền thống tốt đẹp của Đảng làm nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng; xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy dân chủ trong xã hội...

_________________________

(1) Nghị quyết Trung ương 7 khóa IV của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, năm 1989, tr.31.

(2), (3) Văn kiện Đại hội X của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, năm 2016, tr.149, 23-24.

(4) Hồ Chí Minh: Tuyển tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.941.

(5) Cay xỏn Phôm vi hản: Tuyển tập, t.1, Nxb Nhà nước Lào, năm 1985, tr.7.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền