Trang chủ    Quốc tế    Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ truyền thống vững bền đến hiện đại rộng mở
Thứ hai, 27 Tháng 7 2020 13:00
4173 Lượt xem

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ từ truyền thống vững bền đến hiện đại rộng mở

(LLCT) - Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là mối quan hệ được bắt nguồn trước hết từ nền tảng văn hóa của hai dân tộc, được bồi đắp bởi Hồ Chí Minh và J.Nehru và đã gặt hái được những thành quả to lớn. Với truyền thống đó, trong một thế giới đầy biến động như ngày nay, quan hệ hai nước vẫn đang triển vọng tươi sáng. 

Từ khóa: Việt Nam, Ấn Độ, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ.

1. Truyền thống vững bền của quan hệ hai nước

Nền tảng vững bền cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ vững bền chính là sức mạnh văn hóa sâu đậm, phong phú của hai nước.

Nói đến Ấn Độ là nói đến nền văn minh  sông Hằng - một trong bốn cái nôi lâu đời nhất của nền văn minh nhân loại đã xuất hiện nghìn năm trước Công nguyên. Trong khi ba cái nôi văn minh cổ đại của thế giới là văn minh Lưỡng Hà, văn minh Ai Cập bị đứt gãy hoàn toàn, văn minh Hoàng Hà (Trung Quốc) nhiều khi bị lung lay, gián đoạn thì nền văn minh Ấn Độ vẫn luôn được vun xới tốt tươi, không ngừng phong phú, đa dạng trong sự thống nhất, không ngừng vươn cao.

Ấn Độ được mệnh danh là xứ sở của thần thoại, huyền thoại với muôn điều kỳ diệu, xứ sở của cổ tích, truyền thuyết, của hàng nghìn thiên thần và nhân thần, tạo nên ngả đường duy linh phương Đông huyền bí.

Ấn Độ là quê hương của nhiều tôn giáo lớn và là nơi dung chứa nhiều tôn giáo khác trên thế giới (Ấn Độ giáo, Phật giáo, Kỳ Na giáo (Đạo Jain), đạo Sikh, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Bái hỏa giáo, Đạo Do Thái,...). Tất cả các tôn giáo khác nhau, có tôn chỉ, giáo lý riêng nhưng đều chung sống hòa bình, khoan dung, hướng thiện trong ngôi nhà Ấn Độ.

Ấn Độ là một dân tộc mộ đạo và trọng triết học vào bậc nhất trên thế giới. Triết học Ấn Độ phong phú, đa dạng, bao gồm nhiều trường phái khác nhau được chia làm hai hệ thống lớn là Astika (Hữu) và Nastika (Vô). Astika là hệ thống triết học chính thống, thừa nhận quyền uy của Kinh Veda, bảo vệ triết lý, tôn giáo Hindu, thừa nhận vị trí ưu việt của tầng lớp tu sĩ Bàlamôn. Nastika là hệ thống triết học phi chính thống, bác bỏ uy thế tuyệt đối của Kinh Veda, phản đối nhiều triết lý của Hindu giáo. Tuy hai trường phái triết học có khác nhau nhưng đều thống nhất ở điểm căn bản, đó là Đạo sống. Điểm căn bản này khác với triết học phương Tây. Điểm căn bản của triết học phương Tây là nhận thức nằm trong giới hạn của lý trí, còn ở Ấn Độ là Đạo sống. Đạo sống là một con đường mà hành nhân là con người tinh thành thiết tha sống chết với tư tưởng của mình và thể hiện tư tưởng ấy trong từng cử chỉ, hành động thường nhật ở đời. Trái lại, nhận thức là chủ thể đứng yên trên một tháp ngà nhất định mà nhìn đời như một kẻ đứng bên ngoài nhìn xuống dòng sông. Lý trí mà phương Tây ca tụng và tôn thờ chỉ là một cấp nhỏ trong những cấp bậc sai biệt của chân lý. Đạo lý làm căn bản cho lý trí và lý trí chỉ là phương tiện nhất thời trên con đường hướng đến chân lý. Triết học Ấn Độ được xây dựng căn bản đạo lý, khác với triết học Phương Tây được xây dựng căn bản lý trí(1). 

Nói đến văn hóa Ấn Độ là nói đến một nền văn hóa anh hùng. Với bề dày hơn 40 thế kỷ, văn học Ấn Độ đã để lại cho thế giới nhiều tác phẩm vĩ đại như anh hùng ca Ramayana, Mahabharata; những tên tuổi lẫy lừng như Kalidasa, kỳ công thứ nhất của nền văn học Ấn Độ và R. Tagore, kỳ công thứ hai sau Kalidasa, là mặt trời của đất nước Ấn Độ, là vị thánh, là nhà khai sáng vĩ đại của Ấn Độ hiện đại. Ngay từ thời cổ đại, nền văn hóa Ấn Độ đã mang tính toàn cầu. Ấn Độ không mở mang bờ cõi quốc gia bằng chiến tranh gươm súng để chiếm đất đai của quốc gia khác, mà mở mang bờ cõi văn hóa, lan chiếm không gian văn hóa rộng mở ra ngoài Ấn Độ. Ngày nay, Ấn Độ là nước có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới. Dự tính đến năm 25-30 của thế kỷ XXI, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế đứng thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, tiềm lực quốc phòng đứng thứ 4 thế giới. Với lực lượng lao động trẻ, dồi dào, tư duy phát triển năng động, Ấn Độ sẽ trở thành hình mẫu về sự kết hợp giữa phát triển kinh tế với nền dân chủ đông dân nhất thế giới.

Về phần mình, Việt Nam cũng là một quốc gia dân tộc có nền văn minh lâu đời và đặc biệt. Cho đến giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, về cơ bản, vùng Bách Việt (một trăm dân tộc Việt) theo nghĩa rộng, vùng Việt - Mường là vùng phi Hoa, phi Ấn. Việt Nam và Trung Quốc là vùng châu Á đại lục. Việt Nam là vùng nông nghiệp lúa nước, Trung Quốc là vùng nông nghiệp lúa khô (trồng kê, cao lương, lúa mạch). Từ giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên, Trung Quốc bành trướng xuống lưu vực sông Trường Giang và xa mãi về phía Nam, vùng Bách Việt co lại dần, chỉ còn Việt Nam - đại biểu duy nhất còn sót lại của phức hợp Bách Việt ngày xưa, tồn tại vừa với tính chất Dân tộc - Nhà nước (Nation - State), vừa với tính chất Dân tộc - Nhân dân (Nation - People). Từ đó xuất hiện trên thực tiễn những cái bất dị giữa Việt Nam và Trung Quốc(2). Như vậy, cái khác nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc có trước, cái giống nhau của hai nước có sau.

Văn hóa Việt Nam sớm có xu thế giao lưu, hội nhập, tiếp biến, nhờ thế Việt Nam có nền văn hóa đa ngôn ngữ, giàu bản sắc, nền văn minh Đại Việt được xếp là một trong 34 nền văn minh đầu tiên của nhân loại. Bản sắc văn hóa Việt Nam được tạo ra từ vùng văn hóa lúa nước sông Hồng cách đây gần nghìn năm, được tôi luyện và khẳng định trong nghìn năm chống chọi và đối thoại với Trung Quốc, được hòa nhập trong nghìn năm giao lưu, bồi bổ với văn hóa Ấn Độ nên đã đủ tầm cỡ tiếp biến văn hóa thành công. Thêm vào đó là trong suốt chiều dài lịch sử hơn 400 năm tiếp biến văn hóa với phương Tây dưới nhiều hình thức, vừa có cưỡng bức, vừa có đối thoại văn hóa, có thời điểm vừa chống lại, vừa tiếp thu, khi tích cực, khi tiêu cực, có lúc cả hai, nhưng quan trọng nhất là vừa giữ được bản sắc dân tộc, vừa hiện đại hóa.

Trên bình diện đấu tranh giành độc lập, tự do, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Việt Nam đã chiến thắng tất cả các thế lực xâm lược ngoại bang hùng mạnh hơn như: các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh của Trung Quốc, thực dân Pháp, đế quốc Mỹ,... Với việc chiến thắng tất cả các đội quân xâm lược này, Việt Nam đã nêu một tấm gương sáng chói về tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường, dũng cảm, trí tuệ, sáng tạo nên được nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, công lý, dân chủ và nhân đạo trên toàn thế giới yêu mến, cảm phục.

Trên bình diện đối ngoại, đất nước Việt Nam vừa mới thoát khỏi chiến tranh, bao vây cấm vận, nhưng đã sáng tạo ra đường lối đối ngoại “đa phương hóa, đa dạng hóa”, kết nối và thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 nước thành viên của Liên Hợp quốc, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với 224 thị trường tại tất cả các châu lục trên thế giới, thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện với 3 nước lớn: Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, thiết lập quan hệ tốt với tất cả các nước lớn khác, trong đó có 5 nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, ký kết kế hoạch chiến lược chung mới (OSP) giai đoạn 2017-2021 giữa Việt Nam với 18 cơ quan Liên hợp quốc. Việt Nam được bầu vào nhiều tổ chức quốc tế như: Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (2013); Chủ tịch Hội đồng Thống đốc cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) niên khóa 2013-2014; Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2014-2017; Trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (lần 1 năm 2008, lần 2 năm 2019 với số phiếu gần như tuyệt đối 192/193 cho nhiệm kỳ 2020-2021), nhiều lần làm chủ tịch luân phiên Tổ chức ASEAN.

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là mối quan hệ đặc sắc, từ hơn nghìn năm nay. Mối quan hệ song phương giữa hai dân tộc đã trải qua bốn làn sóng giao lưu, tiếp biến lớn, đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu bền.

Một là, làn sóng giao lưu văn hóa Phật giáo Ấn Độ vào Việt Nam

Đây là làn sóng giao lưu mà Đạo Phật Ấn Độ đã chủ động đến với Việt Nam bằng đường biển từ Ấn Độ Dương đến Biển Đông và cập bến Đồ Sơn, Hải Phòng, Việt Nam vào thời kỳ Asoka Đại đế (thế kỷ thứ III, trước Công nguyên) trước khi truyền sang Trung Quốc. Người Việt Nam giao lưu và tiếp biến Đạo Phật một cách dung dị vào cơ tầng văn hóa bản địa, bởi vì Đạo Phật vốn vừa là tôn giáo, vừa là triết học, có tư tưởng bình đẳng, bác ái, dân chủ, phù hợp với văn hóa người Việt, vốn là dân tộc có tín ngưỡng đa thần nên dễ dàng tiếp nhận Phật giáo và làm cho Phật giáo có tính dân tộc. Các nhà sư Việt Nam đã tự lập nên các dòng Đạo Phật Việt Nam như Phái Thảo Đường vào thời Lý, Phái Trúc Lâm từ thời Trần, vừa để đối lập với Nho giáo, vừa để đối lập với Phật giáo Trung Hoa, và quan trọng hơn là dùng chính tư tưởng Phật giáo để điều chỉnh, cân đối các tư tưởng, tôn giáo ngoại lai phù hợp với tâm thức văn hóa con người Việt Nam.

Hai là, làn sóng giao lưu tiếp biến văn hóa Ấn Độ giáo vào Việt Nam

Đây là làn sóng giao lưu tiếp biến mà Ấn Độ giáo (Hindu giáo) chủ động đến với Việt Nam bằng đường biển từ Ấn Độ Dương đến Biển Đông cập biển Đà Nẵng, Quảng Nam thuộc miền Trung Việt Nam vào những năm đầu Công nguyên. Dấu ấn của sự giao lưu, tiếp biến văn hóa này còn để lại những di sản văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc của văn hóa Chămpa. Sự tiếp xúc của văn hóa Ấn - Chăm diễn ra bằng hai phương thức là truyền bá tôn giáo và di sản. Sự giao lưu, tiếp biến này diễn ra trên nhiều lĩnh vực: chữ viết, tín ngưỡng; nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc; lịch pháp, văn học. Ngày nay, văn hóa phi vật thể như làn điệu dân ca Trung Nam Bộ, điệu múa Chăm vẫn được lưu truyền và phát triển; văn hóa vật thể như Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam, Đà Nẵng) vẫn còn di tích và đang được trùng tu.

Ba là, làn sóng giao lưu, tiếp biến văn hóa Phù Nam của Việt Nam với văn hóa Ấn Độ

Đây là làn sóng giao lưu, tiếp biến mà văn hóa Bàlamôn Ấn Độ đóng vai trò chủ động.

Phù Nam là một quốc gia cổ trong lịch sử Việt Nam, thời hưng thịnh của vương quốc này bao gồm vùng đất phía Nam Trung Bộ kéo dài đến thung lũng sông Mê Nam (Thái Lan), đến thế kỷ thứ VII bị sáp nhập vào lãnh thổ Chân Lạp; cuối thế kỷ thứ VII, VIII, tách khỏi Chân Lạp để trở thành bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Từ xa xưa trong lịch sử, các đạo sĩ Bàlamôn Ấn Độ, tiêu biểu là đạo sĩ Kaunđinya (Hỗn Điền) đến vùng này phối hợp với cư dân bản địa tổ chức một quốc gia mô phỏng theo mô hình Ấn Độ trên các mặt: chính trị, thiết chế xã hội, đô thị hóa, giao thông, kỹ thuật, công nông nghiệp cùng hệ thống tôn giáo và các nền văn hóa trong đó có Bàlamôn giáo đóng vai trò chủ đạo. Ở khu vực này, văn hóa Óc Eo Việt Nam có nguồn gốc bản địa, được phát triển trên nền tảng văn hóa Sa Huỳnh đóng vai trò chủ đạo đã giao lưu, tiếp biến với văn hóa Ấn Độ. Kết quả của sự giao lưu tiếp biến đó vẫn hiện hữu đến ngày nay.

Bốn là, làn sóng giao lưu, tiếp biến thứ tư mà Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đóng vai trò khởi xướng và chủ đạo

Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm hiểu, gạn đục, khơi trong, chủ động tiếp nhận ánh sáng tư tưởng của thế giới, trong đó có tư tưởng Phật giáo, Hindu giáo, tư tưởng khai sáng của R. Tagore, tư tưởng bất bạo động của K. M. Gandhi và J. Nehru

Từ những năm 20 của thế kỷ trước, Hồ Chí Minh sau khi nghiên cứu về phong trào đấu tranh giải phóng Ấn Độ, đã viết nhiều bài về Ấn Độ, như: “Phong trào cách mạng ở Ấn Độ”(3) đăng trên Tạp chí La Revue Communiste, số 18-19, tháng 8, 9-1921; “Phụ nữ phương Đông”(4) đăng trên Tạp chí Rabônhítxa, tiếng Nga năm 1924, “Phong trào công nhân ở Ấn Độ”(5) đăng trên Tập san Inprekorr, tiếng Pháp, năm 1928. Hồ Chí Minh đã chủ động gặp M.K.Gandhi, gặp Motilal Nehru thân sinh ra Nehru (năm 1927), làm thơ gửi Nehru (năm 1943) khi hai người cùng bị giam trong tù. Sau này, khi hai nước đã giành được độc lập, Hồ Chí Minh đã mời Nehru sang thăm Việt Nam (năm 1954), và sang thăm Ấn Độ (năm 1958).

Sự gặp gỡ, tương đồng về tư tưởng, nhân cách văn hóa giữa Hồ Chí Minh với R. Tagore, M. K. Gandhi, J. Nehru và những việc các vị đã làm cho Ấn Độ, cho Việt Nam chính là cội rễ, là nền tảng vững bền cho quan hệ Việt Nam - Ấn Độ không ngừng phát triển.

2. Quan hệ hiện đại rộng mở giữa hai nước

Gần nửa thế kỷ qua, kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp trong truyền thống quan hệ, giao lưu, tiếp biến văn hóa, tư tưởng giữa hai quốc gia dân tộc, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước đã không ngừng bồi đắp, vun xới, làm cho quan hệ song phương không ngừng phát triển từ đối tác chiến lược (2007) lên đối tác chiến lược toàn diện (2016).

Có thể đánh giá khái quát về những thành quả quan hệ Việt Nam - Ấn Độ hiện nay như sau:

- Quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ vẫn thủy chung, trong sáng dù thế giới có nhiều đổi thay.

- Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ được xây dựng đồng bộ từ cơ sở đến kiến trúc thượng tầng, mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt là niềm tin chính trị. Giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ có độ tin cậy chính trị rất cao do giữa hai nước không có bất kỳ sự vướng mắc nào, và hơn nữa, lại có sự song trùng về lợi ích chiến lược, sẵn sàng tin tưởng, chia sẻ lẫn nhau trên hầu như tất cả các vấn đề song phương và đa phương, kể cả các vấn đề luôn nóng như vấn đề Biển Đông. Sự tin cậy chính trị đó luôn được củng cố thông qua việc hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Những năm gần đây, các đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thường xuyên đến thăm Ấn Độ. Cũng tương tự như vậy, cả Tổng thống, Phó Tổng thống, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Nghị viện Ấn Độ đã đến thăm Việt Nam. Những chuyến thăm cấp cao không những đặt nền tảng, tạo động lực cho việc triển khai các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết mà còn thắt chặt thêm độ tin cậy chính trị giữa hai nước.

- Hai nước đã đạt được những thành tựu phát triển đáng khích lệ trên nhiều bình diện: chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, an ninh, năng lượng, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và ngoại giao nhân dân. Việc Ấn Độ hiện thực hóa “chính sách Hướng Đông” thành “Hành động hướng Đông” để phù hợp với bối cảnh mới và tầm nhìn mới, trong đó, coi Việt Nam là trụ cột trong chính sách này là nhân tố quan trọng làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Ấn Độ.

Gần nửa thế kỷ qua, quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ không ngừng phát triển, đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp, nhưng những gì đã đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của hai nước. Hiện nay, hai nước đang đứng trước nhiều thời cơ và thách thức. Cụ thể:

- Toàn cầu hóa kinh tế ngày càng gia tăng, quá trình quốc tế hóa sản xuất và phân công lao động diễn ra sâu rộng. Việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu trở thành tất yếu của các nền kinh tế.

- Chính trị, an ninh thế giới nhiều biến động to lớn, phức tạp, khó lường, đan xen nhiều xu hướng khác nhau, vừa cạnh tranh, vừa ảnh hưởng, gia tăng độ khúc xạ, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các quốc gia dân tộc. Nhiều vấn đề cùng nảy sinh như: an ninh truyền thống và phi truyền thống, an ninh môi trường, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thực phẩm; chủ nghĩa khủng bố quốc tế ngày càng mở rộng hành vi và ảnh hưởng; những diễn biến phức tạp ở Trung Đông; khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên; căng thẳng giữa Nga - Mỹ, Nga - EU, Mỹ - Trung, Brexit ở Anh,... đang chứng tỏ một khuynh hướng bảo hộ trở lại, chủ nghĩa dân túy nổi dậy, tính thực dụng trong các quan hệ quốc tế đang chế ngự.

- Loài người đang tiến vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tri thức và sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, trở thành nhân tố quyết định cho sự phát triển của xã hội loài người.

- Khu vực châu Á - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, đang trở thành không gian địa chính trị vô cùng sôi động của thế giới, có nguy cơ bị cuốn vào dòng xoáy quan hệ Mỹ - Trung.

Trong không gian đó, các định chế quốc tế đang bị thách thức. Biểu hiện rõ nhất là việc Trung Quốc không thực hiện phán quyết của Tòa án Quốc tế về Luật Biển; coi thường luật pháp quốc tế, đơn phương diễn giải luật quốc tế trái với chuẩn mực chung và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, ngang nhiên đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng lực lượng hộ tống vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam... là hành động nguy hiểm, đe dọa hòa bình, an ninh ở khu vực và quốc tế.

Trước bối cảnh mới đó, để gìn giữ và phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, ngoài việc tăng cường củng cố, phát triển sức mạnh quốc gia của mỗi nước, sáng tạo, thích nghi với hoàn cảnh mới, thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại thì hai nước cần phải tăng cường niềm tin chính trị, luôn bên nhau như lời phát biểu của cựu Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee trong Lễ Khai trương Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (15-9-2014): “Quan hệ hai nước chưa bao giờ tốt đẹp như ngày hôm nay... Để bảo vệ lợi ích chung như hòa bình và thịnh vượng, Ấn Độ và Việt Nam phải đứng cạnh nhau... Ấn Độ sẽ luôn là người bạn tin cậy và thủy chung của Việt Nam”(6).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2020

(1) Xem: Lê Văn Toan, Văn hóa Ấn Độ: Sự thống nhất trong đa dạng, gợi mở đối với Việt Nam, Đề tài Khoa học Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2017, tr.204.

(2) Xem: Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam - Tìm tòi và suy ngẫm, Nxb. Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, 2000, tr.56-57.

(3), (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.55-60, 288-289.

(5) Sđd, t.2, tr.356-358.

 

(6) Xem thêm: Website Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

PGS, TS Lê Văn Toan

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền