Trang chủ    Quốc tế    Kinh nghiệm xây dựng thể chế phát triển nhanh, bền vững ở một số nước Trung Đông
Thứ ba, 28 Tháng 5 2019 09:51
1332 Lượt xem

Kinh nghiệm xây dựng thể chế phát triển nhanh, bền vững ở một số nước Trung Đông

(LLCT) - Những năm qua, nhờ chú trọng xây dựng thể chế phát triển nhanh, bền vững nên một số nước Trung Đông đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành những nền kinh tế lớn trên thế giới. Có được những thành tựu trên là do các nước Trung Đông đã chú trọng xây dựng tầm nhìn chiến lược; tạo lập, xây dựng, củng cố lòng tin của người dân đối với Chính phủ; nắm bắt các xu thế phát triển của khu vực và thế giới... Những kinh nghiệm xây dựng thể chế phát triển nhanh, bền vững ở một số nước Trung Đông là những bài học quý cho Việt Nam có thể vận dụng trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.

Thể chế - đó là những “luật chơi” chính thức và phi chính thức ràng buộc các tương tác trong xã hội, hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế. Thể chế là tập hợp những quy tắc chính thức, các quy định không chính thức hay những nhận thức chung có tác động thúc đẩy hoặc kìm hãm, định hướng hoặc chi phối sự tương tác các chủ thể chính trị với nhau trong những lĩnh vực nhất định.

Các thể chế được tạo ra và đảm bảo thực hiện bởi cả nhà nước và các tác nhân phi nhà nước. Các quy tắc chính thức bao gồm Hiến pháp, các bộ luật, điều luật, hiến chương, văn bản dưới dạng dưới luật... Trong khi đó, các quy tắc không chính thức có vai trò mở rộng, chi tiết hóa hoặc chỉnh sửa các quy tắc chính thức và điều chỉnh hành vi của các chủ thể thông qua các chuẩn tắc xã hội (truyền thống, tập quán, thói quen) hay các quy tắc ứng xử nội bộ.

Như vậy, thể chế tạo ra một hệ thống thưởng, phạt cho các ứng xử của các tổ chức, cá nhân, do đó có thể hạn chế hoặc thúc đẩy hành vi của các chủ thể theo các chiều hướng khác nhau trong các hoạt động kinh tế, nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn lực và phúc lợi xã hội. Trên thực tế, có mối quan hệ biện chứng giữa thể chế và phát triển, thể chế tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng và phát triển và ngược lại tăng trưởng và phát triển giúp củng cố, hoàn thiện thể chế trong quá trình vận động khách quan của mỗi quốc gia, dân tộc. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước công nghiệp hóa mới NICs, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc đã xây dựng được thể chế phát triển, thực hiện thắng lợi quá trình công nghiệp hóa rút ngắn, giải quyết thành công mối quan hệ giữa Nhà nước - Thị trường - Xã hội và doanh nghiệp trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi.

1. Kinh nghiệm xây dựng thể chế phát triển nhanh, bền vững ở một số nước Trung Đông

Trung  Đông không chỉ nổi tiếng với bề dày lịch sử, đa dạng về văn hóa mà còn là khu vực có vị trí địa chính trị và địa kinh tế quan trọng đối với thế giới. Với dân số trên 300 triệu người và nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nhất là về dầu lửa, chiếm 60% trữ lượng của thế giới (810 tỷ thùng) và khí đốt chiếm khoảng 45% trữ lượng của thế giới, khu vực này có vai trò hết sức quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của nền kinh tế thế giới, của thể chế chính trị toàn cầu.

Mặc dù có những khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế, gần đây là tác động của Phong trào Mùa xuân Ả Rập (Arab Spring), song nhờ không ngừng đẩy mạnh cải cách kinh tế, đổi mới hoàn thiện thể chế, kết hợp hiệu quả giữa nội lực và ngoại lực, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhiều quốc gia trong khu vực đã đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Ả Rập Xê út, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành thành viên chính thức của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi của thế giới (G20). Nhiều quốc gia vùng Vịnh như UAE, Cata,  Ả Rập Xê út...  có thu nhập bình quân đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới và đang đi đầu trong việc vận dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại, như việc Ả rập Xê út đầu tư hàng trăm tỷ đô la cho việc phát triển công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ nano; là quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận người máy robot Sofia là công dân đầu tiên của mình. Bên cạnh đó, nhiều thành phố như Dubai, Doha, Istanbul, Riat... đang trở thành những kỳ tích phát triển và là những trung tâm tài chính, thương mại quan trọng của thế giới, đang xây dựng trở thành các thành phố thông minh, chính phủ điện tử.

Nguyên nhân quan trọng hàng đầu của các thành tựu trên là các nước này chú trọng xây dựng thể chế phát triển nhanh và bền vững, khắc phục tình trạng hạn chế yếu kém về xuất phát điểm vốn là các quốc gia có trình độ phát triển thấp, nông nghiệp lạc hậu, điều kiện khí hậu sa mạc khắc nghiệt, hay xảy ra chiến tranh xung đột trong khu vực. Có thể khái quát một số kinh nghiệm trong xây dựng thể chế phát triển nhanh và bền vững thành công của một số quốc gia ở Trung Đông như sau:

a. Xây dựng tầm nhìn chiến lược. Điểm đầu tiên trong xây dựng thể chế phát triển là vai trò của Chính phủ trong việc hình thành và triển khai tầm nhìn chiến lược, như định hướng mục tiêu phát triển quốc gia trong thời gian dài. Tầm nhìn chiến lược này được xây dựng trên cơ sở khoa học, đánh giá các yếu tố trong nước và quốc tế, nhất là xu hướng phát triển của khu vực và thế giới, từ đó hoạch định mục tiêu, xây dựng các chính sách và các nguồn lực để thực hiện. Không phải ngẫu nhiên để có kết quả thành tựu phát triển như ngày hôm nay, các nhà lãnh đạo Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất ngay từ thập niên 1970 đã có tầm nhìn chiến lược, định hướng để Dubai trở thành trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ và du lịch của khu vực và thế giới. Các chính sách của Chính phủ nhằm đa dạng hóa một nền kinh tế dựa vào dầu khí và thương mại, trở thành một nền kinh tế phát triển dựa trên dịch vụ và du lịch. Điều này ngày nay đã đem lại một vị thế vượt trội của Dubai trong khu vực Trung Đông và trên toàn thế giới. Mục tiêu của Chính phủ là đưa Dubai trở thành trung tâm thương mại hàng đầu thế giới, điểm đến của du lịch và dịch vụ trong thế kỷ XXI.

Ả rập Xê út là nước theo chế độ quân chủ, chế độ chính trị dựa trên luật Hồi giáo. Năm 1992, Ả rập Xê út đã thông qua Bộ luật cơ bản với 82 điều, quy định thể chế chính trị và quân chủ, chức năng, nhiệm vụ của các thể chế chính trị, kinh tế, tài chính, quyền lực của Quốc vương và các cơ quan quyền lực khác bao gồm cơ quan Tư pháp, Hành pháp và Điều tiết (Regulatory authority).

Về kinh tế, Ả rập Xê út có nền kinh tế dựa vào ngành công nghiệp khai thác, chế biến và xuất khẩu dầu mỏ và các dịch vụ liên quan. Với trữ lượng khoảng 260 tỷ thùng, chiếm khoảng hơn 20% trữ lượng của thế giới, Ả rập Xê út là nước có khả năng điều chỉnh mức cung cấp dầu trên thế giới, mức khai thác tối đa có thể đạt 12,5 triệu thùng/ngày. Ngành công nghiệp dầu mỏ chiếm 45% thu nhập ngân sách, gần 50% GDP và 90% xuất khẩu của đất nước. Ả rập Xê út hiện nay là thành viên của nhóm G20, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2005, có vai trò lớn trong Tổ chức hợp tác các nước vùng Vịnh GCC ( chiếm 44% về quy mô kinh tế trong tổ chức này) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC.

Hiện nay Ả rập Xê út đã thực hiện thành công Kế hoạch lần thứ 9 phát triển kinh tế quốc dân (2010 - 2014), và đang thực hiện kế hoạch mới với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, chú trọng an sinh xã hội, cải thiện thu nhập đời sống của các tầng lớp dân cư, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Theo hướng này, Chính phủ Ả rập Xê út đang đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội khác, giảm chênh lệch về thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội, các vùng của đất nước (đặc biệt đối với các tỉnh miền Đông), tăng tỷ trọng chi đầu tư từ ngân sách cho các vấn đề an sinh xã hội (chiếm 19%), giáo dục đào tạo (chiếm 7,7%)(1).

b. Tạo lập, xây dựng củng cố lòng tin của người dân đối với chính phủ.

Để khắc phục tình trạng bất đồng, đối lập trong xã hội thì tầm nhìn chiến lược, kế hoạch phát triển đất nước phải hướng tới lợi ích chung của xã hội, lợi ích của người dân; chính phủ phải chăm lo cho người dân, coi lợi ích và số phận của một cá nhân trở nên quan trọng hơn so với quyền lợi và vận mệnh của toàn bộ quốc gia. Khủng hoảng xã hội có thể xảy ra khi một số nhà lãnh đạo chỉ lo phục vụ lợi ích của một số nhóm và bè phái nhất định thay vì phục vụ lợi ích của toàn dân, như vậy “chỉ đặt người dân vào vị thế phải phục vụ chính quyền – điều này đối lập hoàn toàn với lẽ thường”(2).

Các chính phủ củng cố  niềm tin cho người dân về sự liêm khiết trong sạch của chính phủ, sự tận tâm của chính phủ phục vụ cho người dân và doanh nghiệp, trong việc thực hiện mục tiêu mà tầm nhìn chiến lược đã xác định, từ đó tạo sức mạnh trong việc huy động sử dụng các nguồn lực về vật chất và tinh thần cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

c.  Nắm bắt các xu thế phát triển của khu vực và thế giới.  Dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa kinh tế, xu thế mở cửa hội nhập và thời cơ, thách thức mà Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đem lại, các quốc gia này đã đầu tư xây dựng chiến lược, bước đi phù hợp để vận dụng thành tựu của cuộc cách mạng này trong việc nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, phát triển các ngành công nghệ cao, như nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh...

Xây dựng và thực thi thể chế phát triển nhanh,  bền vững trong bối cảnh sự vận động phát triển nhanh chóng của thế giới đòi hỏi chính phủ phải là chính phủ hành động chứ không phải bằng lời nói thể hiện ý chí của một đất nước, dân tộc vươn lên trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế, sẵn sàng đối mặt với những thách thức, khó khăn phía trước.

2. Những gợi ý cho Việt Nam

Mặc dù cách xa nhau về địa lý, song Việt Nam và các quốc gia Trung Đông - Bắc Phi từ lâu đã có mối quan hệ hợp tác và hữu nghị truyền thống, được thử thách và vun đắp qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm của lịch sử. Với nền tảng vững chắc đó, quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực trong những năm qua đã có nhiều phát triển đáng ghi nhận.

Về chính trị, với sự tương đồng về khát vọng hòa bình, tự do và phát triển, nhân dân Việt Nam và nhân dân các quốc gia trong khu vực đã luôn gắn bó chặt chẽ, dành cho nhau sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp đó, hai bên thường xuyên duy trì trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao.

Những kinh nghiệm về xây dựng thể chế phát triển nhanh, bền vững ở một số nước Trung Đông có thể nói là những bài học quý, thông tin có giá trị mà Việt Nam có thể tham khảo được trong sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiến tới phồn vinh và thịnh vượng(3).

Dưới sự tác động của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, các nền kinh tế thị trường hội nhập phải tuân thủ theo các giá trị và chuẩn mực của nền kinh tế thị trường, đồng thời mang theo những sắc thái riêng có dấu ấn về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội của từng nước.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng và triển khai thể chế phát triển  nhanh và bền vững đóng vai trò quyết định đối với sự hưng thịnh của mỗi quốc gia.

Mục tiêu phát triển công bằng, nhanh, bền vững không phải là một chủ đề mới nhưng vấn đề này ngày càng cấp thiết, mang tính toàn cầu, trở thành yêu cầu khách quan của sự phát triển và được các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm. Đây cũng là thách thức lớn đối với các quốc gia nhất là các nước đang phát triển trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, dưới tác động mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các nước đều xác định mục tiêu phát triển bền vững, từng bước giải quyết vấn đề công bằng với các giải pháp và bước đi phù  hợp với trình độ phát triển và điều kiện cụ thể của quốc gia mình.

Thế giới của chúng ta hiện nay đang đối mặt với vô vàn thách thức về môi trường như môi trường ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng, tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng cùng với nguy cơ về khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng nguồn nước, khủng hoảng tài chính kinh tế. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia muốn tăng trưởng kinh tế nhanh, song thiếu chú ý tới tác động đối với môi trường sinh thái, do vậy vừa làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên vừa phải gánh chịu những hậu quả của một sự phát triển tàn phá môi trường. Mặt khác, việc chú trọng phát triển kinh tế mà không quan tâm đến giải quyết những vấn đề bình đẳng xã hội sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo, bất công xã hội, tạo nguy cơ gây mất ổn định chính trị -xã hội, dẫn đến khủng khoảng thể chế(4). Do vậy phát triển công bằng, bền vững ngày càng trở thành mục tiêu quan trọng, tổng quan xuyên suốt mà nhiều quốc gia trên thế giới phải quan tâm hướng tới.

Ở Việt Nam, xuất phát điểm từ một nền kinh tế sản xuất nhỏ lạc hậu, bị tàn phá nặng nề bởi sau hơn 30 năm chiến tranh, tụt hậu xa với khu vực và thế giới, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và điều kiện cụ thể của đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình đổi mới đã lựa chọn chiến lược phát triển đất nước theo hướng công bằng và bền vững để thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Ở Việt Nam, công cuộc đổi mới được Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội VI năm 1986 đã mang lại những thành tựu to lớn, làm biến đổi sâu sắc đất nước trên các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, con người. Trong đó phải kể đến những thành tựu quan trọng về tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đi đôi và gắn kết với việc đẩy nhanh tiến bộ và thực hiện công bằng xã hội, phát triển bền vững. Những kết quả đạt được này đã tạo nên không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang được nhân lên và lan rộng khắp cả nước.

Bên cạnh kết quả đạt được, Việt Nam cũng đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức to lớn trước yêu cầu đòi hỏi của sự phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh mới. Mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng, tuy nhiên nguy cơ tụt hậu xa hơn, nhất là về phát triển kinh tế so với các nước trên thế giới và trong khu vực vẫn đang đặt ra một cách gay gắt. Cùng với sự phát triển, tăng trưởng của nền kinh tế, thì tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở thành vấn đề cấp bách của xã hội, sự cố ô nhiễm môi trường ở các tỉnh ven biển miền Trung do Công ty Formosa gây ra mấy năm trước đã để lại những hậu quả nặng nề. Cùng với tăng trưởng kinh tế, thu nhập của người dân về tổng thể ngày càng được cải thiện, mức sống được nâng dần lên ở cả thành thị lẫn nông thôn, tuy nhiên khoảng cách phân hóa giàu nghèo trong xã hội cũng tăng lên rõ rệt, các vấn đề xã hội tiêu cực cũng ngày càng gia tăng phức tạp...

Nguy cơ tụt hậu xa hơn về phát triển kinh tế đang là hiện hữu: Năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 chỉ bằng 7,0% mức năng suất lao động của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia và bằng 56,7% của Philippines. Đáng chú ý là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong việc bắt kịp mức tăng năng suất lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới(5).

Bên cạnh thuận lợi, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nghiêm trọng như: trong khi thế giới đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thì Việt Nam vẫn chủ yếu ở giai đoạn 2 tức thực hiện dây chuyền gia công, lắp ráp. Theo thống kê, 97% doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa,  năng lực cạnh tranh, trình độ khoa học công nghệ, nhất là chất lượng nguồn nhân lực còn rất hạn chế. Theo thống kê đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam hiện nay đang sử dụng công nghệ của những năm 1980, trong đó có 52% đang sử dụng thiết bị lạc hậu, 38% sử dụng thiết bị trung bình, chỉ có 10% là sử dụng thiết bị tương đối hiện đại. Chi phí đầu tư cho đổi mới khoa học- công nghệ của doanh nghiệp bình quân còn quá thấp, mới chiếm 0,3%  tổng doanh thu(6).

Trong thời gian tới, thế giới và khu vực đang trong quá trình vận động phát triển với nhiều xu thế mới, quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng mạnh mẽ, biến đổi khí hậu toàn cầu diễn biến ngày càng phức tạp, những nhân tố đó sẽ tác động to lớn đến phát triển nhanh và bền vững ở Việt Nam, đặt ra những thời cơ và thách thức to lớn phải giải quyết trong quá trình đổi mới. Trong bối cảnh đó, từ những kinh nghiệm quốc tế xây dựng thể chế phát triển nhanh, bền vững ở một số nước Trung Đông, từ những kết quả và hạn chế, chúng ta có thể rút ra một số  bài học để nâng cao hiệu quả xây dựng thể chế phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới ở Việt Nam như sau:

Một là, tiếp tục khẳng định phát triển nhanh, bền vững là chiến lược phát triển đúng đắn cần phải kiên quyết, kiên trì thực hiện. Muốn vậy cần đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, coi trọng tổng kết thực tiễn, nhất là tìm ra những mô hình mới, kinh nghiệm hay; thường xuyên nghiên cứu dự báo những diễn biến, xu thế mới để kịp thời xác định, điều chỉnh một số chủ trương, giải pháp phát triển công bằng, bền vững. Trong đó cần chú trọng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển công bằng với phát triển bền vững, giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảm bảo để nhân dân được thụ hưởng ngày một tốt hơn những thành quả của công cuộc đổi mới theo nguyên tắc mọi người dân đều có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện. 

Trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, cần quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa; khắc phục xu hướng gia tăng phân hóa giàu nghèo, bảo đảm sự ổn định, công bằng và phát triển xã hội bền vững. Cần hoàn thiện hệ thống chính sách về tiền lương, mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân, thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công, trợ giúp hiệu quả tầng lớp yếu thế dễ bị tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống. Bảo đảm công bằng, giảm chênh lệch trong tiếp cận chính sách chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm cơ hội tiếp cận bình đẳng về chăm sóc sức khỏe, hệ thống giáo dục cho người dân. 

Hai là, xây dựng hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách cho sự phát triển nhanh, công bằng, bền vững, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế để phát triển công bằng, bền vững, gắn kết chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, củng cố quốc phòng, an ninh. Nâng cao chất lượng xây dựng hoàn thiện thể chế đồng thời với nâng cao tính kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả thực hiện thể chế luật pháp, chính sách trong thực tiễn.

Ba là, quan điểm, mục tiêu phát triển nhanh, bền vững phải được quán triệt, lồng ghép trở thành nội dung của các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của các bộ, ngành, địa phương nói riêng. Xây dựng ban hành các tiêu chí cụ thể về phát triển công bằng, bền vững trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và môi trường. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển công bằng, bền vững của các cấp trên thực tế.

Bốn là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển công bằng, bền vững của đất nước trước yêu cầu đòi hỏi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Năm là, phát huy mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước để phát triển nhanh, bền vững, trong đó chú trọng phát huy nội lực, nhất là phát huy nguồn lực con người, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và sử dụng tốt nhất mọi nguồn lực của xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi để cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường tâm lý xã hội nhằm phát triển kinh tế tư nhân đúng hướng, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực bên ngoài như vốn, tri thức, công nghệ, kỹ năng quản lý và thị trường, trong đó có lực lượng Việt kiều để bổ sung cho nội lực trong quá trình phát triển công bằng, bền vững của đất nước.

Sáu là, đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Tiếp tục đẩy mạnh nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; “tự diễn biến, tự chuyển hóa’’trong nội bộ, “lợi ích nhóm” trong cán bộ, đảng viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển công bằng, bền vững của đất nước trong tình hình mới...

____________________

(1), (3) Hội thảo quốc tế: Chính sách hướng Đông của các quốc gia châu Phi và Trung Đông và khả năng hợp tác với Việt Nam. Hà Nội, ngày 15-11-2018, tr.57, 60.

(2) Mohammed Bin Rashid Al Maktoum: Tầm nhìn thay đổi quốc gia - Điều kỳ diệu ở Dubai, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2015, tr. 8.

(4) Theo Báo cáo gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), khoảng cách giàu nghèo trên toàn cầu có xu hướng gia tăng, thống kê cho thấy tài sản của 62 người tỷ phú trên thế giới cộng lại là bằng tổng số tài sản của một nửa dân số thế giới 3,6 tỷ người có thu nhập thấp (1.760 tỷ đôla). Ở Mỹ chỉ 1% dân số tỷ phú đang chiếm 22% tổng tài sản của xã hội. (Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 11-1-2018).

(5) Thời báo Kinh tế Việt Nam, số 309, ngày 26-12-2018, tr.5.

(6 ) Doanh nghiệp trước Cách mạng công nghiệp 4.0, Thời báo kinh tế Việt Nam số 122, thứ ba ngày 23-5-2017.

Tài liệu tham khảo:

 

  1. Mohammed Bin Rashid Al Maktoum: Tầm nhìn thay đổi quốc gia - Điều kỳ diệu ở Dubai, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2015.

 

PGS, TSKH Trần Nguyễn Tuyên

Hội đồng Lý luận Trung ương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền