Trang chủ    Quốc tế    Xây dựng lòng tin trong giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo hiện nay
Thứ ba, 19 Tháng 5 2020 15:20
1632 Lượt xem

Xây dựng lòng tin trong giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo hiện nay

(LLCT) - Trong những năm gần đây, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông nói chung và tranh chấp chủ quyền giữa các bên ở Quần đảo Trường Sa nói riêng ngày càng diễn biến phức tạp, khó đoán định, tiểm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến môi trường hòa bình ổn định trong khu vực. Tìm kiếm và đề xuất những giải pháp giải quyết tranh chấp giữa các bên ở Quần đảo Trường Sa là một trong những vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra “va chạm”, xung đột, bảo vệ tối đa chủ quyền, lợi ích của Việt Nam ở khu vực Quần đảo Trường Sa, góp phần giữ vững môi trường hòa bình ổn định trong khu vực và thế giới. Một trong những giải pháp được các nước đặc biệt quan tâm hiện nay là xây dựng lòng tin giữa các bên có tranh chấp chủ quyền ở Quần đảo Trường Sa.

Từ khóa: lòng tin trong giải quyết tranh chấp chủ quyền, Quần đảoTrường Sa.

1. Tầm quan trọng của lòng tin

Lòng tin là yếu tố đặc biệt quan trọng, là cái gốc để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông hiện nay. Vấn đề xây dựng lòng tin đã được đưa ra từ lâu, được khẳng định trong nhiều hội nghị quan trọng bàn về các giải pháp nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, được các nước ASEAN và Trung Quốc khẳng định và thể hiện rõ trong DOC. Muốn xây dựng tìm kiếm một giải pháp hòa bình hợp lý cho vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trước hết các quốc gia có tranh chấp chủ quyền, lợi ích và các bên liên quan cần phải có lòng tin. Nghi kỵ và tiến hành các hành động gây nghi kỵ sẽ khiến vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Quần đảo Trường Sa tiếp tục diễn biến phức tạp. Do vậy, việc xây dựng lòng tin, tăng cường hiểu biết giữa các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có vai trò đặc biệt quan trọng, là cái gốc để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Không có lòng tin, sẽ không có bất kỳ một giải pháp nào được tất cả các bên có tranh chấp chủ quyền chấp nhận.

Tại Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 4 về Biển Đông tại Thành phố Hồ Chí Minh (11-2012) với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, vấn đề xây dựng lòng tin đã được các đại biểu tham dự đặc biệt quan tâm và trở thành một trong 3 nhóm giải pháp trụ cột mà các đại biểu tham dự muốn đề xuất, kiến nghị với chính phủ các nước trong giải quyết tranh chấp, quản lý xung đột ở Biển Đông nói chung và khu vực Quần đảo Trường Sa nói riêng(1).

Trong Hội thảo quốc tế về “ Xây dựng lòng tin ở châu Á” tại Hà Nội (12-2015) do Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức, vấn đề xây dựng lòng tin đã thu hút đông đảo các chuyên gia, học giả và giới truyền thông trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Các tham luận tại Hội thảo đã chỉ rõ vai trò, tầm quan trọng của lòng tin trong giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và đề xuất các giải pháp thúc đẩy xây dựng lòng tin để thực hiện mục tiêu hòa bình, ổn định và là tiền đề để đảm bảo sự thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương(2).

Đến Hội thảo Quốc tế lần thứ 10 về Biển Đông (11-2018) với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”, các đại biểu cũng kiến nghị nhiều giải pháp về xây dựng lòng tin, kiểm soát và giải quyết từng bước tranh chấp nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Nhiều học giả cho rằng để xây dựng lòng tin, các bên tranh chấp cần xem lại yêu sách của mình, từ bỏ các yêu sách thái quá, không phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, từ đó thu hẹp tranh chấp, tiến tới từng bước giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình(3).

Tại Hội thảo quốc tế lần thứ hai “Tranh cãi trên Biển Đông và tìm kiếm giải pháp hòa bình” tại thủ đô Moskva/Nga (6-2019), một số đại biểu tham dự Hội thảo tiếp tục nhấn mạnh, các bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông nên bắt đầu ngay quá trình xây dựng lòng tin để góp phần giữ gìn an ninh khu vực và môi trường biển, tôn trọng và tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời sớm thiết lập và thực thi COC có tính ràng buộc pháp lý và dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 (4).

2. Thực trạng và giải pháp xây dựng lòng tin

Như vậy, có thể thấy rằng, vấn đề xây dựng lòng tin luôn được các nước trong và ngoài khu vực nhìn nhận, đánh giá cao, tuy nhiên lòng tin giữa các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông chưa cao, thậm chí bị giảm sút nghiêm trọng.

Theo nhiều chuyên gia, học giả trong và ngoài nước, hiện nay các bên có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở khu vực Quần đảo Trường Sa đang thực sự lo ngại, thiếu lòng tin vào các cam kết của Trung Quốc. Theo họ, Trung Quốc thường “nói một đằng, làm một nẻo” vì khi mà Trung Quốc luôn nhấn mạnh và kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, nhưng lại liên tục gia tăng các hoạt động gây căng thẳng, như: đưa lực lượng đến giành quyền kiểm soát bãi cạn Xcabôrô/ Hoàng Nham nơi đang tranh chấp với Philíppin (2012); đưa lực lượng chấp pháp ra “túc trực” tại khu vực bãi Cỏ Mây/Trường Sa và ngăn chặn, gây khó khăn cho Philíppin tiến hành các hoạt động thay quân tiếp tế cho lực lượng đồn trú tại bãi cạn này (2013); tiến hành thả cột mốc, diễn tập quân sự tại bãi Giêm-mô (Trung Quốc gọi là bãi Tăng Mẫu) cách bờ biển Malaixia khoảng 80 hải lý (2013); đưa giàn khoan HD-981 cùng trên 100 tàu xâm phạm EEZ của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 119 hải lý (2014); tiến hành lấn biển, mở rộng, xây dựng cơ sở hạ tầng tại các bãi cạn chiếm đóng ở Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với quy mô lớn nhất và tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay, làm thay đổi nguyên trạng các bãi cạn này (2014-2016); thẳng thừng tuyên bố không tham gia, không thừa nhận, không thực thi phán quyết này của Tòa Trọng tài quốc tế trong vụ kiện Trung Quốc của Philippin (2016); gây sức ép đối với hoạt động dầu khí của Việt Nam và đưa tàu khảo sát HD-8 cùng tàu hải cảnh và dân binh xuống hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (7-2019)(5)... Các hành động này thực sự đi ngược lại với các cam kết quốc tế mà Trung Quốc đã ký kết với các nước và DOC, đánh mất lòng tin của các nước, khiến tình hình tranh chấp ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra va chạm, xung đột tác động trực tiếp đến quan hệ quốc tế và tình hình an ninh nội địa của các bên.

Về phía mình, Trung Quốc bày tỏ “nghi kỵ” đối với bên có tranh chấp chủ ở Quần đảo Trường Sa, nhất là đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ ngày càng sâu đậm với Mỹ. Theo cách nhìn của Trung Quốc thì chiến lược “xoay trục” đối vực châu Á - Thái Bình Dương, chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ là nhằm vào Trung Quốc, muốn ngăn chặn con đường chiến lược để trở thành cường quốc đại dương, cản trở “giấc mơ Trung Hoa”, cản trở con đường “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc. Vì vậy, các hành động trên biển của Trung Quốc trong thời gian vừa qua là để “đối phó với Mỹ” và răn đe các quốc gia, vùng lãnh thổ ngày càng có mối quan hệ thân thiện với Mỹ.

Trên thực tế, tác động của chiến lược “xoay trục” châu Á - Thái Bình Dương và chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ đã có một số ảnh hưởng nhất định như: sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông ngày một gia tăng; tần suất, mức độ các đợt tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông ngày càng nhiều, nhất là các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở khu vực Quần đảo Trường Sa; quan hệ kinh tế - thương mại Mỹ - Trung ngày càng diễn biến phức tạp, trong khi quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia, vùng lãnh thổ có tranh chấp chủ quyền ở Quần đảo Trường Sa lại ấm dần lên... làm gia tăng sự nghi kỵ của Trung Quốc, là một trong những nguyên nhân dẫn tới một số vụ “va chạm” trên không, trên biển ở Biển Đông gần đây giữa Trung Quốc và Mỹ như: vụ tàu quân sự của Trung Quốc “suýt đâm” tàu quân sự Mỹ tại quần đảo Hoàng Sa vào tháng 12 năm 2013(6); vụ máy bay tiêm kích của Trung Quốc chặn ép máy bay trinh sát của Mỹ ở Đông đảo Hải Nam tháng 8- 2014(7); các hoạt động “xua đuổi”, bám sát tàu, máy bay của Mỹ hoạt động ở khu vực Quần đảo Trường Sa (2015 - 2019)... Hơn thế, Trung Quốc cho rằng, việc các nước trong khu vực, nhất là các nước có tranh chấp chủ quyền ở Quần đảo Trường Sa với Trung Quốc quan hệ sâu đậm với Mỹ, “hoan nghênh” các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông chính là “mời” Mỹ đến để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc, là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc có các hành động ngày càng “cứng rắn” và “tham vọng” hơn ở Biển Đông. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rõ “các nước không phải trong khu vực không nên cố tình thổi phồng những khác biệt vốn đã để lại từ quá khứ”, “không được lợi dụng những khác biệt này để gieo rắc sự ngờ vực giữa Trung Quốc và các nước ASEAN”(8)...

Thực trạng Biển Đông cho thấy, việc xây dựng lòng tin giữa các nước, các bên có liên quan đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông lại càng cấp bách, góp phần giữ vững môi trường hòa bình ổn định ở khu vực(9). Để xây dựng lòng tin, Chính phủ Việt Nam và các nước ASEAN, các bên có liên quan cần thông nhất:

Một là, giữ nguyên hiện trạng, không gia tăng các hoạt động gây phức tạp tại khu vực tranh chấp hoặc bị coi là tranh chấp, đặc biệt là ở khu vực Quần đảo Trường Sa và vùng biển lân cận khu vực này. Đây là biện pháp, đồng thời là nguyên tắc đầu tiên trong xây dựng lòng tin. Nếu các bên có tranh chấp chủ quyền không có thiện chí thực hiện vấn đề này, thì sẽ không xây dựng được lòng tin. Lòng tin phải được thực hiện trên cơ sở thiện chí, tự giác. Nếu không thiện chí và tự giác thì không thể thực hiện được vì có quá nhiều vấn đề tranh cãi như: thế nào là giữ nguyên hiện trạng? Khu vực nào là khu vực tranh chấp? Thế nào là tiến hành các hoạt động làm phức tạp tình hình? Như thế nào là tiến hành các hoạt động chính đáng của các nước đối với các đảo đang chiếm đóng tại khu vực tranh chấp?...

Hai là, thực hiện tự giác, có trách nhiệm đối với các cam kết quốc tế đã ký kết. Trên thực tế, các nước có tranh chấp chủ quyền ở Quần đảo Trường Sa đều tham gia vào một hoặc nhiều cam kết quốc tế đối với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông trên cả phương diện song phương và đa phương, nhất là UNCLOS năm 1982, DOC và một số cam kết, thỏa thuận song phương và đa phương giữa các nước. Thực hiện tự giác, có trách nhiệm các cam kết quốc tế này sẽ làm cho vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông lắng dịu và có thể tìm ra được nhiều giải pháp tích cực.

Ba là, công khai các hoạt động và mục đích tiến hành các hoạt động ở khu vực tranh chấp hoặc bị coi là tranh chấp. Đây là một giải pháp quan trọng để xây dựng lòng tin giữa các nước. Các bên có liên quan đều theo dõi sát sao mọi hoạt động và mục đích của các nước khác tại khu vực có tranh chấp hoặc bị coi là tranh chấp. Vì vậy, khi tiến hành các hoạt động tại khu vực này, giải pháp tốt nhất là nước đang chiếm đóng, thực thi chủ quyền cần phải công khai hóa, minh bạch hóa các hoạt động và mục đích tiến hành các hoạt động cho các bên còn lại(10).

Bốn là, tăng cường và thẳng thắn trao đổi, thiện chí tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ “bất đồng”, nghi kỵ giữa các bên. Trong thời gian qua, vấn đề này đã được các bên có tranh chấp tích cực tiến hành, tuy nhiên vẫn còn sự nghi kỵ. Vấn đề đặt ra là trong các cuộc trao đổi đó, các bên tiến hành đã thực sự thiện chí chưa? Đã quan tâm, tính toán đến khó khăn của các bên còn lại chưa? đã tính toán đến những nhượng bộ có thể của mình, những nhượng bộ có thể của các bên còn lại? Nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, biết đặt lợi ích quốc gia của mình trong lợi ích quốc gia của khu vực.

Năm là, hiện thực hóa Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng các bộ quy tắc ứng xử riêng ở từng khu vực tranh chấp giữa các bên. Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng phải khẳng định rằng DOC ra đời là một nỗ lực lớn, là bước ngoặt quan trọng giữa ASEAN và Trung Quốc trong tìm kiếm các giải pháp giải quyết tranh  chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Hiện thực hóa các nội dung DOC đã ký kết với thái độ thiện chí sẽ là một trong những biện pháp quan trọng củng cố lòng tin giữa các bên, nhất là trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc đang cùng nhau xây dựng, hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Hiện thực hóa DOC, xây dựng, ký kết COC không những góp phần tích cực vào quản lý xung đột, hạn chế va chạm, giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông mà còn tạo dựng, củng cố lòng tin giữa các bên.

Sáu là, thành lập các nhóm làm việc chung giữa các bên có tranh chấp để trao đổi, nghiên cứu, xây dựng các biện pháp giải quyết tranh chấp. Việc thành lập các nhóm làm việc chung có thể căn cứ vào từng khu vực tranh chấp cụ thể. Đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa, là vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hai nước cần thành lập một nhóm làm việc chung về khu vực này. Đối với khu vực quần đảo Trường Sa, các bên liên quan cũng cần thiết phải thành lập nhóm làm việc chung tại khu vực này. Các nhóm làm việc này có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp đối với các bên có liên quan để củng cố lòng tin, quản lý xung đột hướng tới giải quyết dứt điểm tranh chấp giữa các bên(11).

Bảy là, hạn chế tiến hành các hoạt động có thể dẫn đến nghi kỵ, hiểu lầm, xói mòn lòng tin giữa các bên, nhất là các hoạt động ở những khu vực tranh chấp hoặc bị coi là có tranh chấp. Khu vực tranh chấp hoặc bị coi là có tranh chấp vốn là một khu vực nhạy cảm, rất dễ dẫn đến nghi kỵ, hiểu lầm cho các bên. Do đó, các bên có tranh chấp cần hạn chế tối đã các hoạt động có thể dẫn đến nghi kỵ, hiểu lầm ở khu vực này, đặc biệt là: không tiến hành các hoạt động quân sự đơn phương; không quân sự hóa; không lôi kéo các nước không có tranh chấp tham gia vào các hoạt động ở khu vực có tranh chấp hoặc bị coi là có tranh chấp giữa các bên; không tiến hành các họat động có thể ảnh hưởng đến chủ quyền, lợi ích của các quốc gia khác ở khu vực tranh chấp hoặc bị coi là có tranh chấp; không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp tình hình...

Tám là, nghiên cứu tiến hành các hoạt động chung tại khu vực tranh chấp hoặc bị coi là có tranh chấp nhằm biến khu vực này thành khu vực hòa bình và phát triển. Việc tiến hành các hoạt động chung này phải có sự tham gia của tất cả các bên có tranh chấp và có thể được tiến hành ở các khu vực ít nhạy cảm trước. Trước hết nên tập trung vào các hoạt động chung mang tính nhân đạo, như cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ giúp đỡ ngư dân trên biển, triển khai các tua du lịch chung...

Đối với Việt Nam, Biển Đông không chỉ là một khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, một khu vực có vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng, là cửa ngõ chính để kết nối với khu vực và thế giới mà còn là nơi có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa yêu dấu, như một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam. Vì vậy thực hiện các giải pháp xây dựng lòng tin trong quá trình giải quyết tranh chấp trên Biển Đông càng có ý nghĩa cấp bách để bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia góp phần giữ vững môi trường hòa bình ổn định trong khu vực và thế giới.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2020

(1) A.Chân: Hội thảo quốc tế lần thứ tư về biển Đông: Hợp tác vì an ninh, hòa bình và thịnh vượng, https://baomoi.com.

(2) Minh Phương: Xây dựng lòng tin ở châu Á để giải quyết vấn đề Biển Đông, https://dantri.com.vn.

(3) Đình Thiệu: Bế mạc Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 tại Đà Nẵng, https://vov.vn 

(4) Tâm Hằng: Đề cao vai trò xây dựng của các tổ chức xã hội trong vấn đề Biển Đông, http://tuyengiao.vn.

(5) Mạnh Hùng: AMM 52: Ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông, http://dangcongsan.vn.

(6) Minh Châu: Trung Quốc lên tiếng về vụ suýt đâm tàu Mỹ trên Biển Đông, http://petrotimes.vn.

(7) Trọng Giáp: Chiến đấu cơ Trung Quốc phơi bụng trước mũi máy bay Mỹ, http://vnexpress.net.  

(8) D.Kim Thoa: Ông Vương Nghị “nhăn nhe” các nước ngoài châu Á không “gây chia rẽ về Biển Đông”, https://tuoitre.vn.  

(10) Sam Bateman: Các biện pháp xây dựng lòng tin và an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và luật biển, Vị trí chiến lược vấn đề trên biển và luật biển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nxb Viện Thông tin khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr.187.  

(11)Phương Vũ: Phó Tổng thống Mỹ lên án hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, htttp://vnexpress.net.

(12) Biển Đông: Biện pháp xây dựng lòng tin thông qua trọng tài và tòa án quốc tế, http://www.biendong.net.

ThS Bùi Đức An

Học viện Ngoại giao

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền