Trang chủ    Quốc tế    Philipines và vấn đề an ninh tôn giáo
Thứ sáu, 25 Tháng 9 2020 10:22
6154 Lượt xem

Philipines và vấn đề an ninh tôn giáo

(LLCT) - Đông Nam Á là nơi tập trung nhiều tôn giáo, sắc tộc hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Sự đa dạng văn hóa, tôn giáo, sắc tộc cùng với sự khác biệt lớn về mặt kinh tế, xã hội đã tạo ra các cuộc xung đột tôn giáo, thách thức an ninh khu vực và quốc tế. Xung đột tôn giáo trong một số trường hợp, có thể là biểu hiện bề ngoài của các nguyên nhân sâu xa bên trong là sự bất bình đẳng, vi phạm các quyền con người, sai lầm hoặc thất bại của chính sách. Các cuộc xung đột dưới danh nghĩa bảo vệ quyền tự do tôn giáo, nhưng thực chất liên quan nhiều đến quyền chính trị, quyền kinh tế, quyền con người hơn là quyền tôn giáo. Trên cơ sở phân tích tình hình an ninh tôn giáo ở Philippines, bài viết đề xuất một số kinh nghiệm đối với việc đảm bảo an ninh tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: an ninh tôn giáo, Philippines.

1. Tình hình an ninh tôn giáo của Philippines hiện nay

Philippines là quốc gia đứng thứ 12 về đông dân trên thế giới(1), là một trong những quốc gia có nền dân chủ sống động và kinh tế phát triển nhanh ở khu vực Đông Nam Á. Philippines đã từng là thuộc địa của Tây Ban Nha hơn 300 năm, đầu thế kỷ XX nằm dưới quyền ủy trị của Mỹ nên có mối quan hệ văn hóa, thương mại, đầu tư, quân sự chặt chẽ với Mỹ. 

Hiện tại, tình hình an ninh quốc gia của Philippines được đánh giá là rất phức tạp, Philippines phải đối phó với 2 vấn đề thách thức an ninh lớn: (1) Thiên tai(2) - loại hình an ninh phi truyền thống, đòi hỏi Lực lượng Vũ trang của Philippines (Armed Forces of the Philippines/ AFP) còn phải có trách nhiệm trong các hoạt động cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo (Humanitarian assistance and disaster relief/HA/DR); (2) Tội phạm, cướp biển, khủng bố tôn giáo(3) và nội chiến(4).

Theo số liệu khảo sát tôn giáo năm 2018, đa số người dân Philippines theo Công giáo (chiếm khoảng hơn 80% dân số), 10% thuộc về các hệ phái Tin lành, 5% theo Islam giáo (sinh sống chủ yếu ở Mindanao, Palawan và quần đảo Sulu - một khu vực được gọi là Bangsamoro hoặc vùng Moro), 2% dân số theo Phật giáo, Đạo giáo (chủ yếu nhóm cộng đồng người Philippines gốc Nhật Bản), một số lượng nhỏ là tín đồ đạo Sikh, Hindus giáo, Do Thái giáo và đạo Baha’i(5), 2% dân số thừa nhận và thực hành các nghi lễ tín ngưỡng dân gian truyền thống(6)(trong đó bao gồm cả người dân không theo một tôn giáo chính thức nào).

Năm 1521, các nhà truyền giáo Tây Ban Nha theo cuộc đổ bộ của F.Magellan đã đặt chân đến Philippines. Thời gian đầu, Công giáo (theo phong cách Tây Ban Nha) bị chính quyền và người dân địa phương xem như một dị giáo (ngoại giáo). Mặc dù vậy, Công giáo vẫn bén rễ và phát triển sâu trong xã hội Philippines và trở thành một giáo hội Công giáo địa phương được Tòa thánh Vatican dành nhiều sự quan tâm(7). Khi Công giáo “đổ bộ” vào Philippines, các tập tục địa phương, nghi lễ dân gian bản địa đã “biến mất” một cách nhanh chóng. Đặc biệt, giới pháp sư và Đạo giáo suy vi nhanh nhất. Điều này đã thúc đẩy chính phủ Philippines thiết lập hệ phái Shaman giáo, giảng dạy cho người dân về các tôn giáo bản địa để nâng đỡ, bảo tồn văn hóa dân tộc không bị mai một, tổn hại trước xu hướng bị “xâm lăng” văn hóa từ bên ngoài.

Công giáo có ảnh hưởng lớn đến xã hội và chính trị Philippines. Mối quan hệ chặt chẽ giữa giáo hội Công giáo và nhà nước Philippines được củng cố sau khi giáo hội Công giáo tỏ ra có trách nhiệm trong phong trào giải phóng dân tộc vào cuối thế kỷ XIX. Các linh mục người Philippines đã chiếm giữ các nhà thờ và tuyên bố Giáo hội Philippines độc lập (Iglesia Filipina Independiente. Cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân/ People Power Revolution (hay còn gọi là cuộc Cách mạng Màu Vàng)(8) ở Philippines từ 22-25 tháng 2-1986 do Đức Hồng Y Jaime Sin, Tổng Giám mục Manila và Linh mục Jaime Cardinal Sin kêu gọi công chúng qua đài phát thanh, tụ tập dọc Đại lộ Epifanio de los Santos hỗ trợ lực lượng quân đội nhân dân thực hiện cuộc đảo chính. Khoảng bảy triệu tín đồ và người dân đã đáp lại lời kêu gọi và cuộc biểu tình phi bạo lực (không đổ máu) đã buộc Tổng thống Ferdinand E. Marcos phải từ chức. Dưới thời trị vì của Tổng thống Ferdinand E. Marcos, dù Giáo hoàng John Paul II đã khuyến cáo các giáo sĩ của mình trên toàn thế giới không tham gia vào cuộc tranh đấu chính trị (tích cực hay tiêu cực), dù giáo hội Công giáo Philippines là một tổ chức xã hội dân sự phi chính phủ và trung lập, nhưng các linh mục đã có những hành động chính trị (bỏ qua khuyến cáo của Giáo Hoàng) lãnh đạo các đơn vị du kích của Quân đội Nhân dân ở các khu vực có đông người dân tộc thiểu số sinh sống, đấu tranh đòi nhân quyền và công bằng xã hội, chỉ trích Tổng thống E. Marcos(9). Tuy nhiên, lúc này, quan hệ nhà nước và giáo hội Công giáo trở nên xấu đi khi cuộc đảo chính thành công, khi các phương tiện truyền thông cáo buộc giáo hội Công giáo tham chính. Sau này, Đức Hồng Y Jaime Sin, tổng giám mục Manila và lãnh đạo Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines đã thay đổi lập trường, chuyển từ một trong những “cộng tác quan trọng” của chính phủ sang một phe trung lập cởi mở. Mặc dù vậy, Công giáo vẫn là mục tiêu bị tấn công khủng bố bởi chính người dân Philippines không đồng tình với cách ứng xử của Công giáo đối với chính trị.

Islam giáo ở Philippines tuy chỉ là tôn giáo nhóm nhỏ (chiếm tỷ lệ 5% dân số), nhưng lại là yếu tố lớn thách thức an ninh tôn giáo ở Philippines. Các nhóm tín đồ Islam giáo cực đoan đã từng gây ra nhiều vụ khủng bố với tầm mức quy mô lớn ở Philippines(10), các sự cố bạo lực liên quan đến tôn giáo thường xảy ra ở các vùng nông thôn phía Nam Philippines và liên quan đến cả vấn đề sắc tộc. Có những trường hợp là do phân biệt đối xử trong các cơ hội kinh tế hoặc tuyên bố công khai trên internet và phương tiện truyền thông xã hội chê bai niềm tin hoặc thực hành nghi lễ của các nhóm Islam giáo. Bên cạnh mối đe dọa của các nhóm khủng bố liên kết với IS, Philippines cũng đang phải đối phó với nhóm cướp biển địa phương(11).

2. Chính sách, pháp luật về tôn giáo tác động đến tình hình an ninh tôn giáo ở Philippines

Philippines, giống như nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, tuyên bố là một quốc gia thế tục. Hiến pháp năm 1987(12) của Philippines công bố: Sự tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước là bất khả xâm phạm (Điều II, Mục 6). Cấm thành lập tôn giáo nhà nước. Không có luật nào quy định việc thành lập tôn giáo. Việc hành nghề tôn giáo được miễn thuế, miễn phí. Không phân biệt đối xử hay ưu tiên giữa công dân có tôn giáo và không tôn giáo cũng như giữa các tôn giáo khác nhau. Không bắt buộc thực hành tôn giáo khi thực hiện các quyền dân sự hoặc chính trị (Điều III, Mục 5). Luật pháp Philippines coi các cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào các cơ sở thờ tự của tôn giáo là tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại Luật nhân đạo quốc tế. Yêu cầu các nhóm tôn giáo có tổ chức phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái (The Securities and Exchange Commission/ SEC) và Cục Thuế vụ (The Bureau of Internal Revenue/ BIR) để thiết lập tình trạng miễn thuế. Các nhóm tôn giáo phải nộp Hiến chương, Điều lệ của tổ chức để đăng ký SEC với tư cách là các tập đoàn/ tổ chức tôn giáo (religious corporations). SEC yêu cầu các tổ chức tôn giáo (đã đăng ký) phải nộp báo cáo tài chính hằng năm. Luật pháp không quy định hình phạt cho việc không đăng ký với SEC và BIR để được công nhận là tổ chức phi lợi nhuận và được miễn thuế, nhưng để được cấp đăng ký, các nhóm tôn giáo phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản bao gồm: Tên tổ chức tôn giáo; quá trình thành lập; Hiến chương điều lệ của tổ chức; tên người đại diện; danh sách tín đồ và danh sách những người đóng góp tài chính. BIR sẽ cung cấp thẻ miễn thuế cho các tổ chức tôn giáo mới thành lập (sau đó, cứ ba năm một lần xem xét lại). Các tổ chức tôn giáo đã được công nhận sẽ bị phạt nếu không nộp dữ liệu và báo cáo tài chính hàng năm. Chính phủ cho phép giảng dạy và hướng dẫn tôn giáo trong các trường công lập để thúc đẩy giáo dục đạo đức với sự đồng ý bằng văn bản của phụ huynh, nhưng chính phủ không chi trả chi phí. Các trường công lập tại địa phương tạo cơ hội cho các nhóm tôn giáo tham gia giảng dạy các giá trị đạo đức của tôn giáo trong giờ học.

Sau hàng loạt các vụ khủng bố, đánh bom do tín đồ Islam giáo thực hiện, một số Thị trưởng thành phố đề xuất một biện pháp đảm bảo an ninh, đó là: yêu cầu người Islam giáo không được mặc áo choàng hoặc khăn trùm đầu và che mặt ở nơi công cộng. Phụ nữ Islam giáo phải gỡ bỏ khăn trùm đầu và burqas (áo choàng che phủ toàn bộ thân thể) của họ khi vào trung tâm thương mại và các trạm kiểm soát khác. Burqas và các phụ kiện khác như kính râm, mũ và khẩu trang nhằm che giấu danh tính của một người cũng sẽ phải được gỡ bỏ. Chủ trương này đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của một số nhóm tín đồ Islam giáo, họ chỉ trích kế hoạch đó, cho rằng, đảm bảo an ninh là nhiệm vụ của chính quyền nhưng không được lấy cớ an ninh để vi phạm quyền tự do riêng tư, phân biệt đối xử với người Islam giáo và thiếu tôn trọng phong tục tín ngưỡng, văn hóa tôn giáo của họ. Do vậy, chủ trương này chưa được chính quyền trung ương thông qua và thống nhất thực hiện, nhưng lẻ tẻ ở một vài thành phố vẫn thực hiện quy định trên.

Tổng thống đương nhiệm R.Duterte được bầu năm 2016 khá cứng rắn trong vấn đề tôn giáo. Tuyên bố trong các cuộc họp báo, Tổng thống R.Duterte ví mình như A.Hitler, ông nói, Hitler đã tàn sát ba triệu người Do Thái giáo, bây giờ có ba triệu người nghiện ma túy hay kẻ cuồng tín tôn giáo, tôi sẽ rất vui khi tàn sát họ. Tuyên bố của ông đã khuấy động sự phẫn nộ và chỉ trích từ những người Do Thái giáo tại Philippines và trên toàn thế giới. Thậm chí, với Công giáo, Tổng thống cũng không ngần ngại mỉa mai rằng, Giáo hội Công giáo là một tổ chức đạo đức không tưởng, hão huyền, chỉ tốt trên đầu lưỡi, luôn tỏ ra thương xót người nghèo nhưng lại đề cập đến việc quyên góp tiền trong các buổi Thánh lễ, còn việc đối phó với các vấn đề nghèo đói và nạn nghiện ma túy thì giáo hội thường chẳng đưa ra bất cứ giải pháp gì cụ thể để giải quyết. Tổng thống R.Duterte thẳng thừng tuyên bố, ông không tin vào tôn giáo, đặc biệt là Công giáo vì đó là nơi gieo rắc nỗi sợ hãi cho tín hữu về địa ngục(13).

Chính phủ Philippines tuyên bố rằng, họ tiếp tục thúc đẩy đối thoại liên tôn giáo để xây dựng niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau giữa các nhóm tôn giáo và văn hóa khác biệt. Lực lượng đặc nhiệm của Tổng thống thường xuyên tham gia các cuộc họp về Đầu mối của Liên minh các nền văn hóa do Liên Hợp quốc tổ chức nhằm tạo ra các mối liên kết giữa các tôn giáo và các nền văn hóa khác biệt để tìm ra các sáng kiến, giải pháp, các mối quan hệ chống lại chủ nghĩa cực đoan, bạo lực tôn giáo. Chính phủ cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện như: Tuần lễ hòa hợp liên tôn giáo thế giới (World Interfaith Harmony Week), Lễ hội Hòa hợp (Festival of Harmony) tập hợp các nhà lãnh đạo của nhiều nhóm tôn giáo, thành viên của các đoàn ngoại giao, các quan chức chính phủ, lãnh đạo các phong trào liên tôn giáo và các tổ chức bảo vệ hòa bình. Các sự kiện đó, nhằm nhấn mạnh sự hợp tác lẫn nhau giữa chính phủ và cộng đồng tôn giáo trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo, đối thoại và hòa bình, chống lại các tổ chức tôn giáo cực đoan, các tổ chức chính trị phản động nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ, các chiến binh Islam giáo trong các vụ giết người, tấn công và bắt cóc để đòi tiền chuộc. Chính phủ tiếp tục duy trì các hoạt động thực thi pháp luật để chống khủng bố tôn giáo kết hợp với các giải pháp đi kèm về chính sách đối với tôn giáo, dân tộc, văn hóa, khẳng định tầm quan trọng của việc hỗ trợ tất cả các cộng đồng đức tin.

Chính phủ Philippines chủ trương sử dụng tín đồ tôn giáo (đặc biệt là tín đồ Islam giáo) tham gia vào lực lượng quân đội chuyên trách chống khủng bố (gọi là đội đặc nhiệm). Hiện tại, Chính phủ Philippines đang tuyển mộ tín đồ Islam giáo vào “đội đặc nhiệm” này (tỷ lệ tối đa 10% tân binh), thành lập một đơn vị quân đội đặc nhiệm đóng chốt ở các khu vực đa số người dân là tín đồ Islam giáo. Chính phủ Philippines xem đó là phương pháp dùng tôn giáo để giải quyết an ninh tôn giáo.

Chiến lược trên của chính phủ Philippines trong việc sử dụng “đội đặc nhiệm” chống khủng bố tôn giáo có lợi thế là: cộng đồng Islam giáo chấp nhận sự hiện diện của lực lượng quân đội nơi họ sinh sống mà không cảm thấy chính quyền đang quân sự hóa vấn đề tôn giáo; làm giảm sự nghi ngờ trong cộng đồng địa phương đối với việc triển khai quân sự khi giải quyết vấn đề tôn giáo không có nghĩa là tiêu diệt tôn giáo; lực lượng đặc nhiệm này có thể đồng cảm phần nào được với các “chiến binh tử đạo” Islam giáo và có thể nhạy cảm hơn với nhu cầu tôn giáo và văn hóa của người dân; có thể thu hút sự trợ giúp từ cộng đồng địa phương có đa số dân chúng là tín đồ Islam giáo.

Tuy nhiên, việc thành lập một đơn vị đặc nhiệm Islam giáo cũng có thể gây ra những hậu quả tiêu cực: nó có thể tạo ra các phe phái hoặc sự chênh lệch trong quân đội giữa đơn vị Islam giáo và các đơn vị khác; kinh nghiệm từ Thổ Nhĩ Kỳ và Myanmar cho thấy, quân đội sẽ bị chia cắt khi các phe phái khác nhau thù địch với nhau; khi chủ nghĩa dân tộc tôn giáo được kích hoạt, đơn vị đặc nhiệm Islam giáo thực sự sẽ là một mối hiểm nguy cho chính quyền, thay vì làm cho quá trình hóa giải xung đột trở nên dễ dàng hơn, nó thực sự có thể đóng vai trò là “nhiên liệu” mới cho một cuộc xung đột đã tồn tại từ lâu; tạo ra cho kẻ khủng bố một sự kỳ thị rằng, chúng đang phải chiến đấu chống lại chính những người anh em Islam giáo của mình, dẫn đến sự phẫn nộ quá khích không kém; Islam giáo vốn bị xem là một tôn giáo nhạy cảm với tinh thần thánh chiến và trung thành, nếu đội đặc nhiệm Islam giáo này không được quản lý đúng cách, không thể nói chắc là họ có tuyệt đối trung thành với chính quyền hay là đối tượng nội gián từ bên trong thì mọi việc sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Trong hai thập kỷ qua, an ninh quốc gia của Philippines tập trung chủ yếu vào chống khủng bố và an ninh hàng hải liên quan đến tôn giáo. Philippines đã triển khai mạnh lực lượng an ninh, quân đội hoạt động ở miền Nam Philippines (vùng Mindanao), tập trung vào các nhóm phiến quân cờ đen (black flag) có trụ sở tại Mindanao, tuyên thệ trung thành với Nhà nước Islam giáo (Islamic State/ IS) và được sự công nhận từ IS. Năm 2016, một trong những nhóm liên kết với IS, nhóm Mautes, nhóm Abu Sayyaf, nhóm Chiến binh tự do Islam giáo Bangsamoro đã chiếm Butig ở Lanao del Sur trong nhiều tháng, hàng trăm người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột này, nhiều công trình của thành phố bị phá hủy, nhiều người dân đã được di dời khỏi thành phố. Sự xuất hiện của các máy bay chiến đấu nước ngoài ở Marawi (của Malaysia, Indonesia, Arap Saudi, Yemen và Chechen) đã làm tăng khả năng Mindanao trở thành tâm điểm thu hút các chiến binh thánh chiến sau khi bị thất thủ tại Trung Đông tìm đến Mindanao. Sự sụp đổ của một thỏa thuận hòa bình (năm 2014) giữa chính phủ và Mặt trận Giải phóng Islam giáo Moro (Moro Islamic Liberation Front/ MILF) đã làm trầm trọng thêm thách thức an ninh quốc gia và an ninh chính trị ở Philippines, khi các chiến binh không đạt được thỏa thuận hòa bình chuyển sang các tổ chức liên kết với IS cực đoan. Đồng thời, mối lo ngại về các hoạt động bắt cóc đòi tiền chuộc của nhóm khủng bố Abu Sayyaf ở vùng biển phía Nam Philippines cũng tăng cao. Nhiều con tin bị xử tử khi nhu cầu tiền chuộc không được đáp ứng. Các khoản thu từ bắt cóc con tin làm tăng mối lo ngại về sự liên kết giữa ngân hàng với các hoạt động này. Do lo ngại về an ninh hàng hải và sự an toàn trong thương mại giữa các nước trong khu vực, nhiều nước đã tạm thời đình chỉ vận chuyển và cấm xuất khẩu hàng hóa sang Philippines, 70% nguồn hàng bên ngoài cung cấp cho Philippines có nguy cơ bị thâm hụt. Các hoạt động bắt cóc đòi tiền chuộc, do đó, không chỉ là vấn đề an ninh hàng hải, an ninh tôn giáo mà còn là vấn đề an ninh kinh tế, an ninh thương mại, an ninh ngoại giao của Philippines.

3. Các giải pháp cải thiện tình hình an ninh tôn giáo của Philippines

Một số giải pháp mà chính phủ Philippines đã thực hiện để cải thiện tình hình an ninh quốc gia, an ninh tôn giáo là: (1) Sự tham gia tích cực của cả cơ quan Hành pháp và Lập pháp (Quốc hội) trong việc nhận diện vấn đề an ninh để có tác động tích cực thực sự, hiệu quả vào bộ máy chính quyền địa phương và xã hội dân sự; (2) Không làm gia tăng mối lo ngại về các quyền con người, đặc biệt là quyền bình đẳng tôn giáo; (3) Quan tâm đến vấn đề việc làm, giảm khoảng cách giàu - nghèo, cải thiện đời sống kinh tế và an sinh xã hội của người dân, phát triển bền vững đất nước; (4) Tham gia rộng rãi hơn với cộng đồng các nước ASEAN để tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ cho những nỗ lực mà chính phủ Philippines đã thực hiện. Hợp tác với các đối tác an ninh khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Indonesia và Malaysia. Sự ra mắt của các cuộc tuần tra ba bên và chia sẻ thông tin giữa Indonesia, Malaysia và Philippines hàng năm là một bước quan trọng để thúc đẩy hợp tác khu vực về chống khủng bố và chống cướp biển. Tăng cường lực lượng hải quân, bảo vệ bờ biển và khả năng thực thi pháp luật hàng hải của Philippines. Kêu gọi các quốc gia khu vực theo dõi chặt chẽ tiến trình của các vấn đề an ninh tôn giáo để phát triển các giải pháp dài hạn, toàn diện, hiệu quả cho những điểm căng thẳng lâu nhất ở khu vực (5) Tìm kiếm sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ trong an ninh hàng hải(14), cải thiện khả năng của chính phủ và quân đội Philippines trong năng lực thực thi pháp luật chống khủng bố và tăng cường phòng thủ bên ngoài. (6) Chủ động hạn chế dòng tiền từ các các tổ chức IS ở Trung Đông vào Đông Nam Á để hạn chế sự tăng trưởng và khả năng hoạt động của các nhóm liên kết với IS.

Nhìn chung, từ thực trạng tình hình an ninh tôn giáo và cách giải quyết của chính phủ Philippines, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm đối với việc đảm bảo an ninh tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, cụ thể:

(i) Sự đa dạng văn hóa, tôn giáo, sắc tộc cùng với sự khác biệt lớn về mặt kinh tế, xã hội là nguy cơ của xung đột và nguy cơ mất an ninh tôn giáo, an ninh quốc gia. Mối lo ngại về an ninh tôn giáo là đa diện, đa tầng, từ vấn đề chính trị trong nước đến chính trị quốc tế; vấn đề kinh tế; vấn đề đa dạng tôn giáo, sắc tộc; vấn đề bất bình đẳng; đói nghèo, lạc hậu; vấn đề môi trường, an sinh xã hội,...

(ii) Nguy cơ mất an ninh tôn giáo xuất hiện ở khu vực tôn giáo nhóm nhỏ, yếu thế, nguyên nhân do bất bình đẳng tôn giáo, do bị phân biệt đối xử.

(iii) Những mâu thuẫn, xung đột, điểm nóng liên quan đến các vấn đề tôn giáo, có thể chỉ là biểu hiện bề ngoài, che đậy các nguyên nhân cơ bản bên trong của xung đột là sự vi phạm các quyền con người, sai lầm và thất bại của chính sách. Các mâu thuẫn, xung đột giữa tôn giáo và chính quyền dưới danh nghĩa bảo vệ quyền tự do tôn giáo, nhưng thực chất liên quan nhiều đến quyền chính trị, quyền kinh tế, quyền con người hơn là quyền tôn giáo. Tập trung phát triển đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và thu hẹp khoảng cách xã hội, phát triển bền vững đất nước là một trong những giải pháp căn cơ ổn định an ninh tôn giáo.

(iv) Quân sự hóa vấn đề tôn giáo, chính trị hóa vấn đề tôn giáo không phải là giải pháp tối ưu, đôi khi lại là một biện pháp cực đoan. Sử dụng lực lượng an ninh, quân đội để giải quyết các “điểm nóng tôn giáo” chỉ là những giải pháp tình thế. Chính phủ không được bỏ qua các vấn đề kinh tế, chính tri - xã hội thực sự đằng sau các cuộc xung đột đó. Cần phải giải quyết tận gốc rễ các vấn đề dân chủ, nhân quyền, chính sách kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, an sinh xã hội... Khi có xung đột, trước tiên là tuyên truyền, vận động, đối thoại, hòa giải để giải quyết xung đột thay cho biện pháp quân sự, bạo lực.

(v) Chính trị ổn định sẽ thúc đẩy vai trò của tôn giáo trong tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội, phát huy sáng kiến đức tin giúp tín đồ trở nên năng động, kiên cường, tự lực hơn trong xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Ngược lại, bất ổn chính trị, lòng tin của người dân vào chính quyền suy giảm, tôn giáo dễ bị lợi dụng trở thành “ngọn cờ tư tưởng” thúc đẩy các phong trào đấu tranh chống lại chính quyền.

(vi) Mối đe dọa tiềm tàng nghiêm trọng đối với an ninh tôn giáo ở Philippines cũng sẽ là mối đe dọa an ninh tôn giáo của cả khu vực Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) vì các tổ chức khủng bố có màu sắc tôn giáo đang chuyển hướng nhằm đến các nước Đông Nam Á. Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ tiến trình của các vấn đề an ninh tôn giáo để phát triển các giải pháp dài hạn, toàn diện, hiệu quả cho chính sách an ninh tôn giáo của nước mình.

Lâu nay, các nguồn lực để đảm bảo an ninh quốc gia thường có xu hướng phân bổ cho các vấn đề chính trị (chế độ), kinh tế (tài nguyên quốc gia), xao nhãng vấn đề an ninh con người, an ninh tôn giáo. Trong bối cảnh an ninh ở Đông Nam Á hiện nay, đến đảm bảo an ninh tôn giáo cần mở rộng trên nhiều vấn đề: bình đẳng, nhân quyền, dân chủ, tham nhũng, nghèo đói, nhà ở, dịch bệnh, định kiến xã hội, tội phạm, khủng bố, suy thoái môi trường tự nhiên,... Các nước Đông Nam Á có thể có những ưu tiên khác nhau trong một loạt các vấn đề an ninh nói trên, nhưng nhìn chung, các nước nên có một chiến lược và chính sách chung cho các vấn đề chính như giảm đói nghèo, giải quyết việc làm, bình đẳng và cơ hội kinh tế cho người dân, phát huy tài nguyên xã hội, con người và tự nhiên để phát triển bền vững đất nước. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực trong giải quyết vấn đề an ninh tôn giáo đòi hỏi cách tiếp cận và giải pháp ở cấp độ quốc tế. Các biện pháp mang tính toàn cầu sẽ có tác động sâu sắc và lâu dài hơn.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2020

(1) Dân số Philippines là 49.961.978 người (năm 2018).

(2) Philippines là một quần đảo bao gồm 7.000 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn nằm ở vị trí thấp và dễ bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

 (3) Philippines “sở hữu” số lượng tín đồ Công giáo lớn thứ ba thế giới, theo đánh giá của giới nghiên cứu quốc tế, Philippines có mức độ cao, bất thường về thách thức an ninh tôn giáo so với các nước khác trong khu vực.

(4) Các cuộc nổi dậy của lực lượng Quân đội Nhân dân Mới (New People’s Army/ NPA).

(5) Đạo Bahá’i du nhập vào Philippineses năm 1921, đến năm 1944, một Hội đồng địa phương đạo Bahá’í được thành lập. Đầu những năm 1960, Đạo Bahá’í  tăng trưởng nhanh chóng, từ 200 tín đồ (năm 1960) lên 1000 tín đồ (năm 1962) và 2000 tín đồ (năm 1963). Năm 1964, Hội đồng Quốc gia của Bahá’ís được thành lập. Năm 1980 có 64.000 tín đồ Bahá’ís và 45 hội đồng địa phương. Năm 2015, ước tính có khoảng 247.500 người theo đạo Bahá’í ở Philippines.

(6) Tín ngưỡng đa thần: vị thần tối cao Tagalog, Bathala, và các con của ông Adlaw, Mayari, và Tala, hoặc vị thần Visaya Kan-Laon. Những người khác thực hành thờ cúng tổ tiên (anitos). Thực hành phép thuật/ ma thuật, chữa bệnh, pháp sư, phù thủy và warlocks (mangkukulam), nữ tư tế (babaylan/ katalonan). Ở các vùng Visaya, người dân tin vào pháp thuật của pháp sư và phù thủy (barang) và các sinh vật thần thoại như aswang (ma cà rồng), duwende (người lùn) và bakonawa (rắn biển khổng lồ),...

(7) Giáo hoàng John Paul II (trị vì từ 1978 - 2005) đã viếng thăm Philippines hai lần (vào năm 1981 và 1995), buổi Thánh lễ do Giáo hoàng John Paul II tổ chức tại Philippines (năm 1995) có tới 4 triệu người tham gia. Tại thời điểm đó, đây là cuộc Thánh lễ đông nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo toàn cầu. Giáo hoàng Phanxicô đã viếng thăm Philippines năm 2015 và tổ chức Thánh lễ tại Quirino Grandstand với 6 triệu người tham dự (phá vỡ kỷ lục cuộc Thánh lễ của Giáo hoàng John Paul II hai mươi năm về trước).

(8) Cuộc cách mạng Quyền lực nhân dân (còn được gọi là Cách mạng EDSA, vì phần lớn các cuộc biểu tình đã diễn ra trên một đoạn dài của Đại lộ Epifanio de los Santos, viết tắt EDSA) là một loạt các cuộc biểu tình bất bạo động chủ yếu diễn ra ở thủ đô Manila của Philippines từ ngày 22 đến ngày 25-2-1986, chống lại tổng thống

Ferdinand Marcos và cáo buộc gian lận bầu cử. Cuộc cách mạng bất bạo động đã dẫn đến sự ra đi của tổng thống Ferdinand Marcos, 21 năm trị vì của ông và khôi phục nền dân chủ ở Philippines. Nó cũng được gọi là Cuộc cách mạng màu vàng do sự hiện diện của dải ruy băng màu vàng trong các cuộc biểu tình sau vụ ám sát thượng nghị sĩ Philippines Jr.Benigno “Ninoy” Aquino, vào tháng 8 năm 1983. Nó được coi là một chiến thắng của người dân trước hai thập kỷ cầm quyền của tổng thống Marcos.

(9) Chì trích sự lãnh đạo độc đoán của Tổng thống E. Marcos (những năm thập niên 70-80 của thế kỷ XX), đặc biệt, sau vụ ám sát B.Aquino (tháng 8 năm 1983) - nhà lãnh đạo của Đảng đối lập được lòng dân chúng, uy tín của chính quyền Tổng thống E.Marcos bị suy giảm mạnh.

(10) Điển hình nhất là nhóm Islam giáo cực đoan mang danh Mautes (một nhóm khủng bố liên kết với IS/Nhà nước tự xưng Islam giáo). Mautes hoạt động không vì mục đích tìm kiếm tiền chuộc, đã từng bắt cóc và chặt đầu hai công dân theo Công giáo làm việc trong xưởng cưa Christian (ở thành phố Lanao) vì bị cáo buộc là làm việc cho chính phủ. Philippines phải đối mặt với áp lực an ninh ngày càng tăng kể từ khi Mautes bao vây thành phố Marawi (thủ phủ của tỉnh Lanao del Sur trên đảo Mindanao ở miền Nam Philippines, nơi đa số dân là người Islam giáo), cuộc xung đột vũ trang giữa lực lượng Mautes và chính phủ kéo dài nhiều tháng (trong năm 2017), hàng ngàn người thiệt mạng. Sau nhiều tháng ròng rã xung đột, Chính phủ Philippines thừa nhận, tuy giới cầm đầu Mautes đã tan rã, nhưng các ‘chân rết” của tổ chức này vẫn hoạt động ngấm ngầm và chờ đợi cơ hội để tập hợp lại với nhau.

Nhóm này cũng đã từng chặt đầu một con tin khi hết thời hạn chuộc và công khai hiển thị các biểu tượng liên kết với IS trong video chặt đầu đó.

Một vụ đánh bom vào Mindanao bên ngoài một nhà thờ Công giáo trong Thánh lễ đêm Giáng sinh làm 13 người bị thương. Cảnh sát cho biết họ nghi ngờ Chiến binh tự do Islam giáo Bangsamoro (một phe ly khai của MILF) và nhóm Maute chịu trách nhiệm về vụ tấn công này. 

Gần đây nhất là vụ đánh bom chợ đêm ở thành phố Davao khiến 15 người thiệt mạng.

(11) Với tên gọi Abu Sayyaf, nhóm này đã tấn công và bắt cóc các phi hành đoàn của các tàu biển nước ngoài để đòi tiền chuộc, sử dụng số tiền đó để tài trợ cho các hoạt động khủng bố khác trên đất liền của Philippines.

(12) Thay thế Hiến pháp năm 1973 (thời Tổng thống Marcos). Sau khi nữ Tổng thống Corazon C.Aquino lên thay, bà đã thành lập Ủy ban Hiến pháp nhằm soạn thảo Hiến pháp mới. Tổng thống Corazon C.Aquino đã bổ nhiệm 50 thành viên cho Ủy ban soạn thảo Hiến Pháp. Các thành viên của Ủy ban bao gồm: một số đại biểu quốc hội cũ, Chánh án Tòa án Tối cao cũ - ông Roberto Concepción, Giám mục Công giáo Teodoro Bacani.

(13) Philippines 2016 International religious freedom report of United States Department of State/ Báo cáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo ở Philippines năm 2016.

(14) Philippines đã nhận được một phần đáng kể trong khoản tài trợ Sáng kiến An ninh Hàng hải 2016 từ Hoa Kỳ. Quân đội Hoa Kỳ đã hỗ trợ kỹ thuật cho AFP.

PGS, TS Đỗ Lan Hiền

Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền