Trang chủ    Quốc tế    Quân đội Nga ứng phó với "Cách mạng màu"
Thứ tư, 24 Tháng 7 2019 10:22
1769 Lượt xem

Quân đội Nga ứng phó với "Cách mạng màu"

(LLCT) - Từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, để tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, Mỹ cùng các nước phương Tây đã tiến hành "cách mạng màu" hay "cách mạng sắc màu" và trong thực tế họ đã thành công ở một số nước. Trước mối đe dọa từ “cách mạng màu”, giới lãnh đạo Nga đã có những giải pháp ứng phó hữu hiệu nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia. Từ thực tiễn diễn biến ở một số nước cho thấy, "cách mạng màu" vẫn đang và sẽ là một trong những nguy cơ đe dọa nền độc lập dân tộc và công cuộc xây dựng CNXH ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

1. Quan điểm của giới lãnh đạo quân đội Nga về “cách mạng màu”

Giới lãnh đạo Nga không những coi “cách mạng màu” là mối đe dọa nguy hiểm mới đối với an ninh quốc gia của họ mà còn coi đây là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Tổng thống Putin, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Nga nhận định, tại những nước xảy ra “cách mạng màu”, các nước phương Tây đã cưỡng ép đưa vào lối sống, tiêu chuẩn văn hóa không thích hợp, kết quả là chẳng những không đem đến dân chủ và tự do mà thay vào đó là bạo lực, đảo chính, điển hình nhất là “Mùa Xuân Ảrập” đã bị thay bằng “Mùa Đông Ảrập”. Ông Putin chỉ rõ, trong thế giới ngày nay, “cách mạng màu” đã được sử dụng làm công cụ tranh giành địa chính trị và phân chia lại phạm vi quyền lực(1).

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Xôigu cho rằng, “cách mạng màu” là nhân tố thúc đẩy chủ yếu làm cho cục diện nhiều nơi trên thế giới xấu đi. Các quốc gia phương Tây đã mượn danh nghĩa “mở rộng dân chủ” để áp đặt chuẩn mực giá trị của mình cho các dân tộc khác, lợi dụng vấn đề kinh tế - xã hội để lật đổ, dựng lên chính quyền bù nhìn của chúng. Thông qua “cách mạng màu”, sau khi kiểm soát được quốc gia đó, Mỹ và các nước phương Tây sẽ mở rộng phạm vi thế lực để gây mất ổn định cho quốc gia là đối thủ trong khu vực, biến nước xảy ra “cách mạng màu” thành công cụ địa chính trị để kiềm chế, ngăn chặn, làm suy yếu đối thủ chiến lược, đồng thời có thể giành quyền khai thác nguồn tài nguyên tại các nước xảy ra “cách mạng màu”(2).

Theo ông Xôigu, “cách mạng màu” ngày càng mang tính chất của một cuộc xung đột vũ trang(3) bởi: Một là, những kẻ tổ chức kích động không những đã hoạch định “cách mạng màu” theo quy tắc nghệ thuật đấu tranh quân sự mà còn sử dụng mọi thủ đoạn, trong đó, chiến tranh thông tin và lực lượng tác chiến đặc nhiệm được hết sức coi trọng. Hai là, khi cần thiết họ sẽ huy động lực lượng quân sự để củng cố kết quả đã giành được trong “cách mạng màu”. Ba là, “cách mạng màu” ngày càng mang tính chất bạo lực vũ trang. Nếu “cách mạng màu” chưa lật đổ được nhà cầm quyền thì những kẻ kích động sẽ tạo cớ để can thiệp vũ trang, tiếp tục làm lung lay chính quyền cho đến khi lật đổ bằng sử dụng vũ lực.

Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Đại tướng Gêraximốp nhận định(4), để tiến hành “cách mạng màu”, Mỹ và các nước phương Tây sẽ tiến hành các biện pháp trừng phạt chính quyền, đồng thời, cung cấp tài chính và viện trợ quân sự, kỹ thuật cho phe đối lập, trong đó lực lượng quân sự vẫn giữ vai trò quyết định, nhưng phương thức sử dụng sức mạnh quân sự đã có những thay đổi lớn. Trước đây, để đạt được mục tiêu, các nước phương Tây thường công khai can thiệp vũ trang, như: Chiến tranh vùng Vịnh (1991), Chiến tranh Nam Tư (1999), Chiến tranh Ápganixtan (2001) và Chiến tranh Irắc (2003). Nhưng hiện nay, các nước phương Tây đã thay đổi phương thức tiến hành, đó là sử dụng rộng rãi biện pháp phi quân sự và chỉ sử dụng sức mạnh quân sự khi thích hợp nhằm đạt được mục tiêu chính trị là thay đổi chính quyền không phù hợp với quan điểm của họ. Ông Gêraximốp chỉ rõ, mặc dù thời kỳ đầu của “Mùa xuân Ảrập”, “cách mạng màu” đã giành được thắng lợi ở Tuynidi, Ai Cập và Yemen, bạo lực chỉ hạn chế ở hành động cướp bóc và xung đột giữa những kẻ chống đối với lực lượng thực thi pháp luật. Nhưng những gì tiếp diễn sau đó cho thấy, “cách mạng màu” không phải là một tiến trình chuyển đổi chính trị đơn thuần, mà leo thang thành hành động quân sự quy mô lớn. Tình hình Libi và Xiry đã chứng minh điều đó. Trong sự kiện ở Libi và Xiry, các nước phương Tây đã lựa chọn sách lược sử dụng lực lượng quân sự hạn chế, tức là can thiệp quân sự được tiến hành ở cấp độ thấp nhất hoặc tiến hành mang tính giấu mặt hoặc công khai tùy theo sự phát triển của tình hình. Thí dụ ở Libi, giai đoạn đầu, các nước phương Tây chỉ tăng cường cung cấp vũ khí, đạn dược và vật tư, trang bị cho phe chống đối. Tuy nhiên, cách làm này đã không giúp cho phe chống đối thay đổi được tương quan lực lượng, vì thế, phương Tây đã lợi dụng Nghị quyết số 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về thiết lập vùng cấm bay, công khai huy động quân đội nhiều nước can thiệp quân sự vào Libi.

Tại Xyri, các nước phương Tây đã cung cấp rất nhiều vũ khí, trang bị cho lực lượng chống chính phủ. Quân đội Nga nhận định, xung đột vũ trang ở Xyri trên thực tế đã trở thành cuộc chiến của lực lượng Hồi giáo cực đoan toàn thế giới chống lại một quốc gia có chủ quyền, biến Xyri thành nơi huấn luyện, trung chuyển, xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.

Từ sự can thiệp quân sự của phương Tây tại Libi, Xyri, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nga kết luận(5): hành động quân sự trong “cách mạng màu” có tính chất hai mặt: Một mặt, nó mang đặc trưng vốn có của chiến tranh truyền thống. Mặt khác, hành động quân sự diễn ra trong “cách mạng màu” có nhiều điểm khác biệt so với chiến tranh truyền thống, thể hiện trên 4 phương diện: Thứ nhất, ranh giới giữa tiến công và phòng thủ, giữa chiến lược và chiến thuật bị lu mờ không còn rõ nét như trong chiến tranh truyền thống; không còn phân định rõ tiền tuyến và hậu phương, hành động chiến đấu không triển khai ở một khu vực hoặc một hướng xác định mà mở rộng ra khắp đất nước theo nguyên tắc mạng hóa. Thứ hai, hành động chiến đấu chủ yếu được triển khai ở khu vực dân cư, lực lượng đối lập cố ý bắt dân thường làm “lá chắn sống”, dẫn đến nhiều người dân bị thiệt mạng, thương vong. Thứ ba, hành động quân sự đã vượt ra khỏi giới hạn của chủ nghĩa nhân đạo, trở thành chiến tranh không có quy tắc. Thứ tư, lực lượng đối lập sử dụng nhiều thành phần, trong đó có cả lực lượng tư nhân. Để tránh bị lên án là can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, những kẻ xúi giục “cách mạng màu” sẽ sử dụng quân đánh thuê không đại diện cho bất cứ nhà nước nào.

2. Những biện pháp đối phó của Nga đối với “cách mạng màu”

Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về đặc tính của xung đột quân sự trong “cách mạng màu”, để đối phó có hiệu quả với thách thức và mối đe dọa từ “cách mạng màu”, quân đội Nga đã xây dựng hàng loạt biện pháp, trong đó quan trọng nhất bao gồm:

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, nâng cao sức mạnh tổng hợp, gồm: (1) Xây dựng kế hoạch phòng thủ đất nước. Ngày 29-1-2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Xôigu đã trình lên Tổng thống Putin kế hoạch phòng thủ quốc gia. Kế hoạch này dự báo về những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, đánh giá về khả năng của kẻ thù, từ đó xác định biện pháp phòng, chống tương ứng. (2) Xây dựng trung tâm chỉ huy phòng thủ quốc gia. Lãnh đạo Nhà nước và quân đội Nga nhận thức rõ, để đối phó với “cách mạng màu” có hiệu quả, phải sử dụng phối hợp các biện pháp, trong đó có sức mạnh quân sự và phi quân sự; đồng thời, phải nhất thể hóa hệ thống tổ chức chỉ huy giữa lực lượng vũ trang và các cơ quan dân sự, thiết lập hệ thống quản lý nhà nước và chỉ huy quân sự thống nhất. (3) Tăng cường xây dựng lực lượng phản ứng nhanh và tác chiến đặc nhiệm. Theo đó, lực lượng này được tuyển chọn từ các lữ đoàn đổ bộ đường không, lữ đoàn đặc nhiệm của các nước thành viên. Với nhiệm vụ chủ yếu là chống lại sự xâm lược quân sự, tiến công của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, đối phó với thảm họa thiên nhiên và các mối đe dọa khác.

Thứ hai, nâng cao năng lực chiến tranh thông tin để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận. Các nhà lãnh đạo Nga nhận định, chiến tranh hiện đại đều được chuẩn bị và bắt đầu từ lĩnh vực thông tin. Theo đó, chiến tranh thông tin được bắt đầu từ việc gây sức ép kinh tế - xã hội; tác động thông tin là bước đi đầu tiên để thực thi “cách mạng màu”. Sự kiện ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi đã chứng minh, Mỹ và các nước phương Tây đã lợi dụng mạng thông tin để tác động đến cơ quan nhà nước và cư dân, làm giảm tiềm lực chiến đấu của đối phương.

Để siết chặt công tác thông tin, tuyên truyền, tháng 11-2017, Bộ Tư pháp Nga đã gửi thông báo đến 9 cơ quan truyền thông đại chúng nước ngoài, trong đó có Đài tiếng nói Hoa Kỳ, Đài phát thanh châu Âu tự do…, về khả năng sẽ đưa các tổ chức này vào danh sách các cơ quan đại diện nước ngoài tại Nga, theo luật sửa đổi được Duma quốc gia (Hạ viện) thông qua ngày 15-11-2017(6). Bộ Quốc phòng Nga đã xây dựng một hệ thống giám sát báo chí, mạng xã hội có tên là Trung tâm Điều phối quốc phòng. Trung tâm này được trang bị hệ thống giám sát thông tin hiện đại và dự báo thông minh, cho phép xử lý thông tin trên nhiều thứ tiếng, phân tích tình hình hiện thời trên thế giới và đưa ra các phương án diễn biến tình hình.

Thứ ba, tăng cường huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng đối phó hiệu quả với “cách mạng màu”. Lãnh đạo quân đội Nga cho rằng, “cách mạng màu” là sự khởi đầu để dẫn đến các hành động quân sự như bạo loạn vũ trang và chiến tranh quy mô lớn. Vì thế, quân đội Nga cần phải nghiên cứu kinh nghiệm sử dụng lực lượng trong xung đột cường độ khác nhau. Nhìn tổng thể, giới lãnh đạo Nga cho rằng, Mỹ và các nước phương Tây luôn đứng đằng sau “cách mạng màu”. Trong đó, Mỹ vẫn là đối thủ chiến lược chủ yếu nhất của Nga. Việc xác định này là cơ sở để quyết định mục tiêu và nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập của quân đội Nga nhằm đối phó với mối đe dọa quân sự của các nước phương Tây và ngăn chặn Mỹ.

3. Dự báo của quân đội Nga về “cách mạng màu”

Theo nhận định của các nhà lãnh đạo quân đội Nga, thời gian tới, Mỹ và các nước phương Tây vẫn không ngừng tổ chức các hoạt động chống phá Nga dưới nhiều hình thức khác nhau, nhằm thực hiện “cách mạng màu” khi có thời cơ, biểu hiện rõ ở các điểm sau:

Một là, tăng cường các hoạt động tình báo, khủng bố. Trong những năm gần đây, hoạt động tình báo của nước ngoài nhằm vào Nga đang có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo của Cơ quan An ninh Nga, chỉ riêng trong năm 2017, Nga đã loại trừ được hoạt động của 72 quan chức tình báo và 397 đặc vụ của các cơ quan tình báo nước ngoài. Lực lượng này sử dụng những kỹ thuật hiện đại nhất, thiết bị do thám tối tân và đủ các công cụ gián điệp để không ngừng tìm cách moi móc thông tin của Nga. Cũng trong năm 2017, Nga đã ngăn chặn 25 âm mưu khủng bố và 68 vụ liên quan đến khủng bố(7). Tổng thống Nga chỉ đạo Cục An ninh liên bang Nga phải tích cực ngăn chặn những âm mưu thu thập tin tình báo về chính trị, kinh tế và quân sự Nga, tăng cường phòng thủ an ninh mạng, củng cố an ninh cho hệ thống liên lạc mật của các quan chức Nga.

Hai là, đẩy mạnh “hoạt động ngầm” của các tổ chức phi chính phủ. Các tổ chức phi chính phủ của nước ngoài, nhóm xã hội dân sự được sự tài trợ từ bên ngoài đã liên tục tổ chức các hoạt động phi pháp, gây rối tại Nga; những tổ chức này được coi là những mầm mống gây bất ổn. Theo thống kê, hiện có hàng trăm tổ chức phi chính phủ cố tình không đăng ký (hoạt động ngầm) theo quy định của luật pháp Nga. Nga cũng cáo buộc phái bộ ngoại giao của các nước, như: Anh, Mỹ, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ..., thường xuyên chu cấp kinh phí cho các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động trên đất Nga. Theo báo cáo của Quỹ hỗ trợ dân chủ Mỹ (NED), có tới 61 tổ chức xã hội phi chính phủ tại Nga được “hưởng lương” của NED trong “cách mạng tuyết trắng” nhằm ngăn cản ông V.Putin trở lại Điện Kremlin nhiệm kỳ III. Vì thế, Nghị sĩ Leonid Kalashnikov (thuộc Đảng Cộng sản Nga) đã đề nghị sửa đổi hiến pháp, để áp dụng án tử hình đối với người nước ngoài phạm tội can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Nga (Hiến pháp Nga đã cấm áp dụng án tử hình từ năm 1996)(8).

Ba là, tổ chức biểu tình nhằm gây bất ổn trong xã hội. Từ năm 2011 đến nay, với sự tiếp sức từ bên ngoài, các lực lượng đối lập liên tục tổ chức các cuộc biểu tình tại các thành phố lớn ở Nga, với lý do chống tham nhũng, có gian lận trong bầu cử, đòi nhân quyền…  Theo nhận định, thời gian tới, các lực lượng đối lập sẽ tiếp tục lợi dụng vấn đề chống tham nhũng, kinh tế khó khăn… để kích động nhân dân tổ chức các cuộc biểu tình với quy mô ngày càng lớn, nhằm làm giảm uy tín của Tổng thống Putin, gây bất ổn trong xã hội.

Thực tế cho thấy, hoạt động phá hoại của Mỹ nhằm vào Nga, phần nào đã khiến con đường phục hồi vị thế cường quốc của Nga gặp nhiều trắc trở hơn: nội bộ Nga bị chia rẽ, đấu đá đảng phái triền miên, xung đột sắc tộc, tôn giáo không dứt,... khiến giới lãnh đạo Nga phải rất vất vả mới giữ được đất nước ổn định. Mặt khác, sự chống phá của Mỹ và các nước phương Tây còn khiến uy tín của Nga trên vũ đài chính trị quốc tế bị suy giảm nghiêm trọng, trong nhiều vấn đề quốc tế, Nga không thể bảo vệ được đồng minh, Nga bị Mỹ lấn lướt và buộc phải nhượng bộ. Chính sách của Mỹ còn đẩy các quốc gia nằm trong khu vực lợi ích của Nga rơi vào trạng thái bấp bênh cả về chính trị và kinh tế, khiến các vùng phụ cận Nga thường xuyên ẩn chứa nguy cơ bất ổn, đe dọa trực tiếp an ninh. Nhìn tổng thể, cuộc đối đầu trong “cách mạng màu” giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây thì Nga ở thế yếu, rõ ràng nhất là trong lĩnh vực kinh tế và ngoại giao nhưng trong lĩnh vực quân sự, Nga lại thể hiện thế mạnh rõ rệt. Sức mạnh quân sự đã giúp Nga bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích chiến lược của mình. Vì thế, tư duy và giải pháp đối phó với “cách mạng màu” của quân đội Nga đang phát huy hiệu quả.

4. Cần đề phòng “cách mạng màu”

Thực tiễn các cuộc “cách mạng màu” trong thập kỷ vừa qua đã gây ra những tổn thất to lớn đối với phong trào độc lập dân tộc ở nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới. Đối với Việt Nam. “Cách mạng màu” sẽ là một nguy cơ đe dọa nền độc lập dân tộc và công cuộc xây dựng CNXH. Trong thời gian qua, các thế lực thù địch đã mở nhiều chiến dịch hoạt động chống phá ta trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Mục tiêu trọng điểm của chúng là tập trung chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam; cùng với đó là xúc tiến, tạo dựng các tổ chức chính trị phản động ở nước ngoài, nhen nhóm lực lượng phản động ngầm ở trong nước. Triệt để lợi dụng những mâu thuẫn xã hội để gây chia rẽ, mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền và nhân dân. Đặc biệt, lợi dụng những khó khăn, hạn chế của chính quyền các cấp trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo hoặc những yếu kém, sai lầm trong xử lý mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo, lấy đó làm “ngòi nổ” kích động quần chúng biểu tình, gây rối loạn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các vùng chiến lược có vấn đề dân tộc, tôn giáo phức tạp, như: Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ.

Tận dụng khả năng truyền tải thông tin nhanh, rộng trên internet, các thế lực thù địch có khá nhiều bài viết, thậm chí cả các chương trình truyền hình, đối thoại trên các trang mạng xã hội và các trang blog cá nhân để bàn luận về “cách mạng màu và tình hình Việt Nam”. Một số nhân vật phản động còn đưa ra lập luận, phân tích thời, thế sau “Mùa Xuân Ảrập” để “soi rọi và cảnh báo” cho quốc dân đồng bào trong nước. Chúng cho rằng, một cuộc cách mạng dân chủ theo kiểu của phương Tây, có thể tạo ra cuộc “chuyển giao quyền lực êm đềm, không đổ máu” ở Việt Nam. Sự thâm độc, xảo quyệt của chiêu bài này càng lộ rõ khi chúng còn “mách” rõ những cách làm rất cụ thể, tỷ mỷ cho từng lực lượng xã hội ở Việt Nam. Chúng cũng “chỉ” ra các bước hành động cụ thể: kêu gọi nhau tụ tập ở chỗ đông vì những lý do, như: vì chủ quyền biển, đảo, vì kinh tế khó khăn, đấu tranh chống tham nhũng... Hương “hoa nhài, hoa sen” sẽ khích lệ tiếng nói đối kháng qua các phong trào cùng ký tên vào tâm thư, thỉnh nguyện, các bản tuyên cáo, kiến nghị để tạo dư luận xã hội. Ở nấc thang cao hơn, sẽ phát động biểu tình, hướng tới phản đối những hạn chế trong điều hành, quản lý kinh tế, những tiêu cực xã hội rồi tiến tới kêu gọi lật đổ chính quyền, phát động phong trào “toàn dân xuống đường cứu nước”(9).

Đối với lực lượng vũ trang, các thế lực phản động còn đưa ra chiêu bài kêu gọi: “Quân đội nhân dân là của nhân dân nên sẽ không bắn vào người biểu tình. Lực lượng công an và quân đội hãy trở về với nghĩa vụ giúp đỡ và bảo vệ nhân dân, là người vốn đã sinh ra và nuôi nấng mình”(10). Khi các cuộc biểu tình đã được đẩy lên ở mức cao tại các thành phố lớn, sẽ có sự hà hơi tiếp sức của các tổ chức phản động trong và ngoài nước, chúng sẽ kêu gọi nước ngoài, quốc tế can thiệp dưới chiêu bài vì “dân chủ, nhân quyền”... Hiện nay, mặc dù “cách mạng màu” chưa phải là một nguy cơ trực tiếp đối với Việt Nam, nhưng sự thúc đẩy “tự diễn biến, tự chuyển hóa” tiến tới “cách mạng màu” đã và đang được các thế lực thù địch sử dụng với nhiều thủ đoạn, biện pháp khác nhau. Nhìn lại một vài cuộc tụ tập đông người vừa qua, có nhiều dấu hiệu cho thấy đã có bàn tay kích động, đứng sau của các thế lực thù địch, mà giai đoạn đầu chính là sự thúc đẩy “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.

Trong thời gian tới, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục chống phá ta trên tất cả các lĩnh vực. Lợi dụng những khó khăn về kinh tế, hạn chế của chính quyền các cấp trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo hoặc những yếu kém, thiếu minh bạch trong xử lý giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giải quyết khiếu kiện, lấy đó làm “ngòi nổ” kích động quần chúng biểu tình, gây rối loạn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chúng sẽ tiếp tục sử dụng các trang mạng xã hội, Internet để tuyên truyền, kêu gọi tổ chức lực lượng biểu tình, gây rối; sử dụng các trang mạng này để bóp méo sự thật, làm sai lệch quan điểm, đường lối của Đảng. Bên cạnh đó, chúng tiếp tục kêu gọi đòi đa nguyên, đa đảng, phi chính trị hóa quân đội, đòi ban hành Luật Biểu tình... Các thủ đoạn sẽ hết sức đa dạng, từ bí mật đến công khai, sử dụng tiền bạc, vật chất để lôi kéo, mua chuộc; sẵn sàng tổ chức các vụ khủng bố vào trụ sở chính quyền, cơ quan công an, đơn vị quân đội để gây tiếng vang, tạo sự bất ổn, lo lắng trong dân chúng.

Trong cuộc đấu tranh quyết liệt, phức tạp và lâu dài này, nhân tố quyết định là phải luôn bình tĩnh, sáng suốt, bảo đảm giữ thế chủ động về chiến lược. Nắm chắc âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, nhất là những phát triển mới, nhạy cảm với tình hình quốc tế và khu vực. Trên cơ sở đó, có chủ trương đúng; có kế hoạch, hệ thống biện pháp phòng, chống hiệu quả. Bên cạnh đó, để phòng, chống “cách mạng màu”, điều quan trọng nhất vẫn là cách xử lý những nguyên nhân nội tại của mỗi quốc gia: kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân ít được cải thiện, nạn tham nhũng, mất đoàn kết, thiếu công bằng, dân chủ..., chính là những ngòi nổ tiềm tàng trong xã hội. Cần giải quyết tốt các vấn đề bức xúc trong xã hội, kiểm soát không để cho tình hình lây lan cũng là vấn đề mà các chính phủ cần quan tâm, bởi nếu không, nó rất dễ bị biến thành bằng chứng vi phạm nhân quyền, cái cớ cho việc can thiệp từ bên ngoài dưới chiêu bài nhân đạo.

____________________

(1), (2), (3), (4), (5)Vương Hiểu Quân:  Nhận thức của quân đội Nga về “cách mạng màu”, Tạp chí Quân sự hiện đại, số 1-2016.

(6) Nguyễn Văn Dinh: Nhận thức và ứng phó của quân đội Nga với cách mạng màu, Tạp chí Khoa học quân sự, số 8-2017.

(7), (8) Dương Quốc Chính: Quân đội Nga với cách mạng màu, Tài liệu phục vụ lãnh đạo, TT Thông tin Khoa học quân sự - Bộ Quốc phòng, 20-8-2018.

(9) Nguyễn Như Trúc: Nhận diện một số thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên internet, mạng xã hội và giải pháp phòng, chống, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 5-2018.

(10) Thành Sơn: Sự thật đằng sau những cuộc biểu tình trái phép, Báo Nhân dân, 11-9-2018.

 

TS Lê Duy Thắng

Trường Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng

TS Trần Tuấn Sơn

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền