Trang chủ    Quốc tế    Xung đột và thỏa hiệp giữa Mỹ và Trung Quốc: Từ lý thuyết đến thực tiễn và một số dự báo
Thứ năm, 25 Tháng 6 2020 13:33
3864 Lượt xem

Xung đột và thỏa hiệp giữa Mỹ và Trung Quốc: Từ lý thuyết đến thực tiễn và một số dự báo

(LLCT) - Với sự lớn mạnh của Trung Quốc và sự suy yếu tương đối của Mỹ, ngày càng có nhiều dự đoán cho rằng Trung Quốc và Mỹ sớm muộn sẽ rơi vào “cái bẫy Thucydides”, nghĩa là sẽ lao vào một cuộc chiến tranh lớn trong quá trình chuyển đổi quyền lực. Trong khi đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng quan hệ Mỹ - Trung hiện nay có những đặc thù với nhiều biến số phức tạp nên không dễ xảy ra xung đột. Với Việt Nam, diễn biến trong quan hệ Mỹ - Trung luôn là yếu tố quan trọng để đánh giá môi trường đối ngoại. Bài viết này đưa ra một số đánh giá và dự báo về khả năng xung đột và thỏa hiệp giữa Mỹ và Trung Quốc về mặt lý luận cũng như thực tiễn. 

Từ khóa: xung đột Mỹ - Trung, thỏa hiệp Mỹ - Trung, Mỹ -­ Trung.

1. Khuôn khổ lý thuyết dự báo khả năng xung đột hay thỏa hiệp giữa Mỹ và Trung Quốc

GS. Graham Allison trong “Cuộc chiến định mệnh: Liệu Mỹ và Trung Quốc có tránh nổi cái bẫy Thucydides?” cho rằng: xác suất xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ là rất lớn(1). Theo thống kê của G.Allison, trong 500 năm qua, 12/16 trường hợp chứng tỏ sự thay đổi nhanh chóng về sức mạnh tương đối của một quốc gia đang trỗi dậy đe dọa địa vị của nước đang tại vị và dẫn đến chiến tranh. Xem xét bốn trường hợp còn lại tránh được chiến tranh, Graham Allison đã đưa ra các nhân tố có thể giúp duy trì được hòa bình, bao gồm các biến số như việc thể chế hóa hệ thống quốc tế, liên minh, tương đồng văn hóa, phụ thuộc kinh tế và động lực hạt nhân. Tuy nhiên, Allison chưa cụ thể hóa các biến số này để dự báo khả năng chiến tranh giữa các nước lớn.

Trong một nghiên cứu gần đây, dựa trên những ý tưởng của Allison, nhà nghiên cứu Oriana Mastro đã đưa ra một khung phân tích bao gồm 7 yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng thỏa hiệp và xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Các biến số này bao gồm: mức độ bất mãn của nước đang lên với nguyên trạng, tình trạng phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, các giới hạn về mặt thể chế, thể chế chính trị nội bộ, bản chất của quan hệ đồng minh, thế cân bằng về khả năng tiêu diệt lẫn nhau (MAD) của vũ khí hạt nhân, và khả năng phát triển bền vững của mỗi quốc gia(2). Theo Mastro, có thể dự đoán được khả năng thỏa hiệp/hòa bình và khả năng xung đột giữa hai cường quốc dựa trên giá trị của các biến số (xem Bảng 1).

2. Áp dụng vào thực tiễn quan hệ Mỹ - Trung

Mặc dù quan hệ Mỹ - Trung có rất nhiều biến số phức tạp, song khi áp dụng khung phân tích của Mastro vào thực tiễn quan hệ Mỹ - Trung, có thể rút ra một số nhận định khái quát như sau:

(i) Về mức độ bất mãn của cường quốc đang trỗi dậy với trật tự hiện hành: Đây là nhân tố quan trọng nhất, mang tính quyết định trong thuyết chuyển giao quyền lực. Cho đến hiện tại, Trung Quốc tỏ ra hài lòng với phần lớn nguyên trạng tầm toàn cầu, nhưng nước này ngày càng tỏ ra không hài lòng về sự phân chia phạm vi ảnh hưởng, nhất là ở khu vực(3). Trong khi đó, Trump ngày càng nhắc đến Trung Quốc như là một “đối thủ chiến lược” tầm toàn cầu.

(ii) Khác với thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sự phụ thuộc về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc rất sâu sắc, không chỉ trong lĩnh vực thương mại với tổng kim ngạch lên tới gần 600 tỷ đô la Mỹ năm 2018, mà còn trên nhiều lĩnh vực khác như tài chính - tiền tệ, đầu tư... Sự phụ thuộc này góp phần hạn chế khả năng đối đầu và xung đột(4). Tuy nhiên, một số khía cạnh mang tính bản chất trong nguyên tắc vận hành của hai nền kinh tế lại có mâu thuẫn cơ bản, do đó có thể là tác nhân gây ra xung đột.

(iii) Về khả năng kiềm chế của các thể chế quốc tế: trước đây, Trung Quốc tương đối tuân thủ các thể chế quốc tế, nhưng nước này càng ngày càng tỏ ra thách thức nhiều khía cạnh trong trật tự hiện nay, đồng thời Trung Quốc cũng đang có các hành động “cân bằng thể chế” với Mỹ, nghĩa là lập ra các cơ chế quốc tế mới(5). Đáng chú ý là, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều có lịch sử không coi trọng các thể chế quốc tế khi các nước này có đủ thế và lực.

(iv) Về đặc điểm chính trị nội bộ: Văn hóa chính trị nội bộ Mỹ và Trung Quốc hoàn toàn khác nhau và đang diễn biến phức tạp. Hiện nay, ở Trung Quốc và Mỹ đều đang chứng kiến một số xu hướng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực, gia tăng khả năng cọ xát và xung đột giữa hai nước. Ở Mỹ, xu hướng bảo thủ, dân túy đang gia tăng khiến chính sách đối ngoại, nhất là chính sách đối với Trung Quốc, ngày càng thêm cứng rắn. Trong khi đó, ở Trung Quốc, sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc ngày càng gây sức ép mạnh mẽ lên chính sách đối ngoại, góp phần làm sâu sắc bất đồng giữa hai bên.

(v) Về cam kết trong quan hệ đồng minh, do các cam kết với hệ thống đồng minh của Mỹ ở châu Á vẫn mang tính mơ hồ (chỉ có cam kết với Nhật là rõ ràng và mạnh mẽ nhất), có điều kiện và mang tính phòng ngự, đồng thời tương quan lực lượng đang biến đổi không có lợi cho Mỹ, nước này sẽ cố gắng giảm thiểu khả năng bị lôi kéo vào một cuộc xung đột ở khu vực. Trung Quốc cũng chỉ có cam kết với Bắc Triều Tiên, tuy nhiên Trung Quốc cũng sẽ không để bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu quân sự trên bán đảo Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc.

(vi) Về khả năng răn đe bằng vũ khí hạt nhân (hay nói cách khác là khả năng chắc chắn tiêu diệt lẫn nhau - Mutual Actual Destruction, MAD): Cả Mỹ và Trung Quốc đều có khả năng răn đe hạt nhân, do đó làm giảm nguy cơ chiến tranh trực tiếp. Nếu Trung Quốc đạt được khả năng tồn tại sau cuộc tấn công phủ đầu và sau đó tiến hành tấn công trả đũa Mỹ thì nguy cơ chiến tranh nóng càng thấp. Tuy nhiên, hiện nay khả năng này vẫn chưa rõ ràng (đồng nghĩa với việc khả năng chiến tranh cũng cao hơn)(6). Do tính chất bất đối xứng trong năng lực hạt nhân của Mỹ và Trung Quốc (không tương đương nhau như Mỹ và Liên Xô trong chiến tranh lạnh), tính kiềm chế xung đột của MAD là không cao trong mối quan hệ Mỹ - Trung.

(vii) Khả năng phát triển bền vững: Mặc dù nhiều thách thức nội bộ và bên ngoài đang gây khó khăn cho sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng đến nay, thực tiễn cho thấy Trung Quốc vẫn đang quản lý được các vấn đề nội bộ. Cụ thể là lãnh đạo Trung Quốc vẫn giữ vững được ổn định chính trị, tiếp tục điều hành kinh tế vĩ mô vượt qua thách thức kép bao gồm chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển bền vững và cuộc chiến thương mại. Thậm chí, có lúc Mỹ có biểu hiện lúng túng trước sức chịu đựng bền bỉ của Trung Quốc. Do đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc vẫn là một biến số khó đoán. Đối với Mỹ, mặc dù một số biện pháp của chính quyền Trump mang lại dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế Mỹ, song vẫn tồn tại nhiều vấn đề khó giải quyết và không loại trừ khả năng rơi vào khủng hoảng trì trệ. Do đó, không dễ dự báo sự biến đổi tương quan lực lượng giữa Trung Quốc và Mỹ trong tương lai.

Nhìn chung, các biến số trên cho thấy, tương lai quan hệ Mỹ - Trung ngày càng mang tính cạnh tranh và ít có khả năng thỏa hiệp. Chỉ có hai biến số mang lại triển vọng tích cực là sự phụ thuộc về kinh tế và cam kết có điều kiện với đồng minh. Hai biến số này có thể góp phần giảm khả năng xung đột, và theo đó bao hàm khả năng thỏa hiệp. Tuy nhiên, hai biến số là sự bất mãn của cường quốc trỗi dậy và tình hình nội trị có tác động lớn nhất và có tính quyết định tình trạng quan hệ hai nước. Hai biến số này lại đang diễn biến phức tạp và theo chiều hướng tiêu cực. Các yếu tố còn lại (thể chế quốc tế, kiềm chế hạt nhân, phát triển bền vững) có thể có vai trò tích cực nhưng tác động chưa  đủ mạnh và còn diễn biến khó lường. Thực tế hiện tại cho thấy, các chính sách hiện nay của Trump và phản ứng của Trung Quốc đang làm giảm các yếu tố tích cực và tăng các yếu tố tiêu cực, do đó có thể tiếp tục làm xấu đi quan hệ Mỹ - Trung, ít nhất cho đến cuối nhiệm kỳ của Trump. Tuy nhiên, bản thân Trump cũng là yếu tố mang tính bất định và không loại trừ khả năng chủ động trao đổi, thỏa hiệp để đạt được lợi ích ngắn hạn.

3. Dự báo triển vọng quan hệ Mỹ - Trung

Xét về cả lý luận và thực tế, điểm nổi bật trong quan hệ Mỹ - Trung hiện nay là mặt cạnh tranh gia tăng đáng kể, mặc dù khuôn khổ vừa hợp tác vừa đấu tranh vẫn tồn tại. Thậm chí có ý kiến cho rằng, quan hệ Mỹ - Trung đã bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới. Tuy nhiên, bản chất của quan hệ Mỹ - Trung hiện nay khác với quan hệ thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.

Mặt trận chính của cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay chủ yếu là kinh tế và ở mức độ thấp hơn là ảnh hưởng chính trị, trong khi đó yếu tố an ninh - quân sự ngày càng trở nên rõ rệt hơn, còn yếu tố giá trị (ý thức hệ) chưa thực sự rõ ràng (nhưng đã manh nha xuất hiện). Đáng chú ý là, Trung Quốc có quan điểm rất rõ là tránh đối đầu với Mỹ, và quan điểm của Mỹ cũng là cần kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc nhưng không nên đối đầu với Trung Quốc. Quan điểm này không chỉ phù hợp với lợi ích của Mỹ mà còn với các nước đồng minh và các nước khác, nhất là ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay, Mỹ dù chưa xác định được sẽ chấp nhận cho Trung Quốc địa vị nào trong trật tự quốc tế, nhưng Mỹ ngày càng trở nên cứng rắn hơn với Trung Quốc, bởi “ai cứng rắn hơn với Trung Quốc” đang ngày càng trở thành con bài trong cạnh tranh nội bộ hướng tới bầu cử Mỹ. Chính vì vậy, mặt cạnh tranh sẽ nhiều hơn là thỏa hiệp trong quan hệ Mỹ - Trung trong thời gian tới. Tuy nhiên, như trên đã nhận định, với đặc tính của Trump, chính sách của Mỹ hiện nay đang tỏ ra cứng rắn, nhưng hoàn toàn có thể thỏa hiệp mang tính đổi chác ở một số vấn đề và thời điểm thích hợp.

Cạnh tranh phạm vi ảnh hưởng

Trên bình diện toàn cầu, mặc dù Trung Quốc hiện đang chấp nhận Mỹ ở vị trí lãnh đạo, nhưng cũng không giấu diếm ý định trở thành cường quốc hàng đầu thế giới(7). Trung Quốc không tỏ ra muốn giành vị trí lãnh đạo trong trật tự thế giới, nhưng các chiến lược mà Trung Quốc đưa ra cho thấy, Trung Quốc hướng tới mục tiêu này (đặc biệt là Sáng kiến Vành đai, Con đường). Hiện nay và trong thời gian tới, Trung Quốc đang cố gắng đẩy Mỹ ra khỏi địa vị lãnh đạo hơn là thay thế địa vị lãnh đạo của Mỹ.

Trên bình diện khu vực, Châu Á - Thái Bình Dương sẽ là mặt trận chứng kiến cạnh tranh gay gắt nhất. Để trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, trước hết, Trung Quốc phải là cường quốc khu vực, cụ thể là lãnh đạo khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đồng nghĩa với việc hạn chế vai trò của Mỹ trong khu vực. Trong khi đó, Mỹ khẳng định có lợi ích quốc gia ở Châu Á - Thái Bình Dương và rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao hàm lợi ích quốc gia sát sườn của Mỹ và lợi ích của đồng minh. Do đó, Mỹ buộc phải bảo đảm quyền sự hiện diện và khả năng hoạt động ở đây. Như vậy, ở Châu Á - Thái Bình Dương, lợi ích hai bên đối kháng với nhau và cạnh tranh, tranh giành ảnh hưởng sẽ ngày càng gia tăng, nhất là tại các điểm nóng.

Một số lĩnh vực cụ thể

Thực tiễn cho thấy Mỹ và Trung Quốc hiện đang cạnh tranh chủ yếu trên 4 khía cạnh: an ninh, kinh tế, công nghệ, và ở một chừng mực ngày càng gia tăng là vấn đề giá trị (ý thức hệ).

Trên lĩnh vực kinh tế, tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc thay đổi mạnh mẽ nhất. Đây cũng là lĩnh vực mà Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc trước tiên. Mặc dù cạnh tranh gay gắt song do trạng thái phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc nên cả hai đều phải chịu tổn thất. Vì vậy, Mỹ và Trung Quốc có thể có thỏa hiệp về kinh tế trong ngắn hạn với các biện pháp như: Mỹ giảm áp thuế, Trung Quốc đồng ý tăng nhập khẩu hàng Mỹ và cho phép doanh nghiệp tiếp cận thị trường tài chính Trung Quốc. Điều này là do Trung Quốc đang yếu thế trong cuộc chiến thương mại này: thị trường Mỹ quá lớn và quan trọng cho nền kinh tế Trung Quốc, việc thắt chặt nhập khẩu hàng Mỹ sẽ khiến người tiêu dùng Trung Quốc bất mãn, hơn nữa việc thương chiến kéo dài bộc lộ điểm yếu khiến lãnh đạo Trung Quốc bị chỉ trích trong nội bộ. Thí dụ như: sự quá tự tin vào thế của Trung Quốc, tham vọng quá lớn trong các mục tiêu đối ngoại và tính toán sai đối với chiến lược của Trump. Trong khi đó, 2 “con bài tẩy” của Trung Quốc là hạ giá mạnh đồng Nhân dân tệ và bán tháo 1 tỷ trái phiếu USD của kho bạc Mỹ đều không khả thi trong thực tiễn và có hại cho Trung Quốc nhiều hơn là cho Mỹ(8).

Tuy nhiên, thỏa hiệp sẽ mang tính hạn chế, ngắn hạn và dễ đổ vỡ bởi: (i) Mỹ và Trung vẫn không có khả năng giải quyết được các khác biệt mang tính căn bản trong mô hình kinh tế giữa hai bên mà ngày càng bị bộc lộ rõ qua thương chiến; (ii) Cạnh tranh công nghệ nằm ở trung tâm của cuộc cạnh tranh và sẽ tiếp tục diễn ra, 2 bên sẽ sử dụng các biện pháp phi thuế, như: hạn chế đầu tư, ban hành các luật lệ trong các lĩnh vực như 5G và trí tuệ nhân tạo (AI). Các rào cản này sẽ khiến hai nước không chia sẻ các sáng tạo công nghệ và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị cắt đứt; (iii) Thỏa thuận trong ngắn hạn không thể giải quyết các vấn đề mấu chốt, nhất là trên 3 lĩnh vực mới như: cách Trung Quốc định nghĩa “cơ sở hạ tầng về thông tin chủ chốt” (CII), giới hạn của việc chuyển giao thông tin xuyên biên giới, và các dịch vụ đám mây (cloud). Các sáng kiến “thí điểm” hoặc “khu vực tự do thương mại” của Trung Quốc đưa ra sẽ không thỏa mãn yêu cầu của Mỹ; (iv) Chính sách của chính quyền Trump đối với Trung Quốc hiện đang mang tính “đổi chác”, các biện pháp không nhất quán, chỉ với mục tiêu đạt các thỏa hiệp cụ thể. Điều này có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc, một mặt cố gắng thỏa mãn Trump, mặt khác tiếp tục theo đuổi mục tiêu chiến lược của mình. Về bản chất, Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách công nghiệp của mình do sức ép của Mỹ.

Do đó, dự kiến là Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế trong 1 - 2 năm tới. Trung Quốc sẽ cải thiện môi trường kinh doanh trên danh nghĩa nhưng tiếp tục áp đặt các hạn chế trên thực tế đối với các công ty Mỹ/nước ngoài. Các điều chỉnh nhỏ này không thể giải quyết được khác biệt căn bản về mô hình và chiến lược phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cả Mỹ và Trung Quốc đều rơi vào thế “lưỡng bại câu thương” nếu tách rời nhau, do đó hai bên sẽ tiếp tục duy trì đối thoại.

Lĩnh vực an ninh, cạnh tranh Mỹ - Trung diễn ra cả ở các lĩnh vực truyền thống như Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, biển Hoa Đông và biển Đông cũng như phi truyền thống như không gian mạng. Đồng thời, cạnh tranh cũng diễn ra ở các diễn đàn quốc tế và trên các vấn đề quốc tế như luật pháp, thông lệ và tiêu chuẩn. Ở cấp độ trật tự toàn cầu, Trung Quốc có thể cố gắng thay đổi một số khía cạnh trong hệ thống thế giới nhưng không có tham vọng và nỗ lực thay đổi toàn bộ trật tự; nhân tố ý thức hệ mặc dù ngày càng tăng tính đối kháng nhưng chưa đến mức hai nước đưa ra hai tầm nhìn mang tính đối kháng cho toàn cầu. Trên tầm toàn cầu, hai nước vẫn có lợi ích trong việc hợp tác trong lĩnh vực quản trị toàn cầu, cùng giải quyết một số thách thức chung như y tế cộng đồng, biến đổi khí hậu, hỗ trợ nhân đạo... Mỹ thúc đẩy hợp tác trao đổi quân sự an ninh với Trung Quốc, hướng đến các lợi ích cụ thể: (i) xây dựng kênh đối thoại bền vững và thực chất; (ii) thúc đẩy giảm thiểu rủi ro và các nỗ lực quản lý rủi ro làm giảm khả năng hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm; và (iii) xây dựng hợp tác cụ thể, thiết thực trong các lĩnh vực cùng lợi ích. Nhìn chung, các mối liên hệ giữa quân đội hai quốc gia là một nhân tố giúp ổn định mối quan hệ Mỹ - Trung.

Khả năng thỏa hiệp ở một số điểm nóng

Vấn đề bán đảo Triều Tiên: Mặc dù khả năng thỏa hiệp liên quan đến bán đảo Triều Tiên là nhỏ nhưng không phải là không thể. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra công thức “đóng băng vì đóng băng”. Theo đó, Triều Tiên sẽ ngừng thử nghiệm tên lửa và Mỹ sẽ dừng hoặc điều chỉnh đáng kể các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc. Mỹ đã từ chối hoàn toàn ý tưởng này của Trung Quốc và tiếp tục tỏ ra rất cứng rắn với CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, trong trường hợp nội bộ Mỹ khó khăn, Trump cần thành công đối ngoại để khỏa lấp thách thức nội bộ, Mỹ có thể tiến hành điều chỉnh cách thức tiến hành tập trận với Hàn Quốc ở mức độ không dẫn đến các nhân nhượng cốt lõi. Đổi lại, Mỹ thuyết phục được Trung Quốc gây sức ép lên CHDCND Triều Tiên để nước này chấp nhận công thức trên của Trung Quốc.

Vấn đề Đài Loan: Đây là một trường hợp cũng có khả năng thỏa hiệp từ phía Mỹ do trên thực tế, Mỹ không có cam kết chính thức với Đài Loan như với các đồng minh khác. Theo một số học giả, để tiến tới đạt được một thỏa hiệp chiến lược mang tính toàn cục (Grand Bargain) với Trung Quốc, Đài Loan là vấn đề mà Mỹ có thể xem xét thỏa hiệp trước nhất. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến phản đối quan điểm này, do Trung Quốc ngày càng xem nhẹ con bài Đài Loan trên tay Mỹ vì cho rằng mình đang có lợi thế trong vấn đề Đài Loan (Trung Quốc ngày càng tỏ ra sẵn sàng đương đầu với một cuộc khủng hoảng, thậm chí là xung đột ở đây). Mặt khác, thỏa hiệp trong vấn đề Đài Loan sẽ khiến Mỹ tự đánh mất lợi thế, mất uy tín mà không đổi lại được ích lợi gì từ Trung Quốc. Hơn nữa, điều này thể hiện sự yếu đuối của Mỹ, làm suy yếu lòng tin của đồng minh và khiến Trung Quốc càng trở nên tự tin hơn.

Vấn đề Biển Đông: Hiện nay, cách nhìn ở Mỹ là Trung Quốc tiến hành những biện pháp rất khôn ngoan và sáng tạo để âm thầm giành lợi thế ở Biển Đông, Mỹ cần phải có hành động để bù đắp các mất mát này bằng các biện pháp ngoại giao và cả quân sự (thậm chí “xung đột quy mô nhỏ” đang được xem như là một lựa chọn)(9). Tuy nhiên, không loại trừ khả năng Mỹ và Trung Quốc thỏa hiệp vì có lợi ích chung trong việc giữ tuyến hàng hải ở Biển Đông mở và thông suốt (do Trung Quốc là nền kinh tế hướng vào xuất khẩu). Trung Quốc luôn khẳng định không gây tổn hại đến tự do hàng hải ở Biển Đông. Do vậy, nếu có thỏa hiệp, Mỹ có thể xem Trung Quốc là một đối tác trong lĩnh vực tự do hàng hải. Cần lưu ý rằng, Mỹ luôn khẳng định không có ý định can thiệp vào các yêu sách về chủ quyền của các nước tại khu vực. Do đó, để đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ có thể giảm các hoạt động chiến dịch tự do hàng hải (FONOP), không đưa tàu tuần tra đến gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Đây cũng là một dạng thỏa hiệp trên thực tế.

Tóm lại, với sự trỗi dậy của Trung Quốc và suy yếu tương đối của Mỹ, quan hệ Mỹ - Trung đã trở thành mối quan hệ quan trọng hàng đầu trong quan hệ quốc tế đương đại. Quá trình hợp tác và cạnh tranh phức tạp giữa hai nước này có ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh và phát triển của thế giới và nhất là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Do đó, các nước trong khu vực cần phải theo dõi, đánh giá khả năng xung đột hay thỏa hiệp giữa Mỹ và Trung Quốc, bởi mỗi khả năng xảy ra đều có tác động đến lợi ích quốc gia các nước vừa và nhỏ trong khu vực. Trên cơ sở lý thuyết quan hệ quốc tế, có một số biến số để đánh giá khả năng xung đột/thỏa hiệp giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, các biến số này đều vận động rất phức tạp, nhất là sự biến chuyển trong tương quan lực lượng và diễn biến phức tạp trong nội bộ hai nước. Nhìn chung, tình trạng cạnh tranh ngày càng cao hơn, tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng thỏa hiệp dưới các hình thức khác nhau trên một số vấn đề, nhất là kinh tế và tại một số điểm nóng trong khu vực. Chính vì vậy, các nước vừa và nhỏ cần chủ động có chiến lược giảm thiểu rủi ro khi xung đột hoặc thỏa hiệp Mỹ - Trung xảy ra, trong đó cốt lõi là thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, gia tăng quốc lực, xây dựng và củng cố quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc. Đồng thời, cần tăng cường vai trò của các thể chế đa phương, nhất là vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây cũng chính là chiến lược mà Việt Nam đã kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong thời gian tới, đặc biệt là khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc 2020 - 2021, Việt Nam cần chủ động, tích cực và tự tin hơn, có bước đi đột phá trong việc tạo thế trong quan hệ song phương với các cường quốc, đồng thời phát huy vai trò tại các thể chế đa phương quan trọng của khu vực và thế giới. Điều đó sẽ giúp Việt Nam vừa tối ưu hóa vị trí chiến lược của mình, vừa củng cố vị thế vững vàng hơn, giảm thiểu nguy cơ khi xung đột hoặc thỏa hiệp Mỹ - Trung xảy ra.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2020

(1) Allison, Graham T.: Destined for war: Can America and China escape Thucydides’s trap?  Brunswick, Victoria:  Scribe Publications, 2017.

(2) Mastro, Oriana Skylar: In the Shadow of the Thucydides Trap: International Relations Theory and the Prospects for Peace in U.S.-China Relations, Journal of Chinese Political Science , 2019, 24:25-45.

(3) Huang Jing: Here Is What China Wants to See Happen in Asia (and America May Not Like It), The National Interest, 2017, https://nationalinterest.org.

(4) Sino-American interdependence has been a force for geopolitical stability, The Economist, 2018, https://www.economist.com.

(5) Feng, H., & He, K.: China’s Institutional Challenges to the International Order. Strategic Studies Quarterly, 11 (4), 23-49, 2017, http://www.jstor.org.

(6) Christensen, T.J: The meaning of nuclear evolution: China’s strategic modernization and U.S.- China security relations, Journal of Strategic Studies 25 (4): 447-487, 2012.

(7) Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017 nêu rõ mục tiêu 100 năm nước CHND Trung Hoa (2049) là trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.

(8) Brad W. Setser: What Would Happen if China Started Selling Off Its Treasury Portfolio? Council on Foreign Relations, 2018,  https://www.cfr.org.

(9) Robert Farley: Showdown: How a U.S.-China War Could Start in the South China Sea, The National Interest, 2019, https://nationalinterest.org.

TS Lê Hải Bình

Phó Trưởng ban chuyên trách,

Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền