Trang chủ    Quốc tế    Khái niệm cường quốc tầm trung và liên hệ với Việt Nam
Thứ năm, 25 Tháng 6 2020 13:46
7755 Lượt xem

Khái niệm cường quốc tầm trung và liên hệ với Việt Nam

(LLCT) - Bàn cờ chính trị quốc tế đương đại đang mở rộng khuôn khổ, cho phép những lực lượng khác cùng tham gia và thể hiện tiếng nói ở một mức độ nhất định, trong đó có các cường quốc tầm trung. Thực tiễn về vai trò và hành vi của các nước này gần đây đã thu hút sự quan tâm của giới học giả. Bài viết chỉ ra đặc trưng khái quát nhất về hành vi của các cường quốc tầm trung, từ đó liên hệ và gợi mở một số hàm ý nghiên cứu cho trường hợp Việt Nam.

 

Các bác sĩ thuộc Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 số 2 chào cờ trước khi lên đường sang Nam Sudan

Từ khóa: hành vi phổ biến, cường quốc tầm trung.

1. Khái niệm

Khái niệm “cường quốc tầm trung” không phải đến chính trị đương đại mới xuất hiện mà đã được đề xuất vào thế kỷ XV. Cường quốc tầm trung được Giovanni Botero, Thị trưởng thành phố Milan (Ý) định nghĩa là một chủ thể với sức mạnh và thẩm quyền vừa đủ để có thể đưa ra các quyết định tự chủ(1). Sau Botero, khái niệm này tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện.

Luận giải về cường quốc tầm trung, các học giả theo trường phái hiện thực cho rằng đây là một khái niệm mang tính tương quan, vì thường được định nghĩa trong so sánh với các thứ bậc khác của hệ thống, đặc biệt với các cường quốc chủ chốt. Để định danh cường quốc tầm trung, hai học giả Ralf Emmers và Sarah Teo đưa ra thước đo dựa trên bảy bộ dữ liệu: GDP, GDP đầu người, diện tích, dân số, chi tiêu quân sự, chỉ số phát triển con người (HDI) và sự tham gia vào các tổ chức quốc tế(2). Không ngang hàng về sức mạnh với các nước lớn, nhưng cường quốc tầm trung có thể được coi là các cường quốc “hạng hai”, sở hữu năng lực có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống quốc tế thông qua sự tham gia tích cực vào các tiến trình quản trị toàn cầu. Chẳng hạn, 11/20 nước trong G20 được coi là các cường quốc tầm trung điển hình.

Trong khi đó, trường phái tự do nhận diện các cường quốc tầm trung thông qua những ứng xử ngoại giao đặc thù của họ. Cường quốc tầm trung thường không hành động riêng lẻ một cách hiệu quả nhưng có thể phát huy ảnh hưởng trong một nhóm các quốc gia hay thông qua thể chế quốc tế(3). Việc ưu tiên giải pháp đa phương, đề cao đối thoại, các biện pháp hòa bình trong các tranh chấp quốc tế và ủng hộ lập trường khuôn mẫu của cộng đồng quốc tế là đặc trưng của một quốc gia tầm trung(4). Khác với cách tiếp cận sức mạnh coi trọng khía cạnh vật chất, cách tiếp cận hành vi nhấn mạnh các quy chuẩn, tính đạo đức và tính trách nhiệm của quốc gia trong hệ thống quốc tế.

Trường phái kiến tạo định nghĩa cường quốc tầm trung thông qua việc xem xét khía cạnh giá trị, bản sắc của quốc gia. Theo đó, việc một quốc gia xây dựng hình ảnh (biểu hiện trong chính sách đối ngoại) và được chủ thể khác công nhận giúp định hình nên tư cách một cường quốc tầm trung. Những nước này có thể chưa đủ điều kiện sức mạnh để xếp ngang hàng với các cường quốc chủ chốt, nhưng lại không muốn bị phân loại chung với phần còn lại, do đó tìm kiếm vai trò đặc trưng, thay thế để thể hiện năng lực lãnh đạo(5). Theo đó, cường quốc tầm trung có bốn bản sắc chính, đó là: đề xuất sáng kiến, làm cầu nối, điều phối liên minh và truyền bá chuẩn tắc(6).

Học thuyết Mác nhìn nhận quan hệ quốc tế là một quá trình đấu tranh và cách mạng không ngừng để giải quyết mâu thuẫn giữa kẻ thống trị và người bị trị, mà ở đó các lực lượng sẽ cố gắng để tối đa hóa sức mạnh của họ để đạt vị trí có lợi trong hệ thống quốc tế(7). Các nhà Mácxít mới cho rằng, cần định vị các nước, trong đó có các nước tầm trung trong tương quan với các quốc gia khác của hệ thống kinh tế chính trị thế giới. Trong một cấu trúc hệ thống bao gồm các nước ở trung tâm, bán ngoại vi và ngoại vi, các cường quốc tầm trung có sức mạnh kinh tế nổi trội hơn các nước nhỏ nên có thể được xếp ở khu vực từ trung tâm đến bán ngoại vi. Đồng thời, do quy luật phát triển không đồng đều, các nước tầm trung hình thành theo hai nhóm khác nhau: một nhóm là nước tầm trung truyền thống với nền kinh tế phát triển nằm ở trung tâm, còn lại là nhóm nước tầm trung mới nổi với nền kinh tế đang phát triển nằm ở bán ngoại vi. Bên cạnh đó, xét đến mức độ quan tâm của từng nhóm nước đối với tiểu hệ thống khu vực, nước tầm trung mới nổi được cho là dành nhiều nguồn lực để triển khai chính sách khu vực hơn(8).

Nhìn chung, các lý thuyết trên gợi mở, luận giải các khía cạnh khác nhau về khái niệm cường quốc tầm trung. Tựu chung lại, có thể hiểu cường quốc tầm trung là những quốc gia có sức mạnh và quyền lực nhỉnh hơn phần còn lại của hệ thống, nhưng dưới mức của siêu cường; có lối ứng xử và bản sắc đặc thù, chủ yếu tìm kiếm lợi ích quốc gia thông qua chủ nghĩa đa phương và chuẩn tắc quốc tế.

Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, khái niệm cường quốc tầm trung thường gắn với các nước như Úc, Canada, Hà Lan, Na Uy,... Tuy nhiên, quá trình phân tán quyền lực và sự trỗi dậy về mặt kinh tế cũng như chính trị của một số nước châu Á và Nam Mỹ đã dẫn đến việc phải phân biệt các cường quốc tầm trung truyền thống và mới nổi. Sự cần thiết phải phân loại này phản ánh cấu trúc đang thay đổi của hệ thống quốc tế với sự nổi lên của các chủ thể phi phương Tây(9).

Cường quốc tầm trung truyền thống

Về sức mạnh, các nước này đều là những nền kinh tế phát triển (nằm trong OECD), có thu nhập bình quân cao, điển hình là Úc, Canada, Hà Lan, Thuỵ Điển, Na Uy... Sau chiến tranh Thế giới thứ hai, các nước này tích cực tham gia xây dựng các thể chế quốc tế và đóng góp đáng kể cho hoạt động duy trì hòa bình. Đặc trưng chủ yếu của các nước truyền thống là đi theo các quốc gia dẫn dắt hệ thống(10). Nhiều nước trong nhóm này nằm trong liên minh quân sự với siêu cường (thuộc NATO hay ANZUS). 

Cường quốc tầm trung mới nổi

Những nước này đạt được vị thế cường quốc tầm trung sau Chiến tranh Lạnh nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh và lối ứng xử tích cực trong cộng đồng quốc tế(11). Hầu hết các nước này có dân số đông hơn nhóm nước truyền thống, kinh tế đang phát triển, thu nhập bình quân ở mức trung bình. Vị trí của họ tương đối cao trong tiểu hệ thống khu vực(12), như Brazil, Nam Phi, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc (có tiềm năng vào nhóm truyền thống). Nếu so sánh, nhóm nước mới nổi phương Nam bắt kịp khá nhanh với nhóm truyền thống. 

2. Hành vi phổ biến của cường quốc tầm trung

Chiến lược phổ biến của các cường quốc tầm trung có thể được phân thành hai loại: chức năng và hành vi.

Theo chiến lược “chức năng”, các cường quốc tầm trung tập trung nguồn lực vào một lĩnh vực “ngoại giao chuyên biệt” mà nước đó có nguồn lực(13). Điều này xuất phát từ việc năng lực còn hạn chế không cho phép họ triển khai sức mạnh toàn diện như nước lớn. Nhiều nước tầm trung đã xây dựng được hình ảnh ở một số lĩnh vực, như Hàn Quốc, Nam Phi trong vấn đề hạt nhân; Canada, Úc trong hoạt động gìn giữ hòa bình; Đan Mạch, Hà Lan, Na Uy trong lĩnh vực an ninh con người,... Đây cũng là các vấn đề thuận hoặc ít nhất không động chạm đến lợi ích sống còn của nước lớn(14).

Trong khi đó, chiến lược “hành vi” giúp các cường quốc tầm trung bảo vệ lợi ích thông qua các chuẩn mực và tiêu chuẩn liên chủ thể về hành vi quốc gia trong hệ thống quốc tế(15). Không phải tất cả các nước tầm trung đều gây dựng được thương hiệu ngoại giao chuyên biệt, nên chiến lược ”hành vi” dường như phổ biến với nhiều quốc gia hơn. Chiến lược này dựa trên khái niệm chủ nghĩa quốc tế và chủ nghĩa tích cực(16). Theo đó, cường quốc tầm trung đặc biệt coi trọng vai trò của các thể chế đa phương, luật pháp quốc tế và mạng lưới quan hệ ngoại giao trong chính sách đối ngoại(17). Những khía cạnh này là nền tảng để xây dựng một trật tự quốc tế lành mạnh phù hợp với lợi ích quốc gia của họ.

Việc cường quốc tầm trung thực thi những chính sách này xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau. Thứ nhất, chủ nghĩa đa phương. Khác với những cường quốc hạng nhất “đơn phương khi có thể, đa phương khi cần thiết”, các cường quốc tầm trung ít có khả năng hành động đơn phương một cách hiệu quả, đặc biệt ở những lĩnh vực mà nước lớn đóng vai trò chi phối. Hơn nữa, dù các nước lớn thiết kế và áp đặt luật chơi trong một số trường hợp, song các cơ chế đa phương vẫn là diễn đàn mở và minh bạch với mục đích bảo đảm tính bình đẳng giữa các chủ thể, qua đó giúp các nước tầm trung tham gia sâu hơn vào quá trình quản trị các vấn đề toàn cầu, thể hiện vai trò đặc trưng như “điều phối, xúc tác, đề xuất sáng kiến”.

Thứ hai, luật pháp quốc tế cũng là công cụ quan trọng hàng đầu trong chính sách của các cường quốc tầm trung. Trật tự càng dựa trên luật lệ thì càng ít bị chi phối bởi sự thống trị của các quốc gia hùng mạnh. Vì vậy, khi các quốc gia nâng cao vị thế và sự thịnh vượng, họ sẽ muốn có một hệ thống dựa trên luật lệ để bảo vệ lợi ích. Với các quốc gia tầm trung, trong một trật tự thế giới lành mạnh, môi trường dựa trên luật lệ với tính chất có thể đoán định được giúp họ tồn tại và phát triển(18). Hơn nữa, khuôn khổ đó tạo điều kiện cho các nước này có được tính chính danh để cùng tham gia vào các công việc quốc tế, khu vực. Ngoài ra, trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng, các cường quốc tầm trung đang thể hiện chính sách tích cực và chủ động để chuyển đổi vai trò từ người thực thi luật lệ sang người kiến tạo ra luật lệ. Một trật tự mới - dân chủ, dựa trên luật lệ do các cường quốc tầm trung dẫn dắt là một khái niệm hấp dẫn dù khó có khả năng xảy ra do các nước tầm trung còn hạn chế về sức mạnh(19).

Thứ ba, các cường quốc tầm trung đặc biệt chú trọng củng cố và mở rộng mạng lưới quan hệ ngoại giao. Việc có nhiều mối quan hệ giúp các nước này trở thành người chơi trung tâm và giành được quyền tham gia định hình chương trình nghị sự toàn cầu. Hai trọng tâm chính là duy trì quan hệ đối tác với tất cả trung tâm quyền lực và xây dựng liên minh không chính thức hoặc các khuôn khổ đối tác (toàn diện, chiến lược) với các nước đồng quan điểm. Thay vì thực thi một chính sách phù thịnh hay phù suy, cường quốc tầm trung thường theo đuổi các lựa chọn chính sách có tính phòng bị nước đôi(20) hoặc/và giữ cân bằng năng động tùy theo vấn đề, thời điểm, không ngả về bên này để chống bên kia(21).

Không chỉ quan tâm đến quan hệ với nước lớn, những nước này còn nỗ lực phát triển “hợp tác theo chiều ngang”. Xây dựng các liên minh không chính thức và/hoặc các khuôn khổ đối tác là một đặc trưng hành vi của cường quốc tầm trung(22). Theo đó, hợp tác với các nước tầm trung khác đồng quan điểm được coi trọng, qua đó phát huy sức mạnh tập thể để tham gia vào quản trị toàn cầu, đồng thời đóng vai trò là cầu nối những khác biệt hay trung gian giữa nuớc lớn và nước nhỏ.

3. Hàm ý học thuật trong trường hợp Việt Nam

Liệu Việt Nam có phải là một cường quốc tầm trung hay không hiện vẫn là một nhận định còn nhiều tranh luận trong giới học thuật(23). Thực tế cho thấy, đã có một số nghiên cứu xem xét Việt Nam với tư cách một nước tầm trung(24). Bảng xếp hạng Asia Power Index của Viện Lowy (Úc) trong năm 2018 và 2019 đều xếp hạng Việt Nam ở nhóm tầm trung(25).

Việt Nam với tư cách là cường quốc tầm trung mới nổi đang xuất hiện nhiều hơn trong các nghiên cứu của học giả quốc tế và trong nước. Tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN 2013, Việt Nam đã được đánh giá như một cường quốc tầm trung đang lên(26). Nghiên cứu của học giả Barbara Kratiuk (2014) cho rằng, Việt Nam nên được coi như một cường quốc tầm trung, vì đã đáp ứng được các tiêu chí về năng lực và có ý chí chính trị tích cực tham dự vào công việc khu vực và quốc tế(27). Tương tự, hai học giả Raft Emmers và Sarah Teo (2014) cũng lựa chọn Việt Nam là một trong bốn trường hợp nghiên cứu điển hình về các cường quốc tầm trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau khi nhận thấy Việt Nam (cùng với Indonesia) đáp ứng 4 tiêu chí của nước tầm trung trong khi chỉ thỏa mãn 3 tiêu chí của nước nhỏ(28). Trên khía cạnh tự kiến tạo thương hiệu quốc gia, học giả Leif Eric Easley (2012) đã sớm nhận định, Việt Nam đang xây dựng các bản sắc quốc gia của một cường quốc tầm trung, thể hiện qua các tương tác trong khuôn khổ quản trị toàn cầu và chủ nghĩa khu vực Đông Á(29). Một số nghiên cứu khác cũng đánh giá cao hơn vai trò của Việt Nam, chẳng hạn, trong bài báo “Trật tự thế giới kết thúc như thế nào và điều gì sẽ đến”, Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại Mỹ đã nhắc đến Việt Nam với tư cách là một cường quốc khu vực (regional power) cùng với Ấn Độ và Nhật Bản(30). Sau khi Việt Nam tăng cường hoạt động trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc và đặc biệt, đóng vai trò trung gian tổ chức Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên thì thuật ngữ này càng được quan tâm nhiều hơn. Một số công trình nghiên cứu về Việt Nam của các học giả trong nước cũng đã bắt đầu tiếp cận chuyên sâu về khái niệm này(31).

Một khía cạnh đặc biệt là, trong quá trình xây dựng thương hiệu cường quốc tầm trung, kênh nghiên cứu là một công cụ quan trọng. Nghiên cứu về cường quốc tầm trung không chỉ giúp hiểu rõ cơ sở lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn. Trong ngoại giao, học giả là kênh II (track II) đóng vai trò đề xuất ý tưởng, khuyến nghị chính sách cho giới hoạch định chính sách(32). Thông qua trao đổi kênh II, nếu phát ngôn về Việt Nam và cường quốc/nước tầm trung được phổ biến, sẽ giúp làm rõ hơn các hành vi, ứng xử ngoại giao trong khuôn khổ mới, phù hợp với thế và lực ngày càng tăng lên của đất nước. Đây cũng có thể là “hàn thử biểu” giúp các nhà hoạch định chính sách xem xét có nên hay không nên đưa khái niệm này vào phát ngôn chính thức(33). Trên thực tế, các Thủ tướng Úc đã từng thúc đẩy triển khai “ngoại giao cường quốc tầm trung sáng tạo”(34). Hay nhìn từ trường hợp Hàn Quốc, dù thận trọng không trực tiếp đưa khái niệm “cường quốc tầm trung” vào trong phát ngôn, nhưng dưới sự thúc đẩy của một nhóm học giả, chính sách đối ngoại của Hàn Quốc đã thể hiện rất nổi bật nhiều khía cạnh của một cường quốc tầm trung(35), từ vai trò “xúc tác” và “trung tâm” (thể hiện qua sáng kiến Đông Bắc Á) dưới chính quyền Roo Moo-hyun đến vai trò “tổ chức”, “hòa giải” và “thiết lập chương trình nghị sự” (thể hiện qua khẩu hiệu Một Hàn Quốc toàn cầu - Global Korea) dưới chính quyền Lee Myung-bak hay chính sách Hướng Nam mới của Tổng thống Moon Jae-in. Từ hai trường hợp điển hình trên, có thể thấy, với năng lực và hành vi phù hợp, Việt Nam có thể tự tin để vươn tới các mục tiêu táo bạo hơn. Sự khiêm tốn là cần thiết nhưng trong một số lĩnh vực và tình huống nhất định, định vị quốc gia chính xác sẽ tạo điều kiện để có các quyết sách phù hợp hơn với thực tiễn mới của tình hình(36).

Xét cả về năng lực và hành vi, các cường quốc tầm trung là nhóm đối tượng nghiên cứu khác biệt so với các nước lớn và nước nhỏ. Về năng lực, nước tầm trung nằm giữa thang bảng sức mạnh. Về hành vi, nước tầm trung tuy không tham vọng cạnh tranh với các siêu cường nhưng đồng thời cũng không chịu đóng vai nạn nhân của chính trị cường quyền. Cường quốc tầm trung áp dụng các chính sách đối ngoại vừa tích cực, vừa cẩn trọng để tối đa hóa lợi ích quốc gia, chủ yếu tập trung vào củng cố, mở rộng ngoại giao đa phương, các chuẩn tắc quốc tế và mạng lưới quan hệ ngoại giao rộng rãi.

Với Việt Nam, do đã đáp ứng được một số tiêu chí cơ bản về năng lực và hành vi, ngày càng có nhiều nghiên cứu về nước ta như một quốc gia tầm trung. Việc Việt Nam tiếp tục theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, tạo đan xen lợi ích chiến lược, coi trọng chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế đã thể hiện những điểm tương đồng với một nước tầm trung mới nổi r

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2020

(1) Dong-min Shin: “A Critical Review of the Concept of Middle Power”, E-International Relations 4, 2015.

(2) Ralf Emmers và Sarah Teo: Security Strategies of Middle Powers in the Asia Pacific, Melbourne Univ. Publishing, Melbourne, 2018, tr.112.

(3) Robert O. Keohane: “Lilliputians’ Dilemmas: Small States in Internatinal Politics”, International Organization 23, số 2, 1969, tr.298.

(4) Andrew Fenton Cooper, Richard A. Higgott, và Kim Richard Nossal: Relocating Middle Powers: Australia and Canada in a Changing World Order, Vancouver: UBC Press, 1993, tr.19.

(5) Robert W. Cox: Approaches to World Order, Cambridge University Press, Cambridge, 1996, tr.245.

(6) Sook-Jong Lee và c.s.: “Middle Power in Action: The Evolving Nature of Diplomacy in the Age of Multilateralism”, East Asia Institute, Korea, 2015, tr.5.

(7) Xem thêm, V.I. Lênin: Toàn tập, t.26, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

(8) Chủ nghĩa Mác Lênin cho rằng quan hệ quốc tế có tính hệ thống - tiểu hệ thống. Xem thêm, Eduard Jordaan: “The concept of a middle power in international relations: distinguishing between emerging and traditional middle powers”, Politikon 30, số 1, 2003, tr.168.

(9) Tanguy Struye de Swielande và c.s.: Rethinking Middle Powers in the Asian Century: New Theories, New Cases, Routledge, 2018, tr.40.

(10) Andrew Fenton Cooper và Emel Parlar Dal: “Positioning the Third Wave of Middle Power Diplomacy: Institutional Elevation, Practice Limitations”, International Journal 71, số 4, 2016, tr.520.

(11) Xem thêm Yolanda Kemp Spies: “Structural Diplomacy: Development, Participation and Governance”, trong Global South Perspectives on Diplomacy, 2019, tr.209.

(12) Jordaan: “The concept of a middle power in international relations”, tr.169.

(13) Andrew Fenton Cooper, Niche Diplomacy: Middle Powers After the Cold War (London: Palgrave Macmillan UK, 1997), 10; Alan K.Henrikson, “Niche diplomacy in the world public arena: The global ‘corners’ of Canada and Norway”, trong The New Public Diplomacy (London: Palgrave Macmillan UK, 2005), tr.67.

(14) Lê Đình Tĩnh: “Mục tiêu cường quốc tầm trung và viễn cảnh ngoại giao Việt Nam sau năm 2030”, tr.34.

(15) Emmers và Teo: Security Strategies of Middle Powers in the Asia Pacific, tr.152.

(16) Kim Nossal và Richard Stubbs: “Mahathir’s Malaysia: An Emerging Middle Power?”, trong Niche Diplomacy: Middle Powers After the Cold War, Palgrave Macmillan, London, 1997, tr.150, https://doi.org.

(17) Carl Ungerer và Simon Smith: Australia and South Korea: middle power cooperation and Asian security (Australian Strategic Policy Institute, 2010), 4; R Emmers và S Teo: “Regional security strategies of middle powers in the Asia-Pacific”, International Relations of the Asia-Pacific 15 (24-4-2014): 192, https://doi.org.

(18) Thomas Wright, “Middle Powers and the Multilateral Pivot”, trong MIKTA, Middle Powers, and New Dynamics of Global Governance: The G20’s Evolving Agenda, b.t Mo Jongryn, Asan-Palgrave Macmillan Series. Palgrave Macmillan, Newyork, 2015, tr.20, https://doi.org.

(19) Richard Haass: “How a World Order Ends And What Comes in Its Wake”, Foreign Affairs 98, số 1, 2019, tr.30.

(20) Thi Bich Tran và Yoichiro Sato: “Vietnam’s Post-Cold War Hedging Strategy: A Changing Mix of Realist and Liberal Ingredients”, Asian Politics & Policy 10, số 1, 2018, tr.81-82, https://doi.org.

(21) Vũ Lê Thái Hoàng và Lê Linh Lan: “Vai trò của ngoại giao đa phương trong chính sách đối ngoại của quốc gia tầm trung: Trường hợp của Indonesia”, Tạp Chí Nghiên Cứu Quốc Tế, số 2, 2015, tr.125.

(22) Richard Higgott và Andrew Cooper: “Middle Power Leadership and Coalition Building: Australia, the Cairns Group, and the Uruguay Round of Trade Negotiations”, International Organization 44, 1990, tr.589, https://doi.org.

(23) Bài viết này chủ yếu nghiên cứu về khía cạnh hành vi, chưa phân tích về khía cạnh năng lực.

(24) Leif-Eric Easley: “Middle Power National Identity? South Korea and Vietnam in US-China Geopolitics”, Pacific Focus 27, số 3, 2012, tr. 421-42, https://doi.org; Emmers và Teo: “Regional security strategies of middle powers in the Asia-Pacific”.

(25) Lowy Institute: “Asia Power Index”, 2019, https://power.lowyinstitute.org. Bảng xếp hạng năm 2019 đánh giá Việt Nam và New Zealand là hai cường quốc tầm trung có sự cải thiện đáng kể nhất so với các nước khác.

(26) Sharon Chen và Gopal Ratnam: “Vietnam Rises as Middle Power at Defense Summit: Southeast Asia”, https://www.bloomberg.com.

(27) Barbara Kratiuk: “Vietnam as a middle power in Southeast Asia” (Second International Conference on Asian Studies: ICAS 2014, Sri Lanka, 2014).

(28) Emmers và Teo: “Regional security strategies of middle powers in the Asia-Pacific”, tr.190.

(29) Easley: “Middle Power National Identity?”, tr.422.

(30) Haass: “How a World Order Ends And What Comes in Its Wake”, tr.30.

(31) Một số công trình cũng đã được trích dẫn trong bài viết này.

(32) Sheldon W. Simon: “Evaluating Track II approaches to security diplomacy in the Asia-Pacific: the CSCAP experience”, The Pacific Review 15, số 2, 2002, tr.167, https://doi.org.

(33) Cách gọi “cường quốc tầm trung” có thể nhạy cảm; do đó có thể linh hoạt sử dụng thuật ngữ này với nước tầm trung, nước vừa. Xem thêm, Dinh Tinh Le: “Vietnam as an emerging middle power towards 2030 and beyond”, The Russian journal of Vietnamese studies 2, số 3, 2019, tr.9, https://doi.org.

(34) Kevin M. Rudd: “Address to the East Asia Forum in conjunction with the Australian National University, Advancing Australia’s Global and Regional Economic Interests”, PM Transcripts: Transcripts by the Prime Ministers of Australia 26 (2008); Tony Abbott: “Press Conference, Houston”, 2014, https://pmtranscripts.pmc.gov.au; Malcolm Turnbull: “Interview with Haidi Lun, Bloomberg”, 2017, https://pmtranscripts.pmc.gov.au.

(35) Brendan Howe và Min Park: “South Korea’s (Incomplete) Middle-Power Diplomacy Toward ASEAN”, International Journal of Asia-Pacific Studies 15, số 2, 2019, tr.123, https://doi.org.

(36) Lê Đình Tĩnh: “Thế giới với những chuyển động lớn và đối sách của Việt Nam”, Tạp chí Xây dựng Đảng, 2020, http://www.xaydungdang.org.vn.

TS Lê Đình Tĩnh

Vũ Thị Thu Ngân

Học viện Ngoại giao

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền