Trang chủ    Quốc tế    Kết quả cải cách bộ máy hành chính nhà nước ở tỉnh Luông Pha Bang nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào hiện nay
Thứ ba, 02 Tháng 2 2021 14:39
1191 Lượt xem

Kết quả cải cách bộ máy hành chính nhà nước ở tỉnh Luông Pha Bang nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào hiện nay

(LLCT) - Công tác cải cách bộ máy hành chính nhà nước, quy định vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức ở một số, cơ quan cấp sở và tương đương tỉnh Luông Pha Bang, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào đã đạt được những thành tựu quan trọng, song cũng còn tồn tại không ít những hạn chế. Bài viết tập trung làm rõ những thành tựu và hạn chế.

Cố đô Luông Pha Bang

Luông Pha Bang là một tỉnh miền núi phía Bắc của Lào (có đường biên giới chung với Việt Nam tại Lai Châu và Sơn La); có diện tích tự nhiên 16.875 km2, dân số hơn 407 nghìn người (năm 2015), với 12 đơn vị hành chính cấp huyện. Luông Pha Bang có thế mạnh về du lịch và dịch vụ, với cố đô cổ kính được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1995. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước Lào, Tỉnh đã tập trung đổi mới bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị cơ sở, tăng cường cải cách hành chính, huy động mọi nguồn lực cho phát triển nông nghiệp - nông thôn, du lịch - dịch vụ… Nhờ đó, kinh tế -xã hội của Tỉnh có bước phát triển quan trọng, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao.

1. Những kết quả trong cải cách hành chính nhà nước ở tỉnh Luông Pha Bang

Thứ nhất, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của bộ máy hành chính cấp tỉnh

Thời gian qua, công tác sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính tỉnh Luông Pha Bang đã xác định lại chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan chuyên môn.

Việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài có sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ giữa Sở Nội vụ và Bộ Chỉ huy An ninh tỉnh được thống nhất giao Bộ Chỉ huy An ninh tỉnh sẽ là cơ quan thực hiện.

Công tác quản lý khai thác khoáng sản chưa được quy định rõ và có sự chồng chéo giữa 3 cơ quan đó là Sở Giao thông vận tải, Sở Năng lượng khoáng sản và Sở Tài nguyên môi trường đã được thống nhất về một đầu mối là Sở Tài nguyên và môi trường.

Công tác quản lý kết cấu hạ tầng đô thị trước đây chưa phân định thẩm quyền, trách nhiệm rõ giữa Sở Giao thông vận tải và Sở Di sản thế giới, nay đã thống nhất giao Sở Giao thông vận tải đảm nhiệm công tác này.

Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn những năm qua đã có sự tham gia của Sở Nông lâm nghiệp và Sở Giao thông vận tải và có những chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ. Sau khi cải cách hành chính, tỉnh Luông Pha Bang đã quyết định Sở Nông lâm nghiệp sẽ là cơ quan có chức năng, nhiệm vụ trong quá trình hoạch định, thực hiện phát triển cơ sở hạ tầng tại nông thôn.

Công tác xuất nhập khẩu nông sản trước đây chưa có quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ giữa Sở Nông lâm nghiệp với Sở Công thương. Để khắc phục tình trạng này, Luông Pha Bang đã trao cho Sở Nông lâm nghiệp thực hiện.

Hiện nay, tỉnh đã khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lặp hoặc phân công chưa rõ ràng việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực; đồng thời làm rõ những nhiệm vụ mới cần bổ sung, những công việc đã được chuyển giao hoặc còn chồng chéo giữa các cơ quan cùng cấp, làm rõ những công việc cần được phân cấp, chuyển giao cho chính quyền cấp huyện, tạo điều kiện vừa tinh gọn bộ máy, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thứ hai, phân cấp, phân quyền các cấp

Việc thực hiện phân cấp quản lý nhà nước ở tỉnh Luông Pha Bang những năm qua được thể hiện rõ qua những nội dung sau: 

-Về công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý như Chủ tịch huyện, giám đốc Sở như trước đây phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và thẩm quyền bổ nhiệm các trưởng phòng thuộc sở, các trưởng phòng thuộc chính quyền huyện do Bộ trưởng quyết định, hiện nay đã được trao quyền quyết định cho Tỉnh trưởng.

-  Đối với việc phân cấp quản lý cán bộ công chức cấp huyện tỉnh Luông Pha Bang đã tiến hành phân cấp quản lý cán bộ công chức cho huyện qua quy định Huyện trưởng ký quyết định bổ nhiệm cơ cấu nhân sự của cấp mình thay vì như trước đây phải trình Tỉnh trưởng ký quyết định.

-  Trong công tác phân cấp quản lý về đầu tư, tỉnh Luông Pha Bang đã được Trung ương phân cho quản lý dự án đầu tư từ 3-15 tỷ kíp và cấp huyện là từ 2 tỷ kíp trở xuống thay vì như trước đây việc quản lý các khoản đầu tư từ 5 tỷ kíp trở lên đều do Trung ương quản lývà tỉnh ít có thẩm quyền trong việc này.

Thứ ba, sắp xếp bố trí cơ cấu tổ chức

Tỉnh Luông Pha Bang đã chú trọng việc nhập một số phòng, ban thuộc chính quyền tỉnh vào các cơ quan, tổ chức cụ thể như: chuyển Phòng Thúc đẩy sự tiến bộ phụ nữ vào Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; phòng Phòng chống ma túy tỉnh vào Bộ chỉ huy an ninh tỉnh; Hội chữ thập đỏ tỉnh sang Sở Lao động và phúc lợi xã hội tỉnh; phòng Phát triển nông thôn vào Sở Nông - Lâm nghiệp tỉnh và phòng Xây dựng cơ sở chính trị vào Văn phòng chính quyền tỉnh.

Tỉnh Luông Pha Bang đã sáp nhập các phòng, ban trong 2 cơ quan là Sở Nội vụ và Sở Lao động và phúc lợi xã hội. Cụ thể như sau: 

Sở Nội vụ tỉnh đã tiến hành sáp nhập 6 phòng thành 3 phòng, đó là Phòng Chính quyền địa phương, Phòng Bản đồ thành Phòng Chính quyền địa phương và bản đồ, Phòng Quản lý dân số, Phòng Quản lý dân tộc và tôn giáo thành phòng Quản lý dân số -  Dân tộc và tôn giáo; Phòng Thi đua khen thưởng và Phòng Lưu trữ thành Phòng Thi đua khen thưởng và lưu trữ.

Sở Lao động và phúc lợi xã hội tỉnh cũng sáp nhập 2 phòng là Phòng Tổ chức, Phòng Thanh tra thành Phòng Tổ chức và thanh tra. Việc sáp nhập 8 phòng thành 4 phòng ở 2 sở nêu trên đã giúp giảm số lượng các phòng, trụ sở, giảm số lượng cán bộ, công chức, nhân viên; giảm chi ngân sách nhà nước; đồng thời góp phần giúp hoạt động của các phòng được nâng cao chất lượng hiệu quả hơn, đảm bảo được những yêu cầu trong công tác quản lý tại địa bàn tỉnh Luông Pha Bang giai đoạn hiện nay.

Tỉnh Luông Pha Bang đã giải thể phòng Quản lý thiên tai trực thuộc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh. Việc này xuất phát từ thực tiễn hoạt động của Phòng không đáp ứng yêu cầu thực tiễn do khi tỉnh có vấn đề thiên tai chủ yếu do lực lượng công an, quân đội tiến hành cứu trợ, giải quyết sau cứu trợ thiên tai. Do vậy, việc giải thể Phòng Quản lý thiên tai vừa giúp cho bộ máy các cơ quan gọn nhẹ hơn, giảm số lượng cán bộ, công chức cũng như tiết kiệm chi ngân sách.

Thành lập phòng mới trong các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, xuất phát từ thực tiễn quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như yêu cầu về việc thực hiện một số công tác chuyên môn, bộ máy hành chính nhà nước cấp tỉnh ở tỉnh Luông Pha Bang cần thành lập thêm một số phòng mới. Trong đó, Văn phòng chính quyền tỉnh đã thành lập Phòng xây dựng cơ sở chính trị và Sở thông tin, văn hóa và du lịch thành lập thêm Phòng phát triển du lịch.

Có thể thấy, việc thực hiện chủ trương sắp xếp lại BMHC nhà nước ở tỉnh Luông Pha Bang đã đạt được những thành quả ban đầu. Trong thực hiện cải cách bộ máy cũng như việc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn ở 14 cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh cho thấy có 3 sở là Sở Nội vụ, Sở Lao động và phúc lợi xã hội, Sở Tài nguyên và môi trường giảm 5 phòng thuộc sở; hai sở tăng thêm 2 phòng là Sở Thông tin, văn hóa và du lịch, Văn phòng Chính quyền tỉnh.

Hiện nay, bộ máy hành chính nhà nước ở tỉnh Luông Pha Bang có 1 Tỉnh trưởng, 2 Phó Tỉnh trưởng và 18 sở, 3 cơ quan tương đương sở, không còn các phòng, ban thuộc chính quyền tỉnh. Cùng với việc sắp xếp cơ cấu tổ chức, bộ máy hành chính đã coi trọng công tác bố trí, sắp xếp lại cán bộ, công chức sau sáp nhập đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nhờ đó, công tác quản lý cán bộ, công chức từng bước được nâng cao, công tác tuyển dụng công chức thông qua thi tuyển đi vào nền nếp và phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tỉnh đã chủ động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức bằng nhiều hình thức ở trong và ngoài nước nhằm đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn và quy hoạch đặt ra, bảo đảm cả về số lượng lẫn chất lượng. Đa số cán bộ công chức có đủ năng lực chuyên môn, vững chắc về phẩm chất, đạo đức cách mạng, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đề ra, nhất là trong chấp hành Luật Cán bộ, công chức.

Nguyên nhân của ưu điểm

Thứ nhất, là do có chủ trương đường lối đúng đắn và sự chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, toàn diện của Đảng, Nhà nước nên công tác cải cách hành chính ở tỉnh Luông Pha Bang đi đúng hướng và góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo tiền đề quan trọng trong nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; bộ máy hành chính nhà nước cấp tỉnh từng bước được nâng cao, trong sạch, minh bạch, hoạt động có chất lượng.

Thứ hai, có sự đoàn kết thống nhất cao và sự nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh cũng như lãnh đạo các sở, cơ quan tương đương sở đã tích cực phát huy được hiệu quả trong chỉ đạo, lãnh đạo cũng như đôn đốc các cơ quan hành chính nhà nước xây dựng các dự án, chương trình hành động, có kế hoạch cụ thể rõ ràng.

Thứ ba,có sự chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, toàn diện của lãnh đạo tỉnh. Ban phụ trách cải cách của tỉnh thường xuyên quan tâm nghiên cứu cải cách bộ máy tổ chức, dám làm và dám chịu trách nhiệm, làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy thành quả thực tiễn của công việc làm thước đo, cải cách đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn của phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tư,đội ngũ cán bộ, công chức cơ bản được bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức cách mạng, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn công tác; phần lớn cán bộ công chức có ý thức tự giác, chủ động, có trách nhiệm cao, tập trung mọi khả năng, sức lực, trí tuệ trong thực thi nhiệm vụ.

2. Một số khó khăn, hạn chế trong cải cách hành chính ở Luông Pha Bang

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính ở tỉnh Luông Pha Bang thời gian qua gặp không ít khó khăn như:

Hệ thống văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy còn phức tạp, gồm nhiều hình thức, văn bản do nhiều cơ quan thẩm quyền ban hành. Thí dụ như đánh giá tổng thể cơ cấu tổ chức của một sở thì phải căn cứ xem xét rất nhiều văn bản từ luật, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của các Bộ; các văn bản này lại được ban hành ở các thời điểm khác nhau nên rất khó trong quá trình theo dõi và tổ chức thực hiện.

Các quy định về tổ chức bộ máy của cơ quan cấp tỉnh, cơ bản là các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ chủ quản quy định và áp dụng chung cho các cơ quan trực thuộc Sở. Do vậy, chưa phân biệt được sự khác biệt về điều kiện, quy mô, phạm vi hoạt động và tính đặc thù để xác định tổ chức bộ máy thuộc sở có tính khác biệt giữa các cơ quan chuyên môn cho phù hợp và hiệu quả.

Chính quyền tỉnh khi xây dựng và thực hiện định hướng sáp nhập, giải thể một số phòng nào đó thì vướng mắc bởi các quy định của nghị định, thông tư quy định về tổ chức bộ máy của Bộ chủ quản, nên trong quá trình thực hiện phải xin ý kiến và được sự đồng ý của Bộ chủ quản thì mới được thực hiện. Trong khi theo căn cứ pháp lý tại Điều 77 của Hiến pháp (2015) và Điều 12 của Luật chính quyền địa phương, đã trao thẩm quyền cho HĐND tỉnh việc quyết định thông qua thành lập, giải thể cơ cấu tổ chức các sở, cơ quan tương đương cấp sở. Do vậy, khi thực hiện rất khó khăn.

Việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước chưa thật sự phù hợp và đồng bộ với cải cách thể chế kinh tế nên việc thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong của sở, cơ quan tương đương cấp sở chưa được chủ động, do hướng dẫn của Bộ Nội vụ về vị trí việc làm chưa thật rõ ràng cụ thể, do đó quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc, lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc sáp nhập của các phòng thuộc sở trong thời gian qua thực chất chỉ mang tính cơ học, chưa đáp ứng được mục tiêu của cải cách bộ máy hành chính nhà nước cấp tỉnh.

Công tác đánh giá cán bộ, công chức tại các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh thời gian qua chưa phản ánh chính xác về năng lực và kết quả thực hiện nhiêm vụ, do các tiêu chí đánh giá còn chung chung, mang tính định tính và áp dụng cho nhiều đối tượng, nhiều nhóm công chức. Do vậy, có những cán bộ, công chức mặc dù thiếu bằng cấp, tiêu chuẩn bổ nhiệm hoặc vi phạm phẩm chất đạo đức vẫn được xem xét, cất nhắc bổ nhiệm. Bên cạnh đó, công tác quản lý biên chế công chức ở các sở, tương đương nhìn chung được thực hiện cơ bản là thống nhất, chặt chẽ; việc xác định xây dựng đề án vị việc làm, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức đã và đang thực hiện bước đầu có hiệu quả nhưng tiến độ triển khai còn chậm.

Nguyên nhân của hạn chế

Sự hiểu biết của lãnh đạo ở một số sở về cải cách BMHC nhà nước chưa sâu, việc quán triệt chỉ đạo, tuyên truyền và tổ chức thực hiện ở một số sở chưa quyết liệt, khi tiến hành rà soát lại chức năng nhiệm vụ muốn giữ nguyên bộ máy, biên chế; tình trạng cục bộ, nể nang, né tránh, tâm lý ngại va chạm vì lợi ích nhóm, lợi ích riêng của ngành, cơ quan; còn tình trạng khi giải thể hoặc sáp nhập khó bố trí sắp xếp nhân sự, chưa có biện pháp tổ chức triển khai tích cực dẫn đến kết quả thấp so với mục tiêu đề ra. Cán bộ, công chức phụ trách kinh nghiệm chưa cao, không có trình độ chuyên môn sâu về cải cách bộ máy.

Một số lãnh đạo cơ quan, tổ chức còn thiếu mạnh dạn, quyết tâm chính trị chưa cao, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo chưa phù hợp, nên việc bố  trí, sắp xếp cán bộ, công chức chưa hợp lý. Công tác đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước cấp tỉnh ở một số sở thiếu quyết liệt, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, tinh giản biên chế phần lớn chỉ tập trung giảm số lượng theo vị trí việc làm; công tác triển khai đề án quy định vị trí việc làm ở một số sở còn chậm.

Chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn để thành lập tổ chức hoặc giải thể bộ máy, tiêu chí xác định số lượng cấp phó trong tổ chức hành chính nhà nước, dẫn đến thiếu thống nhất khi thực hiện. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là tinh giản biên chế, không thành lập thêm tổ chức nhưng ở một số sở vẫn đề nghị bổ sung, thành lập thêm. Đổi mới công tác cán bộ chưa có bước đột phá, đánh giá cán bộ chung chung, chưa có tiêu chí cụ thể và biện pháp để khắc phục. Cán bộ công chức nữ chưa thật sự được quan tâm đúng mức.

Không ít cán bộ, công chức vô cảm, quan liêu, tham nhũng, thậm chí hách dịch với người dân, việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt và thực thi chính sách khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức chưa thật sự minh bạch. Không ít công chức không thạo việc, một số cán bộ có đủ bằng cấp, chứng chỉ, đáp ứng tiêu chuẩn bổ nhiệm nhưng trình độ không tương xứng với đòi hỏi thực tiễn.

Tài liệu tham khảo

  1. Phòng cải cách hành chính: Báo cáo tổng kết công tác cải cách bộ máy hành chính của tỉnh Luông Pha Bang giai đoạn 2016-2020, Sở Nội vụ tỉnh Luông Pha Bang, 2020.
  2. Sở Nội vụ tỉnh Luông Pha Bang: Thống kê cán bộ công chức năm 2015-2020 của Sở Nội vụ tỉnh Luông Pha Bang, Luông Pha Bang, 2020.

 

TS Nguyễn Thị Thanh Dung,

 

 Viện Chính trị học,

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Vong Thong Phengsavanh,

 Học viên Lào tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền