Trang chủ    Quốc tế     Những chặng đường phát triển hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Thứ năm, 25 Tháng 7 2013 08:14
2823 Lượt xem

Những chặng đường phát triển hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc

(LLCT) - Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII từ ngày 8 đến 14-11-2012, nêu chủ đề: “Giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của lý luận Đặng Tiểu Bình, thuyết Ba đại diện và quan điểm phát triển khoa học, giải phóng tư tưởng, thực hiện chính sách cải cách mở cửa, tăng cường sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn, kiên định con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả”(1).

Trong Báo cáo chính trị, khi nêu nhiệm vụ “đi con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” đã viết: “Hệ thống lý luận xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc bao gồm hệ thống lý luận khoa học là lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng “ba đại diện” và quan niệm phát triển khoa học.”

Để hiểu hơn về hệ tư tưởng và sự phát triển lý luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, người ta phải xem xét đến đặc thù của cách mạng Trung Quốc gắn chặt với sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo qua những kỳ đại hội Đảng. Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc là sự chuyển giao sang thế hệ thứ 5 (thế hệ thứ nhất: Mao Trạch Đông là hạt nhân lãnh đạo; tiếp đến thế hệ thứ hai là Đặng Tiểu Bình; thế hệ thứ ba: Giang Trạch Dân; thế hệ thứ tư: Hồ Cẩm Đào). Từ thế hệ thứ tư trở đi, Trung Quốc không dùng từ “hạt nhân” gắn với các nhà lãnh đạo nữa. Sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc từ khi ra đời đến nay đều rất quan trọng và đều là quá trình đấu tranh quyết liệt trên lĩnh vực tư tưởng lý luận, thậm chí có cuộc chuyển giao phải đổ máu.

Gắn với mỗi thế hệ lãnh đạo là sự phát triển, hoàn thiện hệ thống lý luận cách mạng của Đảng Cộng sản qua từng thời kỳ lịch sử nhất định. Trung Quốc coi sự phát triển tư tưởng của Đảng Cộng sản là sự phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trên đất nước mình. Con đường đi lên CNXH là không đổi nhưng cần phải có sự thay đổi, bổ sung, phát triển về lý luận ở những thời điểm khác nhau cho phù hợp với đất nước. Đảng Cộng sản Trung Quốc rất tự hào về sự phát triển lý luận với 4 lần nhảy vọt:

Lần nhảy vọt thứ nhất: bổ sung tư tưởng Mao Trạch Đông.

 Mao Trạch Đông là người tham gia vào quá trình thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng chỉ trở thành hạt nhân lãnh đạo của Đảng bắt đầu vào năm 1935 trong cuộc đấu tranh chống tư tưởng “cực tả” và thực hiện một cuộc rút lui chiến lược Vạn lý trường chinh”. Năm 1945, tại Đại hội Đảng VII, tư tưởng Mao Trạch Đông được đưa vào Điều lệ Đảng và trở thành tư tưởng chỉ đạo chủ yếu của Đảng Cộng sản Trung Quốc: “Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông”. Điều đó được giải thích là sự áp dụng chủ nghĩa Mác - Lênin ở đất nước mà phần đông là nông dân. Năm 1956, Mao Trạch Đông bắt đầu mắc nhiều sai lầm, mất uy tín. Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua tại Đại hội VIII (1956) chỉ ghi “chủ nghĩa Mác - Lênin”, bỏ “tư tưởng Mao Trạch Đông” - theo chỉ thị của Mao Trạch Đông. Đến Đại hội Đảng IX (1961) lại ghi trở lại “tư tưởng Mao Trạch Đông”, đề cao tư tưởng Mao trong việc “giành và củng cố chính quyền”. Năm 1976, Mao Trạch Đông qua đời, kết thúc thời kỳ thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc, đồng thời kết thúc cuộc “Đại cách mạng văn hóa” đầy máu và nước mắt trong lịch sử Trung Quốc. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá XI (1981) ban hành Nghị quyết  “Một số vấn đề về lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc” với 38 điểm đã chính thức đánh giá  đúng - sai; công - tội; tư tưởng - con người Mao Trạch Đông.

Lần nhảy vọt thứ hai: bổ sung lý luận Đặng Tiểu Bình.

Điều cơ bản tạo nên lý luận Đặng Tiểu Bình là quan điểm về xây dựng “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”. Năm 1978, sau “Đại Cách mạng văn hoá”, mục tiêu của cách mạng Trung Quốc đã chuyển từ “Đấu tranh giai cấp sang xây dựng kinh tế làm cương. Không phải mâu thuẫn cơ bản chủ yếu là mâu thuẫn giai cấp nữa mà là mâu thuẫn giữa sức sản xuất lạc hậu với yêu cầu vật chất ngày càng lớn của nhân dân”. Đặng Tiểu Bình đã khẳng định bản chất của CNXH là:

- Giải phóng sức sản xuất;

- Phát triển sản xuất;

- Xóa bỏ bóc lột;

- Xóa bỏ phân hóa 2 cực (phân hóa giàu - nghèo);

- Tất cả cùng giàu là bước đi cuối cùng.

Thời kỳ Mao Trạch Đông, xây dựng CNXH bằng hình thức bình quân chủ nghĩa, tức là xếp hàng ngang để đi, cuối cùng là không đi được, thậm chí có những bước phải thụt lùi. Đến thời kỳ Đặng Tiểu Bình, xoá bỏ chủ nghĩa bình quân, chuyển sang xếp hàng dọc để tiến, vì đói nghèo không phải là CNXH, phải có người giàu, mà giàu thì phải có người giàu trước, người giàu sau, để cuối cùng tất cả cùng giàu.

Lý luận Đặng Tiểu Bình đã giải được bài toán của lịch sử Trung Quốc thời hiện đại, làm rõ khái niệm CNXH là gì và đi lên CNXH như thế nào. Đại hội Đảng XII đã chính thức xác nhận lý luận “chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc”. Đến Đại hội XVI thì bỏ chữ “mang” vì sẽ hiểu “mang” tức là “thêm” mà CNXH ở Trung Quốc chính là nét đặc sắc của người Trung Quốc. “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” đã thật sự giải phóng tư tưởng, thật sự cầu thị, cải cách, mở cửa, kiên trì con đường phấn đấu xây dựng CNXH mà Trung Quốc xác định (từ năm 1956) giai đoạn đầu là 100 năm không thay đổi. Lý luận về kinh tế thị trường XHCN đã được hình thành tại Đại hội XIV (1992) với tinh thần “làm thử, không tranh cãi, sai thì sửa”. Đến Đại hội XV (1997) đã chính thức đưa lý luận Đặng Tiểu Bình vào Cương lĩnh chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc : “Chủ nghĩa Mác - Lênin”, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình”. Đó là những quan điểm mới về “Một trung tâm; bốn trọng điểm, mười quan niệm” (“Một trung tâm”: học lý luận Đặng Tiểu Bình; “bốn trọng điểm”: cơ sở lý luận; nhìn ra thế giới; tư duy chiến lược và tu dưỡng tính đảng; “mười quan niệm”: thế giới quan; nhân sinh quan; giá trị quan; đạo đức quan; chủ quyền quan; nhân quyền quan; dân chủ quan; dân tộc quan; tôn giáo quan và văn hoá quan).

Lần nhảy vọt thứ ba : bổ sung thuyết Ba đại diện.

Tháng 6-1989, sự nghiệp lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình kết thúc và người lên thay là Giang Trạch Dân. Sau 13 năm lãnh đạo (từ năm 1989 đến 2002), tư tưởng của Giang Trạch Dân về “Xây dựng Đảng trong điều kiện cầm quyền” ngày càng phát triển và hoàn thiện. Nếu lý luận của Đặng Tiểu Bình trả lời được câu hỏi: CNXH là gì và đi lên CNXH như thế nào thì lý luận của Giang Trạch Dân đã trả lời câu hỏi: Xây dựng một đảng như thế nào và xây dựng một đảng bằng cách nào?

Thuyết Ba đại diện với nội dung là: Đảng Cộng sản Trung Quốc đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến; đại diện cho nền văn hóa tiên tiến; đại diện cho quyền lợi của đại đa số nhân dân Trung Quốc và các dân tộc Trung Hoa.

Đại hội XVI (2002) đã đưa Thuyết Ba đại diện vào hệ tư tưởng của Đảng với tiêu đề “Giương cao ngọn cờ vĩ đại Đặng Tiểu Bình, quán triệt quan điểm tư tưởng quan trọng 3 đại diện...”. Theo đó, hệ tư tưởng là: “Chủ nghĩa Mác - Lênin”, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, thuyết Ba đại diện”.

Lần nhảy vọt thứ tư : bổ sung Quan điểm phát triển khoa học.

Thời kỳ Hồ Cẩm Đào lãnh đạo đất nước, đã đặt ra một cặp câu hỏi mới: Phát triển như thế nào và phát triển bằng cách nào? Từ năm 2002, Hồ Cẩm Đào đã đưa ra một hệ thống lý luận rất quan trọng về “phát triển quan khoa học”. Phát triển quan khoa học thực chất là nhận thức một cách khoa học về sự phát triển. Từ việc xác định xuất phát điểm của đất nước là gì? điểm đến ra sao? khi kinh tế phát triển, văn minh vật chất và văn minh tinh thần sẽ như thế nào? rồi thế nào là phát triển hài hoà và kiên trì lấy con người làm gốc? phát triển CNXH ra sao? cách gì để phát triển?... Theo đó, kế hoạch xây dựng xã hội khá giả hay là xã hội tiểu khang của Trung Quốc cũng đã được đề cập. Đại hội XVII (2007) đã tổng kết vấn đề lý luận và hình thành một hệ thống lý luận chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, trong đó có ba bộ phận chính:

- Lý luận Đặng Tiểu Bình;

- Tư tưởng quan trọng Ba đại diện;

- Những nhận thức khoa học về phát triển.

Đại hội XVIII, “quan điểm phát triển khoa học” do Hồ Cẩm Đào khởi xướng đã trở thành tư tưởng chỉ đạo xây dựng và phát triển Trung Quốc trong những năm tới. Tập Cận Bình giải thích chủ đề của Đại hội XVIII là đã đề cập một cách đơn giản và rõ ràng 4 vấn đề lớn trong hoạt động tổng thể của Đảng và đất nước đối với nhân dân trong và ngoài Đảng, đối với Trung Quốc và thế giới, bao gồm:

- Đảng Cộng sản Trung Quốc giương cao ngọn cờ CNXH đặc sắc Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của lý luận Đặng Tiểu Bình, thuyết Ba đại diện và Quan điểm phát triển khoa học.

- Con đường mà Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ đi theo là giải phóng tư tưởng, thực hiện chính sách cải cách, mở cửa, tăng cường sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn, kiên định con đường CNXH đặc sắc Trung Quốc.

- Tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc là thực hiện lý luận Đặng Tiểu Bình, quán triệt tư tưởng Ba đại diện và Quan điểm phát triển khoa học.

- Mục tiêu phấn đấu của Đảng Cộng sản Trung Quốc là phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả.

Báo cáo chính trị tập trung làm rõ khái niệm “xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc”, tiếp tục khẳng định con đường cải cách, mở cửa của Trung Quốc lấy hệ thống lý luận CNXH đặc sắc Trung Quốc làm chủ đạo. Theo đó, Báo cáo chính trị chỉ rõ nội hàm khái niệm "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc", chỉ ra lộ trình thực hiện, căn cứ lý luận và thực hiện chế độ hóa việc xây dựng "chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc".

Báo cáo tại Đại hội một lần nữa xác nhận lý luận Đặng Tiểu Bình, thuyết Ba đại diện của Giang Trạch Dân và Quan điểm phát triển khoa học Hồ Cẩm Đào, coi đó là trọng tâm của Cương lĩnh xây dựng đất nước Trung Quốc trong những năm tới.

Nghị quyết Đại hội XVIII nhấn mạnh: Quan điểm phát triển khoa học là sự kết tinh trí tuệ tập thể của Đảng Cộng sản Trung Quốc, là tư tưởng chỉ đạo lâu dài của Đảng: “Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng Ba đại diện và phát triển quan khoa học là kim chỉ nam cho hành động của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

 Việc không nhắc lại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông trong chủ đề Đại hội và ít đề cập đến trong Báo cáo chính trị không có nghĩa là Đảng Cộng sản Trung Quốc đã từ bỏ hoặc né tránh vấn đề này. Trong Báo cáo chính trị đã nhắc đến 10 lần (chủ nghĩa Mác 5 lần; chủ nghĩa Mác - Lênin 5 lần). Trong Điều lệ Đảng, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn được nhắc đến tới 18 lần (Chủ nghĩa Mác 6 lần; chủ nghĩa Mác - Lênin 12 lần). Lý luận Đặng Tiểu Bình, thuyết Ba đại diện của Giang Trạch Dân và Quan điểm phát triển khoa học của Hồ Cẩm Đào được coi là trọng tâm của Cương lĩnh xây dựng đất nước Trung Quốc trong những năm tới. Chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là nền tảng cơ sở lý luận và được phát triển hoàn thiện liên tục đáp ứng yêu cầu thực tế của cách mạng Trung Quốc - “Trung Quốc hóa Chủ nghĩa Mác”.

Nhìn lại những bước phát triển trong tư duy lý luận  để có con đường cải cách đúng đắn, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã “Thực sự cầu thị”, tức là: tất cả phải xuất phát từ thực tế, nắm bắt được quy luật; luôn khám phá, tìm tòi, sáng tạo. Với phương châm “Giải phóng tư tưởng”: tạo ra sự phong phú về tư tưởng và phát triển, làm giàu tư tưởng của chủ nghĩa Mác; “Tiến cùng thời đại” - bắt nhịp thời đại, sánh vai các cường quốc; “Cầu chân vụ thực” - tiếp cận chân lý, thực tiễn là tiêu chuẩn chân lý; “Lấy điểm thúc đẩy diện”... và sự thật là đã đạt được những thành tựu to lớn trên lĩnh vực lý luận.

Những thành tựu về lý luận là kết quả của sự kiên trì, phấn đấu bền bỉ, thể hiện quyết tâm rất cao của toàn Đảng, toàn dân Trung Quốc với các khẩu hiệu, phương châm, “vừa đi vừa tìm đường”, “dò đá qua sông”, “dễ trước, khó sau”, “từ thấp đến cao”, “mạnh dạn làm thử rồi rút kinh nghiệm, không tranh cãi”, “phát triển là đạo lý cuối cùng”, v.v.. nhằm mục tiêu lớn nhất là giải phóng và phát triển mạnh mẽ sức sản xuất, đem lại đời sống khá giả cho đa số nhân dân.

Việc diễn đạt hệ tư tưởng của Đảng tuy khá dài, nhưng việc học tập, nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc để hiểu biết sâu sắc bản chất và nội dung của nó càng trở nên quan trọng trong toàn Đảng. Cho dù đã có nhiều ý kiến, nhất là các nhà khoa học không đồng tình với việc tiếp tục đưa quá nhiều tư tưởng của lãnh tụ vào hệ tư tưởng của Đảng, nhưng nhìn chung đa số trong Đảng Cộng sản Trung Quốc và người dân vẫn mong muốn hệ tư tưởng sẽ được kéo dài thêm, trước mắt là bước nhảy vọt lần thứ 5 về mặt lý luận.

________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2013

(1) Bài dịch của tác giả Nguyễn Quang Vinh, Vụ trưởng Vụ Phương Đông, Ban Đối ngoại Trung ương.

(2) Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt ngày 22-11-2012.

 

PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền