Trang chủ    Quốc tế    Hệ thống liên minh an ninh song phương giữa Mỹ và các nước đồng minh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Lịch sử và hiện tại
Thứ hai, 26 Tháng 10 2020 16:05
7185 Lượt xem

Hệ thống liên minh an ninh song phương giữa Mỹ và các nước đồng minh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Lịch sử và hiện tại

(LLCT) - Xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương (TBD) đã đặt hệ thống liên minh song phương của Mỹ ở khu vực vốn là di sản của thời kỳ chiến tranh Lạnh đứng trước câu hỏi về mục tiêu tồn tại và xu hướng vận động. Tuy nhiên, sự biến đổi sâu sắc của địa chính trị và an ninh khu vực, sự chuyển dịch tương quan sức mạnh và phân bổ cấu trúc quyền lực trong hệ thống quốc tế đã đặt Mỹ và các đồng minh trước những thách thức mới đa dạng, phức tạp và mang tính chiến lược. Do đó, việc tiếp tục duy trì, điều chỉnh và tái định hình hệ thống liên minh khu vực của Mỹ có những động lực mới. Bài viết này tìm hiểu sự vận động trong quan hệ liên minh của Mỹ với 5 đồng minh hiệp ước truyền thống ở khu vực, phân tích và đánh giá sự tiến triển của hệ thống hợp tác an ninh song phương của Mỹ ở khu vực hiện nay.

Các binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc cùng nhau theo dõi một cuộc tập trận tại Trường Huấn luyện Lửa Seungjin gần Seoul_ẢnhLAFP

Từ khóa: hệ thống liên minh an ninh song phương, Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương.

1. Sự vận động của các liên minh an ninh song phương của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương

 - Liên minh Mỹ - Nhật Bản

Nhật Bản là đồng minh mạnh mẽ, kiên định và quan trọng nhất của Mỹ tại châu Á, và liên minh Mỹ - Nhật cũng là trụ cột trong chiến lược của Mỹ tại khu vực. Năm 1951, các hiệp ước an ninh tương hỗ Mỹ - Nhật được ký kết đã hợp pháp hóa sự đồn trú lâu dài của quân đội Mỹ tại Nhật Bản từ sau Thế chiến II và đưa nước này lên vị thế đồng minh và tiền đồn quân sự của Mỹ tại khu vực. Liên minh Mỹ - Nhật được củng cố năm 1960 khi hai bên ký kết “Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Nhật”, theo đó Mỹ cam kết bảo vệ an ninh cho Nhật Bản. Từ đó, an ninh của Nhật Bản gắn chặt với Mỹ và nước này trở thành quân bài quan trọng trong chiến lược khu vực và toàn cầu của Mỹ suốt thời kỳ chiến tranh Lạnh(1).

Sau những bối rối ban đầu của thời kỳ sau chiến tranh Lạnh đầu thập kỷ 1990, quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật được tái định hình và tiếp tục được xác định là trụ cột vững chắc của kiến trúc an ninh khu vực do Mỹ chủ đạo thông qua việc hai bên ký kết “Tuyên bố chung Nhật - Mỹ về an ninh: Liên minh cho thế kỷ XXI” tháng 4-1996. Tuyên bố này cùng với thỏa thuận hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật sửa đổi ký ngày 23-12-1997 đã tái khẳng định mối quan hệ an ninh song phương vững chắc giữa hai nước, đồng thời mở rộng phạm vi hợp tác an ninh song phương trước đây từ mục tiêu trọng tâm là bảo vệ Nhật Bản sang cả mục tiêu hòa bình và an ninh quốc tế tại Viễn Đông(2).  Bản định hướng hợp tác quốc phòng sửa đổi năm 1997 trao vai trò lớn hơn cho Nhật Bản mặc dù quân đội Nhật Bản vẫn chỉ giới hạn ở mức phòng vệ và hỗ trợ lực lượng Mỹ khi bị tấn công trên phạm vi lãnh thổ Nhật Bản và phụ cận. Trong bối cảnh thiếu vắng các cơ chế hợp tác an ninh và quốc phòng đa phương hiệu quả ở khu vực, việc tái khẳng định tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật được hai bên xem là yếu tố bảo đảm cho hòa bình, ổn định và trật tự khu vực.

Bước vào thế kỷ XXI, nhất là những năm gần đây, địa chính trị, cán cân sức mạnh và trật tự khu vực biến đổi nhanh chóng với nhân tố trung tâm là sự trỗi dậy ngày càng theo xu hướng xét lại trật tự khu vực của Trung Quốc. Từ đó, Chính quyền Obama đã tuyên bố chính sách “xoay trục”, “tái cân bằng” về châu Á với một mục tiêu quan trọng là kiềm chế Trung Quốc trở thành một bá quyền khu vực, đảm bảo duy trì vị thế nổi bật của Mỹ. Trong khi đó, Nhật Bản vốn không là người chơi địa chính trị tích cực và thiên hướng chính sách của hầu hết các thủ tướng Nhật sau chiến tranh Lạnh (trừ ông Koizumi) là “Trở lại châu Á” và độc lập hơn với Mỹ, nhưng với sự trở lại vị trí Thủ tướng từ năm 2012, ông Shinzo Abe đã tích cực thúc đẩy Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn trên chính trường khu vực và thế giới. Ông cứng rắn hơn với Trung Quốc, coi trọng củng cố chặt chẽ quan hệ đồng minh với Mỹ. Những nhân tố đó đã trở thành lực đẩy cho quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ giữ được động lực gắn bó. Những định hướng hợp tác an ninh trong “Bản Định hướng sửa đổi hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật” được công bố tháng 5 - 2015 nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được xem là có tính đột phá, sâu rộng chưa từng có và có ảnh hưởng sâu rộng tới an ninh khu vực về dài hạn. Theo đó, hợp tác quốc phòng của liên minh Mỹ - Nhật hiện không chỉ mang tính phòng vệ và ở phạm vi khu vực mà mang bản chất toàn cầu cả về khía cạnh phạm vi địa lý và chức năng(3). Tầm nhìn an ninh khu vực của liên minh Mỹ - Nhật được thể hiện qua văn bản này bao gồm sự bành trướng sức mạnh và tham vọng khu vực của Trung Quốc, hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, sự ổn định của quan hệ Nga-Nhật và thúc đẩy các cơ chế an ninh đa phương khu vực như ARF. Trong đó, Mỹ - Nhật nhấn mạnh mối quan tâm và lợi ích chung trong việc ngăn chặn và đối phó với nguy cơ Trung Quốc bá quyền khu vực như một liên minh thay vì riêng rẽ(4).

Khi Chính quyền Trump triển khai chiến lược Ấn Độ - TBD, Chính phủ Abe đã thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp năm 1947 nhằm thực hiện “chính sách hòa bình tích cực”, theo đó, Nhật Bản gia tăng ngân sách quốc phòng, tăng cường sức mạnh và hiện đại hóa quân đội, diễn giải Điều 9 Hiến Pháp về “quyền phòng vệ tập thể” bên ngoài lãnh thổ. Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ chiến lược “Ấn Độ - TBD” của Mỹ cả về song phương và đa phương, nhất là trong việc phối hợp chiến lược trong bộ tứ Mỹ - Nhật - Úc - Ấn. Những động thái đó cho thấy dù chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Trump khiến quan hệ Mỹ - Nhật có những va đập về lợi ích, nhưng vẫn có nhiều động lực để duy trì và củng cố sự gắn kết cho liên minh song phương mà hai bên xem như là “nền tảng của hòa bình, thịnh vượng và tự do” trong khu vực.

- Liên minh Mỹ - Hàn Quốc

Quan hệ liên minh Mỹ - Hàn sớm ra đời sau Thế chiến II, nhất là sau khi chính phủ thân Mỹ của Tổng thống Synman Rhee được thành lập năm 1948 tại Hàn Quốc. Ngay sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Hiệp ước liên minh Mỹ - Hàn được ký kết ngày 1-10-1953, trong đó quy định trách nhiệm trợ giúp nhau trong trường hợp một trong hai bên bị tấn công, đồng thời mở đường cho việc triển khai lâu dài quân đội Mỹ tại Hàn Quốc. Hàn Quốc từ đó trở nên gắn kết chặt chẽ vào Mỹ về kinh tế và vận mệnh an ninh quốc gia suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, trở thành đồng minh chủ chốt và là nơi đặt những căn cứ quân sự quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á và thế giới, phục vụ cho chiến lược khu vực và toàn cầu của Mỹ.

Đến nay, dù trải qua hơn 50 năm với nhiều biến đổi, nhưng Mỹ - Hàn vẫn duy trì mối quan hệ đồng minh mạnh mẽ và xem điều này có tầm quan trọng thiết yếu đối với hòa bình, ổn định ở Đông Bắc Á. Mỹ hiện vẫn duy trì hơn 28 nghìn quân ở Hàn Quốc, tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung song phương hàng năm. Mỹ cũng trợ giúp Hàn Quốc hiện đại hóa quân đội thông qua việc bán các khí tài quân sự hiện đại cho nước này. Trong giai đoạn 2012 - 2016, Mỹ đã bán trang thiết bị quân sự cho Hàn Quốc trị giá 19,8 tỷ USD, chiếm gần 80% chi phí nhập khẩu quốc phòng của Seoul(5). Hai nước cũng đang thúc đẩy việc chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến thời chiến cho Hàn Quốc (OPCON) nhằm giúp quân đội Hàn Quốc nâng cao năng lực tác chiến và xây dựng lực lượng. Mỹ cũng đang xúc tiến việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) giai đoạn cuối tại Hàn Quốc nhằm nâng cao năng lực cảnh báo sớm cho quân đội Mỹ-Hàn.

Tuy nhiên, liên minh song phương Mỹ - Hàn có một số dấu hiệu rạn nứt bởi chủ nghĩa đơn phương và chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump. Theo một kết quả khảo sát năm 2017, có tới 96% người Hàn Quốc được hỏi khẳng định sự cần thiết duy trì liên minh quân sự Mỹ - Hàn, nhưng nhiều người tỏ ra lo ngại với chính sách quá thực dụng và tiền bạc của Trump. Nhiều người Hàn Quốc lo lắng rằng một lúc nào đó Mỹ có thể sẽ bỏ rơi Hàn Quốc, triệt thoái sự hiện diện quân sự tại bán đảo Triều Tiên hoặc đứng ngoài cuộc xung đột hai miền(6). Ông Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên đã công khai đề cập việc rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc và dừng các cuộc tập trận với Seoul. Ông Trump nhiều lần than phiền rằng, nước Mỹ đã quá tốn kém khi duy trì lực lượng quân đội tại Hàn Quốc để bảo vệ an ninh cho nước này và cho rằng đóng góp của Hàn Quốc cho việc Mỹ bảo đảm an ninh cho mình là không tương xứng. Trong tình thế đó, hai bên đã đàm phán và ngày 10-2-2019 đã ký thỏa thuận về chia sẻ đóng góp cho việc duy trì lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK). Theo thỏa thuận này, Hàn Quốc sẽ phải tăng mức đóng góp từ 850 triệu USD năm 2018 lên 923 triệu USD năm 2019, tăng 8,2 %(7). Hàn Quốc chấp nhận yêu cầu đàm phán lại sau từng năm nhưng con số tăng đóng góp nhỏ hơn nhiều so với yêu cầu của ông Trump.

- Liên minh Mỹ - Philippines

Liên minh Mỹ - Philippines ra đời từ khi hai bên ký hiệp ước phòng thủ chung năm 1951, theo đó sẽ tương trợ nhau nếu một trong hai bên bị tấn công. Suốt thời kỳ chiến tranh Lạnh, Philippines là tiền đồn quân sự và nơi cung cấp hậu cần quan trọng nhất cho sự hiện diện của Mỹ tại Đông Nam Á, nhất là phục vụ cho cuộc chiến xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Sau chiến tranh Lạnh, Chính quyền Corazon Aquino đã thúc đẩy quân đội Mỹ triệt thoái khỏi hai căn cứ quan trọng của Mỹ ở Philippines là căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic. Tuy nhiên, quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines sau đó vẫn vững vàng vì cả hai bên đều coi trọng liên minh này. Trong chiến lược “Tái cân bằng” sang châu Á - TBD của Chính quyền Obama, Philippines được xem là một trụ cột chính. Chính quyền

Benigno Aquino đã ủng hộ nhiệt thành chiến lược khu vực mới của Obama và mối quan hệ Mỹ - Philippines được tăng cường mạnh mẽ.

Philippines là nước nhận nhiều viện trợ tài chính nhất của Mỹ ở Đông Nam Á. Mỹ cũng là nhà cung cấp khí tài quân sự lớn nhất cho Philippines và giúp nước này huấn luyện quân đội. Tháng 11-2011, Mỹ - Philippines ra Tuyên bố Manila khẳng định tầm quan trọng của quan hệ đồng minh chiến lược cũng như chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì tự do, an ninh, an toàn hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và trật tự khu vực. Tháng 4-2014, hai bên đã ký “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA)”, theo đó quân đội Mỹ được tăng cường tiếp cận các căn cứ của Philippines, gia tăng các chuyến thăm của tàu và máy bay Mỹ tới nước này. Hàng năm, quân đội hai nước cũng tiến hành các cuộc tập trận chung, trong đó có cuộc tập trận quy mô lớn mang tên “Balikatan” (vai kề vai) tại Philippines với sự tham gia của hàng chục nghìn binh sĩ hai bên.

Tuy nhiên, sau khi ông Duterte trở thành Tổng thống Philippines tháng 6-2016 đến nay, quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines trải qua giai đoạn sóng gió. Duterte đã “xoay trục” 180 độ mối quan hệ đồng minh thân cận Mỹ - Philippines để chuyển sang thân Trung Quốc - đối thủ và là mục tiêu quan trọng của chính sách “xoay trục” sang châu Á của Mỹ. Ông Duterte đã hạ thấp quan hệ liên minh Mỹ - Philippines, thậm chí xem sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Philippines sẽ khiến nước này gặp rủi ro an ninh cao hơn; đe dọa hủy bỏ các hiệp ước mà Manila đã ký với Washington trong quá khứ. Ngày 5-3-2019, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines còn cho rằng việc hải quân Mỹ tăng cường hoạt động trên Biển Đông có thể khiêu khích Bắc Kinh và lôi kéo Manila vào cuộc chiến tranh không mong muốn với Trung Quốc. Do đó, ông ta kêu gọi xem xét lại hiệp ước quốc phòng với Mỹ trước những thay đổi của môi trường an ninh hiện nay. Mới đây, ngày 21-2-2020, Philipppines đã hạ cấp quan hệ liên minh quân sự với Mỹ khi thông báo chấm dứt Thỏa thuận thăm viếng lẫn nhau (VFA) giữa quân đội hai nước được ký năm 2014.

Mặc dù quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines đang băng giá, nhưng liên minh này khó có thể đổ vỡ hoàn toàn. Trên thực tế, hợp tác quân sự giảm nhưng không đình trệ, các cuộc tập trận chung hàng năm vẫn được duy trì. Ông Duterte nhiều lần lớn tiếng chỉ trích Mỹ nhưng không cắt đứt quan hệ hợp tác với Mỹ. Gần đây, Chính quyền Duterte dường như cũng dần tỉnh ngộ về chính sách xa Mỹ gần Trung. Hơn nữa, người kế nhiệm Duterte rất có thể sẽ thay đổi hoàn toàn đường lối thân Bắc Kinh của người tiền nhiệm để quay trở lại với đồng minh truyền thống.

- Liên minh Mỹ - Thái Lan

Trong số 5 đồng minh chính thức của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, Thái Lan là đồng minh lâu năm nhất của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á và được Mỹ xem như một đồng minh ngoài NATO. Thời kỳ chiến tranh Lạnh, Thái Lan là nơi cung cấp hậu cần cho cuộc chiến xâm lược của Mỹ ở Đông Dương và là một “chiến sĩ tiên phong” trong chiến lược ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản của Mỹ tại khu vực.

Sau Chiến tranh lạnh, quan hệ đồng minh Mỹ - Thái vẫn nồng ấm và cùng với Phillipines, Thái Lan vẫn được xem như một điểm tựa chiến lược để duy trì ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Nam Á. Ngày 15-11-2012, Mỹ và Thái Lan đã ký kết “Tuyên bố tầm nhìn chung đồng minh quốc phòng Mỹ - Thái Lan”, trong đó tái khẳng định Thái Lan là đồng minh ngoài NATO của Mỹ. Tuyên bố xác định các nội hàm chủ yếu trong hợp tác quốc phòng Mỹ - Thái Lan bao gồm: “đối tác xây dựng an ninh khu vực Đông Nam Á; hỗ trợ giữ vững ổn định khu vực; sẵn sàng và nâng cao mức độ hợp tác song phương và đa phương; phát triển, phối hợp và hợp tác Mỹ - Thái Lan ở các cấp”(8). Hai bên vẫn duy trì các cuộc tập trận thường niên mang tên Hổ mang Vàng (Cobra Gold) tại Thái Lan từ năm 1982 tới nay. Băng Cốc cũng nhận được nhiều viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ. Trong các cuộc can thiệp quân sự ở Iraq và Afghanistan năm 2001 và 2003, Mỹ được sử dụng căn cứ U-tapao của Thái Lan như là trung tâm hỗ trợ hậu cần cho các chiến dịch quân sự.

Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014 tại Thái Lan, quan hệ Mỹ-Thái trở nên lạnh nhạt. Mỹ đã hạ cấp quan hệ, giảm, thậm chí ngừng hỗ trợ tài chính cho Thái Lan, giảm hợp tác an ninh, huấn luyện quân sự và quy mô các cuộc tập trận song phương hàng năm, gây sức ép yêu cầu Thái Lan trở lại tiến trình dân chủ. Điều này khiến giới lãnh đạo quân sự Thái Lan bất bình và có xu hướng ngả về Bắc Kinh. Mặt khác, dường như Thái Lan đang trở nên ít quan trọng hơn trong chiến lược của Mỹ đối với khu vực. Những yếu tố vốn gắn kết mối quan hệ đồng minh Mỹ - Thái Lan thời kỳ chiến tranh Lạnh nay đã không còn nhiều giá trị. Mỹ và Thái Lan hiện không có một đối thủ chiến lược chung như thời chiến tranh Lạnh. Thậm chí trong khi Mỹ xem Trung Quốc là đối thủ chiến lược và nhiều nước Đông Nam Á ngầm ủng hộ sự hiện diện của Mỹ để đối trọng với Trung Quốc, Thái Lan lại có xu hướng thân Trung Quốc và bàng quan với các hành vi xét lại trật tự khu vực của Bắc Kinh. Các diễn biến trong quan hệ Mỹ - Thái Lan sau năm 2014 đã làm dấy lên sự hoài nghi về việc liệu mối quan hệ đồng minh Mỹ - Thái Lan có còn được dựa trên một nền tảng vững chắc nữa không và tương lai liên minh ấy sẽ đi về đâu.

Mặc dù quan hệ Mỹ - Thái Lan đã trở nên nhạt nhòa sau năm 2014, việc duy trì liên minh vẫn quan trọng với lợi ích của hai nước. Nếu bỏ rơi một đồng minh hiệp ước lâu năm, Mỹ sẽ làm giảm lòng tin của các quốc gia trong khu vực đối với mình. Vì vậy, sau khi trúng cử Tổng thống, ông Trump đã điện đàm và mời Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chanocha thăm Mỹ vào tháng 10-2017. Sự kiện này cho thấy hai bên sẵn sàng bỏ qua những khúc mắc để duy trì liên minh song phương. Tuy vậy, cho tới nay Mỹ và Thái Lan vẫn đang tiếp tục điều chỉnh, thiết lập lại hướng đi cho tương lai của liên minh này.

- Liên minh Mỹ - Úc

Úc luôn là một trong những đồng minh quan trọng và tin cậy nhất của Mỹ ở châu Á - TBD kể từ thời chiến tranh Lạnh tới nay. Úc luôn ủng hộ và hưởng ứng nhiệt thành các chính sách khu vực của Mỹ. Dù tình hình khu vực và quốc tế thay đổi mau lẹ sau chiến tranh Lạnh, liên minh Mỹ - Úc luôn vững vàng, ít thăng trầm biến động. Dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ rất coi trọng vị trí của Úc trong chiến lược “Tái cân bằng” về châu Á. Chất xúc tác quan trọng tăng cường quan hệ Mỹ - Úc là việc hai bên có cùng mối quan ngại sâu sắc về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Sau khi công bố chiến lược “Tái cân bằng”, Mỹ - Úc đã sớm đạt thỏa thuận đưa 2.500 thủy quân lục chiến Mỹ luân phiên hàng năm đến căn cứ Darwin (Bắc Úc) nhằm tăng cường sự phối hợp trong ứng phó với các thách thức, giữ gìn hòa bình, ổn định khu vực(9). Hai bên cũng đã triển khai lực lượng phối hợp huấn luyện không quân, thiết lập hệ thống trinh sát, do thám tại Úc để giám sát các hoạt động quân sự ở khu vực. Quân đội Mỹ cũng có kế hoạch xây dựng một cảng hải quân mới ở phía Bắc Úc để đón các tàu đổ bộ và tàu ngầm của Mỹ cập bến(10). Hai nước đã thiết lập cơ chế đối thoại thường niên 2+2 giữa bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao (AUSMIN), tiến hành tập trận quân sự chung, chia sẻ thông tin tình báo, phối hợp các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở khu vực, bao gồm Biển Đông.

Tuy nhiên, quan hệ đồng minh Mỹ-Úc dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không được êm ả. Dù nhiệt thành trợ giúp Mỹ triển khai các chiến lược tại châu Á, nhưng dư luận và chính giới Úc gần đây tỏ ra lo lắng với chính sách của Trump, thậm chí nghĩ tới viễn cảnh ngày nào đó Washington rời bỏ khu vực và bỏ rơi Canberra. Vì vậy, Úc có xu hướng trở nên chủ động và độc lập hơn trong chính sách khu vực của mình cũng như trong quan hệ với Mỹ. Hơn nữa, dù vẫn coi trọng hàng đầu quan hệ đồng minh, ủng hộ sự can dự tích cực của Mỹ ở khu vực, Úc cũng không muốn gây hiềm khích với Trung Quốc - đối tác kinh tế lớn nhất của nước này.

Dù có những va chạm ở đầu nhiệm kỳ của Trump, liên minh Mỹ - Úc đã tồn tại nhiều thập kỷ qua với sự tin cậy đến nay cơ bản vẫn ổn định. Trong bối cảnh bất ổn chiến lược tại khu vực gia tăng và Chính quyền Trump triển khai chiến lược Ấn Độ - TBD, liên minh Mỹ - Úc đóng vai trò quan trọng đối với cả hai bên. Do vậy, Ngoại trưởng Úc Marise Payne khi mới nhậm chức tháng 10-2018 đã tuyên bố rằng, liên minh Mỹ -Úc quan trọng hơn bao giờ hết trong kỷ nguyên leo thang căng thẳng ở khu vực Ấn Độ - TBD hiện nay và rằng chính những thách thức địa chính trị ở khu vực hiện nay khẳng định tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Úc(11).

2. Đánh giá về hệ thống liên minh an ninh song phương giữa Mỹ và các đồng minh ở khu vực châu Á - TBD trong thế kỷ XXI

Thứ nhất, mặc dù bối cảnh quốc tế, khu vực hiện nay đã biến đổi sâu sắc, hệ thống liên minh an ninh song phương vẫn là xương sống trong hợp tác an ninh của Mỹ ở châu Á - TBD, là điểm tựa quan trọng nhất cho chiến lược của Mỹ ở khu vực.

Trong khi ở châu Âu, vai trò lãnh đạo an ninh, duy trì trật tự khu vực của Mỹ được thể hiện qua cơ chế đa phương NATO, thì ở châu Á, mạng lưới các liên minh an ninh song phương kiểu “trục và nan hoa” giữa Mỹ với các đồng minh là công cụ quan trọng nhất để Washington duy trì cân bằng chiến lược, đảm bảo vị thế của mình như một cường quốc Thái Bình Dương(12). Trong khi các cơ chế đa phương về an ninh ở châu Á - TBD như ARF, Đối thoại Shangri-la, ADMM+, hay Cấp cao Đông Á mà Mỹ tham gia tỏ ra ít hiệu quả, thì mạng lưới các đồng minh, đối tác ở khu vực vẫn là điểm tựa để Mỹ triển khai chiến lược lớn, duy trì sự ổn định và trật tự khu vực do Mỹ chủ đạo. Do vậy, dù bối cảnh thay đổi, nhưng khi nào Mỹ vẫn đủ khả năng duy trì hệ thống liên minh, khi đó hệ thống này sẽ vẫn là trụ cột trong chiến lược khu vực của Mỹ. 

Với chiến lược “Tái cân bằng” sang châu Á của Obama và nay là chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương: tự do và rộng mở” của chính quyền Trump thì mạng lưới đồng minh và đối tác khu vực đóng vai trò quan trọng. Ngay cả khi Trump đề cao lợi ích “nước Mỹ trên hết”, sẵn sàng vứt bỏ các cam kết quốc tế, tìm cách nhấn chìm mọi di sản của Obama, bỏ qua các khuôn phép đối ngoại truyền thống nhưng vẫn không phá bỏ hệ thống liên minh khu vực mà bao thế hệ lãnh đạo Mỹ đã dày công xây dựng mà cơ bản chiến lược khu vực của Trump là sự nối tiếp của “Tái cân bằng”. Điều đó cho thấy hệ thống liên minh song phương vẫn là trụ cột trong chiến lược khu vực của Trump. Chiến lược an ninh quốc gia tháng 12-2017, Chiến lược Quốc phòng năm 2018, các Đạo luật Ủy quyền quốc phòng năm 2019 và 2020 của Chính quyền Trump vẫn đề cao vai trò của việc củng cố quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh, đối tác ở khu vực nhằm xây dựng một cấu trúc an ninh liên kết có khả năng ngăn chặn các nguy cơ, duy trì ổn định và bảo đảm trật tự khu vực dựa trên luật lệ.

Thứ hai, mục tiêu của hợp tác an ninh giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác trong khu vực cũng thay đổi trong bối cảnh mới

Hệ thống đồng minh song phương của Mỹ ở khu vực là sản phẩm của thời kỳ chiến tranh Lạnh đỉnh cao. Mục tiêu chính yếu của nó là ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô, Trung Quốc và sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản ở châu Á theo Học thuyết Domino vốn rất có ảnh hưởng trong chính giới Mỹ khi đó. Bước sang thế kỷ XXI, về căn bản, mục tiêu chiến lược nhất quán và kinh điển của Mỹ vẫn là ngăn chặn sự xuất hiện của bá quyền khu vực, đảm bảo luôn duy trì ngôi vị trên đỉnh cao nhất của tháp quyền lực ở châu Á. Ở khía cạnh này, dù là chiến lược “xoay trục” của Obama hay “Ấn Độ - TBD tự do và rộng mở” của Trump, Trung Quốc được xem như “con voi trong phòng hội nghị”. Tuy nhiên, mỗi liên minh song phương của Mỹ phục vụ những mục tiêu cụ thể khác nhau. Trong khi liên minh Mỹ - Hàn xuất phát từ nhu cầu bình ổn tình hình bán đảo Triều Tiên, hợp tác an ninh Mỹ - Đài Loan được xem là biện pháp răn đe Trung Quốc dùng vũ lực thu hồi hòn đảo. Liên minh Mỹ - Philippines có mục tiêu lớn là tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi liên minh Mỹ - Úc vừa nhằm kiềm chế Trung Quốc, vừa đảm bảo trật tự khu vực. Bên cạnh đó, hợp tác với các đồng minh nhằm bảo đảm tự do hàng hải, hàng không, duy trì nền thương mại mở, đối phó với các nguy cơ an ninh phi truyền thống, đảm bảo hòa bình, ổn định và trật tự dựa trên luật lệ do Mỹ lãnh đạo cũng là những mục tiêu quan trọng của Mỹ ở châu Á - TBD trong thế kỷ XXI(13).

Thứ ba, các liên minh an ninh song phương của Mỹ không có giá trị ngang bằng nhau, tức tầm quan trọng của mỗi liên minh cũng khác nhau và thay đổi, do đó, cam kết và ưu tiên hành động của Mỹ đối với các đồng minh là khác nhau.

Tầm quan trọng của mỗi liên minh, đối tác an ninh cũng như giá trị cam kết của Mỹ đối với các đồng minh, đối tác đi theo logic là đồng minh thì quan trọng hơn không đồng minh, đồng minh hiệp ước quan trọng hơn đồng minh không có hiệp ước ràng buộc. Theo logic đó, Mỹ sẽ đối xử và bảo vệ các đồng minh một cách công bằng. Nhưng thực tế là khác, luôn có những ngoại lệ và “phân biệt đối xử”. Ngay với các đồng minh có hiệp ước tương trợ phòng thủ với Mỹ cũng được Mỹ đối xử khác nhau. Tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật, Mỹ - Hàn là khác với Mỹ -Philippines, Mỹ - Thái Lan. Cam kết và hành động của Mỹ đối với Nhật Bản và Philippines trong tranh chấp biển, đảo với Trung Quốc cũng khác nhau. Mặt khác, do sự vận động của bối cảnh khu vực, của lợi ích quốc gia, của các mối đe dọa an ninh, của nhu cầu và ưu tiên chiến lược mà có những đồng minh truyền thống (Thái Lan, Philippines dưới thời Duterte, Pakistan) nay đã giảm tầm quan trọng và ưu tiên trong chính sách của Mỹ, trong khi một số nước khác (Ấn Độ, Indonesia), thậm chí là cựu thù (Việt Nam) lại ngày càng trở thành các đối tác an ninh quan trọng trong chiến lược khu vực của Mỹ. Hệ thống đồng minh, đối tác an ninh của Mỹ ở khu vực do đó là một bức tranh đa sắc với sự tổng hòa của các mảnh ghép và vận động dựa trên bối cảnh khu vực, lợi ích quốc gia và tầm nhìn của lãnh đạo các bên mà trước hết là của Mỹ.

Thứ tư, mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh khu vực hiện nay mang màu sắc khác trước, đi theo hướng độc lập, bình đẳng hơn, chứ không “một chiều” như trong chiến tranh Lạnh cả về quyền lợi và nghĩa vụ.

Theo đó, quan hệ kiểu Mỹ “bảo kê”, dẫn dắt, bao bọc, các đồng minh phụ thuộc một chiều vào Mỹ về nhiều mặt đã giảm dần, thay vào đó là quan hệ mang tính bình đẳng hơn. Mỹ có xu hướng khuyến khích các đồng minh gắn kết với nhau, tự bảo vệ, độc lập tự chủ hơn mà ít dựa giẫm Mỹ, phải gánh trách nhiệm lớn hơn trong các vấn đề an ninh và duy trì trật tự khu vực, chia sẻ về tài chính lớn hơn với Mỹ. Sự thay đổi này một mặt sẽ tạo điều kiện cho các nước đồng minh tự chủ hơn về an ninh, quân sự và nâng cao năng lực tự ứng phó trước các thách thức, mặt khác cũng giúp Mỹ bớt gánh nặng để tập trung vào nâng cấp sức mạnh quốc gia. Sự đổi mới và chuyển biến trong quan hệ đồng minh giữa Mỹ và các nước ở khu vực được thúc đẩy bởi ba nhân tố hòa quyện: 1) vị thế và sức mạnh của Mỹ đã giảm sút tương đối, Mỹ không thể mãi bao bọc đồng minh như trước, đặc biệt chính sách “nước Mỹ trên hết” của Trump đã coi đồng minh như một gánh nặng cho nước Mỹ; 2) bối cảnh địa chính trị ở khu vực thay đổi sâu sắc và sự lớn mạnh của chính các đồng minh đã tạo điều kiện cho Mỹ chuyển hướng đổi mới quan hệ đồng minh, đồng thời tìm kiếm những đồng minh và đối tác tiềm năng mới; 3) các đồng minh đã lớn mạnh về mọi mặt cũng không muốn phụ thuộc mãi vào Mỹ, mặt khác những lo ngại về an ninh quốc gia đã biến đổi, và họ cũng nghĩ tới viễn cảnh một ngày nào đó trong tương lai Mỹ sẽ rút khỏi các cam kết ở châu Á, lúc đó họ sẽ rơi vào thế bấp bênh chiến lược.

Từ thực tế trên cho thấy hệ thống liên minh song phương do Mỹ chủ đạo ở khu vực gần đây không đơn thuần giữ hình thái “trục và nan hoa” như trước, mà trở nên đa sắc thái, đa diện, tản quyền hơn, theo xu hướng phối hợp và nâng cao, đan xen trong các hợp tác, liên kết đa dạng, nhiều bên. Các đồng minh, đối tác chủ chốt của Mỹ ở khu vực như Nhật, Úc, Ấn có xu hướng hình thành những cơ chế hợp tác mới, tạo cho mình vai trò, thế đứng chủ động hơn trong cấu trúc an ninh và quyền lực mới ở châu Á. Hơn nữa, một động lực sâu xa của xu hướng liên kết các cường quốc tầm trung khu vực là do cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt, họ lo ngại viễn cảnh bị kẹt trong thế đối đầu hoặc thỏa hiệp Mỹ - Trung. Những chuyển động nêu trên sẽ có tác động quan trọng tới sự vận động và định hình cấu trúc an ninh khu vực sắp tới.

Thứ năm, hệ thống các đồng minh và đối tác an ninh của Mỹ tại khu vực đang vận động phức tạp theo hướng vừa hướng tâm, vừa ly tâm trước biến động địa chính trị khu vực và sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trong chiến tranh Lạnh, do thống nhất ở mục tiêu ý thức hệ và đối đầu Đông - Tây, các đồng minh của Mỹ dù có những khác biệt, mâu thuẫn nhưng nói chung khá thống nhất và gắn kết xung quanh Mỹ, xu hướng hướng tâm do đó là nổi bật. Ngày nay, các liên minh của Mỹ ở khu vực là một hệ thống phức tạp, đa dạng về lợi ích, trong nhiều trường hợp không đồng nhất về tầm nhìn, mục tiêu và hành động. Những biến động địa chính trị khu vực với sự suy giảm sức mạnh của Mỹ, sự trỗi dậy của Trung Quốc, cạnh tranh cường quốc gia tăng, những thách thức an ninh ngày càng đa dạng và phức tạp làm xuất hiện cả những lực hướng tâm và ly tâm trong khối đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực. Trong xu hướng ly tâm, giữa Mỹ và các đồng minh cũng như giữa các đồng minh của Mỹ xuất hiện ngày càng nhiều va chạm, bất đồng về lợi ích và giá trị, về nhận thức các mối đe dọa an ninh chung, về ứng xử với Trung Quốc, về nhận thức chính sách khu vực của Mỹ dưới thời Trump. Thương chiến Nhật-Hàn, chính sách “nước Mỹ trên hết” của Trump, sự “xa Mỹ gần Trung” của Thái Lan, đặc biệt là Philippines... cho thấy xuất hiện những xói mòn, vết nứt trong hệ thống liên minh của Mỹ. Nhiều đồng minh, đối tác của Mỹ tỏ ra bất bình với chính sách của Trump và hoài nghi cam kết lâu dài của Mỹ ở khu vực có thiên hướng điều chỉnh chính sách thiên Mỹ để chuyển sang hợp tác và thích ứng với Trung Quốc. Mặc dầu vậy, lực hướng tâm, tập hợp quanh Mỹ và gắn kết với nhau trong những hợp tác song phương, ba, bốn bên (liên kết Nhật-Úc; Nhật - Philippines; “Tứ giác kim cương”; Tam giác Nhật-Úc-Ấn; Úc-Ấn; Đối thoại 2+2 giữa Mỹ với các đồng minh, đối tác; hợp tác ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc, Mỹ - Nhật Bản - Úc, Mỹ - Ấn Độ - Úc ...) cũng là khá rõ. Nhân tố then chốt tạo ra sự hướng tâm trong hệ thống liên minh của Mỹ là sự quan ngại ngày một gia tăng về xu hướng bành trướng sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc. Về phía chính quyền Trump, sau những trục trặc ban đầu đã dần có những điều chỉnh nhằm trấn an các nước về cam kết của Mỹ ở khu vực cũng như mối quan hệ liên minh bền vững giữa Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, để trấn an các nước đồng minh và đối tác khu vực đòi hỏi Mỹ phải sẵn sàng đương đầu với các hành vi bành trướng và xét lại trật tự khu vực của Trung Quốc(14).

Thứ sáu, trong khi mạng lưới hợp tác an ninh song phương của Mỹ vẫn duy trì vai trò then chốt trong đảm bảo trật tự khu vực do Mỹ chủ đạo nhưng trước bối cảnh mới, nó cần được bổ sung, tương hỗ và củng cố bởi các cơ chế đa phương.

Sự phát triển của chủ nghĩa đa phương là phù hợp với xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở khu vực, nó cũng được xem như là một chiến lược khu vực quan trọng để giữ chân Mỹ ở khu vực nhằm cân bằng với một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. Trong khi đó, các cơ chế hợp tác đa phương cũng góp phần củng cố vai trò, vị thế của Úc trong các vấn đề khu vực cũng như trong cuộc cạnh tranh cường quốc với Trung Quốc ở khu vực hiện nay. Do đó, bên cạnh các dàn xếp an ninh song phương, Mỹ vẫn xem các cơ chế hợp tác an ninh đa phương toàn khu vực như một phần bổ sung không thể thiếu cho việc định hình cấu trúc an ninh khu vực hiện tại và trong tương lai(15). Thực tế là, Mỹ vẫn tham gia tích cực tại các diễn đàn an ninh đa phương khu vực hiện hữu như ARF, Shangri-La, ADMM+... r

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2020

(1) Xem phân tích sâu hơn về liên minh Nhật Bản - Mỹ thời kỳ chiến tranh Lạnh tại Umbach, E. (2000), “The future of the US-Japanese security alliance, in J.Dosch and M. Mols (eds), International Relations in the Asia-Pacific: New Patterns of Power, Interest, and Co-operations, New York: Palgrave, 111-154.

(2) “Bản Hướng dẫn Hợp tác Quốc phòng” mới củng cố liên minh Mỹ-Nhật, Nghiên cứu biển Đông, ngày 12-5-2015.

(3) Security Consultative Committee (Japan-US), Guidelines for Japan-U.S. Defense Cooperation, (Tokyo, 2015), http://www.mod.go.jp.

(4), (15). Dosch, Jörn (2004), “The United Sates in the Asia Pacific”, in M.K.Connors, R.Davison, & J.Dosch, The New Global Politics of the Asia Pacific, New York: RoutledgeCurzon, pp.12-22.

(5), (7) Thu Hiền, “Liên minh Hàn - Mỹ đáng giá bao nhiêu?”, Báo Quốc tế, 15-2-2019, https://baoquocte.vn.

(6) Sơn Trần: Mỹ, Hàn rạn nứt vì Tổng thống Trump quá “tiền bạc”, Tổng thống Moon quá tình cảm?, Zing.vn, 14-1-2019, https://news.zing.vn.

(8) Nguyễn Thu Phương: “Chính sách đồng minh trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ và những điều chỉnh hiện nay”, Tạp chí Cộng sản, ngày 15-8-2019.

(9) Xem: Australian Defence Facilities: “US Marine Rotational Force-Darwin”, Nautilus Institute, September 30, 2013, http://nautilus.org.

(10) “Australia says U.S. plans to build military infrastructure”, Reuters, July 330, 2019, https://af.reuters.com.

(11) “Ngoại trưởng Marise Payne đề cao liên minh Australia - Mỹ”, 15-10-2018, https://baomoi.com.

(12) Nicholas Spykman (2008), America’s Strategy in World Politics. London: Transaction Publishers

(13) Ott, M. (2001), “East Asia: Security and Complexity”, Current History, No.645, p.152.

(14) Timothy R. Heath (2014), “China and the U.S. Alliance System”, The Diplomat, June 14, http://thediplomat.com.

TS Nguyễn Văn Du

TS Ngô Chí Nguyện

Viện Quan hệ quốc tế,

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền