Trang chủ    Quốc tế    Hợp tác Mỹ - các nước tiểu vùng sông Mê Công đầu thế kỷ XXI
Thứ tư, 19 Tháng 6 2013 14:42
4404 Lượt xem

Hợp tác Mỹ - các nước tiểu vùng sông Mê Công đầu thế kỷ XXI

(LLCT)-Bước sang thế kỷ XXI, sông Mê Công đang được thế giới biết đến với những chương trình hợp tác xuyên quốc gia, xuyên châu lục. Sự có mặt của một số nước lớn trong các sáng kiến hợp tác với khu vực Mê Công chứng tỏ sức hấp dẫn từ vị trí chiến lược của khu vực này. Các sáng kiến hợp tác trong khu vực Mê Công như: GMS, Mê Công với nước thứ ba (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia..), đặc biệt là hợp tác Mỹ - Mê Công  đang góp phần làm nên “một tinh thần sông Mê Công” hướng tới sự phát triển bền vững, hòa trong nhịp đập sôi động của khu vực Đông Nam Á hiện nay.    

Sông Mê Công dài 4.800 km, là con sông lớn thứ 12 trên thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc) chảy qua các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và đổ ra Biển Đông. Hạ lưu sông Mê Công được tính từ vùng “tam giác vàng” là vùng ranh giới giữa Thái Lan, Myanma và Lào, chiếm tới 77% tổng diện tích lưu vực. Châu thổ sông Mê Công là vùng ngập lụt tính từ hạ lưu Kratie (Campuchia) có diện tích 49.520 km2, trong đó diện tích châu thổ thuộc Việt Nam là 39 nghìn km2, chiếm tới 79%. Lưu lượng sông Mê Công tương đương với sông Mississippi (Mỹ), giàu phù sa, rất biến thiên với hai mùa mưa nắng. Sự đa dạng sinh học của sông Mê Công chỉ đứng thứ hai sau sông Amazon. Tài nguyên lưu vực sông Mê Công có thể nuôi dưỡng 70 triệu cư dân trong lưu vực. Chỉ tính riêng nguồn cá, sông Mê Công đã đem lại hơn 2 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho các nước trong lưu vực. Nếu như trước đây sông Mê Công được coi là biên giới quốc gia, thì ngày nay nó lại là cầu nối giữa các quốc gia trong khu vực khi tham gia giải quyết những vấn đề chung. Đặc biệt, với vị trí chiến lược của khu vực Mê Công, các nước tiểu vùng sông Mê Công cũng đang trở thành điểm đến của các nước lớn trên thế giới, đặc biệt là Mỹ. 

Thập niên đầu thế kỷ XXI, khu vực sông Mê Công trở thành điểm trọng yếu của các chương trình hợp tác xuyên quốc gia. Năm 1992, Ngân hàng phát triển châu Á đã đưa ra sáng kiến “Chương trình hợp tác tiểu vùng sông Mê Công mở rộng - GMS”. Đây là chương trình hợp tác hoàn chỉnh nhất trong hợp tác tiểu vùng Mê Công, gồm các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và tỉnh Vân Nam, tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. GMS ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng, viễn thông, du lịch, thương mại - đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và môi trường.           

Không chỉ có các nước liên quan tới sông Mê Công quan tâm và tham gia sáng kiến GMS, mà ngay các nước lớn trên thế giới cũng nhận thấy sự có mặt của họ tại khu vực sông Mê Công là cần thiết, trong đó có Nhật Bản và Mỹ. Nếu như Nhật Bản đã chủ động đẩy nhanh hoạt động hợp tác với các nước tiểu vùng sông Mê Công thông qua các sáng kiến “Mê Công xanh”, “Chương trình hành động 63 điểm”, “Thập kỷ Mê Công xanh” thì Mỹ cũng tích cực đưa ra các sáng kiến hợp tác với các nước vùng hạ lưu sông Mê Công (gọi tắt là các nước Mê Công). Điều này được giới nghiên cứu nhận thức như một sự trở lại khá linh hoạt và mềm dẻo của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á. Họ nhìn nhận đằng sau sự “quay trở lại” đó còn là sự thể hiện vai trò không thể thiếu của Mỹ nhằm đối trọng với Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á nói chung và với tiểu vùng sông Mê Công nói riêng.           

Tháng 7-2009, Mỹ tổ chức cuộc gặp giữa bộ trưởng ngoại giao các nước Mê Công và Mỹ bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ công bố chính thức tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Phuket (Thái Lan) một “Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Công” (Lower Mekong Initiative - LMI). Mục đích của sáng kiến là đẩy mạnh hợp tác, trợ giúp về môi trường, y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng của Mỹ đối với các nước thuộc hạ lưu sông Mê Công, bao gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Các nước Mê Công đều bày tỏ hoan nghênh và quan tâm đến sáng kiến hợp tác và cho rằng sáng kiến này của Mỹ là kịp thời và bổ sung cho các cơ chế khác hiện có. Mỹ đánh giá cao sự ủng hộ của các nước và coi đây là một cuộc gặp mang tính lịch sử, mở ra một cơ chế hợp tác mới. Mục tiêu địa - chính trị của sáng kiến này nằm trong chính sách “quay trở lại Đông Nam Á” của Mỹ. Đúng như lời khẳng định của Ngoại trưởng Hillary Clinton: “Mỹ đang trở lại Đông Nam Á, và Mỹ hợp tác trọn vẹn với các đối tác trong khu vực này trong một loạt những thách thức đang đe đọa mọi người”; Còn Thượng Nghị sĩ Jim Webb thì khẳng định: “Mỹ và cộng đồng thế giới có một cam kết chiến lược và nghĩa vụ tinh thần nhằm bảo vệ sức khỏe và an sinh của cư dân sống phụ thuộc vào con sông Mê Công cùng với nguồn tài nguyên và nếp sống của họ”(1).          

Để khẳng định sự có mặt của Mỹ tại khu vực hạ lưu sông Mê Công, ngay sau đó, một Thông cáo có thể nói là chưa hề có từ trước tới nay giữa Mỹ và các nước Mê Công đã được ban bố rộng rãi liên quan tới những vấn đề quan tâm chung, đặc biệt là trong các lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục và phát triển hạ tầng. Ngoại trưởng Mỹ đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của vùng hạ lưu sông Mê Công và mỗi quốc gia Mê Công đối với Mỹ, cùng với cam kết hỗ trợ nhằm đảm bảo hòa bình và thịnh vượng cho khu vực Đông Nam Á. Tại Hội nghị, các ngoại trưởng đã thảo luận sôi nổi về các lĩnh vực: ảnh hưởng biến đổi khí hậu và cách ứng phó hiệu quả; phòng chống bệnh truyền nhiễm; mở rộng ứng dụng kỹ thuật cho giáo dục và đặc biệt quan tâm phát triển vùng nông thôn cũng như phát triển hạ tầng. Các bộ trưởng ngoại giao Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam cũng ghi nhận sự hợp tác chặt chẽ hơn của Mỹ với các nước hạ lưu Mê Công hiện nay nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững trong vùng. Sau những thảo luận chung đó, ngoại trưởng các nước đã xét duyệt những nỗ lực chung đang tiến hành và đồng ý mở ra những lĩnh vực hợp tác mới.   

Từ năm 2009 đến nay, LMI nhận được sự hưởng ứng tích cực của các quốc gia trong khu vực hạ lưu sông Mê Công. Mỹ đã triển khai, mở rộng nhiều dự án giúp các nước này nâng cao năng lực quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ sông Mê Công đem lại. Hai sáng kiến nổi bật của hợp tác Mỹ - Mê Công là: “Chương trình Dự báo Mê Công” (2009) và “Sáng kiến kết nghĩa giữa hai Ủy hội sông Mê Công và sông Mississippi” (2010).   

“Chương trình Dự báo Mê Công” (Mekong Forcast) phát triển từ chương trình Quan trắc toàn cầu và nghiên cứu đồng bằng - DRAGON (Delta Research and Global Observation
Network). Tháng 12-2009, Trung tâm nghiên cứu đất ngập nước quốc gia, thuộc cơ quan nghiên cứu địa lý Mỹ (USGS) đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ của Việt Nam triển khai mạng lưới “Quan trắc toàn cầu và nghiên cứu đồng bằng” nhằm chia sẻ kiến thức về kỹ thuật và các công cụ giúp đồng bằng sông Mê Công ứng phó với các thay đổi do biến đổi khí hậu gây ra. USGS đã phát triển một công cụ đa truyền thông mới với tên gọi “Chương trình Dự báo Mê Công” để mô phỏng những tác động có thể đối với sông Mê Công và vùng đồng bằng do hiện tượng biến đổi khí hậu và phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là việc xây dựng đập thủy điện gây ra tại khu vực tiểu vùng sông Mê Công. Đây là sáng kiến Mỹ tỏ ra đặc biệt quan tâm. Hiện nay, Mỹ đang đang cùng với Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam triển khai “Chương trình Dự báo Mê Công”.       

Để triển khai sáng kiến này, Mỹ cam kết tài trợ cho các lĩnh vực mà các nước lưu vực sông Mê Công đang thật sự khó khăn, đó là: môi trường, y tế, giáo dục và phát triển kết cấu hạ tầng. Chương trình này kéo dài 3 năm nhằm giúp các nước ở hạ lưu sông Mê Công triển khai các chiến lược về các vấn đề cần thiết  nêu trên, đặc biệt là nhằm đối phó với tác động do biến đổi khí hậu gây ra cho các nguồn nước và an ninh lương thực. Năm 2009, Mỹ đã tài trợ cho các nước ở hạ lưu sông Mê Công như sau:          

Lĩnh vực môi trường: 7 triệu USD dành cho các chương trình môi trường trong vùng Mê Công, bao gồm: phát triển dự án “Dự báo Mê Công”, một công cụ mô hình có khả năng dự báo để minh họa tác động của biến đổi khí hậu và các thách thức khác đối với sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mê Công. Hai Ủy hội sông Mê Công và sông Mississippi sẽ chia sẻ những kinh nghiệm chung trong quản lý các nguồn tài nguyên xuyên biên giới; hỗ trợ các dự án nhằm thúc đẩy việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước và rừng, bảo tồn sự đa dạng sinh học của lưu vực sông Mê Công và tăng việc tiếp cận nguồn nước uống an toàn cho dân cư lưu vực Mê Công.            

Lĩnh vực y tế: 138 triệu USD, tập trung vào điều trị và phòng chống các bệnh lây nhiễm như HIV/AIDS, sốt rét và bệnh lao kháng thuốc, tổng dịch cúm, triển khai một hội nghị chuyên đề Mỹ - Mê Công về các bệnh truyền nhiễm trong vùng.     

Lĩnh vực giáo dục: 16 triệu USD để hỗ trợ học bổng cho hơn 500 sinh viên và các chương trình trao đổi học giả với các nước tiểu vùng sông Mê Công thông qua chương trình Fulbright và các chương trình giáo dục khác, đồng thời hỗ trợ việc tăng số lượng học sinh tiếp cận với giáo dục cơ bản và mở rộng kết nối internet băng thông rộng tại các vùng nông thôn.   

Năm 2010, Mỹ và các nước Mê Công đã ký kết thỏa thuận thiết lập “Quan hệ đối tác sông chị em Mississippi - Mê Công” nhằm phát triển năng lực kỹ thuật và các công cụ tiên tiến, đồng thời xây dựng năng lực thể chế cho các nước lưu vực Mê Công.         

Hai Ủy hội đã ký “Ý Định thư” - (Letter of Intend) nhấn mạnh vào hợp tác trên các lĩnh vực: ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai, cấp nước cho sinh hoạt, và an ninh lương thực. Về phương diện chính quyền, cả hai Ủy hội đều thống nhất cần thiết lập ngay một mạng lưới “tùy viên môi sinh” đặc trách sông Mê Công trong các đại sứ quán và lãnh sự quán tại các quốc gia trong lưu vực. Các tổ chức này sẽ là “tai mắt”, là trạm quan sát sống cho Phân khoa sông Mê Công của Đại học Cần Thơ và Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam. Đại học Cần Thơ sẽ như “một trung tâm trí tuệ của sông Mê Công” có tầm quốc tế: là trung tâm nghiên cứu, giảng dạy nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho toàn lưu vực Mê Công. Hai Ủy hội cũng nhận thức rằng, sự hợp tác này cần có tầm nhìn xa hàng trăm năm sau cho dòng Mê Công thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực cho các nước Mê Công với “một tinh thần sông Mê Công” trong toàn bộ hợp tác và phát triển vùng.      

Năm 2010, tại Hà Nội, trong khuôn khổ hợp tác Mỹ - Mê Công (LMI), bộ trưởng ngoại giao các nước đã nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác Mỹ - các nước tiểu vùng sông Mê Công trong các lĩnh vực quan tâm chung. Mỹ đã cam kết nâng tổng ngân sách 147 triệu USD cho các chương trình y tế, trong đó tập trung vào việc ứng phó với những đại dịch có thể xảy ra. Lĩnh vực môi trường được trợ giúp thêm 22 triệu USD. Ngoài ra Mỹ cũng cam kết bổ sung thêm 15 triệu USD nhằm hỗ trợ cải thiện an ninh lương thực tại các nước lưu vực sông Mê Công(2).      

Từ nguồn tài trợ này, năm 2010 các nước hạ lưu Mê Công đã nhanh chóng triển khai các chương trình đối phó với các mối đe dọa mới về an ninh lương thực, mối đe dọa xuất phát từ động vật, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân dân lưu vực Mê Công. Chương trình này còn giúp đào tạo các chuyên viên y tế và thú y trong việc phát hiện, truy tìm và khống chế dịch bệnh bộc phát; triển khai việc nghiên cứu phát hiện những loại thuốc thiếu tiêu chuẩn, thuốc giả đang lưu hành ở các nước hạ lưu Mê Công; phát hiện loại sốt rét đã kháng thuốc và tìm ra loại thuốc mới trong điều trị bệnh sốt rét.      

Đặc biệt, đối với việc phòng, chống và chữa trị đại dịch HIV/AIDS tại các nước hạ lưu sông Mê Công, nguồn tài trợ của Chính phủ Mỹ đã phát huy tác dụng trong việc chăm sóc và trị liệu cho hơn 2 triệu người khắp khu vực Mê Công: làm giảm bớt 50% mức lây lan HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư ở Campuchia; hỗ trợ Thái Lan thực hiện kế hoạch thử nghiệm lâm sàng lớn nhất từ trước đến nay để tìm ra một loại vắcxin vừa an toàn, vừa hiệu quả để ngăn ngừa lây nhiễm HIV; hỗ trợ Việt Nam 90 triệu USD nhằm cung ứng các loại thuốc đặc trị trong lĩnh vực y tế, góp phần đảm bảo sức khỏe của người dân.         

Năm 2011, nhằm mục đích phát triển khả năng quản lý thảm họa cho các nước vùng hạ lưu sông Mê Công, Việt Nam và Mỹ đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Quản lý thảm họa hạ nguồn sông Mê Công”. Trong hội thảo, Mỹ cùng các thành viên từ bốn nước hạ nguồn sông Mê Công là Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm thực tế về các vấn đề như quản lý lũ lụt, chuẩn bị và ứng phó với thảm họa, thiếu nước và lương thực, các vấn đề sức khoẻ công chúng, kiểm soát dịch bệnh. Hội thảo là một phần của sáng kiến hạ nguồn sông Mê Công, nhằm tăng cường hợp tác trong khu vực để đối phó tốt hơn với những thách thức chung và các cơ hội trong lĩnh vực giáo dục, môi trường, y tế và cơ sở hạ tầng.        

Năm 2012, hợp tác Mỹ - Mê Công cùng hướng tới chương trình “Nước và an ninh lương thực” (Water and Food Security) do Liên hợp quốc phát động. Không phải ngẫu nhiên mà Liên hợp quốc đã chọn logo của “Ngày nước thế giới” (Water Day 2012) mang rất nhiều ý nghĩa của hình tượng “nhánh lúa và cá”. Đây cũng là biểu tượng cho nguồn lương thực của con sông Mê Công. Thế giới đã biết đến một nền “văn minh lúa nước và cá ở khu vực sông Mê Công”. Nền văn minh ấy hiện đang gặp nhiều thách thức, rất cần đến sự tăng cường hợp tác của các nước trên thế giới đối với Mê Công.      

Có thể nhận thấy, bước đầu những khoản trợ giúp của Mỹ chưa phải là lớn. Nguồn vốn này còn mang tính chất tượng trưng hơn là đầu tư thật sự tương xứng với tầm vóc của một cường quốc như Mỹ cũng như nhu cầu của các nước trong lưu vực Mê Công. Tuy nhiên, sự có mặt của Mỹ tại lưu vực sông Mê Công cùng với những kết nối chủ động từ phía Mỹ với các tổ chức tài trợ như ADB và WB (thông qua cơ chế “Nhóm bạn Mê Công” - Friends of the Mekong), lại mang ý nghĩa quan trọng. Bước đầu, hợp tác Mỹ đã kết hợp cả “hai quyền lực mềm và khôn ngoan” để khẳng định sự có mặt của Mỹ tại các nước tiểu vùng sông Mê Công. Giới nghiên cứu quốc tế nhận định, hợp tác Mỹ - Mê Công không có “hỏa lực mạnh” như các cuộc thao diễn quân sự của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á, song  đây chính là cách tiếp cận mới, mềm dẻo của Mỹ trong hồ sơ sông Mê Công mà tất cả các quan hệ đối tác hàng hải trên thế giới chưa làm được.         

Hợp tác Mỹ - Mê Công đang tạo ra nhiều cơ hội phát triển bền vững cho các nước tiểu vùng Mê Công. Các sáng kiến hợp tác Mỹ - Mê Công đã góp phần tăng cường chia sẻ thông tin giữa các cơ quan của Mỹ hoạt động trong lưu vực và cả với chính quyền ở lưu vực Mê Công. Vai trò mang tính xây dựng của Mỹ sẽ góp phần thúc đẩy các quốc gia trong lưu vực Mê Công cùng nhau hợp tác phát triển, hướng đến việc xây dựng “Tiêu chuẩn Mê Công”. Mặt khác, phía Mỹ có thể tạo điều kiện hình thành một diễn đàn tập hợp các bên liên quan và áp dụng các công nghệ mô hình hóa tiên tiến cùng các kỹ thuật đánh giá lợi ích - chi phí xã hội, môi trường nhằm tạo ra những tiêu chẩn cho các đánh giá tác động môi trường đi liền với cơ sở hạ tầng, nguồn nước. Ngoài ra, Mỹ có thể chia sẻ công nghệ và hỗ trợ thúc đẩy các giải pháp khu vực, nhằm giải quyết nhu cầu về năng lượng, thực phẩm và an ninh cho các nước hạ lưu sông Mê Công.           

Bên cạnh những cơ hội trên cũng còn khá nhiều thách thức đối với các nước tiểu vùng sông Mê Công. Các nước này đang phải đối mặt với nhiều quyết định khó khăn, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng. Chẳng hạn, thủy điện đang là vấn đề nhạy cảm gây nhiều tranh cãi giữa các quốc gia hạ lưu sông Mê Công. Sự phát triển ngành công nghiệp thủy điện đi liền với những tác động trái chiều của nó liên quan đến môi trường, an ninh lương thực, an ninh con người... Trong khi đó, các nước này lại chưa có điều kiện đầy đủ để quan tâm tới những tác động xấu về môi trường và kinh tế - xã hội. Mặt khác, xuất phát điểm kinh tế của các nước tiểu vùng sông Mê Công còn thấp, các chỉ số phát triển chưa cao, một số dự án còn hạn chế về vốn, pháp luật trong các nước Mê Công còn khác nhau,v.v.. Đây sẽ là những rào cản quá trình hội nhập trong khu vực Mê Công với nhau cũng như hợp tác giữa Mỹ - Mê Công hiện nay.        

Bước sang thế kỷ XXI, sông Mê Công đang được thế giới biết đến với những chương trình hợp tác xuyên quốc gia, xuyên châu lục. Sự có mặt của một số nước lớn trong các sáng kiến hợp tác với khu vực Mê Công chứng tỏ sức hấp dẫn từ vị trí chiến lược của khu vực này. Các sáng kiến hợp tác trong khu vực Mê Công như: GMS, Mê Công với nước thứ ba (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia..), đặc biệt là hợp tác Mỹ - Mê Công  đang góp phần làm nên “một tinh thần sông Mê Công” hướng tới sự phát triển bền vững, hòa trong nhịp đập sôi động của khu vực Đông Nam Á hiện nay.         

 

(1) Webb Calls on Sec: Clinton to Strengthen
Cooperation to Avert Crisis in Mekong River Region of Southeast Asia.Says U.S. should consider
withdrawing funding for Mekong River Commission if environmental standards are not met
, http://webb.senate.gov/newsroom.    

(2) Về sáng kiến hạ nguồn sông Mekong của Hoa Kỳ, http://www.biendong.net.   

 

ThS Trịnh Thị Hoa

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Nguyễn Huy Dũng

Bộ Ngoại giao

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền