Trang chủ    Quốc tế    Một số điểm nhấn quan trọng của Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc
Thứ tư, 24 Tháng 7 2013 15:10
3758 Lượt xem

Một số điểm nhấn quan trọng của Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc

(LLCT) - Từ ngày 8 đến 14-11-2012, tại Bắc Kinh, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII. Chủ đề của Đại hội là: “Giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, lấy lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng "ba đại diện" và quan điểm phát triển khoa học làm chỉ đạo, giải phóng tư tưởng, cải cách mở cửa, tập trung sức mạnh, đột phá vượt qua khó khăn, kiên định bất di bất dịch tiến lên trên con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, phấn đấu hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả".

1. Khái niệm ngọn cờ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc  

Báo cáo chính trị tại Đại hội đã trình bày khái niệm mới về ngọn cờ CNXH đặc sắc Trung Quốc, bao gồm con đường CNXH đặc sắc Trung Quốc, hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc và chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc. Trong đó, “Con đường CNXH đặc sắc Trung Quốc chính là dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, xuất phát từ tình hình cơ bản trong nước, lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm, kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản, kiên trì cải cách mở cửa, giải phóng và phát triển sức sản xuất xã hội, xây dựng kinh tế thị trường XHCN, chính trị dân chủ XHCN, văn hóa tiên tiến XHCN, xã hội hài hòa XHCN, văn minh sinh thái XHCN, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người, từng bước thực hiện toàn thể nhân dân cùng giàu có, xây dựng đất nước hiện đại hóa XHCN giàu mạnh, văn minh, hài hòa. Hệ thống lý luận XHCN đặc sắc Trung Quốc chính là bao gồm lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “ba đại diện”, quan điểm phát triển khoa học, là sự kiên trì và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông. Chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc chính là chế độ chính trị cơ bản của Đại hội đại biểu nhân dân, là cơ chế hợp tác đa đảng và hiệp thương chính trị, chế độ tự trị khu vực và chế độ tự trị quần chúng ở cơ sở do Đảng Cộng sản lãnh đạo, là hệ thống pháp luật XHCN đặc sắc Trung Quốc, chế độ kinh tế cơ bản lấy chế độ công hữu làm chủ thể, kinh tế nhiều thành phần sở hữu cùng phát triển, cùng với các chế độ cụ thể về thể chế kinh tế, thể chế chính trị, thể chế văn hóa, thể chế xã hội được xây dựng trên nền tảng những chế độ đó”(1).

Đại hội XVIII chỉ rõ: “Con đường XHCN đặc sắc Trung Quốc là con đường hiện thực, hệ thống lý luận về CNXH đặc sắc Trung Quốc là kim chỉ nam hành động, chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc là đảm bảo cơ bản, ba cái đó thống nhất trong thực tiễn vĩ đại CNXH đặc sắc Trung Quốc, là đặc sắc mới mẻ nhất hình thành trong thực tiễn lâu dài Đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng CNXH”(2).Việc đưa ra và trình bày toàn diện khái niệm mới này là nhấn mạnh con đường CNXH đặc sắc Trung Quốc là con đường hiện thực. Hệ thống lý luận XHCN đặc sắc Trung Quốc là kim chỉ nam cho mọi hành động. Chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc là đảm bảo căn bản. Ba đổi mới này thống nhất với thực tiễn vĩ đại CNXH đặc sắc Trung Quốc. Đây là đặc sắc tươi mới nhất được hình thành trong thực tiễn Đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng lâu dài CNXH, vừa đổi mới và “Trung Quốc hóa” chủ nghĩa Mác, vừa nhằm tìm tòi phương hướng phát triển của Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc. Phương châm toàn diện đó được đánh giá sẽ dẫn dắt toàn Đảng và nhân dân Trung Quốc hướng tới việc tự giác hơn trong kiên trì phát triển con đường, hệ thống lý luận và chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc.           

2. Thực hiện phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa      

Đại hội XVIII khẳng định: “muốn xây dựng xã hội khá giả toàn diện, nhanh chóng thúc đẩy hiện đại hóa XHCN, thực hiện phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, cần kiên định xây dựng con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”(3). Đó cũng là vấn đề thu hút sự bàn bạc sâu sắc, rộng rãi tại Đại hội XVIII.            

Nhìn lại lịch sử, Trung Quốc được coi là một quốc gia văn minh thời cổ đại, đã có những thời kỳ phát triển rực rỡ. Theo thống kê, năm 1820, tổng mức GDP của Trung Quốc chiếm 1/3 thế giới (32,4%)(4). Nhưng do giai cấp phong kiến chưa suy tàn, do sự xâm lược và chia cắt của các nước đế quốc, nên vị trí và tầm ảnh hưởng của dân tộc Trung Hoa trên thế giới bị suy yếu. Đến đầu thế kỷ XX, Tôn Trung Sơn là người đầu tiên đưa ra khẩu hiệu “chấn hưng dân tộc Trung Hoa”, tư tưởng này đã được các thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc kế thừa và tiếp nối. Mao Trạch Đông đã nhận thấy chấn hưng dân tộc Trung Hoa chính là xây dựng Trung Quốc thành quốc gia công nghiệp XHCN hùng mạnh, thực hiện bốn hiện đại hóa, đuổi kịp và vượt các quốc gia TBCN tiên tiến nhất thế giới, có những cống hiến lớn lao cho nhân loại.

Để tiếp nối con đường đó, những năm 80 thế kỷ trước, Đặng Tiểu Bình đã đề ra kế hoạch “ba bước”, dần dần mang lại cho nhân dân đời sống ấm no và khá giả, đưa đất nước đạt tới trình độ của các quốc gia phát triển trung bình. Theo đó, Đại hội XV Đảng Cộng sản Trung Quốc (1997) đã chia 50 năm đầu thế kỷ XXI thành ba bước, 10 năm đầu thực hiện tăng gấp đôi GDP năm 2000, 10 năm tiếp theo kinh tế phát triển hơn, các chế độ hoàn thiện hơn, đến giữa thế kỷ cơ bản thực hiện hiện đại hóa; hơn nữa chỉ rõ, giai đoạn đầu của CNXH là “giai đoạn lịch sử từng bước thu hẹp chênh lệch với trình độ tiên tiến trên thế giới, trên nền tảng CNXH thực hiện chấn hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. Tiến trình lịch sử này ít nhất phải mất 100 năm”(5). Các Đại hội XVI, XVII  Đảng Cộng sản Trung Quốc lại chia 50 năm đầu thế kỷ XXI thành hai giai đoạn, 20 năm đầu cơ bản thực hiện công nghiệp hóa, đến giữa thế kỷ XXI cơ bản thực hiện hiện đại hóa. Đại hội XVIII tiếp tục cụ thể hóa chiến lược này bằng những con số và kế hoạch chi tiết, rõ ràng hơn, thể hiện quyết tâm chính trị cao hơn. Trong đó, để thực hiện mục tiêu này, tiền đề là phải kiên trì con đường CNXH đặc sắc Trung Quốc, hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc và chế độ XHCN đặc sắc Trung Quốc. Vì thế, có thể nói con đường CNXH đặc sắc Trung Quốc chính là con đường phục hưng dân tộc Trung Hoa.   

Để bảo đảm đến năm 2020 thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện, Đại hội XVIII đề ra mục tiêu: “Thực hiện tổng sản phẩm quốc nội và thu nhập bình quân đầu người ở thành thị và nông thôn tăng gấp hai lần so với năm 2010”; thực hiện giải pháp “hai đồng bộ”: Tăng trưởng thu nhập của người dân đồng bộ với phát triển kinh tế, tăng trưởng thù lao và năng suất lao động được nâng cao đồng bộ.        

3. Các thách thức và nguy cơ đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc   

Tại Đại hội XVIII, Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định rõ thách thức và nguy cơ phải đối mặt trong việc cầm quyền hiện nay và trong tương lai, gồm: “bốn thách thức lớn” là: thách thức cầm quyền, thách thức cải cách mở cửa, thách thức kinh tế thị trường và thách thức môi trường bên ngoài; “bốn nguy cơ lớn” là: nguy cơ buông lỏng tinh thần, nguy cơ thiếu năng lực, nguy cơ tách rời quần chúng và nguy cơ tiêu cực tham nhũng.        

Đại hội đã xác định các điểm “nóng” cần giải quyết.        

Từ việc làm rõ những nguy cơ, thách thức, Đại hội XVIII đề ra phương hướng phát triển đất nước trong thời gian tới; các giải pháp trong quá trình phát triển của Trung Quốc trong thời kỳ mới:          

Thứ nhất, duy trì kinh tế phát triển lâu dài, lành mạnh.    

Trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ cải cách thể chế kinh tế một cách sâu sắc, toàn diện; thực hiện chiến lược phát triển với động lực là sáng tạo; thúc đẩy điều chỉnh chiến lược về cơ cấu kinh tế; thúc đẩy phát triển nhất thể hoá giữa thành thị và nông thôn; nâng cao toàn diện trình độ của nền kinh tế mở. Chú trọng hơn quy luật thị trường trong phát triển kinh tế, thúc đẩy dòng vốn nhà nước đầu tư nhiều hơn vào các ngành nghề trọng điểm và lĩnh vực then chốt liên quan tới an ninh quốc gia và huyết mạch kinh tế quốc tế. Khuyến khích, ủng hộ và hướng dẫn phát triển các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Nhà nước sẽ tăng cường các chính sách ưu tiên nông nghiệp, nông thôn và làm giàu cho nông dân, nâng cao ưu thế tổng hợp và hiệu quả chung trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.  

Thứ hai, thúc đẩy cải cách, kiện toàn nền dân chủ.          

Đại hội tái khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc cải cách thể chế chính trị đối với công cuộc cải cách toàn diện của Trung Quốc, đề ra các biện pháp thực tế giàu tính sáng tạo. Trọng điểm hàng đầu là ủng hộ và bảo đảm cho nhân dân điều hành quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân, trong đó nâng cao tỷ lệ của các đại biểu đến từ cơ sở. Tăng cường hiệp thương chính trị với các đảng phái dân chủ, đưa hiệp thương chính trị vào trình tự hoạch định quyết sách. Đảng hoạt động trong phạm vi Hiến pháp và pháp luật. 

Thứ ba, cải thiện dân sinh, giữ gìn công bằng xã hội.      

Bảo đảm và cải thiện an sinh xã hội, để nhân dân được hưởng thành quả của cải cách mở cửa là một trong những mục tiêu trọng điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những năm gần đây. Báo cáo tại Đại hội XVIII cam kết làm tốt công tác giáo dục, thúc đẩy tạo việc làm chất lượng cao, bằng mọi cách tăng thêm thu nhập cho người dân, tính toán tổng thể đẩy mạnh xây dựng hệ thống an sinh xã hội ở thành thị và nông thôn, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người dân, tăng cường và sáng tạo mô hình mới về quản lý xã hội. Để nhân dân cùng chia sẻ những thành quả phát triển, cần phải cải cách sâu sắc chế độ phân phối thu nhập.  

Thứ tư, nêu bật xây dựng văn minh sinh thái.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng, áp lực về tài nguyên và môi trường đặt ra cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ngày càng lớn. Đại hội nhấn mạnh, xây dựng văn minh sinh thái là kế sách lâu dài liên quan tới hạnh phúc của nhân dân và tương lai của dân tộc, cũng góp phần đảm bảo an ninh sinh thái toàn cầu. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh: “Dựa theo nguyên tắc cân bằng giữa dân số với tài nguyên và môi trường, sự thống nhất giữa hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội và sinh thái, cần kiểm soát cường độ khai thác, điều chỉnh kết cấu không gian, để lại không gian tự phục hồi lớn hơn cho thiên nhiên, để lại cho nông nghiệp càng nhiều đồng ruộng màu mỡ hơn, để lại cho con cháu mai sau một miền quê tươi đẹp trời xanh, đất xanh, nước trong xanh”. Trung Quốc sẽ nâng cao khả năng khai thác tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, kiên quyết bảo vệ quyền lợi biển của Nhà nước, xây dựng đất nước thành một cường quốc về biển.  

Thứ năm, tăng cường xây dựng Đảng, kiên quyết chống tham nhũng.   

Đại hội đánh giá tường tận tình hình công tác xây dựng Đảng. Về phát triển dân chủ trong Đảng, Báo cáo chỉ rõ, cần phải bảo đảm vị thế chủ thể của đảng viên, kiện toàn chế độ, bảo đảm quyền lợi dân chủ của đảng viên, thực hiện quyền được thông tin, quyền tham gia, quyền bầu cử và quyền giám sát của đảng viên. Đại hội nhấn mạnh, vấn đề chống tham nhũng, xây dựng nền chính trị liêm khiết là lập trường chính trị kiên định của Đảng. Đồng thời nêu rõ, sẽ tăng cường giám sát việc điều hành quyền lực của cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, trước sau như một duy trì xu thế cao áp trong trừng trị tham nhũng.   

4. Tuyên bố thực hiện phát triển quân đội mang tính phòng ngự      

Về xây dựng quốc phòng và quân đội, Đại hội XVIII tái khẳng định, Trung Quốc thi hành chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự, mục đích tăng cường xây dựng quốc phòng là để bảo vệ chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo đảm cho sự phát triển hoà bình của Trung Quốc.  

Quan điểm là: “Xây dựng quân đội hùng mạnh và củng cố quốc phòng ngang tầm với địa vị quốc tế của Trung Quốc, phù hợp với lợi ích an ninh và phát triển quốc gia, đó là nhiệm vụ chiến lược trong xây dựng hiện đại hóa Trung Quốc”. Những vấn đề an ninh sinh tồn và an ninh phát triển, các mối đe dọa về an ninh phi truyền thống và an ninh truyền thống mà Trung Quốc đang phải đối mặt đan xen lẫn nhau đòi hỏi nhiệm vụ xây dựng quốc phòng và hiện đại hóa quân đội phải đạt được bước tiến lớn. Trung Quốc xác định sẽ xây dựng quân đội theo định hướng của nhu cầu cốt lõi về an ninh quốc gia, trù tính cả về xây dựng kinh tế và xây dựng quốc phòng, gấp rút hoàn thành trước năm 2020 đồng thời cả hai nhiệm vụ lịch sử là xây dựng cơ giới hóa và tin học hóa theo ý tưởng xây dựng quốc phòng hiện đại.  

5. Đưa ra tuyên ngôn ngoại giao mới    

Đại hội XVIII coi việc thực hiện thúc đẩy xây dựng hiện đại hóa, hoàn thành thống nhất tổ quốc, duy trì hòa bình thế giới và thúc đẩy cùng nhau phát triển là ba nhiệm vụ lịch sử to lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời kỳ mới.    

Đại hội XVIII đã nhận định về những đặc điểm căn bản của tình hình thế giới: hiện nay đang trong quá trình biến đổi sâu sắc và phức tạp, tuy nhiên, hòa bình và phát triển vẫn là chủ đề của thời đại. Thế giới đa cực hóa, kinh tế toàn cầu hóa đi vào chiều sâu; văn hóa phát triển đa dạng, xã hội tin học hóa tiếp tục được thúc đẩy, cách mạng khoa học công nghệ đang hứa hẹn những đột phá mới, hợp tác toàn cầu được mở rộng theo hướng toàn diện, đa tầng nấc, sức mạnh tổng thể của các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển được tăng cường, tương quan lực lượng có lợi cho việc gìn giữ và duy trì hòa bình thế giới. Tuy nhiên, thế giới vẫn còn nhiều bất ổn: tác động của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế sâu rộng, các nhân tố không ổn định và khó xác định trong tăng trưởng kinh tế thế giới tăng lên, sự phát triển không đồng đều trên toàn cầu cũng tăng lên, chủ nghĩa bá quyền, chính trị cường quyền và chủ nghĩa can thiệp mới có phần tăng lên, bất ổn cục bộ thường xuyên xảy ra, các vấn đề mang tính toàn cầu như an ninh lương thực, an ninh mạng, an ninh năng lượng nổi lên rõ hơn.         

Từ nhận định tổng thể về thế giới, Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh: “Lịch sử đã cho chúng ta thấy, cá lớn nuốt cá bé, mạnh bắt nạt yếu không phải là con đường cùng tồn tại, hiếu chiến không thể đem lại một thế giới tốt đẹp. Muốn hòa bình, không muốn chiến tranh, muốn phát triển không muốn nghèo khổ, muốn hợp tác không muốn đối kháng, thúc đẩy xây dựng một xã hội hài hòa, duy trì hòa bình, cùng phồn thịnh là mong muốn chung của các quốc gia dân tộc”(6). Đây được coi là tuyên ngôn ngoại giao thời kỳ mới của Trung Quốc, thể hiện Trung Quốc sẽ kiên định theo đuổi chính sách ngoại giao hòa bình, tự chủ, độc lập, cố gắng duy trì hòa bình thế giới, bình đẳng tin cậy lẫn nhau, cùng bảo vệ công bằng, chính nghĩa quốc tế, thúc đẩy thế giới cùng phát triển.          

Đối với các quốc gia xung quanh, Báo cáo chính trị Đại hội XVIII nêu rõ: “Trung Quốc kiên trì thân thiện với láng giềng, làm bạn với láng giềng, củng cố láng giềng hữu hảo, đi sâu hợp tác cùng có lợi, nỗ lực để sự phát triển của bản thân có lợi nhiều hơn cho các quốc gia xung quanh”(7).       

6. Về việc sửa đổi Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc           

Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc thống nhất xác lập quan điểm phát triển khoa học cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng "ba đại diện" là tư trưởng chỉ đạo của Đảng; nhất trí đưa con đường CNXH đặc sắc Trung Quốc, hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc, xây dựng văn minh sinh thái vào Điều lệ Đảng. Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội cũng xác lập cơ chế đại biểu đại hội theo toàn nhiệm kỳ, tư cách đại biểu đại hội không chỉ ở thời điểm đại hội mà kéo dài suốt 5 năm của nhiệm kỳ.       

7. Thực hiện bước căn bản chuyển giao thế hệ lãnh đạo        

Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện thành công bước cơ bản cho việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo từ thế hệ lãnh đạo thứ 4 sang thế hệ lãnh đạo thứ 5 bằng việc bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Quân ủy Trung ương khóa XVIII. Đây được coi là bước nền tảng để thực hiện việc chuyển giao quyền lãnh đạo hoàn toàn vào kỳ họp Quốc hội Trung Quốc khóa mới tháng 3-2013.

Quy mô Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII có phần mở rộng so với khoá trước. Nhìn từ góc độ cơ cấu nhân sự, nòng cốt là lãnh đạo cấp tỉnh, bộ và quân khu lớn trở lên, cũng có một số cán bộ lãnh đạo cấp địa khu cùng người lãnh đạo cơ quan tài chính, doanh nghiệp nhà nước quan trọng, trường đại học và cao đẳng, đơn vị nghiên cứu khoa học, và số lượng nhất định chuyên gia học giả các ngành nghề và đại diện ưu tú đến từ cơ sở.  

Ban Chấp hành Trung ương gồm 376 ủy viên, trong đó có 205 ủy viên chính thức, 171 ủy viên dự khuyết, độ tuổi trung bình là 56,1, trong đó có 33 nữ, 39 người dân tộc thiểu số.

Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương khóa XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bầu ra Bộ Chính trị gồm 25 ủy viên, Thường vụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư gồm 7 thành viên. Trong số những thành viên của Bộ Chính trị, có hai nhân vật nổi bật là Hồ Xuân Hoa (Bí thư Khu ủy Khu tự trị Nội Mông, hiện là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Châu) và Tôn Chính Tài (Bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm, hiện là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh). Cả hai đều đã kinh qua nhiều chức vụ quan trọng ở Trung ương và địa phương, đủ độ tuổi cần thiết, được dự báo sẽ là hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ 6 của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong vòng 10 năm tới.

Hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ 5 là Tập Cận Bình, dự kiến sẽ được bầu làm Chủ tịch nước và Lý Khắc Cường, người được dự kiến sẽ được bầu làm Thủ tướng vào tháng 3-2013 tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Trung Quốc khóa mới. Điều đáng chú ý là Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào đã bỏ qua “tiền lệ” khi chuyển giao chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương cho ông Tập Cận Bình ngay tại Đại hội XVIII.       

Ngay sau Đại hội, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành đợt điều chỉnh cán bộ cấp cao đầu tiên với những thay đổi quan trọng, dần dần xác lập rõ ràng hơn quan điểm cầm quyền của thế hệ lãnh đạo mới và đi tới định hình “bàn cờ” chính trị Trung Quốc cho hiện tại và lâu dài.     

Với những kết quả đạt được, Đại hội XVIII đã trở thành cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của Đảng Cộng sản và đất nước Trung Quốc.

____________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2013

(1),(2),(3),(6),(7): Báo cáo chính trị Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, http://www.xj.xinhuanet.com.    

(4) http://zhidao.baidu.com.   

(5): Văn kiện Đại hội XV Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nxb Nhân dân, Bắc Kinh, 1997.   

TS Trần Thọ Quang

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền