Trang chủ    Quốc tế    Xử lý đúng đắn mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước
Thứ năm, 19 Tháng 11 2020 16:58
7508 Lượt xem

Xử lý đúng đắn mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước

(LLCT) - Xử lý mối quan hệ với các nước lớn có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của các quốc gia đang phát triển. Với vị trí địa - chiến lược trọng yếu, Việt Nam cần điều tiết khéo léo và hài hòa trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ góp phần giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tạo môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Xung đột Trung - Mỹ

Sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc là tất yếu, khi Trung Quốc có sự bứt phá ngoạn mục về kinh tế trong những năm gần đây và ngày càng tiệm cận, đe dọa vị trí số một của Mỹ. Đây là sự mâu thuẫn, đối đầu để giành ngôi vị lãnh đạo thế giới đã âm ỉ từ những năm đầu thế kỷ XXI; sau đó biểu hiện qua sự tranh giành ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương; với con bài đầu tiên là kinh tế: cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung từ năm 2019 và được đẩy lên đỉnh điểm bằng chất xúc tác là dịch COVID-19. Đầu năm 2020 chứng kiến sự leo thang căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, được nhiều chuyên gia đánh giá là đã xuống mức thấp nhất trong lịch sử quan hệ hai nước, thậm chí hai bên có lúc gần như rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Cuộc chiến thương mại chưa đi đến thỏa thuận mới, hai bên liên tiếp khẩu chiến và trả đũa lẫn nhau, quan hệ thương mại có thời điểm bị đóng băng, niềm tin bị mất đi đồng thời với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng chưa được giải quyết.

Có thể thấy, xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc là sự xung đột toàn diện về mọi mặt giữa hai quốc gia với ý thức hệ, con đường phát triển, mô hình phát triển khác biệt, một bên là nước Mỹ không muốn mất đi vị trí số 1 và một bên là Trung Quốc muốn đạt được vị trí đó. Vòng xoáy xung đột ấy xoay quanh lĩnh vực kinh tế - thương mại và cạnh tranh địa - chính trị tại nhiều khu vực trên thế giới, trong đó gay gắt và rõ rệt nhất là khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc và Mỹ

Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng có chung đường biên giới trên bộ và trên biển, cùng chung ý thức hệ và có quan hệ lịchsửlâu đời. Trung Quốc là một “người khổng lồ” với tư duy bành trướng lãnh thổ,từ các triều đại phong kiến đã nhiều lầnxâm lược Việt Nam. Hiện nay,vấn đề tồn tại lớn nhất trong quan hệ hai nước là tranh chấp trên biển Đông. Trong tổng thể chính sách đối ngoại của Trung Quốc, Việt Nam không là quốc gia cóvai trò quan trọng như các nước lớn, nhưng các chính sách đối ngoại nhằm nâng tầm ảnh hưởng trongkhu vực của Trung Quốc đều có sự hiện diện của Việt Nam. Trung Quốc đang thúc đẩy Việt Nam cụ thể hóa chủ trương kết nối sáng kiến “Hai hành lang, một vành đaikinh tế” với “Vành đai con đường – BRI”; tham gia “Cộng đồng chung vận mệnh”, đưa Việt Nam vào tập hợp lực lượng do Trung Quốc dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa trong khu vực.

Việt Nam và Mỹ có mốiquan hệ đặc biệt, đi lên từ hai nước “cựu thù”, hàn gắn vết thương chiến tranh, gác lại quá khứ. Hiện nay, sự lớn mạnh của Trung Quốc đã khiến Mỹ phải xuất hiện nhiều hơn ở khu vực để bảo vệ lợi ích của các nước đồng minh.Trong tính toán chiến lược của Mỹ, Việt Nam cóvị trí địa -chiến lược là nhân tố quan trọng góp phần duy trì thế cân bằng ở khu vực. Mỹ đưaViệt Nam vàovị trí ưu tiên trong tổng thể chính sách khu vực châu Á -Thái Bình Dương và rộng hơn là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tháng 11-2017, Tổng thống Mỹ đã chọn Đà Nẵng, nơi diễn ra Hội nghị cấp cao APEC, để lần đầu tiên công bố về “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Việt Nam được đề cập trong Chiến lược An ninh quốc gia Mỹ (tháng 12-2017) như một đối tác kinh tế và an ninh ngày càng tăng của Mỹ bên cạnhIndonesia, Malaysia và Singapore. Báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được công bố tháng 6-2019 xác định “Mỹđang ưu tiên các mối quan hệ mới với Việt Nam, Indonesia và Malaysia- những quốc gia chủ chốt trong ASEAN” và “Bộ Quốc phòng Mỹ đang xây dựng một mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam dựa trên các lợi ích và nguyên tắc chung”(1).

Nhân tố Trung Quốc trong xử lý quan hệ Việt Nam với Mỹ

Đối với Việt Nam, nhân tố Trung Quốc và việc xử lý mối quan hệ với Trung Quốc luôn là tâm điểm chi phối quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam nói chung và là yếu tố đầu vào không thể thiếu trong bộ lọc chính sách trong quan hệ song phương với Mỹ nói riêng. Do có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, chính trị trong công cuộc cải cách, đổi mới, xây dựng CNXH, đồng thời là hai nước láng giềng, nên việc Trung Quốc ngày càng trở nên lớn mạnh là một trong những trở ngại, thách thức hơn là cơ hội đối với tình hình an ninh - chính trị của Việt Nam.

Mỹ đã đẩy mạnh tiềm lực kinh tế, quốc phòng ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nay là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Việt Nam có vị trí địa - chính trị quan trọng trong khu vực này. Quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ sau khi bình thường hóa đến nay đã có nhiều bước tiến bộ trên tất cả các lĩnh vực, với nhiều thành tựu không phải nước nhỏ nào cũng đạt được trong quan hệ với nước lớn như Mỹ. Xu thế hòa bình, hợp tác cùng những tính toán lợi ích quốc gia khiến Việt Nam và Mỹ đều không muốn gây hấn với Trung Quốc một cách không cần thiết. Với vị thế của một cường quốc, Mỹ đương nhiên có nhiều lựa chọn và có sự chủ động hơn trong quan hệ với các quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc là điều cần thiết với Việt Nam; nhưng đây có thể không phải là lựa chọn duy nhất với Mỹ, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã chứng minh điều này. Với Mỹ, răn đe, thậm chí trừng phạt Trung Quốc để bảo đảm và thể hiện vị trí cường quốc số 1 của mình là điều hoàn toàn cần thiết. Nhưng với Việt Nam, một nước nhỏ nằm cạnh người láng giềng khổng lồ với lịch sử quan hệ phức tạp, Việt Nam cần chủ động, linh hoạt, tỉnh táo với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, không để căng thẳng, xung đột xảy ra trong quan hệ với Trung Quốc. Trong quan hệ với Mỹ, Việt Nam phải thực hiện những lựa chọn khó khăn giữa một bên là sự cần thiết phải có mối quan hệ láng giềng tốt với Trung Quốc, một bên là sự cấp thiết phải khẳng định quyền chủ quyền trong việc theo đuổi các mối quan hệ ngoại giao với các nước khác nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình. 

Mặt khác, những hành động hiếu chiến và sự gia tăng các hoạt động quân sự, cải tạo trái phép của Trung Quốc tại các đảo, bãi đá ở biển Đông lại khiến Việt Nam nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia trên thế giới và trở thành chất xúc tác để Việt Nam và Mỹ cải thiện mối quan hệ. Những đòi hỏi quá đáng và thái độ hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông trong vài năm gần đây đã dẫn đến sự hội tụ các lợi ích an ninh giữa Việt Nam và Mỹ. Cả hai nước đều lo ngại về chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc làm tăng khả năng áp đặt ý chí của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông. 

Việc Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 23-5-2016 tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam đã nhận được những đánh giá tích cực của giới truyền thông Mỹ. Báo chí Mỹ nhìn nhận đây là một động thái lịch sử. Phóng viên Reuters đặt câu hỏi, việc Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương có phải để Việt Nam tăng cường năng lực quân sự trước sự đe dọa của Trung Quốc trên biển Đông không? Tổng thống Barack Obama đáp: “Việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam không dựa vào Trung Quốc, mà dựa vào sự tiến triển trong quan hệ hai nước Việt Nam và Mỹ”(2). Qua phát ngôn chính thức, Trung Quốc bày tỏ hy vọng mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Mỹ và Việt Nam sẽ đem lại lợi ích cho hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Việt Nam, Việt Nam là nước nhỏ, dễ bị tổn thương nhất. Khi muốn ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc, Mỹ coi Việt Nam là một mắt xích trong chiến lược bao vây này, còn Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa coi Việt Nam là tiền đồn chống chủ nghĩa đế quốc. Mỹ tranh thủ vị thế của Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam, thông qua Trung Quốc để tác động đến Việt Nam, còn Trung Quốc luôn muốn sử dụng giá trị của vấn đề Việt Nam để tăng lợi thế trong quan hệ với Mỹ. Việt Nam có vị trí “gần sát trung tâm của chiến lược tái cân bằng” ở châu Á bởi “Việt Nam là một quốc gia đang vươn lên… là một đối tác chủ chốt trong ASEAN vào một thời điểm mà sự tham gia của Mỹ trong các tổ chức (khu vực)… đang tăng tốc. Việt Nam cũng là một đối tác đàm phán quan trọng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương”. Còn Trung Quốc e ngại chiến lược tái cân bằng của Mỹ, kiên quyết phản đối “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông, thực chất là ngăn chặn sự can dự của Mỹ. Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước cũng như bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, Việt Nam cần tranh thủ các nguồn lực và sự ủng hộ của các nước trên thế giới(3).

Trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc còn tồn tại những vấn đề chưa thể giải quyết được, đặc biệt là tranh chấp trên biển. Việt Nam và Trung Quốc đã có những xung đột về lãnh thổ cả trên biển lẫn trên đất liền từ nhiều năm nay; đặc biệt là việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền biển chiếm tới 80% diện tích của Biển Đông bằng đường lưỡi bò chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Bên cạnh đó, lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp và việc nước này bắt giữ, ngược đãi ngư dân Việt Nam khiến dư luận thế giới hết sức phẫn nộ. Đối với Mỹ, những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là quá đáng và không tuân theo luật pháp quốc tế. Mỹ “không chia sẻ và không thể hiểu cách diễn giải của Trung Quốc về luật biển”(4). Mỹ phản đối việc Trung Quốc đe dọa các công ty Mỹ hoạt động trên vùng biển này. Nếu Trung Quốc có khả năng thực thi các tuyên bố chủ quyền của mình, Biển Đông sẽ trở thành ao nhà của Trung Quốc, ngăn cản tự do hàng hải. Những tuyên bố chủ quyền này là không thể chấp nhận đối với một cường quốc biển như Mỹ. 

Thái độ của Trung Quốc, vì thế, đã dẫn đến sự hội tụ những lợi ích chiến lược giữa Mỹ và Việt Nam và sự cải thiện trong hợp tác quân sự giữa hai nước. Những gì diễn ra tiếp theo sẽ tùy thuộc vào việc mỗi nước đánh giá như thế nào về khả năng và ý định của nước kia. 

Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donlad Trump, quan hệ Việt - Mỹ đã đạt được những thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam nằm trong khu vực mà Mỹ đang đẩy mạnh vai trò tại châu Á và cũng không có mâu thuẫn lợi ích đe doạ trực tiếp đến mục tiêu duy trì vị trí số 1 của Mỹ như Trung Quốc. Việt Nam và Mỹ cùng nhận định, những bước tiến dài trong quan hệ song phương là minh chứng sống động cho nỗ lực và quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước trong suốt 25 năm qua. Chia sẻ sự tin tưởng và lạc quan, Việt Nam và Mỹ có động lực mạnh mẽ để tiếp tục phát triển quan hệ Đối tác toàn diện vững mạnh, vươn lên tầm cao mới.

Hiện nay, duy trì chính sách “cân bằng động” trong quan hệ với các nước lớn là một trong những vấn đề cần được Việt Nam chủ động, tích cực, linh hoạt và xử lý kịp thời. Trung Quốc là nhân tố quan trọng và có thể gây trở ngại, nhưng cũng tạo ra không ít chất xúc tác khiến Việt Nam cải thiện mối quan hệ với Mỹ trong nhiều vấn đề quốc tế. Những hành động “không thiện chí” của Trung Quốc đã buộc chúng ta phải gia tăng, củng cố sức mạnh tổng thể và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, trong đó có tiếng nói của Mỹ.

Một số gợi ý chính sách từ thực tiễn để xử lý tốt cấc mối quan hệ

Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phát triển quan hệ đối tác toàn diện với Mỹ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác về kinh tế cũng như quốc phòng, song cần xử lý khéo léo; chỉ khai thác sự ủng hộ của Mỹ trong việc quốc tế hóa vấn đề biển Đông và công khai sử dụng luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp.

Trong xử lý quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam cần giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu gìn giữ môi trường hoà bình, ổn định để phát triển với việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và mâu thuẫn về mặt đối tác và đối tượng của hai nước lớn. Trong từng vấn đề, cần đánh giá thực chất lợi ích cốt lõi và so sánh với lợi ích, mục đích chính của Mỹ, Trung Quốc; tìm ra điểm song trùng để có giải pháp phù hợp.

Việt Nam cần tận dụng quan hệ chặt chẽ với các nước ASEAN và kêu gọi sự ủng hộ của các nước trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam tại biển Đông. Chủ động, tích cực cùng ASEAN xử lý các vấn đề chiến lược ở khu vực cũng sẽ góp phần nâng vị thế chiến lược của Việt Nam trong chính sách của Mỹ đối với khu vực. Theo đánh giá của Mỹ, hiện nay, ba nước có khả năng lãnh đạo ASEAN là Indonesia, Singapore và Việt Nam. Do đó, chúng ta cần phối hợp chặt chẽ để giữ khối ASEAN đoàn kết, đi đúng hướng, xử lý tốt mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ.

Nhiều quan điểm cho rằng, nếu Việt Nam đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ sẽ làm ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc; trong tổng thể chính sách chiến lược, Trung Quốc không mong muốn Việt Nam phát triển tốt quan hệ với Mỹ vì Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt với nhau; và Đông Nam Á nói riêng, châu Á nói chung là địa bàn chiến lược mà Trung Quốc muốn thâu tóm; không muốn vai trò của Mỹ tại khu vực được củng cố. Tuy nhiên, không thể vì thế mà Việt Nam bỏ qua quan hệ với Mỹ trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Do đó, cần công khai các quan điểm và chủ trương xây dựng quan hệ hợp tác với Mỹ trên cơ sở có cơ chế minh bạch, có biện pháp xây dựng, trao đổi lòng tin một cách thẳng thắn; không nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc, từ đó sẽ khiến Trung Quốc coi trọng và sẽ đưa quan hệ Việt - Trung phát triển bình thường, ổn định.

Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nếu quan hệ với Mỹ hoặc Trung Quốc xấu đi. Do đó, cần cảnh giáo, luôn sẵn sàng các đối sách và ứng phó với từng trường hợp cụ thể, từng kịch bản trong quan hệ Trung - Mỹ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần quan tâm đến các luồng quan điểm chính trị đang có ảnh hưởng mạnh mẽ tại Trung Quốc và Mỹ để kịp thời đánh giá, phán đoán, chủ động trong quan hệ giữa nước ta với Trung Quốc. Nếu mất độc lập, tự chủ, giá trị chiến lược của Việt Nam với Mỹ sẽ không còn, Mỹ hoặc sẽ bỏ qua Việt Nam, hoặc thoả hiệp với Trung Quốc.

Trong thời gian tới, cần cố gắng triển khai xây dựng các cơ chế đối thoại, trao đổi thực chất với Mỹ. Nếu chỉ duy trì 10 cơ chế đối thoại trên các lĩnh vực và các cấp như hiện nay thì sẽ khiến quan hệ hai bên có nhiều vấn đề không được đi vào chi tiết, thực chất. Việc thiếu sự trao đổi, đan xen, ràng buộc lợi ích giữa Việt Nam và Mỹ sẽ dễ khiến Mỹ đổi chác lợi ích, mặc cả trên lưng Việt Nam như đã từng xảy ra trong lịch sử ngoại giao.

Ngoài ra, trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh mang tính nhạy cảm, trong quá trình hợp tác với Mỹ, Việt Nam cần có sự nghiên cứu, đầu tư kỹ lưỡng từ khâu chuẩn bị đến khâu triển khai, không để tồn tại những sở hở, xảy ra các vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, tạo dư luận xấu trong nước và sự nghi kỵ từ phía Trung Quốc. Do đó, có thể phát triển từ hình thức hợp tác trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống sang lĩnh vực an ninh truyền thống một cách thực chất, hiệu quả; đi từ hợp tác giữa Mỹ với các nước ASEAN sang hợp tác song phương Việt - Mỹ.

Với vị trí địa lý, lịch sử và tình hình quan hệ quốc tế nhiều thăng trầm, phức tạp hiện nay, có thể nói nhân tố Trung Quốc đưa đến nhiều thách thức và thời cơ trong phát triển quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay là môi trường thuận lợi để Việt Nam có thể tận dụng và biến thách thức thành cơ hội, thuận lợi trong việc cải thiện quan hệ quốc tế và giảm thiểu rủi ro, ngăn ngừa các hành động ngang ngược của Trung Quốc tại biển Đông trong thời gian tới.

__________________

(1) Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam: “Thông báo truyền thông: Công bố Báo cáo của Hoa Kỳ về việc thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, http://https://vn.usembassy.gov/.

(2) Việt - Mỹ “không nên duy trì lệnh cấm nào nữa”, http://vneconomy.vn.

(3) “Những nhân tố ảnh hưởng đến quan hệ Việt - Mỹ”, Tạp chí Nghiên cứu Biển Đông, http://nghiencuubiendong.vn.

(4)Viện Nghiên cứu Trung Quốc: “Tác động của nhân tố Mỹ đối với quan hệ Việt - Trung”, http://vnics.org.vn/Default.aspx?ctl=Article&aID=558.

ThS Đoàn Thị Mai Liên

Viện Quan hệ quốc tế

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền