Trang chủ    Quốc tế    Ngoại giao láng giềng của Trung Quốc từ Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay*
Thứ hai, 23 Tháng 11 2020 15:37
8930 Lượt xem

Ngoại giao láng giềng của Trung Quốc từ Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay*

(LLCT) - Từ Đại hội XVIII đến nay, cùng với những thay đổi của môi trường bên trong và bên ngoài, bên cạnh việc tiếp tục kế thừa phương châm, chính sách trước đó, chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc đã có sự điều chỉnh với việc đưa ra khái niệm mới, nội dung, cách thức thực hiện phong phú hơn. Bài viết tập trung phân tích điểm kế thừa, điểm mới trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc, đồng thời nêu lên những đánh giá bước đầu về việc triển khai trên thực tế từ năm 2012 đến nay. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev

Từ khóa: ngoại giao láng giềng, Đại hội XVIII ĐCS Trung Quốc, Tập Cận Bình, Trung Quốc.

Từ khi thành lập đến nay, Trung Quốc đã trải qua ba bước ngoặt phát triển quan trọng mà Đại hội XIX gọi đó là “đứng lên”, “giàu lên” và đến nay là “mạnh lên”. Tương ứng với sự phát triển ấy, chính sách đối ngoại của Trung Quốc cũng có sự điều chỉnh để đáp ứng mục tiêu chiến lược của từng thời kỳ. Sau khi trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tức là bước vào thời kỳ “mạnh lên”, đặc biệt từ sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, ngoại giao của Trung Quốc cũng chuyển từ “giấu mình chờ thời” sang khởi xướng, dẫn dắt, chủ động tạo ra sân chơi mới, đề ra luật chơi, mạnh dạn đề xuất phương án Trung Quốc, vạch ra “giới hạn đỏ” trong quan hệ quốc tế, cứng rắn trong việc bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của họ. Ngoại giao láng giềng, một bộ phận quan trọng trong bố cục ngoại giao của Trung Quốc cũng có những thay đổi tương ứng. Học giả Trung Quốc có nhiều cách phân kỳ đối với ngoại giao láng giềng khác nhau (như Đồng Xuân Vũ chia ngoại giao láng giềng của Trung Quốc từ 1978-2016 thành 4 giai đoạn(1) còn Trần Thụy Hân đã chia ngoại giao láng giềng của Trung Quốc từ 1978-2015 thành 6 thời kỳ(2)) nhưng điểm chung là các tác giả đều coi từ năm 2012 đến nay là mở đầu cho một giai đoạn mới.

Dựa vào văn kiện chính thức và phát biểu của các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, chúng tôi phân tích điểm kế thừa và điểm mới trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII ĐCS Trung Quốc đến nay, bước đầu đánh giá về việc triển khai chính sách này trên thực tế.

1. Định vị láng giềng và mục tiêu của ngoại giao láng giềng Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII

Định vị của thế hệ lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc đối với các nước láng giềng như sau. Thứ nhất, các nước xung quanh có ý nghĩa quan trọng về chiến lược đối với Trung Quốc. Tập Cận Bình cho rằng “dù là từ vị trí địa lý, môi trường tự nhiên hay là quan hệ lẫn nhau, xung quanh đối với Trung Quốc đều có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng”(3). Thứ hai, về kinh tế, Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh tính chất đối tác, coi các nước xung quanh là đối tác quan trọng hàng đầu nhất là trong bối cảnh Trung Quốc triển khai sáng kiến Vành đai và Con đường. “Trung Quốc luôn đặt xung quanh ở vị trí quan trọng hàng đầu trong toàn cục ngoại giao” và “đối tác hợp tác quan trọng hàng đầu của sáng kiến Vành đai và Con đường là các nước xung quanh, đối tượng được hưởng quan trọng đầu tiên cũng là các nước xung quanh”(4). Thứ ba, các nước xung quanh mang lại cho Trung Quốc môi  trường ổn định để phát triển. “Trung Quốc coi xung quanh là nơi an thân lập mệnh, là cơ sở của phát triển phồn vinh”(5).

Từ định vị trên, mục tiêu chiến lược của ngoại giao láng giềng từ Đại hội XVIII đến nay là phục vụ cho mục tiêu phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Mục tiêu chiến lược của ngoại giao xung quanh chính là phục tùng và phục vụ cho thực hiện 2 mục tiêu 100 năm”, “làm tốt công tác ngoại giao xung quanh là nhu cầu thực hiện mục tiêu phấn đấu hai mục tiêu 100 năm, thực hiện phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, phải phấn đấu thúc đẩy ngoại giao xung quanh, tạo môi trường xung quanh tốt cho phát triển của nước ta, tranh thủ, làm cho phát triển của nước ta lan tỏa đến các nước xung quanh, thực hiện cùng phát triển”, “duy trì và tận dụng thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng của phát triển nước ta”(6).

2. Đề cao vai trò của ngoại giao láng giềng trong cấu trúc ngoại giao tổng thể

Trên cơ sở định vị và mục tiêu như đã nêu trên, thế hệ lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc đã đề cao vai trò của ngoại giao láng giềng trong cấu trúc ngoại giao tổng thể. Sự coi trọng đối với ngoại giao láng giềng của thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc được thể hiện qua việc lần đầu tiên Trung ương ĐCS Trung Quốc tổ chức một hội nghị chuyên đề về công tác ngoại giao với các nước xung quanh vào tháng 10-2013 với quy cách và hình thức đặc biệt. Nhiệm vụ chủ yếu của hội nghị là “tổng kết kinh nghiệm, phán đoán tình thế, thống nhất tư tưởng, mở ra tương lai, xác định mục tiêu chiến lược, phương châm cơ bản, bố cục tổng thể của công tác ngoại giao láng giềng từ 5-10 năm về sau, xác định rõ ràng đường hướng công tác và phương án thực hiện đối với các vấn đề quan trọng mà ngoại giao xung quanh phải đối mặt”(7).

Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng, hội nghị này “có ý nghĩa vô cùng quan trọng” đối với đi sâu toàn diện quán triệt tinh thần Đại hội XVIII, củng cố hơn nữa môi trường xung quanh (tốt) có lợi về tổng thể, bảo vệ tốt, lợi dụng tốt thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng phát triển của Trung Quốc”, còn Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì cho rằng: “Trung ương tổ chức hội nghị chuyên về công tác ngoại giao xung quanh đã thể hiện đầy đủ sự coi trọng cao độ của trung ương đối với công tác ngoại giao xung quanh”(8). Sở trưởng Sở Nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc Khúc Tinh đánh giá: “Hội nghị cấp cao và có quy mô toàn quốc như vậy đặc biệt nghiên cứu về công tác ngoại giao láng giềng đủ thấy tầm quan trọng của hội nghị lần này”, là “thiết kế cấp cao về ngoại giao láng giềng của Trung Quốc”. Còn nhà nghiên cứu Kim Xán Vinh cho rằng, hội nghị lần này có thể coi là một lần “tổng điều phối” ngoại giao láng giềng của Trung Quốc(9), đã định hình cục diện ngoại giao láng giềng trong nhiệm kỳ của Tập, Lý.

3. Đưa vào ý niệm mới, nội dung, cách thức thực hiện phong phú hơn trên cơ sở kế thừa phương châm, chính sách ngoại giao láng giềng trước đó

Chính sách ngoại giao láng giềng từ Đại hội XVIII ĐCS đến nay là sự kế thừa chính sách ngoại giao láng giềng trước đó của Trung Quốc. Trong quan hệ với các nước xung quanh, báo cáo Đại hội XVIII, XIX đều tiếp tục khẳng định, chính sách ngoại giao láng giềng là “láng giềng hòa mục, láng giềng yên ổn, láng giềng giàu có”, phương châm ngoại giao xung quanh là “thân thiện với láng giềng, coi láng giềng là đối tác”. Nhưng trong Hội nghị công tác ngoại giao xung quanh tháng 10-2013, ngoài việc nhấn mạnh phương châm, chính sách trên, ông Tập Cận Bình đã đưa thêm ý niệm mới đó là “thân, thành, huệ, dung”. Theo ông, “thân” là “kiên trì láng giềng hữu nghị, hỗ trợ lẫn nhau, tăng cường sự thân thiết, sức truyền cảm hứng, sức ảnh hưởng”; “thành” là “thành tâm, thành ý đối xử với các nước xung quanh”; “huệ” là “triển khai hợp tác với các nước xung quanh theo nguyên tắc cùng có lợi, đưa sự gặp gỡ về lợi ích hai bên lên một mức độ mới, để các nước xung quanh được lợi ích từ sự phát triển của nước ta, làm cho nước ta cũng có được lợi ích và trợ lực từ sự phát triển chung của các nước xung quanh…”; “dung” là “khởi xướng tư tưởng bao dung, thúc đẩy hợp tác khu vực với tầm nhìn rộng mở hơn và tâm thái tích cực hơn”(10). Trong đó, “ thân” là mục đích, “ thành” và “dung” là biện pháp chủ yếu, “ huệ” là nền tảng. Từ năm 2013 đến nay, ông đã nhắc lại phương châm, chính sách và ý niệm ngoại giao láng giềng này nhiều lần cả ở trong và ngoài nước như phát biểu trong Hội nghị công tác ngoại vụ Trung ương tháng 11-2014, tại Singapore tháng 11-2015… Những ý niệm mới này đã được đưa vào Báo cáo Đại hội XIX.

Trung Quốc nhấn mạnh tính lan tỏa và vai trò chủ động của Trung Quốc trong quan hệ với các nước láng giềng. Báo cáo chính trị tại Đại hội XVIII đã không nêu lên mục tiêu bình đẳng, tin tưởng lẫn nhau, hợp tác cùng thắng giữa Trung Quốc với các nước xung quanh mà thay vào đó là nhấn mạnh đến tác động tích cực, lợi ích từ sự phát triển của Trung Quốc đối với các nước xung quanh “cố gắng làm cho sự phát triển của bản thân đến các nước xung quanh tốt hơn”.

Về nội dung, ngoại giao láng giềng của Trung Quốc từ Đại hội XVIII đến nay, ngoài hợp tác kinh tế, còn đặc biệt chú trọng đến giao lưu văn hóa và con người. Thực tế quan hệ của Trung Quốc với các nước xung quanh cho thấy, phát triển quan hệ kinh tế đơn thuần không thể giải quyết được tất cả các vấn đề an ninh và chính trị theo sáng kiến của riêng Trung Quốc, cũng như không thể tăng cường sức ảnh hưởng của Trung Quốc như mong muốn, dẫn đến tình trạng kinh tế các nước thì phụ thuộc gắn kết với Trung Quốc, an ninh thì ngược lại. Sự bất cân xứng về ảnh hưởng kinh tế và ảnh hưởng chính trị, văn hóa của Trung Quốc ở khu vực ngày càng rõ rệt. Các nước ASEAN đã thể hiện sự lo lắng về sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại(11). Vì vậy, trong bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị công tác ngoại giao xung quanh, ông nhấn mạnh đến cách làm mềm mại hơn, thực tế, thực dụng hơn để xây dựng một hình ảnh Trung Quốc có thành ý, bao dung, không uy hiếp, gần gũi với các nước xung quanh như: “Chú ý bình đẳng, coi trọng tình cảm; gặp mặt thường xuyên, qua lại nhiều; để cho ý thức khối vận mệnh chung bắt rễ ở các nước xung quanh”; “làm nhiều việc được lòng người, ấm lòng người để các nước xung quanh thân thiện hơn, gần gũi hơn, đồng thuận hơn, ủng hộ hơn với Trung Quốc, tăng cường lực tương tác, sức hấp dẫn, sức ảnh hưởng”(12)...

Trung Quốc chú trọng phát huy điểm chung, điểm đồng với các nước trong khu vực, thông qua kêu gọi hình thành “cộng đồng chung vận mệnh”. Về bản chất, cộng đồng chung vận mệnh là sự tiếp nối chiến lược trả lời cho câu hỏi xây dựng thế giới tương lai như thế nào mang dấu ấn Tập Cận Bình, nhằm làm dịu lo ngại và căng thẳng của các nước láng giềng, duy trì môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc đưa ra những hợp tác mang tính kết nối cao đối với cả trên bộ và trên biển như kết nối cơ sở hạ tầng, xây dựng vành đai kinh tế con đường tơ lụa, con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI. Công cụ (Trung Quốc thường gọi là bình đài - mặt bằng) để thúc đẩy cộng đồng chung vận mệnh chính là sáng kiến Vành đai và Con đường.

4. Đánh giá chung về ngoại giao láng giềng của Trung Quốc thời gian qua

Những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại nói chung, ngoại giao láng giềng của Trung Quốc xuất phát từ sự thay đổi của môi trường bên trong và bên ngoài. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhận định tình hình: Môi trường xung quanh đã có thay đổi rất lớn, quan hệ giữa Trung Quốc với các nước xung quanh cũng đã có thay đổi rất lớn. Quan hệ kinh tế - thương mại giữa Trung Quốc với các nước xung quanh mật thiết chưa từng có. Từ đó, yêu cầu chiến lược và công tác ngoại giao xung quanh phải tiến cùng thời đại và chủ động hơn; thúc đẩy ngoại giao xung quanh để tạo môi trường xung quanh tốt cho sự phát triển của Trung Quốc. Còn học giả Trung Quốc đánh giá, sự điều chỉnh chính sách ngoại giao xung quanh do đại chiến lược quốc gia quyết định và sự biến đổi của môi trường xung quanh, nhất là sự biến đổi của quan hệ Trung - Mỹ(13). Trong đó, 3 nguyên nhân bên ngoài quan trọng là: Mỹ đã đưa ra chiến lược tái cân bằng châu Á; ma sát và về vấn đề lãnh thổ tăng lên; cục diện căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên uy hiếp đến tổng thể hòa bình và an ninh khu vực Đông Bắc Á(14).

Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân quan trọng của sự điều chỉnh này xuất phát từ nhu cầu mở rộng ảnh hưởng kinh tế, chính trị và an ninh, từng bước hướng đến mục tiêu trở thành cường quốc thế giới của Trung Quốc khi quốc lực đã có sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Trung Quốc khẳng định họ đã bước vào thời đại mới, mạnh lên và đã tiến gần đến trung tâm của vũ đài chính trị thế giới gần hơn bao giờ hết. Nước này đã không còn “quyết không đi đầu, giấu mình chờ thời” như trước đây, mà công khai “giấc mơ Trung Quốc” là thực hiện phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, đến năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hóa XHCN, đến năm 2050 trở thành nước XHCN giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp. Ở phạm vi thế giới, Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ trong vị trí lãnh đạo, dẫn dắt thế giới.

Về triển khai trên thực tế, trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, ngoại giao cấp cao của Trung Quốc từ Đại hội XVIII đến nay đã thể hiện sự coi trọng đối với các nước láng giềng. Sau Đại hội XVIII, Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đều lựa chọn thăm các nước láng giềng đầu tiên, Tập Cận Bình thăm Nga vào tháng 3-2013, Lý Khắc Cường thăm Ấn Độ tháng 5-2013, sau đó là các chuyến thăm 4 nước Trung Á và 5 nước Đông Nam Á. Sau Đại hội XIX, Việt Nam và Lào là hai nước Tập Cận Bình thăm đầu tiên. Đến nay, Tập Cận Bình đã thăm hơn 20 nước láng giềng và xung quanh.

Trung Quốc đã kêu gọi xây dựng cộng đồng chung vận mệnh trên phạm vi thế giới. Với các nước láng giềng xung quanh, Trung Quốc đã đề cập vấn đề này với hầu hết các nước trong các chuyến thăm cấp cao. Tuy nhiên, hiện nay, việc xây dựng này đang tiến triển một cách chậm chạp chủ yếu ở các nước đang phát triển, trong đó có một số nước láng giềng. Ở khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc đã ký kết hiệp định liên quan đến xây dựng cộng đồng chung vận mệnh với Lào, Campuchia.

Mặc dù có sự điều chỉnh trong cách thể hiện, phong phú về nội dung như đã nêu trên nhưng ngoại giao láng giềng của Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII đến nay vẫn gặp khó khăn trong tạo dựng kết nối “chung vận mệnh” và tăng cường sức mạnh mềm. Trên thực tế, từ năm 2012 đến nay, Trung Quốc lại có nhiều hành động gây căng thẳng với các nước láng giềng như “xây đắp đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông, lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông, gây hấn với Philippines bất chấp luật pháp quốc tế, hăm dọa Việt Nam về vấn đề quần đảo Trường Sa, gia tăng áp lực lên Đài Loan, quấy rối Nhật Bản về vấn đề quần đảo Senkaku và các hành động khiêu khích khác và cả sự đối đầu với Ấn Độ tại vùng Doklam”(15). Cuộc khảo sát về thái độ của toàn cầu đối với Trung Quốc với 38.426 người của Pew Research Center từ ngày 13-5 đến ngày 2-10-2019 cho thấy Trung Quốc nhận được những dấu hiệu bất lợi ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại các nước láng giềng thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại Nhật Bản, 85% người được hỏi cho biết họ có ý kiến tiêu cực về Trung Quốc - tiêu cực nhất trong số tất cả các quốc gia được khảo sát, ở Hàn Quốc là 63%, Úc 57% và Philippines 54%. Ý kiến đánh giá thuận lợi về Trung Quốc đang giảm trên toàn khu vực, đang ở mức hoặc gần mức thấp nhất lịch sử ở mỗi quốc gia được khảo sát trong quá trình khảo sát của Pew. Tại Indonesia, sự thay đổi trong năm qua đặc biệt rõ rệt, giảm 17 điểm phần trăm (từ 53% xuống 36% người có ý kiến thuận lợi)(16).

Về kinh tế, hợp tác giữa Trung Quốc và các nước xung quanh đang triển khai nhanh, toàn diện với hàng loạt sáng kiến và dự án, thể hiện tập trung qua sáng kiến Vành đai và Con đường, xây dựng các hành lang kinh tế song phương và đa phương như hành lang kinh tế Bangladesh - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar. Với các nước ASEAN, Trung Quốc đưa ra những mục tiêu mới, chuyển từ “10 năm vàng” lên “10 năm kim cương”, xác định đến năm 2020 kim ngạch thương mại song phương đạt mục tiêu 1000 tỷ USD; đề nghị hình thành “phiên bản nâng cấp” Khu mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN... Tuy nhiên, sự triển khai những dự án lớn của Trung Quốc đang đặt ra nhiều vấn đề như hiệu quả kinh tế, sự đón nhận của các nước xung quanh. Vành đai và Con đường mà Trung Quốc coi là “mặt bằng” quan trọng để thực hiện kết nối Trung Quốc với các nước xung quanh cũng đang đặt ra nhiều vấn đề. Nghiên cứu của Hillman (2018) sử dụng dữ liệu từ CSIS và Fitch Solution để phân tích 173 dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ, được khởi động từ 2013-2017 tại 45 nước ở lục địa Á - Âu. Kết quả nghiên cứu cho thấy các hoạt động triển khai thực tế của dự án này không đạt được kỳ vọng của Trung Quốc. Tại 5 trong số 6 hành lang kinh tế (ngoại trừ hành lang Trung Quốc - Pakistan), không có mối quan hệ đáng kể (mang ý nghĩa thống kê) giữa việc tham gia hành lang kinh tế với các hoạt động triển khai dự án mà nguyên nhân chính là các nhóm lợi ích bên trong và bên ngoài đang bóp méo sáng kiến đối ngoại này(17). Học giả Trung Quốc đã nêu lên 4 thách thức chủ yếu bao gồm: Thứ nhất là nghi ngờ chiến lược; Thứ hai là va chạm nước lớn; Thứ ba là giải quyết thỏa đáng hoặc hóa giải tranh chấp như thế nào, trong đó có tranh chấp Biển Đông; Thứ tư là làm thế nào đảo bảo an toàn cho vốn và doanh nghiệp Trung Quốc(18).

Có thể thấy, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, ngoại giao láng giềng của Trung Quốc đứng trước những yêu cầu điều chỉnh nhằm thích ứng với những thay đổi từ bên trong và bên ngoài. Cạnh tranh giữa các nước lớn ngày một gay gắt, sự lo lắng của các nước láng giềng và những thay đổi từ trong chính Trung Quốc đã buộc quốc gia này phải có những điều chỉnh trong cách tiếp cận đối với các nước láng giềng. Tuy nhiên, dù có sự điều chỉnh chính sách, cách tiếp cận mang những nét đặc sắc riêng của Tập Cận Bình thì mục tiêu của ngoại giao láng giềng vẫn là không đổi, nhằm phục vụ cho quá trình phục hưng dân tộc Trung Hoa.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2020

* Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số 506.01-2018.300.

(1), (14) 董春雨: 中国周边外交新理念及其外交政策, 硕壬学位论文,延边大学, 6-2016, tr.14, 16-17.

(2), (13) 陈瑞欣, 从政府工作报告(1978-2015)看中国周边外交政策的发展变化, 国际观察2016 年第1 期,tr.66.

(3), (6), (7), (8), (10), (12) 习近平在周边外交工作座谈会上发表重要讲话强调:为我国发展争取良好周边环境, http://cpc.people.com.cn.

(4)习近平在新加坡国立大学的演讲(全文), http://www.xinhuanet.com.

(5) 习近平在印度世界事务委员会的演讲(全文), http://www.xinhuanet.com.

(9) 阚枫, 媒体:最高层着手“顶层设计”中国周边外交提速升级, http://news.ifeng.com.

(11) 高程: 周边环境变动对中国崛起的挑战,国际问题研究第5期,2015, 第39页.

(15) Thông tấn xã Việt Nam: Trung Quốc theo đuổi một bước đột phá chiến lược (trang mạng The Diplomat, ngày 15-12-2017), Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 27-12-2017, tr.3.

(16) People around the globe are divided in their opinions of China, https://www.pewresearch.org.

(17) Jonathan Hillman: A Testimony, China's Belt and Road Initiative Five Years Later, Statement before the U.S - China Economic and Security Review Commission, 2018.

(18) Trương Khiết (chủ biên): Đánh giá tình hình an ninh xung quanh Trung Quốc, Một vành đai, một con đường và chiến lược xung quanh, Nxb Văn hiến Khoa học xã hội, 2015, tr.28.

TS Nguyễn Thị Phương Hoa

ThS Trần Thị Hải Yến

Viện Nghiên cứu Trung Quốc,

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền