Trang chủ    Quốc tế    So sánh pháp luật về doanh nghiệp xã hội của Trung Quốc và Việt Nam - Một số kiến nghị hoàn thiện
Thứ ba, 24 Tháng 12 2019 15:53
3563 Lượt xem

So sánh pháp luật về doanh nghiệp xã hội của Trung Quốc và Việt Nam - Một số kiến nghị hoàn thiện

(LLCT) -  Một số quốc gia châu Á như Thái Lan, Singapore... đều đã xây dựng và áp dụng mô hình kinh tế xã hội một cách khá bài bản và tương đồng. Việc áp dụng mô hình doanh nghiệp xã hội (DNXH) trong nền kinh tế đã góp phần mang lại cho họ những bước tiến về kinh tế và xã hội. Là quốc gia lân cận gần như có cùng điều kiện phát triển về tự nhiên, sự giao thoa trong lĩnh vực văn hóa và cùng tham gia và các quan hệ quốc tế, điều ước quốc tế về kinh tế xã hội như Việt Nam, Trung Quốc cũng có những thành tựu khá đáng kể trong chính sách phát triển DNXH và pháp luật về DNXH. Bài viết nhằm chia sẻ một số so sánh pháp luật về DNXH ở Trung Quốc và Việt Nam, từ đó kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật dành cho loại hình doanh nghiệp này ở Việt Nam.

 

1. Pháp luật về doanh nghiệp xã hội ở Trung Quốc

Khác với một số quốc gia ban hành riêng một đạo luật điều chỉnh DNXH, Trung Quốc hiện chưa ban hành một văn bản luật chuyên biệt nào về vấn đề này mà chỉ tập trung điều chỉnh bằng các đạo luật riêng với một số nội dung cụ thể dưới đây:

Hình thức pháp lý cho DNXH

Khái niệm DNXH được Trung Quốc sử dụng năm 2004 trong một bản báo cáo của OECD với tiêu đề “The Social Enterprise”. Cũng trong năm đó, “Hội nghị về DNXH và tổ chức phi lợi nhuận Trung Quốc” đã được tổ chức tại Bắc Kinh nhằm so sánh các hệ thống kinh tế, xã hội và thúc đẩy khái niệm DNXH cũng như đổi mới xã hội. Tuy nhiên, vẫn chưa có cách hiểu thống nhất đối với khái niệm này ở Trung Quốc.  

Từ các nhận thức thông thường và đặc điểm “mục tiêu xã hội” là tiêu chí hoạt động của các DNXH trên thế giới, có thể nhận diện được sự tồn tại của DNXH trong một số hình thức sẵn có của Trung Quốc là: tổ chức phi lợi nhuận, doanh nghiệp phúc lợi xã hội, hợp tác xã chuyên nông và trung tâm dịch vụ cộng đồng.

Các tổ chức phi lợi nhuận hoặc tổ chức từ thiện

Các tổ chức phi lợi nhuận hoặc tổ chức từ thiện bao gồm các tổ chức xã hội, các tổ chức dân sự phi chính phủ và các quỹ tài trợ. Các tổ chức xã hội và các tổ chức dân sự phi chính phủ là các tổ chức tự nguyện tham gia vào các hoạt động phi lợi nhuận, trong khi các quỹ tài trợ là các tổ chức dân sự phi lợi nhuận sử dụng tài sản được hiến tặng, tài trợ và ủng hộ để thực hiện lợi ích cộng đồng từ các doanh nghiệp kinh doanh muốn thực hiện các hoạt động phúc lợi xã hội. Tính đến năm 2014, đã có hơn 4.200 người quyên góp cho Quỹ tài trợ khoảng 380 tỷ nhân dân tệ để thực hiện các trách nhiệm xã hội. Ưu điểm chính của các tổ chức mang hình thức pháp lý này là được miễn giảm thuế khi đăng ký theo hình thức pháp lý nhà nước cho phép.

Các tổ chức này có thể được điều chỉnh bởi “Quy định về đăng ký và quản lý các Tổ chức xã hội” hoặc “Quy định về quản lý Quỹ” khi các DNXH hoặc nhà từ thiện thành lập các quỹ hỗ trợ từ thiện này hoặc “Quy chế tạm thời đăng ký và quản lý đơn vị tư nhân phi doanh nghiệp” ban hành năm 1998 có đối tượng điều chỉnh là các tổ chức xã hội được thành lập với tài sản không thuộc sở hữu nhà nước và thực hiện các dịch vụ xã hội.

Doanh nghiệp phúc lợi xã hội

Năm 2014, đã có 16.000 tổ chức phúc lợi xã hội, trong đó số lượng nhân viên khuyết tật là 479.000 người (theo Niên giám thống kế 2014 điều tra mẫu quốc gia của Trung Quốc). Đây là hình thức pháp lý phổ biến nhất của DNXH tại Trung Quốc khi họ là những doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận để thực hiện mục đích trực tiếp nâng cao phúc lợi xã hội bằng cách tạo cơ hội việc làm cho những khuyết tật. Các doanh nghiệp phúc lợi xã hội mặc dù có thể hoạt động vì lợi nhuận nhưng cũng phải tuân thủ các quy định rất nghiêm ngặt để được hưởng các chính sách ưu đãi.

Hệ thống pháp luật hiện hành của quốc gia này điều chỉnh chi tiết, cụ thể dưới khá nhiều các đạo luật và quy định, có thể kể đến các văn bản như: “Quy chế tạm thời về quản lý Doanh nghiệp phúc lợi xã hội”; “Luật bảo vệ người tàn tật của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” ban hành năm 1990 bởi Ban Thường vụ Quốc hội, là luật đầu tiên cụ thể điều chỉnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật; “Quy chế về việc làm người khuyết tật” do Hội đồng Nhà nước ban hành năm 2007; “Các biện pháp công nhận phúc lợi của Doanh nghiệp” do Bộ Nội vụ ban hành; “Thông tư về thuế và chính sách ưu đãi thuế để tạo thuận lợi cho việc làm của người tàn tật” do Bộ Tài Chính và Cục Thuế Nhà nước ban hành năm 2007 và “Thông tư về các biện pháp thu thập và quản lý ưu đãi chính sách thuế để kích thích tạo việc làm cho người khuyết tật” do Bộ Thuế và Bộ Nội vụ ban hành cùng năm.

Hợp tác xã chuyên nông

Năm 2006, “Luật về hợp tác xã chuyên nông” đã được ban hành và là một đạo luật điển hình của điều chỉnh mô hình về hợp tác xã nhằm hỗ trợ và hướng dẫn phát triển hợp tác nông nghiệp, quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể của hợp tác xã.

Hợp tác xã chuyên nông là các tổ chức phi lợi nhuận được hình thành bởi các ngành xã hội nông nghiệp. Đây được coi là một mô hình của DNXH vì tác động kích thích nền kinh tế nông thôn phát triển. Căn cứ vào số liệu thống kê của Tổng cục Hành chính công thương Trung Quốc, tính đến giữa năm 2015, số lượng hợp tác xã chuyên nông của Trung Quốc lên đến hơn 1,4 triệu, với tổng số vốn lên đến hơn 3 nghìn tỷ nhân dân tệ, lĩnh vực hoạt động từ việc cung ứng nguồn vốn cho các dịch vụ kỹ thuật, thông tin đơn giản tới các dịch vụ phòng chống sâu bệnh, triển khai các dịch vụ từ trước trong và sau sản xuất như đóng gói, kho bãi, gia công và lưu thông. Nhìn chung chúng nhận được nhiều ưu đãi thuế và hỗ trợ của Chính phủ, như tài chính và nguồn nhân lực, song có quy mô nhỏ và hoạt động doanh nghiệp tương đối hạn chế.

Các trung tâm dịch vụ cộng đồng(1)

Loại hình này là một phần của hệ thống phúc lợi xã hội của Nhà nước. Họ cung cấp các dịch vụ cho xã hội như các dịch vụ vệ sinh cơ bản, các dịch vụ trông trẻ vùng nông thôn... đặc biệt là các tổ chức giáo dục dân lập. Họ chỉ thu mức phí của học sinh đủ để duy trì hoạt động của tổ chức và phát triển chủ yếu bằng nguồn tài trợ khác. Theo thống kê của Bộ Giáo dục, trong năm 2013, số lượng tổ chức giáo dục dân lập tăng từ 149 đến 260 tổ chức, số lượng sinh viên tốt nghiệp đạt hơn 1,3 triệu người, trong đó nâng cao chất lượng giáo dục của cả trẻ em lao động nhập cư.

Mặc dù các tổ chức này chưa đủ điều kiện là một DNXH, nhưng trong tinh thần để đảm nhận chức năng các dịch vụ xã hội thì có thể hiểu như là một DNXH đóng một vai trò tích cực để cải thiện xã hội mà các dịch vụ công hoặc tổ chức phi lợi nhuận không thể đạt tới. Như vậy dù đã có sự manh nha và phát triển về tồn tại của DNXH  như vậy, nhưng các nhà lập pháp Trung Quốc chưa công nhận DNXH là một thực thể pháp lý trong hệ thống pháp luật hiện hành và Chính phủ Trung Quốc chưa sẵn sàng cho một lĩnh vực pháp luật cụ thể điều chỉnh về DNXH. 

Thủ tục đăng ký và thẩm quyền đăng ký

DNXH ở Trung Quốc được đăng ký theo một trong hai thủ tục sau đây: Một là, ở các phòng ban về vấn đề dân sự khi các tổ chức đặc trưng bởi bản chất phi chính phủ, phi lợi nhuận và đặc điểm mục tiêu xã hội là bản chất. Các đơn vị này đặc trưng là các tổ chức phi lợi nhuận, trung tâm dịch vụ cộng đồng và cung cấp dịch vụ công cộng cho xã hội, mục đích không phải là lợi nhuận, và các tài sản còn lại sau khi phá sản cũng không được phân phối giữa khác thành viên. Hai là, đăng ký ở các phòng ban quản lý công nghiệp và thương mại dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp doanh, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã... Đặc điểm chung của chúng là tổ chức thương mại, tính cốt lõi là lợi nhuận và theo đuổi tối đa hóa lợi nhuận. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với đăng ký thương mại là phòng hành chính thương mại cấp quận, huyện.

Ngoài ra, khi đăng ký thành lập, mỗi hình thức pháp lý lại có một quy trình thủ tục hành chính chi tiết riêng. Đối với doanh nghiệp phúc lợi xã hội là tổ chức theo đuổi lợi nhuận nhưng mang chứng nhận mục tiêu xã hội nên có “hệ thống đăng ký kép”. Quy định của pháp luật Trung Quốc là: Sau khi đăng ký thành lập tại Cơ quan Quản lý nhà nước về Công thương và Thương mại (SAIC) hoặc chi nhánh địa phương như một doanh nghiệp bình thường, doanh nghiệp này phải nộp đơn xin “Chứng nhận phúc lợi xã hội” cho Bộ Nội vụ (MCA) hoặc chi nhánh địa phương đó. Một doanh nghiệp sẽ chính thức được công nhận là doanh nghiệp phúc lợi xã hội sau khi có được chứng chỉ từ hệ thống MCA.

Về ưu đãi thuế đối với DNXH

Với các tổ chức là doanh nghiệp phúc lợi xã hội, đây là hình thức điển hình nhất của DNXH, luôn được Trung Quốc quan tâm và thúc đẩy nhằm hỗ trợ các cá nhân, đặc biệt là những người khuyết tật. Chính vì tính phúc lợi xã hội này, Điều 16 của “Quy chế tạm thời về quản lý Doanh nghiệp phúc lợi xã hội” quy định rằng một doanh nghiệp phúc lợi xã hội sẽ được hưởng tất cả các quyền lợi về thuế. Theo thông báo về các chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành và cơ quan Quản lý Thuế nhà nước ban hành năm 1994 thì, nếu hơn 25% nhân viên hoạt động của doanh nghiệp phúc lợi xã hội là người lao động tàn tật sẽ được miễn thuế thu nhập tương ứng tối thiểu 10 nhân viên hoạt động; trường hợp tỷ lệ nhân viên khuyết tật từ 10-35% tổng số nhân viên làm việc thì thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được giảm một nửa. Đối với các thuế sản phẩm, thuế giá trị gia tăng và thuế kinh doanh đều được giảm căn cứ theo tỷ lệ nhân viên là người khuyết tật (tối thiểu là 10%).

Hợp tác xã chuyên nông có thể được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và các thuế giá trị gia tăng đối với các sản phẩm nông nghiệp, nguyên liệu trong sản xuất nông nghiệp.

Các trung tâm dịch vụ cộng đồng như nhà trẻ, nhà điều dưỡng, trung tâm dịch vụ công việc gia đình... cung cấp các dịch vụ giáo dục, nuôi dưỡng và dịch vụ kỹ thuật chuyên môn cũng được hưởng ưu đãi về thuế kinh doanh và thuế thu nhập.

Phân chia lợi nhuận DNXH

Các tổ chức phi lợi nhuận là tổ chức dân sự phi lợi nhuận, căn cứ theo Điều 21 của Quy định tạm thời về đăng ký và quản lý tổ chức dân sự phi chính phủ quy định rằng nguồn vốn của tổ chức phải được hợp pháp hóa; không tổ chức hoặc cá nhân nào có thể quản lý, bí mật phân chia hoặc chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp dân sự phi chính phủ. Thu nhập hợp pháp của tổ chức dân sự phi chính phủ phải được sử dụng cho các hoạt động do Điều lệ quy định. Đối với các doanh nghiệp thương mại, việc phân chia lợi nhuận không chịu hạn chế bởi các quy định pháp luật.

Pháp luật về doanh nghiệp phúc lợi xã hội cũng không có quy định cụ thể về mức phân chia lợi nhuận mà chỉ có yêu cầu về các khoản lợi ròng còn lại của DNXH chủ yếu dùng vào các hoạt động khen thưởng, phúc lợi tập thể. Trong hợp tác xã chuyên nông, các xã viên có quyền được chia các khoản lợi nhuận dựa trên tỷ lệ giao dịch của hợp tác xã, mức góp vốn và mức lợi nhuận. Phân chia lợi nhuận ở các trung tâm dịch vụ cộng đồng thường mang tính linh hoạt, tự do thường do chủ tịch hội đồng quản trị trung tâm tự quyết.

2. Pháp luật về doanh nghiệp xã hội của Việt Nam

Ở Việt Nam hiện nay, mặc dù DNXH là một thuật ngữ pháp lý mới xuất hiện nhưng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, cũng như các nhà nghiên cứu khoa học chính trị - pháp lý. Luật Doanh nghiệp năm 2014 (LDN 2014) mở ra một chương mới cho cộng đồng DNXH Việt Nam, vì địa vị pháp lý của DNXH đã được điều chỉnh một cách chính thức. Có thể xem xét các DNXH ở Việt Nam ở các khía cạnh chủ yếu sau:

Địa vị pháp lý của DNXH trong hệ thống pháp luật Việt Nam

LDN 2014 đã quy định về DNXH trong duy nhất Điều 10. Có thể thấy rõ, LDN năm 2014 không đưa ra định nghĩa về DNXH mà chỉ có các tiêu chí để xác định DNXH, theo đó, có thể hiểu, DNXH là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo LDN, với mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng, trong đó sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường. Theo Điểm a Khoản 1 Điều 10 LDN năm 2014, thì DNXH có tiêu chí đầu tiên là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này. LDN năm 2014 không coi DNXH là một loại hình doanh nghiệp đặc thù riêng. Nói cách khác, giống như doanh nghiệp thông thường, DNXH vẫn tổ chức và hoạt động theo một trong các loại hình doanh nghiệp: Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Như vậy có rất nhiều các tổ chức từ thiện, hợp tác xã, quỹ, hiệp hội, trung tâm mang đặc điểm của DNXH sẽ không được pháp luật công nhận là DNXH.

Về tính chất pháp nhân của DNXH, Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ quy định hai loại pháp nhân: (i) pháp nhân thương mại, và (ii) pháp nhân phi thương mại. Theo đó, DNXH được xếp vào nhóm pháp nhân phi thương mại(2). Quy định này dường như không thỏa đáng, nếu cân nhắc tinh thần chung của pháp luật thế giới. Trong khi các quốc gia đang cố gắng tìm một địa vị pháp lý cho DNXH để thỏa mãn tính “lai” của loại hình này, thì tại Việt Nam, một hành lang pháp lý mạch lạc dành cho các mô hình “lai” vẫn chưa sẵn sàng.

Về vấn đề phân chia lợi nhuận của DNXH, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định hai đặc điểm của một pháp nhân phi thương mại: (i) Không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; và (ii) Nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên (Khoản 1, Điều 76, Bộ luật Dân sự năm 2015). Cũng điều chỉnh vấn đề phân chia lợi nhuận này, LDN năm 2014 quy định DNXH phải sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường (Khoản 1 Điều 10). Câu hỏi đặt ra ở đây là: 49% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp sẽ đi đâu, nếu như không sử dụng để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường và cũng không được các thành viên/cổ đông phân chia? Không có lời giải đáp cho câu trả lời này, vì vậy, việc áp dụng một cách triệt để các điều khoản trên không giải quyết được vấn đề mà pháp luật về DNXH thực sự muốn điều chỉnh: một mô hình pháp lý năng động, sở hữu tính “lai” bao gồm mục đích xã hội và mục đích lợi ích kinh tế.

Trình tự thủ tục công nhận DNXH tại Việt Nam

Điều 4 Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19-10-2015 quy định chi tiết một số điều của LDN quy định về đăng ký thành lập DNXH(3). Theo quy định này, khi thành lập DNXH, chủ doanh nghiệp phải đăng ký thành lập theo quy định của LDN, chủ doanh nghiệp có thể lựa chọn và đăng ký một trong các loại hình phù hợp với quy định của luật, bao gồm doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

Về thủ tục thành lập doanh nghiệp, chủ DNXH lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào sẽ làm hồ sơ và thực hiện các thủ tục theo loại hình doanh nghiệp đó và tên DNXH được đặt theo quy định của LDN và có thể bổ sung thêm cụm từ “xã hội” vào tên riêng của doanh nghiệp. Về hồ sơ đăng ký thành lập DNXH ngoài những giấy tờ theo quy định chung còn cần kèm theo một số văn bản chứng minh, cam kết thực hiện các mục tiêu vì môi trường, xã hội cộng đồng để kiểm soát thực hiện mục tiêu xã hội của DNXH. Tất cả yêu cầu, thủ tục và tài liệu cần có khi cam kết thực hiện mục tiêu xã hội và môi trường đều được Chính phủ quy định chi tiết tại Điều 5 Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19-10-2015.

Các quy định về ưu đãi thuế đối với DNXH ở Việt Nam

Theo pháp luật hiện hành, Việt Nam không có một điều khoản nào quy định chi tiết về ưu đãi thuế của DNXH. Có thể hiểu được các ưu đãi thuế của DNXH sẽ tương tự như các doanh nghiệp truyền thống. Nói cách khác, Việt Nam chưa có chính sách ưu đãi riêng và đặc biệt thì thực sự chưa có. Rõ ràng rằng, các DNXH được thành lập nhắm giải quyết các vấn đề xã hội thay vì tối đa hóa lợi nhuận như các doanh nghiệp thường và khi thành lập, hoạt động phải cung cấp nhiều thủ tục, tài liệu và báo cáo phức tạp hơn rất nhiều nhưng vẫn không nhận được ưu đãi vượt trội hơn. Do đó, khi tham gia vào thị trường cạnh tranh công bằng, có một sự không công bằng đối với DNXH khi chính nó thực hiện một mục tiêu cao cả có tầm quan trọng và bền vững đối với giải quyết và phát triển xã hội.

Quy định về ưu đãi vốn của DNXH

DNXH ngoài huy động vốn từ các chủ sở hữu hoặc những thành viên góp vốn khác như các doanh nghiệp thông thường theo quy định của LDN năm 2014 còn có thể được tiếp nhận các nguồn vốn khác được quy định tại Điều 3 Nghị định số 96/2015/NĐ-CP(4). Ngoài ra theo Điều 9, 10 của Nghị định này, các cơ sở giáo dục đào tạo xã hội được vay vốn tín dụng đầu tư hoặc hỗ trợ sau đầu tư theo quy định về tín dụng đầu tư của Nhà nước và được phép huy động vốn dưới dạng góp cổ phần, vốn góp từ người lao động trong đơn vị, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác thông qua hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 10 LDN năm 2014 cũng quy định rằng DNXH không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký. Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, DNXH phải định kỳ hàng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật  doanh nghiệp xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển của  doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam

Thứ nhất, xúc tiến xây dựng Luật Khuyến khích DNXH

Xem xét tình hình Việt Nam hiện tại, DNXH đang được điều chỉnh bởi điều 10 LDN năm 2014 đi kèm với đó là Nghị định 96/2015/NĐ-CP của Chính phủ, tuy nhiên, như đã phân tích, việc quy định “DNXH như một loại doanh nghiệp” là không hợp lý, do đó, chúng ta có thể hướng đến việc xây dựng một Đạo luật Khuyến khích DNXH quy định đầy đủ những loại hình tiềm năng cho DNXH,  dựa trên việc xem xét LDN và các luật liên quan khác như Luật Thuế, Luật Đầu tư, Luật Hải quan, Luật về các tổ chức xã hội, Luật HTX... Các quy định trong Luật Khuyến khích DNXH vẫn sẽ cần dẫn chiếu đến LDN, Luật HTX khi áp dụng các quy định về hình thức pháp lý, quy định về chia tách giải thể, phá sản, nhưng việc không quy định DNXH trong LDN sẽ không gây ra sự hiểu nhầm và không rõ ràng về mục đích cuối cùng của DNXH. Việc xây dựng một đạo luật mới về DNXH cũng góp phần giải quyết vấn đề hình thức pháp lý cho DNXH.

Thứ hai, thành lập một cơ quan chuyên trách về DNXH, gọi là Văn phòng DNXH Việt Nam (viết tắt là VSEO)

Đây chính là giải pháp cốt lõi mà người viết đề ra để có thể giải quyết các vấn đề về DNXH còn vướng mắc ở Việt Nam hiện tại. Để xây dựng một văn phòng chuyên trách về DNXH, Việt Nam có rất nhiều lựa chọn. Đầu tiên, dựa trên tính chất đầu mối, đa ngành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có thể thành lập một văn phòng chuyên trách về DNXH đặt trong cơ cấu của Cục Phát triển Doanh nghiệp, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gọi là “Văn phòng DNXH Việt Nam”. Mặc dù việc sử dụng tổ chức độc lập có thể khiến cho các hoạt động được tiến hành nhanh chóng, bớt quan liêu và tinh gọn nhưng truyền thống sử dụng các công cụ là tổ chức trung gian, hỗn hợp ở Việt Nam còn hạn chế và ít đem lại hiệu quả.

Thứ ba, công nhận một hệ thống tiêu chuẩn chứng nhận riêng cho DNXH và tiến hành phân loại, cấp nhãn hiệu chứng nhận cho từng loại DNXH

Về hệ thống tiêu chuẩn chứng nhận, theo kinh nghiệm của Trung Quốc, đã đưa ra một hệ thống tiêu chuẩn chứng nhận khá chặt chẽ và đầy đủ cho DNXH, bao gồm trình độ thể chế, mục tiêu xã hội, các giải pháp sáng tạo, hiệu suất được được đánh giá bằng hệ thống phần trăm để tiến hành cấp logo chứng nhận cho DNXH, giúp DNXH cải thiện tác động xã hội và tính bền vững, được người tiêu dùng công nhận bởi nhà đầu tư. Như vậy, ở Việt Nam cũng có thể học hỏi để phát triển một hệ thống chứng nhận được nghiên cứu và tiến hành bởi Văn phòng chuyên trách, hệ thống chứng nhận này có thể giúp công nhận DNXH dù DNXH đang hoạt động dưới bất cứ một hình thức nào nhằm cổ vũ tinh thần khởi nghiệp DNXH của các cá nhân, tổ chức. Sau đó, Văn phòng cũng sẽ tiến hành cấp “nhãn hiệu chứng nhận” cho DNXH từ cục Sở hữu trí tuệ, không phải tất cả các DNXH đều được cung cấp nhãn hiệu chứng nhận, mà việc có được cấp nhãn hiệu chứng nhận hay không sẽ phụ thuộc vào việc đáp ứng được các tiêu chí đưa ra hay không, đặc biệt là về tỷ lệ lợi nhuận tái đầu tư vào các hoạt động phúc lợi xã hội. Ví dụ:

(1) DNXH loại A: là các DNXH đáp ứng đủ các yêu cầu của hệ thống chứng nhận và dành từ 80% tỷ lệ lợi nhuận không chia để tái đầu tư vì mục tiêu xã hội.

(2) DNXH loại B: là các DNXH đáp ứng đủ các yêu cầu của hệ thống chứng nhận và dành từ 51% đến dưới 80% tỷ lệ lợi nhuận không chia để tái đầu tư vào mục tiêu xã hội.

Việc cung cấp một hệ thống tiêu chuẩn chứng nhận cho DNXH sẽ giúp các cơ quan quản lý đảm bảo được việc thực hiện mục tiêu xã hội của DNXH, đồng thời cũng sẽ kiểm soát được liệu việc thực hiện mục tiêu xã hội đó có đúng với quy định của luật không và có đảm bảo các an toàn về lao động và môi trường hay không.

Nhóm giải pháp về các chính sách của Nhà nước

Trước mắt, cần có những chính sách hỗ trợ trực tiếp các DNXH để gia tăng số lượng và giúp các DNXH đi vào hoạt động ổn định, ví dụ như tổ chức các cuộc thi tìm kiếm sáng kiến DNXH cấp quốc gia để tìm ra những DNXH và dự án tiềm năng được tài trợ vốn ban đầu. Hỗ trợ chính trực tiếp từ các DNXH để mở rộng các phạm vi tác động thông qua quá trình theo dõi và đánh giá sát sao. Về lâu dài, Chính phủ cũng có thể hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các DNXH để mở rộng quy mô tác động xã hội, thông qua một quá trình tuyển chọn, phân loại, theo dõi và đánh giá sát sao, hoặc cũng có thể vận động hỗ trợ tài chính không hoàn lại hoặc các khoản vay với lãi suất 0% đến từ các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác. Tuy nhiên, những khoản tài trợ này chỉ nên thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định (từ 3 - 5 năm) để tăng cường tính tự vững, tránh sự ỷ lại của DNXH, tùy theo tính hiệu quả của tác động xã hội mà các mức hỗ trợ được xác định khác nhau.

Như vậy, có thể khẳng định một môi trường pháp lý minh bạch, hấp dẫn không chỉ là yếu tố thu hút cho doanh nghiệp mà đối với DNXH lại càng quan trọng hơn nữa. Song song với xu thế cải cách quản lý thì sự linh hoạt, mềm dẻo trong công tác quản lý của Nhà nước và việc thành lập ra một cơ quan chuyên trách cho DNXH, thấu hiểu đầy đủ những khó khăn của mô hình doanh nghiệp này chính là chìa khóa để mở ra một không gian hoạt động đầy thu hút cho DNXH. Thực hiện giải quyết những hạn chế của pháp luật về DNXH Việt Nam ở thời điểm hiện tại có thể được thực hiện theo những kiến nghị trên, bao gồm những phương hướng và giải pháp liên quan đến đồng bộ, hoàn thiện pháp luật cũng như xây dựng một đạo luật mới có hiệu quả hơn. Song song với đó thì vai trò của Nhà nước đối với những chính sách điều chỉnh, hỗ trợ cũng có vai trò rất quan trọng.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2019

 (1) Các trung tâm dịch vụ cộng đồng mà nổi bật là tổ chức giáo dục dân lập được điều chỉnh bởi “Luật phổ cập giáo dục” được ban hành từ năm 1986 có sửa đổi năm 2006. Ngoài ra còn rất nhiều các luật khác điều chỉnh riêng từng vấn đề của các hình thức pháp lý này.

(2) Căn cứ Khoản 2, Điều 76, Bộ luật Dân sự 2015: “Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác”

(3) 1. DNXH thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục và hồ sơ tương ứng đối với từng loại hình doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp.

 2. Tên DNXH được đặt theo quy định tại các Điều 38, 39, 40 và 42 Luật Doanh nghiệp và có thể bổ sung thêm cụm từ “xã hội” vào tên riêng của doanh nghiệp.”

Phùng Thị Yến

Trường Đại học Ngoại thương

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền