Trang chủ    Quốc tế    “Sức mạnh mềm” của Mỹ thời kỳ Tổng thống Donal Trump - Thực trạng, tác động và kiến nghị chính sách cho Việt Nam
Thứ năm, 14 Tháng 5 2020 10:50
5200 Lượt xem

“Sức mạnh mềm” của Mỹ thời kỳ Tổng thống Donal Trump - Thực trạng, tác động và kiến nghị chính sách cho Việt Nam

(LLCT) - Nước Mỹ đã chứng kiến nhiều thay đổi kể từ khi Tỷ phú Donald Trump giữ chức vụ Tổng thống và điều hành Nhà Trắng. Với phong cách khó đoán định và kinh nghiệm của một doanh nhân và chiến lược “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Tổng thống Donald Trump đã làm thay đổi đáng kể sức mạnh tổng hợp của nước Mỹ. Nhiều đánh giá cho thấy, sức mạnh mềm của nước Mỹ về tổng thể hiện nay có xu hướng giảm nhưng vẫn được phát huy có chọn lọc trong triển khai chiến lược đối ngoại của Mỹ ở trên bình diện thế giới. Sự suy giảm này có ảnh hưởng nhất định đến quan hệ quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng. Bài viết đề xuất kiến nghị cho Việt Nam trong quan hệ Việt - Mỹ nhằm hạn chế sự ảnh hưởng tiêu cực từ suy giảm sức mạnh mềm của Mỹ.  

Từ khóa: “Sức mạnh mềm” của Mỹ, Donald Trump.

“Sức mạnh mềm” (SMM) là khái niệm được Giáo sư người Mỹ tại Đại học Havard, ông Joseph Nye đưa ra từ năm 1990(1). Đến năm 1999, Giáo sư Joseph Nye bổ sung khái niệm này và diễn đạt: “Sức mạnh mềm là kết quả lý tưởng có được thông qua sức hấp dẫn của văn hóa và ý thức hệ chứ không phải sức mạnh cưỡng chế của một quốc gia, có thể làm cho một người khác tin phục đi theo mình, hoặc tuân theo các tiêu chuẩn hành vi hay chế độ do mình định ra để hành xử theo ý tưởng của mình. Quyền lực mềm dựa vào sức thuyết phục của thông tin ở mức độ rất lớn”(2). Năm 2004, Giáo sư Joseph Nye tiếp tục bổ sung định nghĩa quyền lực mềm như sau: “Quyền lực mềm là một loại năng lực, có thể giúp đạt được mục đích thông qua sức hấp dẫn chứ không phải ép buộc hoặc dụ dỗ. Sức hấp dẫn này đến từ quan điểm giá trị về văn hóa, chính trị và chính sách ngoại giao của một nước”(3). Theo đó, sức mạnh mềm của một quốc gia bắt nguồn từ “văn hóa (ở những điểm thu hút các nước khác), các giá trị chính trị (khi quốc gia đó đáp ứng được chúng ở trong nước và quốc tế), và các chính sách bao gồm chính sách đối ngoại (khi chúng được coi là có tính chính danh và có thẩm quyền đạo đức).

Giáo sư Joseph Nye coi “sức mạnh mềm” của Mỹ bao gồm: (i) Sức hấp dẫn và sự ảnh hưởng của văn hóa; (ii) Sức hấp dẫn về hình thái ý thức xã hội, các quan niệm về giá trị và chính sách quốc gia; (iii) Chính sách đối ngoại; (iv) xử lý các mối quan hệ trong nước vừa có tình vừa có lý; (v) Sức hấp dẫn của đường lối phát triển và hình thức chế độ; (vi) Năng lực chỉ đạo, hoạch định và kiểm soát các quy phạm quốc tế, tiêu chuẩn quốc tế và cơ chế quốc tế; (vii) mức độ ủng hộ, tán dương của dư luận quốc tế đối với hình ảnh quốc gia(4).

Các đời Tổng thống Mỹ trước Tổng thống Trump đều quan tâm phát triển, sử dụng SMM bên cạnh việc tập trung xây dựng phát triển sức mạnh cứng. Mỗi một nhiệm kỳ Tổng thống có những ưu tiên khác nhau trong khai thác, sử dụng các công cụ, chính sách thực hiện SMM.

1. Sức mạnh mềm của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump

Từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền đầu năm 2017 đến nay, nước Mỹ và thế giới đã và đang chứng kiến nhiều đổi thay về kinh tế, thương mại, đầu tư, chính sách đối ngoại và tập hợp lực lượng trong quan hệ quốc tế. Có thể thấy SMM của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, được thể hiện qua (i) thay đổi trong chính trị nội bộ nước Mỹ, (ii) quá trình hoạch định và triển khai chính sách (bao gồm cả đối nội và đối ngoại) cũng như (iii) những ảnh hưởng về giá trị văn hóa Mỹ.

Các cuộc thăm dò dư luận trong ba năm trở lại đây cho thấy sức mạnh mềm của Mỹ suy giảm kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền điều hành nước Mỹ. Theo báo cáo “The US soft power 30”(5) năm 2019 do Công ty Quan hệ công chúng Portland Communications (Anh) và Trường Đại học Nam California (Mỹ) công bố, chỉ số xếp hạng SMM của Mỹ tiếp tục giảm so với năm 2018 và các năm trước đó. Tính từ năm 2016 thì chỉ số xếp hạng SMM của Mỹ giảm 5 lần liên tiếp. Việc tiếp tục tụt hạng như trên chủ yếu là do kết quả của sự vận hành yếu kém của Chính phủ Mỹ, đặc biệt sau sự kiện Chính phủ liên bang bị đóng cửa cuối năm 2018, đầu năm 2019 (Mỹ tụt hạng từ vị trí thứ 16 năm 2018 xuống vị trí thứ 23 năm 2019). Kết quả này cho thấy, Chính phủ Mỹ năm 2019 hoạt động kém hiệu quả nhất kể từ năm 2015 cho đến nay. Theo cuộc thăm dò dư luận của Gallup năm 2019 thì lòng tin của người dân Mỹ đạt mức thấp mới; tỷ lệ ngộ sát cao (đối với một nền kinh tế phát triển) với hơn 297 vụ xả súng trong năm 2019(6). Trước đó năm 2017, Pháp đã qua mặt Mỹ, Anh để đứng đầu 30 quốc gia trong bảng xếp hạng về sức mạnh mềm thường niên “The Soft Power 30”. Điều đáng nói là sau khi ông Macron lên làm Tổng thống, nước Pháp chiếm lấy vị trí sức mạnh mềm số 1 của Mỹ, còn Mỹ rớt xuống hạng 3. Nhận định về sự kiện này, chuyên gia phân tích Jonathan McClory nói với Tạp chí Newsweek: “Kết quả năm nay sẽ làm dấy lên mối lo ngại đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Bảng xếp hạng còn cho thấy thanh danh và tầm ảnh hưởng trên toàn cầu của Mỹ đã sụt giảm. Chính sách đặt đất nước lên trên hết của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã khiến Mỹ bị cô lập”(7).

Trong các vấn đề toàn cầu, Mỹ ngày càng thể hiện sự thờ ơ đối với các nỗ lực giải quyết các thách thức truyền thống và phi truyền thống hiện nay của thế giới. Điều này được thể hiện qua việc Tổng thống Trump tiếp tục theo đuổi những đường hướng khó đoán định. Những tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và việc Mỹ áp thuế cao lên các bạn bè truyền thống và đồng minh tiếp tục đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu, làm thị trường chứng khoán sụt giảm và đe dọa nền tảng của hệ thống thương mại toàn cầu và trật tự quốc tế. Năm 2019, Tổng thống Trump từ chối ký Thông cáo của G7, không xuất hiện tại phiên họp của G7 về cháy rừng Amazon và coi nhẹ những đe dọa của biến đổi khí hậu. Cũng trong năm 2017, kết quả khảo sát của Pew tại hơn 137 quốc gia cho thấy rằng, trung bình chỉ có 22% nói rằng họ có một chút lòng tin vào Tổng thống Trump trong các vấn đề toàn cầu. Gần ba phần tư (74%) có ít hoặc không có niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Mỹ. Tại các quốc gia khác, có hơn một nửa đưa ra quan điểm tích cực về ông Trump như Nigeria (58%), Việt Nam (58%), Israel (56%) và Nga (53%). Ngược lại, chỉ có 5% ở Mexico và 7% ở Tây Ban Nha có niềm tin vào Tổng thống Trump. Chỉ có duy nhất người dân Philippines đạt tỷ lệ 69% người được hỏi là có niềm tin vào Tổng thống Mỹ. Tổng thống Trump bị xếp hạng thấp liên tục trên khắp châu Mỹ - Latinh và châu Âu, nơi trung bình chỉ có 14% và 18% tương ứng số người có niềm tin vào Tổng thống Mỹ(8). Trên mức độ toàn cầu, niềm tin vào Tổng thống Mỹ đang ở mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua.

Trong năm 2019, Mỹ tiếp tục giữ thứ hạng cao về các chỉ số về Văn hóa, Công nghệ và Giáo dục. Văn hóa Mỹ tiếp tục giữ vị trí đầu bảng trên toàn cầu qua việc có thể thấy hầu hết trẻ em trên thế giới đều thích phim của hãng Disney và người lớn thì đều xem phim bom tấn, nổi tiếng của Hollywood. Mỹ cũng là quốc gia có thành tích thi đấu thành công nhất trong các kỳ Olympic thế giới cộng lại(9). Mỹ cũng là nơi có nhiều trường đại học nổi tiếng, thu hút số lượng rất nhiều sinh viên quốc tế đến học (cao hơn số sinh viên quốc tế theo học ở Anh Quốc). Các công ty công nghệ nổi tiếng trên thế giới như Amazon, Apple, Google, Facebook, Tesla và Mcirosoft đều có trụ sở chính đặt tại Mỹ. Các công ty giải trí, dịch vụ như Airbnb, Uber, Netflix và WeWork hiện cũng đang thực hiện các cuộc cách mạng thay đổi trong cung cấp dịch vụ, tương tác với con người, xã hội và thế giới xung quanh chúng ta.

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân lý giải SMM của Mỹ bị hạn chế trong giai đoạn Tổng thống Donald Trump từ tháng 1-2017 đến nay. Các nhóm nguyên nhân bên trong bao gồm (i) Tính cách và phong cách “khó lường” của Tổng thống Trump đã khiến nước Mỹ và cả thế giới luôn bất ngờ khi chứng kiến những hành động và phát biểu của Tổng thống Trump có thể “đảo ngược chính sách” trong “chớp mắt”, tần suất sa thải/thay đổi nhân sự cấp cao. (ii) Chiến lược “Nước Mỹ trên hết” đã và đang tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến các giá trị và hình ảnh của nước Mỹ được xây dựng trong nhiều năm qua.  Các nhóm nguyên nhân bên ngoài là (i) Tình hình thế giới biến động khôn lường, các điểm nóng như Syria, Triều Tiên, Yemen, Somalia... chưa có dấu hiệu giảm nhiệt; (ii) Cạnh tranh Mỹ - Trung đã lan rộng từ thương mại đến công nghệ, tài chính và tiền tệ; (iii) Quan hệ Nga - Mỹ thấp nhất từ thời Chiến tranh lạnh đến nay; (iv) Bất đồng giữa Mỹ và các đồng minh EU, phương Tây; (v) Tổng thống Trump coi nhẹ các thể chế đa phương (quyết định rút khỏi UNESCO, Hiệp định về biến đổi khí hậu COP21, Hiệp ước INF và dọa rút khỏi WTO) đã và đang tạo ra những thách thức cho sự ổn định của trật tự thế giới nói chung và hình ảnh thân thiện, có trách nhiệm quốc tế của Mỹ nói riêng; (vi) Tại châu Á - Thái Bình Dương, cạnh tranh, cọ xát chiến lược gay gắt giữa các nước lớn đã khiến các quốc gia chú trọng hơn vào việc sử dụng “sức mạnh cứng” để bảo vệ và thực hiện các lợi ích của mình.

2. Tác động của “sức mạnh mềm” của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump

Tác động đến nước Mỹ

SMM của Mỹ suy giảm đã có những tác động nhất định đến bản thân nước Mỹ. Một là, quan hệ giữa người dân và chính quyền (đặc biệt với Tổng thống Trump) ngày càng xa cách và có xu hướng ngày càng xấu đi  vì (i) Phong cách cá nhân đặc thù và khó đoán định của Tổng thống Trump được áp dụng trong điều hành đất nước; (ii)  Quyết tâm thực hiện chiến lược “nước Mỹ là trên hết” trở thành nguyên tắc đối ngoại của bản thân với khuôn khổ là lợi ích của Mỹ phải hữu hình và được đặt lên hàng đầu, hơn là các lợi ích dài hạn chưa thấy rõ; (iii) Các giá trị dân chủ và nhân quyền của Mỹ được xây dựng và phát triển bao năm qua cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách và cách hành xử của Tổng thống Trump(10). Hai là, mâu thuẫn giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ngày càng gia tăng và khó có thể thu hẹp. 42% những người theo Đảng Cộng hòa trong cuộc khảo sát của Pew năm 2018 tin rằng Tổng thống Trump không được tôn trọng như trước và 83% những người theo Đảng Dân chủ cũng chia sẻ quan điểm. Ngoài ra, 80% người theo Đảng Cộng hòa tin rằng phần còn lại của thế giới đang trục lợi nước Mỹ, trong khi chỉ có 20% phe Dân chủ tin vào điều đó(11). Ba là, việc Tổng thống Trump đảo ngược lại nhiều chính sách của chính quyền Tổng thống Obama được cho là làm tổn hại cho lợi ích và vị thế của nước Mỹ như rút khỏi Hiệp định TPP, đòi đàm phán lại NAFTA, và kêu gọi các công ty lớn chuyển cơ sở sản xuất về nước. Tổng thống Trump giảm bớt cam kết quốc tế, giảm viện trợ nước ngoài, rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vì coi Hiệp định này là “không công bằng” với người dân và doanh nghiệp Mỹ, hay rút khỏi UNESCO vì đặt lợi ích chiến lược với Israel lên trên. Bốn là, chính quyền Trump lựa chọn, quyết định áp dụng, triển khai các chính sách/biện pháp cứng rắn về kinh tế, thương mại và thậm chí là quân sự đã khiến vai trò của sức mạnh mềm nước Mỹ bị đặt sang một bên. Có thể nói, việc “sức mạnh mềm” của Mỹ bị suy giảm đã làm ảnh hưởng đến sức mạnh tổng thể của Mỹ, khiến cho vị thế của Mỹ suy giảm một cách tương đối so với các nước lớn khác, đặc biệt là so với Trung Quốc khi Trung Quốc rất tích cực phát huy sức mạnh mềm của mình trong thời gian qua. Trước đó, năm 2016, Shashi Tharoor, cựu Phó Tổng thư ký Liên Hợp quốc, đã cho rằng “việc ông Trump lên nắm quyền đã phá vỡ hình ảnh nước Mỹ được xây dựng từ việc triển khai “sức mạnh mềm” bao năm qua. Nó phơi bày và khuyến khích những xu hướng mà thế giới chưa bao giờ gắn với nước Mỹ: bài ngoại, thù ghét phụ nữ, chủ nghĩa bi quan, và ích kỷ(12). Ông Scott Morris, người đã giám sát chính sách phát triển toàn cầu của Mỹ và làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) trong thời gian làm việc tại Bộ Tài chính dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng phương châm “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump đang khiến Mỹ ngày càng bị cô lập hơn trên trường quốc tế và đánh mất đi sức mạnh mềm vào tay Trung Quốc. Sự chuyển dịch trên đang ngày càng rõ ràng, được thể hiện tại các hội nghị thường niên của WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) diễn ra tại Washington. Scott Morris nhận định: “Bạn có thể thấy Trung Quốc đang tìm cách phô trương Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD với việc tổ chức các sự kiện cấp cao và rồi bạn thấy các quan chức Mỹ nói không với mọi thứ: không với tham vọng tại WB, không đối với các thỏa thuận thương mại. Đây là một thông điệp không thuyết phục được cộng đồng quốc tế”(13).

Tuy nhiên, một số công cụ SMM như các chính sách về kinh tế, thương mại của Tổng thống Trump cũng giúp vực lại tăng trưởng của kinh tế Mỹ. Việc sử dụng công cụ “sức mạnh mềm” về chính sách đối ngoại và song song với “sức mạnh cứng” thông qua chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng giúp cho nội bộ Mỹ thấy sự nghiêm túc của chính quyền Trump trong duy trì các chính sách lớn của Mỹ và xây dựng hình ảnh Mỹ trong con mắt các nước ở khu vực này là một cường quốc có trách nhiệm, bảo đảm hòa bình và an ninh cho khu vực.

Tác động đến quan hệ giữa các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Về quan hệ Mỹ - Trung: Cạnh tranh chiến lược một cách gay gắt và toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc trong gần hai năm qua là minh chứng cho thấy các công cụ về “sức mạnh mềm” không được chính quyền Tổng thống Trump lựa chọn để giải quyết và quản lý cạnh tranh leo thang trong quan hệ Mỹ - Trung nói riêng và trong quan hệ quốc tế hiện nay. Điều này đã và đang dẫn đến việc hình thành các hình thức tập hợp lực lượng đa dạng, khiến các quốc gia trong quan hệ quốc tế phải đối mặt với tình thế là phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một khó hơn.

Quan hệ Mỹ - Nga. Chính quyền Trump không hề sử dụng SMM trong xử lý quan hệ với Nga. Cụ thể, Mỹ tiếp tục sử dụng các biện pháp răn đe, áp dụng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình năm 2014 cáo buộc Nga can thiệp kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Việc Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF và thử tên lửa đạn đạo ngay sau khi rút INF đã khiến an ninh khu vực sát biên giới Nga “nóng” lên bất thường. Nga ngay sau đó đã có những hành động đáp trả (phóng thử tên lửa hành trình từ hai tàu ngầm hạt nhân...)

Quan hệ Nga - Trung có cơ hội xích lại gần nhau hơn khi quan hệ Mỹ - Nga ngày càng đóng băng. Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Nga, và Nga hiện đang là một trong những nước nhập khẩu nguyên liệu hàng đầu của Trung Quốc. Hai nước đã tập trận quân sự cùng nhau, tăng cường phối hợp và hợp tác tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại Liên Hợp quốc, cùng hợp lực chống lại những chỉ trích, thậm chí là can thiệp của Mỹ nhằm vào Nga, thể hiện mong muốn xây dựng một trật tự thế giới đa cực mà ở đó Mỹ yếu đi và ít có ảnh hưởng hơn.

Tác động đến ASEAN: Trước thực tế các cặp quan hệ nêu trên, ASEAN có cơ hội thể hiện vai trò trung tâm và trung gian tạo ra cơ chế đối thoại cho các nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ASEAN cũng sẽ đứng trước những thách thức về vị thế và an ninh nếu không quản lý và làm tốt vai trò trung tâm và duy trì được đoàn kết nội khối. Các nước trong khu vực, không chỉ riêng gì các nước nhỏ, sẽ ngày càng khó khăn hơn khi cân bằng quan hệ với hai nước lớn, mặc dù tất cả đều muốn tránh một kịch bản phải lựa chọn một trong hai.

Tác động đến Việt Nam: Chính quyền Trump có nhiều “ưu ái” trong áp dụng triển khai các chính sách kinh tế, thương mại ưu đãi và chính sách đối ngoại trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ cho thấy SMM vẫn được chính quyền Trump sử dụng. Việt Nam là nước được hưởng thặng dư thương mại trên 20 tỷ đô la Mỹ  trong quan hệ thương mại với Mỹ(14). Bên cạnh đó, các sáng kiến về thúc đẩy hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân và trao đổi các giá trị về quyền con người được chính quyền Tổng thống Trump quan tâm triển khai.

Mỹ tăng cường tìm kiếm các đối tác mới trong chiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có nhiều sáng kiến hợp tác giúp tăng cường ASEAN và giúp  Việt Nam đóng một vai trò tích cực, chủ động, có trách nhiệm hơn để xây dựng cộng đồng ASEAN và ủng hộ tăng cường hợp tác với Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN 2020 và vị trí Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Ngoài ra, cũng giúp quan hệ Việt - Mỹ được tăng cường trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác quân sự.

Tuy nhiên, việc Mỹ hạn chế sử dụng SMM ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương khi triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng tạo ra một số thách thức cho Việt Nam phải cân nhắc xử lý. Một là, môi trường đối ngoại khu vực trở nên phức tạp hơn và cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt hơn. Do vậy, việc bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc trong khi vẫn giữ được đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ sẽ là thách thức rất lớn cho Việt Nam. Hai là, thách thức trong cân bằng quan hệ với các nước láng giềng và cân bằng trong vòng xoáy cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn về tập hợp lực lượng ở khu vực. Ba là, ASEAN hiện đang đối mặt với rất nhiều vấn đề trong khu vực nói chung và phân hóa trong nội khối nói riêng vì có xu hướng đặt các lợi ích quốc gia hẹp hòi lên trên lợi ích chung của Hiệp hội. Do vậy, việc Mỹ có thúc đẩy để Việt Nam đóng vai trò tích cực hơn trong ASEAN là không dễ chút nào vì để xử lý các thách thức nêu trên đòi hỏi ý chí và nỗ lực chính trị rất lớn không chỉ của riêng Việt Nam.

3. Kiến nghị chính sách cho Việt Nam

Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động khó lường, khó đoán định và việc Chính quyền Trump hạn chế sử dụng SMM, tăng cường sử dụng sức mạnh cứng trong quan hệ quốc tế hiện nay thì Việt Nam cần (i) Tiếp tục thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đại hội XII của Đảng, chủ động, tích cực triển khai thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, chính trị, an ninh và văn hóa; (ii) Tích cực Hội nhập quốc tế toàn diện, tranh thủ cơ hội tiếp tục thúc đẩy các quan hệ đi vào chiều sâu hơn và thực chất hơn, tạo sự đan xen lợi ích của các nước lớn ở Việt Nam, thực hiện tốt Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; (iii) Trong quá trình tăng cường quan hệ với các nước lớn, luôn gắn chặt với các nước ASEAN, chú ý tới lập trường chung của ASEAN, bảo đảm duy trì đoàn kết nội khối trong ASEAN.

Trong quan hệ Việt - Mỹ: (i) Về quan hệ chính trị: Xây dựng quan hệ ổn định và phát triển, hướng tới nâng tầm và nâp cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước như mong muốn của phía Mỹ bao lâu nay(15). Xây dựng cơ chế tiếp xúc thường xuyên giữa Lãnh đạo cấp cao, chính giới và nhân dân hai nước nhằm tăng cường lòng tin, giảm bất đồng bằng đối thoại thẳng thắn và xây dựng. Đề cao yếu tố minh bạch, thẳng thắn nhằm nắm bắt quan tâm, yêu cầu, lợi ích của nhau. (ii) Về hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế phù hợp với khả năng và lợi ích của Việt Nam, không nhằm chống nước thứ ba; đóng góp thiết thực cho hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác trong khu vực. Các vấn đề hai bên có thể hợp tác bao gồm: Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Đông Nam Á và Biển Đông, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, chống phổ biến vũ khí hủy diệt; ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; chống cướp biển, cứu hộ cứu nạn. (iii) Về hợp tác kinh tế: Tranh thủ nguồn lực từ sự hợp tác kinh tế, thương mại, viện trợ phát triển, khoa học công nghệ... từ phía Mỹ, đồng thời tạo cú hích thúc đẩy công cuộc hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam. (iv) Về hợp tác quốc phòng-an ninh: Tăng cường thúc đẩy giao lưu hợp tác quốc tế về an ninh, quốc phòng như đón các tàu chiến Mỹ ghé thăm các cảng của Việt Nam; tham gia rộng hơn vào các chương trình đào tạo quân sự của Mỹ trên những lĩnh vực phù hợp; tham gia diễn tập cứu hộ cứu nạn khu vực và quốc tế.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2020

(1) Nye, Joseph.Bound to Lead: The Changing Nature of American Power (New York: Basic Books, 1990).

(2) Đào Minh Hồng - Lê Hồng Hiệp (Chủ biên): Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế (Khoa Quan hệ quốc tế - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, 2013).

(3), (4) J.S. Nye, Soft Power: The Means to Success in World Politics (New York: Public Affairs, 2004).

(5) The Soft Power 30 bắt đầu được thực hiện từ năm 2015, sử dụng dữ liệu từ các cuộc thăm dò ở 25 quốc gia cũng như dữ liệu trong các hệ thống thông tin để đo lường sức mạnh mềm của một quốc gia.

(6), (9) The Soft Power 30, A Global Ranking of Soft Power 2019, Portland, USC on Center on Public Diplomacy, xem tại https://softpower30.com.

(7) The Soft Power 30 A Global Ranking of Soft Power 2017, Portland, USC on Center on Public Diplomacy.

(8) Richard wike, bruce stokes, Jacob Poushter and Janell Fetterolf (2017), U.S. Image Suffers as Publics Around World question Trump’s leadership, http://www.pewglobal.org.

(10) Trong vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại ở Tòa lãnh sự Arab Saudi tại Thổ Nhĩ Kỳ (10-2018), Tổng thống Trump đã bình luận rằng “ngay tại thời điểm này chúng ta có giá dầu tuyệt vời. Tôi sẽ không phá hủy nền kinh tế thế giới và hủy hoại nền kinh tế của chúng ta bằng cách dại dột với Arab Saudi” và rằng “đây là một phương trình rất đơn giản với tôi. Tôi quan tâm đến việc làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại và đặt nước Mỹ lên trên hết”. Các bình luận này cho thấy rõ, Tổng thống Trump hoàn toàn nhìn “nước Mỹ vĩ đại trở lại” dưới góc độ lợi ích kinh tế.

(11) The squandering of American soft power, xem tại https://www.ft.com. 

(12) Phạm Thị Thoa biên dịch (2016), Trump sẽ làm chấm dứt quyền lực mềm của nước Mỹ?, xem tại http://nghiencuuquocte.org.

(13) Tổng thống Trump từ bỏ “quyền lực mềm” cho Trung Quốc, xem tại Đại đoàn kết, http://daidoanket.vn.

(14) Phương Nhung, Nguyễn Hải, Ngọc Ánh (2019), “Nỗ lực cân bằng quan hệ thương mại Việt - Mỹ”, người lao động, https://nld.com.vn.

(15) Ngoại trưởng Clinton khẳng định Mỹ tiếp tục coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trong đó có việc nâng tầm quan hệ, hướng tới đối tác chiến lược. Xem tại http://vietnamembassy.

TS Nguyễn Việt Lâm

Bộ Ngoại giao

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền