Trang chủ    Quốc tế    Vấn đề "cánh tả","cánh hữu" của các đảng chính trị ở Đức hiện nay
Thứ ba, 23 Tháng 7 2013 14:47
10834 Lượt xem

Vấn đề "cánh tả","cánh hữu" của các đảng chính trị ở Đức hiện nay

(LLCT)– Căn cứ vào đâu để có thể coi một đảng nào đó là cánh tả? Sự phân loại tả - hữu là một câu chuyện phức tạp. Người ta có thể ngược dòng lịch sử để truy tìm từ nguyên của khái niệm đảng cánh tả đảng cánh hữu cũng như ý nghĩa hết sức khác nhau về văn hoá, dân tộc học và chính trị học của trục quan hệ đối lập này ở các dân tộc và khu vực.

Lịch sử của các chính đảng cánh tả nói chung và của Đảng Xã hội dân chủ Đức nói riêng phản ánh những khúc quanh của phong trào mácxít và phong trào công nhân ở Đức và châu Âu. Nó cũng phản ánh tương quan giữa các lực lượng chính trị trong cục diện chính trị quốc tế, phản ánh con đường khúc khuỷu đi đến một xã hội XHCN dân chủ hiện đại. Căn cứ vào đâu để có thể coi một đảng nào đó là cánh tả? Sự phân loại tả - hữu là một câu chuyện phức tạp. Người ta có thể ngược dòng lịch sử để truy tìm từ nguyên của khái niệm đảng cánh tả đảng cánh hữu cũng như ý nghĩa hết sức khác nhau về văn hoá, dân tộc học và chính trị học của trục quan hệ đối lập này ở các dân tộc và khu vực(1).

Ở phương Tây cũng có sự không thống nhất về tiêu chí phân chia khuynh hướng tư tưởng chính trị thành cánh tả và cánh hữu. Người châu Âu hiểu đảng cánh tả là đảng mang cách nhìn chiều ngang (horizontal), ủng hộ sự công bằng, cải cách xã hội và hướng tới tương lai; còn đảng cánh hữu có khuynh hướng nhìn theo chiều thẳng đứng (vertical), theo đuổi quan điểm duy trì tôn ti, có tính bảo thủ, công bằng xã hội và coi trọng giá trị tôn giáo. Trong khi đó người Mỹ cho rằng, không riêng gì các đảng cánh tả theo đuổi giá trị công bằng, mà ngay các chính đảng thiên hữu cũng nói nhiều về công bằng (justic). Có người hiểu "tả" là vì lợi ích của người lao động, ủng hộ sự can thiệp của nhà nước đối với kinh tế, còn "hữu" là vì lợi ích của giới chủ, khước từ can thiệp của nhà nước. Tuy nhiên trên đại thể, các thủ lĩnh chính đảng khá nhất trí với nhau rằng: phân chia tả - hữu là những khuôn khổ định hướng nhằm tranh thủ cử tri trong bầu cử(2).

Đảng Xã hội dân chủ Đức(SPD) với tư cách một đảng cánh tả là một trong hai trụ cột lớn và thành công nhất, có uy tín lớn nhất đóng vai trò lãnh đạo nước Đức, từ năm 2005 - 2009 đã liên danh cùng với Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) cánh hữu thiết lập một chính phủ Đại liên minh. Đây là một bằng chứng mới về sự biến chuyển cơ bản trong hệ tư tưởng, lý tưởng chính trị của các chính đảng hiện đại. Hai đảng vốn đối lập nhau ngày nay sẵn sàng bỏ qua tất cả để thiết lập một liên minh nhằm thâu tóm được chính quyền quốc gia về tay mình. Do đó người ta có thể đồng ý với ý kiến một số học giả, khi cho rằng thời của đối lập tả - hữu đã qua rồi, thậm chí không còn khái niệm trung tả hay trung hữu nữa. Vì đại đa số chính đảng hiện nay đều có thể xem là các đảng ở giữa, đảng trung dungmà thôi. Câu khẩu hiệu được ưa chuộng ngày nay ở Đức là: Ai đứng trung dung, người đó có tất cả lựa chọn quyền lực! (Wer in der Mitte steht, hat alleMachtoptionen), đúng như nhận định của nhà phân tích chính trị Franz Walter - giáo sư Đại học Goettingen. Đây cũng là một nguyên nhân ý thức hệ dẫn đến sự phân ly trong nội bộ Đảng Xã hội dân chủ, trong đó lực lượng tả khuynh cấp tiến mà đứng đầu là Oskar Lafontaine đã quyết định rời bỏ nó để gia nhập lực lượng cánh tả thực chất hơn do Đảng của CNXH dân chủ (tức Đảng Cộng sản ở Đông Đức) lãnh đạo.

Tình hình chính đảng ở Đức phản ánh trạng thái điển hình của các nước dân chủ hiện đại, trong đó có hai nhóm đảng phân biệt nhau, trong nhiều trường hợp là đối lập nhau, mỗi nhóm có một chính đảng mạnh làm nòng cốt. Theo truyền thống của nền chính trị phương Tây, người ta phân biệt một phái là "tả khuynh" và phái đối lập kia là "hữu khuynh". Chẳng hạn, ở Anh, lực lượng cánh tả tập trung xung quanh Đảng Lao động (Công Đảng/Labor Party), còn lực lượng cánh hữu tập trung ở Đảng Bảo thủ (Conservative Party). Tương tự, ở Pháp Đảng Xã hội và Đảng Cộng sản là chủ chốt của phe tả, còn Liên minh vì nền Cộng hoà là chủ chốt của phe hữu.

Ngày nay, phần lớn các nhà nghiên cứu các đảng chính trị hiểu "tả"là vì lợi ích của người lao động và người nghèo, ủng hộ sự can thiệp của nhà nước đối với kinh tế và xã hội, ủng hộ xu thế hoà hiếu trong quan hệ quốc tế; còn"hữu" là vì lợi ích của giới chủ, chủ trương tự do kinh tế tư nhân, khước từ can thiệp của nhà nước, bảo vệ lợi ích dân tộc, quốc gia và duy trì các giá trị truyền thống.Tuy nhiên trên đại thể, các chính đảng chủ chốt trong nền chính trị đa nguyên thường ít khi cực đoan, cực tả hay cực hữu, mà thường có quan điểm trung tả hoặc trung hữu.

Ngoài hai phe đối lập tả hữu ra, còn có những chính đảng đứng giữa (trung dung). Trong cương lĩnh chính trị của họ có những lĩnh vực thể hiện quan điểm hữu khuynh, nhưng lại có những lĩnh vực tỏ ra tả khuynh. Về mặt liên kết tạo đồng minh, khi thì họ liên minh với đảng phe hữu, khi thì liên minh với phe tả để tham chính trên cơ sở những thoả hiệp lợi ích nào đó.Cũng có trường hợp một đảng nhỏ có thể chuyển động linh hoạt mang tính cơ hội chủ nghĩa, từ một đảng rất hữu sang một phía rất tả, đặc biệt trong hoàn cảnh quốc gia đó xuất hiện khủng hoảng hệ thống. Các đảng như Đảng Tự do dân chủ (FDP), hay Đảng Xanh v.v.. ở Đức là những đảng kiểu như vậy.

Sở dĩ các đảng cánh tả Đức rơi vào khủng hoảng như ngày nay có một nguyên nhân cơ bản là do họ mất phương hướng, không xây dựng được một cách nhìn mới mẻ và một chiến lược nhằm chống lại chủ nghĩa tự do mới trên phạm vi toàn cầu và châu Âu.

Khi quan sát hai khuynh hướng tả và hữu trong đời sống chính trị, giới chính trị và các cơ quan luật pháp đặc biệt quan tâm đến các biến thái cực đoan của các lực lượng chính trị. Phái cực đoan của phe tả được xem là nhóm cực tả(left radical) và tương ứng là nhóm cực hữu (right radical). Các nhà lập pháp Đức có thái độ đề phòng cả hai khuynh hướng cực đoan này với mức độ gần như nhau, trong đó có vẻ e dè phe cực hữu hơn.

Về các đảng phái chính trị cực tả

Giới chính khách Đức xem các nhóm có tư tưởng cộng sản đi theo cương lĩnh đấu tranh lật đổ CNTB hay trật tự tư sản bằng bạo lực cách mạng là nhóm cực tả. Vì quan niệm đấu tranh bạo lực đã bị loại ra khỏi tinh thần của Hiến pháp các nhà nước dân chủ hiện đại nói chung và của Cộng hòa Liên bang Đức nói riêng, nên Đảng Cộng sản Đức (KPD) tái thiết lập sau chiến tranh thế giới thứ hai và đã từng có chân trong Quốc hội liên bang khoá đầu tiên (1949 - 1953) đã bị cấm hoạt động kể từ năm 1956 theo quyết nghị của Toàn án Hiến pháp liên bang. Đến năm 1968, trong không khí cách mạng tả khuynh ở Tây Âu, đảng này đã được tái lập với tên gọi Đảng Cộng sản Đức (trong tiếng Đức, tên gọi mới này chỉ là sự thay đổi trật tự từ và đổi từ danh từ thành tính từ: Kommunistische Partei Deutschlands KPD > Deutsche KommunistischePartei DKP). Đảng DKP có liên hệ mật thiết với nhà nước Cộng hòa dân chủ Đức dưới sự lãnh đạo của Đảng XHCN thống nhất Đức SED cũ. Trong các cuộc bầu cử quốc hội liên bang, DKP chưa khi nào giành được trên 0,3% phiếu bầu(3), do đó không thể có chân trong Quốc hội. Năm 1972, Thủ tướng liên bang và chính phủ các bang (Tây Đức cũ) đã ký một sắc lệnh về chủ nghĩa cực đoan (Radikalenerlass) cho phép áp dụng các biện pháp trấn áp, trước hết là trấn áp các nhóm cực tả. Điều đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh nhà nước tự do dân chủ pháp quyền của Cộng hòa Liên bang Đức ở nước ngoài. Thực tiễn cho thấy mọi biện pháp quản lý để chống lại chủ nghĩa cực tả không có mấy tác dụng, nên người ta đã đặt vấn đề về hiệu lực của sắc lệnh này.

Trên thực tiễn đời sống chính trị, đại đa số thành viên các nhóm cực tả là sinh viên. Các nhóm này có gốc gác từ phong trào đấu tranh của sinh viên Tây Âu những năm 1968 -1972 theo tư tưởng giáo điều, thậm chí có màu sắc maoist. Điển hình trong số đó là nhóm mang tên Nhóm Đại biểu hồng quân (Rote Armee Fraktion/RAF) vận dụng các thủ đoạn khủng bố để chống lại chế độ Cộng hòa Liên bang Đức, nhằm trước hết vào các ông chủ tư bản, các lãnh đạo chính trị, chống lại các biện pháp an ninh của nhà chức trách. Hậu quả là nảy sinh nhiều xung đột và căng thẳng trong xã hội về nguyên lý tự do và dân chủ của hệ thống chính trị Đức.

Sau khi tái thống nhất nước Đức, nhà nước tư bản Cộng hòa Liên bang Đức đã thực hiện một sự chuyên chính với các lãnh đạo của Đảng và nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức, vì họ coi Đảng SED cầm quyền là một đảng cực tả và có nhiều liên đới với các lực lượng cực tả ở Tây Đức cũ. Do đó đa số các ủy viên bộ chính trị đảng SED đều phải ra toà, ngồi tù, có người bị tù đến khi chết.

Về các đảng phái chính trị cực hữu

Nền dân chủ có kiểm soát của Cộng hòa Liên bang Đức luôn luôn phòng ngừa hoạt động của các nhóm cực hữu có liên hệ với các tàn dư tư tưởng và phương pháp của Chủ nghĩa Quốc xã. Mặc dù các đảng cực hữu như Đảng Cộng hoà, Liên minh Dân tộc Đức (DVU) chỉ có không đến 20 nghìn thành viên, nhưng chúng đã gây ra cả một làn sóng rầm rộ bài xích và khủng bố người nước ngoài (thường là dân làm thuê và tị nạn) ở Đức. Năm 1952, Toà án hiến pháp liên bang đã ra tuyên án cấm hoạt động đối với Đảng Đế chế xã hội (SRP) của bọn phátxít mới. Các đảng cực hữu tiếp nối đảng này thường xuyên bị giám sát chặt chẽ, nhằm ngăn ngừa các hậu quả xấu bởi hệ tư tưởng và hành vi của chủ nghĩa phátxít mới gây ra, như Đảng Quốc gia dân chủ (NPD) ra đời vào vào những năm 60 của thế kỷ XX, Đảng Cộng hoà (Republikaner) ra đời năm 1983. Trên thực tiễn, Đảng Quốc gia dân chủ NPD trong liên minh với các lực lượng tự do vào năm 1969 đã giành được 4,3% phiếu bầu, nhưng vẫn chưa đạt ngưỡng 5% để len chân vào Quốc hội liên bang. Đảng Cộng hoà và Liên minh Dân tộc Đức (DVU) trong những năm 80 và 90 cũng đã từng chen chân vào được nghị viện một vài bang. Vào tháng 4-1998, DVU đã từng giành được 12,9% phiếu bầu vào nghị viện bang Sachsen - Anhalt (Đông Đức). Phong trào cực hữu phát triển rầm rộ vào thời kỳ một vài năm trước và sau khi tái thống nhất nước Đức, đặc biệt là ở Đông Đức. Cao trào của lực lượng này là chiến dịch khủng bố người nước ngoài đầu những năm 90 khi nước Đức, đặc biệt là Đông Đức, rơi vào khó khăn chồng chất bởi sự nghiệp tái thiết và chuyển đổi của Đông Đức. Thời kỳ đó bọn chúng đã từng giương cao khẩu hiệu trong nhiều cuộc tuần hành đông nghịt ở nhiều nơi: Nước Đức của người Đức (Deutschland den Deutschen!). Theo nghiên cứu của các nhà xã hội học, trong thập niên 60 của thế kỷ XX có tới 10-15% cử tri ủng hộ bọn cực hữu(4). Điều đáng suy nghĩ, là có tới 5% cử tri đi bầu lần đầu toàn nước Đức đã bỏ phiếu cho DVU, 13% cử tri trong độ tuổi 18-24 bỏ phiếu cho bọn cực hữu(5). Và lực lượng cực hữu, bọn phátxít mới vẫn là nỗi lo canh cánh cho sự yên bình của nước Đức ngày nay.

Tuy nhiên, các biện pháp giám sát, khống chế và ý thức chính trị cao của người dân Đức đã làm thất bại mọi mưu toan của các thủ lĩnh cực hữu. Trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang tháng 9-1998, các đảng cực hữu chỉ giành được một số phiếu ít ỏi: Đảng Cộng hoà giành 1,8%, DVU 1,2%, NDP giành 0,3%. Điều đáng phấn khởi là ở chỗ, vai trò của các đảng cực hữu ngày càng suy giảm rõ rệt so với thời kỳ nước Đức bị chia cắt cũng như so với thời kỳ đầu mới thống nhất nước Đức. Mặc dầu vậy, nước Đức có lẽ vẫn cần có cuộc cải cách nào đó về hiến pháp và thay đổi tình trạng cử tri để triệt tiêu mọi mầm mống của chủ nghĩa cực hữu.

Suy giảm số lượng đảng viên: nguy cơ của các đảng cánh tả

Ở Đức, thập niên 70 thế kỷ XX là thời kỳ bùng nổ về số lượng đảng viên của các đảng. Đỉnh cao nhất về phát triển số lượng đảng viên là vào thời kỳ thống nhất nước Đức năm 1990. Nhưng sự tăng trưởng quan trọng đó về số lượng đảng viên không phải bao giờ cũng đem đến sự năng động và sức mạnh của đảng. Sau đó tất cả các đảng đều rơi vào tình trạng suy giảm số lượng đảng viên. Hiện nay toàn liên bang chỉ có chừng chưa đến 3% cử tri là đảng viên của các đảng chính trị, tức là vào khoảng 1,5 đến 1,8 triệu. Nhưng số đảng viên tích cực hoạt động chỉ khoảng 1/4, thậm chí 1/5 mà thôi(6). Bức tranh tương quan sức mạnh trong hệ thống đảng phái chính trị Đức thể hiện rõ trên số lượng đảng viên qua các thời kỳ như sau:

Bảng so sánh số lượng đảng viên của các đảng trong Quốc hội Liên bang từ năm 1952 đến năm 2007

Năm

CDU

CSU

SPD

FDP

Lm 90/
Đảng Xanh

PDS/Đảng Cánh tả

1952

200.000

 52.000

627.000

 83.000

 

 

1975

590.000

132.000

998.500

 74.000

 

 

1990

777.800

186.200

949.600

168.200

39.900

200.000

2001

608.560

177.852

717.513

 64.063

45.000

 83.000

2007

539.861

167.500

539.052

 65.000

44.687

70.943

 

Nguồn: Ismayr, W. (ed.): Die politischen Systeme Westeuropas, tr. 452;

http://de.wikipedia.org/wiki/Bundestag#Sechzehnter_Bundestag

Số lượng đảng viên của các đảng lớn đã suy giảm một cách nhanh chóng. Đảng xã hội dân chủ SPD và Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo là hai đảng lớn nhất và hiện nay đang liên minh với nhau để cầm quyền là những đảng chịu tổn thất to lớn nhất. Với Đảng Xã hội dân chủ, nếu như vào tháng 5-2006 số đảng viên còn đảng tịch là 575.404 người, thì cuối tháng 10-2006 chỉ còn 565.500 người, tức giảm gần 10 nghìn. Trung bình một năm có khoảng 20 nghìn người xin ra khỏi đảng và 10 nghìn đảng viên chết. Số đảng viên gia nhập mới chỉ khoảng 4.500, không thấm tháp gì. Do đó từ tháng 10-2005 đến tháng 10-2006, SPD đã giảm đi 25 nghìn đảng viên. Số người xin ra khỏi đảng ồ ạt rơi vào thời kỳ 2003-2004. Nếu như năm 1998 khi Schroeder lên nắm quyền, SPD có 755 nghìn đảng viên, thì vào cuối năm 2004, khi Schroeder từ chức Chủ tịch đảng, số đảng viên của SPD chỉ còn  628 nghìn (giảm gần 130 nghìn). Và vào cuối năm 2005 chỉ còn 590 nghìn (vẫn cao hơn năm 2007 là 25 nghìn). Vậy là so với Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo CDU thì số lượng đảng viên của đảng SPD chỉ nhiều hơn 6.500 người. Vị trí đảng lớn nhất liên bang của nó đang bị thách thức. Cũng theo một báo cáo của SPD tại Trụ sở trung ương đảng ở Beclin, thì hầu hết các đảng bộ địa phương không thực hiện được chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới. Chỉ có 3.600 đảng bộ trong tổng số 9.300 hoàn thành được chỉ tiêu này, trong đó 187 đảng bộ kết nạp thêm số đảng viên mới đủ bù cho số ra đi.

Liên minh dân chủ Thiên chúa giáo CDU cũng nằm trong tình trạng không sáng sủa hơn là bao. Nếu như cuối năm 2005 đảng này có 571 nghìn đảng viên, thì cuối năm 2006 chỉ còn 559 nghìn, chỉ ngang mức năm 1974. Trong khi đó, vào thời kỳ cuối của kỷ nguyên Helmut Kohl (1998), CDU có 626 nghìn đảng viên (nhiều hơn hiện nay 67 nghìn). Vấn đề nguy kịch của CDU là ở chỗ, phần lớn số người ra đi đó đều thuộc khối cử tri gốc thuộc giai cấp tư sản: 19% số người ra khỏi đảng là các chủ nghiệp độc lập và 37% là công chức. Đây là lần đầu tiên số lượng đảng viên của CDU nằm dưới mức 560 nghìn là "giới hạn kỳ dị" (magic border). Do đó trong đại hội đảng tại Dresden năm 2007, Tổng thư ký đảng là Ronald Pofalla kêu gọi triển khai một chiến dịch phát triển đảng viên mới, và Ban Chấp hành Trung ương đảng không thể khoanh tay ngồi yên trước tình trạng suy thoái này. Ông nói "Đây là một dấu hiệu của sự ngạo mạn và mũ ni che tai, khi một chính đảng toàn dân cứ đứng ỳ ra đấy trước thực trạng đáng buồn"(7).          

Nhìn lại lịch sử các đảng chính trị hiện đại từ sau năm 1945, chúng ta thấy các chính đảng ở Đức, đặc biệt là các đảng lớn và các đảng cầm quyền hoặc tham chính như CDU, SPD, FDP, PDS... đều có những điều chỉnh ở những mức độ khác nhau về nội dung cương lĩnh chính trị và điều lệ của đảng mình, nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược cao nhất là giành quyền lập chính phủ, tức trở thành đảng cầm quyền. Các đảng này đang thực hiện chủ trương chuyển tư cách đại diện cho lợi ích của một giai cấp hay một tầng lớp xã hội thành đảng của toàn dân. Họ hy vọng như vậy mới có thể giành được đa số phiếu bầu của cử tri để giành quyền lập chính phủ.

________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2011

(1) Xem: Lương Văn Kế: Con đường trở thành đảng cầm quyền hiện đại của Đảng Xã hội Dân chủ (SPD) ở CHLB Đức.Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 2 (77), 2-2007, tr. 16-26;Klaus von Beyme: Parteien im Wandel (Các chính đảng đang biến đổi), Darmstadt, 2000, tr. 66; Vương Ân Vịnh (chủ biên):Chính trị địa lý học. Bắc Kinh, 1999.

(2) Xem: Klaus von Beyme: Parteien im Wandel, Darmstadt, 2000, tr.66

(3) K. Schortheimer/ W. Bleek: Các cơ sở của hệ thống chính trị Đức (tiếng Đức). Muenchen 1999, tr.254

(4),(5) K. Schortheimer/ W. Bleek: sđd. tr.258, 259.

(6) Ismayr, W. (ed.): Die politischen Systeme Westeuropas, tr.467.

(7) Http://www.diewelt.de, 28/-11-200.

TSKH Lương Văn Kế

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền