Trang chủ    Quốc tế    Chuỗi giá trị cho sản phẩm ngành công nghiệp giày dép Inđônêsia và những gợi ý cho Việt Nam
Thứ sáu, 25 Tháng 10 2019 12:46
2718 Lượt xem

Chuỗi giá trị cho sản phẩm ngành công nghiệp giày dép Inđônêsia và những gợi ý cho Việt Nam

(LLCT) - Bài viết phân tích chuỗi giá trị sản phẩm giầy dép của Indonesia, xác định các hoạt động chính dọc theo chuỗi và những khâu có thể đem lại giá trị, cách thức mà Indonesia vươn tới chiếm thị phần lớn hơn trong chuỗi giá trị giầy dép toàn cầu. Trên cơ sở đó đưa ra những gợi ý chính sách phù hợp hơn khi phát triển các chuỗi giá trị mới cho sản phẩm ngành công nghiệp giầy dép cho Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

1. Chuỗi giá trị cho sản phẩm ngành công nghiệp giày dép Indonesia

Indonesia là quốc gia xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ lớn thứ 30 trên thế giới với thị trường sản phẩm toàn cầu. Quốc gia này có dấu ấn mạnh mẽ trong một số hàng hóa nhất định, trong đó sản phẩm giầy dép là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất. Đến nay sản phẩm giầy dép Indonesia đang đứng ở vị trí thứ 5 trên thế giới với 700-900 triệu đôi mỗi năm, hầu hết xuất cho thị trường nước ngoài, tổng cộng chiếm 3,4% xuất khẩu giầy dép toàn cầu(1). Với Indonesia, công nghiệp giầy dép là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ gần đây. Indonesia dựa chủ yếu vào lợi thế về tiền lương công nhân thấp, tay nghề lao động có chất lượng khá. Từ những lý do cơ bản trên đã thúc đẩy Indonesia tăng cường hội nhập, tích cực phát triển các chuỗi giá trị mới chủ động tiến vào các thị trường thu nhập cao như Hoa Kỳ, Canada và các nước thuộc Liên minh châu Âu. Việc xây dựng các chuỗi giá trị mới cho sản phẩm giầy dép của quốc gia này cũng đang đặt ra trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm sau thời kỳ khủng hoảng tài chính.

Các nhà sản xuất giầy dép của Indonesia tập trung vào các đảo Java và Sumatra, đặc biệt là ở Tây Java, Đông Java và Bắc Sumatra. Có một cụm giầy dép ở thành phố Bogor, Tây Java, nơi sản xuất giầy dép được trải rộng trên 14 làng ở Regency. Mỗi làng chuyên về một loại giầy dép nhất định như dép, giầy trẻ em, giầy thể thao. Ngoài Tây Java, các phân khúc sản xuất giầy hầu hết nằm ở Yogyakarta, Bắc Sumatra và Đông Java. Trong khi đó, các nhà sản xuất sandal chủ yếu tập trung ở Banten, Tây Java và Đông Java, trong khi dép thời trang thiết kế được sản xuất chủ yếu ở Bali. Dựa trên số liệu năm 2017, ngành công nghiệp may mặc, dệt may và giầy dép Indonesia chiếm 4 triệu nữ công nhân so với công nhân nam dưới 2 triệu.

Sự hiện diện của các hãng giầy thể thao quốc tế ở Indonesia đã có tác động đáng kể đến sự phát triển của ngành. Indonesia là nơi sản xuất 25% giầy Nike năm 2015, chỉ sau Việt Nam (43%) và Trung Quốc (28%), cùng với Adidas, Puma và các thương hiệu khu vực khác(2). Các doanh nghiệp nổi tiếng như Sepatu Mas Idaman, Mangul Java và Teguh Murni cũng tham gia. Ngoài các công ty được quốc tế công nhận, Aggiomultimex là một trong những công ty lớn với 2.000 nhân viên, thiết kế, phát triển và sản xuất giầy dép bán cho các công ty khác như Oakley và Lacoste.

Chuỗi sản xuất của Indonesia. Chuỗi sản xuất sản phẩm giầy dép Indonesia không có gì đặc biệt, cơ bản có 3 cấu phần chủ yếu: i) Nguyên vật liệu đầu vào bao gồm da với thuốc nhuộm hóa học, dệt may hữu cơ và tổng hợp, nhựa, nước, điện, và bất kỳ hàng hóa và dịch vụ nào khác cần thiết để làm giầy dép; ii) Gia công chế tạo bao gồm máy móc thiết bị và nhân lực; iii) Tiêu thụ sản phẩm bao gồm xuất khẩu, tiêu dùng trong nước và nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, có 2 lưu ý về chuỗi sản xuất giầy dép của Indonesia gồm một là phụ thuộc vào hệ thống các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào nhập khẩu là chính, một phần nhỏ ở trong nước; hai là, tiêu chuẩn sản phẩm giầy dép của thị trường tiêu thụ nước ngoài.

Chuỗi giá trị toàn cầu của Indonesia. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nếu Indonesia xuất khẩu 100 USD giầy dép ra nước ngoài thì 80 đô la trong số này bao gồm các nguyên liệu đầu vào được mua từ một quốc gia khác, giá trị gia tăng của thương mại Indonesia chỉ là 20 USD. Cũng theo tính toán của OECD, khi các sản phẩm giầy dép được xuất khẩu từ

Indonesia, chỉ có 47% tổng giá trị xuất khẩu thực sự được tạo ra trong quá trình sản xuất giầy dép. Như vậy, một lượng giá trị đáng kể chia cho các ngành công nghiệp khác như điện, nước, dịch vụ kinh doanh và các ngành sản xuất khác như hóa chất và máy móc(3).

Như vậy, các hoạt động cụ thể dọc theo chuỗi giá trị, những khâu tạo ra giá trị liên quan đến xuất khẩu giầy dép là cần thiết để xác định các khu vực mà Indonesia có thể bỏ lỡ cơ hội để tăng tỷ trọng giá trị mà họ nắm bắt được từ xuất khẩu. Cụ thể như khi các công ty Indonesia xuất khẩu các sản phẩm giầy dép, quy trình sản xuất được đặt tại quốc gia này và do đó chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị gia tăng. Nhưng thực chất nhiều đầu vào quan trọng vào giầy dép, như hóa chất và nhựa, không được sản xuất bởi các công ty trong nước với số lượng đủ để đáp ứng nhu cầu của các nhà xuất khẩu giầy dép Indonesia. Do đó, phần lớn giá trị gia tăng liên quan đến các đầu vào này được tính cho các quốc gia khác. Như vậy, Indonesia tìm kiếm cơ hội mở rộng sang sử dụng các nguyên liệu trong nước sản xuất. Đây là hướng đi trong xây dựng chuỗi giá trị mới của Indonesia.

Mặt khác, hầu như tất cả (khoảng 97 %) giá trị gia tăng được tạo ra trong hoạt động sản xuất dành cho các doanh nghiệp và lương nhân công. Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ kinh doanh, Indonesia làm không tốt. Các dịch vụ cần thiết để xuất khẩu giầy dép từ Indonesia chiếm 25% tổng giá trị dọc theo chuỗi, nhưng gần 1/3 trong số đó đến từ các quốc gia khác(4). Như vậy lợi nhuận mà Indonesia thực sự được hưởng rất thấp. Đây cũng là điểm mà Indonesia cần tính toán cân nhắc khi phát triển chuỗi giá trị mới. Song điều quan trong hơn cả là nâng cao năng lực sản xuất và sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước sản xuất, đồng thời chuyển đổi các khâu dịch vụ để hưởng lợi nhiều hơn từ xuất khẩu ngành hàng chủ lực quốc gia.

Để sử dụng các nguyên vật liệu có thể sản xuất trong nước và đẩy mạnh hoạt động dịch vụ,

Indonesia cần tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới phù hợp với năng lực sản xuất hiện nay của đất nước. Những thị trường “hạng trung” hoặc “bình dân” có thể giúp Indonesia kích thích sản xuất trong nước và thu về nhiều lợi nhuận cho quốc gia.

2. Những chính sách cần giải quyết khi xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm giầy dép Indonesia

Chính sách phát triển dịch vụ giá trị cao cho chuỗi giá trị sản phẩm giầy dép. Một lý do khiến Indonesia chiếm tỷ trọng tương đối cao trong giá trị xuất khẩu giầy dép, đó là Indonesia có rất ít dịch vụ được thực hiện bởi các doanh nghiệp trong nước tính dọc theo chuỗi giá trị. Đây là một vấn đề cần đang đặt ra cho các doanh nghiệp trong nước của Indonesia. Không chỉ quốc gia này thấy phần lớn lợi nhuận từ các hoạt động dịch vụ cung ứng và tiêu thụ sản phẩm đi ra khỏi biên giới mà còn có tỷ lệ dịch vụ thấp nhất trong xuất khẩu giầy dép, chỉ chiếm 24%, điều đó cho thấy các doanh nghiệp không tối đa hóa tổng giá trị từ xuất khẩu của họ như Hình 1 dưới đây.

Để đảm bảo thu lợi nhiều hơn từ xuất khẩu giầy dép, Indonesia cần có những chính sách mở đường, tìm cách đưa các dịch vụ vào chuỗi giá trị sản phẩm giầy dép của mình. Đồng thời tiếp thị và phát triển thương hiệu riêng của mình, cung cấp dịch vụ mua sắm và hậu cần nội bộ là các cách để tăng tổng giá trị và đem lại lợi nhuận cao hơn cho quốc gia này. Ngoài ra, các hoạt động mà Indonesia còn yếu chính là việc nắm bắt các giá trị từ những hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị. Chẳng hạn như các doanh nghiệp thường yêu cầu trình độ học vấn cao hơn và trả lương cao hơn trong khi hiệu quả làm việc không khác biệt.

Chính sách cải thiện liên kết chuỗi giá trị lạc hậu. Ngoài việc nâng cao năng lực cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng cao hơn trong xuất khẩu giầy dép của mình, một cách khác để Indonesia đảm bảo giá trị gia tăng cao hơn cho lĩnh vực xuất khẩu của mình là có những chính sách cụ thể cải thiện các mối liên kết xuôi theo chuỗi và cả liên kết ngược trong chuỗi giá trị. Chẳng hạn như trong nhiều trường hợp, các nguồn cung cấp nguyên vật liệu từ nội địa đáng tin cậy không có sẵn cần thiết để sản xuất giầy dép. Ngay cả trong trường hợp nguồn cung trong nước có sẵn, các doanh nghiệp vẫn lấy nguồn đầu vào từ Trung Quốc hoặc nước ngoài vì chất lượng trong nước được coi là quá thấp.

Chính sách cải thiện các lĩnh vực không cạnh tranh. Indonesia là một quốc gia có mức lương thấp và thực tế này đã mang lại cho quốc gia này một lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu đối với các mặt hàng sản xuất thâm dụng lao động như giầy dép. Quốc gia này đã thành công trong việc xuất khẩu các sản phẩm của mình ra thế giới, từ đó dẫn tới sự phát triển kinh tế nhanh chóng và tiền lương lao động cao hơn đáng kể. Thu nhập trung bình của công nhân Indonesia trong ngành may mặc, dệt may và giầy dép khoảng 200 đô la Mỹ mỗi tháng và khoảng cách tiền lương giới tính là 10%(5). Mặc dù tiền lương vẫn còn thấp so với các cường quốc sản xuất khác trong khu vực, tuy nhiên Indonesia không thể duy trì lâu dài vào chiến lược sản xuất lương lao động thấp, chi phí thấp vô thời hạn. Chính phủ và các doanh nghiệp phải tập trung đưa ra các chính sách nâng cao kỹ năng lao động nhằm tăng thêm giá trị cho các dòng sản phẩm và tăng hiệu quả đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Chính sách gỡ bỏ các rào cản về thể chế. Nếu các doanh nghiệp giầy dép của Indonesia phát triển tốt hơn trong tương lai thì các quy định lao động phải được quy định hợp lý. Chẳng hạn như các chính sách lương tối thiểu, chính sách sa thải công nhân doanh nghiệp phải trả chi phí sa thải cao nhất so với các nước trong khu vực, đứng thứ 3 toàn cầu về mức lương thôi việc như Hình 3 dưới đây. Về lý thuyết, điều này có nghĩa là bảo vệ quyền của người lao động và cung cấp mạng lưới an toàn xã hội trong trường hợp mất việc. Tuy nhiên, trong thực tế, nó tạo ra một số vấn đề mâu thuẫn với mục tiêu này. Chi phí sa thải cao có thể là một yếu tố góp phần giúp Indonesia xếp thứ 72 trên Diễn đàn kinh tế thế giới, chỉ số vốn nhân lực, đo lường mức độ một quốc gia phát triển kiến thức và kỹ năng của lực lượng lao động. Điều này cũng đứng sau Trung Quốc (thứ 34) và Thái Lan (thứ 40), và chỉ sau Việt Nam (thứ 64).

Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng. Là một quốc đảo, Indonesia đương nhiên phải đối mặt với những thách thức về cơ sở hạ tầng, tác động đến các ngành công nghiệp với chuỗi cung ứng rộng khắp biên giới quốc tế như giầy dép. Khi nền kinh tế toàn cầu ngày càng hội nhập và thương mại giữa các quốc gia tăng lên, cơ sở hạ tầng trở nên quan trọng hơn đối với một quốc gia tham gia thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cơ sở hạ tầng như một thỏi nam châm mạnh về vốn vì nó mang lại hiệu quả hoạt động liên quan đến vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước. Do đó, cuộc đua nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt liên quan đến giao thông vận tải không bao giờ kết thúc. Chất lượng đường xá và cảng kém là mối quan tâm chính đối với phía hậu cần của chuỗi cung ứng giầy dép.

Chính sách đẩy mạnh hợp tác và đào tạo quốc tế. Doanh nghiệp vừa và nhỏ của Indonesia sẵn sàng tích cực tham gia vào hoạt động xuất khẩu, nhưng không biết làm thế nào để tiến hành. Họ không có nhiều mối liên hệ quốc tế và không có nhân viên có kỹ năng cần thiết để liên lạc với khách hàng nước ngoài. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, quy trình sản xuất của họ không cho phép họ đáp ứng các hoạt động tối thiểu bắt buộc của nhiều khách hàng quốc tế.

Cùng với những chính sách trên, Indonesia cần giải quyết những vấn đề ở bên trong cụ thể như sau:

Cần sự hỗ trợ tích cực từ phía nhà nước. Sự hỗ trợ của nhà nước sẽ thúc đẩy năng lực thương mại và kết nối các đối tác trong và ngoài nước.

Cần sự tham gia mạnh mẽ hơn của các tổ chức và hiệp hội ngành nghề. Chính phủ và các hiệp hội ngành công nghiệp cần tập trung vào việc tiếp cận các nhà sản xuất giầy dép để tháo gỡ khó khăn, rào cản vốn đang phải đối mặt trong hoạt động xuất khẩu.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành. Đào tạo kỹ năng cũng sẽ rất quan trọng để đảm bảo rằng các doanh nghiệp trong nước có được khả năng tương tác trực tiếp với các doanh nghiệp quốc tế cao hơn. Họ cần học cách tiếp thị thương hiệu của riêng mình, tìm nguồn nguyên liệu của riêng họ và cung cấp cho người mua sản xuất dịch vụ đầy đủ, hoàn thành với việc giao hàng đến đích cuối cùng. Cung cấp cho người lao động Indonesia những kỹ năng này có thể đạt được thông qua các chương trình đào tạo do chính phủ hoặc ngành dẫn đầu.

Nhanh chóng cải thiện các quy định pháp lý. Hợp lý hóa các quy định lao động trong nước và đối với các đối thủ lớn trên toàn cầu sẽ giúp làm rõ chi phí hoạt động và biến Indonesia thành một điểm đến hấp dẫn hơn đối với vốn nước ngoài. Tất cả các cấp chính quyền phải làm việc để đảm bảo rằng các quy định được liên kết giữa các khu vực pháp lý và các rào cản thương mại nội bộ được giảm bớt.

Cải thiện thu nhập cho người lao động. Các quy định yêu cầu các doanh nghiệp phải trả mức độ thôi việc cao. Chính sách của chính phủ nên tập trung vào việc loại bỏ các rào cản đối với việc tuyển dụng và cho phép các doanh nghiệp Indonesia tự do mà họ cần trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Giảm chi phí các hoạt động trung gian. Điều quan trọng là Indonesia giảm chi phí cho những thủ tục hành chính và thu nộp các loại phí như chi phí đăng ký tài sản bao gồm phí, thuế chuyển nhượng, thuế tem và bất kỳ khoản thanh toán nào khác cho cơ quan đăng ký tài sản, công chứng viên, cơ quan nhà nước và luật sư. Mặc dù chỉ có thuế và thuế tem liên quan trực tiếp đến sự can thiệp của chính phủ, các nhà hoạch định chính sách phải tìm cách hợp lý hóa việc đăng ký tài sản cho các doanh nghiệp mới để khuyến khích đầu tư. Một khi điều này được thực hiện, đầu tư cao hơn cho phép các doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn để xuất khẩu.

Đảm bảo an toàn và an ninh năng lượng cho ngành. Năng lượng luôn là một thành phần quan trọng trong bất kỳ cấu trúc chi phí nào của nhà sản xuất và rất cần thiết cho việc sản xuất hàng loạt giầy dép. Đảm bảo truy cập điện hiệu quả và đáng tin cậy vào các hoạt động điện sẽ giúp giảm bớt một số vấn đề cơ sở hạ tầng chính được xác định bởi các nhà sản xuất. Chính phủ đang lên kế hoạch loại bỏ dần các khoản trợ cấp năng lượng trong tương lai, và điều quan trọng là phải hiểu điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Indonesia như thế nào. Chẳng hạn như Chiến lược của chính phủ sẽ nhấn mạnh đến đa dạng hóa và bền vững các nguồn năng lượng nhắm mục tiêu 23% năng lượng từ các nguồn tái tạo vào năm 2025(6).

Cải thiện năng lực tại các cảng biển Indonesia. Tăng cường năng lực vận tải biển sẽ giúp giảm bớt tắc nghẽn chuỗi cung ứng, cắt giảm chi phí cho các công ty và biến Indonesia thành một nơi hấp dẫn hơn để kinh doanh. Các quốc gia có cảng thế giới cũng thường nổi lên như các điểm trung chuyển quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu và một số cảng bận rộn nhất thế giới nằm trong khu vực, bao gồm Thượng Hải, Thâm Quyến, Singapore và Hồng Kông.

Nâng cấp cơ sở hạ tầng. Chất lượng của cơ sở hạ tầng Indonesia, nhất là hạ tầng giao thông vận tải phải theo kịp các đối thủ nếu họ hy vọng duy trì và cải thiện giá trị tổng hợp mà họ nắm bắt được từ các chuỗi cung ứng toàn cầu không chỉ có giầy dép mà còn nhiều sản phẩm công nghiệp khác.

3. Một vài gợi ý cho việc xây dựng chuỗi giá trị của sản phẩm giầy dép Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

Thứ nhất, gỡ bỏ các rào cản về thể chế và các quy định pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế theo các hướng sau: i) Tiếp tục cải thiện các chính sách cơ bản về lao động, việc làm. Các chính sách tăng lương tối thiểu, bảo hiểm thất nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh niên, đảm bảo các điều kiện làm việc. Chính sách đào tạo kỹ năng lao động theo chứng chỉ nghề nghiệp. ii) Cải cách thủ tục hành chính. Triển khai chính phủ điện tử mạnh mẽ, đặc biệt là các hoạt động xuất nhập khẩu, thuế quan liên quan đến sản xuất công nghiệp trong nước. iii) Cải thiện môi trường sản xuất. Tạo điều kiện cho các tổ chức cung ứng dịch vụ hậu cần sản xuất trong nước. Tận dụng cơ hội, thời cơ tích hợp công nghệ, thủ pháp kỹ thuật mà các doanh nghiệp nước ngoài mang lại. Tạo cơ chế thông thoáng cho các hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) của ngành và theo từng khâu của chuỗi giá trị. iv) Tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt liên quan đến giao thông vận tải, đường xá và cảng biển mở đường cho các chuỗi cung ứng ngành giầy dép phát triển.

Thứ hai, tăng cường năng lực các chủ thể và các khâu trong chuỗi giá trị các sản phẩm giầy dép như sau: i) Khâu nghiên cứu phát triển. khuyến khích đầu tư hợp tác nghiên cứu, đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm mới của ngành giầy dép mang đậm chất Việt Nam; ii) Tham gia khâu thiết kế mẫu mã. Phát triển đội ngũ chuyên gia trong và người nước thiết kế kiểu dáng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu theo độ tuổi, dáng vóc và điều kiện sử dụng; iii) Giảm thiểu khâu quản lý, đẩy mạnh đầu vào sản xuất. Đầu tư công nghệ, thiết bị thông minh vào sản xuất đáp ứng cao hơn nhu cầu sản xuất và quản lý; iv) Phát triển lực lượng lao động kỹ năng cao. Sản xuất sử dụng lao động có kỹ năng, có tay nghề đã qua đào tạo nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất lao động và chất lượng sản phẩm; v) Nâng cấp các hoạt động dịch vụ và hậu cần. Kết nối các khâu hậu cần, dịch vụ và logistic đảm bảo khoa học, giảm chi phí; vi) Đổi mới phương thức tiêu thị sản phẩm và phát triển thị trường xuất khẩu. khuyến khích đổi mới phương thức thương mại hóa sản phẩm, tiếp thị, bán hành và tìm kiếm các kênh tiêu thụ sản phẩm nhanh chóng, hiệu quả. vii) Thay đổi mối quan hệ nhà sản xuất với khách hàng. Phát triển các kênh tương tác giữa khách hàng và nhà sản xuất. Giảm bớt sự lệ thuộc vào nước ngoài từ khâu nguyên vật liệu đến tận tay người tiêu dùng để tối đa hóa lợi nhuận từ sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Thứ ba, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia vào các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm giầy da toàn cầu. Các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất các phụ kiện, các nguyên vật liệu đầu vào sản xuất với chất lượng cao, ổn định, đáp ứng sản xuất quy mô lớn. Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư tham gia vào các khâu thiết kế, dịch vụ sản xuất, chế tạo sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm nhằm tối đa hóa lợi ích mang lại cho quốc gia. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước có hướng tìm kiếm những thị trường tiêu thị sản phẩm giầy dép “hạng trung” phù hợp với năng lực sản xuất trong nước, kéo các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ có cơ hội tham gia và giảm nhập khẩu nguyên vật liệu nước ngoài.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2019

(1), (2) Liên Hợp quốc: Cơ sở dữ liệu thương mại, 2017, http://comtrade.un.org.

(3), (4) Organisation for Economic Co-operation and Development and World Trade Organization: “Indicators of Employment Protection”, 2017, http://www.oecd.org.

(5) ILO (International Labour Organization): “Developing Asia’s Garment and Footwear Industry: Recent Employment and Wage Trends”, Asia-Pacific Garment and Footwear Sector Research Note, Issue 8, 2017, http://www.ilo.org.

(6) Indonesia Investments: “Indonesia’s Footwear Industry Hurt by Minimum Wage Growth Uncertainty”, 2017, https://www.indonesia-investments.com.

TS Bùi Tiến Dũng

TS Lê Thị Hương

Ban Kinh tế Trung ương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền