Trang chủ    Quốc tế    Nợ công tăng cao - Nguy cơ đẩy thế giới vào vòng khủng hoảng mới
Thứ hai, 30 Tháng 9 2019 09:21
2381 Lượt xem

Nợ công tăng cao - Nguy cơ đẩy thế giới vào vòng khủng hoảng mới

(LLCT) - Báo cáo kinh tế toàn cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế cho thấy, năm 2019, triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ ảm đạm, tăng trưởng giảm, trong khi nhiều yếu tố bất định tăng, như: chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sự khó lường trong chính sách của Mỹ, tốc độ tăng trưởng của châu Á chậm lại, nhiều Ngân hàng Trung ương trên thế giới tăng lãi suất liên tục, v.v.. Trong bối cảnh đó, nợ công được xem là “quả bom hẹn giờ” có thể phát nổ, tàn phá nhiều nền kinh tế và thậm chí đẩy thế giới vào vòng xoáy khủng hoảng mới.

1. Thực trạng nợ công trên thế giới

Khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 từ Mỹ lan rộng ra toàn cầu đã được khắc phục, nhưng kéo theo nhiều bất ổn kinh tế vĩ mô trong thời kỳ hậu khủng hoảng. Nợ công là vấn đề nan giải của nhiều quốc gia trên thế giới. Thời gian qua, nhiều nước giàu đã vay nợ với tốc độ chóng mặt do suy thoái kinh tế, các khoản chi tăng nhanh bởi các hoạt động giải cứu, hỗ trợ thất nghiệp và những nỗ lực kích thích kinh tế. Các biện pháp này đã khiến ngân sách của nhiều nước bị thâm hụt nặng nề, điển hình như Mỹ, các quốc gia A- rập, châu Âu và Trung Quốc. Tình trạng thâm hụt ngân sách lớn ở những nước phát triển có thể tiếp tục gia tăng và thế giới đang đứng trước nguy cơ của cuộc khủng hoảng tài chính mới - khủng hoảng nợ.

Tại Mỹ: theo số liệu Báo cáo hàng ngày do Bộ Tài chính công bố ngày 12-2-2019 cho thấy, tổng dư nợ công của Mỹ đã gia tăng đến ngưỡng kỷ lục mới là 22.012 tỷ USD(1) và vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại hay giảm tốc. Khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức vào ngày 20-1-2017, nợ công của Mỹ là 19,95 nghìn tỷ USD. Số nợ đã tăng tốc kể từ khi ông Trump cắt giảm 1,5 nghìn tỷ USD tiền thuế vào tháng 12-2017 và Quốc hội tăng chi tiêu cho các chương trình trong nước và quân sự trong năm 2018. Khoản nợ công khổng lồ khiến giới chuyên gia kinh tế Mỹ lo ngại bởi tác động tiêu cực của nó sẽ đẩy đất nước vào con đường tài chính thiếu bền vững, có thể gây nguy hiểm tới an ninh kinh tế của nước Mỹ.

Tại Trung Quốc: nợ công có xu hướng gia tăng liên tục kể từ năm 2010 trở lại đây. Theo số liệu thống kê chính thức của Chính phủ, nợ công đã tăng từ 47% GDP (năm 2017) lên 50,1% GDP (năm 2018) và dự báo đạt 53,9% GDP (năm 2019)(2). Nợ công của các chính quyền địa phương ở nước này đã tăng nhanh lên mức 2,58 nghìn tỷ USD. Nợ của chính quyền địa phương đồng nghĩa với việc tăng chi tiêu công ở các địa phương của Trung Quốc. Mặc dù nợ của Chính phủ Trung Quốc hiện ở mức 36,2% GDP(3), thấp hơn các nền kinh tế tiên tiến khác rất nhiều, nhưng theo thống kê từ Bloomberg, tính đến hết tháng 11-2018, nợ của chính quyền trung ương là gần 13.500 tỷ NDT vào cuối năm 2017, nâng tổng nợ công của Trung Quốc đã vượt quá 70 nghìn tỷ NDT (hơn 10.000 tỷ USD), chiếm hơn 80% GDP của năm 2017(4). Như vậy, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có nợ công lớn hơn bất kỳ thị trường mới nổi nào khác(5). Càng đáng lo ngại hơn khi nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc độ tăng trưởng, năm 2018 đạt 6,6%, mức tăng yếu nhất kể từ năm 1990, giảm so với mức tăng 6,8% đạt được trong năm 2017.

Tại châu Âu: nợ công tiếp tục là mối lo lớn của các nền kinh tế thành viên Khu vực đồng Euro (Eurozone) trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của nhiều nền kinh tế hầu như giậm chân tại chỗ. Báo chí châu Âu cho biết, hiện tổng nợ công của Italy đã lên tới 2,3 nghìn tỷ Euro, tương đương 132% GDP của nước này. Mức nợ công của Hy Lạp là gần 180% GDP và con số này ở Pháp là khoảng 97% GDP(6).

Tại châu Á: theo ước tính của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nợ chính phủ ở các nền kinh tế mới nổi tại châu Á đạt 50% GDP trong quý III/2018. Tuy nhiên, mức gia tăng nợ công cũng chỉ ra những vấn đề tiềm ẩn nếu nền kinh tế toàn cầu đột ngột xấu đi. Hai năm tới có thể khá bấp bênh sau khi một số nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng sẽ chững lại: “Bước vào một cuộc khủng hoảng với tình trạng tài chính yếu sẽ làm trầm trọng thêm chiều sâu và thời gian của cuộc suy thoái tiếp theo, đặc biệt là ở các nền kinh tế thị trường mới nổi, bởi chính sách tài khóa có tính thuận chu kỳ trong những trường hợp này”(7).

Ngày 9-2-2019, trong phát biểu tại Diễn đàn Tài chính A-rập ở Dubai, Tổng Giám đốc IMF C.Lagarde đã cảnh báo các quốc gia A-rập khi nợ công của họ tăng lên nhanh chóng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, do thâm hụt ngân sách liên tục ở mức cao. Nợ công ở các nước A-rập đã tăng từ 64 lên 85% GDP từ năm 2008-2018. Hiện nay, tại gần một nửa các quốc gia A-rập, nợ công thậm chí vượt qua mức 90% GDP(8). Tại các nước xuất khẩu dầu mỏ (bao gồm cả sáu quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh) mức nợ công cũng tăng từ 13% lên 33% GDP, do dầu mỏ sụt giá thảm hại cách đây 5 năm. Nếu các quốc gia này không quyết liệt cải cách, cơ cấu lại và thúc đẩy tăng trưởng, gánh nặng nợ công sẽ cản bước tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh các nền kinh tế ngày càng nợ nhiều hơn, chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, Tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế S&P dự báo đà tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn sẽ chậm lại và kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng khoảng 3,6% trong năm 2019. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nợ Chính phủ Mỹ sẽ tăng từ 108% GDP năm 2018 lên 111,3% vào năm 2020. Nhật Bản mắc nợ cao nhất, bằng 236% GDP trong năm 2018(9. IMF đã cảnh báo về vấn đề nợ gia tăng và cho rằng vấn đề này sẽ ngày càng nghiêm trọng, nhất là khi cuộc suy thoái tiếp theo đang có nguy cơ xuất hiện.

2. Nguy cơ suy thoái từ nợ công

Năm 2019, khối nợ công của các nền kinh tế lớn một khi vượt khỏi tầm kiểm soát sẽ trở thành những “trái bom” tàn phá các nền kinh tế nói riêng và đẩy kinh tế thế giới nói chung vào cuộc suy thoái, khủng hoảng mới. Nhận định trên dựa vào những căn cứ sau:

Một là, trong Báo cáo năm 2018 về “Thương mại và phát triển: Quyền lực, nền tảng và ảo tưởng thương mại tự do” (ngày 26-9) của Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đã cảnh báo: nền kinh tế toàn cầu đang bắt đầu có dấu hiệu lung lay với các cuộc chiến thương mại và nguy cơ bất ổn sâu hơn. Báo cáo nêu rõ, một thập niên sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các nước đã thất bại trong việc thay đổi chính sách để ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng tái diễn, thay vào đó cho phép nợ và các thể chế tài chính khổng lồ phát triển thiếu kiểm soát. Cuộc chiến tranh Thương mại Mỹ - Trung leo thang là dấu hiệu xuống cấp của hệ thống kinh tế và cơ chế đa phương. Đây được xem là vòng luẩn quẩn về bất bình đẳng và sự gắn bó mật thiết giữa quyền lợi chính trị và tiền bạc của các tập đoàn(10). Kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008, thay vì giải quyết gốc rễ nguyên nhân, thế giới đã cho phép các thể chế tài chính lớn mạnh hơn, trong khi các ngân hàng “ngầm” tăng trưởng lên tới 160 nghìn tỷ USD, gấp đôi quy mô kinh tế toàn cầu. Báo cáo chỉ ra rằng, cổ phiếu nợ đã tăng lên gần 250 nghìn tỷ USD, gấp 3 lần tổng thu nhập của thế giới và cao hơn 50% so với giai đoạn xảy ra khủng hoảng(11). Trước thực tế đó, ông Richard Kozul-Wright - Người đứng đầu mảng chiến lược phát triển và toàn cầu hóa UNCTAD đưa ra cảnh báo “lịch sử đã chứng minh các bong bóng do nợ gây nên đều luôn dẫn tới những hậu quả rất tồi tệ”. Nợ cao gắn liền với sự gia tăng bất bình đẳng khi ảnh hưởng của các thể chế tài chính cũng tăng lên và số lượng doanh nghiệp lớn giảm đi. Trong khi đó, lòng tin vào hệ thống lại suy giảm nghiêm trọng khi các thể chế tài chính gây ra khủng hoảng lại không phải chịu trách nhiệm và thậm chí kiếm thêm lợi nhuận từ việc này. Hãng tin CNBC, Korea Investment Corporation - một tổ chức uy tín của Hàn Quốc mới đây đã cảnh báo rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cùng với sự bất ổn ở thị trường mới nổi, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới.

Hai là, các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Công ty Dịch vụ tài chính và đầu tư ngân hàng đa diện Mỹ JPMorgan Chase đã nhận định: “Chúng ta đã để hệ thống tài chính phát triển nhanh hơn các biện pháp bảo vệ mà chúng ta đưa ra trong các cuộc đại suy thoái và khiến cho hệ thống trở nên rất dễ vỡ và dễ bị tổn thương”(12). Các chuyên gia của JPMorgan Chase đã thiết lập những mô hình khác nhau nhằm dự báo về thời điểm và mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo mà thế giới sẽ hứng chịu, xác định chu kỳ lặp lại trong nền kinh tế. Mô hình của họ dựa trên các yếu tố gồm quãng thời gian tăng trưởng kinh tế, độ dài dự báo của cuộc suy thoái tiếp theo, mức độ vay nợ, định giá tài sản và mức độ nới lỏng các quy chế giám sát và mức độ sáng tạo tài chính. Từ kết quả nghiên cứu mô hình, chiến lược gia Marko Kolanovic của JPMorgan Chase cho rằng, sự dịch chuyển mạnh mẽ khỏi hoạt động quản lý tài sản chủ động sang quản lý thụ động, thông qua sự nổi lên của các quỹ chỉ số, quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) và các chiến lược giao dịch dựa trên định lượng đã làm gia tăng mức độ nguy hiểm của sự gián đoạn thị trường. Ông Kolanovic chỉ ra rằng: suy giảm thanh khoản trên thị trường chứng khoán Mỹ hiện vẫn ở khoảng 2/3 dưới mức trước khủng hoảng. Tính thanh khoản trên các thị trường thu nhập cố định đã xấu đi do các ngân hàng đang đóng một vai trò nhỏ hơn như các nhà sản xuất thị trường.  Ông cảnh báo sự suy giảm thanh khoản trên thị trường tài chính toàn cầu là nhân tố có thể trở thành một tính năng chính kích động cuộc khủng hoảng tiếp theo(13).

Ba là, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc cũng có thể kích động cuộc khủng hoảng sắp tới. Trên thực tế, các chuyên gia của Ngân hàng Mỹ (Bank of America) đã cảnh báo rằng, lãi suất tăng có thể châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới. Trong năm 2018, thị trường chứng khoán của các thị trường mới nổi rất sôi động do FED tăng lãi suất để củng cố đồng USD. Theo các nhà phân tích, tình hình thế giới hiện nay rất giống với những gì đã xảy ra 2 thập niên trước khi các nhà đầu tư ồ ạt rút vốn khỏi các thị trường mới nổi. Bank of America coi chính sách bảo hộ của Mỹ là mối đe dọa lớn đối với sự ổn định kinh tế thế giới. Cuộc chiến thương mại gây ra những tổn thất lớn cho thương mại quốc tế, ảnh hưởng đến giá cả và khả năng tiếp cận các sản phẩm trong chuỗi cung ứng, điều này gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu. Sau hơn 10 năm, kể từ năm 2008, nguy cơ một cuộc đại suy thoái lại manh nha. Chuyên gia phân tích đầu tư kỳ cựu của Mỹ, ông Mark Mobius, người đã có nhiều năm kinh nghiệm ở các quốc gia đang phát triển cho rằng: chiến tranh thương mại chỉ là màn khởi đầu cho khủng hoảng tài chính. Một cuộc khủng hoảng tài chính trên phạm vi toàn thế giới đang dần xuất hiện.

Bốn là, nguyên nhân đến từ cá nhân Tổng thống Donald Trump và chính sách của Mỹ. Tổng thống Donald Trump đang là nhân vật chính khiến trật tự thế giới thay đổi. Những thay đổi này đang làm lung lay “niềm tin” của thế giới khi ông Donal Trump đang từng bước thực hiện các cam kết của mình là rút Mỹ khỏi các hiệp định toàn cầu mà nước này từng thúc đẩy, như: Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu; Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA); Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); cũng như đặt câu hỏi về vai trò của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)... Bên cạnh đó, chính sách thương mại cứng rắn nhiều khả năng sẽ tiếp tục được Tổng thống Donald Trump triển khai trong thời gian tới, bởi ông coi đây là biện pháp bảo đảm lợi ích cho nền kinh tế Mỹ và cũng là chìa khóa cho cơ hội tái đắc cử. Bởi vậy, kinh tế toàn cầu có thể còn hứng chịu những cú sốc mới khắc nghiệt hơn trong năm 2019. 

Ngoài ra, còn những dự báo có thể làm bùng nổ cuộc khủng hoảng mới. Thứ nhất là nợ công và nợ thương mại đang ở mức báo động. Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới một cuộc khủng hoảng mới. Người ta có thể không thấy những trường hợp phá sản các ngân hàng như trước đây, khi xảy ra cuộc khủng hoảng năm 2008, nhưng rõ ràng nợ công đang tăng khủng khiếp kể cả ở Mỹ, Anh, Nhật Bản, Italy và giờ là Mỹ Latinh... Quá trình tích lũy nợ công không thể dừng lại thì tất yếu sẽ tới lúc “phát nổ”. Thứ hai là tình trạng mất lòng tin của các nhà đầu tư và cuối cùng là vì các công ty trong lĩnh vực công nghệ mới và các tổ chức tài chính phi ngân hàng không tuân thủ các quy tắc của thị trường. Thứ ba, không ít chuyên gia lo ngại rằng, “khả năng phối hợp” để ứng phó với các rủi ro đã trở nên khan hiếm nhất trên thị trường chính trị quốc tế hiện nay. Trên các diễn đàn đa phương như G20, hay Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hoặc nhóm G7..., người ta không còn thấy được nhiều phiếu đồng thuận về việc phối hợp chính sách. Hậu quả là, khi nền kinh tế đi vào một chu kỳ đình trệ, có thể xảy ra trong năm tới, các quốc gia khó điều phối được một đối sách chung, vì những ràng buộc riêng trong từng nước. Ở thời điểm hiện tại, đã có một cuộc khủng hoảng niềm tin - sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy ở nhiều nền kinh tế tiên tiến kèm theo những căng thẳng chính trị gia tăng. Việc mất niềm tin vào khả năng của các nhà hoạch định chính sách trong việc quản lý nền kinh tế sẽ tạo ra những áp lực này. Vì vậy, ngoài rủi ro suy thoái, sẽ còn có thêm rủi ro vì thiếu sự phối hợp quốc tế.

Như vậy, sau hơn 10 năm kể từ năm 2008, những bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Cuộc khủng hoảng nợ công đã cho thấy: không có ngoại lệ khủng hoảng nợ cho bất kỳ mô hình kinh tế và nhà nước nào, kể cả các tập đoàn và cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Nợ công như một căn bệnh hội tụ của những kẽ hở trong quản lý đầu tư công, vung tay chi tiêu ngân sách và hậu quả của nạn quan liêu, tham nhũng. Việc xử lý nợ công đòi hỏi sự phối hợp hài hòa giữa cơ chế, chính sách của Nhà nước và cơ chế thị trường, coi trọng tính đồng bộ và chú ý đến tính 2 mặt của các giải pháp chính sách, đồng thời duy trì động lực tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội; đa dạng hóa và phối hợp hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế trong quản lý phát triển.

Thực tế nợ công trên thế giới đang đặt ra yêu cầu đòi hỏi chính phủ các nước cũng như cộng đồng quốc tế cần cấp bách khống chế và giải quyết. Những khối nợ công của các nền kinh tế lớn một khi vượt khỏi tầm kiểm soát, sẽ trở thành những “trái bom” tàn phá các nền kinh tế nói riêng và đẩy kinh tế thế giới nói chung vào nguy cơ khủng hoảng. Các chính phủ muốn tránh viễn cảnh đen tối đó cần giải quyết các vấn đề cơ bản hiện nay trước khi quá muộn.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2019       

(1) TTXVN: “Nợ quốc gia của Mỹ vọt lên mức kỷ lục 22.000 tỷ USD”, http://thoibaotaichinhvietnam.vn.

(2), (4) Minh Đức: “Trung Quốc: Rủi ro nợ công tiếp tục gia tăng”, http://tapchitaichinh.vn.

(3) Thiên Hà (theo Economic Times): “Nợ công Trung Quốc tăng chóng mặt”, https://motthegioi.vn.

(5) Diệp Vũ: “Kinh tế Trung Quốc 2018 tăng trưởng chậm nhất 28 năm”, http://vneconomy.vn.

(6) Khôi Nguyên: “Nợ công níu chân nhiều nền kinh tế”, Báo Nhân Dân điện tử, http://nhandan.com.vn.

(7) TTXVN: “Nợ công là vấn đề đáng lo ngại đối với kinh tế toàn cầu” 02/12/2018

(8) Trần Nam Thi: “Nợ công ở các quốc gia Châu Á mới nổi lặng lẽ vượt 50% GDP”, https://vietnambiz.vn.

(9) Bích Liên: “Tổng Giám đốc IMF cảnh báo nợ công ở các nước Arab tăng cao”, http://ewn.co.za

(10) Minh Bích (theo The National Interest): “Nợ công trên thế giới: Cuộc khủng hoảng tiếp theo?”, https://baomoi.com.

(11), (12), (13), (14) Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+): “Kinh tế thế giới tiềm ẩn nguy cơ sau thập kỷ khủng hoảng tài chính”, https://www.vietnamplus.vn.

PGS, TS Thái Văn Long

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS Phạm Hồng Kiên

Trường Đại học Thủ Dầu Một

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền