Trang chủ    Quốc tế    Mô hình tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Liên Xô - những bài học từ thực tiễn lịch sử
Thứ tư, 19 Tháng 6 2013 14:30
4677 Lượt xem

Mô hình tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Liên Xô - những bài học từ thực tiễn lịch sử

(LLCT) - Những khiếm khuyết của mô hình CNXH Xôviết nói chung và mô hình tổ chức hệ thống chính trị và Đảng cầm quyền nói riêng, nguyên nhân trực tiếp của nó là mất dân chủ trong Đảng cũng như toàn xã hội; sự tha hoá biến chất đội ngũ cán bộ cao cấp của Đảng và đường lối sai lầm, khiến Đảng Cộng sản Liên Xô phân liệt, tan rã, dẫn đến Liên bang Xôviết khủng hoảng, sụp đổ. Đó là kết cục đau xót song rất đáng để chúng ta suy ngẫm và rút kinh nghiệm.

Sau khi V.I.Lênin mất (năm 1924), CNXH Xôviết được xây dựng theo phương thức:

- Thực hiện công nghiệp hóa với tốc độ nhanh, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng để tạo ra nền đại công nghiệp cơ khí - cơ sở vật chất của CNXH.

- Tiến hành cải tạo XHCN, xóa bỏ mọi hình thức sở hữu tư nhân, cả sở hữu cá nhân của người sản xuất nhỏ, thiết lập chế độ công hữu dưới hai hình thức toàn dân và tập thể.

- Xóa bỏ thị trường tự do, thiết lập sự quản lý, điều hành nền kinh tế tập trung theo kế hoạch Nhà nước, trao đổi sản phẩm dưới hình thức giao nộp từ dưới lên và cấp phát từ trên xuống, không có sự trao đổi trực tiếp giữa các đơn vị sản xuất.

- Thực hiện phân phối theo lao động, thực chất là phân phối mang tính chất đẳng cấp (theo chức vụ, cấp bậc) và bình quân bao cấp.

- Kiến trúc thượng tầng xã hội được thiết lập thuần nhất về tư tưởng chính trị và thể chế chính trị. Hệ tư tưởng Mác - Lênin và quan điểm đường lối của Đảng là thống soái, hệ thống chính trị nhất nguyên do Đảng Cộng sản lãnh đạo; Đảng Cộng sản cầm quyền ở đỉnh cao quyền lực, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội chỉ là cánh tay nối dài của Đảng, thừa hành những quyết định của Đảng.

Cấu trúc xã hội kiểu như vậy ở Liên Xô được áp dụng phổ biến ở các nước XHCN Đông Âu.

Trong những năm đầu sau khi thiết lập, mô hình CNXH Xôviết đã tỏ rõ tính ưu việt và sức mạnh ở những điểm sau:

- Trên phạm vi toàn xã hội không còn giai cấp bóc lột. Mọi thành viên xã hội đều là người làm công ăn lương, dưới sự quản lý điều hành của những người cộng sản hết lòng vì sự nghiệp chung quên cả chính bản thân mình, với khí thế hào hứng phấn khởi của những năm đầu cách mạng thắng lợi... đã tạo nên một cao trào lao động quên mình của toàn xã hội. Nhờ vậy mà Liên Xô có bước tiến kỳ diệu, tốc độ tăng trưởng GDP đạt hai con số (trên 10%) trong suốt 10 năm, chỉ sau hai kế hoạch 5 năm, đất nước Xôviết đã trở thành cường quốc về kinh tế và quân sự (từ năm 1929 - 1930 đến năm 1939 - 1940).

- Nhà nước nắm giữ mọi nguồn lực của xã hội, do vậy mà có thể tập trung xây dựng công nghiệp nặng, đặc biệt là công nghiệp quốc phòng để có thể chống lại chiến tranh phátxít; xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội; giải quyết phúc lợi xã hội, đặc biệt là đảm bảo giáo dục, y tế có chất lượng không mất tiền đối với tất cả mọi người.

- Liên Xô đã giúp đỡ các nước thuộc địa, phụ thuộc đấu tranh chống đế quốc, giành độc lập dân tộc, góp phần làm tan rã hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

- Liên Xô là lực lượng quyết định đánh tan phátxít, cứu loài người khỏi tai họa chiến tranh.

Song, CNXH Xôviết ra đời trong điều kiện đặc biệt:

- Cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, CNTB đã bộc lộ rõ bản chất dã man: chế độ tư hữu tư bản đã làm tha hóa, bần cùng người lao động; thị trường tự do tư bản đã phát sinh những cuộc khủng hoảng chu kỳ hủy hoại của cải xã hội, gây tai họa cho con người; các nước đế quốc đem quân đi xâm lược các nước lạc hậu, biến các nước này thành thuộc địa và phụ thuộc của chúng; gây chiến tranh để chia lại thị trường thế giới. CNXH Xôviết ra đời như một thái cực ngược lại để chống lại sự dã man ấy: xóa bỏ tư hữu, bỏ thị trường tự do, thiết lập nền kinh tế kế hoạch để khắc phục khủng hoảng; giúp đỡ các nước thuộc địa phụ thuộc chống đế quốc giành độc lập dân tộc; chống lại chiến tranh đế quốc...

- Khi ra đời cũng như trong quá trình tồn tại Liên Xô nằm trong vòng bao vây của chủ nghĩa đế quốc và luôn bị đe dọa bởi chiến tranh đế quốc. Để chống lại sự bao vây, xâm lược từ bên ngoài, cần tạo nên sự đồng nhất, thống nhất bên trong nên không chấp nhận hay cho phép tồn tại những nhân tố khác biệt trong kinh tế, chính trị, tư tưởng. Có thể nói mô hình CNXH Xôviết mang tính chất "quân sự" (mọi người đoàn kết thành một khối, chung một ý chí, một hành động) đã chống lại rất có hiệu quả những cuộc xâm lược từ bên ngoài.

- CNXH Xôviết được xây dựng dựa trên cơ sở nền đại công nghiệp cơ khí có khả năng cải tạo nông nghiệp. Với tiền đề vật chất như vậy chưa có thể xây dựng được một xã hội mang những đặc trưng của CNXH khoa học.

- CNXH sinh ra trên mảnh đất nước Nga và các nước cộng hòa trong Liên bang Xôviết, là nơi còn nhiều tàn tích của chế độ nông nô, nước Nga lại có truyền thống của chế độ chuyên chế, đặc điểm lịch sử ấy in dấu vào tiến trình thiết lập chế độ XHCN ở Liên Xô.

Do những điều kiện trên mà mô hình CNXH Xôviết tất yếu chứa đựng những khuyết tật lịch sử.

- Về kinh tế, việc xóa bỏ sở hữu tư nhân, sở hữu cá nhân, chính là xóa bỏ lợi ích tư nhân, lợi ích cá nhân gắn với các loại hình sở hữu ấy và cũng chính là xóa bỏ động lực hoạt động của con người - đồng thời là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện kinh tế - xã hội của thế kỷ XX và cả hiện nay, động lực của lợi ích cộng đồng tác động không trực tiếp và mạnh mẽ bằng động lực của lợi ích tư nhân, cá nhân và càng không thể thay thế được động lực tư nhân, cá nhân. Chính vì vậy mà các chủ thuyết về "chủ thể", "làm chủ tập thể" với mong muốn chỉ dùng động lực tập thể để phát động con người xây dựng xã hội mới đã không thành công trong thực tiễn. Việc xóa bỏ thị trường tự do, nghĩa là dùng ý chí và hành động chủ quan ngăn cản tác động của quy luật giá trị, cung cầu, cạnh tranh... đã hạn chế đổi mới kỹ thuật - công nghệ, hạn chế sức sáng tạo của con người. Phát minh khoa học - kỹ thuật của Liên Xô không thua kém các nước tư bản phát triển, nhưng ứng dụng vào sản xuất rất chậm, chỉ nhanh ở lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và chinh phục không gian vũ trụ. Vào những năm 60, 70 của thế kỷ XX và các thập kỷ tiếp theo, trên thế giới diễn ra cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, trong khi các nước tư bản với nền kinh tế thị trường và sở hữu tư nhân đã tiếp thu khoa học - công nghệ rất nhanh và có những bước tiến nhảy vọt về năng suất lao động, về đời sống kinh tế - xã hội thì các nước XHCN với nền kinh tế kế hoạch hóa phi thị trường và chế độ công hữu thì tiếp thu khoa học - công nghệ rất chậm, năng suất lao động thấp, nền kinh tế trì trệ khủng hoảng.

- Đời sống kinh tế - xã hội luôn sống động, phong phú và biến động không ngừng. Còn tổ chức và phương thức hoạt động của Nhà nước mang tính chất quan liêu, hoạt động theo chỉ thị mệnh lệnh hành chính... Mà nền kinh tế kế hoạch hóa dựa trên chế độ công hữu lại được điều hành, chỉ huy trực tiếp bởi bộ máy nhà nước. Để điều hành được kinh tế - xã hội thì tổ chức bộ máy nhà nước phải phình to ra, mà ngày càng phình to ra thì nó càng quan liêu bất lực. Những năm 70, 80 thế kỷ trước, bộ máy hành chính của Liên Xô với hàng chục triệu người không chỉ điều hành kém hiệu quả nền kinh tế, mà còn là lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Hơn nữa, xóa bỏ thị trường tự do còn xóa bỏ cơ chế tự điều chỉnh của "bàn tay vô hình" (thực hiện sự cân đối và tái cấu trúc theo yêu cầu khách quan của nền kinh tế), thay vào đó là nền kinh tế hoạch hóa, thực hiện cân đối liên ngành và tái cấu trúc nền kinh tế duy ý chí, chủ quan bằng những chỉ tiêu pháp lệnh. Thực tế cho thấy không thể thực hiện được sự cân đối liên ngành chỉ bằng kế hoạch hóa. Cấu trúc nền kinh tế các nước XHCN trước đây rất bất hợp lý, nó bộc lộ ra rõ rệt nhất là khi các nước này thực hiện công cuộc cải tổ, cải cách, đổi mới. Như vậy, nhà nước vốn là tổ chức quan liêu, nhưng trong thể chế Xôviết sự quan liêu của nó lại tăng lên gấp bội và những con người hoạt động trong hệ thống ấy cũng không thoát khỏi tệ quan liêu.

Nhà nước quan liêu đồng thời cũng chính là Đảng quan liêu. Bởi vì, hệ thống chính trị Xôviết được tổ chức dưới hình thức nhất nguyên, chỉ có Đảng Cộng sản lãnh đạo, Đảng ở đỉnh cao quyền lực, Nhà nước chỉ là cánh tay nối dài thừa hành quyết định của Đảng. Thực chất Đảng cũng là bộ máy hành chính nhà nước, được tổ chức song trùng với bộ máy nhà nước.

Hệ thống tổ chức các cấp của Đảng tương ứng với hệ thống tổ chức các cấp của chính quyền nhà nước. Ở Trung ương, dưới Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và Ủy viên Ban Kiểm tra Trung ương có tới trên dưới 30 ban chuyên môn của Đảng tương ứng với trên dưới 30 cơ quan chuyên môn của chính quyền nhà nước. Trong các ban của Đảng lại có các vụ chức năng, dưới các vụ lại có các phòng chức năng. Ở các nước cộng hòa, ở các cấp địa phương như các thành phố, các vùng, các tỉnh, các huyện cũng có tới trên 20 cơ quan chuyên môn của Đảng tương ứng với trên 20 cơ quan chuyên môn của chính quyền nhà nước. Trong quá trình phát triển của Liên Xô, tính chất song trùng giữa cơ quan Đảng và Nhà nước ngày càng tăng, các cơ quan của Đảng ngày càng phình to ra, lấn át cả cơ quan nhà nước. Hơn nữa, do tính chất song trùng nên chức năng giữa các cơ quan Đảng và Nhà nước chồng chéo nhau, không được phân định rõ ràng, triệt tiêu sức mạnh của nhau.

Sự quan liêu hóa trong bộ máy Đảng và Nhà nước chính là sự tha hóa. Đảng và Nhà nước sinh ra từ cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân, được nhân dân ủy quyền để thừa hành quyền lực của nhân dân trở thành xa lạ đối với nhân dân.

Hệ thống chính trị Xôviết tuy được hình thành bởi ba chủ thể quyền lực Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị, nhưng mọi quyền lực tập trung ở Đảng cầm quyền, không có sự kiểm soát quyền lực giữa các chủ thể quyền lực trong hệ thống chính trị. Quyền lực tập trung ở Đảng cầm quyền, nhưng thực chất là tập trung ở một số người, thậm chí ở người lãnh đạo cao nhất của Đảng. Quyền lực của Tổng Bí thư, của Bộ Chính trị là tối thượng, không có sự kiểm soát. Đó là điều kiện khách quan làm nảy sinh và phát triển bệnh chủ quan, độc đoán.

Nguyên nhân trực tiếp của sự chuyên quyền là do mất dân chủ, trước hết là mất dân chủ trong Đảng. Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhưng trong thực tế nặng về tập trung, rất ít dân chủ hoặc dân chủ hình thức. Đại hội Đảng là biểu hiện dân chủ cơ bản nhất, cao nhất, nhưng trong thực tế nhiều khi chỉ là hình thức. Bởi vì hai nội dung cơ bản của Đại hội là ra nghị quyết và bầu cấp ủy mới, đều được sắp đặt trước, ra Đại hội chỉ là thông qua, nếu có thay đổi cũng không đáng kể, không có sự tranh luận công khai trong Đại hội, không cho phép nêu ra những quan điểm trái với nội dung đã chuẩn bị. Đại hội, đúng ra phải là nơi tập trung tinh hoa trí tuệ của toàn Đảng, lại là nơi hợp pháp hóa những ý đồ chính trị của một số người, thậm chí của một người.

Mất dân chủ thể hiện ở chế độ nắm giữ quyền lực và tuyển lựa người nắm giữ quyền lực trong Đảng. Đã trở thành Tổng Bí thư thì được nắm giữ quyền lực suốt đời, khi nào chết mới chuyển giao cho người khác. Ở Liên Xô, không ít trường hợp, sau khi tổ chức quốc tang cho người đứng đầu Đảng và Nhà nước mới chính thức cử người thay thế. Sự giao quyền có thời hạn không được áp dụng trong Đảng Cộng sản Liên Xô trước đây. Việc chọn người kế vị các chức vụ trong Đảng theo cách truyền ngôi, chủ yếu do người đứng đầu lựa chọn quyết định (sự thông qua tập thể, trong nhiều trường hợp chỉ là hình thức). Sự lựa chọn này thường được chuẩn bị trước khi người lãnh đạo chết hoặc không còn sức đảm nhận công việc. Người có thể được lựa chọn là người kế vị trước hết phải được lòng thủ trưởng, muốn vậy phải có đức tính là biết phục tùng và biết xu nịnh. Người có tài năng, trung thực thường ít được lựa chọn. Do vậy mà qua nhiều thế hệ đội ngũ cán bộ ngày càng suy thoái, xu hướng cơ hội ngày càng phát triển. Vì vậy cũng có thể hiểu được vì sao người phản bội lại mục tiêu lý tưởng của Đảng ở Liên Xô lại là Tổng Bí thư cuối cùng của Đảng. Việc quy hoạch, đào tạo, đề bạt, sử dụng cán bộ thường do một số người quyết định (bí thư, phó bí thư và trưởng ban tổ chức), thực chất là cơ chế chia quyền, ban phát quyền lực. Những người trong bộ phận này nếu trung thực khách quan thì lựa chọn được đội ngũ cán bộ có năng lực phẩm chất cho Đảng, nếu là những người cơ hội thì chọn lực lượng cơ hội cho Đảng. Xu hướng cơ hội lại dễ nảy sinh chính trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo cầm quyền. Độc quyền, mất dân chủ tất yếu dẫn đến tha hóa, hình thành lực lượng cơ hội trong Đảng, nảy sinh xu hướng phân liệt trong Đảng, mặc dù bề ngoài Đảng vẫn là một khối thống nhất.

Mất dân chủ trong Đảng là nguồn gốc sinh ra mất dân chủ trong đời sống xã hội. Trước hết là mất dân chủ trong bầu cử. Ở Liên Xô và các nước XHCN trước đây áp dụng chế độ Đảng cử, dân bầu. Đảng cử ra một số người để nhân dân bầu vào cơ quan nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội. Nhân danh là Đảng cử, nhưng thực chất chỉ là một số người cử - thường vụ cấp ủy cử, không ít trường hợp bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức cử. Một số người cử để quần chúng nhân dân bầu, ngoài ra không còn ai được cử nữa. Hơn nữa, thường vụ các cấp ủy (một số người) còn quyết định việc đào tạo, bổ nhiệm, sử dụng đội ngũ cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng... Sự độc quyền, mất dân chủ cũng tất yếu dẫn đến sự tha hóa trong phạm vi toàn xã hội - hình thành những êkíp, những tầng lớp đặc quyền đặc lợi trong xã hội từ những người được quan tâm đào tạo, bổ nhiệm, sử dụng.

Mất dân chủ thể hiện ở việc ra quyết định và thực thi quyết định nhà nước:

Cơ quan Đảng, tập trung ở thường vụ các cấp ủy, thậm chí ở một số người có quyền can thiệp vào lập pháp, hành pháp và tư pháp của Nhà nước. Các đoàn thể chính trị - xã hội của quần chúng là những tổ chức thụ động chấp hành các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Như vậy, đời sống xã hội phong phú, muôn vẻ, sinh động phải khuôn theo, phục tùng ý chí của Đảng. Hơn nữa mọi sức sáng tạo của quần chúng bị hạn chế, quần chúng nhân dân không tự vươn lên, tự giải quyết các nhu cầu bằng những tổ chức tự nguyện, tự chủ và tự quyết của mình. Vị trí quan trọng và sức sáng tạo của các tổ chức quần chúng trong việc giải quyết những vấn đề đặt ra của đời sống xã hội lại không được thể hiện rõ nét ở xã hội Xôviết trước đây.

Mất dân chủ thể hiện ở việc xác lập hệ tư tưởng chủ đạo. Bất cứ một giai cấp, một chính đảng nào khi trở thành lực lượng cầm quyền đều muốn hệ tư tưởng của mình thành hệ tư tưởng chủ đạo đối với toàn xã hội. Việc áp dụng các giải pháp để làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành hệ tư tưởng của toàn dân là việc làm tất yếu của Đảng Cộng sản cầm quyền. Song, không có nghĩa chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin là độc tôn, duy nhất, không cho phép tồn tại những quan điểm khác biệt. Trong thực tế pháp luật ngăn cấm những tư tưởng khác biệt, ai có quan điểm trái với quan điểm chính thống thường bị quy kết cơ hội, xét lại, thậm chí còn bị truy bức, ám hại. Một số nhà khoa học chân chính đã bị bức hại dưới thời Xtalin. Sự đồng nhất một chiều về quan điểm tư tưởng, rất ít có sự phản biện, phê phán về sai lầm yếu kém tạo nên hệ quả nguy hiểm. Vì bị ngăn cấm nên những quan điểm tư tưởng khác biệt, đối lập vẫn tồn tại như những mạch nước ngầm nảy sinh từ trong nước và thẩm thấu từ bên ngoài vào. Khi có điều kiện những mạch nước ngầm ấy hợp thành dòng nước, từ ngấm ngầm trở thành công khai tiến công trực diện vào hệ tư tưởng chủ đạo. Quan điểm tư tưởng xã hội chuyển cực, từ  ca ngợi Đảng sang phê phán Đảng, từ khẳng định tính chất đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin sang phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, từ khẳng định con đường đi lên CNXH và CNCS là tất yếu sang cho rằng đó là sai lầm lịch sử, từ ca ngợi người cộng sản là anh hùng sang cho rằng người cộng sản đã gây nên nhiều tội ác... Sự chuyển cực về quan điểm tư tưởng lại không phải diễn ra trong quần chúng nhân dân, mà lại diễn ra ở một số nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Những người này khi đương chức đương quyền tỏ ra là người cách mạng, thể hiện mình có quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, có lập trường giai cấp, trung thành với Đảng, với nhân dân, nhưng trong lòng họ thì ngược lại, vì thực chất họ đã tha hoá, khi có cơ hội họ công khai từ bỏ mục tiêu lý tưởng, từ bỏ Đảng, chống lại Đảng. Còn những người  chỉ biết ca ngợi một chiều về Đảng, về cách mạng, về CNXH và CNCS... không thường xuyên đương đầu với những quan điểm đối lập, cho nên không đủ sức đứng vững trong cơn lốc của những trào lưu tư tưởng đối lập. Mất dân chủ trong việc xác lập hệ tư tưởng sinh ra tha hoá về tư tưởng trong đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước. Tha hoá về tư tưởng quan điểm có quan hệ với những tha hoá khác trong đời sống hiện thực.

Nhân dân Liên Xô đã đi theo Đảng Cộng sản Liên Xô làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười, xây dựng đất nước và giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh Vệ quốc chống phátxít. Niềm tin vào Đảng trong những giai đoạn khó khăn đó cũng là một sự ủy quyền chính đáng nhất đối với Đảng. Song, niềm tin không phải là vĩnh viễn, không thay đổi. Liên Xô đã trải qua ba thế hệ cán bộ lãnh đạo: thế hệ trưởng thành trong Cách mạng Tháng Mười, thế hệ trưởng thành trong chiến tranh chống phátxít, thế hệ trưởng thành sau hoà bình. Nhưng sự tha hoá của thế hệ thứ ba, sự phản bội lại mục tiêu của Cách mạng Tháng Mười đã làm cuộc cách mạng bị phản bội và nhân dân bị mất quyền.

Trong xã hội dân chủ sự ủy quyền có thời hạn đối với các chủ thể cầm quyền như một giải pháp lớn của nhân loại nhằm hạn chế lạm quyền, chuyên quyền, tha hoá quyền lực không chỉ cần thiết đối với cá nhân người cầm quyền, mà còn cần thiết đối với cả Đảng cầm quyền. Đảng Cộng sản Liên Xô đã không nhận thức rõ điều đó để luôn sửa đổi mình và giữ được vai trò lãnh đạo.

Từ những sự phân tích trên ta thấy: những khiếm khuyết của mô hình CNXH Xôviết nói chung và mô hình tổ chức hệ thống chính trị và Đảng cầm quyền nói riêng, nguyên nhân trực tiếp của nó là mất dân chủ trong Đảng cũng như toàn xã hội; sự tha hoá biến chất đội ngũ cán bộ cao cấp của Đảng và đường lối sai lầm, khiến Đảng Cộng sản Liên Xô phân liệt, tan rã, dẫn đến Liên bang Xôviết khủng hoảng, sụp đổ. Đó là kết cục đau xót song rất đáng để chúng ta suy ngẫm và rút kinh nghiệm.

 

GS, TS Lưu Văn Sùng

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

 


(*).

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền