Trang chủ    Quốc tế    Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trên lĩnh vực kinh tế những năm đầu thế kỷ XXI
Thứ năm, 25 Tháng 4 2019 16:11
3013 Lượt xem

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trên lĩnh vực kinh tế những năm đầu thế kỷ XXI

(LLCT) - Trong những năm đầu thế kỷ XXI, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trên lĩnh vực kinh tế đã đạt được những kết quả quan trọng cả trong lĩnh vực thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), góp phần giải quyết việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Tuy nhiên, quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản đến nay còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu phát triển của mỗi nước. Do vậy, hai nước cần tiếp tục cụ thể hóa “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” trong lĩnh vực kinh tế: kết hợp tiềm năng lớn của Việt Nam về con người, tài nguyên với ưu thế vượt trội của Nhật Bản về vốn, thiết bị và công nghệ hiện đại, thúc đẩy hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ...

 

1.Trên lĩnh vực thương mại

Thứ nhất, về kim ngạch xuất nhập khẩu và cán cân thương mại

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Nhật Bản từ năm 2001 đến nay đạt nhiều bước tiến khả quan. Năm 2005, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt gần 8,16 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 4,56  tỷ USD (tăng 18% so với năm 2004 và chiếm 15% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2005). Kim ngạch nhập khẩu đạt 3,6 tỷ USD (tăng hơn 15,3% so với năm 2004). Như vậy năm 2005 Việt Nam xuất siêu sang Nhật Bản khoảng 956 triệu USD (tăng hơn 43% so với năm 2004). Nếu không kể dầu thô, Việt Nam vẫn xuất siêu 370 triệu USD(1).

Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu sang Nhật khoảng 6,5 tỷ USD, xuất siêu đạt 500 triệu USD. Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản cũng tăng nhanh (28% so với năm 2016), đạt hơn  6 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu là do Việt Nam thu hút nhiều dự án từ Nhật Bản, dẫn đến sự gia tăng chuyển giao công nghệ, máy móc của doanh nghiệp nước bạn sang Việt Nam. Năm 2010, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 16,29 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2009, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản là 8,14 tỷ USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2012, thương mại giữa hai nước đạt 24,7 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng là 16%, thấp hơn 1% so mức bình quân tăng trưởng của cả giai đoạn 2005-2011(2). Năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 22,94 tỷ USD, tăng 1,7% so với kết quả thực hiện trong cùng kỳ năm 2012. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 12,37 tỷ USD, tăng 3,5% và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 10,57 tỷ USD, giảm nhẹ 0,3%.

Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, với kim ngạch hai chiều đạt trên 28 tỷ USD năm 2015 và 29,7 tỷ USD năm 2016. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản năm 2016 đạt 14,6 tỷ USD, nhập khẩu đạt 15 tỷ USD. Đến năm 2017, Nhật Bản tiếp tục là đối tác thương mại quan trọng của nước ta với tổng kim ngạch thương mại hai chiều hơn 33,4 tỷ USD(3) (Bảng1).

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị thương mại hai nước đạt 24,5 tỷ USD, tăng 13,75% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Nhật đạt 12,22 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ và nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản là 12,31 tỷ USD, tăng 16%(4). Theo như Hiệp định đã ký, trong vòng 10 năm tới, hai nước nỗ lực đưa hơn 92% giá trị xuất nhập khẩu được hưởng chế độ miễn thuế. Khoảng 94,53% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản sẽ hưởng chế độ giảm thuế và kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản vào Việt Nam được hưởng chế độ này là 87,66%(5).

Thứ hai, về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu

Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật không chỉ tăng về giá trị tuyệt đối đơn thuần mà cơ cấu sản phẩm xuất khẩu cũng ngày càng đa dạng hơn. Tỷ lệ sản phẩm qua gia công, chế biến được nâng lên, cụ thể là các mặt hàng thuỷ sản, cơ khí chế tạo và một số sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin... Một số mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam cũng giành được uy tín cao trong việc chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản, như thực phẩm chế biến: thịt, cá hộp, rau quả hộp các loại...

Mặc dù đã có những bước tiến tích cực hơn, song hiện nay cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản còn đơn điệu, có đến 50% là nguyên liệu thô và sản phẩm sơ chế. Ngoài ra, hàng hóa của Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn trong đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Gần đây, mặt hàng thuỷ sản Việt Nam vào Nhật Bản thường bị kiểm soát rất chặt chẽ, gần như 100% các lô hàng đều bị kiểm tra.     

Thứ ba, về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu

Hiện nay, Nhật Bản là thị trường hàng nhập khẩu lớn thứ ba, chiếm 10,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. So với năm trước, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản tăng 12,2%, cao gấp 1,7 lần tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu. Trong các mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, có 13 mặt hàng đạt kim ngạch trên 100 triệu USD, trong đó có 3 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; máy tính; sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép). Một số sản phẩm Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng cùng loại vào Việt Nam, như: sản phẩm từ chất dẻo 30,6%, sắt thép 25,7%, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng 21,4%, linh kiện phụ tùng ôtô 20,5%, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 13%, sản phẩm hóa chất 11,4%...  Do Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp và là nhà tài trợ vốn phát triển lớn nhất của Việt Nam nên các sản phẩm máy móc, thiết bị công nghệ cao; tiết kiệm nhiên liệu từ nước này có quy mô nhập khẩu lớn(6).

Thứ tư, về vị trí của mỗi nước trong quan hệ thương mại song phương

Trong nhiều năm liền, Nhật Bản luôn giữ vị trí là bạn hàng quan trọng của Việt Nam. Nhật Bản nằm trong nhóm 4 đối tác thương mại lớn nhất trong hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ có xuất nhập khẩu hàng hóa với nước ta. Năm 2013, với kim ngạch 13,7 tỷ USD, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu tăng lên 16,86 tỷ USD, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, sau Mỹ và Trung Quốc. Những năm gần đây, do làn sóng cạnh tranh thương mại toàn cầu gia tăng mạnh mẽ nên kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Nhật Bản cũng có sự sụt giảm nhẹ về thứ hạng. Năm 2006 Nhật Bản là thị trường nhập khẩu đứng thứ 2 sau Mỹ, năm 2011 đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Mỹ. Đến năm 2016, kim ngạch nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 15,03 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 8,6%), tiếp tục giữ vị trí thứ 3 sau Trung Quốc và Hàn Quốc(7).

Trái lại, vị thế của Việt Nam trong quan hệ thương mại với Nhật Bản còn rất khiêm tốn. Giá trị hàng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 1,3% kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản; tương tự, giá trị hàng hóa xuất khẩu sang thị trường nước ta chỉ chiếm 1,16% kim ngạch xuất khẩu của Nhật. So với các nước trong khu vực thì kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Nhật Bản luôn thấp hơn kim ngạch giữa Thái Lan, Inđônêxia và Malaixia với quốc gia này(8). Nhìn chung, quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản đến nay vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu phát triển, có thể kể đến một số nguyên nhân chính như sau:

Một là, đến nay, Nhật Bản vẫn chưa dành cho Việt Nam các chế độ, chính sách ưu đãi thương mại đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu. Một số mặt hàng của Việt Nam phải chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn mức thuế mà Nhật Bản áp dụng hàng hóa Trung Quốc và nhiều nước ASEAN khác. Điều này đã làm hạn chế đáng kể sự tăng trưởng xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam vào thị trường Nhật Bản.

Hai là, chất lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật chưa cao, mặc dù đã có nhiều cải thiện. Theo thang điểm 100, Việt Nam cũng có một số mặt hàng đạt chất lượng như: hàng may mặc (trên 80 điểm), hàng thực phẩm hải sản xếp thứ 20 trong tổng số 120 nước, gừng muối đứng thứ 4, dưa chuột muối đứng thứ 2... (đều đạt từ 70 đến 80 điểm). Mặc dù vậy, vẫn phải thừa nhận rằng, chất lượng hàng hóa của Việt Nam nhìn chung còn thấp, chưa đồng đều, tính hấp dẫn của quảng cáo, thông tin trên bao bì còn hạn chế, cơ cấu hàng xuất khẩu đơn điệu, thiếu cạnh tranh.

Ba là, các biện pháp thâm nhập thị trường Nhật Bản của Việt Nam còn đơn giản và chưa chủ động, do chi phí khảo sát thị trường rất tốn kém mà phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam còn ở quy mô nhỏ nên dù có muốn khảo sát trực tiếp cũng chưa thể thực hiện được. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa mở được văn phòng đại diện tại Nhật Bản, dẫn đến việc không thể nắm bắt kịp thời, chính xác nhu cầu hàng hóa, thị hiếu tiêu dùng cũng như các quy định về quản lý xuất nhập khẩu của Nhật Bản.

Bốn là, do quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ, phương thức làm việc thiếu tính liên kết... nên thường gặp khó khăn trong việc ký kết các hợp đồng lớn, các hợp đồng ngoài kế hoạch dự kiến, nhiều trường hợp không đủ khả năng cung ứng, gây mất uy tín cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

2. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào Việt Nam

Hơn 1 năm sau khi Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài (29-12-1987), lượng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam mới đạt gần 1 triệu USD, song đến năm 2008 đã tăng lên đạt hơn 17 tỷ USD. Đến tháng 10-2012, tổng giá trị vốn FDI đăng ký của Nhật Bản (lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20-10-2012) đạt hơn 28,8 tỷ USD(9) và Nhật Bản trở thành đối tác đứng đầu về giá trị vốn FDI đăng ký tại Việt Nam . Giá trị FDI hằng năm của Nhật Bản vào Việt Nam cũng có bước tăng trưởng đáng chú ý. Nếu như suốt giai đoạn 1992 - 2009 (ngoại trừ năm 2008), con số này thường xuyên ở dưới mốc 500 triệu USD, thì kể từ năm 2010, hầu như đều đạt trên 1,85 tỷ USD/năm. Các dự án FDI của Nhật Bản vào Việt Nam tập trung trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản như Sumitomo, Toyota, Mitsubishi, Hitachi, Toshiba đã có mặt tại Việt Nam và tập trung vào các lĩnh vực xây dựng hạ tầng, công nghiệp phụ trợ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Các doanh nghiệp Nhật được xem là “người đi đầu” trong việc đầu tư vào lĩnh vực chế biến - chế tạo đang được Chính phủ Việt Nam khuyến khích. Cụ thể, trong tổng số hơn 1.700 dự án FDI của Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay, có tới hơn 990 dự án thuộc lĩnh vực chế biến - chế tạo, với tổng vốn ước khoảng 23,3 tỷ USD (tương đương hơn 81%)(10). Năm 2013, FDI Nhật Bản dẫn đầu (trong tổng số 54 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam) với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,747 tỷ USD(11).Tính đến ngày 20-4-2016, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai trong tổng số 114 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 3.000 dự án đầu tư trực tiếp, tổng vốn đăng ký trên 39 tỷ USD. Tới năm 2017, Nhật Bản là nước đầu tư lớn nhất của Việt Nam với 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư(12).

Về cơ cấu đầu tư theo ngành: Trong 18 lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo được các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều nhất với 1.404 dự án với tổng số vốn đăng ký là 31,79 tỷ USD (chiếm 82,1% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ 2 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng số vốn là 1,74 tỷ USD (chiếm 4,5% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đầu tư là 1,52 tỷ USD (chiếm 3,9% tổng vốn đầu tư). Còn lại thuộc về các ngành, lĩnh vực khác(13).

Về cơ cấu đầu tư phân theo địa phương: Nhật Bản đã đầu tư vào 49/63 tỉnh thành phố trong cả nước. Trong đó Thanh Hóa thu hút nhiều vốn đầu tư nhất với 10 dự án, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng vốn là 9,68 tỷ USD (chiếm 25% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ hai là Hà Nội với 693 dự án, tổng vốn đầu tư là 4,16 tỷ USD (chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư). Bình Dương đứng thứ 3 với 255 dự án với tổng số vốn là 3,95 tỷ USD (chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư). Còn lại là các địa phương khác.

Về quy mô đầu tư: Có thể thấy, hầu hết các dự án FDI của Nhật Bản ở Việt Nam là những dự án đầu tư quy mô nhỏ. Nhật Bản vẫn cho rằng Việt Nam là thị trường có độ rủi ro cao.

Về hình thức đầu tư: Phân theo hình thức đầu tư, các dự án của Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu đầu tư dưới hai hình thức 100% vốn nước ngoài và liên doanh. Hình thức 100% vốn nước ngoài có 2.299 dự án với tổng số vốn là 22,21 tỷ USD chiếm 82,4% số dự án và 57,3% tổng vốn đầu tư. Hình thức liên doanh có 450 dự án với tổng vốn đăng ký là 15,19 tỷ USD chiếm 39,2% tổng vốn đầu tư, còn lại là các hình thức công ty cổ phần và hợp đồng hợp tác kinh doanh; hợp đồng BOT, BT, BTO với tổng số vốn lần lượt là 842,5 triệu USD, 115,1 triệu USD và 34,3 triệu USD(14).

Về hiệu quả đầu tư: Nhìn chung hoạt động của các công ty Nhật Bản ở Việt Nam tương đối khả quan, nhiều doanh nghiệp đã có những sản phẩm thay thế nhập khẩu, thậm chí tham gia tích cực vào quá trình xuất khẩu. Vốn thực hiện trên tổng vốn đăng ký chiếm tỷ lệ cao, đạt 73%, trong khi con số chung khoảng 60%; Tỷ lệ dự án giải thể trước thời hạn thấp; doanh thu của các dự án đầu tư theo vốn thực hiện đạt con số cao: 2,2 lần, trong khi mức chung là 1,7 lần.

Theo điều tra công bố gần đây của JETRO (Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản) tiến hành trên 1.745 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại châu Á cho thấy, Việt Nam được đánh giá cao về triển vọng đầu tư cả trung và dài hạn. Về trung hạn, có 92,6% doanh nghiệp sản xuất và 88% doanh nghiệp dịch vụ dự định mở rộng kinh doanh tại nước ta trong vòng 1 - 2 năm tới. Còn về dài hạn, trong vòng 5 - 10 năm tới, Việt Nam được các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá là địa điểm sản xuất tốt nhất ở châu Á.

Cho đến nay, Nhật Bản là một trong số các nhà đầu tư nước ngoài chiến lược quan trọng của nước ta. Nhật Bản luôn giữ tốc độ đầu tư cao, ổn định, và là 1 trong 2 quốc gia dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động hiệu quả, nghiêm túc, chấp hành tốt quy định pháp luật của Việt Nam, góp phần giải quyết việc làm và thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế. Đặc biệt, tác phong lao động và kỹ năng làm việc của doanh nghiệp Nhật Bản luôn được đánh giá cao về sự cần cù chịu khó, thông minh sáng tạo và có tinh thần trách nhiệm.

3. Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản cho Việt Nam

Sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Nhật Bản được đánh giá là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Từ năm 1992 đến 2009, viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản dành cho nước ta đạt khoảng hơn 14 tỷ USD(15), chiếm gần 50% lượng ODA cộng đồng quốc tế cam kết dành cho Việt Nam. Những năm gần đây, vốn hỗ trợ phát triển chính thức của Nhật Bản cam kết dành cho nước ta liên tục tăng. Trong năm tài khóa 2009, ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam đã đạt mức rất cao 1,6 tỷ USD, vượt mức 1,1 tỷ USD của năm 2007. Việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-10-2009, cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo cơ sở pháp lý nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ phía Nhật.

Năm 2010, ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam là 100,2 tỉ yên. Đặc biệt, Hiệp định vay vốn ODA được ký kết ngày 30-3-2012 với trị giá lên tới 136,447 tỷ yên đã khiến tổng giá trị vốn vay cam kết trong năm tài khóa 2011 của Nhật Bản cho Việt Nam đạt mức kỷ lục 270,038 tỷ yên(16). Như vậy từ  năm 1992 đến năm hết tài khóa 2015 (31-3-2016), Nhật Bản đã cam kết khoảng 29,5 tỷ USD ODA vốn vay cho Việt Nam. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Abe đến Việt Nam (tháng 1-2017), hai bên đã ký 2 công hàm trao đổi và 2 hiệp định vay cho một số dự án ODA vốn vay và không hoàn lại, Nhật Bản cam kết cung cấp thêm cho Việt Nam khoảng 120 tỷ yên (gần 1,05 tỷ USD) ODA vốn vay năm tài khóa 2016 cho 4 dự án(17).

 Chính sách ODA của Nhật Bản tập trung ưu tiên vào 5 lĩnh vực sau: (1) Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. (2) Hỗ trợ phát triển ngành giao thông vận tải và điện lực. (3) Hỗ trợ phát triển nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nông thôn. (4) Ưu tiên cho giáo dục, sức khỏe và dịch vụ y tế nhằm nâng cao đời sống của nhân dân và tạo điều kiện cho phát triển trong tương lai. (5) Cải thiện môi trường, trong đó nhấn mạnh tới bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Mặc dù một số dự án cụ thể cũng như các khâu trong quá trình thực hiện viện trợ còn khá nhiều vấn đề cần xem xét, song về cơ bản, có thể khẳng định ODA của Nhật Bản trong thời gian qua có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

4. Triển vọng và khuyến nghị

Thực trạng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản  trên lĩnh vực kinh tế  những năm đầu thế kỷ XXI là cơ sở để Việt Nam có những hướng ưu tiên nhằm tăng cường mối quan hệ này trong thời gian tới. Cần đổi mới, xây dựng định hướng phát triển, hoàn thiện cơ chế quản lý hợp tác của Chính phủ hai nước, đẩy mạnh xúc tiến, ký kết các chiến lược phát triển đến năm 2030 trong từng lĩnh vực hợp tác... nhằm góp phần đưa quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản đi vào chiều sâu thực chất, tương xứng với tiềm năng của mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Về FDI, Việt Nam cần có các cơ chế, chính sách, các biện pháp nhất quán (phù hợp với cam kết quốc tế trong khuôn khổ WTO, IMF) nhằm xây dựng nước ta thành một môi trường đầu tư, sản xuất thuận lợi, một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyển giao công nghệ của Nhật Bản trong khu vực Đông Nam Á. Cần thực hiện tốt “Sáng kiến chung Nhật - Việt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam”. Theo đó, Nhật Bản cam kết đóng góp chuyên gia và tài chính cho dự án này nhằm cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam; xác định rõ hướng thu hút đầu tư từ Nhật Bản, xây dựng nước ta thành một trong những trung tâm sản xuất hàng điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo trong khu vực; khẩn trương xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ và đào tạo đội ngũ thợ lành nghề; phấn đấu đạt mục tiêu tăng FDI của Nhật Bản lên 40 tỷ USD vào năm 2020. Ngoài ra, hai nước cần có những chiến lược cụ thể nhằm triển khai tích cực Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật và tăng cường hoạt động có hiệu quả của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Nhật. Việt Nam cần tích cực vận động Nhật Bản sớm công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường đầy đủ, tạo điều kiện cho việc khuyến khích và thu hút nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam. Nhiệm vụ trước mắt của Việt Nam là tập trung nguồn ODA và FDI từ Nhật Bản vào các công trình trọng điểm về cơ sở hạ tầng và công nghệ cao như tuyến đường sắt, đường bộ cao tốc Bắc-Nam, khu công nghệ cao Hòa Lạc v.v.

Về thương mại, lấy mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 40 tỷ USD vào năm 2020 làm cơ sở, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, làm tốt công tác nghiên cứu thị trường và tiếp thị, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, tăng mặt hàng chế biến tinh xảo, giảm nguyên liệu thô và hàng sơ chế.

Về ODA, tiếp tục tranh thủ và sử dụng có hiệu quả nguồn ODA của Nhật Bản, xây dựng các biện pháp kiểm soát, phòng chống tham nhũng, thất thoát nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, cần triển khai chính sách đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam, tập trung kêu gọi các tập đoàn lớn của Nhật Bản xây dựng cơ sở hạ tầng tại nước ta.

______________________

Tài liệu tham khảo

(1) Trần Phương Anh: Thương mại Việt Nam - Nhật Bản trong tiến trình phát triển quan hệ giữa hai nước, Nxb Chính trị quốc gia, 2007, tr.69.

(2) Vài nét về xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản trong 11 tháng tính từ đầu năm 2013, http://www.customs.gov.vn.

(3), (12) Doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao triển vọng kinh doanh tại Việt Nam, http://vov.vn.

(4) Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, http://vietnamexport.com.

(5) Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Việt Nam, http://www.mpi.gov.vn.

(6) Thời báo Kinh tế Việt Nam, http://www.agtex.com.vn.

(7), (10) Vũ Văn Trung: Kinh tế, thương mại Việt Nam - Nhật Bản: Phát triển chưa từng có, http://

www.baocongthuong.com.vn.

(8), (15) Để quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản thêm nồng ấm, http://www.vietrade.gov.vn.

(9) Tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài 10 tháng năm 2012, http://fia.mpi.gov.vn.

(11) Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài.

(13), (14) Hoàng Long- Theo Trí thức trẻ.

(16) Hiệp định vốn vay ODA Nhật Bản cho Việt Nam đạt mức kỷ lục, http://ven.vn.

(17) Quan hệ Việt Nam Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử, http://dantri.com.vn.

TS Nguyễn Thị Thúy

Viện Kinh tế và Chính trị thế giới,

Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam  

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền