Trang chủ    Quốc tế    Vấn đề tăng cường xây dựng văn hóa chính trị trong Đảng Cộng sản Trung Quốc từ đại hội XVIII đến nay
Thứ tư, 24 Tháng 7 2019 10:24
1431 Lượt xem

Vấn đề tăng cường xây dựng văn hóa chính trị trong Đảng Cộng sản Trung Quốc từ đại hội XVIII đến nay

(LLCT) - Tại Hội nghị Trung ương 6 của Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc khóa XVIII, Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Tập Cận Bình nói: “Cần phải chú trọng tăng cường xây dựng văn hóa chính trị trong đảng, không ngừng vun đắp tạo môi trường chính trị lành mạnh”(1). Vấn đề xây dựng văn hóa chính trị trong đảng đến nay đã được ĐCS Trung Quốc coi trọng hơn và cũng đã giành được những kết quả quan trọng góp phần đi sâu thúc đẩy quản trị đảng nghiêm minh toàn diện, giải quyết những vấn đề tồn tại trong đảng, làm cơ sở vững chắc để tăng cường xây dựng đảng cầm quyền ngày càng vững mạnh.

1. Nhận thức về ý nghĩa của việc tăng cường xây dựng văn hóa chính trị trong Đảng

Thứ nhất, thúc đẩy xây dựng và chỉnh đốn đảng

Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận thức, văn hóa chính trị trong đảng là linh hồn của sinh hoạt chính trị trong đảng, là sự thể hiện căn bản tính chất của đảng chính trị, biểu hiện thành lý tưởng, giá trị phấn đấu của đảng, định hướng hành vi của đảng viên và nguyên tắc trong các hoạt động chính trị của  đảng,(2) v.v ... Nhìn rộng hơn, tất cả những gì thuộc về đời sống chính trị của đảng như tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu phấn đấu, cương lĩnh đường lối, phạm trù chế độ, phương thức tư duy, quan niệm giá trị, thói quen tác phong, v.v... đều thuộc phạm trù văn hóa chính trị trong đảng(3). Do vậy, việc chú trọng xây dựng văn hóa chính trị trong đảng của ĐCS Trung Quốc được coi là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và là thước đo đánh giá hình tượng của đảng cầm quyền.

Thứ hai, thúc đẩy dân chủ trong đảng

Hội nghị Trung ương 6 Khóa XVIII ĐCS Trung Quốc đã nhấn mạnh, phát triển dân chủ trong đảng là nội dung quan trọng trong chuẩn mực sinh hoạt chính trị trong đảng. Chuẩn mực sinh hoạt chính trị trong đảng phải dựa trên nền tảng văn hóa chính trị trong đảng. Nếu như không có văn hóa chính trị trong đảng làm nền tảng vững chắc, bất luận là dân chủ trong đảng về mặt chế độ hay là thực tiễn đều sẽ có vấn đề và ngược lại. Tình trạng chế độ dân chủ trong đảng chưa hoàn thiện và thực tiễn dân chủ trong đảng của ĐCS Trung Quốc còn tồn tại nhiều vấn đề chưa hợp lý đều bắt nguồn do văn hóa chính trị trong đảng còn khiếm khuyết(4).

2. Xây dựng văn hóa chính trị trong Đảng Cộng sản Trung Quốc từ Đại hội XVIII đến nay

Thứ nhất, về đổi mới tác phong và bồi dưỡng, giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ đảng viên

Để thực hiện phương hướng chủ đạo là tăng cường nâng cao năng lực cầm quyền, tiếp tục phát huy tính tiên phong và trong sạch của Đảng để vun đắp nền tảng văn hóa chính trị trong đảng, ĐCS Trung Quốc xác định việc đổi mới tác phong và bồi dưỡng, giáo dục tư tưởng là khâu then chốt. Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc đã ban hành“8 quy định” về sửa đổi tác phong làm việc và quán triệt toàn đảng từ trên xuống thực hiện hoạt động thực tiễn giáo dục đường lối quần chúng với chủ đề là “vì dân, thiết thực, liêm khiết”, tập trung giải quyết vấn đề “4 tác phong” (chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa quan  liêu và chủ nghĩa xa hoa lãng phí) tồn tại trong nhiều cán bộ, đảng viên(5). Nhiều người cho đây là lần đầu tiên trong lịch sử, ĐCS Trung Quốc thực hiện hoạt động thực tiễn giáo dục đường lối quần chúng trong toàn Đảng, thể hiện rõ nét hơn tính nhân dân trong việc tăng cường xây dựng văn hóa chính trị của ĐCS Trung Quốc.

ĐCS Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII cũng đồng thời triển khai chuyên đề giáo dục “tam nghiêm, tam thực”, chuyên đề giáo dục học tập “hai học, một làm” nhằm tuyên truyền về ý thức hệ, đẩy mạnh giáo dục trong đảng từ các cán bộ then chốt tới toàn thể các đảng viên, từ giáo dục mang tính tập trung chuyển sang giáo dục mang tính thường xuyên đều đã đem lại hiệu quả trong việc đi sâu giáo dục toàn thể đảng viên. Từ Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc đến nay, các tổ đảng, đảng ủy (đảng đoàn) tiếp tục coi trọng việc học tập lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác, nắm vững thành quả của lý luận Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác, triển khai chủ đề giáo dục “không quên tâm nguyện ban đầu, ghi nhớ sứ mệnh” trong toàn đảng, coi việc giáo dục niềm tin, lý tưởng làm nội dung quan trọng trong việc bồi dưỡng ở các trường đảng, học viện hành chính, học viện cán bộ và là môn học bắt buộc của các cán bộ, định hướng cho cán bộ đảng viên về thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan. Thông qua các hoạt động và biện pháp này, tăng cường tự tin lý luận, tự tin về con đường, tự tin chế độ, tự tin văn hóa, tăng thêm ý thức chính trị, ý thức đại cục, ý thức hạt nhân, ý thức nhất trí(6).

Việc xây dựng văn hóa chính trị trong ĐCS Trung Quốc thông qua thực hiện đổi mới tác phong và giáo dục tư tưởng cho cán bộ, đảng viên của ĐCS Trung Quốc đã có hiệu quả bước đầu như: nâng cao được tư tưởng nhận thức, kiên trì lý tưởng chính trị, nắm vững quan điểm quần chúng của chủ nghĩa Mác, quán triệt đổi mới tác phong công tác; phần nào đã giải quyết những vấn đề nổi cộm mà quần chúng nhân dân phản ánh, góp phần thúc đẩy xây dựng văn hóa liêm khiết trong đảng, từng bước xây dựng hình tượng “vì dân, thiết thực, liêm khiết”, song vẫn còn tồn tại không ít những thói hư tật xấu đã tồn tại trong đảng từ rất lâu nay, công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên ở một số nơi chưa được thực sự quan tâm thường xuyên, công tác tự phê bình và phê bình còn yếu, vấn đề xóa bỏ“4 tác phong” vẫn chưa hình thành việc tự giác “không dám”, “không muốn” ở một số cán bộ đảng viên,v.v..

Thứ hai, về kiện toàn pháp quy trong đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Trong những năm vừa qua, để đáp ứng yêu cầu tăng cường xây dựng văn hóa chính trị trong đảng, Trung ương ĐCS Trung Quốc đã dần hoàn thiện chế độ quản lý đảng, nhiều quy chế pháp quy trong Đảng đã được ban hành với khung quy chế chặt chẽ hơn, hợp lý hơn, thể hiện được tính dân chủ trong đảng rộng rãi hơn. ĐCS Trung Quốc chú trọng hơn vấn đề giám sát chấp hành quy chế, xây dựng kiện toàn cơ chế bình thường hóa kiểm tra chấp hành pháp quy trong đảng, kiên trì tính nghiêm túc của chế độ, đảng viên là cán bộ lãnh đạo phải làm gương phát huy vai trò đi đầu. Trung ương ĐCS Trung Quốc khóa XVIII đã ban hành và sửa đổi 88 văn bản pháp quy trong đảng, chiếm 47% trong số 188 văn bản pháp quy trong đảng hiện hành(7). Hội nghị Trung ương VI khóa VIII ĐCS Trung Quốc đã thông qua “Chuẩn mực sinh hoạt chính trị trong đảng trước tình hình mới”. Với các quy định rõ ràng ở 12 phương diện như: kiên định lý tưởng niềm tin; kiên trì đường lối cơ bản của đảng; kiên quyết bảo vệ quyền uy Trung ương; phát huy dân chủ trong đảng và bảo đảm quyền lợi của đảng viên; kiên trì định hướng chọn người và dùng người đúng đắn; giữ nghiêm chế độ sinh hoạt tổ chức của đảng(8) v.v.. “Điều lệ giám sát trong đảng” của ĐCS Trung Quốc xác định rõ phương châm nguyên tắc, nội dung nhiệm vụ, phương thức, phương pháp giám sát trong đảng, đưa ra yêu cầu cụ thể đối với việc xây dựng hệ thống giám sát trong đảng, kết hợp giữa giám sát trong đảng và giám sát từ bên ngoài(9). Từ năm 2013, Trung ương ĐCS Trung Quốc đã tiến hành đổi mới sáng tạo chế độ tuần thị, tuần tra, phát huy tác dụng sắc bén của công tác tuần thị của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương. Và với việc quyết định chính thức thành lập Ủy ban Giám sát quốc gia của Quốc hội Khóa XIII, đã thể hiện đúng theo tinh thần của Đại hội XIX ĐCS Trung Quốc là thúc đẩy cải cách thể chế giám sát quốc gia, cuộc chiến chống tham nhũng được dự đoán sẽ mang một sắc thái mới. Ủy ban mới sẽ tiếp nhận nhiệm vụ từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và thống nhất các đơn vị chống tham nhũng thành một cơ quan duy nhất. Chiến dịch chống tham nhũng cũng sẽ mở rộng ra với đối tượng là tất cả nhân viên nhà nước chứ không chỉ dừng ở các đảng viên như trước đây(10). 

Thứ ba, về xây dựng và thúc đẩy dân chủ trong đảng

Từ Đại hội XVIII ĐCS Trung Quốc, để thúc đẩy xây dựng dân chủ trong Đảng, ĐCS Trung Quốc đã chú trọng hơn các vấn đề như: thực sự đảm bảo quyền làm chủ của đảng viên, dần hoàn thiện chế độ bầu cử dân chủ trong Đảng; tăng cường công khai công tác đảng ­để thực hiện mở rộng dân chủ trong đảng; nâng cao trình độ khoa học hóa các quyết sách dân chủ trong Đảng, thúc đẩy kết hợp giám sát trong và ngoài Đảng,v.v.. ĐCS Trung Quốc đang không ngừng tìm tòi và phát triển những cách làm mới, hình thức mới để đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện quy chế dân chủ trong Đảng trên cơ sở tôn trọng và bảo đảm vai trò làm chủ của Đảng viên, xây dựng hệ thống quy chế dân chủ trong Đảng một cách hợp lý và khoa học.

Nhiều nghiên cứu thừa nhận Trung Quốc là quốc gia có truyền thống văn hóa mang đặc trưng của Phương Đông như trọng tình, trọng đức, có ý thức cộng đồng cao, v.v.. là nền tảng hình thành nên văn hóa chính trị của Trung Quốc. Cho đến nay, không ít các giá trị từ văn hóa chính trị phong kiến còn tồn tại là những rào cản đối với việc xây dựng văn hóa chính trị của đảng mang tính tiến tiến, phù hợp với tình hình mới hiện nay. Trong xã hội ý thức sùng bái quyền lực, quan niệm cấp bậc còn nặng nề. Không ít cán bộ lãnh đạo các cấp cho rằng mình có quyền quyết định hết mọi việc, làm việc theo kiểu áp đặt. Tâm lý trọng tình, coi trọng mối quan hệ họ hàng theo kiểu “một người làm quan cả họ được nhờ”, dẫn đến không ít trường hợp tuyển chọn người, sắp xếp đề bạt cán bộ là người họ hàng hoặc thân tín.

Những tiêu cực đó tác động thường xuyên đến một bộ phận đảng viên, trở thành rào cản mà Đảng Cộng sản Trung Quốc nhận thức cần phải khắc phục.

____________________

(1) Vương Bính Lâm: Tăng cường xây dựng

văn hóa chính trị trong đảng - Học tập

quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương 6 Khóa XVII Đảng Cộng sản  Trung Quốc, Nhân dân Nhật báo, ngày 21-12-2016, http://opinion.people.com.cn

(2) 毕京京, 2017, 以高度文化自觉加强党内政治文化建设, 解放军报, 2017-01-11, http://theory.people.com.cn.   

(3), (4) Triệu Nguyệt: Xây dựng văn hóa chính trị đặc sắc của người đảng viên đảng cộng sản hiện nay, Tạp chí lilunshiye, 5-2017, tr.37.

 (5)“Bài phát biểu quan trọng của Tập Cận Bình trong buổi triệu tập Hội nghị về Công tác triển khai hoạt động thực tiễn giáo dục đường lối quần chúng  của Đảng”, Báo mạng Tân Hoa, ngày 18-6-2013.

(6) 认真开展“不忘初心、牢记使命”主题教育, ngày 13-1-2018. http://news.cnr.cn. 

(7) Lý Trí Dũng: Kiên định thúc đẩy phát triển quản trị đảng nghiêm toàn diện một cách sâu rộng, Tạp chí Viện nghiên cứu môi trường trái đất, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, ngày 4-1-2018.  http://ieexa.cas.cn.

(8), (9) Lưu Kỳ Bảo: Thách thức và kinh nghiệm về xây dựng đảng của ĐCS Trung Quốc trong điều kiện mở cửa đối ngoại, trong sách của Hội đồng Lý luận Trung ương, Xây dựng đảng trong điều kiện hội nhập quốc tế: Thách thức, kinh nghiệm của ĐCS Việt Nam và ĐCS Trung Quốc, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2007, tr.54,55.

(10) “Đảng Cộng sản Trung Quốc sửa đổi Hiến pháp thảo luận chống tham nhũng”, http://baomoi.com.

(11) Sử Vân Quý: Kinh nghiệm cơ bản, vấn đề chủ yếu, sáng tạo phương thức xây dựng văn hóa chính trị trong Đảng, Báo Đại học KHKT Vũ Hán, số 3-2017, tr.250.

ThS Trần Ánh Tuyết

Viện Nghiên cứu Trung Quốc

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền