Trang chủ    Quốc tế    Từ thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đến kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới
Thứ ba, 24 Tháng 12 2019 15:50
10421 Lượt xem

Từ thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đến kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới

(LLCT) -  Đại hội XIV (năm 1992), Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức đưa vấn đề xây dựng kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa vào văn kiện đại hội với 6 đặc trưng cơ bản. Đến Đại hội XIX (năm 2017), Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra quan điểm về kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới. Bài viết khái quát sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới.

 

1. Quá trình hình thành và phát triển quan điểm lý luận về thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa Trung Quốc

Về mặt lý luận, thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (KTTTXHCN) ở Trung Quốc là sản phẩm của sự kết hợp giữa lý luận của chủ nghĩa Mác với thực tiễn lịch sử phát triển đất nước Trung Quốc, là quá trình kế thừa tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận về chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “ba đại diện” của Giang Trạch Dân, quan điểm phát triển khoa học của Hồ Cẩm Đào đến lý luận về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới của Tập Cận Bình. Thể chế KTTTXHCN ở Trung Quốc đã có một quá trình dài hình thành và phát triển. Từ năm 1978 khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện cải cách mở cửa, đến tháng 10-1992, vấn đề xây dựng thể chế KTTTXHCN mới chính thức được đưa ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIV: “Mục tiêu cải cách thể chế kinh tế nước ta là xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, điều này có lợi cho việc giải phóng tư tưởng và phát triển lực lượng sản xuất hơn nữa”(1). Đại hội XIV đánh dấu cải cách thể chế kinh tế đã bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Trên thực tiễn, quá trình hình thành quan điểm lý luận về thể chế KTTTXHCN ở Trung Quốc gắn với ba giai đoạn quan trọng của cải cách kinh tế: (i) Giai đoạn 1978 - 1984: Giai đoạn khởi đầu của nhận thức về cải cách thể chế kinh tế, đó là từ kinh tế kế hoạch đơn thuần sang kinh tế kế hoạch là chủ yếu, điều tiết thị trường là bổ sung, hay còn gọi là “kinh tế hàng hóa có kế hoạch”; (ii) Giai đoạn 1984 - 1989: Giai đoạn chuyển sang nhận thức về “kết hợp kinh tế kế hoạch với điều tiết thị trường” và (iii) Giai đoạn 1989 - 1992: Giai đoạn xác lập nhận thức về “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”.

Những thành tựu vượt bậc trong 30 năm cải cách mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc là cơ sở để quan điểm “sự kết hợp giữa xã hội chủ nghĩa với kinh tế thị trường đã tạo ra kỳ tích tăng trưởng của Trung Quốc” nhận được sự đồng thuận rộng rãi của phần đông nhà nghiên cứu, và họ gọi đây là “mô hình kiểu Trung Quốc”(2). Sau khi chính thức được đưa ra tại Đại hội XIV năm 1992, coi xây dựng thể chế KTTTXHCN là phương hướng cải cách thể chế kinh tế, đến Hội nghị Trung ương 3 Khóa XIV, Trung Quốc đưa ra “Quyết định về một số vấn đề xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” xác định các nhiệm vụ cụ thể của cải cách thể chế KTTTXHCN. Và đến năm 2013, trải qua 10 năm thực tiễn thì đến Hội nghị Trung ương 3 Khóa XVIII đã thông qua “Quyết định của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề quan trọng đi sâu cải cách toàn diện”, nhấn mạnh đến việc để thị trường phát huy vai trò mang tính “quyết định” trong phân bổ nguồn lực, kiên trì và hoàn thiện chế độ kinh tế cơ bản; đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống thị trường hiện đại, hệ thống điều tiết vĩ mô, hệ thống kinh tế loại hình mở; đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế; đẩy nhanh xây dựng quốc gia sáng tạo(3). Thị trường phát huy vai trò mang tính quyết định trong phân bổ nguồn lực có thể coi là yêu cầu mang tính bản chất của nền kinh tế thị trường, ở đó việc phân bổ tài nguyên, nguyên liệu đầu vào được giải quyết theo quy luật của kinh tế thị trường mà cốt lõi là quy luật cung cầu, không sức mạnh nào có thể cao hơn hay thay thế cho vai trò thị trường, thị trường được đặt vào vị trí chủ thể. Mặt khác, nhấn mạnh đến vai trò mang tính quyết định của thị trường không có nghĩa bỏ qua hay phủ định vai trò của Nhà nước. Đặc trưng cơ bản của thể chế KTTTXHCN là sự kết hợp giữa chế độ XHCN với phát triển kinh tế thị trường, chế độ công hữu giữ vị trí chủ thể. Điểm khác biệt và cũng là điểm ưu việt của thể chế KTTTXHCN so với thể chế kinh tế thị trường tự do tư bản chủ nghĩa đó là ở chỗ nó quan tâm và bảo đảm đồng thời hiệu quả kinh tế và sự công bằng xã hội.

Dưới góc độ lý luận, thể chế kinh tế thị trường đặc sắc Trung Quốc là kết quả của sự tham khảo, vận dụng hài hòa, sáng tạo những học thuyết, quan điểm lý luận của kinh tế học phương Tây và chủ nghĩa Mác vào thực tiễn lịch sử phát triển đất nước Trung Quốc; là một bộ phận cấu thành quan trọng hàng đầu trong hệ thống lý luận về CNXH đặc sắc Trung Quốc. Nội dung quan trọng nhất trong lý luận của Trung Quốc về thể chế KTTTXHCN nằm ở quan điểm xác lập vai trò của Nhà nước là “hỗ trợ và hợp tác”.

Khác với kiểu thể chế và chế độ kinh tế tư bản chủ nghĩa điển hình tại các nước Âu - Mỹ, hay tiền tư bản chủ nghĩa tại một số nước khu vực châu Phi và Trung Đông, đồng thời cũng không giống với thể chế kinh tế kế hoạch và chế độ kinh tế XHCN truyền thống hiện còn tồn tại ở Cu Ba, Triều Tiên,... thể chế KTTTXHCN đặc sắc Trung Quốc thể hiện ở chỗ Nhà nước đóng vai trò “hỗ trợ và hợp tác”, hay nói cách khác là thực hiện kinh tế thị trường dưới sự điều tiết của Nhà nước. Vai trò hỗ trợ quy định chức năng Nhà nước khơi dậy và bảo vệ các nhân tố của thị trường, ổn định hệ thống tài chính tiền tệ. Vai trò hợp tác là Nhà nước hoạch định những chính sách kinh tế phù hợp với sự vận động của các quy luật trong nền kinh tế thị trường bên cạnh việc bảo đảm các mục tiêu kinh tế - xã hội của mình. Đặc điểm cơ bản của nó là Nhà nước có thể thông qua các chính sách tín dụng, thuế, tiền tệ để tác động tích cực lên nền kinh tế, song không được can thiệp vào các hoạt động kinh tế của các chủ thể kinh doanh sản xuất trên thị trường. Các chính sách này phải bảo đảm sự thống nhất, không đối đầu, đi ngược với thị trường, đồng thời có ý nghĩa bù đắp những khiếm khuyết, sửa chữa những sai lệch của thị trường.

Thực thi thể chế KTTTXHCN tại Trung Quốc nhằm phát huy vai trò “hỗ trợ và hợp tác” của Nhà nước một cách hiệu quả, hướng tới triển khai các chính sách điều tiết vĩ mô phù hợp của Nhà nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, điều chỉnh bố cục cơ cấu kinh tế hướng tới các mục tiêu phát triển lâu dài, đồng thời vẫn phải kích thích tối đa sức mạnh của từng tế bào kinh tế. Nhà nước đưa ra các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung và dài hạn, mỗi 5 năm một lần (Trung Quốc gọi là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm). Nhà nước xuất phát từ các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và lợi ích quốc gia tổng thể, lâu dài để thực hiện điều tiết vĩ mô một cách chủ động và có sức mạnh, không bị ràng buộc bởi vấn đề đảng phái chính trị hay tập đoàn lợi ích như thường xuất hiện trong thể chế tư bản chủ nghĩa(4).

Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIV (năm 1992) xác định thể chế KTTTXHCN tại Trung Quốc có các đặc trưng cơ bản sau: (i) Thể chế kinh tế thị trường được hình thành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và trong điều kiện chính trị của chính quyền dân chủ nhân dân; (ii) Kinh tế thị trường hoạt động trong sự kết hợp với chế độ kinh tế cơ bản, mà công hữu là chủ thể, kết hợp với các thành phần kinh tế khác cùng phát triển; (iii) Kinh tế thị trường thực hiện nguyên tắc cùng giàu có; (iv) Xây dựng chế độ doanh nghiệp hiện đại, hệ thống thị trường có cạnh tranh trong trật tự; (v) Thiết lập hệ thống điều hành vĩ mô, trong đó điều hành gián tiếp là chính; (vi) Xây dựng chế độ phân phối và chế độ bảo đảm xã hội thích ứng với thể chế thị trường.

Trải qua các kỳ đại hội Đảng, từng đặc trưng nêu trên không ngừng được nhận thức mới lại và làm rõ hơn nữa. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 3 Khóa XVIII thông qua “Quyết định của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề quan trọng đi sâu cải cách toàn diện” đã chỉ ra: Chế độ kinh tế cơ bản với chế độ công hữu là chủ thể, các chế độ sở hữu khác cùng phát triển là trụ cột quan trọng của chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, cũng là nền tảng của thể chế KTTTXHCN.

Như vậy, có thể nhận thấy đặc trưng cơ bản của thể chế KTTTXHCN đặc sắc Trung Quốc là “sự kết hợp hữu cơ giữa kinh tế thị trường với chế độ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Đặc trưng này mang lại ba ưu thế so với các thể chế kinh tế thị trường khác: Một là, do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đảng cầm quyền duy nhất tại Trung Quốc, từ đó phát huy tối đa ưu thế ổn định về mặt chính trị, thống nhất về các chủ trương chính sách cải cách phát triển kinh tế có liên quan; Hai là, chế độ kinh tế xã hội chủ nghĩa, đảm bảo phát huy tối đa tính ưu việt của chế độ XHCN so với chế độ tư bản; Ba là, thực hiện và phát triển kinh tế thị trường, bảo đảm phát huy tối đa tính ưu việt của nền kinh tế thị trường. Hay nói cách khác, xây dựng và phát triển nền KTTTXHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là đặc trưng cơ bản nhất của CNXH đặc sắc Trung Quốc.

2. Tư tưởng kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới

Kinh tế Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII (năm 2012), đặc biệt là từ sau Đại hội XIX (năm 2017) đến nay có nhiều thay đổi. Trong nước, nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, hàng hóa sản xuất vượt quá nhu cầu, khủng hoảng tài chính luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Trên cục diện quốc tế, kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, các cuộc chiến tranh thương mại và vấn đề an ninh phi truyền thống bùng phát. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc xác định nước này đã bước vào thời đại mới, đó là thời đại tăng trưởng kinh tế có sự thay đổi từ tăng trưởng nhanh sang phát triển với chất lượng cao, mâu thuẫn xã hội được xác định là mâu thuẫn giữa nhu cầu về cuộc sống tốt đẹp không ngừng tăng lên với sự phát triển thiếu cân bằng và đầy đủ. Trước bối cảnh mới đó, để thực hiện thành công giai đoạn quyết định thắng lợi “Giấc mộng Trung Hoa”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nêu ra một loạt những quan điểm mới, đánh giá mới, phân tích mới về phát triển kinh tế, hình thành tư tưởng kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới. Đồng thời, đây cũng là sự sáng tạo mới trên cơ sở tổng kết thực tiễn cải cách mở cửa và xây dựng KTTTXHCN của Trung Quốc, là những thành quả mới của việc “Trung Quốc hóa” chủ nghĩa Mác.

Những nội dung cơ bản của tư tưởng kinh tế XHCN đặc sắc Trung Quốc thời đại mới là:

- Kiên trì các nguyên tắc cơ bản

Kinh tế CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới tiếp tục nhấn mạnh kiên trì các nguyên tắc đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định từ các kỳ Đại hội trước đối với xây dựng KTTTXHCN, đó là:

Thứ nhất, Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo tập trung thống nhất mọi công tác liên quan đến kinh tế. Đặc trưng bản chất nhất và cũng là tính ưu việt nhất của CNXH đặc sắc Trung Quốc là Đảng Cộng sản lãnh đạo, bởi vậy mà trong lĩnh vực kinh tế, sự lãnh đạo tổng thể của Đảng cũng chính là đặc trưng quan trọng nhất của KTTTXHCN nói riêng và nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc nói chung. Đặc biệt, từ sau Đại hội XVIII đến nay, tính phức tạp của kinh tế trong trạng thái bình thường mới và mục tiêu chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế theo hướng bền vững, chất lượng cao đã đưa ra những yêu cầu mới đối với việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phát triển kinh tế. Lúc này, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với công tác phát triển kinh tế đã trở thành “ưu thế lớn nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, là bảo đảm chính trị căn bản để thực hiện sự phát triển liên tục, bền vững của kinh tế xã hội”. Cụ thể, Đảng lãnh đạo toàn diện, làm tốt nhiệm vụ thiết kế thượng tầng, điều tiết hài hòa lợi ích giữa các bên... Đây là những quan điểm vừa kế thừa vừa làm phong phú hơn nhận thức về kinh tế XHCN của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Thứ hai, quan điểm phát triển vì con người, lấy con người làm trung tâm. Cùng với sự thay đổi về quan điểm phát triển kinh tế, từ chú trọng tăng trưởng kinh tế sang phát triển kinh tế, từ chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế đến đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, là sự thay đổi một cách căn bản về tư duy phát triển kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Người dân phải được hưởng thụ đầy đủ thành quả của phát triển kinh tế mang lại, điểm xuất phát và cũng là đích đến của phát triển kinh tế là mưu cầu sự giàu có, hạnh phúc cho tất cả nhân dân, thực hiện và bảo đảm lợi ích căn bản của quảng đại quần chúng nhân dân. Nói cách khác, sau khi đã làm cho “một bộ phận giàu trước”, thì đây phải là lúc khiến cho “tất cả cùng giàu”.

Thứ ba, thị trường tiếp tục đóng vai trò quyết định trong phân bổ nguồn lực, kết hợp phát huy hơn nữa vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Cải cách thể chế kinh tế tiếp tục là trọng điểm trong đi sâu cải cách toàn diện, mà vấn đề hạt nhân vẫn là xử lý tốt mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Xây dựng mối quan hệ thống nhất hữu cơ giữa vai trò của Nhà nước và thị trường, làm cho Nhà nước và thị trường kết hợp hài hòa với nhau, thúc đẩy lẫn nhau, bổ trợ hiệu quả cho nhau. Một trong những sáng tạo lý luận của tư tưởng kinh tế Tập Cận Bình chính là tái tạo lại mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong trạng thái bình thường mới, hình thành nên một khung quan điểm chỉ đạo về vai trò của “Đảng, Nhà nước và thị trường”(5), thể hiện ra dưới hình thức “kiên trì tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng đối với công tác kinh tế”, “kiên trì khiến cho thị trường phát huy vai trò mang tính quyết định trong việc phân bổ nguồn lực, và phát huy tốt hơn vai trò của Nhà nước”.

Thứ tư, kiên trì thực hiện kinh tế thị trường nhiều thành phần với nhiều hình thức sở hữu. Chế độ công hữu và phi công hữu đều là những bộ phận của KTTTXHCN, đều có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Ở đây, vị trí chủ thể của chế độ công hữu là bất di bất dịch, tuy nhiên chế độ phi công hữu được khuyến khích phát triển, bình đẳng và được pháp luật bảo vệ.

- Những quan điểm sáng tạo mới

Bên cạnh việc kế thừa và làm phong phú hơn nữa những nguyên tắc cơ bản của KTTTXHCN đã được nêu ra và không ngừng hoàn thiện từ thập niên 90 thế kỷ trước, kinh tế XHCN đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình còn cho thấy tính sáng tạo và thay đổi tư duy về phát triển kinh tế để phù hợp với tình hình mới.

Thứ nhất, quan điểm phát triển sáng tạo, hài hòa, xanh, mở cửa và cùng hưởng. Trong đó, mỗi một nội dung đều hướng đến một nhiệm vụ cụ thể, giải quyết một vấn đề cụ thể. Sáng tạo để giải quyết vấn đề động lực phát triển kinh tế; hài hòa chú trọng giải quyết vấn đề phát triển mất cân bằng giữa từng khu vực địa lý và từng ngành nghề kinh tế; phát triển xanh hướng đến xử lý tốt mối quan hệ giữa con người và môi trường thiên nhiên, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc một thời gian dài theo đuổi tăng trưởng GDP cao, thực hiện phát triển kinh tế theo chiều rộng đã gây ra nhiều tác hại to lớn đến môi trường thiên nhiên; mở cửa là chủ trương xuyên suốt kể từ khi cải cách mở cửa đến nay, kiên trì cải cách mở cửa, hội nhập sâu rộng kinh tế toàn cầu; cùng hưởng hướng đến giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, thực hiện “tất cả cùng giàu”. 5 nội dung trên hợp thành một chỉnh thể hoàn chỉnh không thể tách rời, có mối quan hệ tương hỗ, thúc đẩy lẫn nhau.

Thứ hai, xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa, đẩy nhanh chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế, chú trọng đến phát triển chất lượng cao. Nền kinh tế Trung Quốc đang ở vào giai đoạn chuyển đổi từ chú trọng đến tốc độ tăng trưởng sang chất lượng phát triển, cơ cấu nền kinh tế từng bước được tối ưu hóa, sáng tạo được xác định là động lực cho phát triển kinh tế. Xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa cần chú trọng đến nâng cao chất lượng hệ thống cung - cầu, đồng bộ đẩy mạnh công nghiệp hóa, thông tin hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn...

Thứ ba, xây dựng cộng đồng chung vận mệnh. Trung Quốc sẽ là một thành viên có trách nhiệm đối với sự phát triển của kinh tế toàn cầu. Trung Quốc kiên trì mở cửa, kiên trì nguyên tắc hai bên cùng có lợi trong hợp tác, đưa nền kinh tế “mở cửa” lên một tầng cao mới, đẩy mạnh toàn cầu hóa theo hướng mở cửa, bao dung, hỗ trợ, bình đẳng, cùng thắng. Chủ công chính của chiến lược hướng ra bên ngoài này là đề xuất “vành đai, con đường” (BRI).

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2019

(1) Ban Giáo vụ Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc: Tuyển tập văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước từ Hội nghị Trung ương 3 Khóa XI Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay, quyển 2, tr.45.

(2), (4) Hà Thị Hồng Vân: 40 năm cải cách thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc, Kỷ yếu Hội thảo “40 năm cải cách mở cửa của Trung Quốc: Nhìn lại và Triển vọng”, Viện Nghiên cứu Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức, tháng 10-2018.

(3) Lý giải Thị trường phát huy vai trò quyết định trong phân bổ nguồn lực như thế nào, Trang tin điện tử Tin tức Đảng Cộng sản Trung Quốc, http://theory.people.com.cn

(5) Guo Guan Qing, Wang Yao (2018): Nghiên cứu yếu tố lý luận trong 40 năm cải cách mở cửa, Nxb Khoa học xã hội Trung Quốc, quyển hạ, Bắc Kinh, Trung Quốc, 2018, tr.150-175.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc: Ba mươi bài giảng Tư tưởng XHCN đặc sắc Trung Quốc Tập Cận Bình, Nxb Học tập, Bắc Kinh, 2018.

2. Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua ngày 24-10-2017), 2017, Nxb Nhân dân, Bắc Kinh.

3. Lý Thận Minh: Địa vị lịch sử và ý nghĩa thế giới của Tư tưởng XHCN đặc sắc Trung Quốc Tập Cận Bình, Cầu Thị, ngày 31-12-2017.

4. Phạm Văn: Khung khổ lý luận của Tư tưởng XHCN đặc sắc Trung Quốc Tập Cận Bình”, Học báo Học viện Hành chính quốc gia, ngày 27-4-2018.

5. Tập Cận Bình: Quyết thắng trong xây dựng xã hội khá giả toàn diện, giành thắng lợi vĩ đại của CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới (Báo cáo tại Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 18-10-2017), Nxb Nhân dân, Bắc Kinh, 2017.

 

ThS Trần Hồng Việt

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ

ThS Phan Mạnh Tường

          Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền