Trang chủ    Quốc tế    Những người xã hội chủ nghĩa dân chủ Hoa Kỳ - Tổ chức cánh tả đang lên trên chính trường nước Mỹ
Thứ năm, 27 Tháng 2 2020 16:38
2437 Lượt xem

Những người xã hội chủ nghĩa dân chủ Hoa Kỳ - Tổ chức cánh tả đang lên trên chính trường nước Mỹ

(LLCT) - Tổ chức Những người xã hội chủ nghĩa dân chủ Hoa Kỳ đã có hơn 30 năm hình thành và phát triển, tập trung những nhà hoạt động cấp tiến có tư tưởng bảo vệ người lao động, chống lại sự nghèo đói, bất bình đẳng, tình trạng phân biệt giới tính, chủng tộc… Những hoạt động của tổ chức và những người theo quan điểm của tổ chức này đã gây được tiếng vang trong chính trường Mỹ hiện nay, tạo ra một “làn sóng xã hội chủ nghĩa” thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng trong và ngoài nước Mỹ.

Những người xã hội chủ nghĩa dân chủ Hoa Kỳ có tên tiếng Anh là “Democratic Socialists of America” (DSA). Tiền thân của DSA là Ủy ban tổ chức xã hội chủ nghĩa dân chủ (DSOC) và Phong trào Mỹ mới (NAM). DSOC (Democratic Socialist Organizing Committee) được thành lập năm 1973 từ một thiểu số những người chống chiến tranh Việt Nam trong Đảng xã hội chủ nghĩa Hoa Kỳ do Michael Harrington đứng đầu. NAM (New American Movement) là một tổ chức chính trị - xã hội chủ nghĩa cánh tả và nữ quyền mới của Mỹ được thành lập năm 1971. Năm 1982, hai tổ chức này được sáp nhập và lấy tên là Những người xã hội chủ nghĩa dân chủ Hoa Kỳ (DSA).

1. Về cơ cấu tổ chức

Về tổ chức, DSA không phải là một đảng phái chính trị mà là một tổ chức tập hợp các nhà hoạt động chính trị sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau, từ lập pháp đến hành động trực tiếp để đấu tranh cho những cải cách nhằm trao quyền cho nhân dân lao động. Họ không ủng hộ một đảng phái chính trị riêng biệt nào, họ ủng hộ tất cả các nhà hoạt động có xu hướng cánh tả phù hợp với mục tiêu của họ ở tất cả các đảng phái trong đó có Đảng Xanh và Đảng Dân chủ... “Năm 2017, DSA có 24.000 thành viên, được coi là tổ chức xã hội chủ nghĩa dân chủ lớn nhất ở Hoa Kỳ hiện nay”(1).

Cơ quan lãnh đạo cao nhất của DSA là Ủy ban chính trị quốc gia (NPC)  được bầu 2 năm một lần. Cơ cấu ủy ban đòi hỏi có ít nhất 8 thành viên là nữ và 5 thành viên là người da màu. Bên cạnh đó, DSA còn thành lập các bộ phận nhằm điều hành các hoạt động như Ủy ban Điều phối quốc gia thanh niên chủ nghĩa xã hội dân chủ của Hoa Kỳ; Tạp chí Dân chủ cánh tả; Ban chỉ đạo chiến dịch Y tế cho tất cả; Ủy ban Lao động xã hội chủ nghĩa dân chủ (DSLC); Ủy ban Bầu cử quốc gia (NEC); Blog hàng tuần của DSA; Bộ phận xã hội chủ nghĩa dân chủ dành cho thanh niên nhằm tập hợp thanh niên và sinh viên tham gia hoạt động của tổ chức chủ nghĩa xã hội dân chủ Hoa Kỳ…

2. Về tư tưởng hành động

DSA không theo đuổi một hệ tư tưởng riêng. Hoạt động của tổ chức theo một phương châm hành động gắn chặt với thực tiễn do các thành viên của tổ chức xây dựng. Họ quan niệm rằng, cả nền kinh tế và xã hội phải được vận hành một cách dân chủ để đáp ứng nhu cầu chung của con người, chứ không phải để kiếm lợi nhuận cho một số ít người. Để đạt được một xã hội công bằng hơn, nhiều cấu trúc của chính phủ và nền kinh tế phải được đổi mới một cách căn bản thông qua nền dân chủ lớn hơn cả trong xã hội và kinh tế để người Mỹ bình thường có thể tham gia vào các hoạch định chính sách.

Những người dân chủ xã hội chủ nghĩa tự nhận họ là những người xã hội chủ nghĩa vì họ theo đuổi các lý tưởng sau:

- Từ chối một trật tự kinh tế dựa trên lợi nhuận tư nhân, người lao động bị xa lánh, bất bình đẳng về tài sản và quyền lực, phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, giới tính, khuynh hướng tình dục, tình trạng khuyết tật, tuổi tác, tôn giáo và nguồn gốc quốc gia, sự tàn bạo và bạo lực trong bảo vệ trật tự hiện tồn.

- Hướng đến một trật tự xã hội nhân văn dựa trên sự kiểm soát phổ biến các nguồn lực và sản xuất, hoạch định kinh tế, phân phối công bằng, nữ quyền, bình đẳng chủng tộc và các mối quan hệ không áp bức.

- Theo đuổi và nuôi dưỡng một chiến lược cụ thể để đạt được tầm nhìn đó, nhằm xây dựng một phong trào đa số để biến chủ nghĩa xã hội dân chủ thành hiện thực ở Mỹ. Một chiến lược như vậy phải nhận rõ cấu trúc giai cấp của xã hội Mỹ đang chứa đựng sự xung đột lợi ích cơ bản giữa các bộ phận có sức mạnh kinh tế to lớn với đại đa số dân chúng.

Trong quan niệm về chủ nghĩa xã hội, họ coi chủ nghĩa xã hội và dân chủ đi đôi với nhau, thậm chí là đồng nhất. Và ở đâu có dân chủ thì ở đó sẽ có chủ nghĩa xã hội. Cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội dân chủ là cuộc chiến vì nền dân chủ triệt để, tự do của tất cả mọi người nhằm khẳng định tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của họ được mở rộng lớn nhất có thể.

Họ phản đối quan điểm cho rằng chủ nghĩa xã hội là không thực tế vì mọi người sẽ mất động lực làm việc. Họ cho rằng mọi người thích công việc nếu nó có ý nghĩa và nâng cao cuộc sống của họ. Đối với các công việc mà ít người muốn làm thì các khuyến khích xã hội, kinh tế và đạo đức sẽ thúc đẩy mọi người làm việc. Đây là một phần trách nhiệm của chủ doanh nghiệp.

Về mối quan hệ giữa nhà nước và các tập đoàn tư nhân, những người xã hội chủ nghĩa dân chủ Mỹ không tán đồng với việc tập trung quyền lực tuyệt đối trong tay nhà nước nhưng cũng không muốn các tập đoàn tư bản lớn cai trị và kiểm soát xã hội. Họ thấy cơ chế thị trường là cần thiết để xác định nhu cầu đối với nhiều mặt hàng tiêu dùng. Họ khuyến khích sự đa dạng hóa các hình thức sở hữu xã hội như hợp tác xã thuộc sở hữu công nhân hoặc doanh nghiệp thuộc sở hữu công được quản lý bởi công nhân và đại diện người tiêu dùng.

Họ phản đối các tập đoàn tư bản lớn cai trị kiểm soát xã hội vì điều này đồng nghĩa với một vài cổ đông giàu có sẽ đưa ra các quyết định kinh tế ảnh hưởng đến hàng triệu người. Do vậy, người lao động và người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng bởi các tổ chức kinh tế. Thay vào đó, họ muốn các quyết định trong kinh tế và xã hội cần được xây dựng bởi chính những người bị ảnh hưởng bởi chính sách đó.

Họ thừa nhận trong ngắn hạn là không thể loại bỏ được các tập đoàn tư nhân, nhưng có thể kiểm soát chặt chẽ hơn thông qua các hoạt động đấu tranh của công đoàn để làm cho doanh nghiệp tư nhân có trách nhiệm hơn; thông qua việc ban hành các quy định của nhà nước về thuế, các chính sách ưu đãi khi các tập đoàn tham gia các hoạt động vì lợi ích cộng đồng... Quan điểm của họ là chung sống với chủ nghĩa tư bản trong một thời gian dài, đồng thời đấu tranh cho những cải cách nhằm đưa chúng tiến gần hơn với chủ nghĩa xã hội như đấu tranh cho việc tăng mức lương tối thiểu, đảm bảo kế hoạch y tế quốc gia, thực hiện tự do sinh sản, hỗ trợ cho sinh viên, bảo vệ người đồng tính, song tính và chuyển giới, chống phân biệt chủng tộc...

Đối với phong trào chủ nghĩa xã hội dân chủ trên thế giới, mặc dù chưa có quốc gia nào thiết lập đầy đủ chủ nghĩa xã hội dân chủ. Tuy nhiên, những thành tựu trên các mặt của từng quốc gia là đáng ghi nhận và cần được học hỏi, nhân rộng như mô hình nhà nước phúc lợi toàn diện ở Thụy Điển; hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia Canada; chương trình chăm sóc trẻ em toàn quốc của Pháp và chương trình xóa mù chữ của Nicaragua...

Họ cũng thừa nhận những khó khăn của các mô hình xã hội chủ nghĩa dân chủ ở châu Âu dưới sự tác động của quá trình toàn cầu hóa. Đó là sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường lao động giá rẻ ở các nước đang phát triển; nguy cơ dịch chuyển sản xuất ra bên ngoài cạnh tranh cũng như các quy định khắt khe về lao động. 

Từ những thách thức đó, họ cho rằng việc xây dựng chủ nghĩa xã hội dân chủ phải được tiến hành ở cấp độ quốc tế. Sự dịch chuyển của các tập đoàn đa quốc gia phải được kiểm soát một cách dân chủ; các nỗ lực của tổ chức công nhân phải vươn ra ngoài biên giới. Hiện nay đòi hỏi hơn bao giờ hết, chủ nghĩa xã hội phải là một phong trào quốc tế.

3. Những hoạt động chủ yếu của DSA

Năm 1987, nhân kỷ niệm 25 năm ngày xuất bản cuốn The Other America của Michael Harrington, DSA đã tổ chức các cuộc mít tinh, giảng dạy, họp báo tại hơn 100 thành phố trên toàn nước Mỹ nhằm kêu gọi công lý cho tất cả mọi người, đồng thời phản đối cắt giảm trợ cấp y tế, các khoản phúc lợi, trợ cấp liên bang về nhà ở…

Trong những năm 1990, những cuộc đấu tranh của DSA tập trung vào các mục tiêu chính như hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người, cải cách phúc lợi xã hội, chống lại những điều kiện khắc khổ và tình trạng toàn cầu hóa vô tổ chức. Giai đoạn từ năm 2000-2015, DSA tham gia các hoạt động nhằm phản đối chiến tranh ở Iraq và Afghanistan; hỗ trợ các chương trình nghị sự nhằm đảm bảo sự công bằng về kinh tế, địa vị, chủng tộc và giới tính.

Tham gia các hoạt động tranh cử

Năm 2008, DSA ủng hộ mạnh mẽ ứng cử viên Tổng thống của Đảng Dân chủ Barack Obama trong cuộc đua với ứng cử viên Đảng Cộng hòa John McCain. Họ cho rằng Obama là ứng cử viên tổng thống dân chủ khả thi và tiến bộ nhất kể từ Robert F. Kennedy năm 1968.

Năm 2014, DSA đã phát động chiến dịch ủng hộ Bernie Sanders tranh cử tổng thống Mỹ. DSA hiểu rằng, trong các chương trình dân chủ xã hội của Bernie Sanders mặc dù không thể thực hiện đầy đủ  mục tiêu xã hội chủ nghĩa là thiết lập quyền sở hữu xã hội và sở hữu của công nhân đối với nền kinh tế. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, chương trình của Sanders đã chứng minh những cảm hứng triệt để và những đặc điểm xã hội chủ nghĩa khi bày tỏ phản đối sở hữu nhà nước của các tập đoàn tư bản, ủng hộ những người công nhân, xây dựng các phong trào xã hội đại chúng nhằm thay đổi quan hệ quyền lực hiện nay.

Chiến dịch ủng hộ này được thực hiện trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ nhằm tranh cử ứng viên duy nhất của Đảng này ra tranh cử tổng thống Mỹ. Mặc dù không giành thắng lợi nhưng thông qua chiến dịch này, uy tín của DSA ngày một tăng, các thành viên gia nhập ngày một nhiều với trên 24 nghìn thành viên năm 2017.

Năm 2018, Alexandria Ocasio-Cortez, một nữ chính trị gia trẻ tuổi cấp tiến của Đảng dân chủ và tự nhận mình theo chủ nghĩa xã hội dân chủ đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hạ viện Mỹ và chính thức trở thành nữ Hạ nghị sĩ trẻ tuổi nhất hiện nay. Lập trường của Bà rất tương đồng với những lý tưởng của DSA. Đó là chiến đấu cho sự công bằng, bảo vệ tầng lớp lao động, cải thiện dịch vụ y tế công, miễn phí giáo dục ở các trường Đại học công, hỗ trợ việc làm cho người lao động...

Trong đầu năm 2019 vừa qua, một loạt nhà hoạt động chính trị tự nhận là thành viên của DSA đã giành chiến thắng trong cuộc đua vào Hội đồng thành phố Chicago của Mỹ. Đó là các thành viên Byron Sigcho-Lopez, Jeanette Taylor, Andre Vasquez, Rossana Rodriguez-Sanchez, Carlos Rosa và Daniel La Spata. Chiến thắng của những người theo xã hội chủ nghĩa dân chủ này đã thu hút mạnh mẽ sự chú ý của công chúng Mỹ và nhiều nước trên thế giới.

Trang Web theguardian.com đã đăng tải bài viết của tác giả Micah Uetricht có nhan đề “Làn sóng xã hội chủ nghĩa Mỹ đang phát triển mạnh mẽ ở Chicago”. Bài báo viết: “Hoa Kỳ đang trải qua một làn sóng xã hội chủ nghĩa ngay bây giờ. Làn sóng đó đã đến từ Chicago đêm qua, nơi các nhà xã hội chủ nghĩa dân chủ đã giành thắng lợi lớn trong vòng bầu cử thứ hai, cuối cùng của cuộc bầu cử thành phố”(2).

Cùng với những thắng lợi trên, hoạt động của thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders và đại diện New York Alexandria Ocasio-Cortez; sự gia tăng mạnh mẽ thành viên của DSA lên 7 lần trong 3 năm qua, vượt qua con số hơn 60 nghìn người đã tạo ra làn sóng chủ nghĩa xã hội lan rộng khắp nước Mỹ.

Bài báo cũng khẳng định: “Những chiến thắng xã hội chủ nghĩa của Chicago đêm qua không phải là điều tình cờ, may mắn. Trên khắp đất nước, mọi người mệt mỏi với mức lương thấp, chi phí nhà ở tăng cao, tư nhân hóa hàng hóa công cộng, cắt giảm ngân sách và tặng cho công ty tiền công. Họ đã cố gắng thắt lưng buộc bụng và thấy cuộc sống khốn khổ. Nếu cuộc bầu cử ở Chicago là bất kỳ dấu hiệu nào, có lẽ họ đã sẵn sàng cho chủ nghĩa xã hội”(3).

Các hoạt động hiện tại của DSA

Hiện tại, các hoạt động chủ yếu của DSA là vận động cho chính sách chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Dưới hệ thống xã hội chủ nghĩa dân chủ, mọi người sẽ cùng nhau cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như một xã hội. Nội dung quan trọng nữa trong hoạt động của DSA hiện nay là đấu tranh xây dựng hệ thống công đoàn vững mạnh nhằm đủ sức bảo vệ người lao động và chống lại những chính sách không mong muốn của các nhà tư bản. Tiếp tục phát động chiến dịch ủng hộ ứng viên Bernie Sanders tranh cử chức tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2021 - 2025, hỗ trợ các ứng cử viên xã hội chủ nghĩa dân chủ chạy đua vào văn phòng địa phương và nhà nước, đồng thời giúp các ứng viên đã trúng cử giữ vững vị thế của họ cũng là một nhiệm vụ quan trọng của DSA. 

Trên phương diện lý luận, mặc dù DSA thừa nhận họ là những người xã hội chủ nghĩa nhưng tư tưởng xã hội chủ nghĩa của họ là không triệt để, không dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Họ chỉ muốn thay đổi, cải tạo chủ nghĩa tư bản nhằm hướng tới sự công bằng hơn, bình đẳng hơn chứ không hướng tới việc đánh đổ chủ nghĩa tư bản nhằm tiến tới xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Từ quan điểm sống chung với chủ nghĩa tư bản, con đường đấu tranh của họ cũng là con đường mà pháp luật tư sản cho phép và phải trong khuôn khổ của pháp luật tư sản. Đó là con đường vận động nhằm thay đổi chính sách của nhà nước Mỹ; tham gia tranh cử vào các chức vụ chính quyền các cấp; tổ chức míttinh, biểu tình, tuyên truyền hợp pháp nhằm gia tăng sự ảnh hưởng; tổ chức đấu tranh hợp pháp thông qua các tổ chức công đoàn...

Mặc dù không dựa trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng những tư tưởng xã hội chủ nghĩa của họ cũng chứa đựng nhiều giá trị tiến bộ và có nhiều điểm tương đồng với lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là tư tưởng đề cao vai trò của người lao động trong việc xây dựng và hoạch định các chính sách; phê phán sự bất bình đẳng, quyền lợi tập trung trong tay thiểu số ít người tư bản giàu có; đề cao vai trò của sở hữu xã hội...

Đặc biệt, quan điểm của DSA coi chủ nghĩa xã hội phải là một phong trào quốc tế, phải được xây dựng ở cấp độ quốc tế, các phong trào đấu tranh của tổ chức công nhân phải vươn ra ngoài biên giới rất gần với tinh thần quốc tế vô sản của giai cấp công nhân, được các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin phát hiện và dày công xây dựng trong hơn thế kỷ qua.

Trên phương diện thực tiễn, với những hoạt động tích cực của DSA, cùng với các hoạt động nghị trường của nhiều ứng viên tự thừa nhận mình là người xã hội chủ nghĩa dân chủ như Bernie Sanders, Alexandria Ocasio-Cortez... đã làm cho khái niệm “xã hội chủ nghĩa”, “chủ nghĩa xã hội” xuất hiện ngày càng phổ biến trong xã hội Mỹ hiện nay. Nó đã trở thành làn sóng dư luận mạnh mẽ thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng Mỹ. Mặc dù còn nhiều ý kiến phản đối, thể hiện sự chia rẽ về lập trường, quan điểm và lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp khác nhau trong xã hội Mỹ nhưng những hoạt động của DSA cũng như của các nhà hoạt động chính trị thiên tả mang trong mình tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã và đang gia tăng ảnh hưởng trong xã hội Mỹ hiện nay.

Sự ảnh hưởng này chưa thể làm thay đổi được bản chất của xã hội Mỹ, chưa làm thay đổi các chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước Mỹ nhưng nó cũng là chỉ dấu cần quan tâm nhằm hiểu hơn về xu thế chính trị của nước Mỹ cũng như xu thế phát triển của phong trào cánh tả ở Mỹ và trên thế giới hiện nay, qua đó giúp cho Đảng và Nhà nước ta có những chính sách đối ngoại phù hợp nhất trên con đường đưa nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2019

(1) Lịch sử của những người xã hội chủ nghĩa dân chủ Mỹ giai đoạn 1971-2017.

https://www.dsausa.org,truy cập ngày 15-5-2019.

(2), (3) Micah Uetricht: “Làn sóng xã hội chủ nghĩa Mỹ đang phát triển mạnh mẽ ở Chicago”, https://www.theguardian.com, truy cập ngày 15-5-2019.  

TS Nguyễn Kim Tôn

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh                                                             

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền