Trang chủ    Quốc tế    Bảo vệ quyền của phụ nữ ở các nước châu Á
Thứ hai, 26 Tháng 10 2020 16:13
2409 Lượt xem

Bảo vệ quyền của phụ nữ ở các nước châu Á

(LLCT) - Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người và các Công ước quốc tế về quyền con người (năm 1966) đều khẳng định quyền bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ trong việc hưởng thụ tất cả các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Đối với các nước châu Á, bài viết xin giới thiệu cơ sở pháp lý bảo vệ quyền của phụ nữ ở các nước châu Á; thực trạng pháp luật và thực trạng bảo vệ quyền của phụ nữ ở các nước châu Á; trên cơ sở đó, đưa ra một số kết luận và khuyến nghị nhằm bảo vệ tốt hơn quyền của phụ nữ ở các nước châu Á. 

Từ khóa: Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người; quyền của phụ nữ ở các nước châu Á.

1. Cơ sở pháp lý bảo vệ quyền của phụ nữ ở các nước châu Á

Cơ sở pháp lý bảo vệ quyền của phụ nữ ở các nước châu Á bao gồm: (1) Công ước về các quyền chính trị của phụ nữ năm 1952. (2) Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ năm 1979. (3) Nghị định thư bổ sung của Công ước về xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1999. (4) Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp quốc năm 2009. (5) Tuyên bố về xóa bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ năm 1967. (6) Tuyên bố về bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong tình trạng khẩn cấp và xung đột vũ trang năm 1974. (7) Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực với phụ nữ năm 1993.

Ở phạm vi khu vực châu Á, các nước đã thông qua ba tuyên bố ASEAN liên quan đến quyền của phụ nữ, đó là Tuyên bố vì sự tiến bộ của phụ nữ năm 1988; Tuyên bố về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ ở khu vực châu Á năm 2004 và Tuyên bố ASEAN về chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2004. Để thực thi các tuyên bố này, các kế hoạch làm việc đã được xây dựng và thông qua như Kế hoạch làm việc vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới (2009 - 2018) và Kế hoạch làm việc nhằm triển khai Tuyên bố về bạo lực chống lại phụ nữ (2009 - 2018). Trong khuôn khổ ASEAN, Ủy ban ASEAN về phụ nữ có nhiệm vụ phối hợp và giám sát hoạt động hợp tác giữa các nước đối với các vấn đề về phụ nữ. Ủy ban này họp thường niên và mỗi nước thành viên luân phiên nhau giữ ghế Chủ tịch Ủy ban. Hiện nay, bản Hiến chương ASEAN đã được hầu hết các nước châu Á phê chuẩn. Đây sẽ là cơ sở pháp lý rất quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền, trong đó có quyền phụ nữ ở khu vực Đông Nam châu Á.

Bên cạnh các văn kiện quốc tế, ở mỗi quốc gia thuộc khối ASEAN đều có các văn bản pháp luật riêng tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ sự bình đẳng giới và đảm bảo những quyền cơ bản của phụ nữ. Văn bản pháp luật quan trọng nhất phải kể đến là Hiến pháp - đạo luật cơ bản của mọi quốc gia. Trong Hiến pháp Indonesia(1) có Phần X - Công dân và người cư trú, trong đó quy định về các quyền con người cơ bản. Hiến pháp Philippines năm 1987 ghi nhận Tuyên ngôn về các quyền tại Điều 13 với 22 khoản. Bên cạnh đó, trong Điều 13 - Công bằng xã hội và nhân quyền, có Khoản 14 quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ người phụ nữ. Hiến pháp Thailand năm 1997 mở rộng các quyền cơ bản của con người lên 40 quyền (so với 9 quyền theo Hiến pháp năm 1932)(2).

Bên cạnh Hiến pháp, các văn bản pháp luật khác như bộ Luật Dân sự, Luật Gia đình,  Luật Lao động đều cụ thể hóa các quyền công dân nói chung và quyền phụ nữ nói riêng. Ví dụ, Singapore có Hiến chương phụ nữ năm 1961, sửa đổi năm 1996; Lào có Luật về bảo vệ và phát triển của phụ nữ (2004); Brunei ban hành Luật gia đình Hồi giáo, Luật về phụ nữ đã kết hôn, Luật bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái. Đa số các nước ban hành luật về chống bạo lực gia đình như Malaysia (1994), Philippines (2002), Indonesia (2004), Lào (2004), Campuchia (2005), Thailand (2007), Việt Nam (2007). Nhiều nước đã thông qua luật chống buôn bán người (hoặc phụ nữ và trẻ em) như Thailand (1997), Philippines (2003), Myanmar (2005), Campuchia, Indonesia và Malaysia (cùng năm 2007). Trong khu vực châu Á, Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới (2006) và Thailand đang trong quá trình soạn thảo Luật này.

Tuy nhiên, đạo Hồi là tôn giáo khá phát triển ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt Brunei với 67% dân số theo đạo Hồi, coi Hồi giáo là quốc đạo; lndonesia là nước có tín đồ Hồi giáo đông nhất trên thế giới, ước tính hơn 100 triệu người; Malaixia cũng có tỷ lệ người theo Hồi giáo cao. Pháp luật ở các nước này được xây dựng dựa trên niềm tin vào Thánh Allah và những nguyên tắc của Hồi giáo nên có ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện các quyền của phụ nữ.

2. Thực trạng quyền bình đẳng về kinh tế của phụ nữ ở các nước châu Á

Theo các kết quả nghiên cứu, phụ nữ châu Á phải đảm nhiệm phần lớn công việc chăm sóc việc nhà không công và thông thường, các công việc này không được xã hội thừa nhận là công ăn việc làm và bị loại ra khỏi các số liệu thống kê kinh tế. Bất bình đẳng kinh tế giữa nam và nữ còn do thái độ và đức tin bén rễ lâu đời làm giảm cơ hội và quyền tự chủ của phụ nữ. Ở rất nhiều nước, phụ nữ làm phần lớn công việc chăm sóc gia đình và việc nhà không được trả công, trung bình cao hơn gấp 2,5 lần so với nam giới(3). Công việc này bao gồm các việc như nấu ăn, dọn dẹp, giặt quần áo, chăm sóc cho người trong gia đình, gánh nước và kiếm củi. Đó là những công việc cần thiết để tái tạo sức lao động, cho hạnh phúc và sức khỏe của cá nhân, gia đình, cộng đồng và cả nền kinh tế. Tuy nhiên, các công việc này không được tính tới trong các biện pháp truyền thống của nền kinh tế và thường các chính sách kinh tế không công nhận hoặc đầu tư chính đáng cho các công việc này, làm cho bất bình đẳng trở nên tồi tệ hơn. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ nghèo có xu hướng dành nhiều thời gian vào công việc chăm sóc gia đình hơn những người phụ nữ giàu và ở các nước có mức độ bất bình đẳng kinh tế cao hơn thì sự khác biệt còn lớn hơn(4). Theo ước tính, thời gian phụ nữ dành cho công việc chăm sóc việc nhà không được trả công có thể được định giá ở mức 10 nghìn tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Không bình đẳng trong phân công trách nhiệm đối với phụ nữ liên quan tới công việc chăm sóc việc nhà không được trả công là một yếu tố quyết định quan trọng thể hiện bản chất bất bình đẳng kinh tế dựa trên yếu tố giới. Nó tạo ra “nghèo về thời gian”, hạn chế sự lựa chọn của phụ nữ và thời gian dành cho công việc, hay tham gia vào đời sống công cộng, thời gian nghỉ ngơi hoặc giải trí. Nó cũng là một yếu tố góp phần làm cho tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động thấp hơn, tập trung vào công việc bán thời gian và công việc lương thấp.

Từ năm 2009 đến 2018, hệ số bất bình đẳng Gini trung bình ở châu Á, tương ứng với tỷ lệ phân phối thu nhập trong phạm vi một quốc gia, tăng gấp đôi so với phần còn lại của thế giới và thậm chí còn tăng nhanh hơn ở những nước có dân số lớn như Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc. Các nền kinh tế mới nổi này đang chịu sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập với tốc độ nhanh chóng. Điều này cho thấy các nước có mức tăng trưởng cao nhất không phải lúc nào cũng chia sẻ lợi ích một cách công bằng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát hiện ra rằng, sự gia tăng bất bình đẳng ở mức cực đoan trong khu vực phần lớn được thúc đẩy bởi sự gia tăng thu nhập của những người đứng đầu nền kinh tế(5). Trong giai đoạn 2009 - 2018, tỷ lệ thu nhập của nhóm 70% người thu nhập thấp hơn lại giảm trong khi tỷ lệ đó của nhóm 10% người thu nhập cao nhất lại tăng nhanh. Thực tế này không phải là duy nhất ở châu Á, mà là một phần của xu hướng toàn cầu theo hướng tập trung của cải vào tay một nhóm nhỏ những người giàu có trong xã hội(6) . Xu hướng bất bình đẳng mang yếu tố giới ngày càng gia tăng trên khắp châu Á. Nhìn chung, đa phần những người giàu nhất trong xã hội là nam giới, trong khi phụ nữ tiếp tục tập trung trong các công việc có mức lương thấp nhất và không có được sự bảo đảm lâu dài, bền vững.

Một số nước ở châu Á, bao gồm cả Campuchia và Việt Nam đã quy định chống phân biệt đối xử trong tuyển dụng dựa trên giới tính; ở Bangladesh và Philippines, pháp luật quy định công việc có giá trị ngang nhau cần được trả lương như nhau(7). Tuy nhiên, vẫn còn một hố sâu ngăn cách giữa các cam kết trên giấy và đạt được bình đẳng kinh tế giữa nam và nữ trong thực tế. Bất bình đẳng về tiền lương và cơ hội giữa nam và nữ vẫn tồn tại trong toàn khu vực và vượt ra ngoài khu vực. Tại châu Á, 75% công việc của phụ nữ là ở khu vực không chính thức, không được tiếp cận các phúc lợi như trợ cấp ốm đau, nghỉ thai sản hoặc hưu trí(8). Khoảng cách giới trong việc làm là khác nhau trong khu vực: Ở các nước Đông Nam Á, chênh lệch về tỷ lệ tham gia làm việc giữa nam và nữ thấp hơn so với ở các nước Nam Á. Năm 2018, tại Lào cứ 100 nam giới được tuyển dụng thì có 105 phụ nữ được tuyển dụng; ở XriLanka, tỷ lệ này là 100/42 và ở Pakitxtan là 100/27(9). Ở Bangladesh, 65% phụ nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, so với 40% nam giới(10). Sự chênh lệch tiền lương giữa hai giới là một dấu hiệu của sự bất bình đẳng giới dai dẳng ở châu Á. Tiền lương của phụ nữ ở tất cả các nước chỉ bằng 70-90% lương của nam giới(11). Điều kiện làm việc nghèo nàn trong các ngành sản xuất mà nữ chiếm ưu thế là thách thức hàng ngày đối với hàng triệu phụ nữ ở châu Á. Lao động nữ phải chịu đựng thời gian làm việc kéo dài, áp lực tâm lý và quấy rối tình dục, cộng với các tiêu chuẩn an toàn không đầy đủ tại nhiều nơi làm việc là những quan ngại đối với sức khỏe và đời sống của họ.

3. Kết luận và khuyến nghị nhằm bảo vệ tốt hơn quyền của phụ nữ ở các nước châu Á

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về thực trạng pháp luật và thực trạng quyền của phụ nữ ở các nước châu Á, chúng tôi cho rằng, cần thiết có các biện pháp khẩn cấp để giải quyết bất bình đẳng giới và các hình thức bất bình đẳng khác dẫn tới vị thế kinh tế thấp của phụ nữ. Các biện pháp này bao gồm việc thực hiện mức lương đủ sống, tăng cường tiếp cận an sinh xã hội, áp dụng chính sách thuế lũy tiến để tài trợ cho dịch vụ công toàn dân chất lượng tốt. Công nhận, giảm bớt và phân công lại công việc chăm sóc gia đình và việc nhà không được trả công. Quan tâm tới việc mở rộng lợi ích thụ hưởng cho người lao động trong nền kinh tế không chính thức mà đa số họ là phụ nữ. Việc làm bền vững - một trong những mục tiêu phát triển bền vững - có thể là một trong những giải pháp chủ yếu để giải quyết tình trạng bất bình đẳng gia tăng, nếu những người ở vị trí quyền lực thúc đẩy theo hướng chuyển đổi từ việc làm “con đường thấp” sang việc làm “con đường cao”. Một sự chuyển đổi như vậy sẽ có tác động đáng kể, đặc biệt đối với phụ nữ hiện đang tập trung trong các công việc được trả lương bèo bọt và bấp bênh. Với sự hỗ trợ tích cực của chính phủ, các công ty và xã hội dân sự, chúng ta có thể tạo ra một thế giới mà công việc của người lao động được bảo đảm với một mức lương đủ sống.

Để đạt được mức lương bình đẳng và đủ sống, Chính phủ các nước ở châu Á có thể đánh giá và chỉnh sửa pháp luật lao động hiện hành nhằm bảo đảm quyền tự do liên kết thực sự và quyền của người lao động được thành lập tổ chức công đoàn độc lập. Đánh giá các tiêu chuẩn tiền lương hiện tại để đảm bảo người lao động giúp việc gia đình, người lao động di cư và người lao động phi chính thức đều được áp dụng tất cả các luật tiêu chuẩn lao động hiện tại và tương lai. Phối hợp hành động thông qua các diễn đàn khu vực như ASEAN và đảm bảo một sân chơi bình đẳng, nghĩa là các nước không loại trừ nhau, bằng cách nâng mức lương tối thiểu; đảm bảo áp dụng và thực thi pháp luật về tiêu chuẩn lao động mở rộng đối với những người lao động tại nhà, lao động di cư và lao động phi chính thức; chấm dứt chênh lệch lương giữa nam và nữ; thúc đẩy các chuẩn mực xã hội và thái độ tích cực đối với việc làm của phụ nữ.

Chính phủ và doanh nghiệp có thể cam kết nâng mức lương tối thiểu lên mức đủ sống, xây dựng lộ trình cho việc này thông qua tham khảo ý kiến với người lao động và công đoàn. Cam kết xóa bỏ khoảng cách lương giữa hai giới cả trên quy định của chính sách và thực thi trên thực tế. Thúc đẩy các chuẩn mực xã hội và thái độ tích cực đối với việc làm của phụ nữ. Doanh nghiệp có thể đảm bảo cho phụ nữ tiếp cận các cơ hội việc làm tốt và việc làm bảo đảm, không phân biệt đối xử tại nơi làm việc và phụ nữ có quyền thành lập tổ chức của họ. Đảm bảo hình thức việc làm chủ yếu là việc làm thường xuyên, hợp đồng dài hạn và ký trực tiếp; bất kỳ thay đổi nào khác với hình thức này đều phải có lý do chính đáng, có kế hoạch, có giới hạn và được quản lý. Công nhận và tôn trọng quyền của mọi người lao động về một mức lương đủ sống, hỗ trợ và thi hành các chính sách hướng tới mức lương đủ sống trong phạm vi kinh doanh của mình và ở các cấp địa phương, quốc gia và khu vực. Công nhận, giảm bớt và phân công lại công việc chăm sóc gia đình không được trả công. Chính phủ có thể công nhận sự đóng góp của công việc chăm sóc gia đình và việc nhà không được trả công đối với nền kinh tế và giúp giảm gánh nặng cho phụ nữ thông qua cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ em và người cao tuổi, cho phép nghỉ về việc gia đình và đi khám bệnh được trả lương, quy định giờ làm việc linh hoạt và cho phép người cha nghỉ chăm con sau sinh.

Áp dụng các biện pháp an sinh xã hội mở rộng đối với lao động di cư và lao động phi chính thức, bao gồm: (i) Tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết và chăm sóc thai sản. (ii) An ninh thu nhập cơ bản cho trẻ em. (iii) An ninh thu nhập cơ bản cho người lao động trong trường hợp ốm đau, thất nghiệp, thai sản và khuyết tật và (iv) An ninh thu nhập cơ bản cho người lớn tuổi. Đầu tư vào các dịch vụ công và cơ sở hạ tầng để giảm bớt và tái phân công công việc chăm sóc việc nhà không được trả công, bao gồm các dịch vụ công miễn phí toàn dân về chăm sóc sức khỏe, nước sạch và vệ sinh. Tăng thuế quốc gia theo tỷ lệ GDP, thông qua đánh thuế lũy tiến, hướng gần hơn với tối ưu năng lực đóng thuế để cho phép đầu tư vào ngành chăm sóc việc nhà và gia đình. Cải thiện thu thập dữ liệu về phân chia công việc chăm sóc việc nhà không được trả công, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và đồng thời  công nhận sự đóng góp của công việc chăm sóc gia đình không được trả công cho nền kinh tế. Phân tích một cách hệ thống các chính sách kinh tế đưa ra liên quan tới tác động của các chính sách đó đối với trẻ em gái và phụ nữ; cải thiện dữ liệu trong hệ thống dữ liệu quốc gia và kế toán - kể cả đơn vị tính dưới hộ gia đình - để giám sát và đánh giá tác động này (trong đó có việc phân chia lại công việc chăm sóc gia đình và việc nhà không được trả công). Ưu tiên lập ngân sách quan tâm tới yếu tố giới để đánh giá tác động của các quyết định chi tiêu đối với phụ nữ và trẻ em gái và phân bổ nguồn lực theo cách thúc đẩy bình đẳng giới. Các doanh nghiệp có thể công nhận các công việc chăm sóc việc nhà không được trả công và tìm cách giảm bớt và phân chia lại công việc này thông qua hỗ trợ giờ làm việc linh hoạt, cho phép người cha nghỉ chăm con sau sinh và cung cấp các cơ sở, dịch vụ chăm sóc cho người lao động như chăm sóc trẻ em.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2020

(1) Hiến pháp Indonesia năm 1945, được sửa đổi, bổ sung lần thứ tư năm 2002.

(2) Salim, Arskal et.al:, Nhà nước dưới góc nhìn Chính trị pháp lý ở lndonesia hiện đại, Salim, Arskal et.al eds, ISEAS, 2003, tr.1-16.

(3) Ủy ban Phụ nữ Liên Hợp quốc: Tiến bộ trong thế giới phụ nữ 2009-2015, Chuyển đổi nền kinh tế, thực hiện quyền, http://progress.unwomen.org, truy cập 9-5-2016.

(4) S. Gupta et. al: Bất bình đẳng kinh tế và việc nhà trong bất bình đẳng kinh tế, 2018, tr.105-122.

(5) Sonali Jain-Chandra, Tidiane Kinda, Kalpana Kochhar, Shi Piao và Johanna Schauer: Chia sẻ cổ tức tăng trưởng, Phân tích các bất bình đẳng ở châu Á, Tài liệu làm việc IMF, Bộ phận châu Á và Thái Bình Dương,  https,//www.imf.org, truy cập ngày 9-5-2016.

(6) D. Hardoon, R. Fuentes-Nieva and S. Ayele: Một nền kinh tế dành cho 1%, Oxford, Oxfam, https//www.oxfam.org, truy cập ngày 9-5-2016.

(7) Ngân hàng Thế giới: Phụ nữ, Kinh doanh và Luật pháp, lập cơ sở dữ liệu, xem http//wbl.worldbank.org, truy cập ngày 18-5-2016.

(8) K. Donald và R. Moussié: Phân công lại công việc chăm sóc việc nhà không được trả lương, http//www.ids.ac.uk, truy cập ngày 9-5-2016.

(9) ILO STAT: Việc làm theo giới tính và lứa tuổi (ILO ước tính và dự báo), 2018, http//www.ilo.org.

(10) Chỉ số của Ngân hàng Phát triển châu Á, http//data.worldbank.org, truy cập ngày 9-5-2016.

 

(11) ILO Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ngân hàng Phát triển châu Á: Phụ nữ và thị trường lao động ở châu Á, tái cân bằng hướng tới bình đẳng giới trong thị trường lao động ở châu Á, http//www.ilo.org, truy cập ngày 9-5-2016.

PGS, TS Nguyễn Thị Ngọc Hoa

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền