Trang chủ    Quốc tế     Kinh nghiệm xây dựng đảng cầm quyền ở Cộng hòa Xingapo
Thứ năm, 29 Tháng 8 2013 14:16
3247 Lượt xem

Kinh nghiệm xây dựng đảng cầm quyền ở Cộng hòa Xingapo

(LLCT) - Với sự hoạt động có hiệu quả của cả hệ thống chính trị mà quan trọng là của các đảng chính trị với vai trò của một đảng nổi trội cầm quyền, Xingapo đã tìm ra cho mình một hướng đi phù hợp với nền dân chủ phương Đông, đồng thời hoà nhập với sự phát triển chung của thế giới hiện đại. Kinh nghiệm của các đảng chính trị Xingapo nói chung và đặc biệt của đảng cầm quyền PAP là những điều chúng ta có thể nghiên cứu và tham khảo.

Xingapo là một quốc gia đa dân tộc, đa sắc tộc, đa tôn giáo với diện tích chỉ có 639 km2... Năm 1965, khi trở thành quốc gia độc lập, Xingapo "ngoài đất đai và nhân dân, gần như không có gì cả", kinh tế suy thoái trầm trọng, đời sống nhân dân khó khăn, giáo dục, y tế, văn hoá lạc hậu, xung đột tôn giáo, dân tộc, phong trào đấu tranh của công nhân, học sinh, sinh viên diễn ra không ngớt, quan hệ quốc tế gặp nhiều trở ngại...Trải qua 45 năm phấn đấu bền bỉ, Xingapo trở thành một nhà nước đô thị hiện đại, được ví như Geneva của Đông Á, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, giải trí, nghệ thuật, tri thức của khu vực, thu nhập bình quân đầu người cao thứ ba ở châu Á (sau Nhật Bản và Brunây), và đang phấn đấu thành nước công nghiệp phát triển đầu tiên Đông Nam Á.

Có được những thành tựu đó phải kể đến vai trò tích cực của hệ thống chính trị, đặc biệt là các đảng chính trị của Xingapo. Ở Xingapo tồn tại cơ chế đa nguyên, đa đảng nhưng chỉ có một đảng nổi trội. Hiện ở quốc gia này có khoảng 23 đảng chính trị đang hoạt động (có tài liệu ghi là 30 đảng). Ngoài đảng cầm quyền còn có rất nhiều đảng đối lập, có đảng đặt mục tiêu trở thành đảng cầm quyền, và có những đảng không bao giờ tham gia tranh cử. Song trong thực tế có thể nhận thấy cơ chế đa đảng của Xingapo hoàn toàn khác với những điều người ta thường thấy trong nền dân chủ đa nguyên. Sự tồn tại và hoạt động của các đảng phái khác bên cạnh đảng cầm quyền chỉ là một hệ thống vệ tinh có chức năng giám sát hoạt động của đảng cầm quyền mà không thể trở thành các lực lượng chính trị cạnh tranh với đảng đó.

Đảng Hành động Nhân dân (People’s Action Party - PAP) là đảng chính trị lớn nhất của Xingapo. Đảng này bắt đầu với hai nhóm cánh tả, một do Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu) lãnh đạo và một nhóm do Lim Chin Siong dẫn dắt. Ngày 21-11-1954 đã diễn ra Đại hội đầu tiên của PAP.Lee Kuan Yew trở thành Thủ tướng của Xingapo đến năm 1990; sau Lee Kuan Yew, Goh Chok Tong giữ vai trò Thủ tướng, và từ năm 2004 đến nay là Lee Hsien Loong (Lý Hiển Long), con trai của Lee Kuan Yew. Hiện nay PAP có hơn 3 vạn đảng viên, được tổ chức rất chặt chẽ và không ngừng nâng cao uy tín trong việc lãnh đạo đất nước Xingapo.

Xingapo cho phép nhiều chính đảng hoạt động. Song, PAP một mặt tìm cách hạn chế ảnh hưởng của các đảng đối lập, mặt khác không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của mình, thu hút nhân tài, có chiến lược phát triển đất nước hiệu quả. Đây là điểm quan trọng để các đảng đối lập không  thể  vượt qua  được  PAP.

Kinh nghiệm thành công của PAP trong quá trình xây dựng đảng cầm quyền lãnh đạo đất nước đó là:

Thứ nhất, kỷ luật nghiêm minh.Xingapo quản lý xã hội nghiêm minh, lập pháp đầy đủ, tường tận, cụ thể, ranh giới rõ ràng. Quốc hội và Chính phủ đã chế định một bộ hoàn chỉnh pháp luật và lệnh cấm. Từ những đối tượng lớn như thể chế chính trị, quản lý kinh tế, giao lưu thương mại, quyền và nghĩa vụ của công dân đến những việc nhỏ như quy định đỗ xe, bảo vệ tiền bạc... đều có các quy định pháp luật tương ứng.

PAP lấy liêm khiết đặt lên hàng đầu đối với đội ngũ đảng viên và công chức. Đây là yếu tố quan trọng để có một chính đảng mạnh và một chính phủ trong sạch, tạo nên duy trì được uy tín của Đảng và niềm tin của người dân đối với Đảng. “Chính phủ phải liêm khiết” là xuất phát điểm để giáo dục cán bộ của PAP và giáo dục các quan chức của Chính phủ, cả đạo đức công chức và kỷ luật công vụ.

Lợi ích, uy tín, danh dự của Đảng được đặt lên hàng đầu. Mọi đảng viên phải trung thành với mục tiêu độc lập, phồn vinh của Xingapo, mọi đảng viên phải thừa nhận và thực hiện các chủ trương, chính sách, nguyên tắc của Đảng. PAP kiên quyết không bảo vệ đảng viên vi phạm pháp luật và đạo đức. Các đảng viên đều phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình. Lãnh đạo Xingapo nhấn mạnh: các quan chức cao cấp của Đảng Hành động Nhân dân, các quan chức của Chính phủ, bất luận chức vụ cao thấp, đều bình đẳng trước pháp luật và ai phá hoại danh dự của Đảng sẽ bị xử phạt thích đáng. Lee Kuan Yew thường nói: nếu những kẻ cơ hội và bất tài nắm quyền thì nhân dân sẽ phải trả giá đắt.

Thứ hai, PAP lãnh đạo nhà nước hiệu quả. PAP nắm chính quyền trong thời gian dài chủ yếu là do giành được sự ủng hộ của nhân dân nhờ vào sự liêm khiết và khả năng điều khiển chính quyền của họ. PAP là đảng cầm quyền của Xingapo, chủ trương và ý chí của Đảng được thể hiện và thực thi thông qua Chính phủ. Để được nhân dân tín nhiệm, giữ cho Đảng và Chính phủ liêm khiết, hiệu quả cao, PAP kêu gọi và giáo dục công chức nhà nước và cán bộ Đảng các cấp phải giữ liêm khiết và có tinh thần quên mình, gia nhập vào đảng là để cống hiến cho đất nước: "Muốn là một đảng viên tốt, một cán bộ tốt trong nền kinh tế thị trường thì phải có sự chuẩn bị tư tưởng đầy đủ".

Ở Xingapo cho thấy rõ một đảng cầm quyền mạnh thông qua một nhà nước mạnh.Quyền lãnh đạo của PAP trên thực tế nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhờ kinh tế phát triển và chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.

 Thứ ba, ngăn chặn sự phát triển của các đảng và lực lượng đối lập. PAP và Nhà nước phối hợp đồng bộ, luôn thống trị về tư tưởng, có lúc phải thực hiện sự đàn áp nhằm giữ vững quyền lãnh đạo trong hệ thống chính trị Xingapo bằng công cụ bạo lực là quân đội và cảnh sát.

Chính phủ của PAP nắm các phương tiện thông tin đại chúng. Theo quy định, Hội đồng Quản trị của các công ty cổ phần báo chí đều phải được Chính phủ phê chuẩn. Tổng biên tập của các báo do Chính phủ bổ nhiệm. Các đảng đối lập muốn lập một tờ báo không dễ vì Chính phủ sáp nhập tất cả các xưởng in báo của toàn quốc làm một với kỹ thuật rất tiên tiến và kiểm soát nội dung đồng thời quản lý cả việc bán các loại báo.

PAP kiên quyết ngăn chặn sự phát triển của phe đối lập. PAP ngăn chặn việc tuyên truyền có hại cho Chính phủ và ổn định chính trị. Các lãnh tụ của các đảng đối lập, nếu chống đối PAP, sẽ nhanh chóng kết thúc con đường chính trị của mình. Chế độ kiểm duyệt báo chí, truyền hình nghiêm ngặt, đảm bảo nội dung thông tin được phát đi không trái với luân lý đạo đức, quan niệm giá trị của phương Đông.

Ý thức quốc dân được giáo dục ngay từ bậc tiểu học, dần dần tạo dựng một tình cảm thiêng liêng bền chặt và lòng tự hào đất nước và cùng với nó là tinh thần quên mình để bảo vệ sự tôn nghiêm của quốc kỳ, quốc ca, tiếp theo là chế độ nghĩa vụ quân sự bồi dưỡng ý thức quốc gia và quan niệm kỷ luật, dám đối mặt với khó khăn, khắc phục khó khăn, ý thức trung thành với Tổ quốc mà trên thực tế là với đảng cầm quyền.

Hằng năm, PAP tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục quần chúng nhằm bồi dưỡng tinh thần, tu dưỡng đạo đức và hành vi.

Thứ tư, có chiến lược thu hút nhân tài. Một trong những bí quyết thành công của PAP là biết thu hút và sử dụng nhân tài không chỉ trong nước mà cả từ nước ngoài, không phân biệt màu da, dân tộc. Ở Xingapo, mọi nhân tài đều có cơ hội được bổ nhiệm vào các chức vụ cao thông qua tuyển chọn công khai và cạnh tranh tự do, trung thực. Xingapo nỗ lực giáo dục và đào tạo một đội ngũ đông đảo nhân tài trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học để đáp ứng nhu cầu xây dựng một xã hội công nghiệp. Hằng năm, Xingapo có 100 học bổng cho các học sinh xuất sắc đi du học ở các trường đại học nổi tiếng nhất thế giới với hy vọng khoảng 50% sẽ quay về phục vụ đất nước. Các trường đại học trong nước cũng nâng cấp trình độ giảng viên, định hướng các ngành giáo dục theo nhu cầu của xã hội và định hướng phát triển đất nước.

Xingapo lập một Ủy ban phụ trách việc chiêu mộ nhân tài để tiến tới thành lập Ủy ban dịch vụ tư vấn chuyên gia và tuyển mộ chuyên nghiệp thuộc Cục phục vụ công cộng. Đặc biệt còn có Ủy ban chiêu mộ nhân tài ngoại quốc, chủ yếu nhằm vào những nhân tài người châu Á, đồng thời có những chính sách đãi ngộ nhân tài. Các tài năng trẻ được đảm nhiệm những công việc phù hợp với chuyên môn và sở trường của họ, được hưởng mức lương cao, được cấp nhà ở... Xingapo cũng giáo dục các tài năng trẻ ý thức được bổn phận và nghĩa vụ của mình đối với người thân, đồng bào và xã hội.

Thứ năm, PAP lựa chọn, xây dựng được đội ngũ lãnh đạo, người đứng đầu có đầy đủ các phẩm chất và năng lực cần thiết để phát triển đất nước. PAP nắm quyền lãnh đạo từ năm 1959 đến nay. PAP chính là Chính phủ. Những tiêu chuẩn của đảng viên PAP cũng chính là những tố chất cần thiết của một thành viên chính phủ, và những nguyên tắc dẫn dắt hoạt động của PAP cũng chính là nguyên tắc làm việc của Chính phủ. Nhờ những nguyên tắc ấy, nhân dân đặt lòng tin vào Chính phủ, trung thành với Chính phủ mà thực chất là với PAP.

Đảng viên PAP và các thành viên chính phủ phải luôn cố gắng và biết hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của đa số nhân dân, tự nguyện chịu nhiều thiệt thòi về vật chất. Những người lãnh đạo PAP và Chính phủ có bản lĩnh vượt qua những cám dỗ vật chất, biết hy sinh đã tạo nên những tấm gương tốt cho cán bộ, công chức. PAP quan niệm tài năng của người lãnh đạo không chỉ thể hiện ở học vị mà ở trong công việc thực tế. Một bộ trưởng trong nội các phải tìm hiểu và nắm vững những vấn đề trong phạm vi mình phụ trách, nắm vững các số liệu thống kê cụ thể và có khả năng phân tích, đánh giá các số liệu để đánh giá tình hình chính xác, từ đó đưa ra những quyết định và sách lược đúng đắn, kịp thời. Những nguời lãnh đạo Xingapo cũng là những người biết nhìn xa trông rộng, biết đào tạo và phát triển những lớp nhân tài kế tiếp.

Thứ sáu, công tác quần chúng của PAP thông qua đảng viên, hệ thống tổ chức đảng và các tổ chức chính trị - xã hội, rất quan tâm đến nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân.

PAP thành lập các tổ chức chính trị - xã hội như: Đại công đoàn toàn quốc (thành lập tháng 9-1961), Hiệp hội nhân dân (thành lập tháng 7-1960) và đặc biệt là Ủy ban tư vấn công dân nhằm mở rộng cơ sở quần chúng và từ năm 1965 đến nay đã phát triển được 79 khu vực bầu cử của Ủy ban này. Đây là kênh quan trọng của quan hệ giữa trung ương và địa phương, là phương tiện để liên lạc và kiểm soát chính trị. Các khu vực bầu cử này có nhiệm vụ cung cấp thông tin, tham gia đóng góp ý kiến vào đường lối chính sách của Đảng.

Các tổ chức chính trị -  xã hội là cầu nối giữa Đảng cầm quyền và nhân dân trong việc hậu thuẫn cho Chính phủ, đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục ý thức của nhân dân. Chính phủ có những hành động thiết thực thường xuyên có thể thuyết phục được người dân tin vào Chính phủ, coi Chính phủ là lực lượng quyết định trong những biến đổi xã hội. Chính phủ liên hệ với các Ủy ban dân cư. Các nghị sĩ Quốc hội cũng liên lạc với cử tri của mình thông qua Phòng liên lạc dân cư. Các nghị sĩ Quốc hội mỗi kỳ hai năm phải đi thăm hết lượt các gia đình trong khu vực cử tri của mình.

Chủ tịch PAP Phó Thủ tướng Chính phủ làm Tổng thư ký công đoàn. Hàng loạt cán bộ của PAP cũng được lựa chọn vào các cơ quan của Đại công đoàn toàn quốc và các công đoàn trực thuộc. Trong số những người hoạt động công đoàn chuyên nghiệp các cấp, nhiều người là nghị sĩ của PAP. Điều này làm tăng khả năng lãnh đạo công đoàn của PAP. Nhiều nghị sĩ quốc hội của PAP bao gồm nhiều bộ trưởng giữ chức cố vấn của công đoàn các cấp. Trong các cơ quan Đại công đoàn và các công đoàn trực thuộc không có chỗ nào không có PAP. Công đoàn trở thành lực lượng ủng hộ Chính phủ, đồng nghĩa với Chính phủ được đông đảo công nhân ủng hộ. Đây là một điều kiện quan trọng để PAP ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế, nâng cao uy tín của mình.

PAP đặc biệt coi trọng xây dựng và gìn giữ quan hệ hữu nghị giữa các sắc tộc để xây dựng môi trường chính trị ổn định. Chính phủ Xingapo nêu cao khẩu hiệu: người Xingapo chân chính, không phân biệt chủng tộc, đều phải đứng dưới lá cờ trung hiếu với Tổ quốc. Lee Kuan Yew nêu lên khẩu hiệu: chúng ta không phải người Mãlai, không phải người Trung Quốc, không phải người Ấn Độ, cũng không phải người châu Âu. Chúng ta không phân biệt ngôn ngữ, dân tộc, văn hoá, tôn giáo. Mọi người phải đoàn kết lại trở thành người Xingapo.

Thứ bảy, cơ cấu tổ chức và hoạt động của PAP. PAP là đảng của tầng lớp tinh hoa trong xã hội Xingapo. PAP được tổ chức chặt chẽ theo ba cấp: Trung ương, quận, chi bộ, và gồm hai loại đảng viên: đảng viên thường và đảng viên cốt cán. Đảng viên thường của PAP phải là người Xingapo, từ 17 tuổi trở lên, không tham gia bất cứ đảng phái chính trị nào khác, chấp hành tốt Cương lĩnh của Đảng và phải trải qua một cuộc phỏng vấn của PAP. Đảng viên cốt cán của đảng số lượng hạn chế, bao gồm những người ưu tú nhất của Đảng.

Về mặt tổ chức, đứng đầu PAP là Ủy ban Chấp hành Trung ương(Central Executive Committee - CEC). Năm 1954, Điều lệ của PAP quy định CEC gồm 12 thành viên được bầu trực tiếp bởi các đảng viên trong Hội nghị phổ thông hàng năm. Năm 1958, Đảng sửa đổi Điều lệ nâng tổng số thành viên của CEC lên tới 18 người do Tổng Bí thư đứng đầu, 2/3 số đó sẽ do các đảng viên cốt cán bầu ra trong Hội nghị của Đảng được tổ chức 2 năm một lần và 1/3 do chỉ định (những người được chỉ định do các đảng viên cốt cán giới thiệu); những đảng viên cốt cán này sẽ được lựa chọn bởi đa số phiếu trong Ủy ban. Hiện nay PAP có trên 3 vạn đảng viên, nhưng chỉ có khoảng 1000 đảng viên cốt cán. Đây là những nhân vật được xếp vào tầng lớp tinh hoa chính trị, là những người sẽ bầu ra lãnh đạo cao nhất của Đảng và vạch ra chủ trương, chính sách của Đảng. Hệ thống cốt cán của Đảng là chìa khoá để duy trì kỷ luật và quyền lực trong Đảng. Những nhân vật nòng cốt không dễ nhận ra, danh sách những nhân vật cốt cán không bao giờ được công bố.

Nhân sự của CEC cũng chính là những người sẽ tham gia vào nội các. CEC và nội các chính phủ thực tế không có sự phân biệt rõ ràng. Chủ tịch CEC chỉ tồn tại trên danh nghĩa, còn quyền lực thực sự lại nằm trong tay Tổng Bí thư của Đảng, vị trí do Lee Kuan Yew nắm giữ từ ngày thành lập Đảng, sau đó là Goh Chok Tong và hiện nay là Lee Hsien Loong. Bổ sung cho CEC là các nhánh, các đơn vị cơ sở của đảng ở tất cả các đơn vị bầu cử. Các nhánh này do các ủy ban chuyên trách riêng điều hành, đứng đầu thường là đại biểu quốc hội của khu vực đó. Để tránh việc cánh tả tham gia vào nội các, CEC phê chuẩn tất cả các thành viên ủy ban trước khi đặt họ vào một chức vụ nào đó. Một nửa số ủy viên  hội đồng được bầu ra; nửa còn lại do chủ tịch ở các khu vực đề nghị. Hoạt động của các nhánh do các cơ quan đầu não của Đảng điều hành thông qua các cuộc họp hàng tháng giữa các thành viên cốt cán của Đảng với Hội đồng Chấp hành khu vực.

PAP không thực hiện nguyên tắc bầu cử các cơ quan đảng từ cơ sở đến trung ương. Chỉ những người là đảng viên cao cấp, những người ưu tú nhất của Đảng, nắm giữ những trọng trách trong bộ máy nhà nước và chủ doanh nghiệp lớn mới có quyền bầu cử Ủy ban Chấp hành của Đảng. Việc thảo ra những quan điểm và đường lối chính trị của Đảng là do tầng lớp trên của ban lãnh đạo Đảng tiến hành.

Về chính trị, PAP nắm cả lập pháp, hành pháp và tư pháp và có sự hậu thuẫn chắc chắn từ tất cả các thể chế này để lãnh đạo đất nước.

Trong hệ thống chính trị Xingapo, ban lãnh đạo của PAP nắm giữ những cương vị chính trong bộ máy nhà nước như: Tổng Bí thư trở thành Thủ tướng, hầu hết các ủy viên trung ương đều là thành viên của nội các. Trên thực tế, công tác của Đảng và công tác của Chính phủ là một. Việc thực hiện chương trình công tác của Chính phủ cũng là thực hiện Cương lĩnh tranh cử của Đảng. Xingapo không có tổ chức Đảng và Chính phủ song trùng. Đảng và Ủy ban Trung ương do các Bí thư ăn lương chuyên nghiệp lãnh đạo. Thông qua các Bí thư đó, mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước được thực hiện thường xuyên và trong mọi điều kiện. Với tư cách là Đảng cầm quyền, PAP đã thể chế hoá hoạt động của mình vào bộ máy Nhà nước và Quốc hội. Thông qua ảnh hưởng và sự lãnh đạo của mình đối với các thể chế này, PAP tuyên truyền tư tưởng của Đảng mình, làm công tác quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, tài chính, vận động bầu cử và thực hiện các đường lối, chính sách của mình.

Trong các cuộc bầu cử, PAP được coi như một lực lượng chính trị lớn của Xingapo, bao gồm các công đoàn chủ yếu và được sự ủng hộ rộng rãi của đa số cử tri. Khi có bầu cử Quốc hội, Đảng lập danh sách ứng cử viên và đề ra Cương lĩnh tranh cử của Đảng. Chủ tịch và các ủy viên Trung ương vận động tuyển cử với sự ủng hộ của những người hoạt động tự nguyện. 

Trong mỗi cuộc bầu cử,PAP đều đưa ra những ứng cử viên mới và coi đó là một phần của chính sách tự đổi mới và kế thừa của mình. Hiện nay PAP dành khoảng 40% cơ hội cho các đảng viên trẻ thử sức trong các cuộc chạy đua vào Quốc hội.

Tóm lại, hệ thống chính trị Xingapo là hệ thống chính trị đa nguyên, đa đảng với một đảng nổi trội có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống chính trị. Một đảng lớn là nhân tố quan trọng đảm bảo ổn định chính trị - xã hội ở Xingapo trong thời gian dài. Chế độ một đảng lớn ở nước này khác với chế độ một đảng truyền thống ở chỗ địa vị của đảng nắm chính quyền quyết định trong việc họ giành đa số ghế trong bầu cử. Mặc dù các đảng còn lại không có vị trí quyết định đến quyết sách chính trị của quốc gia nhưng lại là kênh thông tin phản biện và giám sát hoạt động của đảng cầm quyền.

PAP là một đảng chính trị thành công trong việc lãnh đạo đất nước trong thời gian dài, nhưng PAP vẫn luôn lớn mạnh và luôn luôn thay đổi để đáp ứng với những thay đổi của tình hình trong nước và quốc tế. Nguyên nhân thành công của PAP nằm ở chính năng lực tổ chức, điều hành đất nước, ở đội ngũ các nhà lãnh đạo của họ luôn được lựa chọn một cách thực sự dân chủ, thực sự là tinh hoa và đại diện xứng đáng của Đảng và của đất nước Xingapo. PAP luôn xem xét nghiêm túc những phản hồi của các đảng đối lập để kịp thời điều chỉnh chiến lược và có phương thức lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội hợp lý và hiệu quả cao nhất. Với sự hoạt động có hiệu quả của cả hệ thống chính trị mà quan trọng là của các đảng chính trị với vai trò của một đảng nổi trội cầm quyền, Xingapo đã tìm ra cho mình một hướng đi phù hợp với nền dân chủ phương Đông, đồng thời hoà nhập với sự phát triển chung của thế giới hiện đại. Kinh nghiệm của các đảng chính trị Xingapo nói chung và đặc biệt của đảng cầm quyền PAP là những điều chúng ta có thể nghiên cứu và tham khảo.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2011

PGS,TS Nguyễn Thị Quế

TS Tống Đức Thảo

Học viện Chính  trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền