Trang chủ    Quốc tế    Tác động của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở Đông Nam Á với Việt Nam
Thứ năm, 25 Tháng 7 2013 08:24
3195 Lượt xem

Tác động của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở Đông Nam Á với Việt Nam

(LLCT) - Việt Nam, với tư cách là thành viên tích cực của ASEAN, đang trên đà phát triển mạnh mẽ, có tiềm năng phát triển lớn với nhiều hải cảng nước sâu, lại nằm trên các trục giao thông huyết mạch của khu vực và quốc tế, nên có vị trí rất quan trọng trong sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Trong lịch sử, Việt Nam đã từng là “khu đệm”, là “bàn đạp” của các cuộc tranh giành ảnh hưởng ở khu vực. Bởi vậy, bất kỳ biến động nào trong quan hệ giữa các nước lớn ở khu vực Đông Nam Á đều tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đến an ninh và phát triển của Việt Nam.  

Thập niên đầu thế kỷ XXI, với việc dịch chuyển quyền lực thế giới từ Tây sang Đông, khu vực Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng có sự thay đổi sâu sắc, đặc biệt là sự nổi lên của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, các nước lớn đều quan tâm và mong muốn hiện diện ở Đông Nam Á, can thiệp sâu, rộng hơn vào khu vực nhằm giành giật ảnh hưởng và kiềm chế, ngăn chặn lẫn nhau để tạo dựng vị thế, hướng khu vực đi theo quỹ đạo riêng của mình thông qua thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, tăng cường sự hiện diện quân sự. Các nước lớn đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động, tạo ra các lợi ích đan xen và cạnh tranh ở khu vực. Nhìn chung, các quốc gia ở Đông Nam Á đang phải ứng phó trước những biến động đầy phức tạp trong quan hệ với các nước lớn, với vô số thách thức, nhưng cũng nhiều cơ hội.      

Việt Nam, với tư cách là thành viên tích cực của ASEAN, đang trên đà phát triển mạnh mẽ, có tiềm năng phát triển lớn với nhiều hải cảng nước sâu, lại nằm trên các trục giao thông huyết mạch của khu vực và quốc tế, nên có vị trí rất quan trọng trong sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Trong lịch sử, Việt Nam đã từng là “khu đệm”, là “bàn đạp” của các cuộc tranh giành ảnh hưởng ở khu vực. Bởi vậy, bất kỳ biến động nào trong quan hệ giữa các nước lớn ở khu vực Đông Nam Á đều tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đến an ninh và phát triển của Việt Nam.  

1. Những tác động tích cực         

Thứ nhất, gia tăng vai trò, vị thế chính trị của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong bối cảnh mới của khu vực hiện nay, “việc xác định đúng vị trí của Việt Nam trong bàn cờ chính trị khu vực và thế giới là bước đi quan trọng đầu tiên trong việc định hướng chiến lược cho đối ngoại Việt Nam”(1). Nằm giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á, có đường lãnh hải dài và chung đường biên giới trên bộ với Trung Quốc, Lào và Campuchia, Việt Nam chiếm vị trí trung tâm của các hoạt động kinh tế diễn ra khắp châu Á - Thái Bình Dương. Vì thế, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển của các nước lớn trong khu vực cũng như đóng vai trò cầu nối hữu ích giữa các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Không một quốc gia nào có thể tạo ra sự dịch chuyển quyền lực tại khu vực Đông Nam Á có lợi cho mình mà bỏ qua yếu tố Việt Nam. Ngoài sự song trùng hay nhiều điểm tương đồng về lợi ích chiến lược giữa Việt Nam và các nước lớn, sự năng động kinh tế, ổn định chính trị và vị thế địa - chiến lược đang lên của Việt Nam là cơ sở, tiền đề quan trọng, cơ hội thuận lợi cho việc thúc đẩy quan hệ chiến lược giữa Việt Nam với các nước lớn lên tầm cao mới. Đến nay, quan hệ giữa Việt Nam với tất cả các nước lớn đều đã được nâng lên tầm “đối tác chiến lược”, các nước lớn đều nhận thấy Việt Nam là một đối tác quan trọng toàn diện. Việt Nam nằm trong nhóm nước dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tăng trưởng kinh tế trung bình của Việt Nam đạt khoảng 7 - 8% liên tục trong nhiều năm. Thành tựu này có phần đóng góp quan trọng của nỗ lực hội nhập quốc tế ở mọi tầng nấc của Việt Nam. Thành công về kinh tế và sự ổn định về chính trị của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, Việt Nam thành điểm đến của nhiều công ty đa quốc gia, các định chế tài chính quốc tế...      

Thứ hai, tạo thuận lợi cho Việt Nam tiếp tục theo đuổi chiến lược đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, từ đó củng cố độc lập, tự chủ và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Việt Nam không chỉ là thành viên tích cực của ASEAN, mà quan trọng hơn là nằm ở nơi tiếp giáp, cầu nối trực tiếp cả phần đất liền và biển giữa Đông Nam Á và Trung Quốc, lại có bờ biển dài rộng, hướng ra biển Đông, nơi có tuyến đường hàng hải và vị trí chiến lược trong phòng thủ quốc tế. Trung Quốc muốn mở rộng quan hệ với Việt Nam để gia tăng nhanh hơn ảnh hưởng với các nước còn lại của ASEAN. Còn Mỹ cũng muốn cải thiện và tăng cường quan hệ với Việt Nam để góp phần duy trì sự can dự vào các vấn đề của Đông Nam Á, kiềm chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực này. Nếu như xu hướng đa cực hoá tạo ra nhiều hơn “không gian co giãn” trong lựa chọn chính sách, thì sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở Đông Nam Á làm tăng thêm nguồn “tài nguyên - địa chính trị” và “phương tiện đặt điều kiện” của Việt Nam. 

Nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới, trong đó có nhiều nước lớn muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam. Từ hợp tác ở một vài lĩnh vực, đến hợp tác toàn diện và từ hợp tác toàn diện phát triển thành hợp tác chiến lược. Việt Nam phát triển, đóng góp tích cực vào hoà bình, ổn định ở khu vực, cũng có nghĩa là góp phần mở rộng thị trường trong khu vực; mặt khác, sự phát triển mạnh của thị trường khu vực cũng sẽ giúp Việt Nam mở rộng thị trường của mình.  

Thứ ba, sự cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ở Đông Nam Á làm tăng vị thế của Việt Nam trong việc trở thành "đầu mối" của các nỗ lực hợp tác và liên kết kinh tế cho khu vực và thế giới với tư cách là "cửa ngõ" ra biển cho vùng Tây Nam của Trung Quốc, Lào, Campuchia và miền Bắc Thái Lan, và "đầu cầu" trên đất liền, trên biển và trên không giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á, giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, giữa Âu - Mỹ và các nước trong khu vực(2). “Với mức phát triển nhanh nhất Đông Á, sau Trung Quốc và ngày càng thu hút đầu tư từ quốc tế, Việt Nam đang nổi lên như một cường quốc kinh tế khu vực”(3). Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và liên tục, chính trị - xã hội ổn định, thị trường khá hấp dẫn với dân số gần 90 triệu người, Việt Nam đã và đang chiếm được cảm tình trong ASEAN như một quốc gia có trách nhiệm, đáng tin cậy trong cộng đồng khu vực và quốc tế. Việc nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh đã mở ra nhiều cơ hội cho các nước đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng hội nhập khu vực ở Đông Nam Á mà Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng.   

Thứ tư, sức ép từ Mỹ về các vấn đề dân chủ, nhân quyền đối với Việt Nam có phần giảm đi, cùng với đó là xu hướng hợp tác tăng lên, tạo môi trường thuận lợi cho Việt Nam mở rộng hợp tác kinh tế cũng như an ninh - quốc phòng với Mỹ. Đồng thời, Việt Nam có cơ hội tăng cường quan hệ hợp tác an ninh - quốc phòng với các nước lớn có tiềm lực quân sự, công nghiệp và kỹ thuật hiện đại. Từ đó, tạo điều kiện cho việc hiện đại hóa quân đội và hải quân Việt Nam, đảm bảo đủ sức mạnh bảo vệ biên giới, lãnh thổ, lãnh hải. Năm 2010, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị đầu tiên các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) có sự tham gia của lãnh đạo quan chức quốc phòng cao cấp nhất của các nước lớn (Mỹ, Nga, Trung Quốc...). Hội nghị này là một Diễn đàn an ninh mới, bổ trợ cho Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) trong việc giải quyết các thách thức an ninh chủ yếu của khu vực. Đây là hội nghị cấp cao thành công nhất, mở ra hướng giải quyết các vấn đề an ninh khu vực.          

Thứ năm, tăng cường quan hệ với các nước lớn, Việt Nam có điều kiện thuận lợi tiếp xúc, giao lưu văn hóa, làm giàu văn hóa truyền thống, đồng thời đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, nâng cao vị thế nền văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Nhờ sự giao lưu văn hóa quốc tế được tăng cường mà Việt Nam có thể tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, từ lối sống, nếp sống năng động, sáng tạo, tự lập, ý thức tôn trọng pháp luật, đề cao tinh thần dân chủ, công bằng đến những giá trị văn học nghệ thuật nhân loại. Việt Nam cũng có cơ hội nhiều hơn để giới thiệu với bạn bè khắp năm châu những vẻ đẹp độc đáo của nền văn hóa dân tộc, góp phần làm phong phú nền văn hóa chung của nhân loại.        

2. Những tác động tiêu cực         

Một là, sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự suy yếu tương đối của Mỹ trong cán cân sức mạnh đang đặt ra nhiều vấn đề mới cho an ninh - ổn định và phát triển của khu vực Đông Nam Á cũng như lựa chọn chính sách của từng quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Lịch sử cho thấy, khi các cường quốc mới trỗi dậy, thì những hệ lụy đối với những quốc gia nhỏ hơn và yếu hơn ở xung quanh là điều khó tránh khỏi. Các thách thức chủ yếu liên quan tới việc các nước lớn o ép các nước nhỏ, bao gồm việc hạn chế không gian tự chủ hành động của các nước nhỏ và giành phần hơn trong việc theo đuổi lợi ích quốc gia (kể cả trong bối cảnh song phương và đa phương)(4). Tham vọng kiểm soát không gian địa - chính trị của các nước của các nước lớn có thể gây ra nhiều khó xử cho Việt Nam trong quan hệ với các nước. Sự cạnh tranh giành ưu thế địa - chính trị giữa các nước lớn tại Đông Nam Á không chỉ bị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc và nước lớn, mà còn bị tác động bởi đấu tranh ý thức hệ chính trị - tư tưởng giai cấp. Điều này lại càng làm tăng sự phức tạp và nhạy cảm trong quan hệ ứng xử của Việt Nam với các nước lớn, nhất là với Trung Quốc và Mỹ. Để có chính sách thích ứng, vừa mở rộng được quan hệ với Mỹ, lại vẫn giữ được quan hệ ổn định với nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Hai là, về kinh tế, ý đồ và toan tính chiến lược của các nước lớn tạo ra không ít trở ngại, thách thức cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Do trình độ còn yếu kém trong cạnh tranh kinh tế, nên Việt Nam có thể trở thành nơi cung cấp nguyên liệu thô cho nhiều nước phát triển và trở thành bãi rác thải công nghiệp của thế giới... Bên cạnh đó, Việt Nam còn chịu tác động bởi cuộc đua tranh phát triển kinh tế giữa các nước ven biển Đông, nhất là từ Trung Quốc. Trung Quốc hiện đang triển khai rất mạnh và khá bài bản chiến lược phát triển kinh tế ở biển Đông, dẫn tới va chạm về chủ quyền biển đảo với các nước có liên quan, làm gia tăng sự căng thẳng ở khu vực. Đây không chỉ là thiệt hại về kinh tế thuần tuý trước mắt, mà còn tác động lâu dài đến chiến lược kinh tế biển của Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc đang tìm mọi cách phản đối, ngăn chặn Việt Nam hợp tác với các công ty nước ngoài khai thác dầu khí trong vùng biển của Việt Nam. Những biến động trên buộc Việt Nam, trong khi phát triển các công trình kinh tế biển, phải kết hợp với kế hoạch phòng thủ, bảo vệ lãnh hải, gây tốn kém không nhỏ cho nền kinh tế quốc dân.

Ba là, vì lợi ích chiến lược, các nước lớn sẽ gia tăng sự can dự vào quá trình tranh chấp và khai thác tài nguyên tại khu vực biển Đông, gây không ít thách thức đối với an ninh, hợp tác và phát triển của Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là “điểm xoáy”, chịu tác động nhiều nhất của quá trình trên. Có thể nói, cùng với “'diễn biến hoà bình”, những âm mưu lấn chiếm, thôn tính lãnh thổ sẽ là hai nguy cơ song hành trực tiếp đối với Việt Nam.       

Bốn là, trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á luôn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, Việt Nam luôn phải cảnh giác với những thỏa hiệp của các nước lớn có thể gây phương hại đến an ninh, độc lập chủ quyền của đất nước. Chính trị nước lớn bản chất là xung đột quyền lợi, nhưng cũng sẵn sàng thỏa hiệp đổi chác với nhau trên lưng nước nhỏ. Các cuộc khủng hoảng chính trị ở một số khu vực trên thế giới thời gian gần đây đang thu hút sự gia tăng can dự của Mỹ cũng như các nước lớn. Do đó, không loại trừ khả năng một nước lớn nào đó, để đạt được lợi ích ở khu vực chiến lược của mình, sẽ có sự thỏa hiệp ở khu vực Đông Nam Á. Nếu điều đó diễn ra, các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có thể gặp những khó khăn, phức tạp trong chính sách cân bằng quan hệ với các nước lớn tại khu vực...  

Như vậy, ngoại trừ tình hình hoặc Mỹ hoặc Trung Quốc cố tình đơn phương đảo ngược trật tự hiện thời ở khu vực Đông Nam Á, đa số các nước hữu quan đều muốn duy trì sự cân bằng như hiện có và có những nỗ lực chung nhằm củng cố sự cân bằng này bằng mọi hình thức hợp tác có thể được. Hiện nay, các nước lớn chưa có điều kiện thực hiện một hành động đơn phương gây xáo trộn khu vực Đông Nam Á, mặc dù căng thẳng đang tiếp tục tăng lên xung quanh khu vực Biển Đông. Chừng nào các đối tác lớn của Việt Nam, trước hết là Mỹ và Trung Quốc, còn duy trì các chính sách và những mối quan hệ ở trạng thái cân bằng tại khu vực, thì những điều kiện để nước ta có thể phát triển được sự hợp tác như vậy còn kéo dài. Đương nhiên, triển vọng sau đó như thế nào còn tuỳ thuộc một phần vào bản lĩnh ứng xử của Việt Nam. Điều quan trọng là Việt Nam cần phải duy trì quan hệ với tất cả các bên liên quan, đồng thời tăng cường sức mạnh nội tại để đương đầu với các mối đe dọa.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2013

(1) Định hướng chiến lược đối ngoại Việt Nam đến 2020, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2010, tr.55.     

(2) Môi trường địa - chính trị Đông - Nam Á với hội nhập Việt Nam - ASEAN, Tạp chí Cộng sản, số 16, tháng 8-2006.  

(3) U.S.Competes With China for Vietnam's Allegiance (Mỹ và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng tại Việt Nam), The New York Times, June 19 2006.

(4) Sống chung với láng giềng lớn hơn: Thực tiễn và chính sách, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 81 (tháng 6-2010).           

 

TS Mai Hoài Anh

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền