Trang chủ    Quốc tế    Các giải pháp của một số quốc gia châu Á nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị
Thứ sáu, 18 Tháng 12 2020 15:31
1223 Lượt xem

Các giải pháp của một số quốc gia châu Á nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị

(LLCT) - Bài viết phân tích làm rõ những kinh nghiệm, giải pháp mà các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar trong việc tổ chức, thiết lập và vận hành hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị. Đây cũng là những kinh nghiệm có khả năng áp dụng cho trường hợp Việt Nam.

 

Ngày hội văn hóa dân tộc Thái lần thứ II tại tỉnh Điện Biên

Từ khóa: công tác dân tộc, hệ thống chính trị/chính quyền vùng dân tộc thiểu số.

1. Các giải pháp của Trung Quốc 

Trung Quốc là quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam xét trên các phương diện hệ thống chính trị và những đặc thù trong công tác dân tộc của hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số.

Thứ nhất, thực hiện chính sách khu tự trị đối với các dân tộc thiểu số. 

Bản chất của chính sách này là trao quyền tự chủ và tự quyết cho chính quyền các địa phương tự trị, nhằm tạo điều kiện cho chính quyền các địa phương đó triển khai công tác dân tộc một cách chủ động, phù hợp với các điều kiện đặc thù về dân tộc thiểu số ở địa phương và đáp ứng tốt hơn các nhu cầu riêng biệt của các tộc người thiểu số trong địa phương đó, đặc biệt là trên các phương diện kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ và tôn giáo...

Ngay từ năm 1949, Trung Quốc đã xây dựng các quy chế về khu tự trị. Chính sách tự trị vùng các dân tộc thiểu số được thiết lập rộng rãi tại các vùng có người dân tộc thiểu số sinh sống tập trung. Có 3 cấp độ trong hệ thống tự trị vùng dân tộc là khu tự trị, châu tự trị và huyện tự trị. Đến thời điểm cuối năm 1998, Trung Quốc đã thành lập được 5 khu tự trị, 30 châu tự trị, 120 huyện tự trị và 1.256 xã tự trị. Trong số 55 dân tộc thiểu số thì có đến 44 dân tộc có khu vực tự trị. Số người dân tộc thiểu số sống trong các khu tự trị chiếm 75% số người dân tộc thiểu số của cả nước(1).

Căn cứ vào hệ thống pháp luật hiện hành của Trung Quốc, chính quyền ở các khu tự trị có quyền tự chủ tương đối trong việc quản lý các công việc nội bộ của khu vực tự trị, đáp ứng các nhu cầu đặc thù của dân tộc thiểu số như sử dụng và phát triển ngôn ngữ tộc người thiểu số, bảo đảm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng dân tộc thiểu số và bảo tồn, phát huy phong tục tập quán tộc người thiểu số... Chính quyền của các khu vực tự trị về cơ bản đều sử dụng một hay nhiều ngôn ngữ trong xử lý các công việc hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người dân tộc thiểu số ở khu vực đó(2).

Hiến pháp Trung Quốc quy định “Cơ quan tự trị địa phương có quyền tự trị để quản lý tài chính trên địa bàn... Những nguồn thu tài chính thuộc địa phương tự trị dân tộc do cơ quan tự trị địa phương tự chủ sắp xếp sử dụng. Chính quyền trung ương chỉ đạo bằng kế hoạch nhà nước, cơ quan tự trị dân tộc địa phương tiến hành tự chủ sắp xếp và quản lý sự nghiệp kinh tế mang tính địa phương. Khi nhà nước tổ chức khai thác tài nguyên thiên nhiên, thành lập xí nghiệp tại địa phương tự trị dân tộc, nhà nước luôn cân nhắc lợi ích của địa phương tự trị dân tộc”(3).

Thứ hai, Chính phủ Trung Quốc thực thi nhiều chính sách nâng cao năng lực thực hiện công tác dân tộc của chính quyền địa phương, mà một trong số đó là tăng cường và đảm bảo số lượng đại diện là người thiểu số trong chính quyền địa phương tại các khu vực có đông người dân tộc thiểu số sinh sống. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ khi ra đời đã ban hành nhiều chính sách cải cách dân chủ ở vùng dân tộc thiểu số nhằm tăng cơ cấu đại biểu người dân tộc thiểu số trong các kỳ đại hội Đảng, khuyến khích họ tham gia công tác quản lý ở chính quyền các cấp. Tính đến năm 2009, trên phạm vi toàn lãnh thổ Trung Quốc đã có hơn 2,9 triệu cán bộ dân tộc thiểu số, chiếm 7,4% tổng số cán bộ. Trong đội ngũ công chức  toàn quốc, số cán bộ là người thiểu số chiếm khoảng 9,6%(4).

Thứ ba, Trung Quốc đẩy mạnh việc đào tạo và nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc. Theo Shannon Tiezzi, đây là một trong những vấn đề cấp bách trong chương trình nghị sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc về công tác dân tộc những năm gần đây. Theo ông, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc được Đảng Cộng sản Trung Quốc coi là chìa khóa để cải thiện chất lượng và hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số ở quốc gia này. Điều này được thể hiện trong báo cáo“Quan điểm về tăng cường và cải thiện hiệu quả công tác dân tộc trong tình hình mới” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản và Quốc vụ viện Trung Quốc năm 2015. Theo đó, nhấn mạnh đến việc tăng cường đào tạo cho hệ thống chính trị các cán bộ làm công tác dân tộc, đặc biệt là các cán bộ trong Đảng là người dân tộc thiểu số; tăng thêm số lượng các nhà khoa học là người dân tộc thiểu số. Trung Quốc cũng tổ chức cho cán bộ dân tộc thiểu số ra nước ngoài tham quan học tập kinh nghiệm; thành lập Học viện dân tộc Trung ương Bắc Kinh và các phân hiệu trực thuộc ở một số địa phương.

Một trong các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân tộc ở vùng dân tộc thiểu số ở Trung Quốc là yêu cầu tất cả các cán bộ làm công tác dân tộc phải biết song ngữ. Nếu là người Hán thì phải biết tiếng địa phương của tộc người nơi công tác, nếu là người dân tộc thiểu số thì phải biết tiếng Hán. Kinh nghiệm này được nêu ra trong bài viết “Xung đột Chính trị - tộc người ở Trung Quốc - Hướng tới xây dựng sự hòa hợp liên tộc người”(5).

Thứ tư, một trong những yêu cầu cấp bách để Trung Quốc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số hiện nay là tăng cường hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở cấp Trung ương. Trung Quốc có một cơ quan chuyên trách về công tác dân tộc tương đương cấp bộ. Đó là Ủy ban công tác dân tộc Nhà nước. Cơ quan này có vai trò quan trọng không chỉ trong việc tư vấn cho chính quyền Trung ương ban hành các chính sách về dân tộc, mà còn đóng vai trò hỗ trợ chính quyền vùng dân tộc thiểu số trong việc thực hiện công tác dân tộc ở địa phương và kết nối họ với chính quyền Trung ương.

Theo Cổng thông tin Điện tử của Quốc vụ viện Trung Quốc (2014), Ủy ban này còn có mặt ở các địa phương, phụ trách việc điều phối công tác dân tộc ở các bộ, tỉnh, thành phố, khu tự trị, thậm chí ở một số nơi có thể xuống đến cấp huyện. Tuy nhiên, trên thực tế cơ quan này có phần yếu thế hơn so với các cơ quan ngang bộ khác. Theo giáo sư Ilhan Tohti của Đại học Dân tộc Trung ương, thì trong số 25 bộ trong Quốc vụ viện, đây là cơ quan có ảnh hưởng chính trị hạn chế nhất. Do đó, theo Ông, nếu không được tăng cường thẩm quyền, thì Ủy ban này có rất ít vai trò thực tế trong việc giảm thiểu các căng thẳng tộc người và khó có thể có ảnh hưởng đối với việc thực hiện các chính sách dân tộc ở Trung Quốc.

2. Các giải pháp của Thái Lan 

Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là một trong những nước có vấn đề dân tộc thiểu số tương đối phức tạp. Các vấn đề về dân tộc thiểu số ở Thái Lan xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó các chính sách đồng hóa mang nặng tính chất áp đặt của chính quyền Trung ương, đặc biệt là về tôn giáo và ngôn ngữ. Các chính sách này đã thổi bùng các phong trào ly khai của người Hồi giáo gốc Mã Lai ở phía Nam cũng như nhiều cuộc phản kháng của các tộc người thiểu số ở vùng núi phía Bắc. Trong những năm gần đây, ở miền Nam Thái Lan vấn đề dân tộc và tôn giáo đã trở nên đặc biệt phức tạp, gắn với chủ nghĩa ly khai. Các nhóm thiểu số Hồi giáo ở đây đã công khai thể hiện mục tiêu “buộc chính quyền Thái phải thương lượng, thảo luận về yêu cầu tự trị cho người Islam giáo ở 4 tỉnh miền Nam”(6).

Còn một nguyên nhân nữa dẫn đến sự phản ứng dữ dội từ phía người thiểu số đối với Chính phủ Thái Lan là cách thức tổ chức và vận hành của hệ thống chính quyền địa phương ở các vùng dân tộc. Hệ thống chính quyền địa phương là phương tiện để thực thi các chính sách dân tộc đồng hóa của chính quyền Thái, nên cán bộ chính quyền địa phương thường không phải là người địa phương mà là người Thái được cử đến để quản lý. Các giáo viên tham gia giảng dạy trong các trường công ở địa phương cũng không phải là người thiểu số, mà là viên chức của nhà nước giảng dạy các chương trình do nhà nước chỉ định(7). Hệ quả là người thiểu số không coi chính quyền địa phương là đại diện cho tiếng nói và nhu cầu của họ, mà chỉ là công cụ của nhà nước Trung ương và hoàn toàn không lắng nghe các nhu cầu của người thiểu số(8). Tình trạng này trở nên đặc biệt nghiêm trọng sau khi các chính quyền có liên hệ với gia đình cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra (vốn nhận được nhiều cảm tình và sự ủng hộ của người nghèo và người thiểu số ở Thái Lan), liên tục bị lật đổ và bị thay thế bởi các chính phủ mang tư tưởng sô vanh Thái.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác dân tộc của hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số ở Thái Lan, nhiều nhà nghiên cứu nêu ra giải pháp chính quyền Trung ương Thái Lan phải phân quyền cho các tỉnh và giảm bớt sự can thiệp vào các hoạt động của chính quyền địa phương, đặc biệt là ở các địa bàn có đông người thiểu số cư trú. Năm 2013, một nhóm các học giả và đại diện các chính quyền địa phương ở Thái Lan đã thiết lập Mạng lưới Chính quyền Tự Quản Nhân dân (the People’s Network for a Self-governing Administration). Nhóm này đã trình lên Nghị viện một yêu sách để tăng cường tính tự quản cho các tỉnh. Theo đó, thống đốc các tỉnh (provincial governors) cần phải là người được người dân trong tỉnh trực tiếp bầu ra và chính quyền địa phương phải có quyền thu thuế và sử dụng nguồn thu thuế đó cho các lợi ích của địa phương. Lý do của yêu sách này là chính quyền trung ương Bangkok, trong khi kiểm soát quá chặt các hoạt động của địa phương, lại chỉ ưu tiên đầu tư cho các vùng thủ đô giàu có mà bỏ quên các địa phương. Thêm vào đó, chế độ quản lý tập trung của chính quyền Bangkok trong phần lớn các trường hợp cho thấy sự thiếu hiểu biết hoặc cố tình lờ đi các đặc thù về văn hóa, bản sắc và tộc người ở các địa phương(9).

Giải pháp tiếp theo được nêu ra là tạo điều kiện cho trí thức người thiểu số tham gia bộ máy công quyền từ Trung ương tới địa phương. Các giải pháp được đề xuất bắt nguồn từ các trí thức là người thiểu số và các lãnh tụ tôn giáo có vai trò rất lớn trong việc giải quyết các xung đột liên quan đến dân tộc thiểu số ở Thái Lan, đặc biệt là ở miền Nam. Chẳng hạn, thành phần lãnh đạo và lực lượng tham gia các phong trào ly khai ở đây đều là những người Hồi giáo gốc Mã Lai. Họ được đào tạo, giáo dục tư tưởng cực đoan Hồi giáo ở trong và ngoài nước(10). Các lãnh tụ tôn giáo và trí thức là người thiểu số có thể là ngọn cờ để cố kết lực lượng và thúc đẩy phong trào ly khai. Nhưng mặt khác, họ cũng có thể trở thành đại diện cho cộng đồng thiểu số trong quá trình hòa giải với chính quyền, cũng như tư vấn cho chính quyền trong việc nâng cao hiệu quả của công tác dân tộc và các chính sách hỗ trợ cho người thiểu số nếu họ được tham gia trong hệ thống chính quyền ở địa phương. Sự hiện diện của họ trong bộ máy chính quyền cũng là chìa khóa để tăng cường đối thoại, giúp chính phủ hiểu rõ hơn nguyện vọng, yêu sách của các cộng đồng thiểu số và qua đó giảm thiểu tư tưởng ly khai của họ.

Giải pháp đẩy mạnh các mô hình phát triển dựa vào cộng đồng (People-centered and community-centered development)(11) được coi là giải pháp chiến lược của Thái Lan trong việc nâng cao chất lượng công tác dân tộc của hệ thống chính quyền vùng dân tộc thiểu số. Hiện nay, Thái Lan đã thành lập Cục phát triển cộng đồng (CDD) trực thuộc Bộ Nội vụ, có sự tham gia của nhiều đại diện từ các cộng đồng thiểu số khác nhau. Sáng kiến này của Thái Lan là nhằm chia sẻ một phần quyền lực cho cấp địa phương, cũng như các tổ chức xã hội dân sự, trong đó bao gồm các tổ chức đại diện cho các cộng đồng dân tộc thiểu số và tăng cường sự tham gia của họ vào việc hoạch định và thực thi chính sách ở cấp địa phương. Sáng kiến này được xây dựng trên cơ sở quan điểm rằng vai trò và sự tham gia của cộng đồng là yếu tố cơ bản tạo nên thành công của các chương trình, chính sách(12). Minh chứng cho sự thành công của mô hình này là các chính sách bảo vệ và khai thác tài nguyên rừng. Thay cho cách tiếp cận dựa chủ yếu vào lực lượng nhà nước và mang tính áp đặt, Thái Lan đã thí điểm mô hình ‘rừng do cộng đồng quản lý’ (community forestry). Theo đó, các cộng đồng địa phương được giao quyền quản lý rừng, có quyền tiếp cận đất đai và các nguồn lợi từ rừng, được tham gia trong quá trình ra quyết định liên quan đến rừng. Mô hình này đã tỏ ra đặc biệt hiệu quả ở các địa phương, nơi mà hệ thống chính quyền hoặc là quá yếu kém và thiếu năng lực trong việc bảo vệ rừng hoặc là có xu hướng áp đặt các mô hình khai thác rừng thuần túy dựa vào yếu tố kinh tế và do đó không bền vững(13).

3. Các giải pháp của Myanmar 

Myanmar là một trong những quốc gia có vấn đề dân tộc thiểu số phức tạp nhất ở châu Á. Bất chấp những nỗ lực của quốc tế và các chính quyền khác nhau ở Myanmar, tình trạng xung đột tộc người, thậm chí là hủy diệt tộc người vẫn đang tiếp diễn, điển hình là các hành động bạo lực do các lực lượng an ninh của chính phủ cũng như những người đa số theo Phật giáo tiến hành nhắm vào người thiểu số Rohingya theo Hồi giáo hiện nay(14).

Về công tác dân tộc của hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số ở Myanmar hiện nay, các nghiên cứu đã chỉ ra hai vấn đề lớn. Thứ nhất, ở Myanmar, các dân tộc thiểu số tập trung ở một số bang, tuy nhiên, dưới thời kỳ cầm quyền của chính phủ quân sự Myanmar, chính quyền Liên bang do người Miến đa số nắm giữ về cơ bản không thực hiện quy chế liên bang và quyền tự quyết của người thiểu số. Thay vào đó, các quyết định của cấp bang thực chất vẫn do chính quyền trung ương kiểm soát thông qua các bộ. Trong khi đó, chính quyền cấp bang, vốn có khả năng đại diện lớn hơn cho tiếng nói của người thiểu số, thì không có thực quyền(15). Sự kiểm soát quá lớn của nhà nước liên bang đối với cấp bang chính là nguyên nhân khiến chính quyền cấp bang không nhận được sự ủng hộ của các cộng đồng thiểu số và cũng là nguyên nhân của các xung đột tộc người nghiêm trọng giữa các tổ chức vũ trang của người thiểu số và chính quyền quân sự ở Myanmar trong nhiều năm qua. Thứ hai là sự yếu kém của chính quyền cấp cơ sở, tức là chính quyền bên dưới cấp bang. Về danh nghĩa, chính quyền địa phương bên dưới cấp bang bao gồm các huyện (districts) và phân khu (townships). Tuy nhiên trên thực tế, hệ thống chính quyền ở Myanmar chỉ bao gồm 2 cấp (two-tier) là Liên bang và bang. Việc quản lý các hoạt động bên dưới cấp bang được điều hành tập trung bởi chính quyền trung ương thông qua Bộ Nội vụ và Cục Hành chính (General Administration Department), cũng như các quan chức quân sự ở địa phương(16). Nói cách khác, chính quyền cấp cơ sở ở Myanmar, tuy tồn tại trên danh nghĩa nhưng không tồn tại trên thực chất. Trong khi đó, để thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính quyền cấp cơ sở có vai trò tối quan trọng, đặc biệt là trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân và chuyển tải tiếng nói của họ đến nhà nước Trung ương. Để thực hiện chức năng đó, chính quyền cấp cơ sở cần đảm bảo có đại diện của người dân địa phương, có thẩm quyền để đưa ra các quyết định riêng phù hợp với điều kiện và tình hình của địa phương và có sự tự chủ nhất định về tài chính. Tuy nhiên, ở Myanmar không tồn tại các điều kiện này, thay vào đó, các hoạt động của hệ thống chính quyền cấp cơ sở được thực hiện thông qua các văn phòng cấp địa phương của các bộ, những người không hiểu và không đại diện cho tiếng nói và nhu cầu của người thiểu số ở địa phương.

Sau khi Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của Aung San Suu Kyi lên cầm quyền năm 2015, Myanmar đã có nhiều bước đi và đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiến tới cải cách hệ thống chính trị và chính quyền ở vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, có ba giải pháp quan trọng như sau:

Thứ nhất, vận động cho việc thực thi và chuyển giao quyền tự trị cho các dân tộc thiểu số ở các bang. Sáng kiến này bắt nguồn từ mô hình của hội nghị Panglong năm 1947. Khi đó, ông Aung San, cha của bà Aung San Suu Kyi đã ký kết một thỏa thuận lịch sử với các lãnh đạo người thiểu số để trao quyền tự trị cho các bang, với mục tiêu đưa Myanmar trở thành một nhà nước liên bang đích thực. Tuy nhiên, hiệp định này đã không được thực hiện sau khi ông Aung San bị ám sát và đặc biệt là sau cuộc đảo chính quân sự của tướng Ne Win năm 1962. Với cuộc đảo chính này, Myanmar trở thành một nhà nước quân sự do người Miến đa số theo Phật giáo nắm giữ, với mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn quyền tự quyết của các bang và các tộc người thiểu số.

Các nghiên cứu hiện nay cho rằng để thực sự cải thiện chất lượng công tác dân tộc của hệ thống chính trị ở vùng dân tộc thiểu số, chính phủ trung ương của bà Aung San Suu Kyi cần có những bước đi phù hợp để khôi phục tinh thần của hội nghị Panglong. Trong đó, điểm then chốt là chính phủ liên bang cần phân quyền cho các chính quyền các bang để họ có thẩm quyền lớn hơn trong việc đại diện cho người thiểu số trong phạm vi của bang, có sự tự chủ lớn hơn về tài chính để thực thi các chính sách hỗ trợ cho người thiểu số ở bang đó. Mô hình này nếu được áp dụng cũng sẽ đảm bảo cho các nhóm thiểu số có thể hưởng lợi từ các hình thức sở hữu đất đai truyền thống, các nguồn lợi từ tài nguyên thiên nhiên, và thực thi các quyền dân chủ và bình đẳng của họ(17).

Thứ hai, Myanmar cần tiến hành một cuộc cải cách toàn diện hệ thống chính quyền địa phương. Mục tiêu chính là giảm bớt hoặc xóa bỏ mô hình quản trị tập trung thông qua Bộ Nội vụ trước đây và thực sự thiết lập hệ thống chính quyền ba cấp (liên bang, bang và cơ sở), trong đó chính quyền dưới bang hay chính quyền cơ sở thực sự là cơ quan trực tiếp thực thi chính sách và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, thay vì chỉ là những cơ quan không có thực quyền và hoàn toàn phụ thuộc vào các đại diện của chính quyền trung ương và các bộ. Chính quyền địa phương cũng cần phải được tái cấu trúc nhằm tăng cường tính đại diện của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Họ cũng cần được trao quyền tự chủ nhất định về mặt tài chính và ngân sách, cũng như có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm trước người dân địa phương về các hoạt động và quyết sách của mình. Hiện nay, một số mô hình thí điểm về hệ thống chính quyền ba cấp đã được triển khai, dưới tên gọi Ủy ban phát triển (Development Affairs Organization - DAO) chẳng hạn như mô hình Ủy ban Phát triển thành phố Yangon hay Ủy ban phát triển thành phố Mandalay(18).

Thứ ba, để hỗ trợ cho việc thực hiện công tác dân tộc của chính quyền cấp bang và cấp cơ sở, Myanmar đã thực thi một số điều chỉnh trong tổ chức của chính quyền trung ương nhằm tạo thêm điều kiện về thiết chế và pháp lý cho việc thực hiện công tác dân tộc trên cả nước, đặc biệt là tại các địa phương có đông người thiểu số sinh sống. Trong đó, đáng chú ý là việc thành lập Bộ Công tác Dân tộc với tư cách là một phần của chính phủ mới năm 2015. Cơ quan này trực tiếp quản lý các vấn đề về công tác dân tộc, thực hiện hòa giải dân tộc, thực thi quyền của các nhóm thiểu số quy định trong hiến pháp và phục vụ lợi ích của mọi tộc người trong nước. trách nhiệm của bộ này tập trung vào các mảng chính là(19) (i) bảo tồn văn hóa của các tộc người; (ii) bảo vệ quyền của tộc người và tạo điều kiện cho họ được nói lên tiếng nói và bày tỏ nhu cầu của mình với chính quyền trung ương; (iii) cung cấp cho họ các hoạt động hỗ trợ cần thiết để họ có thể thực thi các quyền hợp pháp của mình như được giáo dục, quyền được tiếp cận và học ngoại ngữ.

4. Những kinh nghiệm có thể chia sẻ lẫn nhau giữa các nước và Việt Nam 

Từ thực tiễn trong công tác dân tộc ở Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam, có thể rút ra một số kinh nghiệm chung là:

Thứ nhất, trao thẩm quyền cho chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở trong việc quyết định và thực thi các chính sách liên quan đến các nhóm người thiểu số. Thực tiễn cho thấy, quan điểm này bắt nguồn từ việc các chính quyền cơ sở là cấp chính quyền trực tiếp giải quyết và thực thi các chính sách đối với người thiểu số, đặc biệt là cung cấp các dịch vụ công và đáp ứng các nhu cầu đặc thù của địa phương. Do đó, họ cần được trao quyền để đưa ra các chính sách phù hợp với đặc trưng của cộng đồng thiểu số trong phạm vi quản lý của họ.

Thứ hai, cần gia tăng tính đại diện của các cộng đồng dân tộc thiểu số trong hệ thống chính quyền địa phương. Việc tăng cường tính đại diện của các tộc người thiểu số trong chính quyền, đặc biệt là ở cấp địa phương tại các khu vực có các dân tộc thiểu số sinh sống là kinh nghiệm đã được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới, tại Trung Quốc và Việt Nam cũng đã áp dụng rất hiệu quả trong thực hiện công tác dân tộc.

Thứ ba, tăng cường hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở cấp Trung ương. Việc tăng cường vị thế và thẩm quyền của cơ quan này trong hệ thống các cơ quan hành pháp quốc gia sẽ có tác dụng rất lớn đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số. Ở Việt Nam, Ủy ban dân tộc là cơ quan đặc trách về vấn đề này cần được tăng thêm thẩm quyền và có những chính sách rất cụ thể về vấn đề này.

Thứ tư, đẩy mạnh việc đào tạo và nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc ở vùng dân tộc thiểu số, bao gồm trình độ học vấn, số lượng của đội ngũ trí thức và khả năng sử dụng ngôn ngữ, đặc biệt là song ngữ, cũng như khả năng am hiểu và xử lý các vấn đề liên quan đến đa dạng văn hóa.

Thứ năm, tăng cường các mô hình phát triển dựa vào cộng đồng. Các cộng đồng thiểu số có thể trực tiếp tham gia thực hiện chính sách dân tộc trong một số lĩnh vực cụ thể như văn hóa, giáo dục, bảo vệ rừng, những lĩnh vực mà họ có khả năng điều hành hiệu quả và phù hợp với điều kiện văn hóa, xã hội của vùng dân tộc thiểu số, thậm chí là hiệu quả hơn so với hệ thống chính quyền. Các cộng đồng thiểu số cũng có thể đóng vai trò là các cơ quan tư vấn cho chính quyền trong việc thực hiện các chính sách đó.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2020*

Bài viết thuộc đề tài “Những giải pháp cơ bản, cấp bách nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân tộc của hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số nước ta”, mã số CTDT.32.18/16-2020. Đề tài được tài trợ bởi Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020, UBDT.

(1), (3) Nguyễn Văn Căn và Đằng Thành Đạt: Một số vấn đề về dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 8(87), 2008, tr.23-31.

(2), (4) Văn phòng tin tức Quốc vụ viện Trung Quốc: Chính sách dân tộc của Trung Quốc và sự phát triển thịnh vượng chung của các dân tộc, http://politics.people.com.cn, ngày 27-9-2009.

(5) Jia, W. et al, 2012 ‘Ethno-Political Conflicts in China: Toward Building Interethnic Harmony’. In Dan Landis and Rosita Albert (eds) Handbook of Ethnic Conflict: International Perspective (Xung đột chính trị và tộc người ở Trung Quốc - Làm thế nào để xây dựng sự hòa hợp liên tộc người, in trong sách Sổ tay về xung đột tộc người - Góc nhìn quốc tế). New York: Springer, pp. 177-196.

(6) Trình Bưu và Nguyễn Kim Minh: Bước đầu tìm hiểu một số đặc điểm chủ yếu của các phong trào ly khai dân tộc ở Đông Nam Á, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 4-2006.

(7) Ernst, G. 2019: “We try to not be Thai”: the everyday resistance of ethnic minorities, New Mandala. https://www.newmandala.org/we-try-to-not-be-thai-the-everyday-resistance-of-ethnic-minorities.

(8), (9) Fuller, T. 2014. Thailand’s Political Tensions Are Rekindling Ethnic and Regional Divisions: The New York Times, https://www.nytimes.com/2014/04/13/world/asia/thailands-political-tensions-are-rekindling-ethnic-and-regional-divisions.html.

(10) Lương Mạnh Hoa và Mai Thị Hạnh: Yếu tố tôn giáo trong chủ nghĩa ly khai ở một số nước Đông Nam Á, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 11-2008.

(11), (13) Kaosa-ard, M. và Rutherford, J.: Cross-Sector Linkages in Mountain Development: The Case of Northern Thailand. Paper presented to UN Food and Agriculture Organization, 2002. http://www.fao.org/forestry/4499-0bfffb1c756d2edaae620c9bf2a14a8af.pdf.

(12) Bhruksasri W. 1989. Government policy: Highland ethnic minorities. In McKinnon J. and Bernard, V. (ed.) Hill tribes today: problems in change. Bangkok: White lotus.

(14) “Why finding a solution to Myanmar’s Rohingya ‘ethnic cleansing’ is easier said than done”, https://www.cnbc.com/2017/12/15/solution-to-myanmars-ethnic-cleansing-of-rohingya-easier-said-than-done.html.

(15) Mulqueeny, K: Constitutional Reform Needed for Myanmar’s Ethnic Challenges. The Diplomat. 2013, https://thediplomat.com/2013/07/constitutional-reform-needed-for-myanmars-ethnic-challenges.

(16) Arnold, M., Aung, Y., Kempel, S., and Saw, K.P.C, 2015 Municipal governance in Myanmar: an overview of development organizations. Policy dialogue brief series No 7, the Asia Foundation.

(17) Kala Mulqueeny: Constitutional Reform Needed for Myanmar’s Ethnic Challenges, https://thediplomat.com/2013/07/constitutional-reform-needed-for-myanmars-ethnic-challenges.

(18) Matthew Arnold: Myanmar’s Local Governance Reform Challenges, https://asiafoundation.org/2016/06/08/myanmars-local-governance-reform-challenges.

(19)Theo một bài phỏng vấn Ông Nai Thet Lwin, Bộ trưởng Bộ Công tác dân tộc, trên cổng thông tin điện tử của Bộ thông tin Myanmar với tựa đề “Ministry of Information of Myanmar 2017. Ministry of Ethnic Affairs in one-year service of the new government”.

TS Đậu Tuấn Nam

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS Lâm Minh Châu

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền