Trang chủ    Quốc tế    Người Cuốc ở Trung Đông và bi kịch của một dân tộc
Thứ năm, 02 Tháng 4 2020 16:29
3117 Lượt xem

Người Cuốc ở Trung Đông và bi kịch của một dân tộc

(LLCT) - Người Cuốc (Kurd) hiện sống tập trung ở vùng ngã tư biên giới của 4 nước Irắc, Iran, Xyri và Thổ Nhĩ Kỳ, là một dân tộc lớn, có bản sắc và nền văn hóa riêng, nhưng người Cuốc không có quốc gia, dù hàng trăm năm đấu tranh. Người Cuốc bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực, khủng bố, xung đột, chiến tranh triền miên ở Trung Đông, bị lôi kéo, trở thành quân bài trên bàn cờ chính trị nước lớn và phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề về người và của. Bi kịch này vừa có nguyên nhân bên ngoài, vừa có nguyên nhân bên trong của chính người Cuốc. Mục tiêu khả thi nhất cho cộng đồng người Cuốc hiện nay là đấu tranh giành quyền tự trị, cải thiện, nâng cao vị thế và hòa nhập với các thành phần khác trong một thực thể đại diện (quốc gia).

(Nguồn: http://nghiencuuquocte.org)

Từ khóa: Trung Đông, người Cuốc.

1. Trung Đông: Vùng đất của những mỏ dầu và của những xung đột triền miên

 Cho đến nay chưa có sự thống nhất hoàn toàn về khái niệm “khu vực Trung Đông”. Có thể nói, sự kiện quyết định việc xuất hiện khái niệm Trung Đông với tư cách một vùng văn hóa riêng biệt là sự trỗi dậy của Đạo Hồi trên bán đảo Arập. Chính vì vậy, theo quan niệm phổ biến thì Trung Đông là khu vực bao trùm toàn bộ các nước Tây Nam Á, nơi dân cư chủ yếu theo Đạo Hồi, vị trí địa lý kéo dài từ biển Đen đến biển Arập, gồm các nước: Arập Xêút, Baren, Cata, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Côoét, Gioócđani, Iran, Irắc, Israel, Libăng, Ôman, Palestin, Thổ Nhĩ Kỳ, Xyri và Yêmen (có tài liệu bổ sung đảo Síp, có tài liệu không liệt kê Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ghi Ai Cập và Xuđăng thuộc châu Phi vào danh sách các nước Trung Đông nói trên).

Trung Đông được biết đến là “rốn dầu của thế giới” khi khu vực này chiếm ước chừng ¾ trữ lượng dầu của thế giới, trong đó Arập Xêút là nước có trữ lượng dầu lớn thứ hai trên thế giới (262,2 tỷ thùng), sau Vênêduêla - (303,2 tỷ thùng) và đóng vai trò chủ chốt trong Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC)(1). Vị trí thứ 3, 4, 5, 6, 7 lần lượt là Canada, Iran, Irắc, Côoét, UAE. Tuy nhiên, “vị trí mỏ dầu không đều ở Trung Đông đã tạo ra một hố sâu rạch ròi giữa những xã hội cực giàu có và những xã hội nghèo kinh khủng... Cái hố sâu còn sâu thêm do các hệ thống chính trị khác nhau...”(2).

Trung Đông là nơi sản sinh ra những nền văn minh rực rỡ thời cổ đại, là khu vực sinh sống của rất nhiều tộc người lớn nhỏ khác nhau và rất đa dạng về tôn giáo, tín ngưỡng, bao gồm cả Kitô giáo và Do Thái giáo, trong đó tôn giáo lớn nhất là Đạo Hồi. Song Đạo Hồi lại phân hóa, chia rẽ sâu sắc, nhất là giữa hai dòng chính Sunni và Shia. Dòng Sunni và dòng Shia ngày càng xung khắc bởi khác nhau về học thuyết, lễ nghi, luật lệ, thuyết thần học và tổ chức tôn giáo. Dòng Sunni là dòng có số tín đồ đông nhất (khoảng 90% trong tổng số 1,6 tỷ người Hồi giáo trên thế giới), chiếm đa số dân ở các nước Arập, theo đó giới cầm quyền ở các nước này chủ yếu là những người Sunni. Dòng Shia là dòng thiểu số, chỉ chiếm đa số dân tại Iran, Irắc, Adécbaigian, Baren. Iran là nước mà số cư dân theo Đạo Hồi dòng Shia chiếm tới 91% dân số, nên chính quyền nằm trong tay những người Shia. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Iran xung khắc với các nước Trung Đông Hồi giáo dòng Sunni. Ở thời hiện tại, xung đột Sunni – Shia chủ yếu xuất phát từ sự tranh giành quyền lực và ảnh hưởng chính trị trong thế giới Hồi giáo, với hai cường quốc đại diện của hai dòng là Arập Xêút (Sunni) và Iran (Shia), còn mâu thuẫn giáo phái chỉ đóng vai trò rất nhỏ. Ngoài ra, kể từ sau Cách mạng Hồi giáo Iran (1979), với sự ra đời của nền chính trị thần quyền Shia, Iran đã chủ trương xóa bỏ ảnh hưởng của Mỹ và Phương Tây tại Trung Đông. Vì vậy, xung khắc trong quan hệ Mỹ - Iran dường như đã trở nên “thâm căn cố đế”, rất khó dung hòa và những chuyển động của mối quan hệ này tác động rất lớn đến tình hình Trung Đông. Những mâu thuẫn, khác biệt, đối nghịch về tôn giáo, tín ngưỡng, sắc tộc, cũng như các mối quan hệ đối đầu giữa Iran - Arập Xêút, Iran - Mỹ, Palestin - Israel, Israel - thế giới Arập là những yếu tố chủ yếu gây nên chiến tranh, xung đột, bạo lực kéo dài ở khu vực Trung Đông. Đáng chú ý là những tổ chức khủng bố khét tiếng nhất thế giới như Al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã ra đời ở Trung Đông hoặc lấy Trung Đông làm địa bàn hoạt động chủ yếu.

Do vị trí địa - chính trị nằm ở ngã ba của 3 lục địa Âu - Á - Phi, lại là nơi tập trung nguồn vàng đen của thế giới, Trung Đông từ thời xa xưa cho tới nay là nơi tranh giành lợi ích quyết liệt giữa các cường quốc thế giới. Đây là những nguyên nhân chủ yếu khiến khu vực này chưa bao giờ yên ổn. “Hơn bất cứ nơi nào trong các nước đang phát triển, tương lai của Trung Đông và Bắc Phi bị tác động rất xấu bởi hậu quả của chiến tranh và xung đột. Khu vực này dung nạp nhiều lính tráng, máy bay, tên lửa và các loại vũ khí khác hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, với hàng tỷ đô la do phương Tây, Liên Xô/ Nga và Trung Quốc cung cấp trong nhiều thập kỷ qua”(3).

2. Thực trạng người Cuốc ở Trung Đông và khát vọng độc lập dân tộc của họ

Người Cuốc có tổng dân số ước tính từ hơn 35 triệu đến 45 triệu người, là 1 trong 4 dân tộc lớn nhất ở khu vực Trung Đông (Arập, Ba Tư (Iran), Thổ Nhĩ Kỳ và Cuốc). Là một trong những dân tộc bản địa lâu đời, người Cuốc sinh sống ở các vùng đồng bằng và cao nguyên Lưỡng Hà, một bộ phận không nhỏ là dân du mục, có một lịch sử lâu dài khoảng 3.000 năm, từ thế kỷ thứ 7 đã có chữ viết. Trải qua nhiều thế kỷ, người Cuốc hình thành nên một cộng đồng khá đặc biệt, gắn kết với nhau thông qua sắc tộc, văn hóa và ngôn ngữ. Hầu hết người Cuốc theo Đạo Hồi dòng Sunni. Người Cuốc ở Trung Đông và một số nước khác chủ yếu nói tiếng Cuốc.

Hiện tại người Cuốc cư trú chủ yếu ở 4 nước Trung Đông: Thổ Nhĩ Kỳ (40%), Iran (25%), Irắc (20%) và Xyri (5-10%) và khoảng hơn 3 triệu người sinh sống ở các nước khác. Nếu nhìn vào bản đồ các nước Trung Đông, sẽ thấy 4 vùng địa lý có người Cuốc sống tập trung là một vùng đất liền kề nhau (ngã tư) ở biên giới hiện tại của 4 nước nói trên. Vì cộng đồng người Cuốc ở đây từ lâu đã theo đuổi việc thành lập một quốc gia độc lập, chí ít là một vùng lãnh thổ riêng – được biết đến với tên gọi Kurdistan, nên cộng đồng người Cuốc ở mỗi nước nói trên đều tự coi mình là một phần của Kurdistan đó. Vì vậy, những vùng đất này còn có những tên gọi không chính thức khác: Bắc Kurdistan (Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ), Đông Kurdistan (Tây Bắc Iran), Nam Kurdistan (Bắc Irắc) và Tây Kurdistan (Đông Bắc Xyri).

Bi kịch mang tính lịch sử của người Cuốc là dù có số lượng lớn, nhưng người Cuốc không có quốc gia riêng, cho dù họ đã không ngừng đấu tranh cho điều đó. Có nhà nghiên cứu nói rằng, dân tộc Cuốc là “những người bị lịch sử lãng quên”(4). Từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, khi chủ nghĩa dân tộc Cuốc phát triển mạnh, thì khát vọng độc lập dân tộc của họ càng dâng cao. Khi đế chế Ôttôman sụp đổ (1918), người Cuốc đã từng hy vọng rằng giấc mơ độc lập của họ sẽ trở thành hiện thực. Điều này bắt nguồn từ Hòa ước Xevrơ, được ký kết ngày 10-8-1920 tại Xevrơ (Sèvres, Pháp) giữa các nước thắng trận với Thổ Nhĩ Kỳ(5) . Hòa ước Xevrơ đã xóa bỏ sự tồn tại của đế quốc Ôttôman, tách Xyri, Libăng, Palestin và Irắc khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, đặt các nước này dưới chế độ “ủy trị” của Hội Quốc liên (thực chất là dưới quyền “bảo hộ” của Anh và Pháp). Mong muốn của người Cuốc về việc thành lập một nhà nước Kurdistan tự trị đã được ghi nhận trong Hòa ước Xevrơ. Nhưng vì nhiều lý do, nhất là sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và những toan tính của các cường quốc thắng trận mà Hòa ước Xevrơ đã không được phê chuẩn, để rồi 3 năm sau, thay thế cho Hòa ước Xevrơ là một Hiệp ước khác - Hiệp ước Lausanne (được ký kết tại Lausanne (Thụy Sĩ) vào ngày 24-7-1923). Đây là một hiệp ước hòa bình, chấm dứt hoàn toàn tình trạng chiến tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước trong phe Đồng minh (Anh, Pháp, Italia, Hy Lạp, Rumani, Nhật Bản), cho phép Anh và Pháp kiểm soát Irắc, Xyri và lãnh thổ Palestin ngày nay, nhưng không hề có điều khoản nào về việc thành lập một nhà nước cho người Cuốc. Hơn thế nữa, theo Hiệp ước Lausanne, chỉ 3 nhóm thiểu số được công nhận là Ácmênia, Hy Lạp và Do Thái, còn các dân tộc thiểu số khác, trong đó có cộng đồng người Cuốc, không có bất kỳ quyền lợi nào. Người Cuốc còn bị phân mảnh trên các vùng lãnh thổ của 4 nước khác nhau: Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Irắc và Xyri.

Như vậy, chẳng những giấc mơ độc lập của người Cuốc bị dập tắt, mà người Cuốc tại đây còn chịu tác động lớn của sự phân chia Trung Đông vì lợi ích ích kỷ của các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Anh và Pháp. Số phận của người Cuốc trong các vùng lãnh thổ của 4 nước nói trên có khác nhau, nhưng nhìn chung bị đối xử bất công. Cùng với sự tồn tại những tư tưởng hồi giáo cực đoan, cuồng tín, thì hệ quả tiêu cực của việc bị “đặt ra ngoài lề” đã đẩy không ít người Cuốc ở Trung Đông tham gia các tổ chức khủng bố, các nhóm “thánh chiến”, “tử vì đạo”. Những tổ chức khủng bố này đã và đang gây ra không biết bao nhiêu thảm cảnh cho nhiều triệu người dân vô tội ở vùng đất này cũng như nhiều nơi trên thế giới. Cụ thể, người Cuốc ở các nước sau:

Người Cuốc ở Irắc: Irắc là nước thứ ba có đông người Cuốc (chừng 6 triệu người), sống chủ yếu ở vùng biên giới phía Bắc và là nơi được coi là thành công nhất của cộng đồng người Cuốc ở Trung Đông. Sau khi cuộc chiến tranh Iran - Irắc (1980 -1988) và chiến tranh Irắc - Côoét (năm 1991) kết thúc, dưới sức ép của Mỹ, chính phủ Irắc buộc phải đồng ý với việc thành lập một khu tự trị cho người Cuốc mang tên “Khu vực Kurdistan” (còn được gọi một cách không chính thức là Nam Kurdistan) vào ngày 4-7-1992. Khu vực này rộng 78.736 km2, nằm ở phía Bắc Irắc, với dân số hiện tại xấp xỉ 6 triệu người. Hiến pháp mới của Irắc ban hành năm 2005 tiếp tục thừa nhận quy chế tự trị của khu vực Kurdistan, hơn thế nữa, Khu tự trị này còn được nằm dưới sự quản lý của một chính phủ riêng (có Tổng thống, Thủ tướng, thủ đô, quân đội, cờ, quốc ca, nghị viện riêng) và có đại diện ngoại giao ở nước ngoài. Đặc biệt, Irắc là quốc gia Trung Đông duy nhất coi tiếng Cuốc cùng với tiếng Arập là hai ngôn ngữ chính. Hệ thống bầu cử ở Irắc cũng đưa ra những đảm bảo để đại diện của 3 cộng đồng chính (Sunni, Shia và Cuốc) đều có sự hiện diện trong chính quyền các cấp ở Irắc. Tuy nhiên, người Cuốc ở Khu tự trị Kurdistan nói riêng cũng như người dân Irắc nói chung chưa bao giờ yên ổn, mà ngược lại, hàng thập niên gần đây đất nước này luôn chìm đắm trong khủng hoảng chính trị đi kèm với chiến tranh, xung đột, bạo lực, khủng bố,... kéo theo sự can thiệp, chiếm đóng của quân đội nước ngoài. Điều đáng chú ý là người Cuốc ở Khu tự trị Kurdistan không bằng lòng với quy chế tự trị, họ muốn nhiều hơn thế. Bằng chứng rõ nhất là ngày 25-9-2017, Khu tự trị này đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, với kết quả là 90% người Cuốc ủng hộ độc lập. Song chính quyền trung ương Irắc phản đối kịch liệt cuộc trưng cầu dân ý này và đã hủy bỏ kết quả.

Người Cuốc ở Iran: Sau Thổ Nhĩ Kỳ, Iran là nước có số người Cuốc đông thứ hai (ước chừng 7,5 đến 8 triệu người). Người Cuốc là nhóm sắc tộc lớn thứ 3 tại Iran, chiếm khoảng 10% dân số Iran, sau người Batư (51% dân số) và người Adécbaigian (24% dân số). Người Cuốc sống chủ yếu ở vùng biên giới phía Tây Bắc Iran. “Iran Kurdistan” hay “Đông Kurdistan” là tên gọi không chính thức cho khu vực người Cuốc sinh sống tập trung này. Điều đáng chú ý là nếu như dân cư Iran chủ yếu theo Đạo Hồi dòng Shia, thì người Cuốc ở nước này lại chủ yếu theo Đạo Hồi dòng Sunni. Người Cuốc ở Iran tập hợp trong nhiều tổ chức, đảng phái chính trị khác nhau, nhiều trong số này hoạt động chống đối chính phủ và quân đội trung ương, có liên hệ chặt chẽ với người Cuốc ở Khu tự trị Kurdistan thuộc Irắc. Nhưng nhìn chung phong trào đấu tranh đòi độc lập của người Cuốc ở Iran không quyết liệt như ở Xyri và Thổ Nhĩ Kỳ. Có những đảng phái theo khuynh hướng cánh tả của người Cuốc ở Iran không chủ trương ly khai, mà tranh đấu cho nữ quyền, cho những quyền dân sự cơ bản cho người Cuốc.

Người Cuốc ở Xyri là dân tộc thiểu số lớn nhất, ước tính 2 triệu người, chiếm khoảng 10% dân số, sống tập trung ở vùng biên giới phía Bắc và Đông Bắc Xyri, giáp Thổ Nhĩ Kỳ. “Xyri Kurdistan” hay “Tây Kurdistan” là những tên gọi không chính thức mà người Cuốc dùng để chỉ vùng đất này. Cho dù là một dân tộc sinh sống lâu đời ở Xyri, nhưng số phận người Cuốc ở Xyri cũng tương tự như ở các quốc gia Trung Đông khác. Người Cuốc ở Xyri cũng đấu tranh cho quyền tự trị ở khu vực người Cuốc sống tập trung. Có tới 14 đảng chính trị của người Cuốc ở Xyri, nhưng bị đặt ngoài vòng pháp luật. Chính phủ Xyri những năm gần đây đã tạo ra bầu không khí chính trị cởi mở hơn để đối thoại với người Cuốc, song người Cuốc lại chủ yếu dựa vào Mỹ, mà Mỹ thì muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, nên mọi cuộc đối thoại, đàm phán đều rơi vào bế tắc. Trong bối cảnh cuộc nội chiến kéo dài, từ năm 2014 người Cuốc được sự tiếp tay của Mỹ đã kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn (gần 1/3 lãnh thổ Xyri) ở Đông Bắc Xyri, thành lập các cơ quan quản lý gần như một nhà nước - khu tự trị lấy tên “Liên bang dân chủ Bắc Xyri” (Rojava), nhưng chưa được chính quyền trung ương thừa nhận. Đổi lại, người Cuốc ở đây trong tổ chức mang tên Đơn vị bảo vệ nhân dân người Cuốc (YPG) - lực lượng nòng cốt trong Lực lượng Dân chủ Xyri (SDF) - đã liên minh với Mỹ chống IS. Được Mỹ cung cấp trang thiết bị, vũ khí, YPG đã góp phần không nhỏ tiêu diệt IS, đẩy lùi IS khỏi Bắc Xyri. Nhưng YPG đã mất khoảng 11.000 quân trong 5 năm của cuộc chiến chống IS.

Người Cuốc ở Thổ Nhĩ Kỳ: Thổ Nhĩ Kỳ là nước có nhiều người Cuốc nhất, ước chừng 18 - 20 triệu người, chiếm khoảng 20% dân số Thổ Nhĩ Kỳ, sống tập trung ở vùng biên giới phía Đông Nam. Bắc Kurdistan là tên gọi không chính thức của vùng đất này. Sinh sống ở khu vực kém phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ, người Cuốc rất vất vả, khổ cực, thường bị người Thổ coi thường. Mặc dù có số lượng đông đảo, nhưng bi kịch của người Cuốc Thổ Nhĩ Kỳ là gần 100 năm nay kể từ khi ra đời nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ (1923), chưa có chính phủ trung ương nào chấp nhận người Cuốc. Điều này có nguồn cơn từ Hiệp ước hòa bình Lausanne năm 1923 (đã nói ở trên). Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn thực thi những chính sách kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng người Cuốc. Có thể nói, người Cuốc ở Thổ Nhĩ Kỳ là cộng đồng người bị phân biệt đối xử nhất khu vực Trung Đông. Theo giáo sư Omer Taspinar (Viện Brookings), trong nhiều thập niên, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện chính sách “đồng hóa người Cuốc, bác bỏ bản sắc tộc người Cuốc và phủ nhận các quyền ngôn ngữ của người Cuốc”(6). Chỉ riêng trong năm 2016, đã có hơn 11.000 giáo viên người Cuốc bị buộc thôi việc, 24 quan chức người Cuốc đứng đầu các địa phương bị thay thế bằng những người do chính quyền trung ương chỉ định. Các phương tiện truyền thông của người Cuốc cũng bị dẹp bỏ(7). Hệ quả không tránh khỏi của tình trạng này là người Cuốc liên tục nhiều thập niên nổi dậy, chống lại chính phủ, và một bộ phận không nhỏ người Cuốc trở thành những tên khủng bố, những kẻ cực đoan. Kể từ khi địa vị chính trị của người Cuốc ở Irắc được xác lập, người Cuốc ở Thổ Nhĩ Kỳ (và Xyri) đã tăng cường các hoạt động với những phương thức khác nhau. Đáng chú ý là một số tổ chức, phong trào chính trị - xã hội của người Cuốc không đòi hỏi một quốc gia độc lập, mà đấu tranh cho những quyền dân sự cơ bản như người các dân tộc khác ở Thổ Nhĩ Kỳ.

 Trong các tổ chức của người Cuốc ở Thổ Nhĩ Kỳ nổi bật nhất là Đảng Công nhân Cuốc (tiếng Cuốc: Partiya Karkerên Kurdistanê - PKK), được một nhóm sinh viên đứng đầu là Ápđula Ôcalan thành lập vào năm 1978. Đây là một đảng cánh tả vũ trang, có căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ (và sau này cả ở Khu tự trị Kurdistan Irắc). PKK hoạt động tại 4 quốc gia có người Cuốc sống tập trung, nên có thể nói, đây là tổ chức mạnh nhất của người Cuốc ở Trung Đông. PKK chủ trương dùng vũ lực để đấu tranh với chính quyền Ankara nhằm giành được các quyền về văn hóa, chính trị, quyền tự trị, nhất là quyền độc lập cho người Cuốc. Trong mấy chục năm tồn tại, PKK có một số thay đổi trong ý thức hệ cũng như mục đích, tôn chỉ hoạt động. Kể từ khi lãnh tụ của đảng là Ápđula Ôcalan bị bắt và bị bỏ tù năm 1999, PKK không ngừng kêu gọi thành lập một nhà nước hoàn toàn độc lập cho người Cuốc ở Thổ Nhĩ Kỳ, nghiêng về hướng đấu tranh cho quyền tự trị và các quyền tự do, dân chủ khác. Trong một Tuyên bố chung với 9 tổ chức khác vào tháng 3-2016, PKK cho biết mục đích của họ là đạt được một tương lai dân chủ và tự do cho các dân tộc, chống lại chủ nghĩa đế quốc, tư bản, chủ nghĩa sô vanh, phát xít và kỳ thị chủng tộc. Tuy nhiên, trong PKK cũng có một số lãnh đạo lựa chọn phương thức đấu tranh cực đoan, ưu tiên sử dụng bạo lực.

Chính phủ Thổ Nhỹ Kỳ coi PKK là một tổ chức khủng bố, nên đặt mục tiêu tiêu diệt tận gốc PKK (nhiều nước trong NATO, EU và Mỹ cũng coi PKK là tổ chức khủng bố, trong khi Liên Hợp quốc, các nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thụy Sĩ, Ai Cập không xem PKK là tổ chức khủng bố).

Ngày 9-10-2019, Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch mang tên “Mùa xuân Hòa bình”, đồng loạt triển khai các cuộc không kích, pháo kích và cả các cánh quân vào phía Bắc lãnh thổ Xyri, khu vực đang do người Cuốc kiểm soát. Theo tuyên bố của Ankara, mục đích chính của chiến dịch này là:

(1) Tiêu diệt IS và quét sạch lực lượng dân quân người Cuốc (YPG) khỏi biên giới Xyri - Thổ Nhĩ Kỳ vì cho rằng YPG là cánh tay nối dài của PKK, là lực lượng đe dọa an ninh Thổ Nhĩ Kỳ. Dù các lãnh đạo người Cuốc ở Xyri nói rằng họ tách biệt với PKK, nhưng Thổ Nhĩ Kỹ vẫn nhất mực cho rằng YPG là nhánh mở rộng của PKK, và viễn cảnh về một lực lượng vũ trang thống nhất và mạnh mẽ của người Cuốc sát biên giới Đông Nam của Thổ Nhĩ Kỳ là điều mà nước này không bao giờ mong muốn. (2) Tạo ra một vùng đệm an toàn, không có sự hiện diện của các tay súng người Cuốc dọc theo chiều dài biên giới Xyri và vào sâu lãnh thổ Xyri 30 km, để hồi hương về đây hơn 3 triệu người Xyri đang tỵ nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây không phải là chiến dịch đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, mà trong quá khứ, nước này đã nhiều lần tấn công quân sự vào lãnh thổ Xyri vì những nguyên nhân liên quan đến người Cuốc. Chiến dịch lần này của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra sau khi Mỹ rút quân khỏi Đông Bắc Xyri, do vậy Tổng thống D. Trump đã vấp phải chỉ trích ở cả Mỹ và quốc tế, rằng ông đã “bật đèn xanh” cho Ankara tấn công người Cuốc - lực lượng đã tham gia tích cực và hiệu quả cuộc chiến chống IS do Mỹ đứng đầu, nghĩa là Mỹ đã “phản bội” đồng minh người Cuốc. Tổng thống Xyri Assad đã mạnh mẽ lên án Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan vì đã tấn công Xyri và muốn “cướp lãnh thổ Xyri”.

Nhờ những thỏa thuận giữa người Cuốc và chính phủ Xyri với sự hỗ trợ của Nga, những dàn xếp Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ và Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 23-10-2019, Ankara tuyên bố “ngừng bắn vĩnh viễn” vào lãnh thổ Xyri. Tuy nhiên, với những động thái cùng lợi ích khác nhau của các nước lớn, của chính phủ Xyri cũng như các phe phái đối lập trên “bàn cờ” Xyri, số phận người Cuốc sẽ còn rất lâu mới được định đoạt.

3. Tương lai nào cho người Cuốc ở Trung Đông?

 Người Cuốc từ ít nhất 100 năm nay đã muốn thoát khỏi bi kịch là một dân tộc lớn với bản sắc và nền văn hóa riêng nhưng không có quốc gia. Người Cuốc luôn bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực, khủng bố, xung đột, chiến tranh ở Trung Đông, gánh chịu những thiệt hại nặng nề về người và của, cùng những dòng người ly tán bất tận. Người Cuốc bị lôi kéo vào trò chơi quyền lực của ngoại giao nước lớn, nên không ít lần trở thành quân bài trên bàn cờ chính trị nước lớn.

Hiện tại còn có nhiều trở ngại đối với giấc mơ độc lập của người Cuốc. Trở ngại lớn nhất, người Cuốc không phải là một cộng đồng thống nhất trong nhận thức, mục tiêu và hành động, thiếu vắng sự gắn kết ngay trong cộng đồng người Cuốc ở mỗi quốc gia cũng như giữa 4 vùng lãnh thổ ở 4 nước và hàng triệu người Cuốc trên thế giới, nên không tìm được tiếng nói chung trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Người Cuốc về tổng thể không có phương thức đấu tranh hợp lý, thiếu một tầm nhìn độc lập, sáng suốt và dài hạn. Trở ngại thứ hai là không ít nhà lãnh đạo ở Irắc, Iran, Xyri và Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại sự xuất hiện một nhà nước độc lập của người Cuốc sẽ đe dọa an ninh quốc gia, nhất là không chấp nhận mất lãnh thổ, nên đã và sẽ tìm mọi cách ngăn cản người Cuốc độc lập. Trở ngại thứ ba là Liên Hợp quốc không thể cấp quy chế độc lập cho người Cuốc mà không gây ra những hệ lụy, hệ quả tiêu cực cho thế giới. Một chuyên gia quốc tế về người Cuốc nhận định, cho dù hiện tại người Cuốc ở Irắc đã thành lập Khu tự trị Kurdistan, người Cuốc ở Xyri đã thực hiện chế độ tự trị ở vùng Đông Bắc, người Cuốc ở Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã lập các khu định cư, giấc mơ lập quốc của họ vẫn tiếp tục là ảo tưởng(8).

Phương án khả thi nhất cho cộng đồng người Cuốc ở thời điểm hiện tại là đấu tranh giành quyền tự trị, trở thành một thành phần và hòa nhập với các thành phần khác trong một thực thể đại diện (quốc gia). Đây hiện là cách tốt nhất để người Cuốc cải thiện, nâng cao vị thế của mình và không phải là điều không thể. Chính Tổng thống Nga V.Putin đã tạo cơ hội, khi nhiều lần đưa ra sáng kiến và trên thực tế đã tổ chức Hội nghị Đối thoại Quốc gia Xyri cho các đảng khác nhau ở Xyri, tạo ra cơ chế để chính phủ Xyri cùng người Cuốc có thể giải quyết các vấn đề của mình. Một bản Hiến pháp mới cũng đã được dự thảo để Xyri trở thành một nhà nước liên bang có chỗ cho cộng đồng người Cuốc. Cơ chế đối thoại quốc gia cũng có thể là cơ sở để giải quyết vấn đề người Cuốc ở các nước khác. Tất nhiên, giới cầm quyền ở 4 nước Irắc, Iran, Xyri và Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải thay đổi chính sách với người Cuốc theo hướng công bằng hơn, ít nhất là trao cho họ những quyền dân sự cơ bản. Thêm vào đó, các cường quốc phương Tây cũng không nên vì lợi ích ích kỷ của mình mà chà đạp lên quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của các dân tộc thiểu số ở Trung Đông, đặc biệt là người Cuốc.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 1-2020

(1) “VTC News, 5 quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới”, https://vtc.vn.

(2), (3) Paul Kennedy: Chuẩn bị cho thế kỷ XXI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.294-295, 296.

(4) Maridôn Tuarenơ: Sự đảo lộn của thế giới địa chính trị thế kỷ XXI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 484.

(5) Đây là Hòa ước nằm trong hệ thống Hòa ước Vecxai mà các nước đế quốc thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất ký với các nước bại trận.

(6) “Người Cuốc đang ở đâu sau 100 năm”, https://tuoitre.vn.

(7) “Thổ Nhĩ Kỳ trước mối lo ngại đốm lửa nhỏ đốt cháy khu rừng”, baochinhphu.vn.

(8) “Giấc mơ lập quốc xa vời của người Cuốc”, https://tuoitre.vn.

PGS, TS Hà Mỹ Hương

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền